Bột cacao được sản xuất bằng cách nghiền nhỏ hạt cacao sau đó loại bỏ đi chất béo hoặc bơ cacao.
Ngày nay, cacao nổi tiếng nhất với vai trò là nguyên liệu chính sản xuất socola. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng nó còn chứa các hợp chất rất có ích cho sức khỏe người tiêu dùng.
Video: Cacao có tác dụng gì? Những lợi ích tuyệt vời bạn không thể bỏ sót.
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu 11 lợi ích về sức khỏe và dinh dưỡng của bột cacao.
Giàu Polyphenol – chất chống oxy hóa tự nhiên
Polyphenol là một nhóm các chất chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy trong các loại thực phẩm như trái cây, rau, trà, socola và rượu vang. Chúng có nhiều lợi ích lên sức khỏe, bao gồm giảm viêm, tăng lưu thông máu, hạ huyết áp, cải thiện nồng độ cholesterol và lượng đường trong máu.
Cacao là một trong những sản phẩm giàu polyphenol. Đặc biệt, nó chứa nhiều flavanol - một loại polyphenol có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm mạnh. Tuy nhiên, quy trình chế biến và đun nóng cacao có thể khiến nó mất đi các đặc tính có lợi này. Cacao cũng thường được xử lý bằng kiềm để giảm bớt vị đắng, dẫn đến 60% hàm lượng flavanol bị mất đi.
Vì vậy, mặc dù cacao là một nguồn cung cấp polyphenol tuyệt vời, không phải tất cả các sản phẩm có chứa cacao đều mang lại những lợi ích như nhau.
Hạ huyết áp nhờ khả năng làm tăng nồng độ oxit nitric trong máu
Cacao, cả ở dạng bột và dạng socola đen, có thể giúp giảm huyết áp. Tác dụng này lần đầu tiên được ghi nhận trên những người dân có thói quen uống cacao thường xuyên tại một hòn đảo ở Trung Mỹ. Những người này có huyết áp thấp hơn nhiều so với những người họ hàng sống ở đất liền và không uống cacao.
Các hợp chất flavanol trong cacao được cho là làm tăng nồng độ oxit nitric trong máu, qua đó có tác dụng cải thiện chức năng mạch máu và hạ huyết áp.
Một cuộc đánh giá đã phân tích 35 thí nghiệm trong đó mỗi bệnh nhân được sử dụng 1,4–105 gam sản phẩm từ cacao, hoặc khoảng 30–1218 mg flavanol. Kết quả, người ta thấy rằng cacao làm hạ huyết áp khoảng 2 mmHg – một con số nhỏ nhưng khá đáng kể. Bên cạnh đó, tác dụng này còn mạnh hơn ở những người bị đã bị tăng huyết áp so với những người không mắc căn bệnh này và ở những người lớn tuổi so với những người trẻ tuổi.
Tuy nhiên, điều cần nhớ là quá trình chế biến làm giảm đáng kể lượng flavanol trong cacao, vì vậy rất có thể chúng ta sẽ không thấy được tác dụng ở những thanh socola thông thường.
Có thể giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ
Bên cạnh khả năng làm hạ huyết áp, có vẻ như cacao còn có các đặc tính khác có thể làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Cacao giàu Flavanol, thông qua tác dụng cải thiện nồng độ oxit nitric trong máu giúp làm giãn mạch máu và tăng cường lưu thông máu.
Hơn nữa, cacao được phát hiện có thể làm giảm nồng độ cholesterol xấu LDL, có tác dụng chống đông máu tương tự như aspirin, đồng thời kiểm soát lượng đường trong máu và giảm viêm. Những đặc tính này có thể góp phần làm giảm nguy cơ đau tim, suy tim và đột quỵ.
Một đánh giá phân tích 9 nghiên cứu trên 157809 người cho thấy rằng mức độ tiêu thụ socola cao hơn có mối liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong. Hai nghiên cứu của Thụy Điển cũng cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ 19-30 gam socola mỗi ngày với tỷ lệ mắc suy tim thấp hơn trên nhóm tình nguyện viên, nhưng tác dụng này không được nhận thấy khi tiêu thụ một lượng lớn hơn.
Những kết quả trên cho thấy rằng tiêu thụ thường xuyên một lượng nhỏ socola giàu cacao có thể đem đến lợi ích cho trái tim của bạn.
Tăng tuần hoàn máu lên não và cải thiện chức năng não bộ
Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng một số loại polyphenol, chẳng hạn như polyphenol trong cacao, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh nhờ khả năng cải thiện chức năng não bộ và lưu lượng máu lên não.
Flavanol có thể vượt qua hàng rào máu não và tham gia vào các con đường sinh hóa tạo ra tế bào thần kinh và các phân tử quan trọng cho chức năng não bộ. Ngoài ra, flavanol tác động tới quá trình sản xuất oxit nitric, giúp giãn mạch máu, cải thiện lưu lượng máu cung cấp máu cho não.
Một nghiên cứu kéo dài hai tuần trên 34 người lớn tuổi được cho dùng cacao có hàm lượng cao flavanol cho thấy: lưu lượng máu lên não tăng 8% sau một tuần và 10% sau hai tuần.
Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng tiêu thụ flavanol trong cacao hàng ngày có thể cải thiện khả năng hoạt động trí óc ở cả những người bình thường và những người bị sa sút trí tuệ.
Những nghiên cứu này chỉ ra vai trò tích cực của cacao đối với sức khỏe não bộ nói chung và những tác động có lợi có thể có trên các căn bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu để chứng mình cho nhận định này.
Giúp cải thiện tâm trạng và các triệu chứng của bệnh trầm cảm bằng nhiều cách khác nhau
Ngoài tác động tích cực lên chức năng thần kinh, tác dụng của cacao lên não bộ cũng có thể giúp nâng cao tinh thần và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Những tác động tích cực của cacao đến tâm trạng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như tác dụng của hợp chất flavanol, sự biến đổi tryptophan thành serotonin, hàm lượng caffeine trong cacao hoặc đơn giản là cảm giác thích thú khi ăn socola.
Một nghiên cứu về việc tiêu thụ socola và mức độ căng thẳng ở phụ nữ mang thai cho thấy rằng ăn socola thường xuyên hơn có thể làm giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng ở trẻ sơ sinh sau khi chào đời.
Tiếp theo đó, một nghiên cứu khác phát hiện uống cacao có hàm lượng polyphenol cao giúp người ta cảm thấy bình tĩnh và hài lòng hơn. Ngoài ra, một nghiên cứu trên những người đàn ông lớn tuổi cho thấy ăn socola có tác dụng nâng cao sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe tinh thần.
Mặc dù những nghiên cứu ban đầu này cho thấy kết quả đầy hứa hẹn, nhưng chúng ta vẫn cần tìm hiểu sâu hơn về tác động của cacao đối với tâm trạng và chứng trầm cảm trước khi có thể đưa ra khẳng định chắc chắn hơn.
Flavanol trong cacao có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2
Mặc dù tiêu thụ quá nhiều socola chắc chắn không tốt cho việc kiểm soát đường huyết, nhưng thực ra, cacao có một số tác dụng tích cực trên bệnh nhân tiểu đường.
Các nghiên cứu trong ống nghiệm chỉ ra rằng flavanol trong cacao có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate trong ruột, tăng bài tiết insulin, giảm viêm và kích thích quá trình vận chuyển đường từ máu vào trong cơ. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng việc tiêu thụ nhiều flavanol, bao gồm cả những flavanol trong cacao, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu trên người cho thấy ăn socola đen hoặc cacao giàu flavanol có thể tăng độ nhạy của tế bào với insulin, kiểm soát đường huyết và giảm viêm ở cả những người mắc bệnh tiểu đường và không mắc bệnh tiểu đường.
Bên cạnh những kết quả đầy hứa hẹn trên, một số nghiên cứu chỉ cho thấy tác dụng rất hạn chế của flavanol trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, những kết quả này kết hợp với những tác động tích cực lên sức khỏe hệ tim mạch cho thấy polyphenol trong cacao có thể có ích trong cả việc ngăn ngừa và kiểm soát tiểu đường, mặc dù chúng ta vẫn cần phải nghiên cứu thêm về khả năng này.
Cacao có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng bằng nhiều cách đáng ngạc nhiên
Một điều hơi nghịch lý là cacao, ngay cả ở dạng socola, có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng của mình. Người ta cho rằng cacao có thể giúp điều chỉnh quá trình sử dụng năng lượng, giảm sự thèm ăn và chống viêm, đồng thời tăng cường oxy hóa các chất béo và tăng cảm giác no.
Một nghiên cứu cộng đồng cho thấy những người tiêu thụ socola thường xuyên có chỉ số BMI thấp hơn những người ít sử dụng hơn, mặc dù nhóm trước cũng tiêu thụ nhiều calo và chất béo hơn. Ngoài ra, một nghiên cứu về việc giảm cân bằng cách thực hiện chế độ ăn ít carbohydrate cho thấy rằng: nhóm người được cung cấp 42 gam socola chứa 81% cacao mỗi ngày sẽ giảm cân nhanh hơn so với nhóm ăn kiêng thông thường.
Tuy nhiên, một vài nghiên cứu khác lại cho thấy tiêu thụ socola gây tăng cân. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không phân biệt được các loại sôcôla họ tiêu thụ. Thực tế, socola trắng và socola sữa không đem lại lợi ích tương tự như socola đen.
Nhìn chung, có vẻ như cacao và các sản phẩm giàu cacao có thể hữu ích trong việc giảm cân hoặc duy trì cân nặng, nhưng chúng ta vẫn cần có các nghiên cứu sâu hơn.
Có đặc tính chống ung thư
Flavanol trong trái cây, rau và các loại thực phẩm khác đã thu hút rất nhiều sự quan tâm nhờ đặc tính chống ung thư, độc tính thấp và ít tác dụng phụ bất lợi.
Cacao có hàm lượng flavanol cao nhất trong số tất cả các loại thực phẩm có cùng trọng lượng và có thể cung cấp một lượng flavanol đáng kể vào khẩu phần ăn của bạn.
Một số nghiên cứu trong ống nghiệm về các thành phần của cacao phát hiện thấy chúng có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào chống lại sự phá hủy từ các phản ứng hóa học, chống viêm, ức chế sự phát triển của tế bào, gây chết tế bào ung thư và giúp ngăn ngừa sự lây lan của tế bào ung thư.
Các nghiên cứu trên động vật sử dụng chế độ ăn giàu cacao hoặc chiết xuất từ cacao đã cho thấy kết quả tích cực trong việc giảm sự hình thành ung thư vú, tụy, tuyến tiền liệt, gan và đại tràng, cũng như bệnh bạch cầu.
Các nghiên cứu ở người đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu flavanol có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, các bằng chứng vẫn cho thấy nhiều mâu thuẫn vì một số thử nghiệm không tìm thấy lợi ích nào hoặc thậm chí còn nhận thấy nguy cơ tăng lên.
Các nghiên cứu nhỏ trên người về cacao và bệnh ung thư cho thấy nó là một chất chống oxy hóa mạnh và có thể đóng vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ tác dụng này.
Theobromine và Theophylline trong cacao có thể giúp ích những người bị bệnh hen suyễn
Hen suyễn là một bệnh lý viêm mãn tính gây tắc nghẽn đường thở và có thể đe dọa đến tính mạng. Người ta cho rằng cacao có thể đem lại lợi ích cho những người bị hen suyễn, vì nó chứa các hợp chất có tác dụng chống hen, chẳng hạn như theobromine và theophylline.
Theobromine có tác dụng tương tự như caffeine và có thể giúp giảm thiểu tình trạng ho dai dẳng. 100 gam bột cacao chứa khoảng 1,9 gam hợp chất này.
Theophylline giúp giãn đường thở và giảm viêm.
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng chiết xuất cacao có thể làm giảm cả sự co thắt của đường thở và độ dày mô. Tuy nhiên, những phát hiện này vẫn chưa được thử nghiệm lâm sàng trên người và không rõ liệu cacao có an toàn để sử dụng với các loại thuốc chống hen suyễn khác hay không.
Do đó, mặc dù đây là một phát hiện thú vị, vẫn còn quá sớm để nói rằng cacao có thể được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn.
Đặc tính kháng khuẩn và kích thích hệ miễn dịch mang tới lợi ích cho răng miệng và làn da
Một số nghiên cứu đã khám phá ra tác dụng bảo vệ của cacao trong việc chống lại sâu răng và các bệnh về nướu. Cacao chứa nhiều hợp chất có đặc tính kháng khuẩn, kháng enzym và kích thích miễn dịch, nhờ đó góp phần bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Trong một nghiên cứu, trên những con chuột bị nhiễm vi khuẩn ở miệng được cho uống chiết xuất cacao, tình trạng sâu răng đã giảm đi đáng kể so với những con chuột chỉ được uống nước.
Tuy nhiên, hiện không có nghiên cứu đáng kể nào trên con người, và phần lớn các sản phẩm cacao mà con người tiêu thụ cũng chứa đường. Do đó, các sản phẩm mới sẽ cần được nghiên cứu và sản xuất để thật sự mang tới lợi ích cho sức khỏe răng miệng.
Trái ngược với quan điểm của nhiều người, cacao trong socola không phải là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá. Trên thực tế, các polyphenol trong cacao đã được chứng minh là mang lại những lợi ích đáng kể cho làn da của chúng ta. Ăn cacao trong thời gian dài có thể góp phần bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, tăng lưu thông máu và cải thiện cấu trúc bề mặt cũng như dưỡng ẩm cho làn da.
Dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn uống
Hiện chưa rõ lượng cacao chính xác mà bạn nên đưa vào chế độ ăn uống hằng ngày để có thể đạt được lợi ích trên sức khỏe.
Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu khuyến nghị người tiêu dùng nên sử dụng 2,5 gam bột cacao có hàm lượng flavanol cao hoặc 10 gam socola đen có hàm lượng flavanol cao, chứa ít nhất 200 mg flavanol mỗi ngày để tăng cường sức khỏe hệ tim mạch. Tuy nhiên, con số này đã bị nhiều nhà nghiên cứu khác cho là quá thấp. Họ cho rằng chúng ta cần phải bổ sung lượng flavanol cao hơn để thật sự thấy được lợi ích của nó.
Nhìn chung, điều quan trọng là bạn phải lựa chọn các sản phẩm từ cacao có hàm lượng flavanol cao, nghĩa là chúng càng ít được chế biến thì càng tốt.
Bạn có thể bỏ túi một số cách thú vị sau đây để bổ sung cacao vào chế độ ăn uống hằng ngày của mình:
- Ăn socola đen: Hãy chắc chắn rằng nó có chất lượng tốt và chứa ít nhất 70% cacao.
- Uống cacao nóng/lạnh: Trộn cacao với loại sữa yêu thích của bạn để có món sữa lắc socola cực kỳ ngon miệng.
- Sinh tố: Cacao có thể được thêm vào sinh tố để làm cho nó đậm đà hơn .
- Bánh Pudding: Bạn có thể thêm bột cacao (chú ý không dùng bột cacao Hà Lan) vào món bánh pudding tự làm, ví dụ như pudding hạt chia cho bữa sáng
- hoặc pudding gạo.
- Bánh mousse socola thuần chay: hãy kết hợp trái bơ, cacao, sữa hạnh nhân và chất tạo ngọt như chà là để làm nên món bánh mousse socola thuần chay cực hấp dẫn.
- Rắc lên trái cây: Dùng cacao rắc lên chuối hoặc dâu tây sẽ mang tới cho bạn một món tráng miệng vừa ngon vừa mới lạ.
- Ăn cùng bánh granola (bánh yến mạch, ngũ cốc): Hãy thêm cacao vào món granola yêu thích của bạn để tăng thêm các lợi ích cho sức khỏe và làm phong phú thêm hương vị.
Kết luận
Cacao đã làm say đắm cả thế giới từ hàng ngàn năm nay và là một nguyên liệu không thể thiếu của nền ẩm thực hiện đại dưới dạng socola.
Các lợi ích sức khỏe của cacao bao gồm giảm viêm, cải thiện sức khỏe tim mạch và não bộ, kiểm soát đường huyết và cân nặng cũng như giúp răng và da khỏe mạnh hơn.
Cacao vô cùng bổ dưỡng và có thể dễ dàng thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày của bạn theo nhiều cách sáng tạo khác nhau. Tuy nhiên, hãy lựa chọn sử dụng bột cacao không bị kiềm hóa hoặc socola đen có chứa hơn 70% cacao nếu bạn muốn tối ưu hóa các lợi ích về sức khỏe.
Hãy nhớ rằng socola vẫn chứa một lượng đáng kể đường và chất béo, vì vậy nếu bạn định sử dụng nó, hãy tuân thủ một khẩu phần hợp lý và kết hợp với một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Xem thêm: