Có hai loại axit hydroxy là alpha và beta. Axit alpha hydroxy (AHA) là chất tẩy tế bào chết có nguồn gốc từ trái cây hoặc đường sữa như axit glycolic (từ đường mía) và axit lactic (chiết xuất từ sữa). Trong khi đó, chỉ có một axit beta hydroxy (BHA) thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da, đó là axit salicylic, có nguồn gốc từ aspirin.
BHA hoạt động như thế nào?
BHA hoạt động chủ yếu như một hoạt chất giúp tẩy da chết. Chúng làm cho các tế bào của lớp biểu bì (lớp ngoài cùng của da) trở nên không kết dính vào nhau, tạo điều kiện cho các tế bào da chết bong ra, thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào mới. Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, BHA có thể cải thiện tình trạng da thô ráp, giúp giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn và hỗ trợ điều trị các rối loại sắc tố da (do ánh nắng mặt trời) sau ít nhất 6 tháng sử dụng hàng ngày.
Trong các sản phẩm chăm sóc da, BHA có tác dụng tốt nhất ở nồng độ 1 – 2% và độ pH từ 3-4.
Sự khác biệt giữa AHA và BHA
Sự khác biệt chính giữa AHA và BHA nằm ở khả năng tan trong lipid. Trong khi AHA chỉ hòa tan trong nước, thì BHA lại có khả năng hòa tan trong lipid (dầu). Nhờ sự khác biệt này mà BHA có thể thâm nhập vào lỗ chân lông, nơi chứa bã nhờn và tẩy tế bào da chết tích tụ bên trong lỗ chân lông. Chính vì thế, BHA đặc biệt phù hợp để tẩy da chết cho da dầu có mụn đầu đen và mụn đầu trắng. Còn AHA được sử dụng tốt hơn trên da dày, bị tổn thương do ánh nắng mặt trời, nơi mụn không phải là vấn đề lớn.
Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng BHA
BHA có thể khiến da trở lên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời
Một trong những mối quan tâm lớn nhất khi sử dụng BHA đó là làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời có thể lên đến 50%. Điều này nghe có vẻ khá nghịch lý vì BHA mặc dù có thể giúp đảo ngược một số tình trạng thay đổi sắc tố và hư tổn da do ảnh hưởng của tia UV, thành phần này cũng khiến tăng nguy cơ dễ cháy nắng và lão hóa. Do đó nếu đang sử dụng BHA, cần lưu ý là phải bôi kem chống nắng có khả năng bảo vệ da khỏi tác động của tia UVA và UVB.
Các kích ứng da có thể xảy ra do sử dụng BHA
So với AHA, BHA ít gây kích ứng hơn mặc dù có thể thâm nhập sâu vào lỗ chân lông. Điều này là do axit salicylic có nguồn gốc từ axit acetylsalicylic hay quen thuộc hơn với tên gọi aspirin. Với khả năng kháng viêm tốt, axit salicylic được thừa hưởng phẩm chất này. Tuy vậy, BHA vẫn có thể gây kích ứng. Các triệu chứng bao gồm da mẩn đỏ, nóng rát, bong tróc, châm chích và thậm chí gây sẹo. Những người có làn da sẫm màu có nguy cơ bị thâm khá cao khi sử dụng axit salicylic.
Cách sử dụng BHA hiệu quả
Axit beta hydroxy được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc da bao gồm kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt, kem mắt, kem chống nắng và kem nền. Tốt nhất là bạn nên chọn một sản phẩm có chứa công thức BHA thích hợp để sử dụng làm chất tẩy tế bào chết , sau đó chọn các sản phẩm chăm sóc da hoặc mỹ phẩm khác không chứa axit hydroxy để giảm khả năng kích ứng da.
Để mang lại hiệu quả tốt nhất bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa BHA. Với sữa rửa mặt, do thời gian lưu lại quá ít nên không đủ để BHA thấm vào da do đó hiệu quả không cao.
Không nên dùng cùng một lúc kem chống nắng và BHA vì kem chống nắng hoạt động không ổn định ở độ pH cần thiết cho BHA phát huy hiệu quả. Và đừng quên việc thoa kem chống nắng mỗi ngày khi đang sử dụng BHA. Nên chọn sản phẩm kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 15 để bảo vệ khỏi tia UVB (lý tưởng là 30 hoặc cao hơn) và chứa avobenzone, titanium dioxide hoặc oxit kẽm để bảo vệ khỏi tia UVA.
BHA hoạt động tốt nhất ở nồng độ từ 1 - 2% và ở độ pH từ 3 - 4. Tuy nhiên, các nhà sản xuất mỹ phẩm không bắt buộc phải in thông tin về độ pH trên bao bì. Do đó, cách duy nhất để biết độ pH của sản phẩm là kiểm tra bằng giấy thử độ pH.
Không giống như AHA, phải được liệt kê trong ba thành phần hàng đầu để chỉ ra nồng độ thích hợp. BHA lại phát huy hiệu quả ở nồng độ thấp nên nếu bạn cầm một sản phẩm có chứa axit salicylic mà tới gần hết danh sách thành phần mới tìm thấy cái tên này cũng đừng ngạc nhiên nhé.
Xem thêm: