Video: Khí hư âm đạo hay còn gọi là huyết trắng như nào là bất thường?
Khí hư như thế nào là bình thường?
Khí hư bình thường được tạo thành từ các tế bào biểu mô bề mặt âm đạo bị bong ra hàng ngày, dịch tiết từ cổ tử cung kèm vi khuẩn bề mặt trong âm đạo. Khí hư có hai cơ chế chính để bảo vệ âm đạo: hệ vi khuẩn chí bình thường trong âm đạo và độ pH acid trong âm đạo thích hợp giúp ngăn các vi khuẩn có hại phát triển.
Khoảng 30 loại vi khuẩn có thể được tìm thấy trong khí hư âm đạo bình thường, trong đó nhiều nhất là lactobacilli, chiếm tới 95%. Lactobacilli có nhiều loại, nhưng loại quan trọng nhất là loại sản xuất ra hydrogen peroxide (giống như hydrogen peroxide được sử dụng để làm sạch các vết xước trên bề mặt da bên ngoài). Hydrogen peroxide do lactobacilli tạo ra giúp giảm số lượng vi khuẩn có hại như E. coli (một loại vi khuẩn đường ruột phổ biến gây nhiễm trùng đường tiết niệu).
Trong một nghiên cứu (Mijac, 2006), những phụ nữ nhiễm nấm men vẫn có tỉ lệ lactobacilli có lợi gần tương đương với phụ nữ không bị nhiễm nấm (77% so với 80%). Ngược lại, phụ nữ nhiễm trichomonas có 63%, và những người bị viêm âm đạo do vi khuẩn chỉ có 25,6%! Trong tất cả các nhóm, phụ nữ hút thuốc có ít lactobacilli có lợi hơn những người không hút thuốc.
Nhiều người đã thử các biện pháp tại nhà khác nhau để tăng số lượng lactobacilli trong âm đạo. Một trong những cách đó là dùng sữa chua tự nhiên để thụt rửa hoặc bổ sung vi khuẩn vào tampon (loại băng vệ sinh hình trụ nhỏ đưa vào trong âm đạo). Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng loại lactobacilli trong sữa chua không đủ khả năng tạo ra hydrogen peroxide và bám vào màng âm đạo. Trong một nghiên cứu gần đây (Larsson, 2008) nhóm nghiên cứu đã cho một nửa nhóm phụ nữ bị viêm âm đạo do vi khuẩn dùng 10 ngày lactobacilli đông khô, một nửa dùng giả dược (không có thành phần lactobacilli nhưng được đóng gói giống hệt) dưới dạng viên nang âm đạo. Sau ba tháng điều trị, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng phương pháp điều trị bằng lactobacilli có hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa tái phát viêm âm đạo do vi khuẩn (khi điều trị sau thuốc kháng sinh lúc đầu).
Liên cầu khuẩn nhóm B, E. Coli và tụ cầu vàng (vi khuẩn da bình thường) được phát hiện trong khí hư thông qua nuôi cấy ở 631 phụ nữ, nhiều người trong số họ không có triệu chứng (Donder, 2002). Trong một nghiên cứu trên 141 bệnh nhân phẫu thuật đường sinh dục, tỉ lệ liên cầu nhóm B được tìm thấy trong khí hư âm đạo là 20% (Song, 1999). Điều này cho thấy nhiều loại vi khuẩn có thể cư trú trong âm đạo bình thường.
Ngoài ra, khí hư còn giúp duy trì độ pH trong âm đạo có tính axit nhẹ (pH 3,8-4,5) tạo mội trường không thuận lợi cho các vi khuẩn gây hại phát triển.
Tóm lại, khí hư bình thường có độ pH dưới 4,5, chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau, đa số là lactobacilli. Màu sắc và tính chất có thể thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt tùy thuộc vào nội tiết tố, sự thay đổi độ pH, tỉ lệ của các loài vi khuẩn và sự tiếp xúc với tinh dịch hoặc máu trong thời kì hành kinh.
Sự thay đổi của khí hư?
Trong số 26 phụ nữ được theo dõi suốt hai tháng, chỉ có bốn người duy trì tình trạng âm đạo “bình thường”. Tám người có sự phát triển quá mức của nấm men (“candida”) tuỳ từng thời điểm. Chín người bị viêm âm đạo do vi khuẩn theo đợt trong khi một người bị liên tục cả tháng. Điều đặc biệt là nhiều phụ nữ phàn nàn khí hư bất thường hoặc các dấu hiệu khác của viêm âm đạo, nhưng các triệu chứng này không tương ứng với kết quả xét nghiệm (Priestly, 1997). Theo nghiên cứu của Schewebke vào năm 1999, trong số 51 phụ nữ, 22% duy trì môi trường âm đạo “bình thường” với lượng lactobacilli cao, 78% còn lại có những thay đổi đáng kể nhưng thoáng qua trong hệ sinh thái âm đạo của họ.
Một nghiên cứu lớn hơn trên 1.193 phụ nữ đã được thực hiện trong ba năm. Khoảng 20% trong số đó phát hiện viêm âm đạo do vi khuẩn sau 6-12 tháng. Đáng ngạc nhiên là khoảng 20% những người bị viêm âm đạo do vi khuẩn khi bắt đầu nghiên cứu không còn bị bệnh ở lần tái khám tiếp theo.
Các nghiên cứu như vậy cho thấy rằng nhiều vi khuẩn và nấm men được tìm thấy trong khí hư âm đạo bình thường có thể phát triển quá mức và gây ra các triệu chứng hoặc có thể trở lại mức rất thấp mà chúng không gây ra tác hại.
Hormone có tác động làm thay đổi tính chất khí hư không?
Trong chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ hormone sinh dục nữ thay đổi theo từng gian đoạn. Chúng ta biết rằng estrogen tác động lên tế bào biểu mô âm đạo làm tăng sản xuất acid lactic, từ đó làm giảm độ pH. Tăng estrogen cũng là nguyên nhân làm tăng lượng dịch tiết cổ tử cung trong suốt, dai quanh thời kỳ rụng trứng. Sau khi rụng trứng, khí hư có xu hướng trở nên đặc hơn và có thể trông giống như hồ dán.
Ngược lại, ở một phụ nữ sau mãn kinh có nồng độ estrogen thấp, âm đạo của họ có nhiều khả năng chứa cầu khuẩn gram dương (ví dụ: tụ cầu vàng, tụ cầu da, liên cầu khuẩn nhóm A) và các trực khuẩn gram âm (ví dụ: proteus, E Coli). Độ pH trong âm đạo của họ kiềm hơn, có ít vi khuẩn lactobacilli có lợi hơn. Khi quan hệ tình dục, khí hư của họ cũng ít hơn do đó khả năng bôi trơn giảm đi. Một nghiên cứu (Gorodeski, 2005) cũng cho thấy tác động của estrogen lên môi trường âm đạo khác nhau tùy thuộc vào tuổi.
Ảnh hưởng của thụt rửa âm đạo đến khí hư?
Ở nhiều nghiên cứu, thụt rửa có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mắc viêm âm đạo do vi khuẩn nhưng một số nghiên cứu khác lại không thấy rõ ảnh hưởng của thụt rửa lên âm đạo. Thông thường phụ nữ sẽ thụt rửa để loại bỏ mùi hôi của âm đạo. Trong số 1200 phụ nữ được nghiên cứu, thụt rửa để vệ sinh, cũng như để hạn chế các triệu chứng như mùi hôi hay quá nhiều khí hư đều có chung tỷ lệ mắc viêm âm đạo do vi khuẩn. Thụt rửa mỗi tháng một lần làm tăng nguy cơ mắc viêm âm đạo do vi khuẩn. Đặc biệt những người đã thụt rửa trong tuần ngay trước khi làm xét nghiệm có tỉ lệ mắc cao nhất. Việc thụt rửa cũng làm giảm nồng độ vi khuẩn lactobacilli có lợi (Ness, 2002). Trong nghiên cứu gần đây hơn (Brotman, 2008) đã xác định rằng tỷ lệ mắc viêm âm đạo do vi khuẩn có thể giảm nếu phụ nữ hạn chế thụt rửa vì mục đích vệ sinh sau kỳ kinh nguyệt.
Trong số những người hành nghề mại dâm ở Kenya, những phụ nữ sử dụng bất kỳ hình thức thụt rửa âm đạo nào có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn so với những người không sử dụng sau 10 năm theo dõi. Nguy cơ cao nhất đối với những phụ nữ sử dụng xà phòng để làm sạch bên trong âm đạo thay vì dùng nước thông thường (McClelland, 2006).
Việc làm sạch âm hộ (với xà phòng, nước hoặc thuốc sát trùng) không tương ứng với tỷ lệ nhiễm nấm candida (nấm men) ở 1004 phụ nữ (Oliveira, 1993). Điều này cho thấy rằng các biện pháp vệ sinh bên ngoài không ảnh hưởng đến sinh thái âm đạo.
Các biện pháp tránh thai ảnh hưởng như thế nào đến khí hư?
Câu trả lời là tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Thuốc tránh thai không làm thay đổi số lượng lactobacilli có lợi, giữ độ pH ở khoảng 4,4 và không làm thay đổi độ dày của các tế bào biểu mô âm đạo (Eschenbach, 2000). Ngoài ra, nguy cơ nhiễm khuẩn thấp hơn khoảng 50% ở những người sử dụng thuốc tránh thai (Calzolari, 2000). Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm nấm men tăng lên khi sử dụng thuốc tránh thai (Baeten 2001, Fosch 2006).
Những phụ nữ đeo vòng âm đạo (NuvaRing) có cùng độ pH âm đạo như những người sử dụng thuốc tránh thai và những người bình thường, nhưng họ có thể có lượng hydrogen peroxide từ lactobacilli cao gấp 2-3 lần (Vernes, 2004). Một nghiên cứu đã chỉ ra một số loại nấm âm đạo có thể bám vào NuvaRing (Camacho, 2007), nhưng nguy cơ nhiễm nấm men tăng lên không được nói đến. Nếu một người sử dụng vòng âm đạo nhiễm nấm men, việc sử dụng thuốc chống nấm dạng kem hoặc viên đạn không làm giảm hiệu quả tránh thai của vòng âm đạo (Verhoeven, 2004).
Ngược lại, thuốc tiêm tránh thai (DepoProvera) có thể làm giảm vi khuẩn tạo ra hydrogen peroxide trong vòng sáu tháng sử dụng và cũng có thể làm giảm nhẹ độ dày biểu mô. Do đó làm giảm khả năng sản xuất acid lactic và pH âm đạo cao hơn (Miller, 2000). Những tác động này liên quan đến tác dụng của DepoProvera làm giảm nồng độ estrogen. Ở một số phụ nữ, nồng độ estrogen trong máu có thể bị giảm ảnh hưởng đến mật độ xương và gây ra các triệu chứng ở âm đạo - trong khi ở những người khác, nồng độ estrogen trong máu vẫn ở mức bình thường.
Việc sử dụng vòng tránh thai bằng đồng có liên quan đến việc gia tăng viêm âm đạo do vi khuẩn trong bốn nghiên cứu. Một nghiên cứu (Avonts, 1990), theo dõi phụ nữ trong hai năm, cho thấy 50% người sử dụng vòng tránh thai mắc viêm âm đạo do vi khuẩn so với 20% người dùng thuốc tránh thai. Gần đây hơn Ocak và cộng sự (2007), đã theo dõi phụ nữ đặt vòng tránh thai trong ba năm, kết quả tương tự cho thấy rằng viêm âm đạo do vi khuẩn phổ biến hơn trong nhóm đặt vòng tránh thai (11,7%) so nhóm dùng thuốc tránh thai (5,9%) hoặc nhóm không sử dụng phương pháp này (2,9%).
Khi sử dụng các phương pháp ngừa thai ngăn tiếp xúc (bao cao su, màng ngăn hoặc nắp cổ tử cung…), sẽ có một loạt các ảnh hưởng đến môi trường âm đạo. Bao cao su không có chất diệt tinh trùng không làm thay đổi pH âm đạo hoặc các thông số vi khuẩn. Bao cao su có thể bảo vệ âm đạo khỏi bất kỳ vi khuẩn nào có trong tinh dịch. Tuy nhiên, việc sử dụng chất diệt tinh trùng thông thường nonoxynol 9 có thể khiến người phụ nữ bị biến đổi bất thường về hệ vi khuẩn trong âm đạo. Khi được sử dụng với màng ngăn hoặc nắp cổ tử cung, chất diệt tinh trùng này có thể làm giảm nhanh chóng lactobacilli và làm tăng tỷ lệ vi khuẩn E. Coli, enteroccoccus và vi khuẩn gram âm kỵ khí (Gupta, 2000).
Bây giờ bạn sẽ có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn phù hợp với bản thân. Như mọi khi, đến khám tại phòng khám phụ khoa hoặc phòng khám kế hoạch hóa gia đình sẽ cho kết quả chẩn đoán và tư vấn chính xác nhất.
Xem thêm :