Nhiễm giun kim: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Giun kim là một trong những loại giun phổ biến nhất ký sinh ở đường ruột của con người. Loài giun này có màu trắng và kích thước rất nhỏ, dài chưa đến 1.5 cm. Nhiễm giun kim còn được gọi là bệnh enterobiasis hoặc bệnh oxyuriasis.

Bệnh giun kim có thể lây lan dễ dàng, phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 10, những người sống, làm việc trong các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ và những người tiếp xúc thường xuyên, gần gũi với nhóm đối tượng này.

Video Bệnh nhiễm giun kim

Phương pháp điều trị hiệu quả khi bị nhiễm giun kim là dùng thuốc, mặc dù người bệnh có thể bị tái nhiễm. Các biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe rất hiếm khi xảy ra.

Các triệu chứng khi nhiễm giun kim 


Ngứa nhiều ở vùng hậu môn có thể gợi ý tới bệnh giun kim. Nguồn: mydr.com.auNgứa nhiều ở vùng hậu môn có thể gợi ý tới bệnh giun kim. Nguồn: mydr.com.au

Một số người bị nhiễm giun kim có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, có khả năng bạn hoặc con bạn đang bị mắc giun kim nếu bạn nhận thấy các biểu hiện như:

  • Ngứa nhiều và thường xuyên ở vùng hậu môn
  • Ngủ không yên giấc do bị ngứa hậu môn và khó chịu
  • Đau, phát ban hoặc kích ứng da xung quanh hậu môn
  • Nhìn thấy giun kim quanh khu vực hậu môn của trẻ
  • Nhìn thấy giun kim trong phân 

Nguyên nhân gây nhiễm giun kim

Bệnh giun kim rất dễ lây lan. Bạn có thể bị nhiễm giun kim do vô tình ăn hoặc hít phải trứng của nó. Trứng giun thường do người bị nhiễm bệnh phát tán ra trên những bề mặt hoặc vật thể xung quanh họ. Chu kỳ lây nhiễm bắt đầu bằng việc ăn phải những quả trứng siêu nhỏ này.

Khi trứng xâm nhập vào cơ thể bạn, chúng sẽ ở trong ruột cho đến khi nở ra thành giun và trưởng thành. Giun kim cái trưởng thành sẽ di chuyển vào đại tràng và chui ra ngoài hậu môn vào ban đêm để đẻ trứng ở các nếp da xung quanh hậu môn rồi sau đó quay trở lại đại tràng. Sự có mặt của những quả trứng này thường gây ngứa và kích ứng tại hậu môn. Khi bạn dùng tay gãi vào hậu môn, trứng giun sẽ được truyền sang các ngón tay và có thể tồn tại trong vài giờ trên đó. Nếu người mắc giun kim tiếp xúc với các đồ vật trong nhà như giường, quần áo, bệ ngồi toilet hoặc đồ chơi, trứng sẽ dính sang các đồ vật này và có thể tồn tại trên đó đến ba tuần.

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm và lây truyền trứng giun kim vì trẻ hay đưa trực tiếp đồ chơi hoặc các đồ vật khác bị nhiễm trứng giun vào miệng. Trứng giun cũng có lây lan trực tiếp từ ngón tay sang thức ăn hoặc nước uống. Mặc dù ít phổ biến nhưng người lớn cũng có thể hít phải trứng giun trong không khí khi giũ chăn ga gối đệm, khăn tắm hoặc quần áo bị nhiễm bẩn.

Đôi khi, trứng tại hậu môn có thể nở ra thành ấu trùng và di cư lại vào trong ruột - nơi mà chúng sinh ra. Điều này có thể khiến tình trạng nhiễm giun tiếp tục kéo dài vô thời hạn nếu không được điều trị.

Ai có nguy cơ bị nhiễm giun kim?

Trẻ em là đối tượng hàng đầu bị mắc giun kim. Nguồn: colgate.comTrẻ em là đối tượng hàng đầu bị mắc giun kim. Nguồn: colgate.com

Bệnh giun kim ảnh hưởng đến mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi và vùng miền. Vì trứng giun kim rất nhỏ nên chúng ta không thể nào tránh được những cá thể hoặc khu vực đã bị nhiễm bệnh. Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc giun kim, nhưng những nhóm người sau đây sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn:

  • Trẻ em đi học ở nhà trẻ, mẫu giáo hoặc trường tiểu học
  • Thành viên trong gia đình hoặc người chăm sóc của những người đã bị nhiễm giun
  • Những cá nhân sống trong các tổ chức hoặc nơi ở đông đúc khác, chẳng hạn như ký túc xá
  • Trẻ em hoặc người lớn không có thói quen rửa tay thường xuyên và cẩn thận trước khi ăn
  • Trẻ em có thói quen mút ngón tay cái 

Bạn có thể bị nhiễm giun kim từ vật nuôi không?

Con người là vật chủ duy nhất của giun kim. Vì vậy những vật nuôi như mèo hoặc chó không thể lây bệnh cho bạn và chúng cũng không thể bị nhiễm giun kim. 

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh giun kim?

Bác sĩ có thể dùng một miếng băng dán dán vào rìa hậu môn của trẻ rồi soi dưới kính hiển vi. Đây là phương pháp đáng tin cậy nhất để chẩn đoán nhiễm giun kim. Xét nghiệm này thường được làm vào sáng sớm trước khi trẻ đi vệ sinh và tắm rửa, do giun kim thường chui ra ngoài hậu môn đẻ trứng khi trẻ đang ngủ. 

Các biện pháp điều trị nhiễm giun kim

Xem chi tiết: Biện pháp điều trị giun kim tại nhà: Có hiệu quả hay không?

Bạn có thể tiêu diệt giun kim với sự trợ giúp của các loại thuốc đặc trị cũng như qua việc thực hiện vệ sinh nhà cửa.

Thuốc

Bệnh giun kim có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc uống.

Vì giun kim lây truyền từ người này sang người khác rất dễ dàng nên những người sống trong một gia đình có người bị nhiễm bệnh thường cần phải được điều trị cùng lúc để ngăn ngừa tái nhiễm. Những người chăm sóc và những người có tiếp xúc gần với người bị bệnh cũng nên được điều trị.

Các loại thuốc phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay để điều trị nhiễm giun kim là:

  • Mebendazole 
  • Albendazole 
  • Pyrantel pamoate 

Một đợt dùng thuốc thường bao gồm một liều ban đầu, tiếp theo là liều thứ hai sau đó hai đến ba tuần. Người bệnh có thể cần được áp dụng nhiều hơn một liệu trình để tiêu diệt hoàn toàn trứng giun kim. Kem hoặc thuốc mỡ có thể giúp làm dịu vùng da ngứa ở khu vực xung quanh hậu môn.

Vệ sinh nhà cửa

Vệ sinh nhà cửa thường xuyên là một biện pháp hữu hiệu trong điều trị và phòng ngừa nhiễm giun kim. Nguồn: lifehack.org Vệ sinh nhà cửa thường xuyên là một biện pháp hữu hiệu trong điều trị và phòng ngừa nhiễm giun kim. Nguồn: lifehack.org 

Bên cạnh việc dùng thuốc, một kế hoạch tổng vệ sinh và dọn dẹp nhà cửa có thể giúp bạn loại bỏ hoàn toàn trứng giun kim:

  • Hãy đảm bảo rằng người bị nhiễm bệnh và các thành viên khác trong gia đình thường xuyên rửa tay kỹ bằng nước ấm và xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn.
  • Khuyến khích các thành viên trong gia đình tắm rửa và thay quần áo lót vào mỗi buổi sáng.
  • Làm sạch móng tay và cắt ngắn.
  • Bỏ thói quen cắn móng tay.
  • Yêu cầu người bệnh hạn chế gãi vùng hậu môn.
  • Sử dụng nước nóng để giặt tất cả chăn ga gối đệm, khăn tắm, khăn mặt và quần áo. Sấy khô những vật dụng này bằng nhiệt độ cao.
  • Tránh giũ quần áo và chăn ga gối đệm để trứng giun kim không phát tán vào không khí.
  • Không cho trẻ tắm chung vì có thể làm trứng giun kim lây lan trong nước tắm.
  • Làm sạch kĩ bất kỳ bề mặt nào có thể bị nhiễm trùng, bao gồm đồ chơi, sàn nhà, mặt bàn và bệ ngồi trong nhà vệ sinh.
  • Hút bụi cẩn thận tất cả các khu vực được trải thảm.

Có phương thuốc cổ truyền nào hiệu quả trong trị bệnh giun kim không?

Không có nghiên cứu khoa học nào gần đây ủng hộ rằng các bài thuốc được lưu truyền trong dân gian có hiệu quả chống lại giun kim.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng một vài loại thảo dược như tỏi sống, dầu dừa hoặc cà rốt sống có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. 

Các biến chứng liên quan đến nhiễm giun kim

Hầu hết mọi người không gặp phải các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm giun kim. Trong một số trường hợp hiếm hoi, nếu không được điều trị, bệnh giun kim có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ở phụ nữ.

Giun kim cũng có thể đi từ hậu môn vào âm đạo, ảnh hưởng đến tử cung, ống dẫn trứng và các cơ quan vùng chậu khác. Điều này có thể dẫn đến một số bệnh nhiễm trùng khác, như viêm âm đạo và viêm nội mạc tử cung. Viêm nội mạc tử cung là tình trạng niêm mạc tử cung bị viêm nhiễm.

Ở số lượng lớn, giun kim có thể gây đau bụng và cướp đi một lượng đáng kể chất dinh dưỡng thiết yếu trong cơ thể, từ đó gây ra sụt cân, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. 

Các biện pháp phòng ngừa nhiễm giun kim

Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm và tái nhiễm giun kim là tuân thủ các thói quen vệ sinh được khuyến cáo và khuyến khích các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em cùng thực hiện.

Bạn có thể ngăn ngừa nhiễm giun kim bằng một số phương pháp sau:

  • Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn cũng như chế biến thức ăn. Đặc biệt cẩn thận sau khi đi đại tiện và thay tã. Đây là biện pháp phòng ngừa tốt nhất.
  • Giữ móng tay ngắn và sạch sẽ.
  • Ngăn trẻ nhỏ thực hiện những thói quen có thể lây lan trứng giun kim, chẳng hạn như cắn hoặc cào móng tay.
  • Tắm vào mỗi buổi sáng để loại bỏ trứng giun kim đọng lại qua đêm.
  • Thay quần áo và quần áo lót hàng ngày.
  • Sử dụng nước nóng trong máy giặt và không khí nóng trong máy sấy khi giặt chăn ga gối đệm, quần áo và khăn tắm có thể chứa trứng giun kim.
  • Giữ phòng đủ ánh sáng vào ban ngày vì trứng giun nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. 

Tầm nhìn dài hạn

Có thể diệt trừ giun kim bằng các loại thuốc và chế độ vệ sinh được khuyến cáo. Tuy nhiên, do trứng giun kim không thể nhìn thấy bằng mắt thường và rất dễ lây nhiễm nên có thể xảy ra tình trạng tái nhiễm. Người bệnh có thể tự bị tái nhiễm hoặc do nhiễm trứng từ người khác.

Nếu bạn bị tái nhiễm sau khi đã điều trị cho hộ gia đình của mình, các cá nhân và địa điểm bên ngoài gia đình bạn có thể là nguồn lây lan trứng giun chính trong trường hợp này. 

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!