Đứt gân chân: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị

Đứt gân chân xảy ra do chấn thương, tai nạn hoặc bệnh lý khiến gân bị đứt. Tình trạng này khiến chân không thể vận động bình thường, gây nên những cơn đau khó chịu, nặng hơn mỗi khi cử động ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng đi lại của đôi chân. Để kịp thời điều trị cũng như phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần nhận biết đúng các triệu chứng đứt gân chân và tìm đến các cơ sở y tế thăm khám.

Dấu hiệu đứt gân chân

Gân là mô sợi gắn cơ với xương trong cơ thể con người. Lực tác dụng lên gân có thể gấp 5 lần trọng lượng cơ thể. Trong một số ít trường hợp gân có thể bị đứt. Các tình trạng dễ gây đứt gân bao gồm tiêm steroid vào gân, một số bệnh lý cơ xương khớp (như gút hoặc cường cận giáp) ,...

Mặc dù khá phổ biến, nhưng đứt gân có thể là một vấn đề nghiêm trọng và dẫn đến những cơn đau dữ dội và tàn tật vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Mỗi loại đứt gân có các dấu hiệu và triệu chứng riêng và có thể được điều trị bằng phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đứt gân.

2 vị trí ở chân dễ bị đứt gân nhất là:

Gân cơ tứ đầu: Một nhóm gồm 4 cơ kết hợp với nhau ngay trên xương bánh chè để tạo thành gân xương bánh chè. Nhóm cơ này có vai trò duỗi gối và hỗ trợ cho việc đi bộ, chạy và nhảy.

Gân asin: Gân này nằm ở phần sau của bàn chân, ngay trên gót chân. Đây là vị trí mà cơ bắp chân bám vào xương gót. Gân này có vai trò rất quan trọng là chống đỡ bàn chân. Gân asin giúp bạn kiễng chân lên và chống đẩy khi bắt đầu cuộc đua bằng chân.

Khi bị đứt gân chân thường có những dấu hiệu sau:

  • Đau dữ dội tại vị trí gân bị đứt
  • Vùng da xung quanh bầm tí, sưng nề.
  • Giảm vận động vùng bị tổn thương
  • Chân bị đứt gân sẽ mất khả năng chống đỡ trọng lượng cơ thể.
  • Vùng chấn thương biến dạng rõ ràng.

Dấu hiệu sưng tím trong đứt gân asin. Nguồn ảnh: pinterestDấu hiệu sưng tím trong đứt gân asin.

Ngoài ra, mỗi khu vực cụ thể bị tổn thương gân còn có những dấu hiệu đặc trưng gồm:

Gân asin: các thao tác co duỗi ngón chân vẫn có thể thực hiện, nhưng người bệnh sẽ không thể nhón chân được khi đứt gân asin. 

Đi khám ngay nếu bạn nghe thấy tiếng tách, đau dữ dội, bầm tím nhanh chóng hoặc biến dạng vị trí tổn thương sau tai nạn và không thể đi lại được

Nguyên nhân đứt gân chân

Nói chung, đứt gân thường xảy ra ở nam giới trung niên trở lên. Người trưởng thành dễ bị rách cơ hơn so với rách hoặc đứt gân. Tuy vậy, những người mắc bệnh gút hoặc cường cận giáp vẫn có nguy cơ cao gặp phải vấn đề này.

Các nguyên nhân thường gây đứt gân bao gồm: 

  • Chấn thương vật lý: thường do tai nạn hoặc té ngã.
  • Lão hóa: lưu lượng máu tới nuôi dưỡng các mô gân sẽ giảm dần theo thời gian, khiến gân bị suy yếu và dễ đứt.
  • Tải trọng lệch tâm: cơ bắp co thắt, căng cứng khi đang bị kéo theo hướng ngược lại, gây gia tăng áp lực lên gân liên quan.
  • Trực tiếp tiêm steroid vào gân: phương pháp điều trị này đôi khi áp dụng cho tình trạng viêm gân nghiêm trọng.
  • Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: một số loại kháng sinh như fluoroquinolones, có khả năng làm tăng nguy cơ chấn thương ở gân, đặc biệt là gân asin

Ngoài ra mỗi loại đứt gân còn có một số nguyên nhân đặc trưng riêng.

Đứt gân cơ tứ đầu: Chấn thương đầu gối hoặc chấn thương phía trên xương bánh chè có nguy cơ tổn thương đến gân cơ tứ đầu.

Đứt gân asin do:

  • Vận động quá mức, đặc biệt là những người có tình trạng sức khỏe kém
  • Phản lực quá lớn tác động lên lòng bàn chân khi tiếp đất bằng chân trực diện.
  • Chân lấy đà trước khi chạy căng quá mức.

Chẩn đoán đứt gân chân

Bác sĩ thường chẩn đoán tình trạng đứt gân dựa trên thăm khám lâm sàng và một số xét nghiệm. Các xét ngiệm chẩn đoán hình ảnh cũng được chỉ định với mục đích xác nhận chẩn đoán, đồng thời xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng đứt gân.

Mặt khác, mỗi khu vực chấn thương cũng sẽ được chẩn đoán bằng các phương pháp khác nhau như:

Gân cơ tứ đầu: Chụp X-quang thường cho thấy xương bánh chè ở vị trí tổn thương thấp hơn bình thường ở một bên đầu gối. Bằng cách sử dụng MRI, bác sĩ có thể cho biết tình trạng đứt gân là một phần hay hoàn toàn.

Xquang bàn chân nghiêng. Nguồn ảnh: commons.wikimediaXquang bàn chân nghiêng.

Gân asin: 

Bác sĩ có thể làm nghiệm pháp Thompson. Bệnh nhân nằm sấp trên bàn khám bệnh, hai chân để tự do, người khám bóp mạnh hai bắp chân. Nghiệm pháp được coi là dương tính khi không có cử động nào ở cổ chân (nghĩa là duỗi cổ chân). Khi đó rất có thể bệnh nhân đã bị đứt gân asin.

Bác sĩ có thể thực hiện một thử nghiệm khác là đặt một vòng đo huyết áp trên bắp chân của người bệnh. Băng đo huyết áp sẽ được bơm căng lên 100 mm Hg. Sau đó, bác sĩ sẽ bảo người bệnh kiễng chân lên. Nếu gân còn nguyên vẹn, nó sẽ khiến áp suất tăng lên khoảng 140 mm Hg. Nếu gân bị đứt áp lực sẽ chỉ tăng lên không nhiều.

MRI hoặc siêu âm có thể được chỉ định để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng đứt gân hoặc trong những trường hợp khó xác định

Điều trị đứt gân chân

Sơ cứu chấn thương

Để nâng cao hiệu quả điều trị, sơ cứu là điều cần thiết. RICE là phương pháp sơ cứu hiệu quả cho tất cả trường hợp gân gặp vấn đề, bất kể vị trí chấn thương ở tay hay chân. Liệu pháp này bao gồm 4 bước cơ bản như sau:

  • Nghỉ ngơi và thả lỏng khu vực chấn thương. Hạn chế cử động chân có gân bị đứt, dù chỉ là động tác đơn giản
  • Chườm lạnh lên vị trí thương tổn. Nhiệt độ lạnh từ đá giúp xoa dịu cơn đau đáng kể. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý cho đá lạnh vào khăn hoặc túi chườm chuyên dụng trước khi chườm. Việc để đá tiếp xúc trực tiếp với da trong thời gian dài có nguy cơ khiến tình trạng chấn thương trở nên tệ hơn.
  • Băng bó khu vực chấn thương nhằm giảm thiểu tình trạng sưng tấy. Tuy nhiên, người bệnh cũng nên lưu ý không băng quá chặt khiến máu khó lưu thông đến vùng bị thương.
  • Nâng chân bị chấn thương cao hơn tim để giảm sưng tấy.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh nên giữ yên tư thế duỗi thẳng đầu gối đối với trường hợp đứt gân cơ tứ đầu. 

Điều trị không phẫu thuật

Nẹp bàn chân. Nguồn ảnh: healthNẹp bàn chân. 

Gân cơ tứ đầu

  • Rách một phần có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật bằng cách bó bột hoặc cố định chân thẳng trong 4-6 tuần.
  • Khi bệnh nhân có thể nâng chân bị ảnh hưởng lên mà không bị đau nhức trong 10 ngày, bệnh nhân có thể tập đi lại.

Gân asin

Điều trị không phẫu thuật bao gồm bất động bàn chân vuông góc với cổ chân trong 4-8 tuần và dùng thêm thuốc giảm đau khi đau nhiều, chườm lạnh lên vị trí bị thương,…

Phương pháp điều trị này đã được một số người ủng hộ vì cho kết quả tương tự như phẫu thuật về vận động và sức mạnh nhưng tỷ lệ tái phát lên đến 30%. Tuy nhiên, đây vẫn có thể là một phương pháp thích hợp cho những người có nguy cơ phẫu thuật cao do tuổi tác, bệnh nền hoặc nằm bất động.

Ưu điểm của phương pháp điều trị không phẫu thuật là tránh những rủi ro liên quan đến phẫu thuật. Tuy nhiên, nhược điểm của cách tiếp cận không phẫu thuật là tăng khả năng gân không liền hoặc đứt lại; và quá trình hồi phục cũng mất nhiều thời gian hơn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật nối gân gót. Nguồn ảnh: orthopaedics360.Phẫu thuật nối gân gót.

Gân cơ tứ đầu: Khi gân bị đứt hoàn toàn bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để nối lại gân. Sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được bó bột hoặc bất động một thời gian trước khi bệnh nhân tập đi trở lại. Với liệu pháp vật lý trị liệu, chân bị thương sẽ dần hồi phục hoàn toàn sau 6 tháng.

Gân asin: Phẫu thuật sửa chữa gân Achilles được chỉ định cho những người có sức khỏe tốt và nhu cầu hoạt động cơ bắp gần như bình thường. Một ưu điểm bổ sung khi phẫu thuật là tỷ lệ đứt gân thấp hơn. Sau khi phẫu thuật, bàn chân bệnh nhân sẽ được bất động với các ngón chân hướng xuống trong 3-4 tuần và sau đó dần dần đưa về vị trí trung tính trong vòng 2-3 tuần trước khi bắt đầu tập đi trở lại. Phẫu thuật cũng có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với điều trị không phẫu thuật

Biến chứng đứt gân chân

Nếu không điều trị kịp thời, đứt gân chân có thể để lại hậu quả nghiêm trọng như đau kéo dài, biến dạng vị trí tổn thương, hạn chế khả năng đi lại, vận động thậm chí tàn tật suốt đời.


Câu hỏi liên quan

Mỗi vị trí đứt gân cũng như độ nghiêm trọng của đứt gân tay sẽ có thời gian phục hồi khác nhau. Sau phẫu thuật nối gân, bệnh nhân sẽ phải nẹp cố định vị trí đứt gân khoảng 1 – 2 tháng để gân liền. Sau tháo nẹp, tháo bột, bệnh nhân cần tập luyện tránh cứng khớp và phục hồi khả năng vận động. Thời gian có thể kéo dài 5 – 6 tháng tùy mức độ cũng như hiệu quả tập luyện.
Xem thêm
Như vậy, về mặt chế độ ăn, thì nhìn chung không có kiêng cữ gì, ngoại trừ không nên hút thuốc lá vì thuốc lá, không rượu bia, cần ăn uống đầy đủ chất (rau thịt cá trứng sữa), tránh các thực phẩm gây dị ứng (món nào ăn vào thấy nổi ban ngứa thì né ra), uống đủ nước trong ngày.
Xem thêm
Trong trường hợp nhẹ, các đầu gân có thể tự nối lại với nhau mà không cần phẫu thuật. Khi đó, việc bó bột đòi hỏi duy trì 10 – 12 tuần, sau đó sẽ tháo bột để dùng dụng cụ nâng gót chân.
Xem thêm
Một người bị đứt gân thường có những biểu hiện như: Đau dữ dội. Khu vực có gân bị đứt trở nên bầm tím nhanh chóng và suy yếu rõ rệt; Tay, chân bị đứt gân mất khả năng vận động.
Xem thêm
Đứt gân chân có thể gây tổn thương nghiêm trọng và ảnh hưởng tới chức năng vận động của chân. Người bị đứt gân chân có thể không thể đi lại, đi thành tật thậm chí tàn phế nếu không điều trị.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Đứt gân chân
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!