Nấm Candida albicans và các bệnh nhiễm trùng khác

Candida albicans là một phần của hệ vi sinh tự nhiên sống trong cơ thể chúng ta, được tìm thấy trong đường tiêu hóa, miệng và âm đạo.

Nhiễm nấm Candida

Candida albicans là tác nhân phổ biến nhất gây nhiễm nấm ở người, bắt nguồn từ tiếng Latinh có nghĩa là "trắng" - lên men trắng khi được nuôi cấy trên đĩa. Trong trường hợp nhiễm trùng nhất định như tưa miệng, nấm Candida có thể tạo ra các mảng trắng.

Bài viết dưới đây giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bốn loại nhiễm trùng Candida phổ biến nhất. Phần tiếp theo, sẽ xem xét các bệnh nhiễm trùng hiếm gặp mà nấm Candida có thể gây ra.

Các loại nhiễm trùng Candida albicans

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Candida là nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng đường tiết niệu do nấm (UTIs). Nhiễm trùng do Candida thường xảy ra ở đường tiết niệu dưới hoặc trong một số trường hợp có thể lan lên thận.

Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng đường tiết niệu do Candida:

  • Đã điều trị một đợt kháng sinh.
  • Sử dụng ống thông tiểu.
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Suy giảm miễn dịch.

Triệu chứng

Nhiều người bị nhiễm trùng đường tiểu do Candida không có triệu chứng, nếu có triệu chứng, có thể bao gồm:

  • Tăng cảm giác buồn tiểu.
  • Cảm giác đau hoặc rát khi đi tiểu.
  • Đau bụng hạ vị.
  • Tiểu máu.

Điều trị

Điều trị chỉ được khuyến cáo cho những người có triệu chứng. Thuốc chống nấm fluconazole có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp.

Nếu đang đặt sonde tiểu nên được rút ra. 

Nhiễm nấm sinh dục

Nhiễm nấm candida âm đạo. Nguồn ảnh: jcarrbiomed.comNhiễm nấm candida âm đạo. Nguồn ảnh: jcarrbiomed.com

Candida albicans là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm nấm sinh dục.

Trong điều kiện bình thường, một loại vi khuẩn có tên là Lactobacillus giúp cho số lượng nấm Candida trong vùng sinh dục được kiểm soát. Tuy nhiên, khi mật độ Lactobacillus bị mất cân bằng do nguyên nhân nào đó, nấm Candida có thể phát triển quá mức và gây nhiễm trùng.

Một người có thể bị nhiễm nấm Candida sinh dục sau khi tham gia hoạt động tình dục, đặc biệt là quan hệ bằng miệng-bộ phận sinh dục.

Tuy nhiên, những người khỏe mạnh có thể bị nhiễm nấm Candida sinh dục, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như:

  • Đã dùng thuốc kháng sinh gần đây.
  • Mắc bệnh đái tháo đường không kiểm soát được.
  • Những người bị suy giảm miễn dịch.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Những người đang uống thuốc tránh thai hoặc điều trị bằng liệu pháp hormon.

Triệu chứng

Các triệu chứng của nhiễm nấm Candida sinh dục bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu.
  • Cảm giác ngứa hoặc đau trong hoặc xung quanh âm đạo.
  • Đỏ, kích ứng hoặc sưng tấy quanh âm đạo.
  • Tiết dịch âm đạo bất thường có thể như lỏng hoặc đặc màu trắng.
  • Phát ban xung quanh âm đạo.
  • Phát ban trên dương vật.

Nấm Candida có thể lây nhiễm sang bộ phận sinh dục nam nếu bạn tình của họ bị nhiễm nấm Candida âm đạo. Nhiễm trùng có thể không triệu chứng hoặc gây phát ban, ngứa rát quanh đầu dương vật.

Điều trị

Nhiễm nấm Candida sinh dục ở mức độ nhẹ hoặc trung bình có thể được điều trị bằng một đợt ngắn thuốc không kê đơn (OTC) hoặc kem chống nấm kê đơn, thuốc viên hay thuốc đặt âm đạo. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn một liều thuốc trị nấm đường uống, chẳng hạn như fluconazol.

Đối với những trường hợp nhiễm trùng phức tạp hơn, có thể cần điều trị thời gian dài dưới dạng kem, thuốc viên hoặc thuốc mỡ.

Nấm miệng

Mặc dù là một phần của hệ vi sinh trong miệng, nhưng nấm candida albican có thể gây nhiễm trùng nếu phát triển quá mức. Nhiễm trùng có thể từ miệng lan đến amidan và cả thành sau họng. Nếu tiến triển nặng có thể gây nấm thực quản.

Những người có nguy cơ cao bị nấm miệng bao gồm:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh hoặc corticosteroid.
  • Mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán hoặc không kiểm soát được.
  • Người bị suy giảm miễn dịch.
  • Những người đeo răng giả, đặc biệt là răng giả hàm trên.

Triệu chứng

Một số triệu chứng phổ biến của nấm miệng bao gồm:

  • Mảng trắng trong miệng có thể chảy máu khi chạm vào.
  • Cảm giác nóng hoặc đau miệng.
  • Đỏ trong miệng hoặc ở khóe miệng.
  • Khó ăn hoặc nuốt.
  • Mất vị giác.

Nếu tình trạng nhiễm nấm miệng không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm nấm Candida toàn thân, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Điều trị

Nấm miệng được điều trị bằng thuốc chống nấm dạng viên nén, dung dịch uống hoặc viên ngậm. Các loại thuốc được sử dụng bao gồm nystatin hoặc clotrimazole.

Một đợt điều trị fluconazole có thể được chỉ định trong những trường hợp nặng.

Nhiễm nấm Candida da

Nấm Candida có thể lây nhiễm sang da và niêm mạc. Nguồn ảnh: fungusfactfriday.comNấm Candida có thể lây nhiễm sang da và niêm mạc. Nguồn ảnh: fungusfactfriday.com

 Candida albicans là nguyên nhân thường gặp gây nhiễm nấm da, mặc dù các chủng Candida khác cũng có thể gây ra tình trạng này.

Những vùng da nóng ẩm hoặc nhiều mồ hôi là môi trường tốt cho nấm phát triển, ví dụ như nách, bẹn, da kẽ ngón tay và ngón chân, khóe miệng và vùng dưới vú.

Các yếu tố nguy cơ khác để phát triển nhiễm trùng da Candida bao gồm:

  • Mặc áo lót bó sát hoặc chất liệu tổng hợp.
  • Vệ sinh kém hoặc thay quần lót không thường xuyên kể cả việc thay tã cho trẻ sơ sinh không thường xuyên.
  • Dùng thuốc kháng sinh hoặc corticosteroid.
  • Mắc bệnh đái tháo đường.
  • Người suy giảm miễn dịch.

Triệu chứng

Triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm trùng da do nấm Candida là phát ban đỏ ở vùng da bị tổn thương.

Trong một số trường hợp, xuất hiện các tổn thương dạng phỏng nước. Da có thể trở nên dày hoặc tiết dịch màu trắng giống như sữa.

Điều trị

Các loại kem chống nấm thường được dùng để làm sạch nhiễm trùng da,  chứa các hoạt chất như clotrimazole, miconazole và econazole.

Một loại kem steroid cũng có thể được sử dụng để giảm ngứa hoặc sưng tấy. Da cũng cần được giữ khô ráo trong thời gian phục hồi.

Những trường hợp nhiễm trùng lan rộng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống fluconazole.

Nhiễm trùng Candida được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán nhiễm nấm Candida, trước tiên bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử và khai thác các triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể hỏi thêm thông tin về tiền sử bệnh tật, các loại thuốc gây suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc tiền sử dùng thuốc kháng sinh gần đây.

Nhiều trường hợp nhiễm nấm candida có thể được chẩn đoán thông qua khám sức khỏe.

Nếu không chắc chắn các triệu chứng bạn gặp phải do nhiễm nấm Candida hay không, bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm tại vị trí tổn thương, sau đó đem nuôi cấy để xác định loại vi sinh vật gây bệnh. Ví dụ, nếu nghi ngờ nhiễm nấm Candida huyết, bác sĩ sẽ lấy máu để xét nghiệm.

Xác định chủng Candida gây nhiễm trùng rất hữu ích giúp bác sĩ kê đơn thuốc chống nấm hiệu quả trong việc điều trị bệnh.

Các bệnh nhiễm trùng Candida khác

Nấm Candida albicans xâm nhập vào máu có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng không chỉ trong máu mà còn ở các cơ quan khác.

Giảm bạch cầu đa nhân trung tính - một yếu tố nguy cơ chính

Một yếu tố nguy cơ quan trọng để phát triển tình trạng nấm Candida xâm lấn hơn là giảm bạch cầu đa nhân trung tính khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.

Những người đang tiến hành hóa xạ trị điều trị ung thư, mắc bệnh bạch cầu hoặc các bệnh tủy xương khác khiến số lượng bạch cầu đa nhân trung tính trong máu giảm đáng kể

Những người bị giảm bạch cầu đa nhân trung tính và nhiễm nấm Candida xâm lấn có các khuyến nghị điều trị khác nhau.

Nhiễm nấm Candida huyết

Nhiễm nấm Candida huyết là một bệnh nhiễm trùng máu do các chủng Candida khác nhau gây ra, có thể phải điều trị kéo dài và gia tăng tỷ lệ tử vong do các bệnh lý đồng mắc.

Các yếu tố nguy cơ của nhiễm nấm Candida máu bao gồm:

  • Hệ thống miễn dịch suy giảm.
  • Sử dụng kháng sinh phổ rộng.
  • Tiến hành một cuộc phẫu thuật lớn.
  • Đặt sonde dạ dày hoặc sonde tiểu.

Triệu chứng

Các triệu chứng có thể giống với nhiễm trùng huyết do vi khuẩn như:

  • Sốt.
  • Suy thận.
  • Sốc.

Chẩn đoán và điều trị

Có thể chẩn đoán bệnh nấm Candida khi phân lập được nấm từ mẫu cấy máu.

Phác đồ điều trị phụ thuộc vào chủng Candida gây nhiễm trùng nhưng có thể bao gồm tiêm tĩnh mạch  fluconazole, caspofungin, micafungin hoặc amphotericin B. 

Viêm nội tâm mạc

Viêm nội tâm mạc là tình trạng nhiễm trùng màng trong tim bao gồm các buồng tim và van.

Viêm nội tâm mạc do nấm là một tình trạng rất nghiêm trọng có tỷ lệ tử vong cao. Candida albicans chiếm 24-46% các trường hợp viêm nội tâm mạc do nấm.

Yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm nội tâm mạc bao gồm:

  • Suy giảm miễn dịch.
  • Bất thường hoặc khuyết tật tim.
  • Sử dụng kháng sinh kéo dài.
  • Phẫu thuật tim mạch
  • Cấy ghép các thiết bị y tế trong cơ thể như sonde dạ dày, sonde tiểu hoặc van tim nhân tạo.

Triệu chứng

Các triệu chứng của viêm nội tâm mạc do nấm có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Ho
  • Khó thở
  • Đau toàn thân, đôi khi ở chi dưới.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán có thể khó khăn vì các triệu chứng giống với viêm nội tâm mạc do vi khuẩn.

Điều trị bằng cách tiêm tĩnh mạch fluconazole hoặc amphotericin B, đồng thời loại bỏ các dụng cụ y tế bị nhiễm nấm và có thể phẫu thuật loại bỏ nấm khỏi mô.

Viêm nội nhãn

Viêm nội nhãn do nấm có thể gặp trên trẻ suy giảm miễn dịch.   Nguồn ảnh: Healthline

Viêm nội nhãn do nấm có thể gặp trên trẻ suy giảm miễn dịch. Nguồn ảnh: Healthline

Viêm nội nhãn là tình trạng viêm bên trong mắt do nấm hoặc các nguyên nhân khác. Tình trạng này có thể dẫn đến mất thị lực. 

Candida albicans là chủng phổ biến nhất gây viêm nội nhãn, mặc dù Candida Tropicalis cũng có thể gây nhiễm trùng.

Các yếu tố nguy cơ của viêm nội nhãn là:

  • Nằm viện gần đây.
  • Phẫu thuật gần đây.
  • Suy giảm miễn dịch.
  • Đặt sonde dạ dày, sonde tiểu hoặc hoặc đường truyền tĩnh mạch.

Triệu chứng

Viêm nội nhãn có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt. Triệu chứng chính là viêm mắt, trong một số trường hợp, có thể xuất hiện mủ trong các mô của mắt.

Chẩn đoán và điều trị

Viêm nội nhãn có thể được chẩn đoán thông qua kiểm tra võng mạc và xét nghiệm phân tích mẫu dịch mắt.

Điều trị bao gồm amphotericin B với flucytosine. Fluconazole cũng có thể được chỉ định.

Viêm màng não

Viêm màng não là tình trạng viêm các màng bao quanh não và tủy sống. Viêm màng não do nấm xảy ra khi nấm di chuyển vào trong máu đến tủy sống. Viêm màng não do nấm do Candida thường mắc phải trong bệnh viện.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm màng não do nấm Candida bao gồm:

  • Suy giảm miễn dịch.
  • Sử dụng một số thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid.
  • Thực hiện phẫu thuật gần đây.

Triệu chứng

Các triệu chứng của viêm màng não do nấm bao gồm:

  • Đau đầu.
  • Cứng gáy.
  • Sốt.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Lú lẫn, giảm ý thức.

Chẩn đoán và điều trị

Nếu nghi ngờ viêm màng não do nấm, cần tiến hành chọc dịch não tủy (CSF) để nhuộm soi và nuôi cấy.

Thuốc điều trị viêm màng não do nấm Candida được khuyến cáo là amphotericin B kết hợp với flucytosine.

Nhiễm nấm Candida trong ổ bụng

Nhiễm nấm Candida trong ổ bụng hay  viêm phúc mạc do Candida là tình trạng viêm niêm mạc bên trong bụng do nấm.

Nhiễm nấm Candida trong ổ bụng phổ biến nhất là do Candida albicans, mặc dù các chủng Candida khác cũng có thể gây bệnh.

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh nấm Candida trong ổ bụng bao gồm:

  • Thực hiện phẫu thuật hoặc thủ thuật trong ổ bụng gần đây.
  • Thẩm phân phúc mạc.
  • Sử dụng kháng sinh.
  • Mắc bệnh đái tháo đường.

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh nấm Candida trong ổ bụng rất giống với viêm phúc mạc do vi khuẩn như:

  • Đau hoặc chướng bụng.
  • Sốt.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Mệt mỏi hoặc suy kiệt.
  • Tiêu chảy.
  • Giảm cảm giác thèm ăn.

Để chẩn đoán tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lấy dịch màng bụng để tìm nguyên nhân gây bệnh. Nếu Candida gây nhiễm trùng sẽ tìm thấy nấm trong dịch ổ bụng. 

Điều trị

Điều trị có thể bao gồm các loại thuốc chống nấm như:

  • Fluconazole.
  • Amphotericin B.
  • Caspofungin.
  • Micafungin.

Viêm tủy xương và viêm khớp do nấm

Viêm tủy xương do nấm trên phim X-quang. Nguồn ảnh: PinterestViêm tủy xương do nấm trên phim X-quang. Nguồn ảnh: Pinterest

Viêm tủy xương là một bệnh nhiễm trùng xương trong khi viêm khớp do nấm là bệnh nhiễm trùng do nấm gây bệnh trong ổ khớp. Cả hai tình trạng này đều có thể do các chủng Candida khác nhau gây ra, mặc dù hiếm gặp. Nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến hơn.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm tủy xương và viêm khớp do nấm, bao gồm:

  • Suy giảm miễn dịch.
  • Gãy xương hoặc thực hiện phẫu thuật chỉnh hình gần đây.
  • Đang đặt sonde hoặc đường truyền tĩnh mạch.
  • Mắc bệnh đái tháo đường.

Triệu chứng

Các triệu chứng của viêm tủy xương và viêm khớp do nấm gồm có đau hoặc sưng ở vùng tổn thương, có thể kèm theo sốt hoặc ớn lạnh. Những người bị viêm khớp do nấm gặp khó khăn lớn khi vận động khớp.

Để xác định tình trạng nhiễm nấm gây viêm tủy xương có thể cần sinh thiết xương và phân tích dịch khớp để xác định xem viêm khớp có phải do nhiễm nấm hay không.

Nếu nhiễm khuẩn huyết gây ra một trong hai tình trạng trên, nấm Candida cũng có thể được tìm thấy trong máu.

Điều trị

Điều trị có thể sử dụng thuốc chống nấm như amphotericin B và fluconazole.

Những điểm cần lưu ý

Thông thường, các chủng Candida là một phần của hệ vi sinh tự nhiên của đường tiêu hóa, da, âm đạo và không gây bệnh. Một số trường hợp, chẳng hạn như dùng kháng sinh kéo dài hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng nấm Candida.

Các bệnh nhiễm trùng Candida phổ biến nhất là nhiễm trùng âm đạo và da có tính chất khu trú và được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Nhiễm trùng Candida không được điều trị có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng toàn thân.

Nếu có các triệu chứng phù hợp với các triệu chứng của nhiễm nấm Candida, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!