Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về ký sinh trùng Plasmodium – thủ phạm gây nên căn bệnh sốt rét qua nội dung dưới đây.
Khái quát về ký sinh trùng sốt rét
Video: Bệnh sốt rét - nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, bệnh lý
Ký sinh trùng sốt rét thuộc loài Plasmodium và gồm có 5 chủng ký sinh:
- Plasmodium Falciparum: Loại gây bệnh chủ yếu với khoảng 70 - 80% số ca mắc sốt rét ở nước ta vì chúng sinh trưởng tốt tại vùng khí hậu nóng ẩm.
- Plasmodium Vivax: Có độ phổ biến thấp hơn, khoảng 20 - 30%, thường được phát hiện nhiều tại khu vực có khí hậu lạnh.
- Plasmodium Malaria: Hiếm gặp ở Châu Á do sinh trưởng kém tại môi trường nóng ẩm.
- Plasmodium Ovale: Loại này không xuất hiện tại Việt Nam.
- Plasmodium Knowlesi: Loại này mới được phát hiện, là một chủng ký sinh trùng sốt rét của khỉ có khả năng gây bệnh cho người.
Việt Nam hiện có 3 chủng ký sinh trùng sốt rét chủ yếu là P. falciparum, P.vivax và P.malariae. Cho đến nay, phương pháp phát hiện hình thể ký sinh trùng sốt rét bằng kỹ thuật lấy tiêu bản máu và nhuộm giemsa (Romanovski) vẫn đang được ứng dụng nhiều nhất để chẩn đoán và phân biệt hình thể các loài ký sinh thuộc chi Plasmodium.
Khi hút máu, muỗi cái Anopheles mang mầm bệnh sẽ lan truyền các thoa trùng, cùng với chất kháng đông trong nước bọt vào ký chủ người. Như vậy, quá trình phát triển và gây bệnh của ký sinh trùng sốt rét chủ yếu liên quan đến 2 ký chủ:
Trong cơ thể muỗi
Loại muỗi Anopheles khi hút phải máu người nhiễm ký sinh trùng sẽ vô tình nuôi dưỡng một lượng giao bào đực và cái, tạo nên các thoa trùng với số lượng lớn, tập trung chủ yếu tại tuyến nước bọt của muỗi.
Tốc độ sinh trưởng của ký sinh trùng sốt rét phụ thuộc rất lớn vào yếu tố môi trường. Nhiệt độ càng cao thì chu kỳ sinh trưởng của chúng càng nhanh. Ngược lại, ở nhiệt độ thấp hơn 14 độ C, chu kỳ sẽ ngừng lại.
Trong cơ thể con người
Thoa trùng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua những vết đốt của muỗi, sau khoảng 2 - 3 ngày lưu thông trong hệ tuần hoàn, chúng sẽ tập trung lại và phát triển tại gan.
Con đường truyền nhiễm ký sinh trùng
Bệnh lây theo đường muỗi đốt là chủ yếu, ngoài ra ký sinh trùng còn có thể lây qua đường máu (do truyền máu nhiễm ký sinh trùng sốt rét), lây từ mẹ sang con trong giai đoạn có thai hoặc chuyển dạ, sinh nở, có thể dẫn tới sinh non, sảy thai hoặc thai chết lưu. Trẻ sơ sinh bị mắc bệnh thường có tỷ lệ tử vong cao hoặc gặp nhiều biến chứng về sau này.
Vòng đời của ký sinh trùng sốt rét
Vòng đời cơ bản của ký sinh trùng sốt rét là như nhau ở tất cả các loài Plasmodium.
- Quá trình truyền bệnh bắt đầu khi muỗi cái Anopheles hút phải máu có chứa bào tử từ một người bị sốt rét.
- Các giao tử bên trong muỗi bắt đầu sinh sản và tạo ra các thoa trùng sau khoảng 1 - 2 tuần.
- Khi muỗi mang mầm bệnh đốt một người khác, thoa trùng được truyền vào bên trong cơ thể người, nhanh chóng đến gan và xâm nhập vào tế bào gan.
- Tại đây, các thoa trùng trưởng thành thành các thể phân liệt (schizonts).
- Sau đó, các thể phân liệt này vỡ ra và giải phóng các mảnh trùng (merozoites). Sự nhân lên của ký sinh trùng sốt rét trong gan được gọi là chu kỳ tiền hồng cầu.
- Các mảnh trùng di chuyển vào hồng cầu rồi bắt đầu quá trình nhân đôi vô tính, giai đoạn này là chu kỳ hồng cầu. Trong đó, các mảnh trùng phát triển thành thể tư dưỡng (trophozoites) rồi trưởng thành thành các thể phân liệt.
- Các thể phân liệt này vỡ ra và giải phóng các thoa trùng. Sau từ 48 đến 72 giờ, chúng làm vỡ tế bào hồng cầu và giải phóng thoa trùng vào huyết tương, gây ra các triệu chứng lâm sàng của sốt rét.
- Một số có thể biệt hóa thành thể hữu tính (các giao tử) khi vẫn còn trong giai đoạn hồng cầu. Khi đốt người, muỗi hút các giao tử đực và giao tử cái, bắt đầu quá trình sinh sản hữu tính, gọi là chu kỳ bào tử sinh.
- Trong dạ dày của muỗi, giao tử đực thâm nhập vào giao tử cái để tạo ra hợp tử.
- Các hợp tử sau đó biến đổi, dài ra, có khả năng di chuyển và phát triển thành trứng di động.
- Trứng di động chui qua mặt ngoài thành dạ dày của muỗi, phát triển thành thể trứng nang.
- Thể trứng nang phát triển, vỡ ra, làm giải phóng các thoa trùng.
- Các thoa trùng di chuyển đến tuyến nước bọt của muỗi, tại đây chúng sẵn sàng để được truyền vào vật chủ mới và tiếp tục vòng đời của trùng sốt rét.
Đối với một số loài như Plasmodium vivax và Plasmodium ovale, thoa trùng tồn tại một giai đoạn bất hoạt gọi là thể ngủ (hypnozoites). Nếu không được điều trị, thể ngủ có thể tồn tại ở gan trong nhiều tuần, thậm chí nhiều năm sau đó và sẽ gây tái phát sốt rét triệu chứng bằng cách xâm nhập vào dòng máu. Thể ngủ gần như không đáp ứng với hầu hết các thuốc điều trị sốt rét dùng để tiêu diệt ký sinh trùng trong máu.
Chu kỳ tiền hồng cầu (giai đoạn gan) trong vòng đời trùng sốt rét sẽ không xảy ra nếu bệnh lây truyền qua truyền máu, sử dụng chung kim tiêm hoặc do nguyên nhân bẩm sinh. Do đó, những phương thức lây truyền này không gây ra triệu chứng tiềm ẩn hoặc sự tái phát sau này.
Những triệu chứng lâm sàng của sốt rét xuất hiện khi các thoa trùng được giải phóng vào huyết tương trong giai đoạn hồng cầu. Nếu trầm trọng, sự tan máu có thể dẫn đến thiếu máu và vàng da, đây là gánh nặng cho lách để thực bào những hồng cầu nhiễm bệnh. Tình trạng thiếu máu thường nghiêm trọng hơn nếu nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum hoặc nhiễm Plasmodium vivax mạn tính.
Các giai đoạn tiến triển của bệnh
Các thể bệnh bao gồm sốt rét thường và sốt rét nặng. Thể sốt rét thường có tỷ lệ mắc phổ biến, triệu chứng bệnh thay đổi theo tiến triển của từng thời kỳ và không có biến chứng.
Thời kỳ ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh kéo dài tùy thuộc theo loại ký sinh trùng gây bệnh:
- Với Plasmodium Falciparum: 7 - 10 ngày.
- Với Plasmodium Vivax: 11 - 21 ngày, thậm chí thời gian ủ bệnh có thể lên đến một năm.
- Với Plasmodium Malaria: 20 ngày hoặc kéo dài đến vài tháng.
- Với Plasmodium Ovale: 11 ngày đến 30 ngày.
Thời kỳ khởi phát
Kéo dài khoảng 3 - 5 ngày với các triệu chứng mệt mỏi, ớn lạnh, nhức đầu, sốt nhẹ và ngày càng nặng hơn. Một số bệnh nhân có thể bị lên cơn sốt ngay từ đầu.
Thời kỳ toàn phát
Tại thời kỳ này, bệnh nhân có biểu hiện của những triệu chứng sốt rét điển hình, tiến triển 3 giai đoạn:
- Giai đoạn rét run: Bệnh nhân rét run toàn thân, mình nổi da gà, đắp nhiều chăn vẫn không hết rét. Da tái nhợt, lạnh toát, môi thâm tím... Giai đoạn này có thể kéo dài từ 1/2 giờ – 2 giờ.
- Giai đoạn sốt nóng: Cơn sốt rét run người, thân nhiệt có thể lên đến 39 – 40°C hoặc cao hơn, cơn sốt rét kèm đau đầu, mặt đỏ bừng, mạch nhanh, thở hổn hển, đau đầu, khát nước, da khô và nóng. Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến khoảng 3 giờ.
- Giai đoạn vã mồ hôi: Mồ hôi ra rất nhiều, thân nhiệt đột ngột giảm. Huyết áp tăng trở lại, mạch chậm dần và trở lại bình thường, bệnh nhân cảm thấy hồi phục dần và khỏe.
Đối với P. falciparum có thể gây sốt hàng ngày hoặc sốt cách nhật, với P. vivax thường 2 ngày sốt một cơn (sốt cách nhật), còn P. malariae thường 3 ngày sốt một cơn.
Ngoài cơn sốt đặc trưng như trên, một số bệnh nhân có thể gặp triệu chứng không điển hình như các thời kỳ không theo tuần tự, bệnh tiến triển nhanh đốt cháy giai đoạn.
Với thể sốt rét nặng, tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Phân loại tùy vào vị trí cơ quan bị tổn thương:
- Thể ác tính não: Bệnh nhân có những dấu hiệu thần kinh như rối loạn ý thức (li bì, cuồng sảng, vật vã,...) kèm sốt cao liên tục. Rối loạn tiêu hóa: Nôn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng cấp, đau đầu dữ dội, thiếu máu nặng,...
- Thể đái huyết sắc tố: Tan máu nặng, ồ ạt dẫn đến các dấu hiệu: tiểu ra máu, nước tiểu màu sậm, đen hoặc đỏ, thiếu máu nặng.
- Thể gan - mật: Vàng da, vàng mắt, gan to, phân và nước tiểu màu vàng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều hoặc thậm chí hôn mê.
- Thể tả: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn nước - điện giải, hạ thân nhiệt.
- Thể phổi: Khó thở, thở nhanh, tím tái, có thể khạc ra bọt màu hồng. Đáy phổi có nhiều ran ẩm, ran ngáy..
Phòng bệnh
Nhìn chung, sốt rét là căn bệnh nguy hiểm chưa có thuốc điều trị và vắc-xin đặc hiệu. Vì vậy, công tác phòng bệnh cần được chú trọng và chủ động thực hiện bằng những biện pháp như sau:
- Hạn chế nguy cơ tiếp xúc với muỗi: Duy trì thói quen ngủ màn, kể cả ban ngày. Ngoài ra, có thể thoa kem, xịt thuốc chống muỗi, đốt nhang đuổi muỗi hoặc sử dụng đèn bắt muỗi,...
- Vệ sinh sạch sẽ nơi sinh sống: Để hạn chế địa điểm cho muỗi cư ngụ và đẻ trứng. Những công việc cụ thể cần làm thường xuyên là phát quang cỏ cây, bụi rậm, lấp ổ gà, ổ vịt, lật úp hoặc đậy nắp các vật dụng có chứa nước như lu, gáo, lốp xe,...
- Phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực: Khi có đợt cao điểm bệnh sốt rét, đặc biệt là vào mùa mưa, người dân nên báo cho cơ quan chức năng để thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực, ngăn ngừa sự lây lan ký sinh trùng sốt rét.
- Để đảm bảo an toàn khi truyền máu cho bệnh nhân, người được lấy máu cần khai báo y tế cụ thể, rõ ràng, đặc biệt khi sống trong vùng sốt rét hoặc từng có tiền sử mắc bệnh truyền nhiễm.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ do ký sinh trùng sốt rét gây ra, bệnh nhân cần được chẩn đoán chính xác và chữa trị sớm nhất có thể để phòng ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong do sốt rét.
Xem thêm: