Các triệu chứng của hôi miệng là gì?
Trước tiên, bạn cảm thấy hơi thở có mùi hôi khi thở ra hoặc nói chuyện. Ngoài ra, vị lạ khó chịu cũng có thể gặp phải. Nếu nguyên nhân không phải do các mảnh thức ăn bị mắc kẹt, nó có thể không biến mất ngay cả khi bạn đánh răng và sử dụng nước súc miệng.
Video: Những nguyên nhân gây hôi miệng không phải ai cũng biết.
Nguyên nhân gây ra mùi hôi miệng?
Vệ sinh răng miệng kém
Hôi miệng cũng có thể gặp nếu bạn đeo răng giả và không vệ sinh chúng hàng đêm.
Trong miệng của chúng ta luôn có một hệ vi khuẩn phong phú. Khi vệ sinh răng miệng kém, vi khuẩn sẽ bắt đầu tiêu hóa các mảnh thức ăn đọng lại trong miệng và quá trình phân hủy này tạo ra mùi vị khó chịu. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên có thể loại bỏ thức ăn và mảng bám - một chất dính tích tụ trên răng và gây ra mùi hôi và cả sâu răng, bệnh nha chu.Thức ăn và đồ uống mùi vị nặng.
Khi bạn ăn hành, tỏi hoặc các loại thực phẩm có mùi mạnh khác, dạ dày của bạn sẽ hấp thụ những tinh dầu gây mùi này, sau quá trình tiêu hóa chúng đi vào máu và đến phổi của bạn. Và trong vòng 72 giờ, những mùi này sẽ thoát ra qua hơi thở khi bạn hô hấp và người khác có thể thấy được.
Một số đồ uống có mùi mạnh, chẳng hạn như cà phê, cũng có thể góp phần gây hôi miệng.
Hút thuốc
Hút thuốc lá hoặc xì gà gây ra mùi hôi và làm khô miệng của bạn, làm tình trạng hôi miệng càng tệ hơn.
Khô miệng
Khi bạn bị giảm tiết nước bọt sẽ gây tình trạng khô miệng. Nước bọt giúp miệng sạch sẽ và giảm mùi hôi.
Khô miệng có thể do các bệnh lý về tuyến nước bọt, khi ngủ há miệng hoặc dùng một số loại thuốc, bao gồm cả những loại thuốc điều trị tăng huyết áp và bệnh lý thận tiết niệu.
Bệnh nha chu
Bệnh nha chu, hoặc bệnh nướu răng, xảy ra khi bạn không loại bỏ mảng bám trên bề mặt răng. Theo thời gian, mảng bám cứng lại thành cao răng và đánh răng thông thường không thể loại bỏ chúng. Cao răng làm cho lợi viêm và hình thành các túi hoặc các khe hở nhỏ ở vùng giữa răng và lợi. Thức ăn, vi khuẩn và mảng bám tích tụ trong túi này sẽ gây ra mùi hôi.
Bệnh lý về xoang, họng, hô hấp
Tình trạng hôi miệng cũng xảy ra khi bạn bị:
- Viêm xoang
- Dẫn lưu sau mũi
- Viêm phế quản mạn tính
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới.
- Viêm amidan mạn tính, sỏi amidan.
Một số bệnh khác
Hơi thở hôi cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như:
- Suy thận
- Suy gan
- Bệnh tiểu đường
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Thậm chí những bệnh lý này có thể gây ra tình trạng mùi đặc trưng. Ví dụ nếu bạn bị suy thận, gan hoặc tiểu đường, hơi thở của bạn có thể có mùi tanh. Khi bệnh tiểu đường của bạn không được kiểm soát, hơi thở của bạn sẽ có mùi trái cây.
Chẩn đoán hôi miệng
Thường bạn sẽ dễ nhận ra tình trạng hôi miệng của mình và đến gặp nha sĩ. Tại đây, nha sĩ sẽ hỏi về tần suất chải răng hàng ngày và dùng chỉ nha khoa, loại thực phẩm bạn ăn và bất kỳ bệnh dị ứng hoặc bệnh nào bạn có thể mắc phải. Hãy kể cho bác sĩ về tình trạng ngáy của bạn cũng như các loại thuốc bạn đang dùng.
Tiếp đến, nha sĩ sẽ kiểm tra tình trạng răng miệng của bạn để xác định nguyên nhân gây hôi miệng như cao răng, mảng bám, viêm nha chu, sâu răng...
Nếu mùi hôi không do nguyên nhân răng miệng, nha sĩ sẽ khuyên bạn nên đến gặp bác sĩ gia đình để loại trừ các nguyên nhân khác.
Điều trị tình trạng hôi miệng
Điều trị tình trạng hôi miệng dựa theo nguyên nhân gây ra.
Nếu hôi miệng do bệnh lý răng miệng như tích tụ mảng bám, dắt thức thì việc vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ giải quyết được tình trạng này. Ngoài ra, các bệnh lý khác như sâu răng, bệnh lý nha chu hay cao răng bạn cần tới nha sĩ để được tư vấn và điều trị.
Nếu hôi miệng do khô miệng, nha sĩ có thể khuyên bạn sử dụng nước bọt nhân tạo và uống nhiều nước.
Một số bệnh lý gây hôi miệng như viêm họng, viêm xoang, bệnh thận, bệnh lý dạ dày... cần điều trị dứt điểm mới cải thiện được vấn đề.
Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này?
Nếu hôi miệng do các vấn đề răng miệng bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng các cách sau:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: chải răng hai lần một ngày, mỗi lần tối thiểu 3 phút. Dùng chỉ nha khoa hàng ngày để vệ sinh kẽ răng của bạn. Sử dụng thêm nước súc miệng hoặc nước muối sinh lý. Chải lưỡi bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi.
- Uống đủ nước thường xuyên có thể giúp loại bỏ vụn thức ăn, cải thiện khô miệng và ngăn ngừa mùi hôi hơi thở.
- Nếu bạn hút thuốc, bỏ thuốc lá cũng có thể giúp giữ cho miệng của bạn ẩm và không có mùi hôi.
Ngoài ra có một số thói quen có thể giúp ngăn hơi thở có mùi như:
- Vệ sinh răng giả, miếng bảo vệ miệng và hàm duy trì hàng ngày.
- Thay bàn chải đánh răng cũ bằng bàn chải mới 3 tháng một lần.
- Lên lịch khám và vệ sinh răng miệng 6 tháng một lần.
Xem thêm: