Trật khớp vai: Nguyên nhân, chẩn đoán và xử trí

Trật khớp vai xảy ra khi chỏm xương cánh tay bật ra khỏi ổ khớp. Vai là một trong những khớp dễ bị trật khớp nhất vì chỏm của cánh tay nằm trong một ổ chảo rất nông. Điều này làm cho cánh tay cực kỳ cơ động và có thể di chuyển theo nhiều hướng, nhưng cũng có nghĩa là nó không được ổn định. Trong một số trường hợp, các mô xung quanh hỗ trợ khớp vai cũng có thể bị căng ra quá mức hoặc bị rách. Trật khớp vai mất từ 12 đến 16 tuần để chữa lành sau khi khớp đã được đặt trở lại vị trí cũ.

Tại sao khớp vai bị trật?

Bạn có thể bị trật khớp vai nếu bị ngã đập mạnh vào cánh tay. Hầu hết mọi người bị trật khớp vai khi chơi một môn thể thao tiếp xúc, chẳng hạn như bóng bầu dục hoặc trong một tai nạn liên quan đến thể thao.

Ở những người lớn tuổi, trật khớp vai thường xảy ra khi cánh tay đang dang ra - ví dụ, khi trượt trên băng.

Trật khớp vai gặp nhiều hơn ở những người có tính linh hoạt cao, như những người có khớp lỏng lẻo.

Chẩn đoán trật khớp vai

Các loại trật khớp vai 

Trong hầu hết các trường hợp trật khớp vai, phần chỏm xương cánh tay của khớp bật ra phía trước ổ chảo.

Nhận biết trật khớp vai khá dễ dàng vì:

  • Bạn sẽ không thể cử động cánh tay của mình và sẽ rất đau
  • Vai của bạn sẽ trông vuông hơn là tròn
  • Bạn có thể nhìn thấy một khối phồng (đầu xương cánh tay) dưới da vùng trước vai

Trường hợp ít gặp hơn là chỏm xương bật ra phía sau khớp vai. Điều này có thể xảy ra sau một cơn động kinh hoặc chấn thương do điện giật và khó phát phát hiện hơn.

Làm gì khi bị trật khớp vai?

Tới khoa cấp cứu ngay lập tức nếu bạn cho rằng mình bị trật khớp vai.

Đừng cố gắng nắn cánh tay trở lại - bạn có thể làm tổn thương các mô, dây thần kinh và mạch máu xung quanh khớp vai.

Trong khi chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế, tránh cử động bắp tay càng nhiều càng tốt.

Đặt vật mềm, chẳng hạn như chăn hoặc gối gấp, vào khoảng trống giữa cánh tay và cạnh ngực để nâng đỡ.

Nếu có thể, hãy nhờ ai đó làm một chiếc dây đeo đơn giản để giữ cánh tay dưới của bạn ngang ngực, với khuỷu tay tạo thành một góc vuông.

Cách điều trị trật khớp vai

Video Hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu sau khi bị trật khớp vai

Bạn sẽ được đánh giá và kiểm tra khi đến khoa cấp cứu. Thông thường, bạn sẽ được chụp X-quang để kiểm tra xem bạn có bị gãy bất kỳ xương nào không và xác nhận tình trạng trật khớp.

Nếu bạn bị gãy xương, bạn có thể được chụp thêm để kiểm tra chi tiết hơn. Gãy xương do trật khớp vai cần được điều trị chỉnh hình chuyên khoa và có thể cần phẫu thuật.

Nếu bạn không bị gãy xương, cánh tay của bạn sẽ được nắn nhẹ nhàng trở lại khớp vai.

Nắn trật khớp vai

Bạn sẽ được cho uống thuốc giảm đau, có thể kết hợp thêm thuốc an thần.

Nắn trật khớp vai thường được thực hiện ở phòng khám, nhưng đôi khi nó được thực hiện trong phòng mổ dưới gây mê toàn thân.

Khi tiến hành nắn, bạn sẽ ngồi trên giường, bác sĩ xoay cánh tay của bạn quanh khớp vai cho đến khi khớp trở lại ổ chảo. Thủ thuật có thể sẽ mất vài phút.

Thông thường, bạn sẽ phải chụp X-quang để kiểm tra xem các xương đã về đúng vị trí chưa.

Sửa chữa các vết rách

Một số người bị rách dây chằng, gân và các mô khác khi họ bị trật khớp vai.

Nếu những mô này đã bị tổn thương, bạn có thể cần phẫu thuật để sửa chữa chúng. Điều này có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị trật khớp vai trở lại trong tương lai ở một số người.

Phẫu thuật để sửa chữa các tổn thương được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Nó thường được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi bằng các vết mổ nhỏ và một ống mỏng có đèn và máy ảnh ở một đầu.

Đôi khi cần phải phẫu thuật mở để di chuyển xương ở vai nhằm ngăn chặn tình trạng trật khớp thêm.

Một số trường hợp có thể tránh phẫu thuật bằng cách thực hiện các bài tập thích hợp để tăng cường sức mạnh cho vai nếu các mô căng ra quá mức nhưng không bị rách.

Phục hồi sau trật khớp vai

Bạn thường có thể về nhà ngay sau khi vai của bạn được nắn trở lại vị trí cũ, nhưng bạn sẽ cần phải sử dụng đai treo trong vài ngày để cơn đau lắng xuống.

Bạn có thể phải quay lại bệnh viện để được chăm sóc theo dõi và cũng có thể được chỉ định tập vật lý trị liệu để phục hồi và tăng cường sức mạnh cho vai.

Bài tập cánh tay và vai

Một số bài tập nhẹ nhàng cho cánh tay và vai có thể được khuyến nghị để bạn thực hiện tại nhà, khi bạn không cần sử dụng đai treo.

Những bài tập này sẽ giúp:

  • Giảm độ cứng
  • Giảm bớt một số cơn đau
  • Tăng cường sức mạnh cho cơ vai của bạn

Có thể bạn sẽ cảm thấy đau nhức, khó chịu hoặc căng ra khi thực hiện các bài tập này. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau dữ dội hơn 30 phút, hãy thực hiện bài tập nhẹ nhàng hơn với tần suất ít hơn.

Giảm đau

Vai của bạn có thể rất đau trong vài ngày đầu ở nhà và bạn có thể cần dùng thuốc giảm đau, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen. Hãy luôn làm theo hướng dẫn về liều lượng trên bao bì.

Nếu điều này không kiểm soát được cơn đau, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn, chẳng hạn như codeine. Cơn đau sẽ thuyên giảm khá nhanh sau khi tháo đai và bạn bắt đầu cử động vai.

Thời gian hồi phục

Bạn có thể ngừng đeo địu sau một vài ngày, nhưng mất khoảng 12 đến 16 tuần để hoàn toàn hồi phục sau trật khớp vai.

Thông thường, bạn có thể tiếp tục hầu hết các hoạt động trong vòng 2 tuần, nhưng nên tránh nâng nặng và các môn thể thao liên quan đến cử động vai trong khoảng từ 6 tuần đến 3 tháng. Bác sĩ sẽ tư vấn kỹ hơn cho bạn.

Bạn có thể sẽ phải nghỉ việc từ 2 đến 4 tuần hoặc lâu hơn nếu bạn có một công việc nặng nhọc. 

Nếu bạn bị gãy xương kèm theo, bạn có thể phải đeo địu trong tối đa 6 tuần và quá trình hồi phục sẽ lâu hơn.

Bị trật khớp vai trở lại

Khả năng bị trật khớp vai trở lại sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ lành của các mô xung quanh khớp trong lần đầu tiên.

Có thể hữu ích nếu bất kỳ mô bị rách nào được phẫu thuật sửa chữa sau khi vai bị trật khớp được nắn trở lại vị trí cũ.

Tuy nhiên, một số trường hợp xảy ra trật khớp trở lại, đặc biệt ở những người dưới 25 tuổi và những người trên 40 tuổi.

Thực hiện các bài tập phục hồi thường xuyên dưới sự giám sát của chuyên gia vật lý trị liệu và tránh các tư thế cánh tay khó xử cũng có thể làm giảm nguy cơ trật khớp vai trở lại.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!