Bài nói tham khảo
Đề bài: Kĩ năng sống là gì, vì sao bạn cần phải rèn luyện kĩ năng sống?
Cuộc sống vốn là chuỗi ngày không dự báo trước. Chúng ta không thể biết ngày mai, ngày kia thậm chí là ngày hôm nay sẽ xảy ra chuyện gì. Có một câu nói nổi tiếng, đó là: Cuộc sống vốn thú vị vì không ai biết trước nó sẽ như thế nào ư? Nhưng tôi lại nghĩ, cuộc sống với đầy những điều bất ngờ chỉ có thể trở nên thú vị với những người có sự chuẩn bị từ trước. Không có sự chuẩn bị để đối mặt với những vấn đề cuộc sống mang lại, thì cũng giống như đón một cơn bão cấp 12 mà chưa gia cố đê điều, chưa neo buộc lại nhà cửa hay là chưa mua sẵn lương thực dự trữ ... Điều đó thực sự nguy hiểm. Vậy làm thế nào để có thể tận hưởng cuộc sống đầy những điều bất ngờ không báo trước đây ạ? Theo tôi, chỉ có một cách duy nhất, chính là không ngừng học tập, không ngừng rèn luyện những kỹ năng sống.
Kỹ năng sống không phải là điều gì quá xa lạ. Ngày nay, có rất nhiều lớp học về kỹ năng sống, có rất nhiều sách về kỹ năng sống. Nhưng nếu nói thật rõ ràng, thì kỹ năng sống là gì? Kỹ năng sống chính là năng lực của mỗi người giúp giải quyết những nhu cầu và thách thức của cuộc sống một cách có hiệu quả. Chúng quyết định bạn là ai, làm việc thế nào. Ví dụ như “Có kỹ năng sống thì khi gặp động đất, gặp lũ lụt, gặp hỏa hoạn, chúng ta biết cách để bảo vệ bản thân và giúp đỡ người khác. Hay đơn giản hơn, có kỹ năng sống thì khi bài kiểm tra đến rất gần, chúng ta vẫn biết cách phân bổ thời gian để ôn tập một cách hợp lý và đạt điểm cao. Hay đơn giản hơn nữa thì có kỹ năng sống, chúng ta sẽ biết cách bảo vệ những lợi ích chính đáng của bản thân mình, biết nêu ra lập trường và thực hiện các mục tiêu đã đề ra, chúng ta biến cuộc sống của mình trở nên đơn giản và vui vẻ hơn nhiều. Tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện nhỏ về một chú lạc đà con.
Lạc đà con hỏi mẹ:
“Tại sao lạc đà nhà mình lại có bướu hả mẹ?”
“À, chúng ta là động vật sa mạc nên cần có bướu để giữ nước”, mẹ lạc đà trả lời.
“Vậy sao chân mình dài thế hả mẹ?”
“Đó là phương tiện tốt nhất đi trên sa mạc tốt hơn bất cứ loài nào khác đấy, con yêu”.
“Thế tại sao lông mi mình lại dài thế hả mẹ? Thỉnh thoảng chúng lại cọ cọ vào mắt con, rõ ngứa?”
“Con yêu, lông mi mình dài đề bảo vệ mắt khỏi gió cát sa mạc đấy”.
“Ồ, con hiểu rồi, bướu để trữ nước, chân dài để đi, mi mắt dài để che chắn ... Con hỏi thêm 1 câu nữa nha”.
“Hỏi đi con yêu .. “, mẹ lạc đà ôn tồn nói
“Vậy tại sao chúng ta phải ở trong sở thú vậy mẹ?”
Trong câu chuyện dí dỏm trên, chú lạc đà con đáng thương đang ở nhầm nơi để sống. Bản thân chú lạc đà tuy có rất nhiều tiềm năng khác nhau, nhưng tất cả đều không có cơ hội để phát huy hết những khả năng mình có. Nó cũng giống như khi bạn đã có những kiến thức cứng nhưng lại không có các kỹ năng mềm để phát huy hết những kiến thức của mình có vậy. Bạn không thể giao tiếp, không thể phát huy khả năng tư duy sáng tạo ... rồi sẽ đến lúc nào đó, bạn cũng không thể nhớ được ngay từ đầu mình đã có những lợi thế gì. Qua đây ta có thể thấy Kỹ năng sống quan trọng như vậy nhưng thứ gì vốn quan trọng lại luôn không thể đạt được một cách dễ dàng. Làm thế nào để có thể rèn được kỹ năng sống một cách hiệu quả đây?
Theo tôi, các kỹ năng sống cần được xây dựng một cách từ từ, thông qua các hoạt động hàng ngày chứ không thể cứng nhắc học vẹt 1+1=2 được. Các kỹ năng sống có thể được lồng ghép trong các hoạt động trên lớp. Ví như, Thảo luận nhóm là một hình thức để xây dựng, rèn luyện kỹ năng thể hiện và thuyết phục người khác, cũng như kỹ năng làm việc nhóm. Dần dần theo thời gian, kỹ năng thể hiện bản thân trước đám đông sẽ được hình thành một cách tự nhiên và giúp đỡ cho sự phát triển sau này. Hay ví như, viêc bạn học tốt giúp đỡ bạn kém tiến bộ cũng là một hình thức rèn luyện kỹ năng hợp tác, chia sẻ. Xây dựng, phát triển kỹ năng qua các hoạt động ngoại khóa cũng là một phương pháp rèn kỹ năng sống hiệu quả. Các hoạt động ngoại khóa nên thu hút được thật nhiều các bạn học sinh tham gia chứ không chỉ bó gọn trong một số ít bạn. Mỗi một học sinh, từ những bạn năng nổ nhiệt tình đến những bạn hiền lành nhút nhát ít nói đều được tham gia các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, để từ đó mà học tập thêm các kỹ năng sống. Các buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy, hay hướng dẫn cách sơ cứu khi bị thương cũng là những hoạt động ngoại khóa giúp chúng em rèn luyện kỹ năng sinh tồn, ứng biến và xử lý của mình. Hiện nay, tôi thấy các hoạt đông rèn luyện kỹ năng sống mang tính chất công thức, bài bản như tập xử lý phòng cháy chữa cháy, tập xử lí khi đuối nước,... làm rất quan trọng và cũng đang được các trường trên địa bàn Hà Nội tích cực phổ biến đến học sinh.
Giáo dục kỹ năng sống có thể cung cấp cho mỗi chúng em những kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, từ những kỹ năng sống cơ bản đó, học sinh sẽ có vốn liếng để đối mặt với các vấn đề của cuộc sống. Điều quan trọng hơn hết chính là những giá trị, những quy tắc sống học sinh được tiếp thu qua các bài dạy của thầy cô. Do đó, tôi nghĩ, bên cạnh những kỹ năng sống đơn thuần giúp học sinh biết được cách để bảo vệ bản thân, để thể hiện bản thân thì những bài học về cách làm người, về cách phân biệt những điều nên làm, những điều đúng điều sai cũng vô cùng quan trọng. Chính những điều này mới là những điều giúp học sinh vượt qua khó khăn và thử thách của cuộc đời sau này. Kỹ năng làm người mới chính là kỹ năng sống quan trọng nhất.
Chúng ta có thể tự ti và mất đi sự tự tin của chính bản thân vì điểm số không cao, lại không thông minh như một số bạn. Nhưng đừng nản chí, có nhiều nhà khoa học đã đồng ý rằng Kĩ năng sống, kĩ năng mềm chiếm đến 75% sự thành đạt của bạn. Sau đây tôi sẽ đưa ra các tip nhỏ mà tôi thấy nó sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều:
1, Hãy nhìn đời bằng con mắt lạc quan. Chúng ta phải hiểu nếu ta nhìn cốc nước trên bàn và nghĩ nó còn Đầy một nửa thì chắc chắn sẽ tốt hơn nếu ta nghĩ nó đã vơi đi, nó còn có một nửa. Điều này có thể giữ được nhiệt huyết của bạn trên chặng đường dài, nó tạo sự thích thú say mê cho bạn.
2, Làm việc nhóm, Hòa đồng với tập thể. Đừng bao giờ có suy nghĩ mình là số một, mình sẽ làm được mọi chuyện mà không cần ai. Đối với Các nhà tuyển dụng ngày nay, tiêu chí làm việc nhóm và hòa đồng luôn là một tiêu chí quan trọng để đánh giá bạn đỗ hay trượt phỏng vấn.
3, Giao tiếp hiệu quả. Đó chính là thế mạnh đối với bất cứ ai trong cuộc sống. Vì nó rất quan trọng nên tôi sẽ thử đưa ra một vài chia sẻ về những điều tôi làm và tôi thấy nó khá thành công. Đó là:
- Nhìn thằng vào mắt người đối diện, và cười đúng lúc, thể hiện cảm xúc đúng chỗ.
- Đừng tỏ ra bồn chồn hay run sợ, tự ti.
- Đừng cố cướp lời, hãy biết đó là lúc nên nói hay lắng nghe người khác nói.
- Hãy sử dụng ngôi nói một cách hợp lí, đúng lứa tuổi, đúng hoàn cảnh.
- Chấp nhận và học hỏi sự phê bình. Để đúc rút nó thành kinh nghiệm cho bản thân. Nó thể hiện một cái nhìn khách quan cho người khác. Nó thể hiện bạn là người sẵn sàng cải thiện khiếm khuyết của bản thân mà không cứng nhắc.
- Xác định được những việc mình cần phải làm và sắp xếp nó vào thời gian cụ thể.
- Điều cuối cùng đó chính là tự tin. Samuel Johnson từng nói “Tự tin là điều kiện đầu tiên để làm được những việc lớn lao”. Liệu ai có thể đặt niềm tin vào một người mà ngay chính bản thân họ cũng không tự tin về bản thân mình.
Qua bài thuyết trình này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, kỹ năng sống không phải là một thứ gì xa vời. Nó luôn bên cạnh chúng ta, ở ngay trong những hành vi hàng ngày của các bạn, ở ngay trong cuộc sống thường nhật của các bạn. Khi các bạn tham gia giao thông, các bạn chấp hành đúng luật như đội mũ bảo hiểm, không dàn hàng ngang, ... hay khi các bạn vứt rác đúng nơi quy định, thực hiện cam kết không sử dụng pháo, chất cháy nổ cũng là kỹ năng sống. Bởi như đã nói, kỹ năng sống không phải được xây dựng ngay trong ngày một ngày hai mà phải là một quá trình dài để ta học tập và rèn luyện.