Kali Clorid là gì? Công dụng & liều dùng

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thông tin về thuốc Kali clorid tuy nhiên còn chưa đầy đủ. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thuốc này.

Video Tụt kali máu - coi chừng mất mạng 

Định nghĩa và công dụng của Kali Clorid 

Kali là một khoáng chất được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, có ảnh hưởng và cần thiết đến một số chức năng của cơ thể, đặc biệt là nhịp tim. 

Kali clorid được sử dụng để ngăn ngừa, điều trị khi nồng độ kali trong máu thấp (hạ kali máu). 

Nồng độ kali có thể thấp do mắc bệnh hay dùng một số loại thuốc hoặc sau một đợt ốm kéo dài kèm theo tiêu chảy và nôn mửa. 

Cảnh báo 

Xét nghiệm Kali máu giúp bác sĩ xác định hiệu quả dùng thuốc Nguồn: iStock Không nên sử dụng kali clorid nếu có lượng kali cao trong máu (tăng kali máu) hoặc khi đang dùng thuốc lợi tiểu giữ kali. 

Để chắc chắn rằng kali clorid có hiệu quả, sẽ thường xuyên phải xét nghiệm máu. Nhịp tim cũng có thể được kiểm tra bằng máy điện tâm đồ hoặc ECG (đôi khi được gọi là EKG) để đo hoạt động điện của tim nhằm giúp bác sĩ xác định thời gian điều trị kali cho bệnh nhân. Do đó, không nên bỏ bất kỳ lần khám nào với bác sĩ.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng kali có thể gây ra bao gồm nhịp tim không đều, yếu cơ, có cảm giác mềm nhũn, đau dạ dày nặng, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, miệng. Không tự ý ngừng dùng thuốc đột ngột mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ trước đó vì có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. 

Không nghiền nát, nhai, bẻ hoặc ngậm viên nén giải phóng nhanh hay viên nang quá lâu. Vì bẻ hoặc nghiền sẽ khiến thuốc tiết ra quá nhiều trong một thời điểm, còn ngậm có thể gây kích ứng miệng hoặc cổ họng. Nuốt toàn bộ thuốc khi uống cùng thức ăn hoặc ngay sau bữa ăn. 

Hướng dẫn sử dụng thuốc Kali Clorid  

Không nên sử dụng thuốc nếu bị dị ứng hoặc: 

  • Có lượng kali cao trong máu (tăng kali máu)
  • Dùng thuốc lợi tiểu giữ kali như amiloride, spironolactone hoặc triamterene

Để đảm bảo thuốc an toàn hãy cho bác sĩ biết nếu đã từng: 

  • Bị bệnh thận
  • Bị xơ gan hoặc các bệnh gan khác
  • Rối loạn tuyến thượng thận
  • Chấn thương mô lớn chẳng hạn như bỏng nặng 
  • Mất nước nghiêm trọng
  • Bị đái tháo đường
  • Bị bệnh tim hoặc huyết áp cao
  • Chảy máu dạ dày hoặc ruột 
  • Tắc nghẽn trong dạ dày hoặc ruột
  • Tiêu chảy mãn tính (như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn)

Vẫn chưa biết liệu thuốc có gây hại cho thai nhi hay không. Nhu cầu về liều lượng có thể sẽ khác trong thời kỳ mang thai nên hãy cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc cho con bú. 

Không tự ý đưa thuốc cho trẻ em dùng mà chưa có chỉ định của bác sĩ. 

Cách dùng Kali Clorid

Uống kali clorid chính xác theo chỉ định của bác sĩ. Làm theo tất cả các hướng dẫn sử dụng được cung cấp của thuốc. Đôi khi bác sĩ sẽ thay đổi liều lượng tùy theo tình trạng thực tế. 

Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan. 

Uống kali clorid với một cốc nước đầy, kèm với thức ăn hoặc ngay sau bữa ăn nếu thuốc làm rối loạn dạ dày. 

Đong thuốc dạng lỏng bằng ống tiêm định lượng, thìa đo liều đặc biệt hoặc cốc đựng thuốc được cung cấp. Nếu không có thiết bị đo liều, hãy hỏi lại dược sĩ về vấn đề này. 

Liên hệ bác sĩ nếu gặp khó khăn khi nuốt viên nang hoặc viên nén kali clorid. Có thể hòa tan thuốc trong nước hoặc trộn với thức ăn mềm. Cẩn thận làm theo sát các chỉ dẫn. 

Trộn dạng bột của thuốc với ít nhất một nửa cốc nước lạnh hoặc nước hoa quả trước khi dùng. Uống hết hỗn hợp trong vòng 5 đến 10 phút. Để đảm bảo uống hết liều, hãy cho thêm một ít nước vào ly đó, lắc nhẹ và uống ngay. 

Để chắc chắn rằng thuốc đang giúp cải thiện tình trạng, có thể cần phải làm xét nghiệm máu thường xuyên. Có nhiều trường hợp không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong các triệu chứng của mình, nhưng xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định được thời gian điều trị bằng kali clorua. Chức năng tim cũng cần được kiểm tra bằng máy ghi điện tâm đồ hoặc ECG (đôi khi được gọi là EKG) ngay cả khi không có triệu chứng nào. Các việc làm trên góp phần giúp bác sĩ xác định hiệu quả thuốc. 

Việc điều trị có thể yêu cầu một chế độ ăn uống đặc biệt. Thực hiện theo đúng kế hoạch ăn kiêng được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng tư vấn. Biết được danh sách các loại thực phẩm nên ăn hoặc tránh sử dụng sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh của bản thân.

Một số thực phẩm giàu kali. Nguồn: webmd.com

Những thực phẩm giàu kali bao gồm: bí, khoai tây nướng (cả vỏ), rau chân vịt, đậu lăng, bông cải xanh, cải Brussels, bí xanh, đậu tây, đậu xanh, nho khô, dưa hấu, nước cam, chuối, dưa vàng, sữa ít béo và sữa chua. Chỉ tiêu thụ đúng số lượng hàng ngày đã được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị. 

Một số loại thuốc có vỏ không bị hấp thụ hoặc tan chảy trong cơ thể nên một phần của lớp vỏ có thể xuất hiện trong phân. Điều này là bình thường và không làm giảm hiệu quả của thuốc. 

Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng tránh môi trường ẩm và nhiệt độ cao. Cất thuốc trong hộp kín.

Nếu quên uống thuốc 

Dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời gian của liều tiếp theo. Không tự ý dùng thêm thuốc để bù liều đã quên. 

Quá liều Kali Clorid

Gọi cấp cứu y tế khẩn cấp. Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm nhịp tim không đều, đau ngực hoặc yếu cơ. 

Những điều nên tránh 

Tránh dùng chất bổ sung hoặc các sản phẩm có chứa kali mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước ví dụ như các sản phẩm thay thế muối hoặc các sản phẩm ăn kiêng ít muối (thường chứa kali). Nếu dùng chúng cùng lúc, sẽ vô tình nhận quá nhiều kali vào cơ thể. Đọc kĩ nhãn của tất cả những loại thuốc muốn sử dụng xem thành phần có chứa kali hay không. 

Tác dụng phụ Kali Clorid 

 Nguồn: iStock Gọi cấp cứu khẩn cấp nếu có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng với kali clorid như: nổi mề đay; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng. 

Ngừng sử dụng thuốc và gọi cho bác sĩ ngay nếu: 

  • Kích ứng cổ họng nghiêm trọng
  • Đầy bụng, nôn mửa và đau bụng dữ dội
  • Có mức kali cao, buồn nôn, suy nhược, có cảm giác ngứa ran, đau ngực, nhịp tim không đều, mất khả năng vận động
  • Có dấu hiệu của xuất huyết dạ dày: phân có máu hoặc đen như hắc ín, ho ra máu hoặc chất nôn trông giống như bã cà phê

Các tác dụng phụ thường gặp của kali clorid có thể bao gồm: 

  • Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy 
  • Đầy hơi, đau dạ dày
  • Xuất hiện một viên kali clorua trong phân 

Danh sách trên chưa đầy đủ tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra. Gọi cho bác sĩ để được tư vấn thêm.

Tương tác thuốc Kali Clorid 

Thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc hiện tại bắt đầu hoặc ngừng sử dụng, đặc biệt là: 

  • Thuốc lợi tiểu giữ kali
  • Thuốc tim hoặc huyết áp

Đây chưa phải danh sách đầy đủ, nhiều loại thuốc khác vẫn có thể tương tác với kali clorid, bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn, vitamin cũng như các sản phẩm thảo dược.

Câu hỏi liên quan

Cần lưu ý: Kali clorid có thể gây ra tác dụng phụ giảm bạch cầu, tăng kali máu, buồn nôn, viêm dạ dày, ngứa…. Với dạng thuốc viên, nên uống thật nhiều nước để phòng tránh tắc nghẽn gây xuất huyết đường tiêu hóa. Không sử dụng kali clorid cho người tăng kali máu, suy thận, suy tuyến thượng thận. Tránh phối hợp kali clorid với các thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali (Spinorolacton, amilorid…), thuốc ức chế men chuyển ACE (Captopril, lisnopril…), thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin II (Losartan, Ibersartan…) do gây tương tác thuốc làm tăng kali máu. Trong quá trình điều trị cần theo dõi chặt chẽ nồng độ kali trong máu.
Xem thêm
Thuốc Kali Clorid Kabi 10% được chỉ định dùng trong các trường hợp sau: Điều trị chứng hạ kali huyết và phục hồi sự thiếu hụt kali trong trường hợp rối loạn nặng hoặc khi không thể dùng thuốc ở dạng uống. Điều trị giảm kali huyết nặng ở người bệnh dùng thuốc lợi tiểu thải kali để điều trị cao huyết áp vô căn chưa biến chứng. Đề phòng giảm kali huyết ở những người đặc biệt có nguy cơ giảm kali huyết (ví dụ: Người bệnh dùng digitalis bị loạn nhịp tim nặng, vì giảm kali huyết làm tăng độc tính của glycosid tim). Chỉ định cho người bị sơ gan có chức năng thận bình thường một số trạng thái ỉa chảy, kể cả do sử dụng thuốc nhuận tràng dài ngày, nôn kéo dài, hội chứng Bartter, bệnh thận gây mất kali, và ở những người bệnh (kể cả trẻ em) điều trị corticosteroid kéo dài. Điều trị tăng huyết áp do thiếu kali, kết hợp với magnesi để điều trị nhồi máu cơ tim cấp, làm giảm nguy cơ loạn nhịp thất.
Xem thêm
Thuốc Kaleorid được chỉ định dùng trong các trường hợp thiếu hụt Kali (giảm Kali huyết) sau: Phòng ngừa tình trạng giảm Kali máu ở những bệnh nhân đang điều trị với thuốc lợi tiểu (thuốc lợi tiểu gây giảm Kali máu).
Xem thêm
Thuốc Kali Clorid được chỉ định dùng trong các trường hợp sau: Phòng và trị các chứng giảm kali huyết do các nguyên nhân: Do điều trị bằng thuốc lợi tiểu, thuốc trợ tim, dùng corticosteroid điều trị kéo dài; do tiêu chảy và nôn mửa kéo dài gây mất kali. Điều chỉnh giảm clorid huyết thường xảy ra cùng với giảm kali huyết. Người tăng huyết áp không biến chứng, không phù thường không cần bổ sung kali, nếu kali huyết thanh dưới 3 mmol/lít nên dùng 50 - 60 mmol kali clorid/ngày (7 – 9 viên/ngày). Đối với người bệnh phù (suy tim, xơ gan cổ trướng): Cho 40 - 80 mmol/ngày (thiếu nhẹ) (6 - 12 viên/ngày). 100 - 120 mmol/ngày (thiếu nặng) (15 - 18 viên/ngày). Kèm theo dõi cẩn thận kali huyết. Uống 1 - 2 mmol/kg trong liệu pháp lợi niệu (75 - 150 mg/ngày). Liều thấp hơn ở người bình thường vì chức năng thận giảm.
Xem thêm
Các sai sót chủ yếu khi dùng KCl dẫn tới tai biến, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng là: Sai đường dùng: KCl được chỉ định dùng đường uống, nhưng lại bị tiêm nhầm đường tĩnh mạch. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có 2 dạng bào chế: dung dịch KCl 10% đậm đặc bào chế riêng để dùng đường uống và dạng gói dung dịch KCl nồng độ thấp đã được pha loãng sẵn để tiêm tĩnh mạch. Do đó, việc dùng dạng ống KCl 10% vốn dùng cho đường tiêm để chỉ định dùng đường uống sẽ dễ gây nguy cơ nhầm lẫn đường dùng. “Nếu có sẵn thêm những dạng bào chế này, thì nguy cơ nhầm lẫn do tiêm nhầm dung dịch KCl 10% đậm đặc vào tĩnh mạch ít khả năng xảy ra hơn”. Dùng nhầm thuốc: Do bao gói thuốc tương tự nhau nên lọ KCl thường bị nhầm với lọ chứa NaCl (nước muối), calcium gluconat (bổ sung canxi), heparin (chống đông) hoặc furosemide (lợi tiểu). Ví dụ: Một bệnh nhân được kê furosemid (lasix) đường tĩnh mạch để lợi tiểu, trị phù... nếu không để ý kỹ, kiểm tra, đối chiếu thì rất dễ nhầm lẫn với ống KCl.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Kali Clorid
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!