Giải SGK Địa 12 KNTT Bài 6: Dân số việt nam có đáp án

Giải SGK Địa 12 KNTT Bài 6: Dân số việt nam có đáp án

  • 32 lượt thi

  • 14 câu hỏi

  • 0 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Dân số là nhân tố quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân số Việt Nam có đặc điểm gì và những đặc điểm này có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta?

Xem đáp án

- Đặc điểm dân số:

+ Quy mô và gia tăng dân số: năm 2021 có 98,5 triệu người, xu hướng tăng chậm lại.

+ Cơ cấu dân số: cơ cấu theo giới tính khá cân bằng; cơ cấu theo tuổi biến đổi nhanh theo hướng giảm tỉ lệ nhóm trẻ em, tăng tỉ lệ nhóm cao tuổi; cơ cấu theo dân tộc dân tộc Kinh chiếm 85%, dân tộc thiểu số chiếm 15%; cơ cấu theo trình độ học vấn được nâng cao dần.

+ Phân bố dân cư: mật độ dân số 297 người/km2, có sự chênh lệch giữa các vùng.

- Ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội:

+ Thế mạnh: nhu cầu hàng hóa, dịch vụ lớn, tạo động lực phát triển, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư; nguồn lao động dồi dào; nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống.

+ Hạn chế: thách thức về an ninh lương thực, năng lượng, việc làm, y tế, giáo dục, tài nguyên, môi trường; chi phí an sinh xã hội; chênh lệch phát triển kinh tế giữa các vùng.


Câu 2:

Dựa vào thông tin mục 1, hãy trình bày quy mô và gia tăng dân số của nước ta.

Xem đáp án

- Năm 2021, nước ta có 98,5 triệu người, đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 8 châu Á và thứ 15 thế giới.

- Có hàng triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, luôn hướng về Tổ quốc.

- Quy mô dân số lớn, tiếp tục tăng lên nhưng có xu hướng tăng chậm lại, tỉ lệ tăng dân số giảm dần, từ 2,16% (1979) xuống chỉ còn 0,94% (2021).


Câu 3:

Dựa vào thông tin mục 2, hãy trình bày cơ cấu dân số của nước ta.

Xem đáp án

- Cơ cấu dân số theo giới tính khá cân bằng, năm 2021 tỉ lệ nam, nữ trong tổng số dân là 49,84% và 50,16% (99,4 nam/100 nữ). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, số trẻ sinh ra năm 2021 có tỉ lệ 112 bé trai/100 bé gái.

- Cơ cấu dân số theo tuổi: do mức sinh giảm, tuổi thọ tăng nên cơ cấu dân số theo tuổi của nước ta biến đổi nhanh theo hướng giảm tỉ lệ nhóm trẻ em, tăng tỉ lệ nhóm cao tuổi. Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng nhưng cũng đã bước vào thời kì già hóa dân số.

- Cơ cấu dân số theo dân tộc: nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 85%, các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15%. Các dân tộc sinh sống đan xen nhau khá phổ biến trên các vùng miền Tổ quốc. Các dân tộc có truyền thống đoàn kết, cùng nhau bảo vệ và xây dựng đất nước.

- Cơ cấu dân số theo trình độ học vấn: trình độ học vấn của người dân được nâng cao dần, năm 2021, tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 95,7%. Số năm đi học trung bình của dân số từ 25 tuổi trở lên là 9,1 năm. Trình độ học vấn có sự khác biệt đáng kể giữa thành thị với nông thôn và giữa các vùng.


Câu 4:

Dựa vào thông tin mục 3 và hình 6.3, hãy:

- Trình bày tình hình phân bố dân cư của nước ta.

- Xác định một số tỉnh, thành phố có mật độ dân số dưới 100 người/km2 và một số tỉnh, thành phố có mật độ dân số từ 1000 người/km2 trở lên (năm 2021).

Dựa vào thông tin mục 3 và hình 6.3, hãy:  - Trình bày tình hình phân bố dân cư của nước ta. (ảnh 1)
Xem đáp án

- Tình hình phân bố dân cư:

+ Năm 2021, mật độ dân số nước ta là 297 người/km2, cao gấp 5 lần mức trung bình thế giới và có sự chênh lệch giữa các vùng.

+ Vùng Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số lên tới 1091 người/km2, vùng Tây Nguyên mật độ dân số chỉ có 111 người/km2.

+ Dân cư nước ta chủ yếu sinh sống ở nông thôn, năm 2021, tỉ lệ dân nông thôn là 62,9%, tỉ lệ dân thành thị là 37,1% tổng số dân.

- Tỉnh, thành phố có mật độ dân số dưới 100 người/km2: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Kon Tum.

- Tỉnh, thành phố có mật độ dân số từ 1000 người/km2 trở lên: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, TP Hồ Chí Minh.


Câu 5:

Dựa vào thông tin mục II, hãy phân tích các thế mạnh và hạn chế về dân số của nước ta.

Xem đáp án

- Thế mạnh:

+ Dân số là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Quy mô dân số lớn dẫn đến nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

+ Quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số vàng nên nước ta có nguồn lao động dồi dào, đáp ứng đủ yêu cầu về nhân lực để phát triển nền kinh tế đa ngành và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

- Mức sinh thấp, dân số tăng chậm tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống dân cư.

- Hạn chế:

+ Quy mô dân số lớn và tăng lên hàng năm nảy sinh thách thức về an ninh lương thực, năng lượng; đảm bảo việc làm, giáo dục, y tế; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường,…

- Số lượng và tỉ lệ người cao tuổi ngày càng lớn, đòi hỏi tăng chi phí cho an sinh xã hội, dịch vụ y tế,…

- Phân bố dân cư chênh lệch lớn gây ra nhiều thách thức. Ở những khu vực dân cư tập trung, mật độ quá cao gây sức ép đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; quá tải trong việc đáp ứng nhu cầu về việc làm, dịch vu y tế, giáo dục,… Ngược lại, những khu vực dân cư thưa thớt, thiếu lao động để khai thác tài nguyên thiên nhiên, khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội.


Câu 6:

Dựa vào thông tin mục III, hãy nêu mục tiêu và giải pháp của chiến lược dân số ở nước ta hiện nay.

Xem đáp án

- Mục tiêu:

+ Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân 2,1 con/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ), giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng.

+ Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người.

+ Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lí.

+ Nâng cao chất lượng dân số: tăng tuổi thọ bình quân, nâng cao thể trạng người dân; phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

+ Thúc đẩy phân bố dân số hợp lí và bảo đảm quốc phòng an ninh.

+ Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Giải pháp:

+ Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số.

+ Đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về dân số và phát triển.

+ Phát triển mạng lưới dịch vụ nâng cao chất lượng dân số: tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình, tầm soát trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, sức khỏe người cao tuổi, phát triển giáo dục và đào tạo,…

+ Bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác dân số từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội.


Câu 7:

Dựa vào hình 6.1, hãy nhận xét và giải thích sự biến động số dân và tỉ lệ tăng dân số của nước ta giai đoạn 1979 – 2021

Dựa vào hình 6.1, hãy nhận xét và giải thích sự biến động số dân và tỉ lệ tăng dân số của nước ta giai đoạn 1979 – 2021 (ảnh 1)
Xem đáp án

Nhìn chung số dân và tỉ lệ tăng dân số của nước ta giai đoạn 1979 – 2021 đều có sự biến động, cụ thể:

- Số dân có biến động tăng đều qua các năm, từ 52,7 triệu dân năm 1979 lên 98,5 triệu dân năm 2021.

- Tỉ lệ tăng dân số có biến động xu hướng giảm: từ 2,16% năm 1979 giảm xuống chỉ còn 0,94% năm 2021.

Như vậy có thể thấy quy mô dân số Việt Nam tiếp tục tăng lên nhưng xu hướng đang tăng chậm lại, tỉ lệ tăng dân số giảm dần qua các năm do mức sinh giảm, dân số đang bước vào thời kì già hóa.


Câu 8:

Tìm hiểu, viết báo cáo ngắn về đặc điểm dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố dân cư) ở địa phương em
Xem đáp án

Đặc điểm dân số Hà Nội

Hà Nội hiện là thành phố đông dân thứ hai của cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) với dân số trung bình năm 2021 là 8.330.834 người, tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở mức 1,4%/năm. Trung bình mỗi năm, dân số Thủ đô tăng lên khoảng 200.000 người, tương đương với dân số của một huyện lớn.

Toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế, số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con. Đặc biệt, đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.

 

Mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so mật độ dân số cả nước. Tuy nhiên, mật độ dân số của Thủ đô lại không đồng đều giữa các quận nội thành và các huyện ngoại thành, dân cư chủ yếu tập trung đông tại các quận nội thành như: Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai… Theo một thống kê gần đây mật độ dân số của quận Đống Đa lên tới hơn 42.000 người/km2, con số này cao hơn gấp nhiều lần so với mật độ dân số trung bình của Hà Nội… Còn tại các huyện ngoại thành như Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ đức thì mật độ dân số chỉ khoảng dưới 1.000 người/km2, mật độ này lại thấp hơn nhiều so với mật độ trung bình của toàn Thành phố.

Dân số Hà Nội chủ yếu là người Kinh, chiếm tỷ lệ khoảng 99%, theo sau là người Mường, người Tày và các dân tộc thiểu số khác. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống xen kẽ với người Kinh ở tất cả 30 đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố, trong đó cư trú tập trung ở 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức.


Câu 9:

Lao động và việc làm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cả xã hội. Lao động nước ta có đặc điểm gì? Việc sử dụng lao động hiện nay ra sao? Giải pháp nào để giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ta?

Xem đáp án

- Đặc điểm lao động: nguồn lao động dồi dào, chất lượng lao động ngày càng được nâng lên, phân bố lao động khác nhau giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng.

- Việc sử dụng lao động hiện nay: theo ngành kinh tế, theo thành phần kinh tế, theo thành thị và nông thôn.

- Giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động: hoàn thiện chính sách, pháp luật; đẩy mạnh đào tạo, dạy nghề; tư vấn, thông tin về thị trường lao động, việc làm; xây dựng và thực hiện tốt hệ thống bảo hiểm xã hội; hợp tác quốc tế về lao động.


Câu 10:

Dựa vào thông tin mục I, hãy trình bày đặc điểm nguồn lao động của nước ta.

Xem đáp án

- Về số lượng lao động: nước ta có nguồn lao động dồi dào, năm 2021, lực lượng lao động là 50,6 triệu người, chiếm 51,3% dân số. Mỗi năm, nguồn lao động tăng thêm khoảng 1 triệu người.

- Về chất lượng lao động:

+ Lao động cần cù, sáng tạo, nhiều kinh nghiệm sản xuất trong các ngành nông – lâm – thủy sản, tiểu thủ công nghiệp,…

+ Chất lượng lao động ngày càng được nâng lên nhờ thành tựu phát triển kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo. So với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lao động nước ta còn hạn chế về thể lực, trình độ chuyên môn kĩ thuật và tác phong lao động công nghiệp. Năm 2021, tỉ lệ lao đọng được đào tạo từ sơ cấp trở lên đạt 26,2%.

+ Chất lượng lao động có sự phân hóa theo vùng, ĐB sông Hồng có tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo cao nhất cả nước (37% năm 2021).

+ Lao động năng động, dễ dàng tiếp thu khoa học – công nghệ hiện đại trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động và hội nhập quốc tế.

- Về phân bố lao động:

+ Năm 2021, lao động ở nông thôn là hơn 32 triệu người, ở thành thị là hơn 18 triệu người.

- ĐB sông Hồng có số lượng lao động lớn nhất cả nước (chiếm 22,5%), tiếp theo là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (20,7%), Đông Nam Bộ (19,6%).


Câu 11:

Dựa vào thông tin mục II, hãy phân tích tình hình sử dụng lao động theo ngành kinh tế, theo thành phần kinh tế, theo thành thị và nông thôn ở nước ta.

Xem đáp án

- Theo ngành kinh tế: cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp với đường lối phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: giảm tỉ lệ lao động trong khu vực nông – lâm – thủy sản; tăng tỉ lệ lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

- Theo thành phần kinh tế: cơ cấu lao động thay đổi theo hướng giảm tỉ lệ lao động khu vực kinh tế Nhà nước, tăng tỉ lệ lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

- Theo thành thị và nông thôn: bước sang thế kỉ XXI, đô thị hóa khá nhanh, tỉ trọng lực lượng lao động khu vực nông thôn giảm mạnh. Tỉ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn thường thấp hơn ở thành thị (tương ứng 17,5% và 41,1% năm 2021). Trình độ lao động ở nông thôn nước ta có xu hướng tăng lên nhờ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.


Câu 12:

Dựa vào thông tin mục III, hãy:

- Phân tích vấn đề việc làm ở nước ta.

- Nêu các hướng giải quyết việc làm ở nước ta.

Xem đáp án

- Vấn đề việc làm ở nước ta:

+ Việc làm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư tạo việc làm.

+ Hầu hết lao động nước ta có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm khá thấp. Khu vực thành thị thường có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn khu vực nông thôn.

+ Việc làm là một vấn đề kinh tế - xã hội lớn ở nước ta hiện nay. Các việc làm giản đơn còn phổ biến, những việc làm này có năng suất thấp, thu nhập không cao.

+ Những năm gần đây, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế đem lại cho người lao động ở nước ta nhiều cơ hội việc làm, nâng cao tay nghề và chất lượng lao động.

+ Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về việc làm.

- Hướng giải quyết việc làm ở nước ta:

+ Hoàn thiện chính sách, luật pháp về lao động nhằm khuyến khích, hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực đầu tư tạo việc làm.

+ Đẩy mạnh việc đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng lao động, bao gồm cả trình độ chuyên môn kĩ thuật, kĩ năng làm việc, tác phong công nghiệp.

+ Phát triển hệ thống tư vấn, thông tin về thị trường lao động, việc làm để kết nối thông tin lao động – việc làm nhanh nhất, giao dịch lành mạnh và hiệu quả.

+ Xây dựng và thực hiện tốt hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tích cực để người mất việc sớm trở lại làm việc.

+ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động.


Câu 13:

Dựa vào bảng 7.1, vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm phân theo ngành kinh tế của nước ta năm 2000 và năm 2021. Nêu nhận xét.

Dựa vào bảng 7.1, vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm phân theo ngành kinh tế (ảnh 1)
Xem đáp án

- Vẽ biểu đồ:

Dựa vào bảng 7.1, vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm phân theo ngành kinh tế (ảnh 2)

Biểu đồ thể hiện cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm phân theo ngành kinh tế của nước ta năm 2000 và năm 2021.

- Nhận xét: Nhìn chung cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm phân theo ngành kinh tế của nước ta năm 2000 và năm 2021 đã có sự thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng trong ngành nông – lâm – thủy sản, tăng tỉ trọng trong ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, cụ thể:

+ Tỉ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giảm từ 65,1% năm 2000 xuống chỉ còn 29,1% năm 2021, giảm 36%.

+ Tỉ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng trong ngành công nghiệp và xây dựng, tăng từ 13,1% năm 2000 lên 33,1% năm 2021, tăng 20%.

+ Tỉ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng trong ngành dịch vụ, tăng từ 21,8% năm 2000 lên 37,8% năm 2021, tăng 16%.


Câu 14:

Sưu tầm thông tin, tìm hiểu về một số ngành nghề mới có nhiều cơ hội việc làm ở nước ta.
Xem đáp án

1. Ngành Công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin là một ngành học "hot" đặc biệt, với xu hướng làm việc từ xa, khi các công ty dần chuyển qua hình thức làm việc trực tuyến, đã kéo theo nhu cầu tuyển dụng lập trình viên và kỹ sư phần mềm tăng cao. Ngành này đòi hỏi người học phải hội tụ nhiều yếu tố như: Chịu được áp lực công việc cao; Có kiến thức sâu rộng về kinh tế - xã hội và các lĩnh vực bổ trợ khác; Sáng tạo và tư duy khoa học; Thích ứng nhạy bén với tốc độ phát triển của lĩnh vực trên toàn cầu; Thành thạo ngoại ngữ… Có thể nói đây là một ngành học lý tưởng và đầy triển vọng trong tương lai. Bất cứ ngành công nghiệp nào cũng đều cần đến sự hiện diện của công nghệ thông tin, chính vì lý do đó mà ngành học này được dự báo vẫn tiếp tục hấp dẫn trong tuyển dụng.

2. Dịch vụ Y tế, chăm sóc sức khỏe

Thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang thay đổi qua từng ngày. Khách hàng hiện nay đang cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe riêng tư với chất lượng tốt hơn, đây cũng là một tín hiệu tốt tạo cơ hội việc làm cho nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn ngành học này trong những năm tới. Mức lương cơ bản của ngành này tại Việt Nam theo trang Cao Đẳng Việt Mỹ, rơi vào khoảng từ 6-15 triệu/tháng và còn tiếp tục tăng theo cấp bậc và kinh nghiệm của người làm.

3. Ngành Marketing

Tính tới năm 2025, ngành Marketing cần tới ít nhất 21.600 người. Ngành Marketing hiện thu hút được rất nhiều sự quan tâm của sinh viên bởi môi trường học năng động, cơ hội việc làm đa dạng, mức thu nhập tốt cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai. Ngành Marketing đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, và được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi. Rất nhiều các công ty và doanh nghiệp đang tích cực tuyển dụng nhân sự marketing với mức lương cao và đãi ngộ hấp dẫn.

4. Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng

Theo thống kê trong 3 năm tới, lĩnh vực Logistics cần khoảng 18.000 lao động. Tương lai của ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Theo Tổng cục Thống kê, mức lương khởi điểm của một nhân viên Logistics tại Việt Nam vào khoảng 350-500 USD/tháng; mức lương trung bình của vị trí Quản lý Logistics là 3.000-4.000 USD/tháng và Giám đốc Chuỗi cung ứng là 5.000-7.000 USD/tháng.


Bắt đầu thi ngay