Giải SBT Ngữ Văn 10 Bài 6: Nguyễn Trãi – “Dành còn để trợ dân này” - Kết nối tri thức

Với giải sách bài tập Ngữ Văn 10 Bài 6: Nguyễn Trãi – “Dành còn để trợ dân này” sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10 Bài 6. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 6: Nguyễn Trãi – Dành còn để trợ dân này

Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 3, 4, 5, 6

Bài tập 1 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Tác gia Nguyễn Trãi trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 10, tập hai (tr. 6 - 10) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Lập niên biểu Nguyễn Trãi và nêu nhận xét về cuộc đời, con người ông.

Trả lời:

Thời gian

Sự kiện

Năm 1400

Nguyễn Trãi thi đỗ và làm quan dưới triều Hồ.

Khoảng năm 1423

Nguyễn Trãi tìm vào Lam Sơn theo giúp Lê Lợi. Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.

Năm 1427

Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo.

Năm 1437

Xin về ở ẩn tại Côn Sơn

Năm 1442

Bị bọn gian thần vu cho tội giết vua và phải chịu án “tru di tam tộc”

Năm 1464

Vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi.

Nhận xét về cuộc đời và con người Nguyễn Trãi:

- Nguyễn Trãi là một con người vì dân vì nước, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp văn học và thơ ca dân tộc. Ông có nhiều tác phẩm có giá trị lớn về văn học, sử học, địa lí học như Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú, Quốc âm thi tập, Dư địa chí…

- Cuộc đời ông có thăng trầm, oan ức nhưng trong những sáng tác thơ văn ông luôn nêu cao lòng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân.

- Có những đóng góp quan trọng trong phát triển tư tưởng nhân nghĩa “yên dân”. “trừ bạo.”

Câu 2 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích nội dung cơ bản của tư tưởng nhân nghĩa trong thơ văn Nguyễn Trãi.

Trả lời:

- Nội dung cốt lõi trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là yên dân, trừ bạo. Tư tưởng nhân nghĩa của ông gắn liền với tư tưởng thân dân - yêu thương, tôn trọng, biết ơn dân; khẳng định sức mạnh, vai trò to lớn của nhân dân,...

- Dẫn chứng minh hoạ cho những nội dung cơ bản này có thể lấy từ các văn bản đã đọc và một số tác phẩm khác:

+ “Tuy đà chửa có tài lương đống/ Bóng cả nhờ còn rợp đến dân” (Cây đa già)

+ “Hổ phách phục linh nhìn mới biết/ Dành còn để trợ dân này” (Tùng)

+ “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn/ Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền” (Tự thán, bài 4)

+ “Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày” (Bảo kính cảnh giới, bài 19)

+ “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ” (Thuyền bị lật rồi mới biết dân như nước, Quan hải

+ “Thánh tâm dục dữ dân hưu tức” (Lòng thánh muốn được cùng dân nghỉ ngơi, Quan duyệt thuỷ trận),.

Câu 3 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích một đặc điểm của hình tượng thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi.

Trả lời:

- Thiên nhiên có vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ: Bạch Đằng hải khẩu (Cửa biển Bạch Đằng), Thân Phù hải khẩu (Cửa biển Thần Phù), Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự (Đề chùa Hoa Yên núi Yên Tử), Vân Đồn,...

- Thiên nhiên có vẻ đẹp thanh sơ, bình dị, gần gũi: Mộ xuân tức sự (Cuối xuân

tức sự), Trại đầu xuân độ (Bến đò xuân đầu trại), Cây chuối, Thuật hứng (bài 24),

Ngôn chí (bài 3, bài 11, bài 20),...

Câu 4 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nguyễn Trãi đã gửi gắm trong thơ viết về thế sự những nỗi niềm tâm sự gì?

Trả lời:

- Nỗi buồn thời thế, nỗi thất vọng trước thực tại nhiều bất công, ngang trái: “Ở thế nhiều phen thấy khóc cười/ ... Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng/ Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi” (Tự thuật, bài 9);“Ai ai đều đã bằng câu hết/ Nước chẳng còn có Sử Ngư” (Mạn thuật, bài 14);...

- Niềm tự hào, tự tin vào phẩm cách thanh cao, khí tiết cứng cỏi, bản lĩnh kiên cường: “Đống lương tài có mấy bằng mày/ Nhà cả đòi phen chống khoẻ thay” (Tùng);“Thế sự dầu ai hay buộc bện/ Sen nào có bén trong lầm” (Thuật hứng, bài 25); “Chớ cậy sang mà ép nề/ Lời chăng phải vuỗn khôn nghe” (Trần tình, bài 8); “Vườn quỳnh dầu chim kêu hót/ Cõi trần có trúc đứng ngăn” (Tự thán, bài 40),...

- Lí tưởng sống cao cả, khát vọng xả thân vì chính nghĩa, vì dân, vì nước: “Trừ độc,

trừ tham, trừ bạo ngược/ Có nhân, có trí, có anh hùng” (Bảo kính cảnh giới, bài 5);

“Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn/ Dường ấy ta đà phỉ sở nguyễn” (Tự thán,

bài 4);...

Câu 5 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nêu các yếu tố cơ bản làm nên sức thuyết phục trong văn chính luận của Nguyễn Trãi.

Trả lời:

Các yếu tố cơ bản làm nên sức thuyết phục trong văn chính luận của Nguyễn Trãi:

- Hiểu rõ đối tượng, bối cảnh chính trị và các vấn đề thời sự có liên quan đến vấn đề.

- Lập luận chặt chẽ dựa trên nền tảng chính nghĩa và quy luật khách quan của đời sống.

- Ngôn ngữ hàm súc, giọng điệu biến đổi linh hoạt.

- Sử dụng nhuần nhuyễn các yếu tố tự sự, biểu cảm,...

Bài tập 2 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Tác gia Nguyễn Trãi trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 10, tập hai (tr. 6 - 10) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc cước chú số 5 trong SGK (tr. 11), giải thích ý nghĩa của cụm từ “mỗi bên xưng đế một phương” trong bản dịch.

Trả lời:

Trong nguyên văn, chữ “đế” được dùng với đầy đủ nội hàm ý nghĩa trong SGK (giống với từ “đế” trong bài thơ Nam quốc sơn hà: Nam quốc sơn hà Nam đế cư - Non sông nước Nam do Nam đế làm chủ). Từ “đế” ở đây được sử dụng như một động từ, đặt trong cụm từ “mỗi bên xưng đế một phương” thể hiện tư tưởng xác lập thể chế nhà nước tự chủ. “Nam quốc” và “Bắc quốc” có sự tự chủ ngang hàng, bình đẳng, được lịch sử ghi nhận; do đó mỗi quốc gia có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, không vì lí do gì có thể can thiệp, xâm phạm lẫn nhau. Bản dịch đã dịch sát ý của nguyên văn.

Câu 2 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Mối quan hệ giữa nhiệm vụ “trừ bạo” và mục đích “yên dân thực thi lí tưởng nhân nghĩa được tác giả lí giải như thế nào?

Trả lời:

- Nhiệm vụ “trừ bạo” (nguyên văn: khử bạo - trừ gian diệt giặc) và mục đích “yên dân” (nguyên văn: an đân - làm cho dân chúng được yên ổn thái bình) được đặt trong một cặp câu văn biển ngẫu mở đầu bài cáo, gắn với nội dung thực hiện lí tưởng nhân nghĩa.

- Hình thức cặp câu văn đối nhau nhưng nội dung là sự nối tiếp, hàm ý lí giải, không phải là đối tương phản (ý đối lập nhau) hay đối tương đồng (ý bổ sung cho nhau). Logic, mối quan hệ nghĩa ở đây là: Trong việc thực thi lí tưởng nhân nghĩa thì mục tiêu quan trọng nhất là “an dân”; muốn cho nhân dân có được cuộc sống yên ổn, thái bình thì nhiệm vụ cần thực thi trước hết, không có gì cấp bách bằng là phải trừ khử bạo tặc. Sự lí giải và lập luận của Nguyễn Trãi hết sức logic, chặt chẽ và điều đó luôn đúng với thực tế lịch sử.

Câu 3 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Liệt kê những từ ngữ có nội dung thể hiện rõ tư thế chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn.

Trả lời:

- Chính nghĩa có thể bao gồm nhiều tiêu chí, như được lập luận trong phần đầu bài cáo là phải có nhân nghĩa, phải vì nhân dân, phải chống lại tội ác phi nghĩa..., theo đó tư thế chính nghĩa bên cạnh những điều trên cần phải có thêm chủ quyền quốc gia, ý thức về tự chủ dân tộc,...

- Lựa chọn những từ ngữ tiêu biểu thể hiện rõ các nội dung trên. Phần lớn các từ ngữ quan trọng đã được bản dịch chuyển tải khá trọn vẹn, tuy thế, với các bạn có niềm đam mê văn học nhiều hơn, có thể tìm các nguồn tài liệu phù hợp để đối chiếu với nguyên văn. Ví dụ một số từ ngữ: “việc (thực hiện lí tưởng) nhân nghĩa” “yên dân” “quân điếu phạt”, “trừ bạo”, “nước Đại Việt ta? “núi sông bờ cõi” “xưng đế một phương”;...

Câu 4 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Việc khẳng định nền độc lập tự chủ dân tộc được triển khai trên những khía cạnh nào?

Trả lời:

- Đoạn văn mở đầu bài cáo này nêu bật “luận đề chính nghĩa”; trong đó độc lập tự chủ dân tộc là một tiêu chí đặc biệt quan trọng. Tác giả đã khẳng định mạnh mẽ tư thế tự chủ quốc gia dân tộc và qua đó thể hiện niềm tự hào sâu sắc của mình.

- Những khía cạnh chính trong việc khẳng định nền độc lập tự chủ dân tộc: tên gọi quốc gia Đại Việt có từ nhiều triều đại trước, khởi đầu là Đại Cổ Việt, độc lập sánh cùng với cách xưng gọi của các triều đại phương Bắc (Đại Hán, Đại Đường, Đại Tống, Đại Nguyên, Đại Minh); nền văn hiến tự chủ; lãnh thổ có đặc trưng riêng; phong tục tập quán có bản sắc khác biệt; các triều đại tự chủ nối tiếp; ý thức giữ gìn bờ cõi qua sự nghiệp của các bậc anh hùng hào kiệt;...

Câu 5 trang 3 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đoạn văn đã thể hiện rõ nét quan niệm của Nguyễn Trãi về quốc gia dân tộc. Hãy trình bày ý kiến của bạn về nhận định này.

Trả lời:

- Quan niệm về quốc gia dân tộc được hình thành và hoàn thiện dần dần cùng với diễn trình lịch sử hình thành quốc gia dân tộc. Quan trọng nhất của quốc gia là tự chủ quốc gia dân tộc, quan trọng nhất của tự chủ dân tộc là ý thức tự chủ dân tộc. Nhiệm vụ của bài cáo không phải là luận về quan niệm quốc gia dân tộc, nhưng do ý thức được sâu sắc vấn đề tự chủ dân tộc là yếu tố quan trọng làm nên tư cách chính nghĩa quốc gia, tác giả đã rất chú ý lập luận nhằm thể hiện nổi bật điều này.

- Quan niệm của Nguyễn Trãi về quốc gia dân tộc có sự phát triển toàn diện, sâu sắc mà các văn kiện lịch sử trước đó chưa hề đạt tới. Quan niệm đó được thể hiện ở các tiêu chí: danh xưng quốc gia; nền văn hiến; lãnh thổ; phong tục tập quán; các triều đại tự chủ nối tiếp; ý thức giữ gìn bờ cõi qua sự nghiệp của các bậc anh hùng hào kiệt;... Từ góc nhìn hiện đại, đến nay, quan niệm này vẫn hết sức xác đáng.

Bài tập 3 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 12- 13), đoạn từ “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,” đến “Ai bảo thần nhân chịu được?” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Liệt kê một số động từ, cụm động từ thể hiện âm mưu, dã tâm và hành động bạo ngược, phi nghĩa của giặc Minh và bè lũ gian tà bán nước.

Trả lời:

Một số động từ, cụm động từ thể hiện âm mưu, dã tâm và hành động bạo ngược, phi nghĩa của giặc Minh và bè lũ gian tà bán nước như: “thừa cơ gây hoạ”, “bán nước cầu vinh”, “nướng dân đen”, “vùi con đỏ/ “dối trời” “lừa dân/“gây binh”, “kết oán”, “bại nhân nghĩa” “nặng thuế khoá”,...

Câu 2 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hành động tội ác của kẻ thù đối với nhân dân ta đã được tác giả khái quát qua những khía cạnh nào?

Trả lời:

Các khía cạnh tội ác có thể khái quát:

(a) luôn có dã tâm xâm lược nên đã rình chờ cơ hội (nguyên văn: “tứ khích” có nghĩa là dòm ngó, rình trộm);

(b) gây chiến tranh thôn tính có tính chất huỷ diệt;

(c) huỷ hoại (với mức độ độc ác chưa từng có) các nền tảng giá trị nhân bản;

(d) cướp bóc, vơ vét của cải phục vụ cho lòng tham không cùng;

(e) thực thi chế độ nô dịch, đàn áp,...

Câu 3 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Liệt kê một số hình ảnh có giá trị biểu cảm được tác giả sử dụng để tố cáo tội ác của quân giặc.

Trả lời:

- Tội ác kẻ thù được thể hiện bằng nhiều từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm (“cuồng Minh” “nướng” [hân], “vùi” [hãm], “dối” [khi], “lừa” [võng], “máu mỡ bấy no nê” [tuấn sinh linh chi huyết], “con đỏ” [xích tử], “ngọn lửa hung tàn” [ngược diệm], “hầm tai vạ” [hoạ khanh], “goá bụa khốn cùng” [quan quả điên liên], “tàn hại... côn trùng cây cổ [côn trùng thảo mộc... bất đắc toại kì sinh],...).

- Những từ ngữ, hình ảnh này vừa tố cáo tội ác, vừa khơi dậy lòng căm thù uất hận, vừa thể hiện niềm thương xót cùng cực,...

Câu 4 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tác giả đã thể hiện lòng căm thù giặc và sự thương xót nỗi thống khổ mà nhân dân ta phải chịu đựng như thế nào?

Trả lời:

Lòng căm thù giặc sâu sắc đồng nghĩa với sự phẫn uất trước những tội ác phi nhân tính, bại nhân nghĩa. Tác giả thể hiện điều này bằng cách vạch trần, phơi bày cụ thể, chi tiết hàng loạt hành động của quân giặc. Thủ pháp liệt kê theo lối đặc tả, nhấn mạnh và tăng tiến,... giúp chúng ta hình dung ra một bản cáo trạng đanh thép, tố cáo tội ác man rợ trời không dung đất không tha của bọn “cuồng Minh” Đối lập với lòng căm thù là nỗi thương cảm, xót xa trước những đau đớn, tang tóc mà “dân đen con đỏ” cũng như mọi sinh linh phải chịu đựng. Một loạt hình ảnh, từ ngữ biểu đạt sự đau thương cùng cực của một người trong cuộc, với xúc cảm chân thực giúp người đọc nhận thấy chiều sâu của một tấm lòng ưu dân ái quốc.

Câu 5 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nêu ý kiến nhận xét của bạn về hiệu quả biểu đạt của điển cố “trúc Nam Sơn” “nước Đông Hải”.

Trả lời:

- Cả hai điển cố “trúc Nam Sơn” “nước Đông Hải” mượn chữ và ý trong bài hịch của Ngỗi Hưu và Lương Nguyên kể tội Tuỳ Dượng đế: “Khánh Nam Sơn chi trúc thư tội vô cùng, quyết Đông Hải chi ba lưu ác nan tận” (Chặt hết trúc Nam Sơn, chép không hết tội; vét cạn nước Đông Hải, rửa chẳng sạch ác).

- Điển cố “trúc Nam Sơn”, “nước Đông Hải” được dùng ở cuối đoạn văn tố cáo tội ác quân giặc. Trúc Nam Sơn và nước Đông Hải nguyên là những hình ảnh biểu trưng cho cái vô hạn, nhưng trong trường hợp này, không thể đem chúng ra để so sánh với tội ác kẻ thù. Dùng trúc Nam Sơn làm thẻ để ghi chép thì đến sách vở thư tịch của cả một quốc gia trong nhiều đời cũng không dùng hết, vậy mà không đủ để ghi tội ác giặc Minh. Nước biển Đông mênh mông vô hạn có thể làm dậy bão táp phong ba, thế mà không đủ để rửa sạch sự dơ bẩn của kẻ thù. Điển cố được sử dụng đặc biệt phù hợp, làm tăng khả năng khái quát và tính biểu cảm của bản cáo trạng.

Bài tập 4 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 13 - 15), đoạn từ “Ta đây: Núi Lam Sơn dấy nghĩa”; đến “Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tìm một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện nỗi trăn trở và ý thức sâu sắc của bậc chủ tướng về sự cấp bách của trọng trách khôi phục giang sơn.

Trả lời:

Một số từ ngữ, hình ảnh: “quên ăn” (nguyên văn: vong thực); “trằn trọc trong cơn mộng mị” (nguyên văn: ngụ mị bất vong); “đắm đăm muốn tiến về đông” (nguyên văn: mỗi uất uất nhi dục đông); “chăm chăm còn dành phía tả” (nguyên văn: cấp cấp dĩ hư tả); “vội vã hơn cứu người chết đuối” (nguyên văn: thậm ư chứng nịch),...

Câu 2 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh mang sắc thái biểu cảm thể hiện sự phẫn uất, căm giận của chủ tướng trước tội ác quân giặc.

Trả lời:

Một số hình ảnh: “há đội trời chung” (nguyên văn: khởi khả cộng đới); “thề không cùng sống” (nguyên văn: nan đữ câu sinh); “đau lòng nhức óc” (nguyên văn: thống tâm tật thủ); “nếm mật nằm gai” (nguyên văn: thường đảm ngog tân),...

Câu 3 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Những từ ngữ, hình ảnh nào thể hiện sự khó khăn, thiếu thốn của nghĩa quân Lam Sơn?

Trả lời:

- Những khó khăn, thiếu thốn, gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn được tác giả tái hiện xác thực, vừa khái quát vừa cụ thể từ góc nhìn của người tổ chức lực lượng kháng chiến.

- Ví dụ một số từ ngữ, hình ảnh: “tuấn kiệt như sao buổi sớm” (nguyên văn: tuấn kiệt thần tinh); “nhân tài như lá mùa thu” (nguyên văn: nhân tài thu diệp); “thiếu kẻ đỡ đần” (nguyên văn: phạp kì nhân); “hiếm người bàn bạc” (nguyên văn: quả kì trợ); thiếu thốn về nhân lực vật lực “lương hết mấy tuần” (nguyên văn: thực tận kiêm tuần); “quân không một đội” (nguyên văn: chúng vô nhất lữ);...

Câu 4 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Câu văn nào thể hiện rõ nhất tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ của chủ tướng và nghĩa binh?

Trả lời:

Câu văn tiêu biểu nhất: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới; / Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”. Câu văn trong bản dịch thêm các từ “phấp phới” “ngọt ngào” nhưng không xa ý nghĩa của nguyên văn: Yết can vi kì, manh lệ cho đồ tứ tập; / Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chỉ binh nhất tâm.

Câu 5 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hình ảnh bậc chủ tướng Lê Lợi được khắc hoạ ở những khía cạnh cụ thể nào? Bạn tâm đắc nhất với khía cạnh nào, vì sao?

Trả lời:

- Hình ảnh bậc chủ tướng Lê Lợi trong đoạn trích được khắc hoạ ở nhiều khía cạnh cụ thể, nhưng chủ yếu là các khía cạnh tinh thần: xuất thân từ dân chúng (“chốn hoang dã nương mình”); có ý thức về nỗi nhục nô lệ, luôn nuôi khát vọng tự chủ tự cường (“ngẫm thù lớn..”, “căm giặc nước..”...); thường xuyên trăn trở suy tư, thao thức về vận nước, quyết tâm nghiền ngẫm kế sách cứu nước (“suy xét” “đắn đo” [về thời vận, thế cuộc],...); tận tâm cứu nước, mong tìm người cùng chí hướng với tinh thần khẩn trương (“muốn tiến về đông/ “dành phía tải...); có lòng căm giận ngút trời và nỗi lo lắng muôn bề (“phần thì giận” “phần thì lo”...); nuôi dưỡng tinh thần sắt đá, quyết vượt qua gian khó (“dốc lòng” “gắng chí”...); có niềm tin vào nội lực của chính mình (sức mạnh chính nghĩa, sự đoàn kết đồng lòng, nghệ thuật quân sự“xuất kì? “mai phục” - “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh/,...).

- Nhận xét chung: “chân dung” bậc chủ tướng Lê Lợi được khắc hoạ đậm nét, gây xúc động, mang tính biểu tượng.

Bài tập 5 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 15 - 19), đoạn từ “Trọn hay:” đến “Cũng là chưa thấy xưa nay” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tìm những câu văn, ý văn thể hiện rõ tinh thần nhân nghĩa của quân ta.

Trả lời:

- Nhân nghĩa là hạt nhân của chính nghĩa, nhân nghĩa là thực thi chính nghĩa. Nhân nghĩa trong tư tưởng và hành động, nhân nghĩa không chỉ đối với nhân dân ta mà còn đối với cả kẻ bại trận. “Nhân nghĩa” vừa là nguyên lí chính nghĩa vừa trở thành cảm hứng xuyên thấm vào mọi khía cạnh nội dung tư tưởng của bài cáo.

- Một số câu văn, ý văn thể hiện rõ điều này trong đoạn trích: “đem đại nghĩa để thắng hung tàn” (nguyên văn: đĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn); “lấy chí nhân để thay cường bạo” (nguyên văn: đĩ chí nhân nhi dịch cường bạo); “ta đây mưu phạt tâm công” (nguyên văn: ngã mưu phạt nhỉ tâm công); “chẳng đánh mà người chịu khuất” (nguyên văn: bất chiến tự khuất); “hoà hiếu thực lòng” (nguyên văn: tu hảo hữu thành); “thần vũ chẳng giết hại” (nguyên văn: thần vũ bất sát); “thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh” (nguyên văn: thể thượng đế hiếu sinh chi tâm); “cấp cho năm trăm chiếc thuyền” (nguyên văn: cấp hạm ngũ bách dư tao); “phát cho vài nghìn cỗ ngựa” (nguyên văn: cấp mã số thiên dư thất); “ta lấy toàn quân là hơn” (nguyên văn: dư dĩ toàn quân vi thượng); “để nhân dân nghỉ sức” (nguyên văn: dục dân dữ tức);...

Câu 2 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nêu diễn biến cuộc tổng tiến công qua một số sự kiện, trận đánh tiêu biểu của cuộc kháng chiến được thể hiện trong đoạn văn.

Trả lời:

STT

Thời gian/ Thời điểm

Sự kiện/ Trận đánh

Kết quả

1

Đinh Mùi tháng Chín

Liễu Thăng đem

quân cứu viện

 

2

Năm ấy tháng Mười

Mộc Thạch từ Vân Nam tiến vào

 

3

Ngày mười tám

Trận Chi Lăng

Liễu Thăng thất thế.

4

Ngày hai mười

Trận Mã An

Liễu Thăng cụt đầu.

5

Ngày hăm lăm

Bá tước Lương Minh

Bại trận tử vong

6

Ngày hăm tám

Thượng thư Lý Khánh

Cùng kế tự vẫn

7

Cuối năm 1427

Quân Lam Sơn triển khai chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang

Đánh tan tát thêm 10 vạn viện binh quân Minh, buộc tướng chỉ huy quân Minh trên đất Việt cũ là Vương Thông phải xin giảng hòa và được phép rút quân về nước

Câu 3 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tìm những từ ngữ, hình ảnh thể hiện khí thế quật cường và chiến công vang dội của nghĩa quân Lam Sơn.

Trả lời:

Một số từ ngữ, hình ảnh: “đưa lưỡi dao tung phá” (nguyên văn: nghênh nhận nhi giải); “gươm mài đá, đá núi cũng mòn” (nguyên văn: ma đao nhi sơn thạch khuyết); “voi uống nước, nước sông phải cạn” (nguyên văn: ẩm tượng nhi hà thuỷ can); “sạch không kình ngạc” (nguyên văn: kình khoa ngạc đoạn); “tan tác chim muông” (nguyên văn: điểu tán khuân kinh); “nổi gió to” (nguyên văn: chấn cương phong):...

Câu 4 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hình ảnh thất bại của kẻ thù được thể hiện trong đoạn văn như thế nào?

Trả lời:

Hình ảnh thất bại thảm hại của kẻ thù, một mặt đối lập với sức mạnh vũ bão của quân dân khởi nghĩa, mặt khác vừa tự đối lập với sự hùng hổ, ngông cuồng, xảo quyệt, nham hiểm của chúng lúc mới đem quân đội hùng hậu gây chiến tranh thôn tính.

Sự thất bại nhục nhã của kẻ thù được thể hiện, miêu tả một cách sinh động, giàu sức biểu cảm thông qua việc khắc hoạ hình ảnh tướng giặc (“cùng kế”, “lê gối” “trói tay” “vỡ mật”, “vẫy đuôi”... Có thể khái quát về tư thế và tư cách của kẻ bạo nghịch, phi nghĩa.

Câu 5 trang 4 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nhận xét chung về âm hưởng của đoạn văn.

Trả lời:

Âm hưởng chung: hào sảng, hùng hồn, lẫm liệt, lôi cuốn,... Các biện pháp và thủ pháp cùng các biểu hiện cụ thể: liệt kê, đối, biểu cảm, dùng điển cố,... Tác giả đã tổ chức liên tục các cặp câu biền ngẫu có đối “tương thành” về ý, có nhịp điệu mạnh mẽ. Khí thế oanh liệt, âm hưởng hùng tráng được thể hiện qua sự kiện dồn dập, ngôn từ tinh xác, hình ảnh xác thực,...

Bài tập 6 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 19 - 20), đoạn từ “Xã tắc từ đây vững bền” đến “Ai nấy đều hay” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Những từ ngữ nào trong đoạn văn thể hiện rõ việc tuyên bố chiến thắng và báo hiệu một thời kì mới của đất nước?

Trả lời:

Các từ biểu thị ý “hiện tại tiếp diễn” được lặp lại “từ đây [...] từ đây...” (nguyên văn: vu dĩ.. vu dĩ...), xã tắc vững bền (nguyên văn: điện an), giang sơn đổi mới (nguyên văn: cải quan), bốn biển thanh bình, chiếu duy tân (nguyên văn: duy tân chi cáo - ban bố lệnh về sự khởi đầu của một thời đại mới).

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nêu nhận xét khái quát về âm hưởng của đoạn văn.

Trả lời:

- Nội dung đoạn văn là tuyên bố thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến vĩ đại và kết quả của nó: mở ra một thời kì mới cho cả dân tộc.

- Giọng văn trịnh trọng, gợi không khí nghiêm trang và thiêng liêng; âm hưởng hào sảng và sự tin tưởng vào vận hội tươi sáng của non sông;...

Câu 3 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Niềm tin vào tương lai xán lạn của dân tộc được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Đoạn văn kết bài cáo không đơn thuần là tuyên bố thắng lợi mà thông qua đó còn thể hiện khát vọng và niềm tin chắc chắn về một thời đại mới tự chủ thái bình lâu dài. Tác giả sử dụng các câu văn, các mệnh đề có cấu trúc khẳng định, lặp lại,... để nhấn mạnh, biểu thị sự thực chắc chắn. Niềm tin được thể hiện như một chân lí tất yếu. Từ ngữ xác thực, biểu đạt nội dung tươi sáng, gợi ý niệm về sự thay đổi, về tương lai lâu dài: “vững bền” (điện an), “đổi mới” (cải quan), “nền thái bình vững chắc” (thái bình chi cơ), “ngàn thu” (thiên cổ), “muôn thuở” (vạn thế), “duy tân”... Hình ảnh có tầm vóc vũ trụ, biểu thị sự vận hành: “kiền khôn” “nhật nguyệt” “bốn phương (tứ hải).

Câu 4 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nội dung “tuyên ngôn” và lời tuyên bố độc lập trong đoạn kết bài Bình Ngô đại cáo hướng đến những đối tượng nào?

Trả lời:

Nội dung “tuyên ngôn”:

- Tuyên bố thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Minh.

- Tuyên bố về nền hòa bình dân tộc.

- Khẳng định độc lập, chủ quyền dân tộc.

Lời tuyên bố độc lập trong đoạn kết bài Bình Ngô đại cáo hướng đến những đối tượng:

- Giặc Minh hay rộng hơn là những kẻ đang âm mưu xâm chiến nước ta, những kẻ có dã tâm xâm lược.

- Tuyên bố tới toàn thể dân tộc về một thắng lợi vẻ vang bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc.

Câu 5 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tác phẩm Bình Ngô đại cáo gợi cho bạn liên tưởng đến những bản “tuyên ngôn độc lập” nào của dân tộc? Theo bạn, ý thức tự chủ dân tộc trong thời đại hôm nay được thể hiện ở những phương diện chính nào?

Trả lời:

- Tác phẩm Bình Ngô đại cáo gợi liên tưởng đến những bản “tuyên ngôn độc lập” của dân tộc:

+ Nam quốc sơn hà (Lí Thường Kiệt)

+ Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh)

- Ý thức tự chủ dân tộc trong thời đại hôm nay được thể hiện ở những phương diện chính: Cần thấm nhuần tinh thần độc lập dân tộc, ý thức tự chủ quốc gia mà cha ông đã hun đúc thành truyền thống để phát huy trong thời đại mới, với những nhiệm vụ, thách thức và cơ hội mới.

Bài tập 7 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Bảo kính cảnh giới, bài 43 trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 22) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nêu ấn tượng chung của bạn về bức tranh thiên thiên mùa hè được thể hiện trong bài thơ.

Trả lời:

Ấn tượng nổi bật về bức tranh thiên nhiên: vẻ đẹp tươi sáng, rực rỡ, tràn đầy sức sống; mọi sự vật đều ở trạng thái động;...

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Những từ ngữ, hình ảnh nào trong bốn câu thơ đầu cho thấy sự vận động của thời gian và cảnh vật?

Trả lời:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường

Hòe lục đùn đùn tán rợp trương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tịn mùi hương.”

- Những từ ngữ, hình ảnh trong bốn câu thơ đầu cho thấy sự vận động của thời gian và cảnh vật: đùn đùn, trương, còn phun thức đỏ, đã tịn mùi hương,...

- Các cảnh sắc da dạng và luôn biến đổi, có sự vận động thay đổi liên tục.

Câu 3 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích một vài nét đặc sắc trong cách cảm nhận thiên nhiên và nghệ thuật tả cảnh của tác giả.

Trả lời:

- Thiên nhiên được quan sát, cảm nhận bằng nhiều giác quan (xúc giác, thính giác, thị giác,...); được miêu tả ở trạng thái căng tràn nhựa sống (đùn đùn tán rợp trương, phun thức đỏ,...), trên dòng thời gian chuyển động (“Hồng liên trì đã tịn mùi hương/);...

- Nghệ thuật tả cảnh đặc sắc: Không giới hạn ở bút pháp chấm phá, ước lệ, tượng trưng thường gặp trong thơ trung đại mà nghiêng về bút pháp tả thực. Bức tranh mùa hạ hiện lên với màu sắc tươi sáng, rực rỡ (lục, đỏ, hồng), hình ảnh sống động, từ ngữ giàu tính tạo hình:

+ Hình ảnh cây hoè với tán lá xanh đậm “đùn đùn... rợp trương” - bừng bừng sức sống, vòm lá tươi xanh như đang toả rộng ngay trước mắt.

+ Hình ảnh cây lựu với nguồn nhựa sống căng tràn, bật lên thành “thức đỏ” rực rỡ nơi đầu cành.

+ Hình ảnh ao sen dù “đã tịn mùi hương” vẫn gợi liên tưởng về một không gian thanh khiết từng đầy ắp hương thơm; gợi sự biến đổi của vạn vật trên dòng chảy thời gian và thời khắc giao mùa đang tới;...

Câu 4 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bạn cảm nhận được những nét đẹp nào của khung cảnh cuộc sống con người trong hai câu thơ 5 và 6?

Trả lời:

- Những nét đẹp của khung cảnh cuộc sống con người trong hai câu thơ 5 và 6 là:

- Âm thanh “lao xao” của phiên chợ cá mang đến vẻ đẹp bình dị, ấm áp của cuộc sống sinh hoạt nơi làng chài; những con thuyền về bến, người mua kẻ bán;... Tiếng đàn ve “dắng dỏi” khiến không gian ngỡ tĩnh lặng của buổi hoàng hôn trở nên rộn rã hơn.

- Hình ảnh “làng ngư phử, “lầu tịch dương” vốn mang tính ước lệ, công thức - qua ngòi bút Nguyễn Trãi đã truyền tải được nhịp sống bình yên, ấm áp của đời thường chốn thôn quê.

Câu 5 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hai dòng thơ cuối thể hiện điều gì trong tư tưởng, tâm hồn của Nguyễn Trãi?

Trả lời:

Nguyễn Trãi gửi vào hai dòng thơ cuối khát vọng về một cuộc sống bình yên, no ấm cho nhân dân khắp mọi phương trời. Để tìm câu trả lời, cần đối chiếu giấc mơ lớn lao ấy với tư tưởng nhân nghĩa, vẻ đẹp tâm hồn được thể hiện trong cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi.

Bài tập 8 trang 5, 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Dục Thuý sơn trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 24) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Dựa vào gợi ý trong phần cước chú cho bài thơ này ở SGK (tr. 24), hãy sưu tầm một bài thơ của tác giả khác cùng viết về núi Dục Thuý. Nêu cảm nhận của bạn về bài thơ đó.

Trả lời:

- Phần cước chú trong SGK đã gợi ý cho biết: Núi Dục Thuý (núi Non Nước ở Ninh Bình) từng được mệnh danh là “núi thơ” vì đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân. Nổi tiếng trong số đó có thể kể đến là: Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Thiệu Trị, Tự Đức, Cao Bá Quát, Tản Đà,... Thông qua các nguồn tài liệu như các tổng tập, hợp tuyển thơ văn hoặc thi tập riêng của các tác giả hoặc dựa vào gợi ý của các công cụ tìm kiếm tài liệu trên internet, bạn có thể đọc mở rộng và tìm được một tác phẩm thơ ca theo yêu cầu (thơ ca trung đại viết bằng chữ Hán, chữ Nôm hoặc thơ ca hiện đại viết bằng chữ quốc ngữ). Từ đó lựa chọn một tác phẩm mà mình yêu thích, chép lại để giới thiệu với thầy cô và các bạn. Lưu ý: ghi rõ tên tác phẩm, tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác (nếu biết); nếu là thơ chữ Hán thì có cả phần phiên âm và bản dịch; hệ thống cước chứ,;...

- Nêu cảm nhận về bài thơ: Đây là một câu hỏi mở, có thể phát biểu tự do về cảm xúc của mình khi đọc tác phẩm. Tuy vậy, trả lời dạng câu hỏi này đòi hỏi phải chân thật, xuất phát từ việc trân trọng tác phẩm và từ chính những cảm thụ của mình. Câu trả lời một cách chung chung, không xuất phát từ việc cảm thụ tác phẩm sẽ không đạt yêu cầu.

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hãy nhớ lại cách phân chia bố cục của bài thơ này khi học ở trên lớp. Ngoài cách phân chia đó, theo bạn, còn có thể chia bố cục tác phẩm này theo cách nào? Nêu lí do bạn đề xuất cách phân chia như vậy.

Trả lời:

- Xét về nội dung và cảm hứng, dễ nhận thấy bài Dục Thuý sơn có mô hình kết cấu 6/2. Trong đó:

+ sáu câu đầu thiên về tả cảnh, bức tranh núi Dục Thuý;

+ hai câu kết thể hiện cảm xúc hoài niệm của tác giả.

- Ở một góc độ khác, có thể chấp nhận mô hình cấu trúc đề - thực - luận - kết. Trong đó:

+ hai câu đề: giới thiệu chung về cảnh vật;

+ hai câu thực: cảnh đẹp của ngọn núi nhìn từ xa, trên cao;

+ hai câu luận: vẻ đẹp của ngọn núi nhìn từ điểm nhìn cận cảnh;

+ hai câu kết: tâm sự hoài niệm trước cảnh vật; sự “vận động” của ý thơ đi từ chung đến riêng, từ khái quát đến cụ thể, từ ngoại cảnh đến nội tâm.

- Ngoài ra, lại cũng có thể xác định mô hình kết cấu khác là 2/4/2. Trong đó:

+ hai câu đầu: giới thiệu chung về cảnh vật trong “mối quan hệ” với tác giả;

+ bốn câu giữa: bức tranh sơn thuỷ hữu tình;

+ hai câu kết: tâm sự hoài niệm của nhà thơ.

Câu 3 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Xác lập mô hình thanh điệu (theo luật) của bài thơ, chỉ ra điểm khác nhau về mô hình này giữa nguyên văn với bản dịch.

Trả lời:

- Căn cứ thanh điệu từng tiếng trong mỗi câu để xác định. Ví dụ, với câu 1 thì cả nguyên văn và bản dịch đều là: T-T-T-B-B (Hải khẩu hữu tiên san - Cửa biển có non tiên); không có gì khác biệt; với câu 3 thì nguyên văn là B-B-B-T-T (Liên hoa phù thuỷ thượng) còn bản dịch là T-B-B-T-T (Cảnh tiên rơi cõi tục). Bản dịch đã đảo thứ tự câu thơ.

- Cần ôn lại kiến thức về “niêm luật” trong thơ Đường luật, ở đây là thể ngũ ngôn bát cú. Về luật bằng - trắc, công thức của thơ ngũ ngôn chính là công thức của thơ thất ngôn bỏ đi phần công thức của hai chữ đầu.

Câu 4 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Theo bạn, câu thơ nào trong bài thể hiện rõ nhất sự liên tưởng - tưởng tượng của tác giả? Biện pháp tu từ nổi bật nhất được tác giả sử dụng trong câu thơ để biểu đạt sự liên tưởng - tưởng tượng là gì?

Trả lời:

- Bài thơ có nhiều câu thơ thể hiện năng lực liên tưởng bất ngờ, sự tưởng tượng nhạy cảm và phong phú của tác giả. Trong đó, câu thơ thứ 3 (Liên hoa phù thuỷ thượng)

và câu thơ thứ 5 (Tháp ảnh trâm thanh ngọc) có thể coi là nổi bật nhất.

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong cả hai câu thơ thứ 3 và thứ 5 đều là so sánh, ẩn dụ.

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Sự hoài niệm của tác giả trước cảnh đẹp núi Dục Thuý gợi cho bạn suy nghĩ gì về đời sống tâm hồn của nhà thơ?

Trả lời:

- Về “đối tượng” hoài niệm, trong trường hợp cụ thể này là nhân vật lịch sử Trương Hán Siêu ở đời Trần và danh thắng di tích lịch sử núi Dục Thuý. Việc tìm hiểu thêm một số thông tin về Trương Hán Siêu và núi Dục Thuý là cần thiết:

+ Trương Hán Siêu là người có tài thao lược, có công phát triển tư tưởng quân sự Đại Việt, giúp bàn định mưu kế trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần 2 và 3, được nhiều vua đời Trần và Trần Hưng Đạo mến phục. Cùng với các danh thần nổi tiếng thời Trần như Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi,... ông được lịch sử đánh giá là một tài năng lỗi lạc. Trương Hán Siêu có học vấn uyên bác, là Hàn lâm học sĩ, làm đến chức Thượng thư, được truy tặng hàm Thái bảo, Thái phó, được thờ ở Văn Miếu, danh tiếng sánh ngang các bậc tiên hiền. Bên cạnh tư cách một nhà chính trị, một nhà tư tưởng, một nhà sử học, một nhà giáo,... Trương Hán Siêu còn là một nhà văn hoá, một nhà thơ, nhà văn có nhiều cống hiến. Tác phẩm văn học của ông nổi tiếng nhất là bài Bạch Đằng giang phú, được hậu thế liệt vào những áng thiên cổ hùng văn của nước Việt văn hiến.

+ Núi Non Nước là một danh thắng ở đất Cố đô Hoa Lư, nằm án ngữ ngã ba sông Vân - sông Đáy, hồi thế kỉ XV, vùng này còn gần cửa biển. Thời Lý Nhân Tông, quốc sư Minh Không đã xây dựng chùa tháp ở núi này. Trương Hán Siêu là người đã đặt tên cho núi là Dục Thuý. Đời Trần Hiển Tông, sư Trí Nhu cho trùng tu và mời Trương Hán Siêu soạn bài kí ghi sự việc, chính là bài Dục Thuý sơn Linh Tế tháp kí (Bài kí tháp Linh Tế núi Dục Thuý) nổi tiếng. Cả đời theo đuổi công danh sự nghiệp, về già ở ẩn non xanh, Thăng Phủ viết Dục Thuý sơn kí thác tâm tư. Bài thơ đã gợi hứng cho hàng loạt sáng tác về sau. Non Nước thành nơi lưu dấu chân và bút đề của hàng chục tao nhân mặc khách trải các đời (như Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Thiệu Trị, Tự Đức, Cao Bá Quát, Tản Đà,...), khiến núi Dục Thuy được mệnh danh là “núi thơ.

- Hai câu kết bài thơ này, cũng giống như các bài thơ vịnh cảnh khác cùng chủ đề của Nguyễn Trãi, vượt thoát khỏi âm hưởng tán tụng, ngợi ca của thơ vịnh cảnh đời Lê, lại thường là sự bộc lộ những suy tư về con người, về lịch sử, về dân tộc. Ý thơ thể hiện rõ sự hoài niệm, nhớ tiếc những gì đã qua: con người có tài năng và nhân cách, gắn liền với trang sử hào hùng của dân tộc; cảnh thắng thiên nhiên gắn liền với trầm tích văn hoá và dấu ấn văn hiến của đất nước tự chủ;... Điều này cho thấy tâm hồn hướng nội, sâu sắc của Nguyễn Trãi: luôn hướng về những giá trị cộng đồng, giá trị nhân văn, giá trị cội nguồn. Tài năng, tâm hồn và nhân cách của Nguyễn Trãi vì thế cũng đồng nhất thành một phần máu thịt của lịch sử non sông.

Bài tập 9 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Ngôn chí, bài 3 trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 34) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Xác định thể loại và nêu bố cục của bài thơ.

Trả lời:

- Thể thơ thất ngôn bát cú, xen lẫn câu thơ lục ngôn “áo mặc nài chi gấm là”

- Chia bài thơ thành 4 phần:

- Phần 1: 2 câu đề: Không gian sống thanh bình, yên tĩnh

- Phần 2: 2 câu thực: Ăn uống đơn sơ, giản dị

- Phần 3: 2 câu luận: Chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần

- Phần 4: 2 câu kết: Ngâm thơ, ngắm trăng tận hưởng cuộc sống.

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nêu quan niệm sống được tác giả thể hiện trong hai câu thơ 3 và 4.

Trả lời:

- Qua câu thơ 3 và 4 cho thấy tư tưởng cùng suy nghĩ giản dị, xem thường danh lợi, cuộc sống xa hoa, của cải vật chất. Hướng tới cuộc sống thanh thản, không coi trọng vật chất xa hoa.

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hình dung về cuộc sống của nhân vật trữ tình trong bốn câu thơ cuối. Khoảnh khắc nào trong cuộc sống của nhân vật trữ tình gây ấn tượng nhất với bạn? Vì sao?

Trả lời:

“Nước dưỡng cho thanh, trì thưởng nguyệt;

Đất cày ngõ ải, lảnh ương hoa.

Trong khi hứng động vừa đêm tuyết,

Ngâm được câu thần dặng dặng ca.”

- Trong bốn câu thơ cuối, tác giả đã miêu tả nhiều khoảnh khắc đẹp đẽ, quý giá trong cuộc sống của nhân vật trữ tình với những thú vui thanh cao, tao nhã: thưởng nguyệt, ương hoa và sự “thăng hoa” của tâm hồn nghệ sĩ khi thi hứng được khơi nguồn.

- Khoảnh khắc “Trong khi hứng động vừa đêm tuyết, Ngâm được câu thần dặng dặng ca.” là khoảnh khắc em ấn tượng nhất vì đây là một khung cảnh vô cùng nên thơ trữ tình “đêm tuyết” đã xúc tác cho thi sĩ những câu ca ngân vang. Con người sống gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên.

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chỉ ra một số yếu tố “phá cách” trong bài thơ. Chọn phân tích một yếu tố mà bạn thấy tâm đắc.

Trả lời:

- Tác giả đã sử dụng những thi liệu gắn với cuộc sống đời thường chốn thôn quê: dưa muối, đất cày ngõ ải,...

- Hai câu thơ lục ngôn tạo “điểm nhấn” nêu bật được quan niệm sống của tác giả,...

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bài thơ giúp bạn hiểu thêm điều gì về con người tác giả?

Trả lời:

Bài thơ giúp hiểu thêm về con người Nguyễn Trãi qua những cảm xúc, suy ngẫm, quan niệm về cuộc sống thường ngày. Đó là con người có tâm hồn thanh cao, biết sống một đời sống giản dị mà phong phú,...

Bài tập 10 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Bạch Đằng hải khẩu trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 35 - 36) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Xác định đề tài, thi liệu và thể loại của tác phẩm.

Trả lời:

- Bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” rút trong tập thơ “Ức Trai thi tập” hiện có 105 bài thơ chữ Hán. Viết về dòng sông Bạch Đằng oai hùng trong lịch sử.

- Bài thơ ca ngợi sông Bạch Đằng hùng vĩ là mồ chôn quân xâm lược. Nhìn dòng sông, Nguyễn Trãi tự hào về cửa ải hiểm trở, tự hào về anh hùng hào kiệt, rồi lòng man mác bâng khuâng.

- Thể loại của tác phẩm: Thể thơ thất ngôn bát cú.

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hình tượng thiên nhiên nơi cửa biển Bạch Đằng được miêu tả với những đặc điểm gì?

Trả lời:

Hình tượng thiên nhiên nơi cửa biển Bạch Đằng được miêu tả với vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở của dòng sông nhiều lần nhấn chìm quân xâm lược. Dấu tích của những chiến công oanh liệt, hào hùng cũng mang lại cho cảnh sắc thiên nhiên nét đẹp riêng: “Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng”...

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bốn dòng thơ cuối.

Trả lời:

Bốn dòng thơ cuối thể hiện cảm hứng lịch sử và cảm hứng thế sự của tác giả:

- Tự hào về địa thế hiểm trở của núi sông nước Việt; ngợi ca những anh hùng, hào kiệt đã góp phần làm nên chiến thắng oai hùng.

- Bâng khuâng trước dòng chảy của thời gian, xúc động trong nỗi niềm hoài cổ,...

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bài thơ mang đến cho bạn cảm nhận mới như thế nào về tâm hồn tác giả?

Trả lời:

Căn cứ vào cảm xúc, tâm trạng, giọng điệu,... có thể xác định Nguyễn Trãi viết bài thơ trong khoảng thời gian sau cuộc kháng chiến chống quân Minh, khi chưa có những thất vọng về thực trạng xã hội đương thời. Vì vậy, bài thơ phản chiếu vẻ đẹp của một tâm hồn phơi phới, tràn đầy hùng tâm, tráng chí,...

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: So sánh, nêu nhận xét về hình tượng thiên nhiên trong hai bài thơ Bảo kính cảnh giới, bài 43 và Bạch Đằng hải khẩu.

Trả lời:

Bảo kính cảnh giới, bài 43

Bạch Đằng hải khẩu

-Thiên nhiên gần gũi, bình dị có sự chuyển động và giao thoa giữa con người với tự nhiên.

- Tác giả đã sử dụng những động từ mạnh: "đùn đùn", "trương", "phun" gợi nên sự tràn đầy và sức sống từ nội tại đang ứa căng và không kìm lại được và phải bộc phát ra bên ngoài.

- Bức tranh mùa hè được bổ sung thêm những nét vẽ về cuộc sống của con người với thanh âm của "lao xao" của chợ cá tại một làng chài ven sông cùng tiếng dắng dỏi của cầm ve

⇒ Hình tượng thiên nhiên gần gũi, bình dị.

- Không gian, sông rộng, cửa biển mở ra bát ngát, gió biển lùa vào cửa sông, sóng lớn.

- Thiên nhiên hùng vĩ, hình tượng to lớn.

- Những hình ảnh ẩn dụ “Kình ngạc băm vằm” vừa miêu tả được cảnh núi non hiểm trở vừa gợi lại những chiến tích chống xâm lăng của cha ông xưa.

- Hình ảnh thơ mạnh mẽ, dữ dội “Kình ngạc băm vằm non mấy khúc/ Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.”

⇒ Hình tượng thiên nhiên hùng vĩ, hiểm trở

Viết trang 6

Bài tập 1 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cảm nhận của bạn về một bài thơ của Nguyễn Trãi.

Trả lời:

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

Nguyễn Trãi là một nhà thơ lớn của dân tộc, người mở đầu và để lại nhiều dấu ấn với thể loại thơ nôn của dân tộc. Trong các thi phẩm của ông, bài thơ Cảnh ngày hè hay còn gọi là Bảo kính cảnh giới được ông sáng tác trong lúc ở ẩn là bài thơ đặc sắc. Bài thơ thể hiện vẻ độc đáo của bức tranh ngày hè và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ. Với sự êm dịu và yên bình của thiên nhiên ngày hè, hoa hòe, thạch lưu, hồng liên trì và âm thanh chợ cá… nhưng điều sâu sắc nhất mà Nguyễn Trãi muốn gửi gắm chính là ước mơ “Dân giàu nước mạnh”. Đó là mong muốn chân thành, một khát vọng cao đẹp của một triết nhân, tuy đã lánh mình tránh xa nơi "ồn ào" nhưng trong Nguyễn Trãi vẫn một lòng “ưu quốc ái dân”. Ẩn sâu trong đó là vẻ đẹp tâm hồn của người thi nhân vĩ đại, với tấm lòng yêu thiên nhiên sâu sắc, tâm hồn thanh cao, nhưng luôn hoài băn khoăn lo lắng cho cuộc sống của nhân dân, vận mệnh của đất nước.

Bài tập 2 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Lập dàn ý cho đề bài sau: Viết bài văn trình bày suy nghĩ của bạn về quan niệm sống được Nguyễn Trãi gửi gắm trong bài thơ Ngôn chí, bài 3.

Trả lời:

* Dàn ý mẫu tham khảo:

Mở bài: Giới thiệu bài thơ Ngôn chí, bài 3 và vấn đề cần bàn luận (quan niệm sống thú vị, sâu sắc,...).

Thân bài:

- Nêu nội dung cơ bản của quan niệm sống được Nguyễn Trãi gửi gắm trong bài thơ: Không lệ thuộc vào cuộc sống vật chất, xa hoa; hướng tới lối sống giản dị mà phong phú, đẹp đẽ,...

- Trình bày suy nghĩ về quan niệm sống của tác giả: Bạn hoàn toàn đồng tình với quan niệm của tác giả hay có thêm ý kiến bổ sung, phản biện? Vì sao bạn có ý kiến như vậy? Theo bạn, quan niệm sống ấy có còn sức hấp dẫn với con người hiện đại không?

Kết bài: Khẳng định ý nghĩa độc đáo, sâu sắc của quan niệm sống, có thể mang đến cho con người những khoảnh khắc thư thái, bình yên, hạnh phúc.

Nói và Nghe trang 6

Bài tập 1 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hãy lập dàn ý cho bài nói và luyện tập nói theo đề tài ở bài tập 2 của phần Viết.

Trả lời:

* Dàn ý bài nói mẫu tham khảo:

Mở bài:

- Khái quát về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Trãi.

- Giới thiệu bài thơ Ngôn chí, bài 3

- Đưa ra vấn đề cần bàn luận (quan niệm sống thú vị, sâu sắc và sống đẹp)

Thân bài:

- Nêu nội dung cơ bản của quan niệm sống được Nguyễn Trãi gửi gắm trong bài thơ: Không lệ thuộc vào cuộc sống vật chất, xa hoa; hướng tới lối sống giản dị mà phong phú, đẹp đẽ,...

- Phân tích cảnh vật cùng suy ngẫm của tác giả, lánh xa thị phi, đón nhận cuộc sống “dưa muối”.

- Những thú vui thanh tịnh, yên bình cùng cảm hứng thi ca xuất phát từ tự nhiên.

- Trình bày suy nghĩ về quan niệm sống của tác giả: Bạn hoàn toàn đồng tình với quan niệm của tác giả hay có thêm ý kiến bổ sung, phản biện? Vì sao bạn có ý kiến như vậy? Theo bạn, quan niệm sống ấy có còn sức hấp dẫn với con người hiện đại không?

Kết bài: Khẳng định ý nghĩa độc đáo, sâu sắc của quan niệm sống, có thể mang đến cho con người những khoảnh khắc thư thái, bình yên, hạnh phúc.

Bài tập 2 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Quan điểm của bạn về tình yêu tuổi học trò. Lập dàn ý cho bài nói của bạn để tham gia thảo luận về vấn đề này.

Trả lời:

* Dàn ý bài nói mẫu tham khảo:

Mở bài:

- Dẫn dắt và nêu vấn đề tình yêu tuổi học trò hiện nay.

- Đây là một vấn đề luôn được quan tâm và bàn luận sôi nổi, có những quan điểm khác nhau.

Thân bài:

- Nêu thực trạng và một số quan điểm khác nhau về tình yêu tuổi học trò. Có thể nhận xét, đánh giá khái quát về các quan điểm đó.

- Phân tích những điều tích cực/ hạn chế mà tình yêu tuổi học trò mang đến.

Tích cực:

+ Mang đến cảm xúc hạnh phúc, thúc đẩy cả hai cùng tiến bộ.

+ Giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

+ Đem lại những kỉ niệm ở tuổi học trò.

Tiêu cực:

+ Quá sa đà vào yêu đương mà sao nhãng học tập.

+ Thiếu kinh nghiệm trọng cuộc sống.

- Trình bày quan điểm cá nhân: Bạn ủng hộ hay phản đối tình yêu tuổi học trò? Vì sao? Cần sử dụng lí lẽ và bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho quan điểm

của bạn.

- Nhận thức đúng đắn về tình yêu học trò

- Nếu có yêu trong thời gian đi học thì không nên làm ảnh hưởng đến việc học tập

Kết bài:

- Khái quát và nhấn mạnh ý nghĩa quan điểm mà bạn lựa chọn.

- Mỗi học sinh chúng ta cần có cách nhìn, có quan niệm sâu sắc và hiểu hơn về tình yêu. Một mối tình đẹp và trong sáng tuổi học trò cần được xây đắp từ sự tin cậy, cao thượng và vị tha để mỗi ngày cùng nhau cố gắng, để mỗi ngày mối tình đó trở nên đẹp hơn, tinh khôi như tuổi học trò.

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 4: Sức sống của sử thi

Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian

Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện

Bài 8: Thế giới đa dạng của thông tin

Bài 9: Hành trang cuộc sống

Câu hỏi liên quan

Bài thơ giúp hiểu thêm về con người Nguyễn Trãi qua những cảm xúc, suy ngẫm, quan niệm về cuộc sống thường ngày.
Xem thêm
Hình tượng thiên nhiên nơi cửa biển Bạch Đằng được miêu tả với vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở của dòng sông nhiều lần nhấn chìm quân xâm lược.
Xem thêm
- Nỗi buồn thời thế, nỗi thất vọng trước thực tại nhiều bất công, ngang trái: “Ở thế nhiều phen thấy khóc cười/ ... Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng/ Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi” (Tự thuật, bài 9);
Xem thêm
- Thiên nhiên có vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ: Bạch Đằng hải khẩu (Cửa biển Bạch Đằng), Thân Phù hải khẩu (Cửa biển Thần Phù), Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự (Đề chùa Hoa Yên núi Yên Tử), Vân Đồn,...
Xem thêm
Hình ảnh bậc chủ tướng Lê Lợi trong đoạn trích được khắc hoạ ở nhiều khía cạnh cụ thể, nhưng chủ yếu là các khía cạnh tinh thần
Xem thêm
- Thể thơ thất ngôn bát cú, xen lẫn câu thơ lục ngôn “áo mặc nài chi gấm là”
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Nguyễn Trãi – “Dành còn để trợ dân này” sbt
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!