Ta với mình, mình với ta Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về truyền thống

- Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…

 

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

(Trích Việt Bắc,  Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.110)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta được thể hiện trong đoạn thơ.

Trả lời

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích đoạn thơ; nhận xét về truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta được thể hiện trong đoạn thơ.

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:

 

*Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu, tác phẩm Việt Bắc và đoạn thơ trong đề.

0,5

*Cảm nhận đoạn thơ:

- Khát quát đoạn thơ: Đoạn thơ là lời khẳng định nỗi nhớ da diết, không nguôi của người cán bộ cách mạng (người ra đi) với người dân Việt Bắc (người ở lại) khi rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Lời thơ tâm tình, tha thiết cho thấy tình cảm sâu nặng, ơn nghĩa thủy chung giữa người cán bộ và người dân Việt Bắc. Đây là một truyền thống tốt đẹp, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

- Lời khẳng định nỗi nhớ của người ra đi:

- Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu

+ Hai từ láy mặn mà, đinh ninh vừa chỉ mức độ tình cảm sâu đậm, vừa khẳng định tình cảm của người kháng chiến với Việt Bắc trước sau như một không thay lòng đổi dạ.

+ Câu thơ Mình đi, mình lại nhớ mình là lời đáp trả của người ra đi trong câu hỏi Mình đi, mình có nhớ mình của người ở lại. Tố Hữu thể hiện sự tài hoa ở việc lặp lại ba lần từ mình trong một câu thơ. Từ mình ở vị trí thứ nhất và thứ hai chỉ người ra đi còn từ mình ở vị trí thứ ba vừa chỉ người ra đi vừa chỉ người ở lại. Qua đó, người ra đi muốn khẳng định lối sống ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ - niềm kiêu hãnh của mỗi con người Việt Nam.

+ Biện pháp so sánh trong câu thơ Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu càng khắc sâu nỗi nhớ của người ra đi với người ở lại mênh mông, dạt dào không thể kể xiết.

→ Qua lời đáp trả của người ra đi với người ở lại, Tố Hữu muốn nhắn nhủ rằng cách mạng không bao giờ quên ơn nhân dân, bởi đó là truyền thống tốt đẹp, là đạo lý Uống nước nhớ nguồn ngàn đời đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam.

- Nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

+ Biện pháp so sánh trong câu thơ Nhớ gì như nhớ người yêu nhằm khẳng định nỗi nhớ của người ra đi đối với người ở lại giống nỗi nhớ của đôi lứa yêu nhau da diết.

+ Nhớ những đêm trăng lên đầu núi với ánh sáng vằng vặc soi tỏ cuộc sống hiền hòa, êm ả ở Việt Bắc

+ Nhớ nắng chiều phủ xuống lưng nương. Đây không phải là cái nắng trưa hè gay gắt đốt cháy thịt da mà là cái nắng dịu nhẹ để lại nỗi nhớ niềm thương cháy bỏng trong lòng người.  

+ Nhớ bản làng chìm trong khóisương. Hai hình ảnh này đã tạo ra nét mộng mơ, bảng lảng cho thiên nhiên Việt Bắc. Chính thiên nhiên đã tôn tạo thêm nét đẹp trong cuộc sống của con người.

- Nỗi nhớ về những không gian quen thuộc:

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

+ Hai từ ghép đối lập sớm khuyađi về cho thấy nỗi nhớ của người ra đi gắn với hình ảnh con người Việt Bắc siêng năng, cần cù, thức khuya, dậy sớm hết lòng vì cách mạng.

+ Hàng loạt những hình ảnh liệt kê trong các cụm từ: rừng nứa, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê cho thấy nỗi nhớ của người kháng chiến đối với thiên nhiên Việt Bắc thật chi tiết, cụ thể. Cụm từ nhớ từng được lặp lại hai lần, điệp từ nhớ bốn lần đã diễn tả nỗi nhớ thiết tha của người ra đi đối với Việt Bắc.

- Đánh giá: Đoạn thơ mang tính dân tộc đậm đà. Kiểu kết cấu đối đáp rất quen thuộc với thơ ca dân tộc. Ngôn ngữ bình dị, quen thuộc. Tác giả đã sử dụng thành công hai đại từ mình – ta cùng nhiều từ láy gợi tả tâm trạng. Tác giả dùng nhiều thủ pháp nghệ thuật quen thuộc như: đối lập, hoán dụ, liệt kê, câu hỏi tu từ.... Giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, da diết.

2,5

* Nhận xét về truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta được thể hiện trong đoạn thơ.

- Đoạn thơ thật sự đã cho thấy nghĩa tình sâu nặng của người cán bộ, của cách mạng đối với chiến khu Việt Bắc. Tình cảm luôn thủy chung son sắt Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh  hay Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…. Từ đó cho thấy tình cảm, đạo lý sống của con người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung.

- Lời thơ tâm tình ngọt ngào, sâu lắng đã nhắc nhở thế hệ con cháu phải biết hướng về gốc gác, về nơi bén rễ, về cái nôi cho ta hình hài. Và đồng thời cũng là lời khẳng định Việt Bắc chính là cái nôi cách mạng.

- Đoạn thơ thể hiện niềm tự hào về con người Việt Bắc đã hết lòng với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, qua đó bộc lộ tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của nhà thơ Tố Hữu.

0,5

d. Chính tả, ngữ pháp

Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5