5 điều cần biết về biện pháp tránh thai khẩn cấp

Biện pháp tránh thai khẩn cấp được sử dụng sau quan hệ tình dục không an toàn hoặc sau quan hệ tình dục có sử dụng biện pháp tránh thai nhưng không hiệu quả. Hai loại biện pháp tránh thai khẩn cấp chính là viên uống tránh thai khẩn cấp (Emergency contraceptive pills – ECPs) và dụng cụ tử cung (Intrauterine device – IUD) chứa đồng.

Cũng như các phương pháp điều trị khác, bạn có thể thắc mắc liệu biện pháp tránh thai khẩn cấp có an toàn không. Hãy đọc tiếp để tìm hiểu về sự an toàn của cả hai biện pháp này.

Viên uống tránh thai khẩn cấp

Viên uống tránh thai khẩn cấp (ECPs), còn được gọi là “viên thuốc sáng hôm sau”, là thuốc chứa hormon.  Hàm lượng hormon cao ở trong thuốc có tác dụng tránh thai. Tùy thuộc vào loại thuốc mà bạn sử dụng, ECPs sẽ phải được dùng trong vòng ba hoặc năm ngày kể từ ngày giao hợp không an toàn. Các loại thuốc này chứa hormon levonorgestrel hoặc hormone ulipristal.

Bác sĩ James Trussell, Phó Giáo sư tại Đại học Princeton và là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản cho biết: “Đây là những loại thuốc đặc biệt an toàn”. Ông đã tích cực thúc đẩy việc phổ biến rộng rãi hơn các biện pháp tránh thai khẩn cấp.

“Không có trường hợp tử vong nào liên quan đến việc sử dụng ECPs. Lợi ích của việc có thể tránh thai sau khi quan hệ tình dục vượt trội hơn bất kỳ nguy cơ nào có thể xảy ra khi uống thuốc”.

Dụng cụ tử cung chứa đồng

Dụng cụ tử cung (IUD) chứa đồng, còn được gọi là vòng tránh thai chứa đồng, là một dụng cụ nhỏ hình chữ T, không chứa hormon. Nó được bác sĩ đặt vào tử cung. Nó vừa có tác dụng tránh thai khẩn cấp, vừa có tác dụng tránh thai lâu dài. Để hoạt động như một biện pháp tránh thai khẩn cấp, nó phải được đặt trong vòng năm ngày kể từ ngày quan hệ tình dục không an toàn. Bác sĩ có thể tháo IUD sau kỳ kinh tiếp theo hoặc có thể được giữ lại để sử dụng làm biện pháp tránh thai lâu dài trong tối đa 10 năm.

IUD vừa là biện pháp tránh thai khẩn cấp, vừa là biện pháp tránh thai lâu dài. Nguồn ảnh:https://www.theverge.com/IUD vừa là biện pháp tránh thai khẩn cấp, vừa là biện pháp tránh thai lâu dài. Nguồn ảnh:https://www.theverge.com/ IUD chứa đồng được cho là rất an toàn. Nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ, IUD có thể đâm xuyên qua thành tử cung trong quá trình đặt vòng. Ngoài ra, IUD chứa đồng làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu trong ba tuần đầu tiên sử dụng.

Tuy nhiên, những rủi ro này rất hiếm. Bác sĩ có thể quyết định lựa chọn giữa lợi ích của việc đặt IUD chứa đồng và những rủi ro có thể xảy ra. 

Sự an toàn của cả hai biện pháp

Những người nên tránh sử dụng hai biện pháp này

Một số phụ nữ nên tránh sử dụng IUD chứa đồng. Ví dụ, phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng vì nó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, những phụ nữ có các tình trạng sau cũng nên tránh, bao gồm:

  • Tử cung biến dạng
  • Viêm nhiễm vùng chậu
  • Viêm nội mạc tử cung sau khi mang thai hoặc sảy thai
  • Ung thư thân tử cung
  • Ung thư cổ tử cung
  • Chảy máu bộ phận sinh dục không rõ nguyên nhân
  • Bệnh Wilson
  • Nhiễm trùng cổ tử cung
  • IUD cũ chưa được tháo ra

Một số phụ nữ không nên sử dụng ECPs, đó là những người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc những người dùng các thuốc làm giảm tác dụng của ECPs, chẳng hạn như thuốc an thần và hoa ban âu (St. John’s wort – một loài hoa có thành phần hóa học chính là hyperforin). Nếu bạn đang cho con bú, bạn không nên sử dụng ECPs chứa ulipristal. Tuy nhiên, ECPs chứa levonorgestrel là an toàn đối với phụ nữ đang cho con bú.

Mối liên quan giữa ECPs và mang thai

ECPs có tác dụng ngăn cản quá trình mang thai, không phải để kết thúc một thai kỳ. Ảnh hưởng của ECPs chứa ulipristal đối với thai kỳ chưa được biết đến. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, không nên sử dụng khi đang mang thai. ECPs chứa levonorgestrel không hoạt động trong thời kỳ mang thai và sẽ không ảnh hưởng đến thai kỳ.

Ảnh hưởng của cân nặng đối với hiệu quả của ECPs

Tất cả các loại ECPs dường như đều kém hiệu quả hơn nhiều trên phụ nữ béo phì. Trong các thử nghiệm lâm sàng đối với phụ nữ sử dụng ECPs, phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (Body mass index – BMI) từ 30 trở lên mang thai nhiều hơn gấp ba lần so với phụ nữ không béo phì. ECPs chứa ulipristal có thể hiệu quả hơn đối với phụ nữ thừa cân hoặc béo phì so với ECPs chứa levonorgestrel.

Vì vậy, biện pháp tránh thai khẩn cấp tốt nhất cho phụ nữ thừa cân hoặc béo phì là IUD chứa đồng. Hiệu quả của IUD chứa đồng trong trường hợp tránh thai khẩn cấp cao hơn 99% trên mọi cân nặng.

Nguy cơ với các vấn đề tim mạch

Bác sĩ có thể yêu cầu không sử dụng viên uống tránh thai hàng ngày vì nguy cơ bị đột quỵ, bệnh tim, hình thành cục máu đông hoặc các vấn đề tim mạch khác. Tuy nhiên, sử dụng ECPs khác với sử dụng viên uống tránh thai hàng ngày. Việc sử dụng ECPs một lần không mang lại những rủi ro như sử dụng viên uống tránh thai hàng ngày.

Nếu bác sĩ yêu cầu tuyệt đối không sử dụng estrogen, bạn vẫn có thể sử dụng một trong các ECPs hoặc IUD chứa đồng. Tuy nhiên, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để tìm biện pháp tránh thai an toàn cho bạn.

Viên uống tránh thai hàng ngày sử dụng như một biện pháp tránh thai khẩn cấp

Viên uống tránh thai hàng ngày chứa levonorgestrel kết hợp với estrogen có thể được sử dụng như một biện pháp tránh thai khẩn cấp. Đối với biện pháp này, bạn sẽ phải uống một số lượng nhất định thuốc này ngay sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể trước khi sử dụng biện pháp này. 

Trao đổi với bác sĩ

Biện pháp tránh thai khẩn cấp có hai loại là ECPs chứa hormon với nhiều tên thương mại khác nhau và IUD không chứa hormon. Phụ nữ mắc một số bệnh lý nhất định không thể sử dụng các biện pháp này. Tuy nhiên, biện pháp tránh thai khẩn cấp nói chung là an toàn đối với đa số phụ nữ.

Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về biện pháp tránh thai khẩn cấp, hãy tìm lời khuyên của bác sĩ. Một số câu hỏi bạn có thể đặt ra là:

  • Biện pháp tránh thai khẩn cấp nào phù hợp nhất với tôi?
  • Tôi có mắc bệnh lý nào khiến biện pháp tránh thai khẩn cấp không an toàn cho tôi không?
  • Tôi có đang dùng loại thuốc nào có thể tương tác với ECPs không?
  • Biện pháp tránh thai lâu dài nào mà tôi có thể sử dụng?

Câu hỏi:

Tác dụng phụ của biện pháp tránh thai khẩn cấp là gì? 

Trả lời:

Cả hai biện pháp tránh thai khẩn cấp thường có ít tác dụng phụ. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của IUD chứa đồng là đau bụng và kinh nguyệt không đều, bao gồm ra máu.

Các tác dụng phụ phổ biến hơn của ECPs là ra máu âm đạo trong vài ngày sau khi sử dụng và chu kỳ kinh nguyệt không đều trong một hoặc hai tháng tiếp theo. Một số trường hợp có thể bị buồn nôn và nôn sau khi dùng ECPs. Nếu bị nôn ngay sau khi dùng ECPs hoặc có bất kỳ tác dụng phụ nào khác mà bạn lo lắng, hãy gọi cho bác sĩ để được tư vấn và điều trị.

Câu trả lời đại diện cho ý kiến của các bác sĩ. Tất cả nội dung đều mang tính chất cung cấp thông tin và không được coi là lời khuyên y tế.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!