Khi hoạt động bình thường, cơ thể luôn điều chỉnh mức đường huyết ổn định, đảm bảo tế bào nhận được nhiên liệu cần thiết. Insulin là một loại hormone đưa glucose ra khỏi máu vào tế bào để sử dụng cung cấp năng lượng. Do đó, insulin góp phần giúp giữ mức đường trong máu ổn định.
Sự cố xảy ra khi quá trình này bị gián đoạn. Ví dụ, trong bệnh đái tháo đường, lượng đường trong máu quá cao do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng hormone này một cách không hiệu quả. Điều này có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng cho các mô cơ thể và dẫn đến các biến chứng khác nhau.
Lượng đường trong máu thấp cũng có thể xảy ra và nó cũng gây ra các triệu chứng tương tự rồi dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Do đó, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc điều chỉnh lượng đường trong máu cao hoặc thấp, đặc biệt nếu bị đái tháo đường
Tổng hợp glucose
Nói chung, glucose đến từ carbohydrate trong thực phẩm chúng ta ăn sau khi chúng được hấp thụ, tiêu hóa và chuyển hóa thành dạng đơn giản nhất. Ví dụ, khi ăn một thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như bánh mì, các enzym và axit trong dạ dày sẽ phá vỡ nó, giải phóng glucose.
Sau đó, ruột sẽ hấp thụ glucose, giải phóng nó qua máu và đến các tế bào. Glucose dư thừa được loại bỏ khỏi máu, phần lớn được chuyển thành dạng lưu trữ là glycogen.
Hãy coi gan như một kho chứa đường trong cơ thể, giúp duy trì lượng đường trong máu lưu thông đều đặn. Giữa các bữa ăn hoặc khi đang ngủ, cơ thể phải sản xuất glucose của riêng mình để tiếp tục cung cấp năng lượng cho các tế bào. Trong thời gian này, gan chuyển đổi glycogen thành glucose thông qua một quá trình gọi là thoái hoá glycogen
Sử dụng glucose
Điều quan trọng là phải có mức đường huyết phù hợp trong máu để cung cấp năng lượng cho các tế bào, duy trì năng lượng và đảm bảo rằng hệ thống hoạt động bình thường.
Tuyến tụy đóng vai trò như một máy theo dõi lượng đường trong máu. Lượng đường trong máu tăng lên mỗi khi carbohydrate được tiêu hóa, điều này báo hiệu cho các tế bào beta trong tuyến tụy giải phóng insulin vào máu .
Insulin sau đó đưa đường trong máu đến các tế bào mỡ, gan và cơ… để chúng có thể được sử dụng làm năng lượng. Khi glucose di chuyển đến các tế bào này, lượng đường trong máu sẽ trở lại mức bình thường giữa các bữa ăn.
Các tế bào beta trong tuyến tụy luôn hoạt động liên tục, theo dõi lượng đường trong máu vài giây một lần. Khi thức ăn chứa carbohydrate được tiêu hóa, các tế bào beta sẽ ngay lập tức hoạt động, giải phóng insulin vào máu.
Trong quá trình insulin giúp glucose di chuyển từ máu đến các tế bào, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống. Tế bào beta của tuyến tụy có thể biết khi nào điều này diễn ra và làm chậm quá trình sản xuất insulin. Khi đó sẽ làm chậm lượng glucose đi vào tế bào .
Khi mọi thứ hoạt động bình thường, quy trình điều tiết cẩn thận này đảm bảo rằng cơ thể đang nhận được lượng năng lượng phù hợp để cung cấp năng lượng cho các tế bào của mình.
Trong số các vai trò quan trọng, glucose đóng vai trò là cung cấp nguồn năng lượng chính cho não. Các tế bào thần kinh để truyền tải thông tin đến não luôn cần được cung cấp năng lượng. Vì vậy cơ thể cần lượng đường trong máu ổn định.
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy sự gián đoạn mức đường huyết có thể dẫn đến nhiều chứng rối loạn não phổ biến. Trên thực tế, một trong những dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer là giảm chuyển hóa glucose ở não, với các nghiên cứu trên cả người và động vật cho thấy sự thay đổi chuyển hóa glucose trong tế bào não liên quan đến sự tiến triển của bệnh.
Mức đường huyết bình thường
Video: Chỉ số đường huyết bình thường và bảng đo đường huyết trước/sau ăn
Mức đường huyết lý tưởng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của mỗi người, loại thuốc họ dùng, tình trạng bệnh đái tháo đường và thời gian mắc bệnh này và các tình trạng bệnh lý đi kèm có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu . Tham khảo ý kiến bác sĩ chăm sóc về các tiêu chuẩn thích hợp cho mức đường huyết trong suốt cả ngày.
Hiện nay có một số mục tiêu đường huyết được khuyến nghị chung cho trước khi ăn, giữa các bữa ăn, sau khi ăn, trước và sau khi tập thể dục:
- Trước khi ăn: Mức đường huyết trước khi ăn đối với người lớn không mang thai phải là 80 mg / dL đến 130 mg / dL, đối với phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ phải dưới 95 mg / dL, và đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc 2 từ trước nên là 70 mg / dL đến 95 mg / dL
- Đường huyết lúc đói (giữa các bữa ăn): Mức đường huyết lúc đói bình thường là 70 mg / dL đến 100 mg / dL.
- Sau ăn: Đây là mức đường huyết trong vòng một hoặc hai giờ sau khi ăn. Đối với người lớn không mang thai, mục tiêu là dưới 180 mg / dL. Đối với phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ vào sau ăn 1 giờ mục tiêu là dưới 140 mg / dL, và sau ăn 2 giờ nên thấp hơn 120 mg / dL. Phụ nữ mang thai mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc 2 sau ăn một giờ nên có lượng đường trong máu từ 110 mg / dL đến 140 mg / dL, và sau ăn hai giờ nên từ 100 mg / dL đến 120 mg / dL.
- Trước khi hoạt động thể chất: Tập thể dục có thể sử dụng năng lượng và làm giảm mức đường huyết. Điều này có thể dẫn đến hạ đường huyết. Nếu đang theo dõi mức đường huyết và lo lắng về cách hoạt động thể chất có thể ảnh hưởng đến cơ thể, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những gì có thể là mục tiêu đường huyết thích hợp. Một lần nữa, điều này rất khác nhau ở mỗi người, nhưng nói chung, nên đặt mục tiêu nằm trong khoảng từ 126 mg / dL đến 180 mg / dL trước khi tập thể dục.
- Sau khi hoạt động thể chất: Nếu chỉ số là 100 mg / dL sau khi tập thể dục, hãy cố gắng ăn 15 gam đến 20 gam carbohydrate để tăng lượng đường trong máu . Kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 15 phút và nếu kết quả đo vẫn dưới 100 mg / dL, hãy ăn thêm 15 gram carbohydrate. Lặp lại điều này sau mỗi 15 phút cho đến khi đạt mức tối thiểu 100 mg / dL. Đây được gọi là quy tắc 15-15.
Chỉ số HbA1C là gì?
Xét nghiệm A1C — hay HbA1C, hemoglobin A1C, — là một xét nghiệm máu giúp theo dõi và chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Xét nghiệm này đo mức đường huyết trung bình trong 2 đến 3 tháng qua. Nếu mức đường huyết thường xuyên được theo dõi do điều trị bệnh đái tháo đường hoặc một tình trạng khác, bác sĩ có thể sẽ thực hiện xét nghiệm HbA1C ít nhất 4 lần mỗi năm.
Yếu tố nguy cơ của đường huyết cao
Có 2 loại bệnh đái tháo đường: tuýp 1 và tuýp 2. Trong bệnh đái tháo đường tuýp 1, hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin. Trong bệnh đái tháo đường tuýp 2, cơ thể không thể sản xuất đủ insulin cần thiết hoặc sử dụng nó không hiệu quả. Đây là dạng bệnh đái tháo đường phổ biến nhất.
Bệnh đái tháo đường có thể gây tăng đường huyết. Điều này có nghĩa là có quá nhiều đường trong máu. Mức đường huyết cao hơn 130 mg / dL trong khi đói hoặc cao hơn 180 mg / dL sau ăn 2 giờ cho thấy tăng đường huyết. Ngoài ra, mức cao hơn 200 mg / dL bất kì lúc nào được coi là tăng đường huyết.
Lượng đường trong máu quá cao có thể làm hỏng các mạch máu khắp cơ thể và ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau. Thận sẽ chuyển lượng glucose dư thừa đó qua nước tiểu. Đó là lý do tại sao những người bị tăng đường huyết có thể cần đi tiểu nhiều hơn bình thường. Điều này cũng làm tăng cơn khát của họ, làm tăng nguy cơ mất nước.
Tăng đường huyết cũng có thể dẫn đến mờ mắt, vết thương không lành và nhiễm trùng da. Nhiễm trùng nấm âm đạo phổ biến hơn ở phụ nữ có lượng đường trong máu cao.
Ngoài ra, lượng đường huyết cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng nghiêm trọng hơn như bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Bệnh võng mạc đái tháo đường là một biến chứng tiềm ẩn khác. Khi mắc bệnh đái tháo đường càng lâu và lượng đường trong máu càng ít được điều chỉnh thì nguy cơ mắc bệnh mắt này càng cao.
Một tình trạng nghiêm trọng có thể do lượng đường trong máu cao là nhiễm toan xeton do đái tháo đường. Nó xảy ra khi cơ thể không có đủ insulin để chuyển đổi lượng đường trong máu thành năng lượng và thay vào đó là đốt cháy chất béo trong cơ thể. Điều này tạo ra xeton, ở mức độ cao có thể làm cho máu có tính axit. Nồng độ xeton cao dẫn đến toan xeton đái tháo đường, đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị ngay. Tình trạng này phổ biến hơn ở bệnh đái tháo đường tuýp 1
Khi nào cần đi khám bệnh
Nếu không được điều trị, lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến toan xeton đái tháo đường, cần được điều trị y tế khẩn cấp. Một số triệu chứng của toan xeton đái tháo đường có thể bao gồm cực kỳ khô miệng, buồn nôn và nôn, khó thở và hơi thở có mùi trái cây.
Đến gặp bác sĩ ngay nếu bắt đầu gặp những triệu chứng này và cảm thấy lượng đường trong máu có thể đã tăng cao hoặc không được kiểm soát.
Các câu hỏi thường gặp
Đường huyết cao là gì?
Đường huyết cao, hay còn gọi là tăng đường huyết, là khi cơ thể không có đủ hormone insulin hoặc không thể sử dụng insulin đúng cách để di chuyển glucose vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng. Nói chung, mức đường huyết cao hơn 130 mg /dL trong khi đói hoặc các chỉ số cao hơn 180 mg / dL sau ăn 2 giờ có nghĩa là bị tăng đường huyết.
Glucose được dự trữ ở đâu?
Một khi cơ thể đã sử dụng đủ glucose để tạo năng lượng, lượng glucose dư thừa sẽ được chuyển đổi thành một dạng được gọi là glycogen và được dự trữ trong gan. Nó cũng được dự trữ trong cơ bắp .
Làm thế nào để giảm mức đường huyết ?
Có một số biện pháp để giảm lượng đường cao trong máu. Một trong số đó là tập thể dục. Tuy nhiên, hãy nhớ đo đường huyết trước. Nếu lượng đường trong máu trên 240 mg / dL, hãy kiểm tra nước tiểu để tìm xeton. Nếu có xeton, hãy tránh tập thể dục, vì tập thể dục với xeton thực sự có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Chúng ta cũng có thể điều chỉnh chế độ ăn uống của mình. Cân nhắc trao đổi trực tiếp với chuyên gia dinh dưỡng để cắt giảm thực phẩm chứa nhiều đường. Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục chưa hiệu quả, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh thuốc điều trị bệnh đái tháo đường.
Tổng kết
Glucose cần thiết để giúp cơ thể chúng ta hoạt động bình thường vì nó là nguồn năng lượng chính của tế bào. Khi mức độ glucose trong máu của chúng ta quá cao hoặc thấp, các vấn đề sức khỏe khác nhau có thể xảy ra. Nếu không được điều trị, nó có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, từ mắt đến thận. Do đó, nếu chúng ta bị đái tháo đường, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương án tốt nhất để giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Thông điệp
Điều quan trọng là phải nhận thức được mức đường huyết vì các chỉ số quá cao (tăng đường huyết) hoặc quá thấp (hạ đường huyết) có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Do mức đường huyết có thể được coi là lý tưởng ở mỗi người rất khác nhau, hãy cùng với bác sĩ đưa ra một kế hoạch điều trị rõ ràng, xác định cách tốt nhất để giữ mức độ trong tầm kiểm soát và xem xét bất kỳ điều kiện liên quan nào.
Nếu nhận thấy mình có các triệu chứng nào do có quá nhiều hoặc quá ít lượng đường trong máu, hoặc nếu đang sống chung với bệnh đái tháo đường và nhận thấy các triệu chứng bất thường hoặc sức khỏe tổng thể của mình trở nên tồi tệ hơn, hãy liên hệ các cơ sở y tế sớm và thông báo về bất kỳ thay đổi nào trong sức khỏe.
Xem thêm: