Mục đích tiêm vacxin Jevax
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm do virus viêm não gây tổn thương cấp tính thần kinh trung ương thường gặp ở Châu Á - Thái Bình Dương, lây truyền qua muỗi đốt (muỗi Culex) với tỉ lệ mắc 67.900 ca/năm, tỉ lệ tử vong là 25-30% và 50% bệnh nhân sống có di chứng thần kinh nặng nề.
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có nguy cơ bị mắc bệnh, đặc biệt ở trẻ em dưới 15 tuổi hoặc người lớn chưa được tiêm chủng bị nhiễm virus khi đi du lịch, công tác tại vùng lưu hành bệnh.
Virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus. Virus gây bệnh được truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi đốt. Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là lợn và chim hoang dã. Ở nước ta, loài muỗi truyền bệnh này xuất hiện đa số ở miền Bắc, tăng nhiều vào những tháng mùa hè.
Ban ngày, muỗi thường nấp trong các bụi cây ngoài vườn quanh nhà, đêm bay vào nhà đốt người, thường vào thời điểm mặt trời mọc hoặc hoàng hôn từ 18-22h. Muỗi thích đẻ trứng trong ruộng lúa, kênh mương gần nơi sinh sống.
Bệnh không có khả năng lây trực tiếp từ người sang người. Trong sinh hoạt hàng ngày, ăn uống chung, dùng chung đồ dùng hoặc tiếp xúc gần gũi với người thân mắc bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.
Triệu chứng viêm não Nhật Bản:
- Đau đầu dữ dội, cảm giác buồn nôn và nôn.
- Cứng gáy, lú lẫn, mất định hướng.
- Co giật, rối loạn nghe nói, thậm chí hôn mê sâu.
Mặt khác, hiện nay viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu chỉ là giảm nhẹ các triệu chứng, phối hợp với các biện pháp hỗ trợ cần thiết để nâng cao thể chất và sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, công tác phòng bệnh là vô cùng cần thiết.
Hiện nay, tiêm chủng vacxin là biện pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh. Đồng thời, việc tiêm nhắc lại là cần thiết để có hệ miễn dịch lâu dài.
Chỉ định tiêm vacxin Jevax
Vacxin Jevax phòng viêm não Nhật Bản được chỉ định tiêm cho trẻ từ 1 tuổi đến dưới 15 tuổi.
Ngoài ra, vacxin còn được dùng để để tạo miễn dịch chủ động cho nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc cao với virus viêm não Nhật Bản.
Lịch trình tiêm vacxin Jevax
Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế thì việc tiêm vacxin phòng ngừa viêm não Nhật Bản phải thực hiện đầy đủ, nếu không tiêm đủ liều thì hiệu quả bảo vệ sẽ rất thấp.
Cụ thể như sau, nếu chỉ tiêm 1 mũi đầu tiên thì gần như không có hiệu lực bảo vệ, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.
Do đó, phụ huynh nên chú ý và đưa trẻ đến tất cả cơ sở tiêm chủng để được tiêm.
Theo đó, trẻ từ 9 tháng tuổi đã có thể tiêm vacxin viêm não Nhật Bản, tùy theo từng loại.
Lịch tiêm phòng vacxin viêm não Nhật Bản - Jevax cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi:
- Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay khi trẻ tròn 12 tháng tuổi trở lên.
- Mũi 2: Sau khi tiêm mũi 1 từ 1-2 tuần.
- Mũi 3: Sau khi tiêm mũi thứ 2 ít nhất 1 năm.
- Mũi 4: Sau 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ 15 tuổi.
Người từ 18 tuổi trở lên:
- Tiêm 1 mũi duy nhất.
Làm gì khi lỡ lịch tiêm?
Nếu cha mẹ có con đang ở độ tuổi tiêm phòng, không nhớ hoặc nhỡ lịch tiêm, tốt nhất nên kiểm tra lại thời gian trong sổ tiêm chủng và nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn loại vacxin và lịch trình tiêm phù hợp với thể trạng của trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ đừng quên giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh, rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi và không để trẻ chơi gần chuồng gia súc.
Tương tác thuốc với vacxin Jevax
Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy, khả năng sinh miễn dịch và độ an toàn của vacxin Jevax không bị ảnh hưởng khi tiêm chủng đồng thời tại các vị trí khác nhau với các loại vacxin như giải độc tố bạch hầu, ho gà và uốn ván.
Chú ý trước tiêm vacxin
Trước khi cho trẻ đi tiêm chủng cần phải xem xét tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ và thông báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc trẻ đang dùng. Trẻ chỉ được tiêm vacxin khi sức khỏe bình thường.
Vào trước ngày tiêm, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ sớm và tạo tâm lý thư giãn thoải mái cho trẻ. Cho trẻ đi tiêm đúng ngày, giờ hẹn.
Tránh dùng steroid trước khi tiêm chủng: Các chuyên gia y tế khuyến cáo tránh dùng steroid như prednisone và dexamethasone một tuần trước khi tiêm chủng. Không nên dùng steroid một tuần trước, hiện tại và sau khi tiêm chủng vì steroid ức chế mạnh quá trình viêm và có thể làm suy giảm miễn dịch của cơ thể, dẫn đến giảm đáp ứng đối với vacxin Jevax.
Không dùng thuốc giảm đau trước tiêm: Không nên dùng các thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen ngay trước khi tiêm vì có thể làm giảm hiệu quả của vacxin.
Bổ sung đủ nước: Sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt và dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng nước, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, vitamin A. Cho trẻ dùng thêm một bữa ăn nhẹ trước khi đi tiêm để tránh chờ lâu sẽ khiến trẻ đói bụng.
Mặc quần áo thích hợp: Mặc trang phục phù hợp để tiến hành tiêm chủng thuận lợi (dễ dàng tiếp cận phần trên cánh tay).
Theo dõi sau tiêm vacxin
Sau tiêm 30 phút, cho trẻ theo dõi tại trung tâm tiêm chủng, sau đó cho trẻ về và gia đình theo dõi tiếp tại nhà. Vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, hạn chế nhiễm trùng và cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Chú ý không bôi, đắp bất kỳ loại thuốc, hóa chất hay vật gì vào chỗ tiêm để tránh kích ứng da gây nên tình trạng sưng đau và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Với trường hợp trẻ sốt trên 38,5°C: Lau người bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ (tránh để trẻ bị nhiễm lạnh).
Lưu ý khi thấy có các dấu hiệu sau khi tiêm phòng vacxin cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng xử trí kịp thời:
- Khó thở, tím tái, quấy khóc, vật vã.
- Nổi mề đay hoặc ban đỏ toàn thân.
- Sốt cao liên tục trên 39°C, dùng thuốc hạ sốt không đỡ.
- Quầng đỏ sưng cứng tại vị trí tiêm có kích thước trên 2cm.