TOP 50 mẫu Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (2024) SIÊU HAY

TOP 50 mẫu Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành) hay nhất, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 7 có thêm nhiều ý tưởng mới, giúp học sinh làm văn lớp 7 tốt nhất.

Các vấn đề trong đời sống luôn đa dạng, phức tạp và thường được đánh giá khác nhau, tuỳ cách nhìn nhận của mỗi người. Sự trung thực của con người thể hiện ở thái độ biết tán thành những ý kiến đúng, phản đối những ý kiến sai trái. Phần Viết của bài học này yêu cầu em bàn luận về một vấn đề trong đời sống, theo hướng trình bày ý kiến tán thành. Sự tán thành dĩ nhiên phải được đặt trên cơ sở những nguyên tắc ứng xử và nền tảng đạo lí thích hợp, cũng như sức thuyết phục của ý kiến tuỳ thuộc vào những lí lẽ và bằng chứng được sử dụng

Hướng dẫn làm bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành)

* Yêu cầu đối với bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống:  

- Nêu được vấn đề và ý kiến cần bàn luận.

- Trình bày được sự tán thành đối với ý kiến cần bàn luận.

- Đưa ra được những lí lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng để chứng tỏ sự tán thành là có căn cứ.

* Phân tích bài viết tham khảo: 

Văn bản Trường học đầu tiên:

- Bài viết nêu vấn đề: vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của mỗi con người.

- Ý kiến của người khác thu hút sự chú ý: Gia đình là trường học đầu tiên của mỗi người.

- Người viết tán thành với ý kiến đó. (Riêng tôi, sau khi suy nghĩ kĩ, tôi thấy Hồng Minh hoàn toàn có lí).

- Lí lẽ: Ông bà, cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng, mà còn dạy bảo những điều hay lẽ phải cho ta từ thuở ấu thơ, tình cảm thiêng liêng cao đẹp, sự đối xử của các thành viên trong gia đình với nhau là những bài học thấm vào ta một cách tự nhiên.

- Bằng chứng:

+ Người viết nhớ lại một kỉ niệm: giơ 4 ngón tay lên để trả lời cho câu hỏi của người lớn, khiến mẹ phải nhắc nhở. Điều này thành bài học đáng nhớ về thái độ trong giao tiếp.

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài 

- Đề tài được chọn phải thoả mãn các điều kiện: phải là vấn để mình thực sự quan tâm và hiểu biết, có những ý kiến khác nhau khi nhìn nhận, đánh giá; có thể xác định thái độ dứt khoát đối với vấn đề đó.

Ví dụ: 

- Thành công và thất bài.

- Ham mê trò chơi điện tử. 

- Đồ dùng bằng nhựa. 

b. Tìm ý

- Vấn đề bàn luận: Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?

- Giải thích thế nào là trò chơi điện tử. 

- Trình bày thực trạng ham mê trò chơi điện tử.

- Nguyên nhân hiện tượng ham mê trò chơi điện tử.

- Hậu quả ham mê trò chơi điện tử.

- Lựa chọn nên hay không nên ham mê trò chơi điện tử. 

- Những lí lẽ và bằng chứng: trong cuộc sống, … 

c. Lập dàn ý

- Dàn ý là kết quả của việc sắp xếp hợp lí các ý đã tìm được ở trên, phân bố chúng vào từng phần khi viết bài. 

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành) | Hay nhất Soạn văn 7 Kết nối tri thức

2. Viết bài

- Triển khai các ý đã có trong dàn ý. 

3. Chỉnh sửa bài viết

Rà soát, chỉnh sửa các phần, các đoạn của bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:

Nội dung rà soát

Hướng dẫn chỉnh sửa

Ý kiến về vấn đề đời sống đã nêu rõ ràng chưa? 

Nếu ý kiến chưa nêu rõ trong phần mở bài thì phải bổ sung.  

Đã khẳng định được sự tán thành ý kiến chưa? 

Nếu sự tán thành ý kiến thể hiện chưa rõ thì phải chỉnh sửa về cách diễn đạt. 

Việc tán thành ý kiến đã có sức thuyết phục chưa? Lí lẽ và bằng chứng được nêu có phù hợp với nội dung nghị luận không? 

Bổ sung, thay đổi nếu thấy lí lẽ và bằng chứng chưa làm cho sự tán thành đủ sức thuyết phục. 

Đã rút ra được ý nghĩa của việc tán thành ý kiến chưa? 

Bổ sung nếu thấy ý nghĩa của việc tán thành ý kiến còn mờ nhạt. 

Việc sử dụng từ ngữ, câu văn, cách liên kết các câu trong đoạn và các đoạn trong bài đã đạt yêu cầu chưa? 

Chỉnh sửa những lỗi về từ ngữ, ngữ pháp, bổ sung từ ngữ liên kết nếu thấy giữa các câu, các đoạn còn rời rạc. 

Dàn ý Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành)

Dàn ý tham khảo số 1

Dàn ý mẫu tham khảo: Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?

1. Mở bài: 

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? 

2. Thân bài: 

a. Giải thích

+ Trò chơi điện tử là gì

+ Hiện tượng học sinh quá đam mê trò chơi điện tử

b. Thực trạng

+ Học sinh ham mê trò chơi điện tử bỏ bê học tập, nói dối phụ huynh

+ Ham mê trò chơi điện tử trên diện rộng, học sinh bắt chước nhau

+ Các quán net mọc lên như nấm từ cổng trường cho đến các khu dân phố, mở cửa 24/7 luôn sẵn sàng phục vụ

c. Nguyên nhân

+ Do mải chơi

+ Do quá căng thẳng việc học tập

+ Do bị dụ dỗ

d. Hậu quả

+ Học hành chểnh mảng

+ Nói dối để được đi chơi điện tử

+ Hành vi ăn cắp, ăn trộm tiền để đi chơi điện tử

+ Đàn đúm, đua đòi, tốn thời gian tiền bạc, dễ bị lừa bởi tội phạm công nghệ cao

e. Mở rộng vấn đề:

Chơi giỏi game cũng là nghề kiếm tiền

3. Kết bài:

Khái quát lại vấn đề nghị luận

Dàn ý tham khảo số 2

Dàn ý mẫu tham khảo: Không thầy đố mày làm nên và Học thầy không tày học bạn, câu nào là chân lí?

1. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy không tày học bạn", câu nào là chân lí.

2. Thân bài: Đồng ý với câu tục ngữ: "Không thầy đố mày làm nên".

a. Giải thích câu tục ngữ:

+ Thầy: là người dạy dỗ hướng dẫn, chỉ bảo.

+ Ý nghĩa câu tục ngữ: Nếu không có người chỉ dẫn, dạy dỗ thì không thể hoặc rất khó để có được thành công.

=> Chúng ta muốn thành công, muốn đạt được tri thức thì đều cần sự hướng dẫn, định hướng của những người thầy.

b. Vai trò của người thầy:

- Dìu dắt, hướng dẫn, truyền dạy những kiến thức quý báu.

- Thầy cô là những người đồng hành, hướng học sinh đến lối sống, nhân cách đạo đức tốt đẹp.

c. Phản biện:

- Vẫn có những trường hợp tự học, tự tìm tòi, khám phá để tạo dựng cơ đồ cho riêng mình nhưng mất nhiều thời gian, công sức hơn. Trên thực tế, họ cũng phải học hỏi, tiếp bước những thế hệ đi trước để xem xét, phát triển.

3. Kết bài: 

Khẳng định lại quan điểm của bản thân về vấn đề cần nghị luận và rút ra bài học.

Dàn ý tham khảo số 3

Dàn ý mẫu tham khảo: Đồ dùng bằng nhựa - tiện ích và tác hại.

1. Mở bài:

Dẫn dắt và nêu lên quan điểm của bản thân về việc sử dụng đồ dùng nhựa trong cuộc sống.

2. Thân bài:

* Nêu và phân tích những tiện ích và tác hại của đồ dùng bằng nhựa đối với đời sống con người.

- Tiện ích:

+ Giá thành rẻ.

+ Số lượng nhiều, mẫu mã đa dạng.

+ Gọn nhẹ, dễ dàng để mang theo.

+ Giúp tiết kiệm không gian, thời gian và tiền bạc cho con người.

- Tác hại:

+ Việc sử dụng đồ dùng nhựa trong việc nấu ăn một thời gian dài có thể gây nên những căn bệnh nguy hiểm.

+ Độ bền không quá cao.

+ Khó phân hủy, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.

+ Rác thải nhựa còn gây hại cho các loài động - thực vật, ảnh hưởng xấu tới cân bằng hệ sinh thái.

* Giải pháp: Cần phải sử dụng các đồ dùng nhựa một cách hiệu quả, thông minh để bảo vệ bản thân, gia đình và cuộc sống.

3. Kết bài: 

Khẳng định lại các tiện ích - tác hại của đồ dùng nhựa đối với cuộc sống con người và rút ra bài học cho bản thân.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trình bày ý kiến tán thành chi tiết nhất

Nghị luận đồ dùng bằng nhựa, tiện ích và tác hại

Dàn ý tham khảo

I. Mở bài:

Nêu vấn đề: Nhựa là một trong những chất liệu tiện dụng nhất mà con người từng phát minh. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với mối đe dọa từ chính thứ chất liệu này gây nên.

II. Thân bài:

1. Giải thích khái niệm:

- Vật liệu, đặc tính, màu sắc, tác dụng, lịch sử sản xuất,…

+ Nhựa plastic (hay chất dẻo) là các hợp chất cao phân tử, thành phần chủ yếu là các polyme hữu cơ.

+ Trong lịch sử, chất liệu nhựa nhân tạo đầu tiên được sản xuất chính là vinyl clorua năm 1838.

+ Với tính bền, nhẹ, khó vỡ, tiện dụng và màu sắc đa dạng, nhựa được dùng làm túi nilon, chai lọ, ống nước,… len lỏi vào khắp nơi của cuộc sống hiện đại.

+ Khi mới xuất hiện, nhiều người coi đây là một phát minh quan trọng cho cuộc sống. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng đã gây ra hàng loạt tác hại lâu dài đối với môi trường và sức khỏe con người.

2. Hiện trạng và hậu quả:

- Lượng tiêu thụ rất lớn.

- Rác thải nhựa đang bị con người vứt bừa bãi, trôi nổi khắp nơi trên thế giới, cả trên đất liền và trên biển, đặt ra một thách thức về vấn đề môi trường.

- Câu hỏi được đặt ra là, vậy phần lớn rác thải từ nhựa sẽ đi đâu? (tái chế, đốt hay nằm trong những bãi rác hoặc bị vứt bừa bãi khắp Trái đất, cả trên đất liền và trên biển).

- Trên đất liền, sự tồn tại của rác thải nhựa trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây trồng. Rác thải nhựa bị vứt bừa bãi xuống ao hồ, sông ngòi gây ra tắc nghẽn, ứ đọng, ổ bệnh.

- Trên biển, rác thải, phế phẩm từ nhựa như chai, lọ, túi nilon theo các dòng hải lưu mà trôi dạt khắp nơi. Điều này đang đặt ra một thách thức về vấn đề môi trường, đe dọa biến Trái đất trở thành “Trái nhựa” theo đúng nghĩa đen.

- Ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người và sinh vật.

- Rác thải từ nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với sự sống của các sinh vật, trên đất liền và cả trong lòng đại dương.

- Ngoài ra, do thời gian phân hủy rất lâu nên khi rơi xuống biển, rác thải nhựa phủ lên bề mặt và giết chết các quần thể san hô, gây biến dạng hệ sinh thái dưới đáy biển.

- Không chỉ đặt ra mối đe dọa đối với đại dương, rác thải nhựa còn tác động xấu tới sức khỏe con người.

- Làm nghiêm trọng hơn tình trạng nóng lên của Trái Đất.

- Nhựa rất khó phân hủy và tái chế, dù là đốt hay chôn dưới lòng đất.

3. Giải pháp:

Hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần.

- Tại các nước Châu Âu, người ta tự mang túi của mình và sử dụng lại túi vải khi đi siêu thị để giảm thiểu lượng túi nilon không cần thiết.

- Tái chế: Thay vì vứt chúng ra bãi rác, chúng ta có thể tái tạo không ít thứ thành vật dụng trong nhà. Hoặc tối thiểu, bạn hãy chú ý đến việc phân loại rác để thuận tiện cho việc tái chế chúng tại các cơ sở sau này.

- Nhằm khuyến khích người dân gom nhựa lại để tái chế, tại Thổ Nhĩ Kì, rác thải nhựa có thể dùng để đổi lấy vé tàu.

- Vật liệu thay thế: Đầu tư vào nhựa sinh học để thay thế cho nhựa plastic cũng đang là một hướng đi mới của con người, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững,

- Ngoài ra, nhà nước cũng có thể ban hành các đạo luật nhằm hạn chế việc sử dụng nhựa của người dân như áp thuế cao hoặc ban hành lệnh cấm sản xuất, sử dụng nhựa plastic, đặc biệt là các sản phẩm dùng một lần.

4. Liên hệ với thực tế.

III. Kết bài:

Chúng ta phải quan tâm hơn đến hành tinh này trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Hãy cùng chung tay hành động, bởi “Việc thay đổi không đơn giản dựa vào một vài cá nhân. Số ít không thể tạo ra sự khác biệt nhưng khi 100 triệu người quyết định cùng hành động, đó mới thực sự mang đến những tác động mạnh mẽ” (Chris Jordan).

Bài văn mẫu số 1

Đồ dùng bằng nhựa - tiện ích và tác hại.

Vì một môi trường không rác thải nhựa

Xã hội phát triển kéo theo cuộc sống ngày một tiện nghi. Dưới sự phát triển của khoa học kĩ thuật, nhựa trở thành chất liệu được nhiều người ưa thích bởi sự tiện lợi của nó. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường, việc sử dụng các đồ vật từ nhựa lại trở thành chủ đề đáng được quan tâm. Hiện nay, đã có rất nhiều nghiên cứu cũng như những ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Về mặt tích cực, nhựa là vật liệu có giá thành rẻ, tiện lợi đối với người tiêu dùng. Hầu như trong gia đình nào cũng có ít nhất một đồ vật làm từ nhựa. Đó có thể là muôi xới cơm, cốc, bát, hộp đựng đồ ăn,... Sự gọn nhẹ và tiện dụng của chúng giúp cho cuộc sống dễ dàng và tiết kiệm hơn. Hơn nữa, các đồ vật làm từ nhựa có mẫu mã tương đối đa dạng. Người tiêu dùng có thể thay đổi thường xuyên để phù hợp với nhu cầu và sở thích.

Về mặt tiêu cực, việc sử dụng các đồ dùng bằng nhựa có thể gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là khi nấu ăn. Khác với kim loại, khi gặp nhiệt độ cao, nhựa dễ bị nóng chảy và sản sinh ra các chất có hại cho cơ thể. Vậy nên nếu ta sử dụng bát nhựa, hộp nhựa để đựng thức ăn nóng trong một thời gian dài thì cơ thể sẽ hấp thụ phải hàng loạt các chất hóa học độc hại. Từ đó, dễ mắc các bệnh về dạ dày, gan, hay nguy hiểm hơn nữa là ung thư. Không chỉ vậy, nhựa rất khó phân hủy, trở thành yếu tố hàng đầu gây ô nhiễm môi trường hiện nay. Việc rác thải nhựa bị xả bừa bãi còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài động thực vật, làm mất cân bằng hệ sinh thái và gia tăng thời tiết cực đoan.

Tựu chung lại, các vật dụng làm từ nhựa mang đến rất nhiều sự tiện lợi cho đời sống con người. Tuy nhiên ta cần sử dụng chúng đúng cách để không gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình. Đồng thời, biết cách tái chế đồ rác thải từ nhựa, có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống xung quanh để xã hội ngày một sạch đẹp và phát triển hơn nữa.

Bài văn mẫu số 2

Nhựa là một chất liệu đánh dấu sự phát triển quan trọng của cuộc sống hiện đại. Nó nhanh chóng len lỏi vào các ngành sản xuất và cho ra đời rất nhiều đồ dùng làm bằng nhựa được sử dụng rộng rãi. Kéo theo đó, là những tranh cãi về lợi ích và tác hại của chúng.

Trước hết, chính là những tiện ích mà đồ dùng bằng nhựa mang lại. Đó là một điều hết sức hiển nhiên mà ai cũng nhận ra và công nhận. Các đồ dùng được làm bằng nhựa luôn rất đa dạng về màu sắc, với đủ tông màu, mức độ đậm nhạt tùy thích. Hơn nữa, chất liệu nhựa còn rất dễ xử lí và tạo hình nên có thể cho ra đời rất nhiều kiểu dáng, mẫu mã cho cùng một món đồ. Chúng cũng có một ưu thế hơn so với các đồ dùng làm từ kim loại, là rất nhẹ, nên dễ sử dụng và di chuyển. Đồ dùng bằng nhựa còn khá bền, không bị hen rỉ khi để ở ngoài trời hay môi trường nước lâu ngày. Quan trọng nhất là các món đồ dùng làm từ nhựa luôn có giá thành rẻ hơn nhiều so với các món đồ làm từ chất liệu khác như gỗ, sắt, thép, đồng… Với tất cả những ưu điểm vượt trội đó, đồ dùng bằng nhựa đem đến rất nhiều tiện ích trong cuộc sống. Vì vậy, nó đã len lỏi và có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, cùng với những tiện ích đó, đồ dùng bằng nhựa cũng đem đến những tác hại khiến người ta phải đau đầu. Đó là đồ dùng bằng nhựa không thể chịu được nhiệt độ cao, nên khi bị sử dụng để đựng các đồ còn nóng như thức ăn, canh, trà… dễ gây bệnh cho người sử dụng. Nhưng do giá thành rẻ lại đa dạng mẫu mã, nên nhiều quán ăn vẫn sử dụng đồ làm từ nhựa để đựng thực phẩm nóng. Không chỉ vậy, đồ dùng bằng nhựa còn rất khó để phân hủy. Nó cũng như túi nilon có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Hiện nay, dù là trong đất, nước, không khí, trong cơ thể động vật đều có xuất hiện nhựa. Đó là một hiện trạng hết sức đáng buồn. Vì vậy, đã có nhiều phong trào vì bảo vệ môi trường đã đứng lên kêu gọi ngưng sử dụng các loại đồ dùng làm từ nhựa dùng một lần.

Đồ dùng bằng nhựa vừa đem lại nhiều tiện ích nhưng cũng ẩn chứa nhiều tác hại. Hai yếu tố đó tồn tại song song với nhau. Hiện nay, vẫn chưa có một chất liệu nào có thể thay thế được nhựa, vì vậy chúng ta khó mà từ bỏ các đồ dùng làm từ chất liệu này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và môi trường bằng các biện pháp tích cực. Như không dùng đồ làm từ nhựa để đựng thực phẩm nóng. Hạn chế sử dụng đồ dùng làm từ nhựa một lần, mà ưu tiên các loại có thể tái chế được. Khi không sử dụng nữa, thì đem phân loại, vứt đúng nơi quy định để chúng được đưa đến nhà máy xử lí. Như vậy, thì các đồ dùng làm từ nhựa sẽ giảm đi phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta.

Bài văn mẫu số 3

Rác thải nhựa hay còn được gọi là "Ô nhiễm trắng" là hiểm họa đang rình rập và sẵn sàng giết chết môi trường toàn cầu. Còn gì đáng sợ hơn khi các đồ nhựa được ưa chuộng, được ưu tiên sử dụng thế nhưng khi không còn sử dụng nữa chúng lại đeo bám trong môi trường sống của chúng ta hàng trăm thậm chí hàng nghìn năm. Vấn đề rác thải nhựa cho đến bây giờ vẫn chưa thể giải quyết được, và cũng có thể mất rất lâu nữa để có thể giải quyết triệt để. Mỗi người cần phải nhìn nhận thật rõ về bản chất của nhựa và tác hại của chúng đến môi trường, sức khỏe của chính mình.

Rác thải nhựa là gì? Chúng từ đâu mà có? Các sản phẩm làm từ nhựa khi còn đang sử dụng thì được gọi là sản phẩm nhựa nhưng đến khi sản phẩm nhựa đó không còn sử dụng được nữa và phải bỏ đi thì đó chính là rác thải nhựa. Giống như việc bạn uống nước trong chai nhựa, khi bạn uống hết nước và bỏ chai đi thì lúc đó chai nhựa đựng nước lại thành rác thải nhựa. Việc sử dụng chế phẩm từ nhựa đồng nghĩa với việc thải ra rác nhựa, ngoài chai nhựa còn có nhiều loại như túi nilon, ca cốc nhựa, ống hút nhựa,... đều là những vật dụng quá quen thuộc gần như không thể thiếu của chúng ta. Rác thải nhựa trở thành vấn đề nan giải chính bởi tính chất khó phân hủy, chúng ta dễ dàng tạo ra nhựa nhưng để nhựa tự phân hủy thì phải mất hàng trăm, nghìn năm. Rác thải nhựa còn có khả năng phát tán vi nhựa ra môi trường. Các quốc gia trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang rất đau đầu về tình trạng gia tăng rác thải nhựa và vấn đề xử lý cũng như tái chế rác thải nhựa. Nhu cầu sử dụng càng lớn, nhựa sản xuất ra càng nhiều dẫn đến không thể kiểm soát rác thải nhựa. Trên thế giới mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ thì ở Việt Nam một gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, hàng năm có đến 8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường.

Bất cứ đâu có hoạt động sống của con người thì đều có rác thải nhựa, rác thải nhựa có mặt ở khắp mọi nơi, rất bừa bãi và không được phân loại rõ ràng. Bởi ở nước ta hiện nay cũng như đa số người dân trên thế giới không có thói quen phân loại rác, rác thải nhựa, có đến 4,8 - 12,7 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra các đại dương mỗi năm. Ở Việt Nam lĩnh vực tái chế rác thải nhựa chưa phát triển và công nghệ tái chế chậm tiến bộ, xử lý rác thải nhựa chủ yếu vẫn là chôn lấp nhưng vẫn gây ô nhiễm. Đa số các công ty xử lý rác thải nhựa là công ty nhỏ, công nghệ lỗi thời, không thể xử lý trên quy mô lớn. Hậu quả đến từ rác thải nhựa là rất nghiêm trọng, sự tồn tại của rác thải nhựa trong môi trường sẽ ảnh hưởng đến các môi trường khác như môi trường đất, môi trường nước. Ví dụ như túi nilon trong đất làm cho đất không giữ được nước, ngăn cản quá trình hấp thụ dưỡng chất của cây cối; túi nilon vứt xuống ao hồ làm tắc nghẽn, ứ đọng sinh ra nhiều vi khuẩn. Môi trường đất nước ô nhiễm bởi túi nilon ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, nếu đem túi nilon để đốt chúng sẽ sinh ra chất khí độc dioxin và furan rất có hại cho con người khi hít phải như ảnh hưởng tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch. Hàng ngày, hàng giờ rác thải vẫn đang được thải ra, đe dọa đến sinh thái, sức khỏe con người và xa hơn là sự phát triển bền vững trên toàn cầu. Rác thải nhựa tồn tại hàng trăm nghìn năm nếu không xử lý kịp thời Trái Đất sẽ ngập trong rác thải nhựa, mọi môi trường đều bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa và con người không thể sinh sống được.

Để giải quyết được vấn đề rác thải nhựa, chúng ta phải đi từ căn nguyên, khởi đầu của rác thải nhựa, nếu không dùng các sản phẩm từ nhựa nữa thì chắc chắn sẽ không thải ra rác thải nhựa. Vì thế mọi người cần thay đổi thói quen sử dụng chế phẩm từ nhựa đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay vào đó hãy dùng sản phẩm từ thủy tinh, sứ, gốm, hợp kim,... Bên cạnh đó nhất định phải phân loại rác thải nhựa với các loại rác thải khác để giúp cho quá trình xử lý rác được tốt hơn. Cần thiết phải tuyên truyền, giáo dục nhận thức về nguy hại của rác thải nhựa, lên án những hành vi xử lý rác thải nhựa không đúng cách, ví dụ như phát động những chiến dịch thu gom rác thải nhựa trên bờ biển. Nhìn ra xa chúng ta cần phải tìm ra được vật liệu thay thế nhựa, có thể là nhựa từ sinh học thay cho nhựa plastic như bây giờ.

Cần chung tay hành động vì một môi trường sống trong lành, bảo vệ môi trường trái đất tránh khỏi những ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Vấn đề rác thải nhựa có thể giải quyết được hay không tùy thuộc vào ý thức, hành vi và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa của bạn. Hãy dừng lại ngay việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần, hãy lan tỏa thông điệp này đến bạn bè ở trường lớp, những người xung quanh để bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

Nghị luận về "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí?

Dàn ý mẫu tham khảo: Không thầy đố mày làm nên và Học thầy không tày học bạn, câu nào là chân lí?

1. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy không tày học bạn", câu nào là chân lí.

2. Thân bài: Đồng ý với câu tục ngữ: "Không thầy đố mày làm nên".

a. Giải thích câu tục ngữ:

+ Thầy: là người dạy dỗ hướng dẫn, chỉ bảo.

+ Ý nghĩa câu tục ngữ: Nếu không có người chỉ dẫn, dạy dỗ thì không thể hoặc rất khó để có được thành công.

=> Chúng ta muốn thành công, muốn đạt được tri thức thì đều cần sự hướng dẫn, định hướng của những người thầy.

b. Vai trò của người thầy:

- Dìu dắt, hướng dẫn, truyền dạy những kiến thức quý báu.

- Thầy cô là những người đồng hành, hướng học sinh đến lối sống, nhân cách đạo đức tốt đẹp.

c. Phản biện:

- Vẫn có những trường hợp tự học, tự tìm tòi, khám phá để tạo dựng cơ đồ cho riêng mình nhưng mất nhiều thời gian, công sức hơn. Trên thực tế, họ cũng phải học hỏi, tiếp bước những thế hệ đi trước để xem xét, phát triển.

3. Kết bài: 

Khẳng định lại quan điểm của bản thân về vấn đề cần nghị luận và rút ra bài học.

Giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên (Dàn ý +6 mẫu) - Tin Tức  Giáo Dục Học Tập Tiny

Bài văn mẫu số 1

"Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy không tày học bạn" là hai câu tục ngữ quen thuộc trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Theo cá nhân em, "Không thầy đố mày làm nên" mới là chân lí vì câu tục ngữ đã cho thấy được tầm quan trọng của người thầy đối với mỗi cá nhân.

Câu tục ngữ "không thầy đố mày làm nên" như một lời răn dạy hết sức nhẹ nhàng, gần gũi của ông cha với thế hệ con cháu. Kho tàng kiến thức là mênh mông vô bờ. Để chinh phục được nó, ta cần đến những người thầy, người cô. Nếu không có được những sự dạy dỗ, chỉ dẫn của thầy cô, ta khó mà có thể "nên người".

Trên con đường phát triển bản thân, người thầy đóng một vai trò quan trọng. Họ là những người đem đến cho ta vô vàn bài học, dạy cho ta không chỉ kiến thức mà còn là những kinh nghiệm sống quý báu. Thầy cô dạy ta tính kỉ luật, tinh thần trách nhiệm và đạo đức tốt đẹp, giúp ta phát triển toàn diện mọi mặt để từ đó hoàn thiện bản thân.

Trong cuộc sống, ta không chỉ được học trên trường lớp mà còn được tiếp xúc với nhiều mặt của xã hội. Với mỗi giai đoạn, ta sẽ được gặp gỡ, học hỏi từ những người khác nhau. Họ cũng chính là người thầy mà ta cần coi trọng. Họ chỉ dạy, dẫn dắt ta theo những cách riêng, giúp ta nhận ra được vô số những điều mới mẻ, bổ ích, để ta vững bước hơn trên con đường chinh phục thành công. Thực tế rất hiếm có người tự học trở thành tài. Họ đều phải trải nghiệm, làm quen với những những môi trường, "người thầy" mới, từ đó, quan sát, kế thừa và tự hoàn thiện mình. Vậy nên không ai có thể thành công mà không có sự học hỏi, chỉ dẫn của người đi trước.

Mỗi người chúng ta đều là một cá thể riêng biệt với những thế mạnh khác nhau. Để có thể tìm tòi và phát triển những điểm mạnh của bản thân một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, ta cần có những người dẫn dắt, chỉ bảo tận tình.

Người "thầy" chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất trên con đường tiến đến thành công. Vậy nên, ta cần tôn trọng và không ngừng học hỏi từ họ để bản thân mình có thể phát triển và hoàn thiện nhất.

Bài văn mẫu số 2

Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu ca dao tục ngữ thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy...

Trong nhà trường, người thầy giữ vai trò rất quan trọng, vì thế dân gian đã khẳng định: Không thầy đố mày làm nên. Nhưng bên cạch đó lại có quan điểm cho rằng: Học thầy không tày học bạn. Như vậy, xét về mặt ý nghĩa , hai câu trên có mâu thuân với nhau hay không?

Nếu mới đọc qua, chưa suy nghĩ sâu sắc, chắc chắn có người cho rằng hai câu tục ngữ trên chứa đựng hai quan điểm trái ngược nhau. Thực tế không phải như vậy. Cả hai câu đều nói đến vai trò của người dẫn dắt là thầy giáo và bạn bè trong học tập.

Câu thứ nhất: Không thầy đố mày làm nên đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy đối với học sinh. Trong khi đó câu thứ hai: Học thầy không tày học bạn lại đề cao vai trò của bạn bè. Chúng ta nên hiểu nội dung hai câu tục ngữ này như thế nào cho đúng?

Trong nhà trường, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Thầy dạy cho trò những tri thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Thầy là người dẫn đường, chỉ lối, mở rộng, nâng cao hiểu biết cho học sinh. Đồng thời với việc dạy chữ là dạy người. Người thầy dạy bảo những điều hay lẽ phải, quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp các em sống theo đạo lí làm người. Đối với việc trưởng thành và tạo dựng sự nghiệp của học sinh, công lao người thầy quả là to lớn.

Nhưng không phải người thầy thay thế được tất cả. Thầy hết lòng giảng dạy trò phải hết sức nỗ lực trong học tập, tiếp thu thì mới mong đạt được kết quả tốt. Như vậy, cố gắng của học sinh cũng là một phần đáng kể. Nếu phủ nhận mặt này, ý nghĩa của câu tục ngữ trên sẽ là nhận xét phiến diện.

Vai trò của người thầy quan trọng như vậy nhưng trong quá trình học tập, vai trò bạn bè cũng quan trọng không kém nên người xưa cho rằng: Học thầy không tày học bạn (không tày ở đây có nghĩa là không bằng). Đánh giá như vậy sợ có thiên lệch chăng? Ở đây, mục đích của người xưa là dùng cách nói cường điệu để nhấn mạnh tác động của bạn bè đối với sự tiến bộ và hiểu biết của mối người. Kiến thức thầy giảng trên lớp, có gì chưa hiểu, ta đem hỏi lại bạn bè. Bạn tận tình hướng dẫn cho mình, tức là bạn cũng đóng vai trò của người thầy cô trong chốc lát.

Thực tế cho thấy bạn bè tốt giúp đỡ, hỗ trợ nhau rất nhiều điều có ích trong quá trình học tập, làm việc và xây dựng sự nghiệp. Bạn bè cũng trang lứa tạo ra sự thông cảm , gần gũi nên việc học hỏi cũng dễ dàng tiếp thu hơn. Vậy ta nên hiểu quan niệm học thầy, học bạn như thế nào cho đúng?

Mỗi học sinh phải chăm chỉ, cố gắng tiếp thu những điều hay lẽ phải do thầy dạy bảo , kết hợp với óc suy nghĩ, sáng tạo của bản thân để không ngừng nâng cao kiến thức. Luôn ghi nhớ truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc. Có kính trọng thầy thật sự thì mới có tâm thế trong sáng, nghiêm túc đón nhận lời thầy dạy bảo. Có điều gì chưa hiểu hoặc hiểu chưa kĩ, ta mạnh dạn hỏi lại bạn bè, tránh thái đọ tự ti, giấu dốt, bởi đó là điều hoàn toàn bất lợi cho việc học hành. Học thầy, học bạn không chỉ về kiến thức mà còn học ở tác phong, đạo đức để trở thành con người hữu ích cho xã hội.

Hai câu tục ngữ trên bổ sung ý nghĩa cho nhau để phản ánh quan niệm của người xưa về việc học. Ngày nay, cách học tốt nhất là học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học trong thực tế cuộc sống hằng ngày. Muốn nên người, chúng ta phải có thái độ tôn kính thầy cô, quý mến, tôn trọng bạn bè và khiêm tốn trong học tập. Con đường đến với tri thức là còn đường gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy, thầy và bạn vừa là người chỉ lối , vừa là người đồng hành quan trọng biết bao đối với mỗi chúng ta.

Bài văn mẫu số 3

Bàn về sự học, ông cha ta đã có hai câu tục ngữ gây nên nhiều tranh cãi. Đó là “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy chẳng tày học bạn”. Cá nhân em sau khi suy nghĩ và trải nghiệm, thì cho rằng cả hai ý kiến đều không sai. Nếu biết kết hợp hai ý kiến này với nhau thì sẽ tạo ra chân lí.

Trước hết, sự học lúc nào cũng bắt đầu với việc “học thầy”. Nghĩa là chúng ta đến trường, học tập những điều hay lẽ phải, những kiến thức bổ tích từ thầy cô giáo. Chính thầy cô đã kiên nhẫn dạy chúng ta từ những chữ cái, câu đọc đầu tiên đến khi có thể tự mình nghiên cứu một cuốn sách. Mỗi khi gặp vấn đề khó hiểu, gặp một tình huống lạ lẫm hay vướng mắc trong cuộc sống, thì thầy cô sẽ ở bên cạnh, cùng sẻ chia, giải đáp cho chúng ta. Rồi thầy cô cũng là người ở bên cổ vũ, đốc thúc chúc ta học tập, cố gắng hơn mỗi ngày. Vì vậy, thầy cô là những người vô cùng quan trọng trên con đường trưởng thành của mỗi người, không thể nào thiếu được.

Tuy nhiên, thầy cô cũng không phải là đấng toàn năng, không thể lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta được. Hơn nữa, có những vấn đề thầy cô không thể giải đáp hay chia sẻ với chúng ta được. Những tình huống ấy, người bạn bên cạnh sẽ là người giải đáp cho chúng ta. Bạn bè là những người thân thiết, cùng lứa tuổi nên sẽ dễ nói chuyện, truyền đạt với nhau. Có những bài toán nếu bạn đã hiểu, bạn chỉ lại cho chúng ta sẽ dễ hiểu hơn, vì có cùng cách tư duy. Hay những trò chơi, những kĩ năng sống đời thường… chẳng phải đều là do bạn chỉ cho chúng ta hay sao. Như là cách bắn bi, cách học thuộc bài nhanh, cách trèo cây, cây phân biệt trái ngọt… Những điều đó, chúng ta học hỏi từ bạn bè sẽ phù hợp hơn hỏi thầy cô. Cũng như những tâm sự tuổi mới lớn, những phân vân của trẻ thơ… phải là bạn bè đồng trang lứa thì mới chia sẻ được. Ngược lại, những kiến thức trong sách vở, những kĩ năng giải bài tập, định hướng tương lai… thì chúng ta lại cần đến những người thầy người cô để chỉ dạy.

Chính vì như vậy, nên em mới khẳng định rằng, cả hai ý kiến “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy chẳng tày học bạn” đều chính xác. Tuy nhiên, khi cả hai câu tục ngữ kết hợp với nhau, thì mới trọn vẹn được. Chúng ta không nên gò bó bản thân chỉ được học từ một nơi, bởi kiến thức thì vô vàn, thế giới lại mênh mông. Chúng ta hãy học mãi không ngừng nghỉ, học từ bất kì nơi nào mình thấy cần thiết. Có như vậy thì mới có thể vun đắp nên một kho tàng kiến thức phong phú cho riêng mình được.

Nghị luận Thành công và thất bại, mặt nào mới là trải nghiệm bổ ích giúp con người tiến bộ?

ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA NGƯỜI THÀNH CÔNG VÀ KẺ THẤT BẠI @NGHEKECHUYENHAY -  YouTube

Bài văn mẫu số 1

Hoa hồng đẹp, nhưng thân lại có gai; hoa sen đẹp, nhưng mọc lên từ bùn lầy… Cuộc sống của chúng ta vốn dĩ đã luôn tồn tại những điều tưởng chừng trái ngược nhưng luôn song hành cùng nhau. Thành công và thất bại cũng vậy, tôi nhớ trong bài thơ “Dậy mà đi” Tố Hữu đã từng có những đúc kết rất quý báu rằng:

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?

( Tố Hữu – Dậy mà đi )

Dại hay khôn, thành công hay thất bại, hóa ra vẫn cứ luôn song hành!

Cuộc sống luôn luôn là những dấu hỏi để chúng ta tìm ra và giải đáp chúng, bởi cuộc sống xung quanh chúng ta nó tồn tại rất nhiều những điều phức tạp và giá trị của nó đang là để thử thách lòng kiên nhẫn của con người, khi thất bại con người có biết vùng dạy để quyết tâm đạt được mục tiêu hay không, thành công có ngủ quên trong chiến thắng hay không, liệu thành công và thất bại, mặt nào mới là trải nghiệm bổ ích giúp con người tiến bộ?

Nếu cuộc sống là một đường chạy vượt rào, sự cố gắng là "phương tiện", động lực vượt qua những rào cản thì thành công chính là phần thưởng xứng đáng nhất sau tất cả những cố gắng.

"Thành công" được hiểu là cảm giác tự hào, vui sướng khi chúng ta đạt được những mục tiêu, lí tưởng sau một quá trình dài nỗ lực, phấn đấu. Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, khi mà xã hội đang phát triển và đổi thay từng ngày, từng giờ. Nếu chúng ta không cố gắng vươn lên để khẳng định bản thân, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của mình thì sẽ dần trở nên tụt hậu trước sự phát triển của xã hội ấy.

Để tạo dựng được những giá trị tốt đẹp, chúng ta cần có ước mơ, hoài bão, đó chính là kim chỉ nam cho mọi hành động. Bởi, nếu nói thành công là một đích đến thì ước chính là "ngọn lửa dẫn đường" giúp chúng ta về đích thành công. Có rất nhiều những tấm gương sáng về sự thành công, đó là chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta đã vượt đại dương, vượt qua bao khó khăn gian khổ ở nước ngoài để mang về độc lập, hòa bình cho dân tộc. Đó là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng để từ một con số không tròn trĩnh, ông đã tạo nên một VinGroup lớn mạnh như ngày nay.

Thất bại đó là không hoàn thành được mục tiêu mà mình đã đề ra khi gập một vấn đề khó khăn chúng ta gục ngã trước nó, chính là những lúc chúng ta đang gặp thất bại. Nhưng rồi từ những thất bại đó con người luôn ý thức và trách nhiệm được từ chính cuộc sống của mình, trong cuộc sống không có điều gì có thể xảy ra không có lý do của nó, nó khiến chúng ta luôn luôn phải có những suy nghĩ và hành động một cách có ý nghĩa và giá trị nhất cho chính cuộc đời này.

Niềm tin yêu và giá trị cao đẹp đó sẽ luôn được trải nghiệm và mang nhiều giá trị sống mạnh mẽ và có ý nghĩa, thất bại sẽ giúp chúng ta mãnh mẽ hơn, không có gì có thể hạ gục chúng ta nếu chúng ta đủ quyết tâm và mọi thử thách sẽ bị đánh bại khi trong cuộc đời của chúng ta luôn có những điều có ý nghĩa và giá trị nhất, nên hành động và làm nên những điều có ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống, đó mới là những điều hạnh phúc và thực sự có ý nghĩa cho cuộc đời của mình.

Cuộc đời có rất nhiều gian truân và nó luôn luôn thử thách con người, chính vì vậy chúng ta cần phải làm những điều có ý nghĩa và mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống, chính những điều đó nó làm cho cuộc đời của mình có nhiều ý nghĩa và giá trị sống tốt đẹp hơn. Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta luôn luôn thấy họ luôn phải đương đầu với rất nhiều sóng gió nhưng vượt qua được sóng gió đó để vươn lên mới chính là những con người có giá trị và ý nghĩa cho chính cuộc sống của mình niềm tin sẽ được củng cố và quật cường mỗi ngày.

Thành công sẽ đến khi con người biết cố gắng, thế nhưng trên con đường chinh phục những ước mơ, chúng ta cũng sẽ gặp muôn vàn những khó khăn, thậm chí là thất bại. Và cũng có một nghịch lí trong cuộc sống, đó là không phải sự cố gắng nào cũng được đền đáp bởi thành công. Thế nhưng, nếu cứ mạnh mẽ vươn lên, không chịu đầu hàng hoàn cảnh thì dù chúng ta không đạt được mục tiêu đã đề ra thì chúng ta cũng đã chiến thắng chính bản thân mình. Đó chính là thành công đáng tự hào nhất, bởi sau những vấp ngã, chúng ta sẽ trưởng thành hơn và có những bài học kinh nghiệm quý giá.

Mỗi người có một ước mơ, hoài bão khác nhau, tuy nhiên nếu tất cả cùng cố gắng, chúng ta sẽ xây dựng được một đất nước vững mạnh. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Bài văn mẫu số 2

Trong quá trình trưởng thành, không ai là chưa từng trải qua cảm giác sung sướng, hạnh phúc khi thành công và buồn bã, chán nản khi thất bại. So với thành công, theo tôi sự thất bại mới là một trải nghiệm bổ ích, đáng quý với con người.

Trước hết, sự thất bại đem đến cho mỗi người những kinh nghiệm và bài học quý báu. Thất bại có thể bắt nguồn từ sự bất cẩn của bản thân hay do yếu tố khách quan ngoài ý muốn. Dù thế nào, ta cũng nên học cách thừa nhận sai lầm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Mặc dù việc làm ấy không hề đơn giản nhưng nếu ta làm được, chắc chắn ta sẽ trưởng thành, khôn lớn hơn..

Không những vậy, thất bại còn trở thành động lực và là bàn đạp để con người tiến về phía trước. Trong cuộc sống, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Khi ta đã dồn công sức và tâm huyết vào một việc nhưng kết quả nhận lại không được như mong muốn, ta sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng và tiêu cực. Nhưng một khi nhận ra vấn đề, vượt qua được những sự bi quan đó, ta sẽ càng nỗ lực hơn gấp nhiều lần để đạt được mục tiêu. Đến lúc đó, với kinh nghiệm cùng tinh thần quyết tâm không chịu lùi bước, thành công sẽ đến với chúng ta.

Trải qua thất bại, mỗi người có thể rèn cho mình sự bản lĩnh và thái độ sống phù hợp. Thành công khiến con người ngủ quên trên chiến thắng và bỏ qua việc rèn luyện bản thân. Nhưng thất bại lại đòi hỏi con người phải suy ngẫm, từ đó thay đổi và hoàn thiện chính mình qua mỗi lần vấp ngã. Thất bại dạy cho ta một trong những đức tính quý báu của con người, đó là sự khiêm tốn. Chỉ khi khiêm tốn, ta mới sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ những đánh giá, góp ý của người khác, biến nó thành những kiến thức phục vụ cho bản thân. Ta sẽ không ngần ngại hay sợ hãi trước những khó khăn, rủi ro có thể xảy ra mà mạnh mẽ, vững vàng tiến về phía trước.

Để có thể hoàn thiện bản thân, ta cần biết cách cân bằng cuộc sống, không nên tự cao khi thành công cũng như không bi quan khi gặp khó khăn, thất bại. Hãy cứ tin tưởng vào bản thân mình, vững vàng đứng dậy sau thất bại và ta sẽ có thể gặt hái được những kết quả, thành tựu xứng đáng.

Bài văn mẫu số 3

Thành công và thất bại là hai khái niệm đối lập nhau. Đã có nhiều ý kiến tranh cãi về hai yếu tố này, xem đâu mới là trải nghiệm bổ ích giúp con người tiến bộ. Đối với bản thân em, thì em cho rằng cả hai yếu tố đó đều đóng vai trò quan trọng giúp con người tiến bộ.

Khi chúng ta thực hiện một nhiệm vụ, một mục tiêu nào đó, thì đều có hai khả năng có thể xảy ra, đó là thành công hoặc thất bại. Mỗi khả năng đều đem đến cho chúng ta những ý nghĩa khác nhau.

Nếu thành công, nghĩa là chúng ta đã chinh phục được thử thách đó rồi. Vậy thì cách thức và biện pháp mà chúng ta đã áp dụng là chính xác và phù hợp. Sự thành công ấy sẽ giúp ta cảm thấy vui sướng, tin tưởng hơn vào bản thân. Đồng thời càng thêm quyết tâm, khao khát được chinh phục thêm các đỉnh cao mới. Tựa như khi chúng ta học Toán. Nếu thành công giải được một bài toán nâng cao, chúng ta sẽ tự tin hơn vào phương pháp học của mình. Và càng thêm thích thú với việc giải các bài toán khó tiếp theo.

Tuy nhiên, nếu như chúng ta gặp thất bại, thì cũng không phải là vấn đề quá nghiệm trọng. Bởi ông cha ta vẫn thường nói “Thất bại là mẹ thành công”. Khi thất bại, tuy chúng ta chưa hoàn thành được mục tiêu của mình, nhưng cũng đa có được những bài học, kinh nghiệm nhất định. Chúng ta nhận ra rằng con đường cũ chưa thực sự phù hợp. Đồng thời nhận ra những thiếu sót của bản thân, để rèn luyện và củng cố thêm nữa. Từ đó, hoàn thiện bản thân hơn cho những lần thử thách tiếp theo. Như trong việc giải Toán. Trước một bài toán khó, chúng ta bắt đầu mò mẫm với từng cách tính để mổ xẻ nó. Lần đầu chưa giải được, thì ta cũng đã loại trừ được một phương pháp và càng hiểu sâu hơn bài toán đó. Rồi lại tiếp tục chuyển sang cách thức khác ở lần giải thứ hai, cho đến khi giải thành công mới thôi.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, dù là thành công hay thất bại, thì đều đem lại những trải nghiệm, những ý nghĩa nhất định. Quan trọng nhất là chúng ta phải làm, phải đứng dậy và thực hiện mục tiêu mình đặt ra. Đến lúc ấy, chỉ cần ta đã cố gắng hết sức mình, thì dù là thất bại hay thành công thì đều là điều đáng quý.

Nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên

Dàn ý tham khảo chi tiết

1. Mở bài

Dẫn dắt vấn đề, nêu khái quát về trò chơi điện tử ở giới trẻ trong xã hội hiện nay và tác hại của nó.

2. Thân bài

Nêu thực trạng về ảnh hưởng của trò chơi điện tử, game online đối với giới trẻ trong xã hội hiện nay (hai mặt tốt, xấu của trò chơi điện tử)

a. Lợi ích trò chơi điện tử mang lại:

- Là phương tiện giải trí thú vị giúp thư giãn, giảm căn thẳng, mệt mỏi sau học tập và công việc.

- Phương tiện thuận lợi, dễ dàng để giao lưu, trò chuyện, kết bạn với nhiều người xung quanh.

b. Tác hại tiêu cực của trò chơi điện tử:

- Tiếp xúc với môi trường mới lạ của thế giới ảo khiến giới trẻ (học sinh, sinh viên,..) dễ “nghiện” trò chơi điện tử.

- Có thể khiến kết quả học tập của học sinh ngày càng giảm sút (học sinh quá say mê với trò chơi dẫn đến trốn học, bỏ tiết, lơ đễnh trong giờ học,...)

- Thường xuyên thức khuya, ngồi hàng giờ trước máy tính chơi game khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng (cận thị, đau đầu, bệnh huyết áp, suy nhược cơ thể,...)

- Học sinh dễ bị lôi kéo, học thói xấu, sa vào tệ nạn xã hội (môi trường trò chơi đôi khi tạo ra nhiều mối quan hệ phức tạp, học sinh dễ tiếp xúc với các yếu tố kém lành mạnh, ý thức tự chủ ở giới trẻ còn kém,...)

- Các bạn trẻ dễ mất kiểm soát về tiền bạc, thời gian ( nhu cầu cạnh tranh, khẳng định bản thân trong trò chơi yêu cầu các em bỏ nhiều tiền vào game để nâng cấp trang bị, mua sắm, dành nhiều thời gian cày game để dạt thứ hạng cao,...)

c. Nguyên nhân:

- Các trò chơi điện tử ngày phát triển đa dạng, phong phú, tính năng ngày càng hoàn thiện và hấp dẫn: đồ họa đẹp, âm thanh sống động, môi trường giao lưu, kết bạn, trò chuyện năng động,... thu hút nhiều người chơi.

- Các sản phẩm điện tử (laptop, ipad, điện thoại thông minh) ngày càng phổ biến, các trò chơi điện tử ngày càng thuận lợi tiếp cận với người dùng mọi lứa tuổi.

- Nhiều cửa hàng trò chơi điện tử mọc lên quanh các trường học.

- Tâm lý lứa tuổi học sinh, sinh viên thích thể hiện bản thân trong thế giới ảo.

- Bản thân học sinh, sinh viên chưa có khả năng tự ý thức tốt trong việc phân chia quỹ thời gian vui chơi và học tập.

- Phụ huynh bận rộn công việc, ít dành thời gian quan tâm, quản lý con cái.

- Các cơ quan chưa có sự kiểm soát chặt chẽ trong việc phân quyền sử dụng, giới hạn lứa tuổi người chơi trò chơi điện tử.

d. Lời khuyên:

- Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho việc quan tâm, chăm sóc, quản lý con cái.

- Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh giúp học sinh bớt căng thẳng sau giờ học.

- Các cơ quan, tổ chức kiểm soát nghiêm ngặt hơn trước khi đưa trò chơi điện tử ra thị trường.

- Bản thân học sinh, sinh viên nên tự xây dựng ý thức cá nhân trong việc phân chia hợp lý quỹ thời gian học tập và vui chơi game điện tử online.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề game online, thực trạng nghiện game online (khái quát lại quan điểm, thái độ, nhận xét hoặc nhận xét của riêng em về ảnh hưởng của trò chơi điện tử trong các phần trên). Đưa ra ý kiến mở rộng, lời bình luận hoặc phương hướng giải quyết vấn đề theo ý của em

Trò chơi điện tử là gì? Lợi ích và tác hại trò chơi điện tử

Bài văn mẫu số 1

Trò chơi điện tử là một thú vui giải trí của con người, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Hàng loạt các quán điện tử được mở ra nhằm phục vụ nhu cầu chơi game ngày càng cao của giới trẻ. Bên cạnh những mặt tích cực, trò chơi điện tử cũng để lại nhiều hệ lụy, hậu quả đối với bản thân con người và xã hội.

Đầu tiên, ta có thể dễ dàng thấy được việc ham mê trò chơi điện tử dẫn đến sự tốn kém, lãng phí cả về thời gian lẫn tiền bạc. Với một số người, đây chỉ là một hình thức giải trí sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, có những người lại quá đam mê và phụ thuộc vào những trò chơi ảo đó. Họ sẵn sàng dành hàng giờ đồng hồ để ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại và bỏ quên mọi thứ xung quanh. Thay vì làm những việc có ích, họ lại dùng tiền bạc và thì giờ để lao vào những trò chơi vô bổ, dẫn đến sự chậm trễ, thụt lùi trong công việc, học tập.

Tiếp đến, việc ham mê trò chơi điện tử còn gây tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của con người. Đây là một vấn đề đáng báo động trong xã hội hiện nay. Việc lạm dụng các thiết bị điện tử để chơi game khiến cho sức khỏe con người giảm sút nghiêm trọng, kéo theo vô số vấn đề về tâm lí. Những tựa game bạo lực, kinh dị tạo nên một số suy nghĩ lệch lạc, méo mó đối với thế hệ trẻ, gây nên nhiều sự việc đáng tiếc.

Không chỉ vậy, ham mê trò chơi điện tử quá mức còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội. Do sự tác động của những tựa game không phù hợp với lứa tuổi, một bộ phận thanh thiếu niên đã có những hành động sai trái, đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức của cộng đồng. Chỉ khi con người biết kiểm soát bản thân, cân bằng giữa công việc và giải trí thì mới tránh được những ảnh hưởng tiêu cực mà trò chơi điện tử mang lại. Suy cho cùng, trò chơi điện tử chỉ là một công cụ để thư giãn, kết nối bạn bè chứ không phải là thứ điều khiển cuộc đời chúng ta.

Tóm lại, trò chơi điện tử là một hình thức giải trí thú vị nhưng chúng ta không nên quá phụ thuộc, lạm dụng nó. Mỗi người không nên vì những phút giây vui vẻ nhất thời mà làm ảnh hưởng đến công việc, học tập của bản thân.

Bài văn mẫu số 2

Xã hội công nghệ hóa, hiện đại hóa góp phần mở rộng loại hình giải trí của giới trẻ. Bên cạnh viết trò chuyện, tâm sự với bạn bè, giới trẻ có thể chọn cách giải khuây bằng trò chơi điện tử, được coi là một hình thức giải trí vừa hấp dẫn, vừa đỡ tốn kiếm. Nhưng trên thực tế lại cho thấy, cách giải tỏa stress lợi bất cập hại này đã và đang là vấn đề nhức nhối, khi ngày càng nhiều bạn học sinh nghiện trò chơi điện tử đến mù quáng.

Trò chơi điện tử, một loại giải trí công nghệ cho phép người chơi lựa chọn nhiều hình thức chơi như nông trại, đối kháng,....sử dụng hệ thống thiết bị máy tính, qua đó những người chơi có thể tương tác với nhân vật. Hình thức phổ biến nhất của trò chơi điện tử là trò chơi đối kháng với đồ họa bắt mắt, cách thức chơi phong phú, hấp dẫn với nhiều mức độ. Bắt nguồn từ một trò giải trí lành mạnh, giúp người chơi giải tỏa căng thẳng mệt mỏi, nâng cao tinh thần đồng đội, nhưng sự làm dụng, đam mê quá đà đến từ phía các bạn học sinh vô hình chung khiến điện tử trở thành một định nghĩa rất tiêu cực, đặc biệt là trong mắt các bậc phụ huynh.

Hiện nay, trò chơi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các bạn trẻ trên toàn thế giới. Bất kì nơi nào, bất kì ở đâu, các quán cho thuê máy tính để chơi game với cái giá vài nghìn đồng, hay còn gọi là quán net, cũng hoạt động hết sức công khai và rầm rộ. Trong quán net thậm chí còn phục vụ cả đồ ăn thức uống, chỗ ngủ qua đêm cho những thượng đế được hoàn toàn tập trung vào công cuộc "cứu thế giới". Từ cổng trường tập trung nhiều học sinh đến những con ngõ nhỏ hẻo lánh, hình thức kinh doanh này đều có đất làm ăn. Với bản tính tò mò, muốn tìm hiểu, thử nghiệm cái hay, cái mới, cùng áp lực học tập từ trường lớp, các bạn học sinh tìm đến trò chơi điện tử với mong muốn xây dựng hình tượng và có cơ hội thể hiện bản thân qua game.

Việc chơi trò chơi điện tử quá nhiều sẽ dẫn tới hành động như gian lận, trốn học lẻn ra quán net, nhịn ăn sáng để có tiền chơi game, thậm chí là lừa đảo, ăn cắp tiền đi chơi. Chơi với một nhóm bạn nghiện game, chắc chắn học sinh cũng sẽ đua đòi giống nhau, dẫn đến một hệ thống bao che, dối trá để được cùng nhau trót lọt. Cách đây gần một thập kỉ, cụm từ "cứu net" đã mang lại nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các bậc phụ huynh khi những thành phần bất hảo như My Sói, Hùng Gấu cầm đầu nhóm học sinh lớp 8, lớp 9 đi gây sự, đánh nhau, bắt ép những học sinh cả nam và nữ không đủ tiền trả tiền net, ép nữ sinh bán dâm trả nợ. Đã có biết bao nhiêu nạn nhân của băng nhóm xã hội đen mới lớn này, và hơn thế nữa, những học sinh được cứu net lại quay lại làm đồng bọn, tay sai cho dân anh chị để được bảo kê, lên mặt với đời.

Nghiện trò chơi điện tử bắt nguồn từ bản thân ý thức mỗi học sinh. Có những bạn vì học hành áp lực, quá căng thẳng mệt mỏi hoặc cảm thấy bản thân bất tài, vô dụng thường tìm đến game như một con đường giải thoát. Sau một màn hình máy tính, các bạn được thoải mái, mặc sức đâm chém, xây dựng cả một đế chế cho mình. Nắm bắt được tâm lý này, các nhà phát triển game không ngừng trau chuốt hình ảnh, đồ họa, mở thêm nhiều cấp độ mới, đồ dùng, trang thiết bị ảo mà phải dùng tiền mới mua được, khiến các bạn ngày càng hiếu thắng, lún sâu vào con đường nghiện ngập. Sự mải chơi, bị dụ dỗ bởi bạn bè xấu cùng tính hấp dẫn của trò chơi điện tử khiến hiếm học sinh nào có thể từ chối được. Giống như một loại ma túy tinh thần, các bạn chơi game sẽ không thể sống nếu không được chơi, được thỏa mãn đam mê giao đấu, chiến thắng trong thế giới ảo.

Hậu quả của việc nghiện game đã quá rõ ràng. Từ thể chất, các bạn học sinh sẵn sàng bỏ ăn, bỏ ngủ, nhịn ăn sáng lấy tiền chơi game, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Về mặt tinh thần, người chơi game quá nhiều thường có dấu hiệu ảo tưởng, choáng váng do tiếp xúc với máy tính quá lâu, không thể phân biệt thật giả. Chắn hẳn không ai quên được vụ án thương tâm tại An Giang, cháu cắt cổ bà ngoại vì nghĩ bà có thể hồi sinh như trong trò chơi điện tử. Đó là dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt, con người không thể sống là chính bản thân mình. Ngoài ra, những sự việc như ăn cắp ăn trộm, cướp của giết người để có tiền chơi game, những người nghiện game tập trung sống thành bầy đàn, quan hệ tập thể, ăn uống và phóng uế tại chỗ,... vẫn ngày ngày được đưa lên các mặt báo để cảnh tỉnh về việc nghiện game vô độ. Ai dám khẳng định bản thân sẽ không bao giờ có thể nghiện game và chỉ chơi một lần cho biết? Sức hấp dẫn của trò chơi điện tử có thể đánh gục bất cứ một ai đã sa chân vào nó. Ngoài ra, việc tương tác với những người chơi khác trên mạng rất dễ dẫn đến việc bị dụ dỗ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì nhẹ dạ cả tin, cung cấp thông tin cá nhân mà không hề đề phòng rủi ro có thể gặp phải.

Nghiện game là một căn bệnh, muốn chấm dứt cần có sự can thiệp về tâm lý của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc phụ huynh cần quản lý giờ giấc và thói quen sinh hoạt của con em chặt chẽ, nhà trường cần quán xuyến, đồng thời tổ chức những trò chơi, giao lưu hoạt động thể chất lành mạnh thu hút sự chú ý của các em. Đặc biệt, mỗi học sinh cần tự có ý thức tiết chế bản thân, tìm đến game với đúng mục đích giải trí, tăng cường tư duy của nó. Game không có tội, người nghiện game mới có tội nên hãy nhìn lại bản thân, uốn nắn và điều chỉnh kịp thời trước khi quá muộn.

Phải thừa nhận, trò chơi điện tử có cả mặt lợi và mặt hại, tuy nhiên, việc quá đam mê điện tử thì hoàn toàn sai, nhất là lứa tuổi học sinh, độ tuổi còn cần tập trung rèn luyện kĩ năng sống và học tập. Là công dân toàn cầu tương lai, là mầm non của xã hội, đừng núp mình và làm nô lệ cho công nghệ, hãy chinh phục game và áp dụng nó vào đời sống, để trò chơi điện tử trở thành đúng bản chất giải trí lành mạnh ban đầu.

Bài văn mẫu số 3

Trong tiết thảo luận về chủ đề Trò chơi điện tử, em rất ấn tượng với ý kiến của bạn Nam, khi cho rằng “Trò chơi điện tử có thể đem đến nhiều lợi ích cho người chơi nếu chúng ta có thể chơi một cách khoa học”. Cá nhân em rất đồng tình với ý kiến đó.

Trò chơi điện tử là những trò chơi trên máy tính hoặc điện thoại di động với sự hấp dẫn rất lớn, đặc biệt là với các bạn học sinh. Nhiều phụ huynh có cái nhìn ác cảm với hình thức giải trí này, vì họ cho rằng các bạn học sinh dễ sa đà vào trò chơi, chểnh mảng việc học hành, thậm chí là ăn trộm tiền để nộp cho trò chơi.

Tuy nhiên, trên thực tế, các trò chơi ấy có thể giúp người chơi cảm thấy vui vẻ và thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Bên cạnh đó, các trò chơi điện tử còn giúp người chơi tăng cao khả năng tập trung và tư duy. Đồng thời làm quen được với nhiều người bạn mới. Đặc biệt, hiện nay, có rất nhiều công việc có liên quan đến trò chơi điện tử, nên việc chơi game không hề vô bổ như mọi người vẫn nghỉ. Những giải thi đấu liên quan đến trò chơi điện tử được mở ra rất nhiều và có giải thưởng lớn. Biến trò chơi này trở nên lành mạnh không kém gì các môn thể thao khác.

Vì vậy, vấn đề cốt lõi ở đây, là chúng ta cần chơi game có kế hoạch. Nghĩa là vui chơi với mức thời gian phù hợp, không ảnh hưởng đến việc học và các công việc khác trong cuộc sống. Khi ấy, các tác hại của trò chơi điện tử sẽ tự động bị giảm hẳn đi. Chính vì vậy, em hoàn toàn đồng tình với ý kiến mà Nam đưa ra.

Bài văn mẫu số 4

Hiện nay, vấn đề về lồi sống, đạo đức của giới trẻ đang được cả xã hội quan tâm. Đất nước ta ngày càng hội nhập vào quốc tế và internet đang trở nên phổ biến. Thế nhưng, cùng với internet thì game online cũng phát triển nhanh chóng, dẫn đến một bộ phận học sinh vì mãi chơi mà xao nhãng việc học tập và còn phạm phải những sai lầm khác.

Game online hay trò chơi điện tử là một hình thức giải trí hấp dẫn. Đó là một phần mềm được cài vào máy tính, nhà sản xất đã khéo léo phối hợp, giữa hình ảnh và âm thanh để tạo độ chân thực sắc nét, để lôi cuốn người chơi. Trò chơi điện tử mang tính kích thích cao, mới lạ và bí ẩn nên phù hợp với sở thích của giới trẻ, đặc biệt là học sinh. Theo một kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số những người sử dụng mạng internet thì có tới 61.4% là để chơi game. Một bộ bộ phận nguời chơi đã trở thành những “game thủ” và bị nghiện game. Đây đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm.

Công bằng mà nói, những trò chơi điện tử lành mạnh không hề gây hại cho người chơi nếu ta biết chơi một cách điều độ. Trái lại nó còn giúp ta thư giãn, giảm stress, luyện phản ứng nhanh,… Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà các nhà sản xuất đã tìm đủ mọi cách để lôi cuốn người chơi, ngay cả việc đưa vào game những hình ảnh “mát mẻ” thiếu lành mạnh, biến game online trở thành thứ độc địa giết đi đầu óc trong sáng của học sinh.

Học sinh là đối tượng chính của game online. Với hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động cùng với những thay đổi không ngừng, game online đã trở thành thú tiêu khiển hấp dẫn của học sinh. Một số bạn vì quá mải mê với trò chơi điện tử dẫn đến “nghiện game”. Nhiều bạn có thể chơi liên tục 4 - 5 tiếng đồng hồ mà không cần nghỉ ngơi, cá biệt, có nhiều bạn có thể chơi đến 12 tiếng một ngày! Đối với các bạn nghiện game thì việc chơi game được để lên hàng đầu, xao nhãng việc học, quên cả sức khoẻ bản thân, quên cả cuộc sống xung quanh. Thậm chí có bạn vì cần tiền đi chơi mà sẵn sàng làm trái pháp luật. Gần đây rộ lên những vụ án cướp của, giết người mà thủ phạm là những trẻ vị thành niên bị nghiện game online. Những vụ án ấy đã thổi lên một hồi còi báo động cho xã hội về thực trạng nghiện game online của giới trẻ ngày nay. Như đã nói ở trên, game online có tính khích thích cao, dễ nghiện và một khi đã nghiện thì sẽ dẫn đến những hậu quả, tác hại khôn lường cho người chơi, gia đình và xã hội. Trước hết là những tác hại cho sức khoẻ người chơi. Khi chơi game không điều độ dễ đẫn đến một số bệnh lí liên quan đến mắt như cận thị, loạn thị,… Không chỉ thế, ngồi chơi game liên tục còn đưa đến tình trạng ảnh hưởng đến cột sống do tư thế ngồi sai hoặc ngồi quá lâu trước màn hình vi tính. Khi người chơi game quá mê chơi bỏ ăn uống thì có thể dẫn đến việc sụt cân nhanh chóng, sức đề kháng của cơ thể trở nên yếu ớt. Ở Đài Loan đã có trường hợp một anh thanh niên hai mươi lăm tuổi chết do kiệt sức vì chơi game suốt 24 tiếng đồng hồ không nghỉ ngơi! Không chỉ có vấn đề về sức khoẻ nghiện game còn khiến người chơi quá đắm trong thế giới “ảo” mà quên đi thế giới thực. Người chơi còn bỏ ra quá nhiều thời gian để chơi điện tử mà quên mất công việc, gia đình. Từ đó dễ dẫn đến sự sa sút trong công việc, trong học tập. Không dừng lại ở đó, game online gây ảnh hưởng đến nhân cách người chơi, đặc biệt là học sinh. Game dễ dẫn đến các bạn ảo tưởng về cuộc sống, những hình ảnh bạo lực như chém giết lẫn nhau dễ gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý còn non nớt của học sinh, khiến cho các bạn coi thường luật pháp và dễ vi phạm pháp luật. Nghiện game cũng gây nguy hại như nghiện ma túy.

Ở nước ta, game online phát triển nhanh chóng vì có điều kiện thuận lợi. Việc học sinh nghiện game có rất nhiều nguyên nhân khách quan. Để đáp ứng nhu cầu chơi game của giới trẻ, hiện nay nhiều tiệm net mọc lên nhanh chóng và lúc nào cũng xôm tụ, gây sự ham thích cho người chơi. Gia đình còn chưa thực sự quan tâm đến con em do guồng quay vội vàng của cuộc sống. Nhiều bạn bị nghiện game đã lâu mà gia đình không biết, cứ tưởng con mình đang học bài, đến khi xảy ra chuyện mới tá hỏa, ân hận thì đã muộn. Ở lứa tuổi học sinh, nhu cầu hoạt động vui chơi là rất cao. Đó là một nhu cầu rất chính đáng. Thế nhưng, nước ta lại thiếu sân chơi cho thanh thiếu niên, nhà trường còn quá chú trọng vào dạy chữ mà quên dạy người, không dạy cho học sinh những kĩ năng cần thiết để chống lại những cám dỗ trong cuộc sống, không tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh cho học sinh. Như một điều tất yếu, học sinh tìm đến game online để giải trí. Về yếu tố chủ quan, nghiện game còn là do chính bản thân học sinh. Do các bạn đang ở tuổi dậy thì, tâm sinh lí chưa phát triển đầy đủ, nhận thức còn non nớt nên khó cưỡng lại sức hấp dẫn của game online. Hơn nữ, các bạn còn chơi game để khẳng định bản thân mình, xem trò chơi chơi điện tử như một nơi thể hiện “đẳng cấp”, cá tính riêng của mình. Một bộ phận học sinh còn chơi game online vì đua đòi, không muốn thua kém các bạn, số khác là do bị chấn thương tâm lý, bị coi thường ngoài cuộc sống, bị cô lập,… tìm đến game như để giải toả tâm lý.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện game, do đó, muốn xoá hẳn thực trạng nghiện game ta phải giải quyết cho thấu đáo những nguyên nhân trên. Nhưng trước hết là về gia đình và xã hội. Gia đình phải có sự quan tâm đặc biệt cho con em mình, kiểm soát giờ chơi của các bạn. Gia đình còn phải hướng dẫn các bạn chơi sao cho lành mạnh. Xã hội phải tạo điều kiện cho các bạn học sinh tham gia vào các hoạt động tập thể, các hoạt động văn hoá - xã hội. Nhà nước cần kiểm soát các trò chơi điện tử và tiệm net, không để cho các trò chơi thiếu lành mạnh lưu hành trên thị trường và đương nhiên phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội để tạo môi trường tốt nhất cho học sinh. Và riêng bản thân học sinh cần phải có ý thức, không sa đà vào game, tham gia tích cực các hoạt động văn hoá – xã hội để rèn luyện bản thân, không vì game mà xao nhãng học tập và cuộc sống.

Tóm lại, game online là một thói tiêu khiển rất hấp dẫn, nhưng đừng vì mê chơi game mà xao nhãng học tập cuộc sống. Nghiện game cũng như nghiện ma túy, gây ra những tác hại khôn lường. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình nhà trường và xã hội để đẩy lùi thực trạng nghiện game. Riêng học sinh phải có tinh thần trách nhiệm, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để tự rèn luyện mình thành người có ích cho xã hội. Dẹp bỏ nạn nghiện game cũng chính là mở đường cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trình bày ý kiến tán thành hay nhất về sự thành công

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG - YouTube

Bài văn mẫu số 1

Sự hỗ trợ của người khác và nỗ lực của bản thân, yếu tố nào là quan trọng hơn đối với sự thành công của mỗi người?

Để có thể thành công trong công việc và cuộc sống, ta phải dựa vào rất nhiều yếu tố bao gồm cả sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của người khác. Theo quan điểm cá nhân của em, em nghĩ rằng sự nỗ lực của bản thân mới là yếu tố quyết định dẫn đến thành công của con người.

Có thể thấy, nỗ lực của bản thân chính là yếu tố đặt nền móng cho thành công. Mục tiêu muốn đạt được không phải chỉ trong một hai ngày mà đó là cả quá trình dài không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Bản thân mỗi người cần phải quyết tâm, tự đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể và từng bước thực hiện chúng. Con đường đó gian nan và vất vả hơn chúng ta nghĩ. Chỉ khi quyết tâm, nỗ lực không ngừng, ta mới có thể bám trụ đến cùng. Bởi sự phấn đấu không mệt mỏi ấy sẽ mang đến cho ta kiến thức, kinh nghiệm, giúp ta vượt qua những khó khăn.

Nỗ lực cũng là một cách để con người nâng cao giá trị bản thân. Khi ta cố gắng vì một điều gì đó, ta sẽ cố hết sức để trau dồi bản thân mình về mọi mặt. Lúc đó, ta biết rõ bản thân mình có những gì, đã đạt được gì và biết được bản thân mình ở đâu. Đó chính là yếu tố tiên quyết giúp ta đạt được thành công trong tương lai.

Tựu chung lại, để chinh phục ước mơ, ta cần dựa vào sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của chính bản thân mình. Sự giúp đỡ của người khác chỉ là một phần nhỏ giúp ta giảm bớt những gánh nặng trên vai chứ không phải là thứ quyết định đến hai chữ "thành" - "bại" của mỗi người. Vậy nên để đạt được mục tiêu, ta cần không ngừng nỗ lực, phát triển, bản thân mình.

Bài văn mẫu số 2

Có chí thì nên

Khó khăn thử thách ý chí của con người. Bởi vậy mà ông cha ta đã có câu: “Có chí thì nên” tuy ngắn gọn nhưng lại gửi gắm một bài học quý giá và ý nghĩa đến mỗi người.

Trước tiên, “chí” có nghĩa là ý chí, còn “nên” có nghĩa là làm nên, hay hiểu rộng hơn là thành công. Ý của câu tục ngữ muốn khẳng định rằng nếu có ý chí kiên cường, đủ bản lĩnh để vượt qua mọi thử thách thì chắc chắn sẽ bước đến đích của thành công, làm nên mọi việc.

Có thể thấy rằng, lời răn dạy trên là hoàn toàn đúng đắn. Chặng đường đến với vinh quang sẽ luôn có thử thách. Ý chí giúp con người trở nên kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn để luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chạm đến thành công. Chúng ta có thể kể đến Abraham Lincoln - vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ. Ông chính là một tấm gương sáng chói của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để trở thành người thành công. Xuất thân từ gia đình nghèo khổ, thiếu thốn. Cha mẹ của Lincoln là những người thất học. Bản thân ông cũng không được đến trường thường xuyên. Nhưng không vì vậy mà ông lựa chọn từ bỏ cố gắng. Năm 21 tuổi, ông phải đánh xe bò và bắt đầu cuộc đời tự lập cho chính mình. Sau một thời gian trải qua nhiều nghề nhưng thất bại, ông phát hiện ra mình thích ngành luật. Vào năm 1836, ông đậu kỳ thi trở thành luật sư và bắt đầu hành nghề. Cuộc đời của A. Lincoln từng gặp phải nhiều thất bại nhưng ông chưa bao giờ lựa chọn từ bỏ bản thân.

Một tấm gương khác rất tiêu biểu chính là Cao Bá Quát. Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng là một người tài hoa. Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang nhờ ông viết giúp cho lá đơn để kêu oan. Những tưởng rằng lá đơn viết lí lẽ rõ ràng, quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc hết sức luyện viết chữ sao cho đẹp. Luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp hơn. Kể từ đó, ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.

Đối một học sinh, “Có chí thì nên” là lời khuyên rất giá trị. Chúng ta cần phải nỗ lực không tập, không ngại tìm tòi để nâng cao hiểu biết. Mọi thử thách sẽ là bước đệm để con người tiến tới đích đến của thành công.

Xã hội ngày càng phát triển, con người phải nỗ lực mới có thể hoàn thành được mục tiêu, ước mơ của chính mình. Và câu “Có chí thì nên” vô cùng giá trị, ý nghĩa đối với mỗi người.

Bài văn mẫu số 3

Mọi con đường đến với thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Bởi vậy mà ông cha ta đã gửi gắm lời khuyên cho thế hệ sau qua câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

Ở vế đầu tiên, “đi một ngày đàng” là đi một ngày đường, ý chỉ hành động đi ra ngoài tìm hiểu, khám phá trong một khoảng thời gian. Còn vế tiếp theo, “học một sàng khôn” ý chỉ học được những kiến thức bổ ích, mới mẻ giúp con người hiểu biết hơn. Như vậy, “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” có nghĩa là khi chúng ta đi nhiều sẽ càng học hỏi được nhiều.

Bài học gửi gắm qua câu tục ngữ trên là hoàn toàn đúng đắn. Kiến thức giống như một sa mạc rộng lớn. Nhưng hiểu biết của con người chỉ như một hạt cát nhỏ bé. Bởi vậy, việc không ngừng học hỏi, tìm tòi là vô cùng cần thiết để ngày càng hoàn thiện bản thân trở nên tốt hơn.

Bác Hồ của chúng ta, k hi còn là một chàng thanh niên, với tình yêu nước cũng như lòng căm thù giặc sâu sắc, đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Bác quan niệm rằng đi về phương Tây để xem họ làm thế nào, rồi về giúp nhân dân mình. Trong suốt những năm bôn ba nước ngoài, Người đã làm nhiều công việc, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Điều đó đã giúp cho Bác học hỏi, tích lũy được vốn kiến thức phong phú, đọc và viết thông thạo nhiều thứ tiếng. Cuối cùng, Bác đã được tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc là đi theo cách mạng vô sản. Cuộc đời Bác chính là tấm gương sáng cho câu tục ngữ trên.

Những ngày vừa qua, báo chí đã nhắc đến rất nhiều việc cầu thủ Nguyễn Quang Hải - một trong những trụ cột của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam có ý định xuất ngoại. Có người tỏ ra nghi ngờ, cũng có người ủng hộ và tin tưởng. Trước đó, nhiều thế hệ đàn anh đã ra nước ngoài, nhưng chỉ không đạt được thành công như mong muốn. Nhưng trước hết, chúng ta không bàn đến chuyện thành công. Mà cách trả lời của cầu thủ này mới là điều khiến chúng ta cảm thấy khâm phục. Anh đã nói rằng với cá nhân mình, việc chấp nhận thử thách ở nước ngoài đã là một thành công. Bởi đó chính là quyết tâm bước ra biển lớn để học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân. Tinh thần của câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” chính là nằm ở đó.

Có người đã từng khẳng định rằng “Cái ta biết chỉ là giọt nước. Cái ta chưa biết là cả một đại dương mênh mông”. Chính vì vậy nếu chịu khó khám phá, trải nghiệm nhiều thì chúng ta sẽ hoàn thiện bản thân mình hơn. Mỗi người cần tích cực trải nghiệm từ thực tế cuộc sống, không nên chỉ tìm kiếm kiến thức trên sách vở mà phải biết kiểm chứng bằng cách trải nghiệm, đặc biệt nhất là đối với mỗi học sinh. Tích cực học tập, trau dồi kiến thức sẽ có ích cho tương lai phía trước.

Qua chứng minh có thể thấy câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thật giàu giá trị. Cuộc đời là những hành trình nối tiếp, để mỗi người học hỏi được nhiều bài học quý giá hơn.

Bài văn mẫu số 4

Tài liệu VietJack

Có ai đó đã từng nói rằng: “Nơi nào có đoàn kết, nơi đó có chiến thắng” cho thấy được đoàn kết có vai trò to lớn. Bởi vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch”.

Đầu tiên, “đoàn kết” là sự gắn kết, sự liên kết bền chặt giữa các cá nhân trong một tập thể, “sức mạnh” là khả năng tác động mạnh mẽ đến những người khác, đến sự vật, gây tác dụng ở mức cao. “Vô địch” có nghĩa là không có đối thủ nào đánh bại được. Như vậy, “Đoàn kết là sức mạnh vô địch” khẳng định rằng chính nhờ có sự đoàn kết sẽ tạo ra một sức mạnh to lớn giúp con người vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Ý kiến của chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn.

Bất cứ công việc nào, nếu chỉ làm một mình, có thể mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành, thậm chí là không thể hoàn thành. Chỉ khi mỗi người biết hợp sức, đồng lòng lại cùng nhau mới có thể giải quyết mọi khó khăn. Mỗi người cùng chung tay sẽ có thể “góp gió thành bão” - làm nên nguồn sức mạnh lớn lao.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết. Lịch sử của dân tộc Việt Nam trải qua những năm tháng đấu tranh để bảo vệ đất nước. Từ các triều đại phong kiến phương Bắc đến thực dân Pháp, đế quốc Mĩ. Nhưng khi đối đầu với bất cứ kẻ thù nào, nhân dân ta cũng đồng lòng để đánh tan kẻ thù ấy. Cho đến ngày hôm nay, tinh thần đoàn kết còn gắn liền với tấm lòng tương thân tương ái. Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến cho thế giới phải gánh chịu nhiều đau thương, trong đó có cả Việt Nam. Dù vậy, chúng ta vẫn vượt qua khi có được tinh thần đoàn kết. Đảng và Nhà nước đã ban hành các quy định để ứng phó với dịch bệnh. Các y bác sĩ xung phong lên tuyến đầu chống dịch không quản ngại cả đều đã thể hiện được tinh thần đoàn kết. Mọi người dân đều nghiêm túc chấp hành những quy định về phòng chống dịch bệnh. Tất cả đã thể hiện được sự đồng lòng của của toàn thể đất nước, với niềm tin rằng một ngày không xa chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch.

Bên cạnh đó, vẫn còn những người có lối sống cá nhân. Họ luôn xa rời với lợi ích của tập thể, sống vị kỉ và không có tinh thần đoàn kết. Chúng ta cần phải lên án, tránh xa những hành động như vậy. Còn đối với một học sinh, việc ý thức được vai trò của đoàn kết là vô cùng quan trọng. Điều đó giúp tôi có thêm sức mạnh từ bạn bè để hoàn thành tốt mục tiêu của thân.

Có thể khẳng định rằng, “Đoàn kết là sức mạnh vô địch” và con người cần hiểu được điều đó để tận dụng tốt sức mạnh đó trong cuộc sống.

Bài văn mẫu số 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về cách sống. Người đã để lại nhiều lời khuyên quý giá, trong đó có câu:

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”

Bác Hồ đã sử dụng cách nói giàu hình ảnh - “đào núi” và “lấp biển” cùng với cách nói phủ định - “Không có việc gì khó” nhằm khẳng định rằng nếu có ý chí, nghị lực thì sẽ vượt qua mọi thử thách để “làm nên” có nghĩa là sẽ gặt hái được thành công.

Có thể khẳng định rằng lời khuyên của chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn. Điều đó đã được thể hiện qua nhiều tấm gương trong cuộc sống. Họ là những con người có ý chí kiên cường, không ngại thử thách, dám dấn thân vào khó khăn để theo đuổi đam mê của mình.

Bill Gates - một tỷ phú “lắm tiền nhiều của”. Một doanh nhân thành đạt, nhưng ít ai biết rằng để có thành công ngày hôm nay, ông đã đấu tranh quyết liệt như thế nào để tự khẳng định cái “tôi” của chính mình. Trong hành trình theo đuổi đam mê của mình, ông không bao giờ ngại khó khăn, gian khổ hay thử thách. Ông luôn hiểu được rằng chỉ có cố gắng hết sức mới có thể chạm tay tới thành công. Một tấm gương khác có thể kể đến ở trong lĩnh vực thời trang của Việt Nam. Nếu như theo dõi Vietnam's Next Top Model mùa đầu tiên, chắc chắn không ít người sẽ kinh ngạc vì sự bứt phá quá ngoạn mục của Trang Khiếu. Người từng trở thành trò cười trong phần thi tuyển của cuộc thi, liên tục lọt vào tốp thí sinh nguy hiểm ở các tuần đầu tiên. Nhưng nhờ có sự quyết tâm, không ngừng rèn luyện nâng cao kỹ năng cá nhân mà và lòng đam mê với công việc người mẫu mà cô mới có được sự nghiệp thành công như hiện tại.

Đối với tôi, lời khuyên của Hồ Chủ tịch vô cùng quý giá. Nó giúp tôi có thêm sự tự tin, ý chí để bước đi trên con đường chinh phục tri thức phía trước.Để từ đó, trong tương lai tôi có thể trở thành một con người có ích cho xã hội.

Mỗi thành công đều phải trải qua thử thách. Lòng kiên trì, ý chí mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta gặt hái được “quả ngọt” trong hành trình cuộc sống.

Bài văn mẫu số 6

Kho tàng tục ngữ của dân tộc Việt Nam được đúc kết từ kinh nghiệm lâu đời. Một trong những câu tục ngữ vô cùng quý giá đã để lại bài học ý nghĩa cho con người là: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Với câu tục ngữ này, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu cho dù việc có khó khăn thì chỉ cần kiên trì, nhẫn nại thì cũng sẽ vượt qua dễ dàng. Cũng giống như việc bỏ công sức của mình ra rèn rũa một khối sắt to lớn và xấu xí, dần dần trải qua thời gian, nó sẽ trở thành một chiếc kim nhỏ bé, sắc nhọn và sáng bóng.

Câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là một quan điểm đúng đắn. Thực sự trong cuộc sống, để đạt được thành công, con người phải kiên trì nỗ lực học hỏi, giải quyết mọi chông gai. Hẳn nhiều người còn nhớ đến câu chuyện “Rùa và Thỏ”. Nếu không có ý chí quyết tâm cùng lòng kiên trì, thì chú Rùa chậm chạp thật khó có thể chạy nhanh hơn Thỏ.

Ngay trong cuộc sống đời thường, có biết bao tấm gương tiêu biểu đã "mài sắt" để có ngày “nên kim”. Một trong những tấm gương tiêu biểu mà ta phải kể đến đó chính là thầy Nguyễn Ngọc Ký. Từ nhỏ, thầy đã bị liệt cả hai bàn tay. Nhưng với lòng kiên trì, nhẫn nại, thầy đã sử dụng đôi bàn chân mình để làm tất cả các công việc đời thường, và giờ đây đã trở thành một người thầy giáo đáng kính. Thầy chính là tấm gương về sự kiên trì mà chúng ta cần noi theo. Henry Ford - người sáng lập ra công ty ô tô Ford danh giá - cũng là một tấm gương điển hình cho sự nỗ lực kiên trì bền bỉ. Để có được những thành công và tiếng tăm tới tận ngày nay, ít ai biết được rằng, chính bản thân ông đã phá sản tới ba công ty liên tiếp. J.K. Rowling - tác giả của bộ truyện nổi tiếng Harry Potter cũng đã phải trải qua một thời kỳ khó khăn. Cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn khiến bà phải đi đến ly hôn. Không dừng lại ở đó, mọi chi phí để trang trải cuộc sống của con bà đều phải phụ thuộc vào những đồng phụ cấp. Cuốn Harry Potter bị nhiều nhà xuất bản từ chối nhưng bà không hề nản lòng, Nhờ vậy, hiện nay bà đã trở thành nữ tỷ phú đầu tiên trên thế giới nhờ viết sách.

Trong trường học cũng vậy, sẽ có rất nhiều bạn học giỏi, đạt kết quả cao trong các kì thi. Bên cạnh sự thông minh, thì các bạn cũng luôn tự giác phấn đấu, kiên trì học tập. Nếu không chăm chỉ học bài thì dù có thông minh đến mấy cũng rất khó để các bạn có thể tiếp thu trọn vẹn những kiến thức các thầy cô truyền đạt trên lớp.

Bác Hồ từng dạy:

"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”

Đối với một học sinh, việc cố gắng học tập thật chăm chỉ để phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay. Trong mọi công việc, tôi luôn nỗ lực hết mình, không ngại khó khăn và kiên trì vượt qua thử thách. Đồng thời, tôi cũng thường xuyên nhắc nhở và động viên bạn bè xung quanh cùng cố gắng để có thể xứng đáng với danh hiệu chủ nhân tương lai của đất nước.

Qua câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” đã đem đến cho mỗi người một lời khuyên vô cùng quý giá. Quả là không có việc gì khó khăn nếu bạn biết giữ vững lòng kiên trì của bản thân.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trình bày ý kiến tán thành tốt nhất

Dàn ý giải thích câu Lá lành đùm lá rách (3 mẫu) - Văn 7

Bài văn mẫu số 1

Con người cần có lòng yêu thương “Lá lành đùm lá rách”

Tố Hữu đã từng viết trong bài “Một khúc ca”:

“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”

Con người cần có lòng yêu thương, sự đồng cảm. Bởi vậy mà ông cha ta cũng đã gửi gắm lời răn dạy qua câu “Lá lành đùm lá rách”.

Câu tục ngữ mượn hình ảnh tả thực trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Người xưa thường dùng lá để gói bánh, lớp lá lành bọc lên lớp lá rách. Qua hình ảnh này để nói về cách ứng xử trong cuộc sống. Con người cần biết chia sẻ, giúp đỡ nhau. Người có cuộc sống hạnh phúc ấm no, đầy đủ hơn cần giúp đỡ cho những người khó khăn, bất hạnh.

Lời khuyên này là hoàn toàn đúng đắn. Con người sinh ra có hoàn cảnh khác nhau. Người được hưởng cuộc sống trong nhung lụa, sung sướng. Người lại phải chịu đựng những khổ cực về vật chất lẫn tinh thần. Sự chia sẻ và giúp đỡ sẽ giúp cho cuộc sống của mỗi người trở nên tốt đẹp hơn, xã hội ngày càng phát triển và văn minh hơn.

Con người Việt Nam luôn được biết đến là giàu lòng nhân ái. Chúng ta có cùng chung nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên”, bởi vậy mà vẫn luôn biết giúp đỡ lẫn nhau. Dù là sự chia sẻ về vật chất (cơm ăn, áo mặc, tiền bạc…) hay sẻ chia về tinh thần (những lời nói động viên, ánh mắt an ủi…) thì cũng đều đáng để người nhận trân trọng, biết ơn. Hình ảnh màu áo xanh tình nguyện chắc chắn đã quá quen thuộc với thế hệ trẻ Việt Nam. Họ đã bước chân đến những vùng miền xa xôi của tổ quốc để giúp đỡ những người khó khăn (dạy chữ cho trẻ em vùng cao, giúp đỡ người vô gia cư…). Hay những doanh nghiệp sẵn sàng thu mua nông sản để giúp đỡ cho bà con nông dân khi dịch bệnh, thiên tai hoành hành, phá hoại mùa màng và cuộc sống. Cả những phong trào quyên góp, ủng hộ đang diễn ra rộng khắp như “Tết ấm tình thương”, “Quỹ vì người nghèo”, “Ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam”, “Giọt màu hồng trao đi”... đều thể hiện sự đồng cảm và làm cho khoảng cách giữa người với người xích lại gần nhau hơn.

Qua chứng minh, lời răn dạy mà câu tục ngữ gửi gắm là đúng đắn, ý nghĩa. Cuộc sống cần có tình yêu thương, sự chia sẻ mới trở nên ấm áp hơn. Trao đi yêu thương, để nhận lại yêu thương nhiều hơn.

Bài văn mẫu số 2

Thế hệ trẻ chính là tương lai của một đất nước. Chính bởi vậy, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời răn dạy vô cùng quý giá. Một trong số đó là “Học tập tốt, lao động tốt”.

Vậy “Học tập tốt, lao động tốt” được hiểu như thế nào? Đầu tiên, hiểu đơn giản “học tập” là hành động tiếp thu những kiến thức được người khác truyền đạt, ghi nhớ và tiếp nhận để tích lũy trở thành kiến thức của bản thân. Còn “lao động” là hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra các loại sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội. Tính từ “tốt” muốn nói đến kết đạt được có chất lượng cao hơn mức bình thường. Từ đó, Bác Hồ muốn khuyên nhủ thế hệ trẻ cần phải cố gắng học tập, lao động thật tốt để trang bị cho mình một hành trang vững chắc bước vào tương lai.

Lời răn dạy trên là vô cùng đúng đắn. Bởi học tập là con đường ngắn nhất để bước đến thành công. Chúng ta có thể kể đến rất nhiều tấm gương về học tập. Trong quá khứ như Cao Bá Quát, Mạc Đĩnh Chi hay ở hiện tại như Nguyễn Ngọc Kí, Đỗ Nhật Nam. Họ đều là những con người có ý thức chăm chỉ học tập, không ngại khó khăn.

Cùng với học tập, thì lao động cũng là cần thiết. Việc lao động giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống. Biết chăm chỉ lao động từ nhỏ, lớn lên sẽ trở thành con người tích cực lao động và cống hiến. Học sinh có thể lao động từ những việc làm đơn giản như dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh trường lớp hay tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường… Những hành động nhỏ bé nhưng góp phần rèn luyện bản thân.

Đối với bản thân, tôi luôn ý thức được trách nhiệm học tập, lao động của bản thân. Từ đó, tôi luôn cố gắng rèn luyện cho mình tinh thần tự giác trong học tập bằng cách xây dựng cho mình một kế hoạch tự học hiệu quả và nghiêm túc thực hiện.

Tóm lại, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Học tập tốt, lao động tốt” ngắn gọn, nhưng rất giá trị. Thế hệ trẻ cần tích cực rèn luyện, phát huy để trở thành một công dân có ích cho đất nước.

Bài văn mẫu số 3

Tục ngữ được coi là “chiếc túi khôn” của nhân loại khi đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu từ đời trước. Và câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đã đem lại những bài học quý giá. Nhưng lại có ý kiến cho rằng “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”.

Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Hình ảnh “mực” có màu đen, dễ bị vấy bẩn. “Mực” tượng trưng cho những cái xấu xa, tiêu cực, không tốt đẹp. Còn “đèn” là vật phát sáng tỏa sáng soi rọi mọi thứ, ở gần đèn ta được soi chiếu sáng trưng. Còn “đèn” tượng trưng cho những điều tốt đẹp, trong lành, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau “mực” và “đèn” thể hiện hai hàm ý đối ngược nhau nhằm nhắc nhở chúng ta về cái xấu, cái xấu. Từ đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.

Câu tục ngữ chính là bài học mà kinh nghiệm được đúc kết từ cuộc sống. Môi trường có vai trò với việc hình thành nhân cách của con người. Trong một gia đình, cha mẹ chính là tấm gương để con cái nói theo. Ở trường học, thì thầy cô lại chính là người có ảnh hưởng đến học sinh. Có ai đó đã từng nói rằng: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Bạn bè cũng có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của mỗi người. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, nhân dân ta có nhiều câu ca dao mang nội dung giáo dục về vấn đề này:

“Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người”

Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng của môi trường. Cũng giống như ý kiến “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Có những người vẫn giữ gìn được nhân cách tốt đẹp, giống như đóa hoa sen vậy:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng của dân tộc. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Hoặc chúng ta có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Trỗi - người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.

Như vậy cả câu tục ngữ và ý kiến trên đều có những mặt đúng đắn. Mỗi người cần hiểu được điều đó để có cách nhìn nhận đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Bản thân em cũng sẽ cố gắng hiểu được điều đó để có tinh thần cảnh giác trong việc giao du tiếp xúc với bạn bè, đồng thời xác định cho mình một thế đứng vững vàng trước những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh để luôn luôn “gần mực” mà vẫn không “ đen” và “ gần đèn” để luôn tỏa sáng.

Tóm lại, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hay ý kiến “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” đều vô cùng ý nghĩa. Qua đó, mỗi người cần rút ra được những bài học cho chính bản thân mình.

Bài văn mẫu số 4

Tại sao nói rừng là lá phổi xanh của trái đất?

Rừng được coi là “lá phổi xanh của trái đất. Nó đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Bởi vậy mà, có quan điểm khẳng định rằng: “Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”.

Khi khẳng định bảo vệ rừng là đang bảo vệ cuộc sống của con người có nghĩa là muốn khẳng định tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của con người. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên.

Trước hết, rừng giống như một ngôi nhà chung của rất nhiều loại động thực vật, trong đó có những loài được xem là vô cùng quý hiếm. Nếu như ngôi nhà chung ấy không được bảo vệ cẩn thận, sẽ dẫn đến những hậu quả không nhỏ về mặt sinh thái. Nhờ có sự tồn tại của rừng xanh mà cân bằng sinh thái của trái đất mới được duy trì. Tiếp đến, rừng còn là lá phổi xanh của trái đất. Cách nói này cho thấy vai trò của rừng cũng giống như một lá phổi, có vai trò thanh lọc môi trường. Những tán lá cản và giữ bụi. Lá cây tiết ra nhiều loại chất kháng khuẩn có tác dụng tiêu diệt vi trùng gây bệnh trong không khí. Khi bảo vệ rừng cũng là góp phần chống lại thiên tai. Rừng giúp ngăn nước lũ, chống xói mòn, điều hòa khí hậu. Hầu như mọi hiện tượng bất thường của khí hậu đều có nguồn gốc từ việc con người không bảo vệ rừng. Ví dụ như ở Việt Nam, lũ lụt gây ra sạt lở đất ở các vùng miền núi đều do rừng đầu nguồn bị tàn phá.

Không chỉ vậy, rừng còn là nơi đem lại giá trị kinh tế, khoa học cao. Rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Trong rừng có nhiều loại cây khác nhau. Ðây là nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp và dược phẩm, là nguồn gen hoang dại có giá trị trong lai tạo giống mới cho nông nghiệp và chăn nuôi. Rừng còn là một địa điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn đối với những người đam mê khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, chính vì những giá trị này, mà nhiều người đã khai thác rừng một cách bừa bãi, gây ra những hậu quả to lớn.

Rừng bảo vệ và cải tạo đất. Nhờ có tán lá xoè rộng như chiếc ô, nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất, nắng không đốt cháy mặt đất, nên lớp đất trên mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa. Rừng nuôi đất, bồi bổ cho đất.

Ngoài ra, khi bảo vệ rừng cũng là bảo vệ nền an ninh quốc phòng của đất nước. Bởi rừng chính là ranh giới tự nhiên giữa các quốc gia. Trong quá khứ, rừng còn là những người bạn chiến đấu của người chiến sĩ Việt Nam. Rừng giúp họ ngụy trang trốn khỏi truy sát của kẻ thù. Rừng giúp vây bắt kẻ thù với hầm, chông bẫy giặc:

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng”

(Việt Bắc, Tố Hữu)

Ngày hôm nay, rừng đang dần bị tàn phá. Chính vì vậy, vấn đề bảo rừng lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Con người cần có những biện pháp để bảo vệ rừng, cũng chính là bảo vệ tương lai của nhân loại. Chúng ta cần lên án những hành vi săn bắt động vật quý hiếm trong rừng; chặt phá rừng bừa bãi. Mỗi người dân sinh sống gần khu vực rừng cần nêu cao ý thức, tích cực trồng rừng và nói không với đốt rừng làm nương rẫy. Mỗi học sinh cần tích cực tuyên truyền đề những người xung quanh hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng.

Như vậy, rừng quả thật đóng một vai trò vô cùng quan trọng với con người nói riêng, với trái đất nói chung. Hãy chung tay bảo vệ rừng để cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Bài văn mẫu số 5

Trong cuộc sống, con có nhiều mối quan hệ. Trong đó, bạn bè có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vậy mà có ý kiến cho rằng: “Không thể sống thiếu tình bạn”.

Trước hết, hiểu đơn giản, tình bạn là tình cảm gắn bó giữa những người có cùng chung sở thích, lí tưởng, hoàn cảnh. Một người bạn chân chính luôn sẵn sàng chia sẻ với chúng ta mọi niềm vui, nỗi buồn hay khó khăn trong cuộc sống. Bởi vậy, vai trò của tình bạn là vô cùng quan trọng. Cá nhân tôi cho rằng, ý kiến trên là hoàn toàn đúng đắn.

Chẳng ai sinh ra có thể sống mãi trong cô đơn. Con người luôn cần có ít nhất một người bạn để chia sẻ. Thử tưởng tượng một ngày nào đó không có bạn bè ở bên thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao. Không ai cùng đi chơi, không ai cùng trò chuyện, không ai cùng ăn uống. Cuộc sống lúc đó sẽ trở nên vô vị, nhàm chán. Một người bạn có thể cùng chúng ta trải nghiệm mọi thứ.

Người bạn tốt có thể sẽ sẵn sàng ở bên động viên, giúp đỡ trong những giây phút khó khăn, cay đắng nhất của cuộc đời. Khi bạn cảm thấy mất phương hướng, họ sẽ đưa ra một lời khuyên chân thành, hướng đến điều tích cực. Một người bạn chân chính đôi khi lại chính là người thầy của chúng ta.

Tình bạn tồn tại giữa cuộc đời như một chỗ dựa cho con người. Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta có rất nhiều bạn bè. Nhưng không phải tình bạn nào cũng đáng trân trọng. Chỉ có những người thực sự thấu hiểu và chia sẻ được cho nhau mới trở thành những người bạn thân thiết. Tình bạn khi đó đáng trân quý biết bao.

Chúng ta đã từng biết đến tình bạn tri kỉ của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, hay giữa Lý Bạch và Đỗ Phủ. Họ không màng công danh, vật chất mà đối xử với nhau bằng tấm chân tình, sự đồng điệu về tâm hồn. Những tình bạn đáng thật đáng ngưỡng mộ.

Nhưng làm cách nào để có thể giữ gìn và xây dựng một tình bạn đẹp. Đầu tiên, mỗi người cần học cách tôn trọng bạn bè. Đồng thời, với tình bạn sẽ không có chỗ cho sự dối trá, hay lợi dụng. Chỉ có thể dùng trái tim chân thành mới đổi lại được những người bạn tốt. Sự tin tưởng lẫn nhau là một yếu tố quan trọng để có thể trở thành bạn bè. Người bạn tốt có thể chấp nhận những điểm khiếm khuyết của bạn, thẳng thẳn góp ý để giúp bạn nhận ra đúng sai, hướng đến điều đúng đắn nhất.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, câu nói “Không thể sống thiếu tình bạn” là hoàn toàn đúng đắn. Bởi vậy, mỗi người hãy biết trân trọng tình bạn mà bản thân đang có.

Bài văn mẫu số 6

Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển và được giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh yêu thích. Nhiều phụ huynh cho rằng mạng xã hội chỉ đem đến những tác động tiêu cực nên muốn ngăn cản con cái sử dụng. Nhưng các bạn học sinh thì lại cho rằng mạng xã hội không chỉ giúp giải trí mà còn đem lại nhiều tác dụng tích cực cho bản thân.

Bản thân em cho rằng, mạng xã hội vừa đem lại tác động tích cực, vừa đem lại tác động tiêu cực với người dùng. Vì vậy, chúng ta không nên tẩy chay nó, mà cần sử dụng một cách hợp lý.

Mạng xã hội bao gồm các trang mạng online và các nền tảng như facebook, tiktok, instagram… Ở đó, mọi người có thể xem rất nhiều những hình ảnh, video, thông tin thú vị,.. Đồng thời được kết giao với nhiều người bạn mới ở những nơi khác nhau. Sự muôn màu và đa sắc ở mạng xã hội giúp người dùng có những phút giây giải trí thoải mái. Không chỉ vậy, người dùng còn được học hỏi, biết thêm nhiều điều hay được chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Cùng với đó, là có những người bạn tốt để chia sẻ, để cùng nhau cố gắng học tập. Dù ở cuộc sống thực, mọi người cách xa đến đâu, thì trên mạng xã hội cũng sẽ gần gũi với nhau hơn.

Bên cạnh những ưu điểm ấy, mạng xã hội cũng đem lại những tác động tiêu cực cho người dùng. Với số lượng thông tin khổng lồ, người dùng - đặc biệt là các bạn học sinh dễ tiếp cận đến các thông tin độc hại, tư tưởng sai lệch. Từ đó dễ dẫn đến những hiểu nhầm và phát ngôn, hành động sai lệch. Không chỉ vậy, mạng xã hội còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm từ những kẻ lừa đảo. Chúng có nhiều hình thức tinh ranh để dụ dỗ, lôi kéo các bạn học sinh vào những đường dây tệ nạn. Hoặc thực hiện các hành vi sai trái khác. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của mạng xã hội cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi, khi khiến các bạn học sinh say sưa đến quên cả việc học. Thậm chí bỏ bê những mối quan hệ khác ở cuộc sống thực tại.

Vì vậy, chúng ta phải tự kiểm soát và cân đối thời gian, cách sử dụng mạng xã hội sao cho hợp lí. Để phát huy tối đa những ưu điểm của nó, và hạn chế hết mức những nhược điểm tai hại mà nó đem lại. Bởi nếu chỉ vì những nhược điểm kia mà bỏ qua rất nhiều những ưu điểm khác của mạng xã hội thì thật là sai lầm. Để làm được điều đó, ngoài việc chính bản thân các bạn phải tự phân phối thời gian, cách sử dụng. Thì bố mẹ hoặc thầy cô cũng cần có sự giúp đỡ, điều hướng, để bảo vệ các bạn học sinh khỏi những thông tin, ảnh hưởng xấu của mạng xã hội.

Bài văn mẫu số 7

Vào tiết sinh hoạt lớp ngày hôm qua, lớp em đã cùng thảo luận về việc mang điện thoại di động đến lớp học. Một số bạn cho rằng nên cấm việc mang điện thoại di động đến lớp, vì nó không có tác dụng gì khi ở lớp cả. Nhiều bạn khác thì cho rằng nên cho phép học sinh mang theo điện thoại, vì nhiều trường hợp cũng cần sử dụng đến.

Cá nhân em, thì đồng tình với ý kiến thứ hai. Vì em cũng cho rằng, việc mang điện thoại di động đến lớp là hoàn toàn có ích chứ không phải là không cần thiết.

Điện thoại di động là một thiết bị điện tử với nhiều tính năng hiện đại. Nó giúp liên lạc, trao đổi với người khác dù ở cách nhau rất xa. Vì vậy, khi đi học, các bạn học sinh có thể dùng điện thoại để liên lạc với bố mẹ trong những tình huống bất ngờ. Chẳng hạn như xin phép về muộn vì lên thư viện cùng bạn, hoặc cần bố mẹ đến đón sớm hơn do nghỉ học tiết cuối… Ngoài ra, các bạn có thể dùng điện thoại để tra cứu các thông tin về học tập vào giờ giải lao, chuẩn bị cho tiết học sắp đến. Hoặc đơn giản, chỉ là xem các video âm nhạc, giải trí vào giờ ra chơi sau các tiết học căng thẳng. Vì vậy, em cho rằng việc mang điện thoại di động đến lớp là hoàn toàn hợp lí.

Tuy nhiên, những lo ngại về tác hại của việc mang điện thoại theo đến trường cũng là điều dễ hiểu. Bởi có không ít trường hợp các bạn sử dụng điện thoại trong giờ học, khiến bản thân bị sao nhãng, ảnh hưởng đến kết quả học tập của bản thân. Đồng thời gây ảnh hưởng đến những bạn ngồi cạnh. Vì vậy, để việc mang điện thoại đến lớp không mang đến các tác động tiêu cực, chúng ta có thể sử dụng các quy tắc nhất định. Như học sinh phải tắt chuông điện thoại khi mang điện thoại theo. Chỉ được sử dụng điện thoại vào giờ giải lao, còn trong giờ học thì phải tắt máy và cho vào cặp sách.

Như vậy, thì việc các bạn học sinh mang điện thoại di động đến lớp sẽ không ảnh hưởng tiêu cực nữa. Đồng thời còn giúp đem đến những lợi ích thiết thực cho bản thân các bạn.

Bài văn mẫu số 8

HƯỚNG DẪN] Các bước skincare cho tuổi dậy thì cho các loại da tuổi từ 13,  14, 15 ... | Omi Pharma

Chiều hôm qua, lớp em đã có một cuộc thảo luận khá sôi nổi về chủ đề sử dụng mĩ phẩm ở lứa tuổi thiếu niên. Trong đó, chủ yếu có hai luồng ý kiến trái ngược nhau là đồng tình và không đồng tình. Cá nhân em, thì ủng hộ ý kiến rằng, việc sử dụng mỹ phẩm ở lứa tuổi thiếu niên là cần thiết.

Nhiều người hiểu nhầm cho rằng việc sử dụng mĩ phẩm là đánh son, đánh phấn má… Nhưng thực sự, khái niệm đó còn rộng hơn, bao gồm việc sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời, son dưỡng môi để không bị nứt môi, kem trị mụn cho các bạn bị mụn tuổi dậy thì… Đó đều là những điều cần thiết và hết sức thiết thực. Bởi chúng không chỉ là làm đẹp, mà còn giúp bảo vệ làn da của các bạn học sinh - lứa tuổi mà làn da còn yếu và có nhiều vấn đề.

Ngoài ra, trong những dịp đặc biệt như biểu diễn văn nghệ, nhận giải thưởng hay đi du lịch với gia đình… thì việc được trang điểm nhẹ nhàng cũng là một điều hợp lí. Bởi vào những sự kiện quan trọng như vậy, các bạn có thể làm đẹp cho mình để lưu giữ kỉ niệm.

Vì vậy, em cảm thấy việc những bạn ở lứa tuổi thiếu niên sử dụng mỹ phẩm là rất cần thiết. Tuy nhiên, các bạn nên có sự tìm hiểu kỹ càng, có sự tư vấn của phụ huynh để có những lựa chọn hợp lí. Cùng với đó, các bạn nên tránh những mỹ phẩm thiên về trang điểm đậm, không phù hợp với lứa tuổi và môi trường học đường.

Bài văn mẫu số 9

Hiện nay, trong xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người ngày càng cao dẫn đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin.

Trong đó, Internet – nơi hội tụ các nguồn thông tin trở thành thế giới thu nhỏ được mọi người đặc biệt quan tâm, nhất là các bạn học sinh, thanh niên. Trên Internet có rất nhiều thể loại giải trí khác nhau làm cho nhiều bạn trẻ lạm dụng dẫn đến tình trạng nghiện ngập và trở thành vấn đề nóng mà mọi người vô cùng bức xúc.

Nghiện Internet là lạm dụng quá mức, sử dụng vô tổ chức ở mọi lúc mọi nơi, không làm chủ bản thân, bỏ cả ăn uống, nghỉ ngơi, học hành mà sa đọa trong thế giới hư ảo.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện Internet nhưng chủ yếu là do bản thân các bạn trẻ chưa nhận thức được mặt trái của Internet, còn ham chơi, tò mò, hiếu động, muốn chứng tỏ bản thân với người xung quanh. Các bậc phụ huynh chưa quản lý chặt chẽ con em mình, còn thiếu sót trong vấn đề giáo dục con cái. Nhà nước và chính quyền địa phương không quản lý các tiệm Net, để mặc các chủ tiệm mở cửa sát bên trường học và mọc lên ngày càng nhiều.

Trong xã hội đang phát triển và hội nhập, chúng ta không thể phủ nhận tiện ích mà Internet mang lại, Internet trở thành từ điển sống của tất cả mọi người. Nhờ Internet, con người có thể tra cứu tài liệu, cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ mà không mất thời gian, công sức; là công cụ làm việc đối với một số ngành công nghệ thông tin; cung cấp các thể loại giải trí như phim, âm nhạc, trò chơi. Nhưng bên cạnh đó có không ít tác hại do việc quá lạm dụng của các bạn học sinh, thanh niên. Ngoài những thông tin hữu ích, Internet còn chứa rất nhiều những thông tin mang tính chất đồi trụy; các trò chơi giải trí bạo lực khiến nhiều bạn trẻ nghiện bỏ rơi cuộc sống thực tại. Từ đó tệ nạn xã hội cũng xảy ra nhiều hơn như giết người, trộm cắp để thỏa cơn nghiện. Rất nhiều bạn mắc bệnh hoang tưởng từ những trò chơi khiến gia đình vô cùng lo lắng, xã hội vô cùng bức xúc. Có thể nói Internet cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức con người.

Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy biết tự trang bị kiến thức về Internet cho bản thân để tránh tình trạng nghiện ngập. Các bậc phụ huynh, nhà nước, chính quyền, đặc biệt là trường học phải quan tâm, quản lý, giáo dục các bạn trẻ tránh xa những tư tưởng không lành mạnh, giúp đỡ người nghiện ngập quay về thế giới thực, không để họ mãi chìm đắm trong cái thế giới hư vô có thể giết người này.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống, ai cũng có quyền thả mình vào Internet nhưng đừng lạm dụng nó, phải biết chắt lọc, biết dừng lại đúng lúc trước khi biến thành con nghiện.

“Hãy để chúng ta làm chủ Internet và đừng bao giờ để Internet điều khiển chúng ta”. Mỗi người trẻ cần ý thức được tác hại của game online để tránh rơi vào tình trạng nghiện game

Bài văn mẫu số 10

Có ý kiến cho rằng: “Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời cho lại”, em hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên. Hiến máu cứu người một nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống tương thân thương ái của dân tộc ta. Là hành động giúp đỡ những người bệnh đang cần những giọt máu quý giá để duy trì sự sống. Hiến máu là hành động cho đi những giọt máu trong cơ thể chúng ta một cách tự nguyện nhằm giúp đỡ những người cần đến nó. Hiến máu cứu người chính là một nghĩa cử cao đẹp. Khi ta trao đi những giọt máu, tuy chỉ là một phần nhỏ nhưng lại đem lại hi vọng cho những người cần máu gấp như các bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, các ca ghép tạng, cần rất nhiều máu… hãy có thể duy trì sự sống cho những em bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Nhớ những giọt máu chúng ta cho đi đã đem lại niềm tin và hi vọng sống cho họ.

Nhìn lại những gì mà máu được hiến đem lại những kết quả tích cực chúng ta không thể phủ nhận vai trò của việc hiến máu cứu người. Hành trình đỏ, câu lạc bộ máu sống, câu lạc bộ máu đỏ là những chương trình tích cực tham gia vận động hiến máu nhân đạo và đã đạt được những thành công nhất định. Năm 2014, Hành trình đỏ đã tổ chức 33 ngày hội hiến máu với sự đăng ký kỉ lục là 25000 tình nguyện viên, học sinh, nhân dân tham gia hiến máu. Tiếp nhận được 16 219 đơn vị máu, góp phần bổ sung cho các bệnh viện trên cả nước, góp phần đảm bảo máu sống cho các bệnh viện. Nhớ lại năm 2010, tại bệnh viện phụ sản trung ương, nhờ nguồn máu cung cấp đã cứu sống chị Trần Thị Lan bị băng huyết, mất máu nghiêm trọng. Hay năm 2013 anh Phan Văn Tuấn trên đường đi từ Hà Nam tới Hà Nội bị tân nan chấn thương sọ não được đưa tới bênh viện, cũng nhờ nguồn máu dư trữ mà anh đã qua khỏi, còn nhiều trường hợp khác nhau nhờ máu nhân đạo đã có cơ hội sống. Nhờ vậy đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân mà còn là niềm vui cả xã hội.

Bài văn mẫu số 11

Học tập luôn là một vấn đề quan trọng kéo dài suốt cuộc đời của mỗi con người. Để có thể tiếp thu được những tri thức, những điều hay trong thế giới mênh mông này thì bản thân mỗi chúng ta không thể đi một mình mà cần có sự soi đường chỉ lối của những người xung quanh. Ông cha ta đã từng đề cao vai trò của người thầy qua câu nói “Không thầy đố mày làm nên”. Thế nhưng lại cũng có một câu nói cho rằng “Học thầy không tày học bạn”. Tuần trước cô giáo đã tổ chức cho lớp tôi thảo luận về đề tài này: việc học ai mới là điều đúng đắn nhất của mỗi con người?.

Các bạn học sinh mỗi người một ý kiến, bàn luận rất sôi nổi. Có người cho rằng câu “Không thầy đố mày làm nên” là hoàn toàn chính xác bởi vì chúng ta đều không thể phủ nhận được vai trò của người thầy trong quá trình học tập là rất quan trọng. Ngay từ buổi đầu tiên đi học chúng ta đã được dìu dắt bởi các thầy cô giáo. Họ là những người lái đò cần mẫn và tận tụy đem những kiến thức truyền đạt cho muôn thế hệ học trò. Những người thầy cô không chỉ dạy ta trí thức mà còn dạy cho chúng ta đạo đức làm người. Những bài học dễ hiểu, cặn kẽ hơn được chúng ta lĩnh hội dưới đôi bàn tay chỉ dẫn của những người thầy. Vì thế các bạn đều cho rằng câu nói không thầy đố mày làm nên là rất xác đáng bởi nếu như không có thầy thì chúng ta khó có thể làm nên điều gì trong cuộc đời.

Tuy nhiên một số bộ phận các bạn học sinh khác lại cho rằng câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” sẽ đúng với hiện thực ngày nay hơn. Cuộc sống của mỗi con người đều có sự giao tiếp với những người xung quanh. Mỗi một người sẽ cho chúng ta học tập được một số những điều khác nhau. Bạn bè luôn là người dạy cho chúng ta những điều gần gũi cùng lứa tuổi. Những bài học mà bạn bè dạy nó có ý nghĩa thực tế hơn rất nhiều những bài học trong sách giáo khoa. Hơn nữa các bạn đều cho rằng không phải lúc nào thầy cô cũng có thể ở bên cạnh để kèm cặp, giáo dục chúng ta. Thực tế cho thấy rằng khoảng thời gian mà các bạn học sinh tiếp xúc với bạn bè và những người xung quanh nhiều hơn. Bạn bè ở đây có thể là đồng trang lứa, cũng có thể là những người hơn tuổi chúng ta. Họ khi cho chúng ta được một bài học trí thức nào đó thì đều có vai trò giống như một người thầy.

Riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ kỹ, tôi thấy ý kiến của các bạn đều có điểm đúng. Hai câu nói này tưởng chừng như là mâu thuẫn với nhau nhưng cần phải bổ sung ý nghĩa cho nhau. Mỗi người học sinh chúng ta đều cần có sự dìu dắt và giúp đỡ của các thầy cô, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng có thể học từ bạn bè, những người xung quanh. Nhìn chung, du học ở ai người nào thì cũng đều là tiếp thu những bài học tri thức, đem đến cho chúng ta những bài học giá trị. Vì vậy bản thân mỗi người cần phải giữ vững lập trường, biết chọn bạn, chọn thầy để học và hãy không ngừng lắng nghe tiếp thu giúp bản thân mỗi ngày hoàn thiện hơn.

Cả hai câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên” và “học thầy không tày học bạn” không mâu thuẫn với nhau vì cả hai câu đều có vai trò của người thầy với người học. Hai câu tục ngữ “học thầy không tày học bạn”, “không thầy đố mày làm nên” tách rời nhau, có khía cạnh đúng và hạn chế, nhìn bề ngoài như mâu thuẫn với nhau nhưng phối hợp nội dung hai câu tục ngữ sẽ có lời khuyên học hỏi tốt nhất: chúng ta phải coi trọng việc học ở thầy, đồng thời phải biết học ở bạn.

Hai câu nói trên bổ sung ý nghĩa cho nhau để phản ánh quan niệm của người xưa về việc học. Muốn nên người chúng ta cần phải có thái độ tôn kính thầy cô quý trọng bạn bè. Con đường đến với tri thức là còn đường gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy, thầy và bạn vừa là người chỉ lối, vừa là người đồng hành quan trọng biết bao đối với mỗi chúng ta.

Xem thêm một số bài văn mẫu lớp 7 hay khác: 

TOP 30 Đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về việc chọn để nghĩ và chọn để làm trong cuộc sống (2024) SIÊU HAY

TOP 30 Bài văn chia sẻ cảm nhận của em về một cuốn sách đã truyền cảm hứng hướng em tới lối sống tích cực (2024) SIÊU HAY

TOP 50 Bài văn Nghị luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm (2024) SIÊU HAY

TOP 30 bài nghị luận về nghị lực sống (2024) HAY NHẤT

TOP 15 bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối) 2024 CỰC CHI TIẾT

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!