Xét nghiệm thử thai là gì và nó hoạt động như thế nào?
Video: 5 tác dụng của xét nghiệm BETA HCG - Mẹ bầu chú ý
Các xét nghiệm thử thai được dùng để tìm kiếm sự có mặt của một loại hormon được gọi là HCG có trong nước tiểu hoặc máu của bạn. Cơ thể bạn chỉ tạo ra loại hormon này sau khi trứng được thụ tinh và làm tổ ở niêm mạc tử cung. Quá trình này thường xảy ra sau khoảng 6 ngày từ khi trứng được thụ tinh. Nồng độ HCG sẽ tăng lên nhanh chóng, thậm chí tăng gấp đôi sau 2-3 ngày.
Có những loại xét nghiệm thử thai nào?
Hiện nay có 2 loại xét nghiệm phổ biến là: xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm máu
Bạn sẽ được thực hiện xét nghiệm này tại các cơ sở y tế, tuy nhiên chúng không được sử dụng thường xuyên như xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm này có thể phát hiện mang thai sớm hơn so với cách dùng que thử tại nhà, khoảng 6-8 ngày sau khi trứng rụng. Nhưng nó sẽ tốn nhiều thời gian để cho ra kết quả hơn so với que thử thai.
Có 2 loại xét nghiệm máu để thử thai là:
- Xét nghiệm định tính HCG (beta-HCG): chỉ đơn giản là kiểm tra sự có mặt của hormon này trong máu. Kết quả trả về sẽ trả lời “có thai” hoặc “không có thai”. Xét nghiệm này thường được các bác sĩ chỉ định để chẩn đoán mang thai sớm nhất là 10 ngày sau khi thụ thai. Một số xét nghiệm khác có thể phát hiện ra HCG sớm hơn nhiều.
- Xét nghiệm định lượng HCG (beta-HCG): dùng để đo chính xác nồng độ HCG trong máu bạn. Nó có thể phát hiện được hormon HCG trong máu thậm chí là khi chỉ mới có một lượng rất nhỏ mà thôi. Ngoài ra, xét nghiệm này có thể hỗ trợ bác sĩ theo dõi các bất thường của thai nhi, đồng thời kết hợp với một số xét nghiệm khác để loại trừ chửa ngoài tử cung (khi trứng thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung của bạn) hoặc sảy thai khi nồng độ HCG giảm xuống nhanh chóng.
Xét nghiệm nước tiểu
Bạn có thể thực hiện xét nghiệm này tại nhà hoặc tại cơ sở y tế.
Que thử thai tại nhà không chỉ cho kết quả nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng sử dụng, mà còn giữ được sự riêng tư cho bạn. Chúng cho kết quả rất chính xác nếu bạn làm theo đúng hướng dẫn sử dụng. Các loại que thử này đều hoạt động theo cách tương tự nhau. Và để xét nghiệm nước tiểu thì bạn có thể thực hiện 1 trong các cách sau:
- Tiểu trực tiếp lên que thử thai
- Lấy nước tiểu vào 1 chiếc cốc và nhúng que thử vào đó
- Lấy nước tiểu vào 1 chiếc cốc và sử dụng ống nhỏ giọt để nhỏ chúng vào 1 hộp đựng khác.
Bạn cần đợi trong ít phút trước khi kiểm tra kết quả.
Sau khi đã dùng que thử thai, bạn có thể xác nhận lại kết quả này bằng cách đến gặp bác sĩ để được chỉ định các xét nghiệm thử thai khác có độ nhạy cao hơn.
Mức độ chính xác của các xét nghiệm thử thai?
Thử thai tại nhà bằng que thử có độ chính xác khoảng 99%. Xét nghiệm máu thậm chí còn cho kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên độ chính xác của que thử thai tại nhà còn phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Bạn có làm đúng làm theo hướng dẫn không
- Khoảng thời gian khi bạn rụng trứng và trứng làm tổ
- Sau khi mang thai bao lâu thì bạn dùng que thử
- Độ nhạy của que thử thai
Nên thử thai khi nào
Một số que thử có thể phát hiện được hormon HCG trước cả khi bạn bị trễ kinh. Nhưng kết quả sẽ chính xác hơn nếu bạn đợi đến ngày đầu tiên sau khi chậm kinh.
Kết quả cũng có thể chính xác hơn nếu bạn thử với nước tiểu đầu tiên vào buổi sáng, vì khi đó nước tiểu của bạn sẽ cô đặc hơn các thời điểm khác trong ngày
Có thể mua que thử thai ở đâu?
Bạn có thể mua que thử thai tại các hiệu thuốc mà không cần kê đơn. Chi phí phụ thuộc vào từng thương hiệu, nhưng hầu hết các que thử này thường không quá đắt.
Kết quả hiển thị trên que thử như thế nào?
Kết quả có thể hiển thị dưới dạng 1 vạch, 1 màu hoặc 1 kí hiệu, ví dụ như dấu “+” hoặc “-“. Các que thử thai kĩ thuật số có thể hiển thị các từ như “có thai” hoặc “không có thai”. Điều quan trọng là phải biết ý nghĩa của kết quả dương tính hoặc âm tính là như thế nào.
Hình ảnh minh họa chia sẻ từ nguồn: https://www.babylist.com/
Nếu bạn nhận được kết quả dương tính, bạn đã có thai, cho dù vạch, màu sắc hay kí hiệu đó mờ như thế nào. Nếu kết quả là dương tính, bạn nên đến gặp bác sĩ để xác nhận lại và tư vấn thêm về các kế hoạch tiếp theo.
Nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, que thử đó có thể đưa ra một kết quả dương tính giả. Điều này có nghĩa là bạn không hề mang thai mặc dù que thử lại cho kết quả ngược lại. Nguyên nhân có thể là do nước tiểu của bạn bị lẫn máu hoặc protein. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc an thần, chống co giật, thuốc ngủ hoặc thuốc hỗ trợ sinh sản, cũng có thể tạo ra kết quả dương tính giả.
Nếu bạn nhận được kết quả âm tính, có thể là bạn không có thai. Nhưng que thử cũng có thể cho kết quả sai nếu:
- Que thử hết hạn sử dụng
- Sử dụng que thử sai cách
- Thử thai khi còn quá sớm
- Nước tiểu của bạn quá loãng vì trước đó bạn đã uống nhiều nước
- Bạn đang dùng một số thuốc, chẳng hạn như các thuốc lợi tiểu hoặc kháng histamin.
Nếu kết quả xét nghiệm thử thai của bạn là âm tính, hãy thử lại một lần nữa sau 1 tuần. Một số nhà sản xuất cũng khuyến nghị bạn nên làm điều này cho dù kết quả thử thai lần đầu tiên của bạn là gì.
Hình ảnh minh họa chia sẻ từ nguồn: Dreamstime
Nếu bạn đã thử lại lần hai và nhận được 1 kết quả khác so với lần đầu, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm khác nhằm xác nhận lại kết quả.
Nếu bạn có bất kì câu hỏi nào khác về kết quả và các xét nghiệm thử thai của mình, hãy gọi điện cho bác sĩ của bạn hoặc số điện thoại được ghi trong phiếu kết quả xét nghiệm.
Xem thêm :