Điều trị nhiễm nấm âm đạo có thể làm giảm các triệu chứng trong vòng vài ngày. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể mất đến 2 tuần để bệnh thuyên giảm.
Video: Nhận biết sớm, điều trị nấm phụ khoa hiệu quả.
Nhiễm nấm âm đạo không được coi là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted infection - STI). Nó có thể lây lan qua quan hệ tình dục nhưng phụ nữ không hoạt động tình dục cũng có thể bị lây bệnh.
Một khi bạn bị nhiễm nấm, bạn cũng có nhiều khả năng bị nhiễm trùng khác.
Các triệu chứng nhiễm nấm âm đạo
Nhiễm nấm âm đạo có một loạt các triệu chứng phổ biến như:
- Ngứa âm đạo
- Sưng xung quanh âm đạo
- Nóng rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau nhức
- Đỏ
- Phát ban
Dịch âm đạo có màu xám trắng và vón cục cũng là một triệu chứng. Một số người so sánh dịch tiết này trông giống như pho mát. Đôi khi dịch tiết ra cũng có thể có loãng.
Thông thường, nhiễm nấm càng lâu được điều trị thì các triệu chứng có mức độ càng nghiêm trọng.
Nguyên nhân nhiễm nấm âm đạo
Nấm men Candida là một vi sinh vật sống tự nhiên ở vùng âm đạo. Vi khuẩn Lactobacillus luôn kiểm soát sự phát triển của nó.
Nhưng nếu có sự mất cân bằng ở môi trường trong âm đạo, những vi khuẩn này sẽ không hoạt động hiệu quả. Điều này dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm men, gây ra các triệu chứng của nhiễm nấm âm đạo.
Một số yếu tố có thể gây nhiễm nấm là:
- Kháng sinh: có thể làm giảm lượng Lactobacillus ("vi khuẩn tốt") trong âm đạo
- Mang thai
- Mắc bệnh tiểu đường không được kiểm soát
- Hệ thống miễn dịch yếu
- Thói quen ăn uống kém, như ăn nhiều thức ăn có đường
- Mất cân bằng nội tiết tố gần chu kỳ kinh nguyệt
- Căng thẳng
- Thiếu ngủ
Một loại nấm men được gọi là Candida albicans gây ra hầu hết các bệnh nhiễm trùng nấm. Những bệnh nhiễm trùng này có thể dễ dàng điều trị được.
Nếu bạn đang bị nhiễm nấm tái phát hoặc không đáp ứng với điều trị bằng phương pháp điều trị thông thường thì nguyên nhân có thể là một loại nấm Candida khác. Xét nghiệm có thể xác định loại nấm Candida mà bạn mắc phải.
Làm thế nào để chẩn đoán nhiễm nấm âm đạo?
Nhiễm nấm rất dễ chẩn đoán. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn, bao gồm việc bạn đã từng bị nhiễm nấm hay chưa. Họ cũng có thể hỏi bạn đã từng bị STI chưa.
Bước tiếp theo là khám phụ khoa. Bác sĩ sẽ kiểm tra thành âm đạo và cổ tử cung của bạn. Họ cũng sẽ xem xét khu vực xung quanh để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng bên ngoài.
Tùy thuộc vào những gì bác sĩ nhìn thấy, bước tiếp theo có thể là thu thập một số tế bào từ âm đạo của bạn. Những tế bào này được đưa đến phòng xét nghiệm để kiểm tra. Các xét nghiệm thường được chỉ định đối với những phụ nữ bị nhiễm nấm thường xuyên hoặc những trường hợp điều trị không đáp ứng.
Điều trị nhiễm nấm âm đạo
Mỗi trường hợp nhiễm nấm sẽ khác nhau, vì vậy bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn. Các phương pháp điều trị thường được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Nhiễm nấm đơn giản
Đối với các trường hợp nhiễm nấm men đơn giản, bác sĩ thường sẽ kê toa sử dụng kem chống nấm, thuốc mỡ, viên nén hoặc thuốc đạn kéo dài từ 1 đến 3 ngày. Những loại thuốc này có thể ở dạng kê đơn hoặc không kê đơn.
Các loại thuốc thông thường là:
- Butoconazole (Gynazole)
- Clotrimazole (Lotrimin)
- Miconazole (Monistat)
- Terconazole (Terazol)
- Fluconazole (Diflucan)
Phụ nữ bị nhiễm nấm đơn giản nên tái khám với bác sĩ để đảm bảo thuốc đã phát huy tác dụng.
Bạn cũng sẽ cần tái khám nếu các triệu chứng của bạn tái phát trong vòng hai tháng.
Nếu nhận ra mình bị nhiễm nấm âm đạo, bạn cũng có thể tự điều trị tại nhà bằng các sản phẩm không kê đơn.
Nhiễm nấm phức tạp
Bác sĩ có nhiều khả năng sẽ điều trị trường hợp nhiễm nấm nghiêm trọng nếu bạn có các triệu chứng dưới đây:
- Bị đỏ, sưng và ngứa nghiêm trọng dẫn đến vết loét hoặc vết rách trong âm đạo
- Đã bị hơn 4 lần nhiễm nấm men trong 1 năm
- Bị nhiễm trùng do loại Candida khác ngoài Candida albicans
- Đang mang thai
- Mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được hoặc có hệ thống miễn dịch yếu do thuốc
- Bị nhiễm HIV
Các phương pháp điều trị có thể có đối với trường hợp nhiễm trùng nặng hoặc phức tạp là:
- Điều trị tại chỗ bằng thuốc dạng kem, thuốc mỡ, viên nén hoặc viên đạn trong 14 ngày
- 2 hoặc 3 liều fluconazole (Diflucan)
- Kê đơn dài hạn fluconazole uống một lần mỗi tuần trong 6 tuần hoặc sử dụng lâu dài thuốc chống nấm tại chỗ
Nếu tình trạng nhiễm trùng của bạn đang tái phát, bạn cũng có thể muốn xem liệu bạn tình của mình có bị nhiễm nấm hay không. Hãy nhớ sử dụng các phương pháp ngăn tiếp xúc, như bao cao su, khi quan hệ tình dục nếu bạn nghi ngờ một trong hai người bị nhiễm nấm. Trao đổi với bác sĩ về tất cả các lựa chọn điều trị nhiễm nấm âm đạo.
Biện pháp điều trị nấm âm đạo tại nhà
Bạn có thể cố gắng điều trị nhiễm nấm âm đạo bằng các biện pháp tự nhiên nếu muốn tránh dùng thuốc theo đơn, nhưng những cách này không hiệu quả hoặc không đáng tin cậy như các loại thuốc được chỉ định. Một số biện pháp tự nhiên thường được áp dụng là:
- Dầu dừa
- Kem dầu trà
- Tỏi
- Thuốc đặt âm đạo axit boric
- Sữa chua nguyên chất uống hoặc đặt vào âm đạo
Luôn đảm bảo tay của bạn sạch sẽ trước khi thoa kem hoặc dầu vào âm đạo.
Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi thử các biện pháp tự nhiên. Điều này rất quan trọng vì nếu các triệu chứng của bạn là do nguyên nhân nào đó không phải do nhiễm nấm đơn giản, bác sĩ có thể giúp chẩn đoán tình trạng của bạn.
Trao đổi với bác sĩ của bạn về các biện pháp khắc phục bằng thảo dược nếu bạn dùng thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn. Một số loại thảo mộc có thể tương tác với các loại thuốc bạn đang dùng hoặc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn khác.
Nhiễm nấm ở nam giới
Mặc dù nhiễm nấm âm đạo phổ biến hơn nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm nấm men khi nó ảnh hưởng đến dương vật, đây được gọi là nhiễm nấm dương vật.
Tất cả mọi người đều có nấm Candida - không chỉ ở phụ nữ. Khi loại nấm này phát triển quá mức, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm. Vùng bẹn đặc biệt dễ bị nấm Candida phát triển quá mức vì có nếp gấp da và độ ẩm cao.
Tuy nhiên, nhiễm nấm dương vật thường gặp nhất là do giao hợp không được bảo vệ với một phụ nữ bị nhiễm nấm. Bạn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm nấm bằng cách đeo bao cao su khi quan hệ tình dục. Tắm thường xuyên cũng có thể hữu ích.
Các triệu chứng của nhiễm nấm ở nam giới có thể không quá nổi bật, mặc dù có thể thấy các mảng đỏ và trắng dọc theo dương vật cũng như cảm giác nóng và ngứa. Hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nếu bạn nghĩ rằng mình bị nhiễm nấm dương vật.
Nhiễm nấm ở phụ nữ
Nhiễm nấm cực kỳ phổ biến ở phụ nữ. Trên thực tế, người ta ước tính rằng 3 trong số 4 phụ nữ sẽ bị hơn 2 lần nhiễm nấm âm đạo trong đời.
Điều trị nhiễm nấm âm đạo sớm rất quan trọng. Bạn không chỉ giảm bớt các triệu chứng khó chịu mà còn có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng hơn trong cơ thể.
Nhiễm nấm tái phát rất phổ biến, đặc biệt nếu bạn đang mang thai, mắc bệnh tiểu đường hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị hơn 4 lần nhiễm nấm mỗi năm.
Nhiễm nấm ở trẻ nhỏ
Nhiễm nấm phổ biến nhất ở trẻ nhỏ là tình trạng hăm tã. Tuy nhiên, không phải tất cả các vết hăm tã đều là do nấm men phát triển quá mức.
Nếu da của bé cực kỳ đỏ và có các nốt ở vùng mặc tã hoặc bẹn, mặc dù đã sử dụng kem chống hăm thì nó có thể không đơn thuần là hăm tã. Nhiễm nấm cũng có thể xuất hiện ở các nếp gấp khác của da, chẳng hạn như dưới nách.
Bác sĩ nhi khoa có thể sẽ kê đơn một loại kem chống nấm tại chỗ để điều trị nhiễm nấm trên da. Có thể cần dùng thuốc uống nếu con bạn bị nấm miệng. Đa số các trường hợp nhiễm nấm ở trẻ nhỏ đều vô hại nhưng một số trường hợp có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn khi không được điều trị.
Nhiễm nấm có lây không?
Nhiễm nấm không được coi là STIs, nhưng chúng vẫn có thể lây lan. Bạn có thể bị nhiễm nấm khi quan hệ bằng miệng hoặc đường âm đạo. Bạn cũng có thể lây nhiễm bệnh qua đồ chơi tình dục và khi hôn ai đó bị nấm miệng.
Em bé cũng có thể bị phát ban do nấm khi sinh nếu người mẹ bị nhiễm nấm âm đạo trong khi sinh. Bạn cũng có thể lây truyền nấm sang miệng trẻ trong thời gian cho con bú nếu nấm Candida phát triển quá mức ở vùng vú.
Mặc dù bạn có thể lây truyền nấm cho người khác nhưng nó không lây theo cách giống như các bệnh nhiễm trùng khác. Ví dụ, bạn sẽ không “lây nhiễm” bằng đường không khí hoặc bằng cách sử dụng chung vòi hoa sen với người bị bệnh. Nếu bạn lo lắng về việc lây bệnh hãy trao đổi với bác sĩ về tất cả các cách mà bạn có thể bị nhiễm.
Nhiễm nấm trong thai kỳ
Nhiễm nấm thường gặp trong thời kỳ mang thai vì sự dao động của hormone. Bạn có thể cần gặp bác sĩ nếu bạn đang mang thai và nghi ngờ bị nhiễm nấm để có thể được chẩn đoán chính xác.
Nhiễm nấm khi mang thai không phải lúc nào cũng được điều trị theo các cách thông thường. Bạn sẽ không thể dùng thuốc chống nấm đường uống do có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Thuốc chống nấm tại chỗ an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Mặc dù nhiễm nấm sẽ không làm tổn thương em bé nhưng có thể lây nấm Candida cho chúng trong quá trình sinh nở. Sau đó có thể dẫn đến hăm tã và nấm miệng ở em bé. Điều quan trọng là phải điều trị nhiễm nấm sớm, đặc biệt nếu bạn đang mang thai, để ngăn ngừa bất kỳ biến chứng nào.
Phân biệt nhiễm nấm với nhiễm trùng tiết niệu
Một bệnh nhiễm trùng phổ biến khác ở phụ nữ là nhiễm trùng đường tiết niệu (urinary tract infection - UTI). Mặc dù bạn có thể bị nhiễm trùng này hoặc nhiễm trùng khác, hoặc thậm chí cả hai bệnh nhiễm trùng cùng một lúc, nhưng nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm nấm là hai tình trạng khác nhau.
UTI là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến hệ tiết niệu. Hệ thống phức tạp này bao gồm niệu đạo, bàng quang và thận. Tình dục, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và không đi tiểu thường xuyên đều có thể dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu.
Các triệu chứng của nhiễm trùng tiết niệu cũng khác với nhiễm nấm. Không có hiện tượng tiết dịch đáng chú ý, nhưng bạn có thể thấy một lượng nhỏ máu trong nước tiểu. Nhiễm trùng tiết niệu cũng có thể gây đi tiểu thường xuyên cùng với đau vùng chậu và bụng.
Nếu không điều trị, nhiễm trùng tiết niệu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn đối với thận. Bạn phải đến gặp bác sĩ để được dùng thuốc kháng sinh. Hãy hỏi bác sĩ để biết thêm thông tin về sự khác biệt giữa nhiễm nấm và nhiễm trùng tiết niệu.
Xét nghiệm nào xác định xem bạn có bị nhiễm nấm không?
Nếu đây là lần đầu tiên bạn nghi ngờ nhiễm nấm, bạn sẽ cần được bác sĩ chẩn đoán chính xác. Điều này đảm bảo rằng các triệu chứng của bạn chắc chắn liên quan đến sự phát triển quá mức của nấm Candida chứ không phải một tình trạng nghiêm trọng khác.
Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra phụ khoa, để ý xem có hiện tượng tiết dịch, tấy đỏ hay không. Họ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng khác mà bạn đang gặp phải, như nóng rát và tiểu buốt.
Nếu cần, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm dịch âm đạo. Đầu tiên, họ sẽ thu thập một mẫu dịch tiết âm đạo bằng tăm bông, sau đó sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để soi dưới kính hiển vi. Sau khi bác sĩ xác định đó thực sự là nhiễm nấm - hoặc một loại nhiễm trùng khác - thì họ sẽ có thể kê đơn thuốc điều trị chính xác.
Nhiễm nấm sau khi quan hệ tình dục
Mặc dù có thể nhiễm nấm sau khi quan hệ tình dục nhưng nó không phải là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thay vào đó, có những yếu tố khác có thể làm mất cân bằng nấm Candida trong âm đạo. Giao hợp qua đường âm đạo cũng như sử dụng đồ chơi tình dục và ngón tay, đều có thể đưa vi khuẩn vào.
Một khả năng khác là giao hợp qua đường âm đạo với một người đàn ông bị nhiễm nấm dương vật. Điều ngược lại cũng có thể xảy ra, khi một người đàn ông có thể bị nhiễm nấm dương vật từ một người phụ nữ bị nhiễm nấm âm đạo. Quan hệ tình dục bằng miệng cũng có thể phá vỡ cân bằng hệ vi khuẩn trong miệng, âm đạo và vùng dương vật.
Cũng có thể là nhiễm nấm hoàn toàn là ngẫu nhiên. Có nhiều yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của nhiễm nấm, quan hệ tình dục chỉ là một trong số đó.
Sự khác biệt của nhiễm nấm âm đạo và viêm âm đạo do vi khuẩn
Viêm âm đạo do vi khuẩn (Bacterial vaginosis - BV) là loại nhiễm trùng âm đạo phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44. Nguyên nhân chính của nó là sự mất cân bằng vi khuẩn từ việc thụt rửa và quan hệ tình dục. BV làm âm đạo có mùi tanh nồng.
BV có các triệu chứng tương tự như nhiễm nấm, bao gồm tiết dịch, bỏng rát và ngứa. Do đó có thể làm cho việc phân biệt giữa hai bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn. Nhưng trong khi nhiễm nấm âm đạo không gây ra các biến chứng lâu dài thì BV không được điều trị có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.
Các biến chứng bao gồm các vấn đề về khả năng sinh sản và sinh non (nếu bạn bị nhiễm bệnh khi đang mang thai) và nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Không giống như nhiễm nấm, bạn sẽ cần một loại thuốc kháng sinh theo đơn để điều trị BV. Bác sĩ sẽ có thể giúp bạn phân biệt sự khác biệt giữa nhiễm nấm và BV.
Phòng chống nhiễm nấm
Rất có thể bạn biết chính xác điều gì đã dẫn đến tình trạng nhiễm nấm của mình. Ví dụ, một số phụ nữ bị nhiễm nấm mỗi khi họ uống thuốc kháng sinh. Cho dù bạn biết chính xác nguyên nhân, dưới đây là một số việc bạn có thể áp dụng để giúp ngăn ngừa nhiễm nấm tái phát.
Việc nên làm:
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng
- Ăn sữa chua hoặc uống bổ sung thức uống có lactobacillus
- Mặc các loại sợi tự nhiên như bông, lanh, hoặc lụa
- giặt đồ lót trong nước nóng
- Thay thế băng vệ sinh thường xuyên
Việc nên tránh:
- Mặc quần bó, quần ngố, quần xà cạp
- Sử dụng chất khử mùi hoặc băng vệ sinh có mùi thơm
- Mặc quần áo ướt lâu, đặc biệt là quần áo tắm
- Ngồi trong bồn nước nóng hoặc tắm nước nóng thường xuyên
- Thụt rửa
Sử dụng tinh dầu trong nhiễm nấm âm đạo
Tinh dầu đã thu hút được nhiều sự chú ý trong vài năm gần đây như một phương thuốc “tự nhiên” đối với các bệnh thông thường. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật này có thể có tác dụng mạnh, nhưng cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy tinh dầu có tác dụng trị nấm tốt hơn các phương pháp thông thường.
Một vấn đề với tinh dầu là một số người có thể bị dị ứng với chúng. Bạn nên thử miếng dán tinh dầu trên một vùng da nhỏ trước khi dán chúng lên các vùng da lớn hơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi sử dụng ở các khu vực nhạy cảm như âm đạo.
Điều quan trọng là phải pha loãng tinh dầu đúng cách trước khi sử dụng. Xác nhận với bác sĩ rằng các triệu chứng của bạn thực sự là do nhiễm nấm trước khi thử dùng tinh dầu để điều trị. Sau đó, bạn có thể hỏi họ về các loại tinh dầu an toàn hơn, như dầu dừa.
Nhiễm nấm và kinh nguyệt
Bị nhiễm nấm khi tới kỳ kinh nguyệt có thể làm bạn thấy cực kỳ khổ sở. Tuy nhiên, điều này không phải là hiếm. Nhiễm nấm có nhiều khả năng xảy ra ở phụ nữ trong những ngày cuối cùng trước kỳ kinh nguyệt.
Sự dao động về hormone được cho là nguyên nhân gây nhiễm nấm trước kỳ kinh, gây mất cân bằng vi khuẩn lành mạnh trong âm đạo.
Nếu bạn thấy dịch tiết ra từ màu trắng đến vàng trong một tuần trước kỳ kinh nguyệt thì đây không phải là nhiễm nấm. Nếu bạn cũng gặp phải các triệu chứng đặc trưng khác, như mẩn đỏ, bỏng rát và ngứa ngáy thì hãy đi khám.
Mặc dù gây phiền toái nhưng điều trị ớm có thể giúp bệnh ổn định trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc. Bạn cũng có thể tiếp tục bị nhiễm nấm trước kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
Kết luận
Nhiễm nấm thường xảy ra nhưng điều trị kịp thời có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu trong vòng vài ngày. Bằng cách nhận ra các yếu tố nguy cơ của chính mình, bạn có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm nấm trong tương lai.
Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn bị nhiễm nấm tái phát kéo dài hơn 2 tháng.
Xem thêm:
- Ngứa vùng kín: Nguyên nhân và cách xử trí cho chị em
- Chảy máu vùng kín giữa các kỳ kinh: Nguyên nhân, biến chứng, phòng ngừa và điều trị
- 7 cách xử lý mùi hôi vùng kín hiệu quả cho chị em
- 10 cách điều trị nhiễm nấm âm đạo tại nhà hiệu quả và an toàn
- Mụn vùng kín ở phụ nữ: Nguyên nhân, cách xử trí tại nhà và phòng ngừa