Văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô (Phạm Thùy Dung) - Nội dung, Tác giả tác phẩm

Lễ rửa làng của người Lô Lô (Phạm Thùy Dung) - Ngữ văn 7 bộ kết nối tri thức đầy đủ, chi tiết giúp các học sinh đọc lại văn bản và tìm hiểu chung về tác giả tác phẩm. Dưới đây là nội dung văn bản đọc Lễ rửa làng của người Lô Lô (Phạm Thùy Dung) lớp 7 mời các bạn cùng tham khảo.

Đọc văn bản

Lễ rửa làng của người Lô Lô

(Phạm Thùy Dung)

Khi xong xuôi mùa vụ, đồi núi thênh thang, người Lô Lô lại nghĩ tới việc tổ chức lễ rửa làng vào một ngày đẹp trời với những ước vọng tốt lành cho cuộc sống ấm no.

Người Lô Lô là một trong những dân tộc thiểu số có dân số ít nhất tại Việt Nam, cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. Tuy nhiên, không vì thế mà đồng bào nơi đây thiếu vắng bề dày văn hoá so với những tộc người đông cư dân. Người Lô Lô thường sống tập trung trong các bản làng cố định nên có tính cộng đồng rất rõ nét. Ngoài những lúc làm lụng vất vả, họ lại quây quần bên nhau để cùng thực hiện những nghi thức cổ truyền hướng về nguồn cội và cùng nhau ước vọng về một đời sống ấm no. Bên cạnh những ngày lễ tiêu biểu như lễ nhảy cây, lễ cầu mưa, lễ thờ thần đá, thì người dân Lô Lô còn có lễ rửa làng rất độc đáo, thú vị.

Lễ rửa làng có tên gọi là lễ mừng ngô mới, bắt nguồn từ nhận thức của người dân rằng không gian sinh sống của họ phải được “làm sạch”, “tẩy rửa” theo định kì để không còn những bụi bặm, đen đủi, tà ma quấy phá. Theo thông lệ, cứ ba năm một, vào thời điểm tháng 5 hoặc tháng 6 âm lịch, người Lô Lô ngồi lại cùng nhau chọn ngày tổ chức lễ rửa làng, thống nhất việc mời thầy cúng và phân công mọi người sắm sanh đồ lễ. Một ngày trước khi tổ chức lễ rửa làng, người dân chuẩn bị lễ vật gồm thẻ hương, chén nước, giấy trúc và con gà trống. Vào tối ngày hôm trước, thầy cúng sẽ thắp hương rồi đặt giấy trúc và chén nước xuống góc nhà để khấn xin tổ tiên đồng ý cho tổ chức lễ rửa làng. Khi thầy cúng bọc tờ giấy trúc lên chén nước mà nước trong chén không hoặc đổ ra ngoài thì lễ xin rửa làng đã linh nghiệm, báo hiệu việc cúng lễ sẽ thành công. Kết thúc lễ xin, ông thầy đốt tờ giấy trúc để hoàn tất thủ tục cúng.

Đoàn người thực hiện lễ cúng vào ngày hôm sau gồm có một thầy cúng chính, một thầy cúng phụ và một số nam giới trong làng đi theo hỗ trợ. Đoàn người sẽ cùng nhau đi khắp các nhà, suốt các hang cùng ngõ hẻm trong làng bản, vừa đi vừa gõ chiêng trống rộn ràng nhằm đánh thức những điều đẹp đẽ ngủ quên và xua đi những rủi ro ám ảnh. Theo tiếng chiêng trông vang động, tà khí sẽ sợ hãi mà bay xa. Đồ lễ mang theo đoàn người còn có hai con dê (được cho là có mùi đặc trưng để xua đuổi tà ma), một con gà trống trắng, rượu ngô, hạt ngô, cỏ, kiếm gỗ, kiếm sắt, ba cành lau, ba cành đào, ba cành mận, miếng vải đỏ, đôi sừng trâu và cây tre to. Cây tre dài trước đó đã được đục miệng ở đoạn giữa và đổ đầy đất vào, sau đó cắm hình nhân bằng giấy màu (được cắt theo kiểu đang giơ tay lên van xin, thể hiện cho sự sợ hãi của hồn ma với người dân) rồi cắm hương theo từng hàng dọc ở giữa cây tre giả làm con ngựa.

Trên hành trình đi quanh làng bản, sẽ có hai người dắt hai con dê. Những người còn lại, người thì vác cây tre giả hình ngựa; người quấy hạt ngô; người xách gà trống trắng cùng các cành đào, mận, lau, vải đỏ,... theo sau thầy cúng đi vào từng nhà dân. [...] Tới nhà nào, gia chủ nơi đó phải chuẩn bị sẵn hình nhân cùng hai bó cửi và hai bó cỏ để ngầm bồi dưỡng công xua đuổi tà ma cho thầy cúng với thái độ cung kính, thành khẩn.

Xong phần lễ, mọi người thấy nhẹ nhõm hơn và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng phía trước, làng bản từ nay sẽ phong quang, sạch sẽ và mọi việc sẽ thuận lợi, may mắn. Các cô gái trong bản nhân dịp này diện những bộ váy áo đẹp được thêu thùa cầu kì, trên đầu đội những chiếc khăn điệu đà làm dáng, túm tụm bên nhau vui vẻ nói cười. Các chàng trai phấn khởi lớn giọng chúc tụng nhau chén rượu nồng thơm. Các cụ ông, cụ bà anh ánh nét cười nhìn con cháu vui vầy sum họp. Mọi người hoan hỉ ăn tiệc, uống rượu mừng rồi mới ai về nhà nấy, bắt đầu ba năm yên ổn sinh sống và làm ăn. Sau lễ cúng, phải 9 ngày sau người lạ mới được bước vào làng vì người Lô Lô cho rằng nếu để người lạ đến, tà ma lại sẽ theo vào và như vậy là lễ không thiêng nữa. Nếu chẳng may có người lạ vào làng, người đó phải sửa soạn lễ vật để cúng lại, bù vào lễ cúng đã bị họ làm mất thiêng.

Với những nghi thức độc đáo như trên, lễ rửa làng của đồng bào Lô Lô được coi là tín ngưỡng dân gian và nét đẹp truyền thống góp phần làm giàu có thêm cho bản sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam.

Tác giả tác phẩm: Lễ rửa làng của người Lô Lô - Ngữ văn 7

Tác giả

Nhà báo Phạm Thùy Dung

Tác phẩm Lễ rửa làng của người Lô Lô

1. Thể loại

Báo chí

2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

In trong Tạp chí Di Sản xuất bản tháng 12/2009

3. Phương thức biểu đạt

Tự sự, miêu tả

4. Tóm tắt tác phẩm Lễ rửa làng của người Lô Lô

Tác phẩm giới thiệu về lễ rửa làng của người Lô Lô bao gồm thời điểm diễn ra lễ hội,những việc cần chuẩn bị cho ngày lễ,  các món đồ lễ, thành phần tham dự và những quy định nghiêm ngặt

5. Bố cục tác phẩm Lễ rửa làng của người Lô Lô

- Phần 1: Từ đầu… lễ rửa làng rất đọc đáo, thú vị: lời mở đầu dẫn dắt vào vấn đề nói đến

- Phần: 2 Còn lại: miêu tả về lễ rửa làng của người Lô Lô

6. Giá trị nội dung tác phẩm Lễ rửa làng của người Lô Lô

- Giới thiệu lễ rửa làng của người Lô Lô

7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Lễ rửa làng của người Lô Lô

- Miêu tả rõ nét về lễ hội

- Mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!