Đề bài: Viết 1 Bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4
Dàn ý: Bài văn kể lại một câu chuyện lớp 4
I. Mở bài:
- Giới thiệu câu chuyện mà em định kể.
- Em được đọc, được nghe hay được chứng kiến câu chuyện về người đó.
II. Thân bài:
- Trình bày diễn biến câu chuyện.
III. Kết bài:
- Nêu kết thúc câu chuyện và cảm nghĩ của em về câu chuyện.
Một số bài văn mẫu hay:
Mẫu số 1
Hôm nay, sau khi tan học em cùng các bạn cùng lớp nô nức cùng nhau trở về nhà. Trên con đường làng, các bạn nhộn nhịp ra về, người trước người sau vô cùng huyên náo, vui vẻ. Khi em và các bạn đang trò chuyện vui vẻ thì bỗng thấy bên kia đường là một người phụ nữ trẻ đang bế con, tay bên kia thì xách lỉnh kỉnh rất nhiều đồ đạc. Dưới trời nắng nhìn bộ dạng của cô ấy đầy khó khăn, mệt mỏi. Em đã được cô giáo dạy phải biết giúp đỡ những người gặp khó khăn nên em đã quyết định cầm đồ giúp cô ấy.
Trời mùa hè nắng như đổ lửa, chúng em trở về nhà mà đứa nào đứa nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Tuy nhiên, chúng em về cùng nhau và tự tưởng tượng ra những món ăn ngon lành trong mâm cơm của mẹ, cốc nước chanh mát lạnh của bố thì em vẫn rất vui vẻ, tung tăng vừa chạy vừa nô đùa cùng các bạn về nhà. Nhưng đang trên đường thì xuất hiện trước mắt em đó chính là hình ảnh của một người phụ nữ trẻ đang bế một em nhỏ, đặc biệt là tay bên chia của cô xách theo đủ thứ đồ từ quần áo của em bé đến một chiếc túi xách lớn. Trời nắng nóng nên khuôn mặt của cô ấy đỏ bừng, em bé cũng vì quá nóng mà khóc ré lên.
Không kịp suy nghĩ gì, em vội chia tay các bạn và chạy đến chỗ của cô ấy, em đã nói với cô “Để cháu giúp cô xách đồ nhé?” . Cô ấy hơi ngạc nhiên về sự xuất hiện bất ngờ của em, rất nhanh sau đó cô ấy đã mỉm cười đầy dịu dàng và nói với em “Vậy cô cảm ơn. Giúp cô xách túi đồ này nhé”. Em dạ một tiếng đầy hào hứng. Cô giáo luôn dạy chúng em phải luôn giúp đỡ mọi người nên khi có thể giúp được cô thì em đã rất vui. Vì em xách đồ giúp nên cô có thể dỗ cho em bé hết khóc, lúc này đôi mắt to đen long lanh ngập nước của em bé nhìn tôi đầy tò mò, khuôn miệng cười to lên đầy thích thú. Cô thấy vậy nên cũng vui vẻ theo và bắt chuyện với tôi “Em bé rất thích cháu đấy. Cô cảm ơn cháu vì đã xách đồ cho cô nhé, nếu mệt thì nói cho cô nghen”.
Sau vài câu nói chuyện tôi đã biết cô ở cùng làng với tôi, vì cô sống ở thành phố nên tôi không biết mặt cô, lần này được nghỉ phép nên cô về thăm quê. Cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng em đã rất vui vì đã làm được một việc có ích, dù là nhỏ thôi nhưng cũng khiến em tự hào lắm, em tự hứa sẽ thường xuyên giúp đỡ người khác hơn nữa để làm một người con ngoan, trò giỏi.
Mẫu số 2
Mấy hôm, trời rét căm căm. Các nhà trong xóm đóng cửa kín mít để tránh gió. Trên đường, chỉ có lác đác người qua lại. Trời sáng dần, gió thổi lạnh buốt, mưa rơi rả rích.
Hôm đó, em ra máy nước rửa rau xà lách. Em mặc áo ấm và khoác áo mưa. ở máy bên kia, bà cụ Loan đang hứng nước. Bà chỉ mặc phong phanh. Mưa và gió lạnh tê tái làm bà run lẩy bẩy. Khi hứng nước xong định ra về, bà quỵ xuống. Bà cố tựa vào tường, mắt nhìn em như cầu cứu. Em hoảng hốt vội chạy ra đỡ bà dậy. Nhìn khuôn mặt tái nhợt, em biết bà bị lạnh cóng. Em dìu bà về nhà. Căn nhà tồi tàn, chẳng có nhiều đồ đạc: một cái tủ và một cái giường đơn. Em đỡ cụ lên giường và về gọi bà nội em. Bà em rất thạo về các môn thuốc thông thường. Nghe em nói, bà em tất tả chạy sang nhà bà Loan.
Sau vài phút xem xét, bà em nói:
- Bà cụ bị cảm lạnh. Bây giờ cháu đi nhóm lửa sưởi ấm cho cụ đi.
Bà em chạy về nhà lấy một cái áo len của mình thay vào chỗ áo ướt của cụ Loan. Bà đắp chăn cho cụ và lại về lấy mấy thứ cần thiết sang xoa bóp cho cụ Loan. Sau đó, bà em cho cụ uống thêm mấy viên thuốc cảm.
Mười phút sau, bà cụ Loan hết run. Người cụ ấm dần và bà cụ từ từ mở mắt. Cụ không ngồi dậy được mà chỉ nhìn em và bà nội với đôi mắt biết ơn.
Bà em nói:
- Chiều, bà sẽ khỏi. Bây giờ, bà ngủ đi cho khoẻ.
Bà em kéo chăn đắp kín ngực cho bà cụ và bảo em:
- Cháu ra máy nước mang rau về. Thỉnh thoảng, bà cháu ta sẽ sang xem xét tình hình bà cụ.
Đến chiều, mưa chỉ còn tí tách. Cô Hoa, con gái bà cụ đạp xe đến. Cô rất xúc động khi biết chuyện xảy ra.
Cô nói với bà em:
- Cháu cảm ơn cô nhiều, nếu không có cô và cháu Phương thì không biết mẹ cháu sẽ ra sao!
Cô Hoa ở lại để chăm sóc mẹ.
Em thủ thỉ:
- Bà ơi! Bà tốt với cụ Loan nhỉ?
Bà vuốt tóc em cười hiền hậu:
Thương người như thể thương thân mà cháu!
Mẫu số 3
Đầu năm học, lớp tôi có một bạn học sinh mới chuyển đến. Cô bạn tên là Chi. Bởi người Chi gầy gầy xương xương nên lớp tôi gọi cô bạn với cái tên nghe vẻ cười nhạo thân hình đó: Chi Khỉ. Có lần, câu chuyện về Chi đã giúp lớp tôi đoàn kết và biết thương yêu nhau hơn. Câu chuyện như sau:
Chi được xếp ngồi ở cuối lớp, vì còn mỗi bàn đó trống. Là học sinh mới, vị trí đó càng làm Chi tách biệt với mọi người. Mỗi giờ ra chơi, chúng tôi lại đùa nghịch và rôm rả nói đủ thứ chuyện. Không ít lần, bạn Nam mập đã cố tình ném quả cầu lông trúng người Chi rồi lại giả vờ xin lỗi như một cách trêu chọc. Chi chỉ lặng im rồi đưa trả quả cầu. Thấy thế, chúng tôi càng đắc ý và cười lớn. Một hôm, trong giờ tập làm văn miêu tả con vật trong vườn thú. Cô giáo cất tiếng hỏi:
- Các em đã được quan sát những con vật nào trong vườn thú rồi?
Những tiếng trả lời nhao nhao mỗi người một loài vật.
- Dạ em thưa cô! Con khỉ ạ. – Nam trả lời rất dõng dạc.
Nghe vậy, cả lớp cười lớn như hiểu ý. Riêng Chi đỏ mặt, rồi bỗng nhiên gục đầu xuống bàn. Cô giáo nhanh chóng tiến về phía cuối lớp. Chúng tôi cũng xúm lại quanh đó. Chẳng rõ cô và Chi thì thầm gì với nhau mà cô vội vã dìu Chi xuống phòng y tế.
Một lúc sau, cô lên lớp và kể lại câu chuyện. Chúng tôi ai nấy lòng đầy lo sợ, sợ cô bạn Chi Khỉ kia đã mách với cô những điều chúng tôi đã trêu đùa cậu. Nhưng đáng ngờ là cô không hề nói tới chuyện đó, cô chỉ kể Chi bị bệnh tim bẩm sinh nên cơ thể yếu ớt. Mỗi lần có tác động tới tâm trạng là cô bạn lại lên cơn đau quằn quại.
- Giờ ra chơi, cô cho chúng em xuống thăm bạn Chi ạ? – Bỗng, Nam cất giọng, gương mặt thành khẩn.
Chúng tôi cũng bất ngờ nhưng ai nấy đều tán thành với ý kiến này.
Từ đó, cả lớp tôi chẳng còn ai gọi Chi với cái tên kì thị, mỉa mai đó nữa. Chúng tôi cùng nhau học, cùng nhau chơi rất thân thiết. Hôm nào Chi nghỉ ốm, lớp lại cử Nam đạp xe ghé qua nhà Chi cho bạn ấy mượn vở. Cậu bạn hăng hái tình nguyện làm việc đó.
Mẫu số 4
Trong một chương trình truyền hình có tên là “Điều ước thứ bảy”, tôi đã được nghe, được xem không biết bao câu chuyện xúc động. Câu chuyện mà tôi nhớ mãi đó chính là câu chuyện đầy nghị lực của cha con bé Bôm mang tên “Hòa tấu cha và con”.
Gọi là bé Bôm bởi đó là cái tên thân thương mà gia đình và mọi người gọi. Cậu bé 15 tuổi, tên là Nguyễn Anh Tuấn, con trai ruột của diễn viên Quốc Tuấn. Ngay từ khi sinh ra, Bôm đã mắc phải căn bệnh xương cứng sớm cục bộ. Đó là căn bệnh hiếm gặp và đem đến một khuôn hình dị dạng trên cơ thể mỗi đứa trẻ mắc phải. Ngay khi thoáng nhìn thấy khuôn hình ấy, người cha nhói lên cảm giác sụp đổ. Nhưng người cha cũng là người mạnh mẽ hơn cả, cầm tay con trai và tự nhủ với mình “Bôm rồi sẽ ổn!” Và 15 năm là hành trình dài đằng đẵng mà cha con ông đã vượt qua để Bôm có được một cơ thể gần như nguyên vẹn.
Cậu bé Bôm đã nằm trên bàn phẫu thuật hơn chục lần. Dù đau đớn, bé vẫn mỉm cười rạng rỡ. Nụ cười ấy đã đến với chương trình “Điều ước thứ bảy”, đem đến bao nỗi niềm xúc động khắp khán phòng và tới triệu người dân đất Việt đang xem truyền hình. Bé Bôm khoác trên mình bộ vest đen điển trai, trình diễn bản đàn piano nhẹ nhàng, du dương. Khi biểu diễn xong, cậu bé mỉm cười nói với người cha vĩ đại của mình “Anh Tuấn ơi! Anh lên đây” như để khoe với cha rằng mình đã thực hiện được ước mơ ấp ủ bấy lâu. Dù sinh ra với thân thể chẳng được bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng Bôm chưa bao giờ ngừng ước mơ cậu sẽ được mặc vest và biểu diễn đàn trên sân khấu. Cậu bé đã dần chạm tới ước mơ khi giờ đây, cậu đã trở thành học viên của Học viện Âm nhạc quốc gia.
Cho tới bây giờ, những giọt nước mắt trên gương mặt người cha và nụ cười rạng rỡ trên đôi môi người con vẫn còn làm trái tim tôi nghẹn ngào. Thật đáng ngưỡng mộ nghị lực phi thường và tình thương bao la của hai cha con. Có lẽ, nghị lực và tình thương yêu ấy đã hòa tấu nên khúc nhạc tuyệt vời nhất của cuộc đời bé Bôm.
Mẫu số 5
Trong buổi chào cờ đầu tuần vừa qua, bạn Hoa của lớp 3B đã được tuyên dương trước toàn trường bởi đức tính trung thực của mình thể hiện qua hành động “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” của bạn.
Theo như lời của thầy hiệu trưởng kể lại thì ngày thứ Năm của tuần trước, lớp 3B tan học sớm hơn các lớp khác. Và trên đường đi học về, bạn Hoa đã nhặt được một chiếc hộp mà thường được dùng để đựng đồ ở các tiệm vàng bạc, ban đầu bạn chỉ có ý định nhặt chiếc hộp để làm đồ chơi nhưng khi nhặt lên bạn phát hiện ra trong đó có một chiếc dây chuyền.
Vì lúc đó đã khá trưa nên bạn mang chiếc hộp đó về nhà và đến buổi chiều bố Hoa đèo Hoa ra cơ quan công an huyện để nhờ các chú công an tìm giúp người đánh mất. Các chú đều khen Hoa thật thà và trung thực, tin tức nhanh chóng được thông báo và chỉ một ngày sau người đánh rơi chiếc hộp đó đã tìm đến cơ quan công an để nhận lại đồ của mình.
Người đánh rơi là một bác đã khá nhiều tuổi, chiếc dây chuyền là món quà mà bác mua để dành tặng cho cô con gái sắp cưới của bác nhưng bác không cẩn thận nên đã để rơi, tìm lại được chiếc dây chuyền bác rất vui và xin các chú công an số điện thoại và địa chỉ của gia đình bạn Hoa để cảm ơn, bác tìm đến nhà và gửi Hoa một ít tiền để cảm ơn bạn nhưng bạn không nhận không phải vì số tiền mà bác đưa ít mà bạn nói đây là việc cần phải làm của mỗi người.
Và cuối cùng bác đã tìm đến tận trường của Hoa học thông báo cho thầy cô để khen thưởng Hoa về việc làm của mình. Trong buổi chào cờ, Hoa đã được thầy hiệu trưởng tặng giấy khen vì đức tính thật thà, trung thực của bạn ấy, thầy còn nhấn mạnh đây chính là một tấm gương sáng để các bạn học sinh trong trường học tập và noi theo.
Xem thêm một số bài văn mẫu lớp 4 hay khác:
TOP 10 Bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe (2024) SIÊU HAY
TOP 50 Bài văn Kể lại một câu chuyện về người có tài (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Bài văn Kể lại câu chuyện Nàng tiên Ốc (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Bài văn Kể về một người có ý chí nghị lực mà em biết lớp 4 (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Bài văn Kể lại câu chuyện nói về lòng dũng cảm (2024) SIÊU HAY