Ít hơn 1% những người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở những người có triệu chứng, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 30%. Các nhà nghiên cứu ước tính số người chết vì viêm não Nhật Bản hằng nằm dao động từ 13.600 đến 20.400 người.
Quá trình lây truyền
Virus viêm não Nhật Bản (JEV) không thể truyền trực tiếp từ người này sang người khác. Muỗi thu nhận virus khi hút máu các loài chim hoang dã và lợn nhà bị nhiễm bệnh. Sau đó, muỗi truyền virus cho người và động vật. Các loài chim và động vật khác không thể truyền bệnh cho người. Muỗi là véc tơ truyền bệnh duy nhất. Culex tritaeniorhynchus là loại muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản phổ biến nhất ở Việt Nam.
Muỗi truyền bệnh chủ yếu sống ở các vùng nông nghiệp và nông thôn. Ấu trùng của chúng sinh sản trong các vũng nước, ví dụ trong các ruộng lúa ngập nước. Vì vậy, nguy cơ mắc virus cao nhất gặp ở các vùng nông thôn. Virus có nhiều khả năng ảnh hưởng đến trẻ em hơn vì người lớn sống ở các khu vực lưu hành virus thường đã tạo được miễn dịch khi họ trưởng thành.
Viêm não Nhật Bản phổ biến nhất ở đâu?
Viêm não Nhật Bản hay gặp nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan từng có những đợt bùng phát dịch lớn nhưng họ đã chủ yếu kiểm soát được dịch bệnh nhờ các chiến dịch tiêm chủng. Các nước như Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Nepal và Malaysia thỉnh thoảng vẫn có những đợt dịch.
Tại Việt Nam, bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè nắng nóng, đỉnh điểm dịch rơi vào các tháng 5,6,7.
Triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản
VNNB có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trên người nhiễm virus, nhưng nếu có, các triệu chứng thường sẽ xuất hiện từ 5 đến 15 ngày sau khi nhiễm virus.
Trong các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể chỉ bị sốt và đau đầu, nhưng trong những trường hợp nặng, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện và tiến triển nhanh chóng.
Các triệu chứng có thể xảy ra:
Người bệnh có thể có biểu hiện tổn thương chức năng não:
- Trạng thái sững sờ
- Mất phương hướng
- Hôn mê
- Co giật ở trẻ em
Tinh hoàn cũng có thể bị sưng lên.
Tổn thương não trong viêm não Nhật Bản có thể để lại các di chứng suốt đời, chẳng hạn như điếc, rối loạn tâm thần hay liệt một bên cơ thể. Cơ hội sống sót sau khi mắc bệnh rất khác nhau, nhưng trẻ em phải đối mặt với nguy cơ tử vong lớn nhất.
Phòng ngừa viêm não Nhật Bản
Các cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm não Nhật Bản là tiêm vắc xin và diệt muỗi.
Tiêm phòng
Hiện nay đã có vắc xin an toàn và hiệu quả để phòng VNNB. Tất cả đối tượng ở mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản, nhưng chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Đặc biệt, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất là trẻ từ 2 - 6 tuổi (chiếm khoảng 75% tổng số ca mắc). Vì vậy, các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 1-5 tuổi cần đưa con đi tiêm đầy đủ và đúng lịch trong chương trình tiêm chủng thường xuyên.
Các bậc phụ huynh tại các vùng nguy cơ cao cần chủ động cho trẻ tham gia tiêm bổ sung vắc xin Viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ 6-15 tuổi.
Vắc xin viêm não Nhật Bản có thể gây ra một số tác dụng phụ tạm thời, bao gồm:
- Da đỏ, sưng và đau tại chỗ tiêm
- Đau đầu
- Đau cơ
- Phát ban, nổi mề đay và khó thở - trong một số trường hợp hiếm hoi
Phụ nữ mang thai, cho con bú, hoặc người đang bị sốt có thể được chỉ định hoãn tiêm. Những người bị dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin không nên tiêm.
Ngoài ra, để phòng VNNB cũng như một số bệnh thường gặp trong mùa hè, người dân cần chú ý ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy.
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán viêm não Nhật Bản
Để chẩn đoán viêm não Nhật Bản, bác sĩ sẽ khai thác kĩ các triệu chứng cũng như nơi sinh sống và khu vực bệnh nhân từng đi qua.
Trong trường hợp nghi ngờ viêm não, bệnh nhân sẽ được chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, MRI não cũng như chọc dò tủy sống làm xét nghiệm để tìm ra loại virus gây bệnh.
Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang cũng có thể được chỉ định để phát hiện kháng thể đặc hiệu chống virus.
Điều trị viêm não Nhật Bản
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm não Nhật Bản. Một khi đã mắc bệnh, việc điều trị chỉ có thể giúp làm giảm các triệu chứng, như chống phù não, an thần, cắt cơn giật, hạ nhiệt, hồi sức, chống bội nhiễm.
Phòng ngừa là biện pháp tốt nhất để đối phó với bệnh viêm não Nhật Bản.
Xem thêm: