TOP 7 Bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em (2024) SIÊU HAY

1900.edu.vn xin giới thiệu TOP 7 Bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em hay nhất có dàn ý hướng dẫn chi tiết và các bài văn mẫu hay chọn lọc giúp các em học sinh cải thiện khả năng viết văn của các em. Mời các bạn đón xem:

Đề bài: Viết Bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em

I. Dàn ý: Bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em

Dàn ý số 1

1. Mở bài

- Giới thiệu về tiết học Văn: Học bài gì? Cảm nhận thế nào về không khí buổi học?

2. Thân bài

* Miêu tả lớp trước khi vào tiết học:

- Thầy cô giáo bước vào lớp.

- Học sinh chào thầy cô.

 - Quá trình thầy cô giới thiệu bài học.

* Miêu tả các hình ảnh trong khi học:

- Lớp học tập theo nhóm.

- Các bạn học sinh thi đua học tập.

- Thầy cô giảng vang vọng, ghi những dòng phấn trắng nắn nót.

- Các học sinh liên tưởng đến hình ảnh được nhắc đến trong bài học.

- Các hình ảnh khác trong lớp và ngoài sân.

* Miêu tả hình ảnh kết thúc tiết học:

- Các bạn học sinh tổng kết nội dung bài qua sơ đồ tư duy.

- Thầy cô tổ chức trò chơi rồi giao nhiệm vụ về nhà.

3. Kết bài

 - Nêu cảm nghĩ về tiết học.

Dàn ý số 2

1. Mở bài

  • Giới thiệu về tiết học mà em nhớ và có kỉ niệm.
  • Học bài gì? Cảm nhận thế nào về không khí buổi học?

2. Thân bài

* Kể lại các chi tiết của lớp trước khi vào tiết học:

  • Thầy cô giáo bước vào lớp.
  • Học sinh chào thầy cô.
  • Quá trình thầy cô giới thiệu bài học.

* Kể lại các hình ảnh trong khi học:

  • Lớp học tập theo nhóm.
  • Các bạn học sinh thi đua học tập.
  • Thầy cô giảng vang vọng, ghi những dòng phấn trắng nắn nót.
  • Các học sinh liên tưởng đến hình ảnh được nhắc đến trong bài học.
  • Các hình ảnh khác trong lớp và ngoài sân.

* Kể lại hình ảnh kết thúc tiết học:

  • Các bạn học sinh tổng kết nội dung bài qua sơ đồ tư duy.
  • Thầy cô tổ chức trò chơi rồi giao nhiệm vụ về nhà.

3. Kết bài: 

Nêu cảm nghĩ về tiết học. Bày tỏ cảm xúc của mình với thầy cô, bạn bè ra sao?

II. Bài văn mẫu: Bài văn thuật lại một giờ học đáng nhớ đối với em

Bài văn mẫu số 1

Mỗi giờ học đối với em đều là những giờ học bổ ích và lý thú. Nhưng chỉ có một giờ học mà để lại cho em nhiều dấu ấn đáng nhớ nhất. Đó là tiết học lịch sử.

Học tiết học này em đã được biết thêm nhiều về lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Trong thời kì chiến tranh khói lửa, đã không biết bao nhiêu cha ông ta đã đổ mồ hôi, nước mắt cà xương máu mới giành được độc lập như ngày hôm nay. Cô giáo đã cho chúng em được xem những thước phim về cuộc chiến tranh chống Pháp ác liệt vô cùng - đó là trận Điện Biên Phủ.

Qua giờ học em càng thêm yêu quê hương, đất nước.Và em sẽ cố gắng học tập để xây dựng đất nước không phụ lòng, công lao của cha ông ta.

Bài văn mẫu số 2

Thời gian như một bản nhạc không lời lặng lẽ. Nó đến rồi đi để lại trong ta những kí ức, những kỉ niệm mãi không nguôi. Nó cũng để lại trong tôi một khoảng trống, một nỗi niềm mà chẳng ai có thể lấp đầy. Tôi vẫn còn nhớ như in kỉ niệm đó – kỉ niệm về một tiết học văn. Tôi như đang trong một giấc mơ trở về năm ấy – về tiết học đáng nhớ ấy.

Cô giáo chầm chậm bước vào lớp với khuôn mặt tươi cười như hàng ngày, nhưng trong mắt cô thoáng một nỗi buồn “Cô sao vậy nhỉ?”. Tôi tự hỏi, trong lòng thoáng chút lo lắng. Nụ cười của cô hôm nay thật khác lạ, vẫn là nụ cười đấy nhưng chất chứa hàng ngàn nỗi niềm khó tả. Cô nhìn quanh lớp rồi cất giọng “Các em, cô có một chuyện rất muốn nói”. Tất cả lớp đều im lặng nhìn cô: “Đây sẽ là buổi học cuối cùng cô dạy các em. Cô sắp chuyển vào Miền Nam công tác. Cô mong giờ học này các em học thật tốt nhé!”

Rất nhanh sau đó cô vào bài giảng. Cả lớp tôi sững sờ, mọi người bất ngờ tới nỗi chẳng nói thành lời. – Tại sao cô lại chuyển đi? Chắc tại lớp tôi hư làm cô buồn? Bao câu hỏi quay cuồng trong tâm trí tôi. Lòng tự nhủ lòng “ Mình phải thật ngoan trong ngày hôm nay, vì biết đâu sẽ chẳng còn ngày nào được nghe lại giọng giảng, nét chữ thân quen này nữa”. Điều đó thật đáng sợ! Trên bảng, từng nét chữ thân quen của cô hiện lên: “Buổi học cuối cùng” của An- phông xơ Đô- đê. Lớp tôi, ai nấy đều im lặng. Giọng cô trầm trầm cất lên giữa khoảng không lặng thinh, đưa tất cả chúng tôi về với miền An – dát bình yên, tươi đẹp, về cậu bé Phrăng với những chiều đi chơi, thả diều, về người thầy đáng kính Ha – men với buổi học cuối cùng.

Chúng tôi cứ thế lắng nghe, tự hỏi câu chuyện đó sao giống câu chuyện của chúng tôi đến vậy. Khi phân tích tâm trạng của cậu bé Phrăng, giọng cô trầm bổng như từng cung bậc cảm xúc của cậu bé vùng An – Dát này khiến tôi và tất cả lớp như muốn trào nước mắt. Rồi khi giảng đến lời nói của thầy Ha- men về tiếng nói dân tộc, giọng cô lại xúc động đến nghẹn ngào khiến chúng tôi càng thêm thấm thía về giá trị của tiếng mẹ đẻ. Những dòng chữ thân thuộc cô viết lên bảng kết hợp với lời giảng, lời bình thật hay và thấm thía. Được cô động viên khích lệ, cả lớp càng thêm hào hứng, hăng hái phát biểu, thảo luận xây dựng bài cứ ngỡ như cô sẽ chẳng bao giờ rời đi, sẽ vẫn ngày ngày được gặp cô và nghe lời cô giảng… Tiếng trống vang lên hết tiết. Cả lớp như bừng tỉnh. Mọi người nhốn nháo và ai nấy bật lên tiếng khóc.

Cô gượng cười bảo: “Cô rất vui khi đã được dạy lớp mình, hãy nhớ về cô với những hồi ức đẹp nhé”. Chỉ nghe đến thế thôi, cả lớp tôi đã oà khóc. Cô cứ thế mà đi sao, hệt như trong văn bản ấy sao?. Chúng tôi nhìn theo dáng cô khuất dần, lòng tự hỏi: Cô ơi! Biết bao giờ chúng em lại được gặp cô, được nghe cô giảng bài. Chúng em biết tuy đi xa cô vẫn luôn nhớ đến chúng em, đến tiết học này – một kỉ niệm giữa thầy và chúng em. Đối với chúng em đó sẽ là một tiết học đáng nhớ suốt cuộc đời.

Bài văn mẫu số 3

Tiết học đáng nhớ nhất với em, có lẽ là tiết học cuối cùng với cô giáo Ngân Hà – giáo viên dạy môn Tiếng Anh của lớp em, trước khi cô về nghỉ hưu.

Cô Ngân Hà đã dạy lớp em, từ khi chúng em học lớp 1 đến nay, vì vậy cả cô và trò đều rất gắn bó, yêu thương nhau. Khi biết tin cô sẽ không dạy lớp chúng em nữa, bạn nào cũng buồn lắm. Nhưng rồi chúng em đã xốc lại tinh thần, để chuẩn bị cho một tiết học cuối cùng thật ý nghĩa cùng với cô.

Ngày hôm đó, lớp em học rất ngoan và nghiêm túc. Từ trước đến nay, chưa tiết học nào mà lớp em yên ắng lắng nghe cô giảng bài đến vậy. Mấy bạn nam nghịch ngợm thường bày trò nói chuyện riêng, nay cũng ngoan ngoãn ngồi yên ở cuối lớp nghe cô giảng. Giọng giảng bài của cô vẫn dịu dàng và dễ hiểu như trước đây, chỉ là hôm nay nghe sao có chút buồn. Bây giờ, em mới nhận ra rằng, tóc của cô Hà đã lấm tấm bạc như bà của em. Đôi bàn tay cô cũng đã nhăn nheo sau biết bao chuyến đò đưa người học trò đến bến. Khóe mắt cô khi cười cũng đã hằn vết chân chim. Vậy là cô Hà yêu quý của chúng em đã đến lúc phải nghỉ hưu thật rồi đấy.

15 phút cuối cùng của tiết học, lớp trưởng mạnh dạn đứng dậy, đại diện cả lớp có đôi lời phát biểu để chia tay cô. Rõ là đã tập rất nhiều lần, thế mà bạn ấy cứ nghẹn ngào, nói mãi mới xong bài phát biểu. Cô Hà đứng trên bục giảng cũng đỏ hoe cả hai mắt. Sau đó, chúng em gửi tặng cô những tấm thiệp nhỏ viết những lời cảm ơn chân thành nhất tự đáy lòng mình. Tất cả được để vào một chiếc hộp giấy, để cô có thể mang về nhà sau tiết học. Những phút cuối cùng, chúng em đã ôm chầm lấy cô, như ôm người mẹ của mình. Giây phút chia xa thật bịn rịn và lưu luyến. Bởi sau hôm nay, cô Hà sẽ không còn đến trường giảng dạy nữa.

Tiết học kết thúc, chuông báo hiệu giờ ra chơi vang lên dồn dập. Nhưng lạ thay, chẳng bạn nào háo hức chạy ngay ra sân như mọi hôm. Bởi ai cũng đang rất buồn khi phải xa cô giáo. Chúng em chỉ mong tiết học ấy kéo dài thêm nữa, để được là học trò của cô thêm vài phút. Nhưng rồi tiết học cũng phải dừng lại trong sự tiếc nuối vô bờ. Em mong cô Hà sẽ bắt đầu một hành trình mới với nhiều niềm vui mới. Còn chúng em sẽ cố gắng học tập chăm ngoan, như lời cô đã dặn.

Tài liệu VietJack

Bài văn mẫu số 4

Chiều hôm nay, lớp em đã học tiết học cuối cùng với cô Hà Nhi - giáo viên chủ nhiệm lớp em trước khi cô nghỉ sinh. Đây là một tiết học rất đáng nhớ và đem đến cho chúng em nhiều cảm xúc.

Khi tiếng trống vào học vang lên, cô chậm rãi bước vào lớp học với vẻ mặt hơi buồn. Vì sau khi cô trở lại dạy học, chúng em đã lên lớp 5 và chẳng học cùng cô nữa. Để bầu không khí vui vẻ hơn, lớp trưởng nhanh nhẹn bước lên, giúp cô cầm túi xách. Cả lớp cũng cố gắng vui vẻ chào cô thật to. Tiếp đó, cũng như bao tiết học từ đầu năm, cô giáo bắt đầu dạy chúng em bài tập đọc. Cô đọc mẫu trước, rồi gọi chúng em đứng dậy đọc theo. Hôm nay, bạn nào cũng mong được cô gọi. Kể cả cái Na, cái Bích vốn đọc rất yếu, sợ bị cô gọi cũng giơ tay xung phong. Bạn nào cũng cố gắng thể hiện thật tốt để được cô khen ngợi. Cứ như thế, lớp học diễn ra bình thường, nhưng âm ỉ bên trong là nỗi buồn của chúng em. Khi chỉ còn 15 phút nữa là hết tiết, ban đại diện hội cha mẹ học sinh bước vào, xin phép cô được tổ chức bữa tiệc chia tay nho nhỏ. Mỗi bạn lần lượt ôm lấy cô, chúc cô những lời chúc tốt đẹp. Ngày thường cô dạy mãi mới viết được vài câu văn, thế mà hôm nay bạn nào cũng chúc thật hay, thật dài. Nhìn mắt cô rơm rớm bởi niềm vui và sự tiếc nuối, chúng em cũng nghẹn ngào theo. Bỗng tiếng trống lại vang lên, báo hiệu tiết học kết thúc. Cô giáo vội ra hiệu chúng em trật tự, dịu dàng nhìn cả lớp, căn dặn mọi người phải học tập chăm chỉ, thật ngoan ngoãn để cô giáo mới không phải phiền lòng. Nói xong, cô rời đi cùng trưởng ban cha mẹ phụ huynh.

Ở lại trong lớp, em cảm thấy rất buồn vì từ ngày mai sẽ chẳng được học với cô nữa. Các bạn khác ai cũng buồn như thế, nên giờ ra chơi, cả lớp im ắng lạ thường. Chờ lần tới khi cô đi dạy trở lại, em sẽ sang lớp của cô, để được ngắm cô thêm nhiều lần nữa.

Bài văn mẫu số 5

Tiết học đầu tiên của lớp em sáng nay, là tiết Tập viết. Đây là tiết học mà em yêu thích nhất trong cả ngày.

Ngay khi tiếng chuông vào học vừa reo lên, cô giáo Thanh Nga đã xuất hiện ở cửa lớp. Nhìn thấy cô bước vào, cả lớp liền nghiêm túc đứng dậy để chào cô. Sau khi xác nhận sỉ số lớp, cô mới gật đầu ra hiệu cho chúng em ngồi xuống. Tiếp đó, cô nhắc chúng em mở sẵn vở Tập viết và chuẩn bị bút mực để bắt đầu giờ học. Đầu tiên, cô Nga đọc qua một lượt đoạn văn mà chúng em cần chép trong tiết học này. Vừa đọc, cô vừa cẩn thận nhấn nhá từng từ khó viết, đồng thời đứng dậy, viết từ đó lên bảng cho chúng em nhìn rõ hơn. Các từ dễ nhầm lần khi viết như d hoặc gi, s hoặc x, cô cũng viết ra góc bảng để chúng em quan sát. Sau đó, cô mới bắt đầu đọc bài cho chúng em chép vào vở. Mỗi lần, cô chỉ đọc từ hai đến ba tiếng, và lặp đi lặp lại nhiều lần. Vừa đọc, cô vừa đi lại trong lớp học để quan sát chúng em. Cô nhắc từng bạn phải ngồi thẳng lưng lên, không được cúi sát mặt bàn, phải viết đúng ô li, sửa lại từ bị sai chính tả… Cứ như thế, khi cô vừa đọc hết đoạn văn chính tả, thì cô cũng vừa kịp đi hết một vòng lớp. Sau đó, cô chọn ngẫu nhiên mười bạn mang vở lên nộp để cô nhận xét và chấm điểm. Những bạn nào có chữ chép đẹp, trình bày sạch sẽ thì sẽ được cô tặng cho một điểm hoa dán vào bảng học tập ở cuối lớp.

Một tiết Tập viết của lớp em đã diễn ra như vậy đó. Nhờ sự sâu sát và quan tâm của cô giáo, mà chữ của chúng em ngày càng đẹp hơn.

Bài văn mẫu số 6

Một buổi học của ngày đầu tuần lại đến. Buổi học này để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc.

Hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân, tiết trời ấm áp. Nắng ban mai rải nhẹ những tia nắng vàng óng ả xuống cành cây, kẽ lá. Mọi vật như bừng tỉnh giấc. Em tung tăng cắp sách đến trường. Vẫn như thường ngày, chúng em nhanh chóng truy bài lẫn nhau. Đúng bảy giờ, tiếng trống trường quen thuộc lại vang lên. Chúng em xếp hàng ngay ngắn trước sân trường để làm lễ chào cờ. Bạn Liên đội trưởng điều khiển nghi lễ. Lá quốc kì được từ từ kéo lên, phần phật trong gió sớm. Tiếng trống chào cờ vang lên cùng bài hát Quốc ca, Đội ca hùng tráng. Cảnh tượng lúc chào cờ đã khơi dậy trong lòng em một sự tưởng nhớ và lòng biết ơn sâu sắc. Ba mươi phút trôi qua, kết thúc nghi lễ và những nội dung của tiết chào cờ. Chúng em tuần tự vào lớp học.

Tiết học đầu tiên là môn Tập đọc với bài Người công dân số Một. Qua bài học, hình ảnh yêu nước, thương dân của người nông dân đất Việt đã in sâu vào tâm trí em. Đó là hình ảnh Bác Hồ thời trai trẻ. Bác đang chuẩn bị cho chuyến đi xa để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Vì hoài bão cứu nước nên Bác không làm việc ở Sài Gòn mà phải bôn ba ra nước ngoài, dù phải chịu nhiều gian khổ. Em cảm thấy thương Bác vô cùng.

Tiết học tiếp theo là môn Toán với bài Diện tích hình tròn. Chúng em hào hứng thảo luận, xây dựng bài học. Từng cánh tay đưa lên như những búp măng non, ai cũng mong được cô giáo gọi đến tên mình. Chúng em tiếp nối nhau trả lời rồi lên bảng giải bài tập. Những tia nắng ấm áp nghiêng mình qua cửa sổ xem chúng em làm bài. Làn gió mát rượi thổi đến như tiếp sức, cổ vũ cho chúng em. Nhờ hiểu bài, em làm bài tập rất nhanh. Cô giáo nhìn chúng em làm bài với vẻ hài lòng phấn khởi. Có lẽ hôm ấy chúng em đạt điểm mười nhiều nhất.

Môn Toán vừa kết thúc cũng là tiếng trống trường gióng giả vang lên báo hiệu giờ giải lao. Chúng em ùa ra sân, tung tăng chạy nhảy. Ai nấy đều vươn cao lồng ngực để hít thở không khí trong lành. Mười lăm phút giải lao lại hết, chúng em vào lớp, tiếp tục môn Địa lí. Bài học về châu Á đã giúp em hiểu được đặc điểm tự nhiên, dân cư và hoạt động kinh tế của các nước thuộc châu lục này. Chúng em đã hiểu được rằng, các nước châu Á đều thuộc chủng tộc da vàng, chúng ta phải cùng nhau đoàn kết, hợp tác và phát triển,

Tiết học cuối cùng là môn Đạo đức. Bài học Em yêu Tổ quốc Việt Nam đã giúp em thấy được Việt Nam là một đất nước có nền văn hiến lâu đời, ngày nay đang gìn giữ và phát triển. Em lại càng nhận rõ phần trách nhiệm của mình đang chờ ở phía trước. Em cảm thấy yêu quê hương, đất nước vô cùng.

Thế là buổi học đã hết. Chúng em ra về với niềm hân hoan, phấn chấn. Ai cũng rạng rỡ nụ cười tươi thắm trên môi. Em mong sao các buổi học sau đều như thế.

Bài văn mẫu số 7

Tiết Toán sáng nay của lớp em là một tiết học đặc biệt. Bởi đó là tiết dạy đầu tiên của thầy Minh - sinh viên năm cuối trường Đại học Sư phạm Hà Nội về trường em thực tập.

Từ trước khi tiết học bắt đầu, thấy đã có mặt ở bục giảng để chuẩn bị sách vở, phấn, và kết nối sẵn máy tính với máy chiếu. Trông thầy còn rất trẻ, khuôn mặt thầy toát lên vẻ hồi hộp giống như chúng em lên trả bài vậy. Nhưng ngay khi tiếng trống vào học vang lên, thầy như trở thành một con người khác. Thầy lập tức nghiêm túc và tự tin hơn hẳn.

Thầy ra hiệu cho cả lớp mở sách giáo khoa, nhắc chúng em chuẩn bị bảng con và phấn, rồi mới bắt đầu khởi động màn hình máy chiếu. Thầy Minh không viết bảng, thầy dạy mọi thứ bằng máy chiếu. Các công thức toán, ví dụ đều hiện ra to và rõ ràng. Khi cần nhắc chúng em chép bài, thầy sẽ dừng lại, đọc công thức từ hai đến ba lần. Vừa đọc thầy vừa chăm chú quan sát từng bạn, để không bạn nào chép thiếu cả.

Điều đặc biệt nhất, là cách thầy cho chúng em làm bài tập. Các câu hỏi ôn luyện được tổ chức thành trò chơi Ai là triệu phú với hình ảnh và âm thanh sống động như thật. Cách đặt câu hỏi và giải thích cho chúng em của thầy rất dí dỏm và hài hước. Nhờ vậy mà dù trả lời sai chúng em cũng không thấy buồn. Và không khí tiết học cũng theo đó mà trở nên sôi động hơn hẳn.

Khi tiết học kết thúc, thầy Minh cảm ơn cả lớp vì đã cùng thầy học một tiết toán thật vui và ý nghĩa. Đó là lần đầu tiên chúng em được một thầy giáo cảm ơn vì đã chăm chỉ ngồi học. Cả lớp vui lắm, bạn nào cũng phấn khởi trả lời câu hỏi của thầy. Thầy hỏi xem có thấy thầy nói nhanh quá không, thầy có giảng khó hiểu không, thầy có ra nhiều bài tập quá không… Khi chúng em trả lời, thầy chăm chú nghe rồi ghi lại vào sổ, em biết đó là thầy đang rút kinh nghiệm cho các tiết học sau.

Giờ toán hôm nay với thầy Minh không phải là tiết học hay nhất. Nhưng là tiết học ý nghĩa nhất của em. Em thấy ở thầy Minh niềm yêu nghề và tình yêu học sinh rất chân thành và ấm áp. Em mong rằng thầy sẽ luôn là một thầy giáo nhiệt huyết, năng nổ như hôm nay. Và chúng em sẽ là các bạn học sinh đầu tiên của thầy.

Xem thêm các bài văn lớp 4 hay, chi tiết:

TOP 10 Đoạn văn chép bài văn thuật lại một việc làm tốt mà em hoặc bạn bè,người thân đã làm (2024) SIÊU HAY

TOP 10 Bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4 (2024) SIÊU HAY

TOP 10 Bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe (2024) SIÊU HAY

TOP 50 Bài văn kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em (2024) SIÊU HAY

TOP 50 Bài văn Kể lại một câu chuyện về người có tài (2024) SIÊU HAY

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!