Video BS Wynn hướng dẫn tập trị liệu giảm đau khớp gối
Đau khớp gối là gì?
Là một cơn đau ở khớp gối bắt nguồn từ bất kỳ cấu trúc xương nào ảnh hưởng đến khớp gối (xương đùi, xương chày, xương mác), xương bánh chè hoặc dây chằng, gân và sụn (sụn chêm) của khớp gối. Cơn đau có thể trầm trọng hơn khi vận động hoặc trên nền bệnh nhân béo phì. Đau khớp gối có thể gặp ở mọi lứa tuổi và các biện pháp điều trị tại nhà thường có hiệu quả trừ khi bệnh trở nên nghiêm trọng.
Các triệu chứng đau khớp gối
Vị trí của cơn đau phụ thuộc vào cấu trúc liên quan, khi bị nhiễm trùng hoặc đang viêm toàn bộ khớp gối có thể bị sưng đau. Khi sụn chêm bị rách hoặc gãy xương chỉ gây ra các triệu chứng ở một vùng cụ thể. Một nang Baker thường sẽ gây đau phía sau khớp gối.
Mức độ đau có thể khác nhau, từ cơn đau nhẹ đến cơn đau dữ dội và tàn phế.
Một số triệu chứng khác đi kèm đau khớp gối là
- Khó chịu khi đứng ngồi hoặc đi lại do khớp gối không ổn định
- Đi khập khiễng do khó chịu
- Khó đi lên xuống cầu thang do tổn thương dây chằng (bong gân).
- Cứng khớp gối (không thể gập khớp gối).
- Sưng đỏ.
- Không duỗi chân được
- Chuyển trọng tâm cơ thể sang khớp gối và chân đối diện.
Nguyên nhân nào gây đau khớp gối?
Đau khớp gối có thể được chia thành ba loại chính:
- Chấn thương cấp tính: chẳng hạn như gãy xương, rách dây chằng hoặc rách sụn chêm.
- Bệnh lý: viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, nhiễm trùng
- Mạn tính: viêm xương khớp, nhuyễn xương, hội chứng dải chậu chày, hội chứng xương bánh chè, viêm gân và viêm bao hoạt dịch.
Dưới đây là danh sách một số nguyên nhân phổ biến gây đau khớp gối.
Chấn thương gối cấp tính
Gãy xương: Một cú đánh trực tiếp vào xương có thể khiến xương ở khớp gối bị gãy. Đây thường là một chấn thương khớp gối rõ ràng và gây đau đớn nhiều. Hầu hết gãy xương khớp gối không chỉ gây đau đớn mà còn cản trở hoạt động bình thường của khớp gối (như gãy xương bánh chè) hoặc làm bệnh nhân đau nhiều khi chịu sức nặng (như gãy mâm chày). Tất cả các trường hợp gãy xương cần được điều trị lập tức. Nhiều trường hợp gãy xương cần một lực tác động đáng kể và thăm khám kỹ lưỡng để phát hiện các chấn thương khác nếu có.
Chấn thương dây chằng: Chấn thương thường gặp nhất là chấn thương dây chằng chéo trước. Thường là chấn thương thể thao do dừng hoặc thay đổi chuyển động đột ngột. Các dây chằng còn lại: dây chằng chéo sau, dây chằng chéo ngoài và dây chằng chéo trong ít bị chấn thương hơn.
Chấn thương sụn chêm: Các sụn chêm (giữa và bên) hoạt động như bộ giảm xóc cho các xương ở khớp gối. Lực làm xoay khớp gối có thể chấn thương sụn chêm.
Trật khớp: Đây là một trường hợp cần cấp cứu ngay lập tức. Trật khớp gối ảnh hưởng lưu lượng máu đến chân và gây ra nhiều bệnh lý khác. Chấn thương này thường do tai nạn xe máy khi khớp gối đập vào tay lái.
Bệnh lý nào gây ra đau khớp gối?
- Bệnh lý
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Nó gây sưng đau và tàn tật nghiêm trọng. Bệnh gút là một dạng viêm khớp thường thấy nhất ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến khớp gối. Bệnh gút có xu hướng tái phát và vô cùng đau đớn trong các đợt cấp tính, ngoài ra có thể không bị đau.
Với bệnh viêm khớp nhiễm trùng: Khớp gối bị nhiễm trùng dẫn đến sưng đau, sốt. Cần điều trị kháng sinh và dẫn lưu càng sớm càng tốt.
- Bệnh mạn tính
Viêm gân bánh chè là tình trạng viêm các gân nối xương bánh chè với xương chày. Đây là một bệnh mạn tính thường thấy ở những người lặp lại một chuyển động trong thời gian dài khi tập thể dục (chẳng hạn như vận động viên chạy bộ và đạp xe).
Hội chứng đau xương bánh chè do thoái hóa hoặc áp lực dưới xương bánh chè nơi nó tiếp xúc xương đùi. Thường xảy ra ở những người hay chạy bộ và đạp xe.
Viêm xương khớp: sụn khớp bị mài mòn do quá trình vận động và tuổi tác.
Viêm bao hoạt dịch trước: Viêm bao hoạt dịch ở phía trước xương bánh chè có thể gây đau phần trước khớp gối.
- Các nguyên nhân khác
Trẻ em có thể bị viêm xương chèn ép lên gân bánh chè (bệnh Osgood-Schlatter).
Các yếu tố nguy cơ gây đau khớp gối
Cơ sinh học: Khớp gối hoạt động phức tạp và phải thường xuyên vận động. Bất kỳ thay đổi nào trong chuyển động của khớp (chênh lệch chiều dài chân, thay đổi cách đi bộ) đều có thể gây ra những thay đổi nhất định, đó là nguyên nhân gây đau và chấn thương.
Thừa cân: Bênh nhân béo phì làm tăng áp lực lên khớp gối. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối do sụn dễ bị tổn thương hơn.
Vận động quá mức các chuyển động lặp đi lặp lại như chạy bộ, trượt tuyết hoặc tính chất công việc (quỳ trong thời gian dài) có thể gây rách sụn và dẫn đến đau.
Khi nào nên đi khám khi bị đau khớp gối
Bất kỳ cơn đau khớp gối nào không thay đổi gì sau khi nghỉ ngơi vài ngày nên được bác sĩ khám cẩn thận. Ngoài ra, sau đây là các triệu chứng mà bác sĩ sẽ đánh giá: sưng, biến dạng, không thể gập, không thể đi lại hoặc khó chịu khi đi bộ, đau đáng kể và sốt.
Xét nghiệm chẩn đoán đau khớp gối
Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi các bệnh toàn thân và sau đó là tính chất của cơn đau khớp gối (thời gian, mức độ nghiêm trọng, phản ứng với các kích thích, v.v.).
Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành khám: vận động khớp khớp gối trong toàn bộ các chuyển động, kiểm tra sự ổn định của dây chằng và đánh giá xem có bị đau và sưng hay không. Việc so sánh kết quả khám khớp gối bị đau với khớp gối bên còn lại thường rất hữu ích. Thông thường, đó là tất cả những gì cần để chẩn đoán và đưa ra phướng pháp điều trị.
Tuy nhiên đôi khi bác sĩ có thể chỉ định thêm các cận lâm sàng:
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang thông thường thường có thể xác định gãy xương và thoái hóa khớp gối.
MRI được sử dụng để đánh giá các mô mềm của khớp gối xem có bị rách dây chằng hoặc chấn thương sụn và cơ.
- Xét nghiệm máu
Nếu nghi ngờ mắc bệnh gút, viêm khớp hoặc các bệnh tương tự, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu.
- Chọc dò dịch khớp gối
Một số bệnh được chẩn đoán tốt nhất bằng cách chọc dò lấy một lượng nhỏ dịch khớp gối. Một cây kim nhỏ vô trùng sẽ đâm vào khớp gối và rút ra một ít dịch. Dịch khớp sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Thường được chỉ định nếu nghi ngờ nhiễm trùng khớp gối hoặc để phân biệt bệnh gút và các dạng viêm khớp khác nhau. Nếu có tụ máu trong khớp do chấn thương, chọc dò khớp gối có thể giúp giảm đau.
- Đau khớp gối nên đến khám bác sĩ chuyên khoa gì?
Thường thì đau khớp gối có thể được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ ngoại. Nếu cần chỉ định phẫu thuật hoặc nguyên nhân của cơn đau cần được đánh giá thêm, bệnh nhân sẽ được chuyển đến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Với các vấn đề bệnh gút hoặc viêm khớp, bệnh nhân có thể được chuyển đến khoa Cơ xương khớp.
Điều trị bệnh đau khớp gối
Có nhiều phương pháp điều trị đau khớp gối, tùy theo nguyên nhân gây ra cơn đau.
- Thuốc điều trị
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị bệnh nguyên nhân hoặc để giảm đau.
Nếu bạn đang dùng thuốc giảm đau chống viêm không kê đơn thường xuyên để chữa đau khớp gối, bạn nên trao đổi với bác sĩ.
- Vật lý trị liệu
Đôi khi các buổi vật lý trị liệu để tăng cường các cơ xung quanh sẽ giúp khớp gối ổn định hơn và đảm bảo các chuyển động cơ học tốt nhất. Tập luyện với bác sĩ vật lý trị liệu có thể giúp tránh chấn thương hoặc làm trầm trọng thêm chấn thương.
- Tiêm thuốc
Tiêm trực tiếp thuốc vào khớp gối trong một số trường hợp nhất định. Hai loại thuốc tiêm phổ biến nhất là corticosteroid và dịch bôi trơn. Tiêm corticosteroid điều trị viêm khớp và các chứng viêm khác ở khớp gối. Thường cần được lặp lại vài tháng một lần. Dịch bôi trơn tương tự như dịch khớp đã có trong khớp gối có thể giúp cử động dễ dàng hơn và giảm đau.
- Liệu phẫu thuật có điều trị và chữa khỏi đau khớp gối không?
Phẫu thuật
Các phẫu thuật khớp gối bao gồm phẫu thuật nội soi khớp gối đến thay toàn bộ khớp gối. Phẫu thuật nội soi khớp gối là một thủ thuật rất phổ biến, cho phép bác sĩ quan sát bên trong khớp gối thông qua một vài lỗ nhỏ và một camera sợi quang học. Bác sĩ phẫu thuật có thể sửa chữa nhiều chấn thương và loại bỏ các mảnh xương hoặc sụn nhỏ. Đây là một phẫu thuật ngoại trú phổ biến.
Thay một phần khớp gối: Bác sĩ phẫu thuật thay thế các phần bị hư hỏng của khớp gối bằng các bộ phận từ nhựa và kim loại. Bởi vì chỉ một phần của khớp gối được thay thế, phẫu thuật này có thời gian phục hồi ngắn hơn thay thế toàn bộ khớp gối.
Thay toàn bộ khớp gối: Khớp gối được thay thế hoàn toàn bằng một khớp nhân tạo.
- Các liệu pháp khác
Châm cứu đã cho thấy hiệu quả giảm đau khớp gối, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị viêm xương khớp. Các chất bổ sung glucosamine và chondroitin vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của chúng.
- Những phương pháp tại nhà giúp giảm đau khớp gối
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn thường xuyên có thể làm dịu cơn đau. Nếu đang dùng những loại thuốc này thường xuyên, bạn nên đến khám bác sĩ để đánh giá tình trạng khớp gối giúp đưa ra chẩn đoán thích hợp và tránh những tác dụng phụ tiềm ẩn của việc sử dụng thuốc mạn tính.
Với vết thương nhẹ:
Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi khớp và tạm dừng các hoạt động thường gặp liên quan đến khớp gối.
Chườm đá: Chườm đá có thể giúp giảm đau và giảm viêm.
Băng ép: Băng ép giúp giảm sưng tấy và giúp cố định khớp gối. Không nên chặt quá và nên tháo ra vào ban đêm.
Kê khớp gối lên cao: Kê cao khớp gối có thể giúp giảm sưng và thư giãn khớp gối.
- Đau khớp gối có biến chứng gì?
Thông thường, cơn đau sẽ biến mất mà không tìm ra nguyên nhân cụ thể. Tùy thuộc vào nguyên nhân của cơn đau, tiến triển mà có thể dẫn đến chấn thương khớp hoặc biến chứng nghiêm trọng hơn. Thông thường, những biến chứng này kéo dài và dẫn đến cơn đau ngày càng nặng hoặc ngày càng khó đi lại.
Dự phòng đau khớp gối
Có thể có nhiều lý do dẫn đến đau khớp gối, do đó tùy thuộc nguyên nhân sẽ có những biện pháp khác nhau để dự phòng đau khớp gối. Chạy trên bề mặt mềm hoặc giảm thời lượng chạy nếu bạn bị đau do hoạt động quá sức. Thắt dây an toàn có thể ngăn ngừa chấn thương do va chạm, tránh chấn thương trực tiếp đến khớp gối. Giảm cân hữu ích đối với nhiều dạng đau khớp gối khác nhau.
Bệnh đau khớp gối có tái phát không?
- Thông thường, cơn đau khớp gối sẽ diễn ra trong một thời gian ngắn rồi tự khỏi. Đôi khi nó có thể tái phát một vài tuần hoặc vài tháng sau đó. Đối với đau khớp gối mạn tính, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ để tránh tổn thương thêm sụn, xương hoặc dây chằng. Tiên lượng phụ thuộc vào các nguyên nhân cơn đau.
Với các kỹ thuật phẫu thuật hiện đại, có thể làm giảm nhiều hội chứng đau khớp gối và trở lại cuộc sống thường nhật.
Xem thêm: