Cách nhận biết Al2O3
I. Cách nhận biết Al2O3
- Al2O3 là chất rắn dạng bột hoặc hạt màu trắng và không tan nước nhưng tan được dung dịch kiềm.
- Cách nhận biết: Có thể dùng dung dịch axit (như HCl, H2SO4 …) hoặc dung dịch kiềm (như NaOH, KOH, Ba(OH)2 …).
- Hiện tượng: Al2O3 tan được trong cả dung dịch axit và dung dịch kiềm.
- Phương trình hóa học minh họa:
Al2O3 + 6HCl → 2AlCl3 + 3H2O
2NaOH + Al2O3 → 2NaAlO2 + H2O
- Giải thích: Al2O3 là oxit lưỡng tính nên vừa tác dụng với dung dịch axit và kiềm.
II. Mở rộng
- Al2O3 là thành phần chính của quặng boxit.
- Trong tự nhiên, nhôm oxit tồn tại dưới dạng ngậm nước và dạng khan.
+ Dạng oxit ngậm nước là thành phần chủ yếu của quặng boxit (Al2O3.2H2O) dùng để sản xuất nhôm.
+ Dạng oxit khan, có cấu tạo tinh thể là đá quý. Dạng này ít phổ biến và thường gặp là:
Corindon ở dạng tinh thể trong suốt, không màu, rất rắn, được dùng để chế tạo đá mài, giấy nhám,…
Trong tinh thể Al2O3, nếu một số ion Al3+ được thay bằng ion Cr3+ ta có hồng ngọc dùng làm đồ trang sức, chân kính đồng hồ và dùng trong kĩ thuật laze.
Tinh thể Al2O3 có lẫn tạp chất Fe2+, Fe3+ và Ti4+ ta có saphia dùng làm đồ trang sức.
Bột nhôm oxit dùng trong công nghiệp sản xuất chất xúc tác cho tổng hợp hữu cơ.
III. Bài tập nhận biết Al2O3
Bài 1: Chỉ dùng nước hãy trình bày phương pháp nhận biết các chất rắn sau: BaO, BaCO3, Al2O3?
Hướng dẫn giải:
- Lấy mẫu thử và đánh số tương ứng.
- Hòa tan 3 chất rắn vào nước, hiện tượng:
+ Chất rắn tan trong nước tạo thành dung dịch: BaO
BaO + H2O → Ba(OH)2
+ Chất rắn không tan: BaCO3 và Al2O3
- Dùng chính dung dịch Ba(OH)2 ở trên nhỏ vào các ống nghiệm còn lại:
+ Chất rắn tan: Al2O3
Al2O3 + Ba(OH)2 → Ba(AlO2)2 + H2O
+ Chất rắn không tan: BaCO3
Bài 2: Có ba oxit màu trắng: MgO, Al2O3, Na2O. Có thể nhận biết các chất đó bằng thuốc thử:
A. Chỉ dùng axit
B. Chỉ dùng phenolphtalein
C. Dùng nước
D. Chỉ dùng quỳ tím.
Hướng dẫn giải:
Đáp án C
- Lấy mẫu thử và đánh số tương ứng.
- Hòa tan 3 chất rắn vào nước, hiện tượng:
+ Chất rắn tan trong nước tạo thành dung dịch: Na2O
Na2O + H2O → 2NaOH
+ Chất rắn không tan trong nước: Al2O3, MgO.
- Cho các mẫu thử còn lại lần lượt vào dung NaOH ở trên, hiện tượng:
+ Chất rắn tan: Al2O3
Al2O3 + 2NaOH → 2NaAlO2 + H2O
+ Không hiện tượng: MgO
Xem thêm các bài viết về cách nhận biết các chất hóa học hay và chi tiết khác: