(*) Tham khảo: Giới thiệu về Cửu đỉnh thời Nguyễn
Cửu đỉnh là bộ 9 chiếc đỉnh đồng lớn được đúc tại Kinh thành Huế dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Việc đúc Cửu đỉnh được bắt đầu vào tháng 10 năm Ất Mùi (1835) và hoàn thành đầu năm 1837. Đỉnh được coi là biểu tượng uy quyền của triều đình quân chủ, tượng trưng cho đế nghiệp muôn đời bền vững.
Ngày 4/3/1837, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ khánh thành và an vị cho Cửu đỉnh dưới sự chủ lễ của vua Minh Mạng. Cửu đỉnh được coi như biểu trưng và là pháp khí của triều đình nhà Nguyễn đương thời. 9 chiếc đỉnh này được an vị tại sân chầu trước Thế Tổ miếu, phía sau Hiển Lâm Các trong Hoàng thành (Đại Nội - Kinh thành Huế). Các đỉnh được đặt tên lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Cửu đỉnh được xếp một hàng ngang, đối diện với 9 gian thờ trong Thế Tổ miếu, tương ứng với 9 vị vua được thờ trong miếu. Riêng chiếc đỉnh lớn nhất (Cao đỉnh) là chiếc đỉnh ứng với vua Gia Long - vị vua sáng lập triều Nguyễn, được đặt chính giữa và nhô về phía trước so với 8 chiếc còn lại.
Cửu đỉnh được coi là "bộ bách khoa thư của Việt Nam" được các học sĩ thời phong kiến soạn một cách tổng quát, phong phú. Cửu đỉnh gắn liền với số 9 - được coi là con số linh thiêng, may mắn trong văn hóa phương Đông. Trên mỗi đỉnh có 18 hình khắc theo cách chạm nổi, ngoại trừ một hình khắc tên của đỉnh thì 17 hình còn lại là hình ảnh mô tả cảnh vật, sản vật của đất nước. Tổng cộng có 153 hình ảnh đậm tính dân tộc, tính dân gian cùng tên gọi được khắc trên 9 đỉnh. Các hình khắc trên đỉnh được chia làm 3 tầng, mỗi tầng 6 hình xen kẽ với mảng trống, xếp trên dưới so le với nhau. Các hình này được phân thành các nhóm, mỗi nhóm có 9 hình khắc trên 9 đỉnh như: Tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền...
Cửu đỉnh cũng được coi là "bộ sách địa chí của Việt Nam", với những danh thắng tiêu biểu được giới thiệu đủ trên khắp 3 miền, thể hiện tư tưởng hòa bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia Việt Nam trên 3 chiếc đỉnh lớn nhất. Đó là hình ảnh của Đông Hải (biển Đông - khắc trên Cao đỉnh), Nam Hải (vùng biển phía nam - khắc trên Nhân đỉnh), Tây Hải (biển phía tây - khắc trên Chương đỉnh).
Cửu đỉnh được đúc theo phương thức thủ công truyền thống. Khuôn đúc bằng đất sét cũng được tạo tác thủ công vô cùng tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành, tất cả khuôn đúc được phá bỏ để tránh sự sao chép. Tạo hình các đỉnh, cũng như các hình khắc, hoa văn, họa tiết trên Cửu đỉnh vô cùng tinh xảo và độc đáo, chưa từng có trong các công trình, tác phẩm mỹ thuật đã tồn tại trong lịch sử Việt Nam.
Từ khi an vị ở sân Thế Tổ miếu - Hoàng thành Huế (năm 1837) tới nay, Cửu đỉnh chưa từng được di dời đi nơi khác và cũng chưa từng phải duy tu, sửa chữa. Trải qua gần 200 năm, qua khói lửa chiến tranh, Cửu đỉnh vẫn tồn tại và xứng đáng là một kiệt tác điêu khắc của người xưa, niềm tự hào của triều Nguyễn và nay là báu vật của đất nước.
Năm 2012, bộ Cửu đỉnh nhà Nguyễn được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 1). Năm 2021, sau hai năm nghiên cứu và xây dựng hồ sơ, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.