Video: Hướng dẫn cách thử thai tại nhà
Nhưng bạn hiểu rõ cơ thể mình hơn ai hết. Các triệu chứng ấy vẫn tiếp tục khiến bạn cho rằng có thể bạn đang mang thai. Một vài tuần sau, bác sĩ siêu âm lại cho bạn. Hóa ra sự thật là bạn đang mang thai!
Câu chuyện này là khá hiếm, nhưng chắc chắn có thể xảy ra.
Vậy tại sao que thử thai lại âm tính? Một lời giải thích cho kết quả thử thai âm tính giả là hiệu ứng móc câu. Hiện tượng này không phổ biến nhưng đôi khi dẫn đến việc xét nghiệm nước tiểu và máu cho kết quả sai.
Điều này có thể xảy ra ngay cả khi bạn đã thử thai một lần và thử lại một vài ngày sau đó.
Vậy hiệu ứng móc câu là gì?
Hầu hết mọi người - bao gồm nhiều chuyên gia y tế - thậm chí chưa từng nghe nói về hiệu ứng móc câu. Đó là một thuật ngữ khoa học để chỉ trục trặc hiếm gặp trong xét nghiệm gây ra kết quả không chính xác. Hiệu ứng móc câu còn được gọi là “hiệu ứng móc câu liều cao” hoặc “hiệu ứng prozone”.
Về mặt kỹ thuật, bạn có thể gặp hiệu ứng móc câu với bất kỳ loại xét nghiệm trong y tế: như máu, nước tiểu và nước bọt. Hiệu ứng móc câu sẽ cho bạn một kết quả âm tính giả, trong khi sự thật là bạn có một kết quả dương tính.
Hiện tượng này xảy ra khi kết quả xét nghiệm quá dương tính.
Hãy để chúng tôi giải thích.
Điều này nghe có vẻ phản trực quan, nhưng nó giống như khi bạn có quá nhiều lựa chọn, ví dụ như chọn quần jean hay ngũ cốc ăn sáng, và bạn hoàn toàn không thể chọn mua cái gì.
Một cách tương tự khác dành cho bạn: một người thử nghiệm đếm bóng tennis bằng cách bắt bóng, anh ta có thể xử lý vài chục quả bóng cùng một lúc. Nhưng đột nhiên ném hàng trăm quả bóng tennis vào anh, thì anh ta sẽ cúi xuống tìm chỗ nấp và không bắt được quả bóng nào. Sau đó, nếu ai đó kết luận số quả bóng tennis có trên sân bằng cách đếm xem người thử nghiệm bắt được bao nhiêu quả bóng, thì con số ấy sẽ không chính xác.
Tương tự, quá nhiều một loại phân tử hoặc nhiều loại khác nhau của cùng một phân tử trong cơ thể có thể làm rối tung một xét nghiệm kiểm tra. Xét nghiệm không thể xác định đúng hoặc đủ loại phân tử đích. Điều này gây ra kết quả âm tính giả.
Thử thai và hiệu ứng móc câu
Hiệu ứng móc câu gây ra kết quả âm tính không chính xác trên que thử thai. Điều này có thể xảy ra trong thời kỳ đầu mang thai hoặc trong một số trường hợp hiếm hoi - ngay cả trong quý ba của thai kỳ, khi đã khá rõ ràng là bạn đang có thai.
Khi mang thai, cơ thể bạn tạo ra một loại hormone gọi là gonadotrophin màng đệm của con người (hCG). Bạn cần hormone này để mang thai khỏe mạnh. hCG bắt đầu được tạo ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ trong buồng tử cung, và hCG tăng lên khi phôi phát triển.
Các xét nghiệm thử thai dựa vào hCG trong nước tiểu hoặc máu. Nếu bạn mang thai thì kết quả thử thai dương tính. hCG có mặt trong máu sớm nhất là tám ngày sau khi rụng trứng.
Điều này có nghĩa là trong một số trường hợp, kết quả thử thai tại phòng khám của bác sĩ hoặc là cả xét nghiệm tại nhà của bạn có thể dương tính trước cả khi bạn bị chậm kinh.
Nhưng hCG cũng có liên quan đến hiệu ứng móc câu khiến bạn có kết quả thử thai âm tính giả. Hiệu ứng này xảy ra khi bạn có quá nhiều hCG trong máu hoặc nước tiểu.
Tại sao lại như vậy? Đó là vì khi nồng độ hCG quá cao, thì hCG không liên kết một cách chính xác hoặc hoàn toàn với các phân tử bắt chúng gắn trên que thử thai. Và thay vì hiện hai vạch trên que thử tương ứng với kết quả dương tính, thì bạn chỉ nhìn thấy 1 vạch- tức là kết quả âm tính không chính xác.
Tại sao một số phụ nữ mang thai có nồng độ hCG quá cao?
Bạn không thể nghĩ rằng có quá nhiều hCG đồng nghĩa với bạn đang mang thai. Vậy nồng độ hCG cao nói lên điều gì?
Nếu bạn mang thai đôi hoặc thai ba (hoặc nhiều hơn!), nồng độ hCG trong máu và nước tiểu của bạn có thể cao hơn. Điều này là do mỗi thai nhi hoặc nhau thai của chúng đang tạo ra hormone này để cơ thể bạn biết rằng chúng đang ở đó.
Hiệu ứng móc câu xuất hiện phổ biến hơn khi bạn mang đa thai. Mức độ cao của hormone hCG gây nhầm lẫn cho các xét nghiệm thử thai.
Thuốc hỗ trợ sinh sản và các loại thuốc khác chứa hCG cũng có thể làm tăng nồng độ hormone này, và có thể làm sai lệch kết quả thử thai của bạn.
Một lưu ý rất quan trọng, nguyên nhân khác của nồng độ hCG cao là do chửa trứng, xảy ra ở khoảng 1 trong số 1.000 trường hợp mang thai. Chửa trứng xảy ra khi các tế bào của nhau thai phát triển quá mức, và có thể gây ra các u nang chứa đầy dịch lỏng trong tử cung.
Trong chửa trứng, bào thai có thể hoàn toàn không hình thành hoặc có thể bị sẩy thai rất sớm trong thai kỳ.
Chửa trứng còn gây nguy hiểm đối với người mẹ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Kết quả thử thai âm tính sau kết quả thử thai dương tính trước đó
- Kết quả thử thai âm tính, nhưng có các triệu chứng mang thai, chẳng hạn như chậm kinh, buồn nôn hoặc nôn
- Buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng
- Đau vùng chậu
- Chảy máu âm đạo màu đỏ tươi đến nâu sẫm sau khi thử thai dương tính
Tác hại của hiệu ứng móc câu
Hiệu ứng móc câu không chỉ là nhầm lẫn mà còn có thể có hại cho cả bạn và con bạn. Nếu bạn không biết mình đang mang thai, bạn có thể vô tình gây hại cho thai nhi do dùng một số loại thuốc, uống rượu hoặc sử dụng các chất khác.
Ngoài ra, bạn có thể sẽ không biết rằng mình đang bị sẩy thai nếu bạn không biết mình mang thai. Hoặc thậm chí bạn còn không biết rằng mình từng mang thai cho đến khi bạn bị sẩy thai. Không có cách nào để giải quyết vấn đề này - cả hai tình huống này đều có thể khó khăn về mặt tinh thần và thể chất.
Mặt khác bạn cần được chăm sóc y tế trong và sau khi sẩy thai. Sẩy thai tại bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ đều để lại tổn thương trong tử cung mẹ, từ đó có thể gây nhiễm trùng, sẹo và thậm chí một số loại ung thư.
Hãy nhớ rằng, chúng tôi không nói xét nghiệm âm tính do hiệu ứng móc câu có nghĩa là sẩy thai. Nhưng nếu bạn bị sẩy thai, bác sĩ sẽ dùng siêu âm để kiểm tra mô còn sót lại. Bạn có thể cần phải làm thủ thuật để loại bỏ mô đó.
Lựa chọn tốt nhất của bạn: Tránh hiệu ứng móc câu nếu có thể
Một số bác sĩ nói rằng bạn có thể thử thai kiểu “MacGyver” để tránh hiệu ứng móc câu.
Một cách để làm điều này là pha loãng nước tiểu của bạn trước khi sử dụng que thử thai. Sau khi đi tiểu trong cốc, hãy thêm một vài thìa nước vào nước tiểu của bạn để nước tiểu có màu nhạt hơn.
Điều này có thể đem lại hiệu quả vì nó làm giảm lượng hCG trong nước tiểu. Bạn vẫn sẽ có đủ lượng hormone này để que thử thai "đọc", nhưng không quá nhiều đến mức quá tải.
Nhưng cách làm này có thể không hiệu quả. Không có nghiên cứu nào chứng minh phương pháp này.
Một cách khác là bạn nên tránh thử thai qua nước tiểu vào buổi sáng. Nhiều biện pháp thử thai tại nhà khuyên bạn nên thử sau khi thức dậy vì khi đó nước tiểu của bạn cô đặc hơn. Điều này có nghĩa là nhiều hCG hơn.
Thay vào đó, hãy đợi đến cuối ngày để thử thai. Trong khi chờ đợi, hãy uống nhiều nước như một kỹ thuật pha loãng nước tiểu.
Những lời khuyên này có thể không đem lại hiệu quả với tất cả những người có kết quả thử thai âm tính giả.
Vậy, điểm mấu chốt là gì?
Việc thử thai cho kết quả âm tính giả là rất hiếm khi xảy ra, và nếu xảy ra thì cỏ thể vì nhiều lý do.
Một nghiên cứu trước đây đã kiểm tra 27 loại que thử thai tại nhà khác nhau cho thấy rằng chúng cho kết quả âm tính giả gần 48%. Đó là một con số lớn! Nhưng không phải là do hiệu ứng móc câu trong hầu hết trường hợp.
Bạn có thể nhận được kết quả thử thai âm tính giả vì những lý do khác. Một số phương pháp thử thai tại nhà không có độ nhạy với hCG bằng các phương pháp khác. Hoặc bạn có thể thử thai quá sớm vì phải mất thời gian để hormone hCG có mặt trong nước tiểu của bạn.
Trao đổi với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng bạn đang mang thai ngay cả sau khi bạn nhận được kết quả âm tính. Hẹn tái khám sau đó vài tuần, yêu cầu kiểm tra lại và siêu âm để có kết quả chính xác.
Nếu chửa trứng thì bạn cần điều trị khẩn cấp và theo dõi cẩn thận. Đừng bỏ qua bất kỳ triệu chứng hoặc thay đổi nào trên cơ thể bạn.
Bạn hiểu rõ cơ thể mình nhất. Hãy cho bác sĩ biết rằng các xét nghiệm có thể sai nếu bạn cảm thấy rằng mình có triệu chứng mang thai. Đừng cảm thấy xấu hổ hoặc để bất kỳ ai nói với bạn rằng đó là do bạn tưởng tượng ra. Đôi khi, trực giác của bạn rất nhạy bén. Và nếu không phải mang thai, bạn cũng không mất gì khi đã kiểm tra kỹ càng.
Xem thêm :
- Bao lâu sau thụ tinh nhân tạo, bạn có thể thử thai?
- Những điều cần biết khi thử thai nếu bạn mắc hội trứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Những lý do bạn có các triệu chứng thai nghén mà xét nghiệm lại âm tính
- Bạn có thể thử thai khi đang trong kỳ kinh nguyệt không?
- Que thử thai nhuộm màu hồng hay màu xanh tốt hơn?