Viêm tai giữa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa - khoang chứa khí phía sau màng nhĩ, bao gồm chuỗi xương thính giác cực nhỏ của tai. Trẻ em dễ bị viêm tai giữa hơn người lớn trưởng thành.

Video Chữa viêm tai giữa đúng cách

Nhiễm trùng tai thường tự khỏi nên quá trình điều trị có thể chỉ cần kiểm soát cơn đau và theo dõi các triệu chứng của bệnh. Đôi khi, người bệnh cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh bị nhiễm trùng tai nếu  không được điều trị có thể gây ra các vấn đề về thính giác và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Triệu chứng viêm tai giữa

Các dấu hiệu và triệu chứng khởi phát của viêm tai giữa thường diễn ra nhanh chóng. 

Trẻ em 

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp ở trẻ em bao gồm: 

  • Đau tai, đặc biệt khi nằm xuống 
  • Bứt tai, kéo tai 
  • Khó ngủ 
  • Khóc nhiều hơn bình thường 
  • Quấy khóc, la hét
  • Khó nghe hay phản ứng lại với âm thanh Mất thăng bằng 
  • Sốt từ 38℃ trở lên 
  • Tai chảy dịch
  • Đau đầu 
  • Chán ăn 

Người lớn 

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp ở người lớn như: 

  • Đau tai 
  • Tai chảy dịch
  • Khó nghe

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tai có thể là dấu hiệu chỉ điểm một tình trạng bệnh lý, cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Gọi cho bác sĩ nếu: 

  • Các triệu chứng kéo dài hơn một ngày 
  • Các triệu chứng xuất hiện ở trẻ dưới 6 tháng tuổi 
  • Đau tai dữ dội 
  • Trẻ ngủ ít hoặc cáu kỉnh sau khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên 
  • Thấy tai chảy dịch lỏng, có mủ hoặc dịch lẫn máu.

Nguyên nhân viêm tai giữa

Nhiễm trùng tai do vi khuẩn hoặc vi rút trong tai giữa gây ra. Tình trạng nhiễm trùng này thường do một bệnh khác - cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng - gây ra, bằng cách làm tắc nghẽn và sưng nề mũi, cổ họng và vòi nhĩ (vòi eustachiean).

Vai trò của vòi eustachian (vòi nhĩ)

Vòi nhĩ là một ống hẹp, nối từ tai giữa tới vòm mũi họng. Vòi nhĩ mở ra và đóng lại có tác dụng: 

  • Điều chỉnh áp suất không khí trong tai giữa 
  • Làm mới không khí trong tai 
  • Thoát các chất tiết từ tai giữa 

Vòi nhĩ bị phù nề có thể gây tắc nghẽn, tích tụ dịch trong tai giữa. Dịch trong tai giữa bị nhiễm trùng và gây ra các triệu chứng của viêm tai. 

Ở trẻ em, vòi nhĩ thường hẹp và nằm ngang hơn, khiến cho việc thoát dịch khó khăn, vì vậy trẻ dễ bị viêm tai giữa hơn người lớn.

Vai trò của VA (amidan vòm)

VA là tổ chức lympho nhỏ, nằm ở nóc vòm, phía sau mũi và giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống miễn dịch. VA ở gần chỗ mở của vòi eustachian (vòi nhĩ), nên khi VA bị sưng nề/quá phát có thể làm tắc nghẽn vòi nhĩ, dẫn tới nhiễm trùng tai giữa. Ở trẻ nhỏ, VA chưa hoàn thiện, kích thước thường lớn hơn so với ở người lớn, nên VA sưng và kích ứng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ mắc viêm tai giữa ở trẻ nhỏ cao hơn người lớn.   

Phân loại viêm tai giữa

Các tình trạng tai giữa có thể liên quan đến nhiễm trùng tai hoặc dẫn đến các vấn đề tương tự về tai giữa bao gồm: 

  • Viêm tai giữa có tràn dịch là tình trạng sưng nề và tụ dịch trong tai giữa không do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Viêm tai giữa có tràn dịch xảy ra khi dịch tụ vẫn còn sau khi tình trạng viêm tai đã được điều trị khỏi, hoặc xảy ra do một số rối loạn chức năng hoặc tắc nghẽn không do nhiễm trùng của vòi nhĩ. 
  • Viêm tai giữa mạn tính có tràn dịch là tình trạng xảy ra khi dịch vẫn còn trong tai giữa và tiếp tục trở lại mà không bị nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút. Điều này khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng tai mới và có thể ảnh hưởng đến thính giác. 
  • Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm tai không được điều trị khỏi bằng các phương pháp thông thường, dẫn tới thủng màng nhĩ.

Các yếu tố nguy cơ 

Các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng tai bao gồm: 

  • Tuổi. 

Trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng tuổi tới 2 tuổi dễ bị nhiễm trùng tai hơn do kích thước và hình dạng của vòi nhĩ cũng như hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. 

  • Trẻ học tại nhà trẻ. 

Trẻ em đi học mẫu giáo có nhiều nguy cơ bị cảm lạnh và nhiễm trùng tai hơn là những đứa trẻ ở nhà, bởi vì trong môi trường đó, trẻ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và nhiều nguồn lây hơn, ví dụ như cảm lạnh. 

  • Thói quen ăn uống

Những đứa trẻ bú bình, đặc biệt là trong khi nằm, có nguy cơ bị nhiễm trùng tai nhiều hơn những đứa trẻ bú mẹ. 

  • Thay đổi thời tiết. 

Nhiễm trùng tai phổ biến nhất trong mùa thu và mùa đông. Những người bị dị ứng theo mùa có thể có nguy cơ nhiễm trùng tai nhiều hơn khi số lượng phấn hoa nhiều hơn. 

  • Chất lượng không khí 

Tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai. 

  • Thổ dân Alaska. 

Nhiễm trùng tai phổ biến hơn trong số những người bản địa Alaska. 

  • Sứt môi. 

Sự khác biệt về cấu trúc xương và cơ ở trẻ em bị dị tật vòm miệng có thể khiến vòi nhĩ khó thoát dịch ra ngoài hơn. 

Biến chứng viêm tai giữa

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai không gây biến chứng lâu dài. Tuy nhiên nếu bị tái phát viêm tai giữa nhiều lần, người bệnh có thể gặp các biến chứng nặng như: 

  • Thính giác bị suy giảm. 

Mất thính giác nhẹ là biến chứng khá phổ biến của viêm tai giữa, nhưng tình trạng thường được cải thiện sau khi hết nhiễm trùng. Viêm tai giữa tái phát nhiều lần hoặc có dịch ở tai giữa, có thể dẫn đến mất thính giác nghiêm trọng hơn. Nếu người bệnh có một số tổn thương vĩnh viễn ở màng nhĩ hoặc các cấu trúc tai giữa khác, mất thính giác vĩnh viễn có thể xảy ra. 

  • Chậm nói hoặc chậm phát triển.

Nếu thính giác bị suy giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, chúng có thể chậm nói, chậm phát triển hơn. 

  • Lây lan nhiễm trùng. 

Nhiễm trùng không được điều trị hoặc không cải thiện khi điều trị có thể lan sang các cơ quan gần đó. Nhiễm trùng xương chũm - phần lồi ra sau tai được gọi là viêm xương chũm. Nhiễm trùng này có thể làm tổn thương xương và hình thành các u nang chứa đầy mủ. Ngoài ra, nhiễm trùng tai giữa biến chứng nặng có thể lan sang các mô khác trong hộp sọ, bao gồm cả não hoặc màng xung quanh não (viêm màng não). 

  • Rách màng nhĩ. 

Hầu hết các vết rách màng nhĩ sẽ lành lại trong vòng 72 giờ. Tuy nhiên, một số trường hợp, cần phải phẫu thuật để làm lành lại.

Phòng ngừa 

Những thói quen có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh nhiễm trùng tai: 

  • Ngăn ngừa cảm lạnh thông thường và các bệnh khác. 

Dạy trẻ rửa tay thường xuyên, sạch sẽ và không dùng chung dụng cụ ăn uống. Dạy trẻ ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay của chúng. Giới hạn thời gian trẻ ở nhà trẻ và chọn nhà trẻ giữ ít trẻ hơn nếu có thể. Khi trẻ bị ốm, hãy cho trẻ nghỉ ở nhà để chăm sóc.

  • Tránh khói thuốc. 

Đảm bảo rằng không có ai hút thuốc trong nhà của bạn. Khi ở bên ngoài, chọn môi trường không có khói thuốc. 

  • Cho trẻ bú sữa mẹ. 

Nếu có thể, cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất sáu tháng đầu. Vì trong sữa mẹ chứa nhiều kháng thể có thể bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng tai. 

  • Nếu bạn cho trẻ bú bình, hãy bế trẻ ở tư thế thẳng đứng. 

Tránh cho trẻ ngậm bình sữa trong miệng trẻ khi trẻ đang nằm. Không cho trẻ bú bình trong nôi. 

  • Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ. 

Tiêm phòng cúm theo mùa, vắc-xin phế cầu và các loại vắc-xin vi khuẩn khác có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tai.

Chẩn đoán viêm tai giữa

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm tai giữa hoặc một tình trạng khác sau khi người bệnh mô tả các triệu chứng và khám. Bác sĩ sử dụng đèn soi tai để kiểm tra tai, cổ họng và đường mũi, nghe phổi của trẻ bằng ống nghe.

  • Máy soi tai bằng khí nén

Là thiết bị chuyên dụng được dùng để chẩn đoán nhiễm trùng tai. Máy soi tai bằng khí nén cho phép bác sĩ quan sát trong tai và đánh giá xem có chất lỏng phía sau màng nhĩ hay không. Với máy soi tai bằng khí nén, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng thổi không khí vào màng nhĩ. Thông thường, luồng không khí này sẽ làm cho màng nhĩ di chuyển. Nếu tai giữa chứa đầy dịch, màng nhĩ sẽ hạn chế hoặc không có sự chuyển động.

  • Các xét nghiệm bổ sung

Bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về chẩn đoán, tình trạng không đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó hoặc nếu có các vấn đề lâu dài hoặc nghiêm trọng khác.

  • Đo nhĩ lượng

Thăm dò này đo sự chuyển động của màng nhĩ. Thiết bị bịt kín ống tai sẽ điều chỉnh áp suất không khí trong ống, khiến màng nhĩ di chuyển, từ đó đo mức độ chuyển động của màng nhĩ và cung cấp một phép đo gián tiếp áp suất trong tai giữa.

  • Đo phản xạ âm học

Thử nghiệm này đo mức độ âm thanh bị phản xạ trở lại từ màng nhĩ - một biện pháp gián tiếp để xem xét lượng chất lỏng trong tai giữa. Bình thường, màng nhĩ hấp thụ hầu hết âm thanh. Khi càng có nhiều áp lực từ chất lỏng trong tai giữa, thì màng nhĩ càng phản xạ nhiều âm thanh hơn.

  • Đặt ống thông khí màng nhĩ

Bác sĩ có thể sử dụng một ống nhỏ xuyên qua màng nhĩ để dẫn lưu dịch từ tai giữa. Dịch tiết sẽ làm xét nghiệm tìm virus và vi khuẩn. Phương pháp này giúp tìm nguyên nhân gây tình trạng nhiễm trùng không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị trước đó.

  • Các thăm dò khác

Nếu trẻ đã bị đa nhiễm trùng tai hoặc tích tụ chất lỏng trong tai giữa, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia thính học (nhà thính học), trị liệu ngôn ngữ hoặc trị liệu phát triển để kiểm tra khả năng nghe, kỹ năng nói, khả năng hiểu hoặc phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Chẩn đoán  

  • Viêm tai giữa cấp tính

Chẩn đoán "viêm tai" nói chung là viết tắt của bệnh viêm tai giữa cấp tính. Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán này nếu họ thấy dấu hiệu của chất lỏng trong tai giữa, các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng, hoặc các triệu chứng bắt đầu tương đối đột ngột. 

  • Viêm tai giữa có tràn dịch

Chẩn đoán là viêm tai giữa có tràn dịch khi bác sĩ tìm thấy bằng chứng của chất lỏng trong tai giữa, nhưng hiện tại không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của sự nhiễm trùng. 

  • Viêm tai giữa mạn tính

Nếu bác sĩ chẩn đoán là viêm tai giữa mạn tính tức đã phát hiện ra người bệnh bị viêm tai lâu ngày dẫn đến thủng màng nhĩ hoặc thấy mủ chảy ra từ tai.

Điều trị viêm tai giữa

Một số bệnh nhiễm trùng tai tự khỏi mà không cần điều trị kháng sinh. Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả tuổi của trẻ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Theo dõi các triệu chứng 

Các triệu chứng của viêm tai thường cải thiện trong vài ngày đầu tiên và hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi trong vòng một đến hai tuần mà không cần điều trị. Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ khuyến nghị theo dõi cá triệu chứng của trẻ trong các trường hợp: 

  • Trẻ từ 6 đến 23 tháng tuổi bị đau tai giữa nhẹ ở một bên tai trong thời gian dưới 48 giờ và nhiệt độ cơ thể dưới 39C 
  • Trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên bị đau tai giữa nhẹ ở một hoặc cả hai tai trong thời gian dưới 48 giờ và nhiệt độ thấp hơn 39 C 

Một số bằng chứng cho thấy điều trị bằng thuốc kháng sinh có tác dụng cho một số trẻ bị viêm tai. Tuy nhiên, lạm dụng kháng sinh có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc. Xin ý kiến tư vấn của bác sĩ về những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của việc sử dụng kháng sinh.

Kiểm soát cơn đau

Bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp điều trị để giảm đau do nhiễm trùng tai, bao gồm các phương pháp sau:

  • Thuốc giảm đau

 Bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng Paracetamol (efferalgan) không kê đơn hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) để giảm đau. Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trên nhãn. Thận trọng khi cho trẻ dùng aspirin. Trẻ sau khi mắc thủy đậu hoặc các triệu chứng giống cúm không nên dùng aspirin vì aspirin có liên quan đến hội chứng Reye. Xin ý kiến tư vấn của bác sĩ nếu bạn có bất kỳ băn khoăn nào.

  • Thuốc tê nhỏ giọt

Thuốc này có thể được sử dụng để giảm đau nếu màng nhĩ không bị thủng hoặc bị rách.

  • Liệu pháp kháng sinh 

Sau thời gian theo dõi ban đầu, bác sĩ có thể chỉ định điều trị kháng sinh đối với viêm tai trong các trường hợp sau: 

  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên bị đau tai vừa và nặng ở một hoặc cả hai tai trong ít nhất 48 giờ hoặc sốt 39 C trở lên .
  • Trẻ em từ 6 đến 23 tháng tuổi bị đau nhẹ tai giữa ở một hoặc cả hai tai trong thời gian dưới 48 giờ và nhiệt độ dưới 39 C 
  • Trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên bị đau tai giữa nhẹ ở một hoặc cả hai tai trong thời gian dưới 48 giờ và nhiệt độ dưới 39 C 
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi được chẩn đoán viêm tai giữa cấp tính chỉ định điều trị kháng sinh ngay mà không cần thời gian theo dõi ban đầu. 

Ngay cả khi các triệu chứng đã được cải thiện, hãy đảm bảo người bệnh sử dụng kháng sinh theo chỉ dẫn, việc không uống hết thuốc theo liều có thể dẫn đến nhiễm trùng tái phát và vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về những việc cần làm nếu bạn vô tình bỏ lỡ một liều thuốc.

Đặt ống thông tai

Nếu trẻ có một số tình trạng nhất định như bị nhiễm trùng tai tái lại nhiều lần, kéo dài (viêm tai giữa mạn tính) hoặc tích tụ chất lỏng trong tai sau khi hết nhiễm trùng (viêm tai giữa có tràn dịch), bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thủ thuật để dẫn lưu chất lỏng từ tai giữa ra. 

Bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một lỗ nhỏ trên màng nhĩ cho phép hút chất lỏng ra khỏi tai giữa qua đó. Một ống nhỏ (ống thông mũi họng) được đặt ở lỗ thông để giúp thông khí cho tai giữa và ngăn ngừa sự tích tụ của nhiều chất lỏng hơn. Một số ống được định vị ở đó từ 4 đến 18 tháng và sau đó sẽ tự rụng. Các ống khác được thiết kế để tồn tại lâu hơn và có thể phải làm phẫu thuật loại bỏ. 

Màng nhĩ thường đóng lại sau khi ống này rơi ra ngoài hoặc được rút ra.

Điều trị viêm tai giữa mạn tính

Nhiễm trùng mạn tính dẫn đến thủng hoặc rách màng nhĩ - được gọi là viêm tai giữa mãn tính - rất khó điều trị. Nó thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ. Bạn có thể được chỉ định hút chất lỏng ra ngoài qua ống tai trước khi nhỏ thuốc.

Theo dõi

Những trẻ bị nhiễm trùng thường xuyên hoặc có dịch dai dẳng trong tai giữa sẽ cần được theo dõi chặt chẽ. Lên lịch tái khám với bác sĩ và kiểm tra thính giác và khả năng ngôn ngữ thường xuyên.

Câu hỏi liên quan

Ngay từ khi bắt đầu có dấu hiệu sưng, đau nhức trong tai, người bệnh có thể áp dụng các cách trị viêm tai giữa bằng tỏi sau: Dùng dầu tỏi, Nhét tép tỏi vào tai, Cách chữa viêm tai giữa bằng tỏi và dầu ô liu,...
Xem thêm
Viêm tai giữa cấp tính có mủ điều trị tùy theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu điều trị chống viêm mũi họng là chính như nhỏ mũi, dùng kháng sinh toàn thân và thuốc giảm đau. Theo dõi để chích rạch màng nhĩ kịp thời. Ở giai đoạn mủ tai đã chảy ra rồi hoặc sau khi được thầy thuốc chuyên khoa chích rạch màng nhĩ phải làm thuốc tai và theo dõi thường xuyên, hàng ngày cho tới khi màng nhĩ liền.
Xem thêm
Có nhiều cách điều trị viêm tai giữa, trong đó, phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng nhiều nhất. Kháng sinh uống là thuốc được chọn hàng đầu và việc chọn lựa kháng sinh dựa trên kiến thức về vi khuẩn thường gặp trong viêm tai giữa.
Xem thêm
Người bệnh nên kiêng ăn một số loại thực phẩm để tránh tình trạng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng: Tránh sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn như rượu, bia, thuốc lá…, Không nên nhai kẹo cao su hoặc các thực phẩm cần phải hoạt động nhai nhiều,...
Xem thêm
Nếu viêm tai nhẹ chỉ ở mức độ xung huyết màng nhĩ, viêm ống tai ngoài, bệnh nhân có thể chữa viêm tai không dùng kháng sinh mà chỉ cần kết hợp kháng viêm, giảm đau và vệ sinh tai sạch sẽ.
Xem thêm
Thông thường giá tiêm vắc xin phế cầu hiện nay dao động khoảng 1.149.000 ngàn đồng/mũi.
Xem thêm
Viêm tai giữa nguyên nhân đa dạng, nhưng phần lớn đều liên quan đến một bộ phận gọi là vòi nhĩ (hay ống Eustachi, đường thông của tai giữa với vòm mũi họng). “Cổng” của đường ống này gọi là lỗ vòi nhĩ (lỗ Eustachi) nằm gần amidan.
Xem thêm
Viêm tai giữa được phân chia thành 3 loại: Viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy, viêm tai giữa mạn tính
Xem thêm
Bệnh viêm tai giữa chỉ có thể khỏi khi tình trạng viêm nhiễm được khắc phục hoàn toàn. Đối với một số ít người có hệ miễn dịch tốt, các triệu chứng của bệnh có thể dần cải thiện sau 3 – 5 ngày dù không điều trị. Tuy nhiên, phần đa các trường hợp bị viêm tai giữa sẽ rất khó khắc phục nếu chưa nhận được sự can thiệp đúng cách.
Xem thêm
Hiện các kháng sinh thường được sử dụng điều trị viêm tai giữa bao gồm: Kháng sinh Augmentin, azithromycin và kháng sinh các cephalosporin thế hệ I, II, III.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Viêm tai giữa
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!