NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ TRONG ĐỜI SỐNG (TRÌNH BÀY Ý KIẾN PHẢN ĐỐI)
Dàn ý
1. Mở bài
Nêu vấn đề nghị luận và bày tỏ ý kiến phản đối với cách nhìn nhận vấn đề.
2. Thân bài
- Ý 1: Trình bày thực chất của ý kiến, quan điểm đã nêu để bàn luận.
- Ý 2: Phản đối các khía cạnh của ý kiến, quan niệm (lí lẽ, bằng chứng).
- Ý 3: Nhận xét những tác động tiêu cực của ý kiến, quan niệm đối với đời sống (lí lẽ, bằng chứng).
3. Kết bài
Nêu ý nghĩa của việc thể hiện ý kiến phản đối.
Bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)
Bài mẫu 1
Có người cho rằng, con người và thiên nhiên không có bất cứ mối quan hệ nào. Điều đó quả thật là một quan hệ sai lầm.
Hiểu một cách đơn giản, “thiên nhiên” là tất cả những vật chất bao quanh con người, không do con người tạo ra mà tự sinh ra dưới sự tác động qua lại lẫn nhau tạo nên các thực thể trong tự nhiên thường thấy như ao, hồ, sông, ngòi…
Thực tế chứng minh rằng, thiên nhiên có ảnh hưởng to lớn đối với con người. Đầu tiên, thiên nhiên đã cung cấp cho con người những tài nguyên phục vụ cho cuộc sống. Không khí để con người có thể hô hấp. Đất đai để xây dựng nhà cửa, trồng trọt và chăn nuôi lương thực, thực phẩm. Nguồn nước dùng trong tắm rửa, sinh hoạt và sản xuất. Rừng cung cấp nguyên liệu để xây dựng, các vị thuốc quý để chữa bệnh.
Bên cạnh đó, thiên nhiên đã cấp cho con người những giá trị mỹ quan, phục vụ cho đời sống tinh thần. Những bãi biển, núi rừng hay cánh đồng… trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đem lại lợi nhuận về kinh tế. Ngoài ra thiên nhiên cũng là niềm cảm hứng bất tận trong thơ ca, nhạc họa. Nhiều nhà thơ, nhà văn đã gửi tình yêu thiên nhiên vào các tác phẩm của mình. Nhà thơ Lý Bạch của Trung Quốc có bài thơ Xa ngắm thác núi Lư để nói về vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây:
“Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác nước sông này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có những vần thơ viết về vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng Việt Bắc:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Thiên nhiên có vai trò to lớn như vậy, nhưng hiện nay con người lại đang tàn phá thiên nhiên một cách nghiêm trọng . Môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng từ đất đai, không khí đến nguồn nước. Chúng ta cần hiểu được tầm ảnh hưởng to lớn của thiên nhiên đối với cuộc sống của nhân loại, để từ đó có những biện pháp bảo vệ thiên nhiên. Những việc làm tưởng chừng như đơn giản nhưng sẽ đem lại kết quả tích cực như: không xả rác bừa bãi, bảo vệ rừng, trồng nhiều cây xanh, hạn chế sử dụng bao bì ni-lông…
Như vậy, lời khẳng định “Thiên nhiên là người bạn tốt của con người” là vô cùng đúng đắn. Mỗi người cần tích cực bảo vệ thiên nhiên để bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Bài mẫu 2
Có người nói rằng: “ Tôi hút thuốc lá, tôi bị bệnh, hãy mặc kệ tôi!”. Câu nói trên đã bộc lộ một suy nghĩ thật khó chấp nhận. Việc hút thuốc lá có thể là quyền của mỗi người, nhưng điều đó lại đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh.
Thành phần chính của thuốc lá là ni-cô-tin. Đó là một hoạt chất có tính gây nghiện cao. Người hút thuốc lá thường xuyên dần trở thành một thói quen, khó có thể từ bỏ được. Điều đó sẽ gây ra những nguy cơ đối với người hút thuốc lá, cũng như những người xung quanh khi họ hít phải khói thuốc lá.
Khói thuốc lá có nhiều chất độc thấm vào cơ thể. Những lông rung của những tế bào niêm mạc ở ở vòm họng, phế quản, nang phổi bị chất hắc ín trong khói thuốc lá làm tê liệt, gây ra ho hen, sau nhiều năm có thể gây viêm phế quản; chất hắc ín thấm vào tế bào gây ra ung thư. Ngoài ra, các chất ô-xít các-bon bám chặt vào máu, hồng cầu không có chúng tiếp cận với ô-xi. Đặc biệt là chất Ni-cô-tin trong khói thuốc lá làm cho các động mạch co thắt lại, gây ra các bệnh huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, những người xung quanh cũng bị nhiễm độc, viêm phế quản, ung thư, gây nguy hiểm cho phụ nữ đang mang thai, ảnh hưởng đến thai nhi…
Không chỉ gây ra tác hại về sức khỏe, thuốc lá còn ảnh hưởng đến nhân cách của con người. Khi người lớn hút thuốc, trẻ em sẽ học theo tấm gương xấu từ họ. Hiện nay, tỉ lệ hút thuốc lá ở thanh thiếu niên ngày càng tăng cao. Học sinh, sinh viên khi cần tiền để mua thuốc có thể sẵn sàng trộm cắp để có tiền hút thuốc. Nhiều người không có ý thức, khi hút thuốc lá ở nơi công cộng đã vứt tàn thuốc không đúng nơi quy định, dẫn đến các vụ cháy nổ.
Chính vì vậy, nhân loại phải cùng chung tay. Cụ thể là, các nước phát triển đều tích cực trong chiến dịch phòng chống thuốc lá. Chúng ta cần tích cực thực hiện các biện pháp như cấm hút thuốc nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm, tài liệu khẩu hiệu chống thuốc lá lấn át những quảng cáo của các hãng thuốc lá. Đất nước Việt Nam với hơn chín mươi triệu dân. Việc hạn chế hút thuốc lá sẽ góp phần tiết kiệm tiền bạc, của cải. Đồng thời bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Rõ ràng, hút thuốc lá không chỉ gây hại đến sức khỏe của người hút, mà còn ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Mỗi người hãy có ý thức vì cộng đồng, để có thể loại bỏ thứ “ôn dịch” này.
Bài mẫu 3
Có người cho rằng ô nhiễm môi trường không ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, vì vậy không cần thiết phải bảo vệ môi trường. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Bởi thực tế, môi trường và cuộc sống của con người có sự gắn bó mật thiết. Nếu như chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường thì đời sống của con người sẽ bị tổn hại rất lớn.
Để hiểu được mối quan hệ giữa môi trường và con người, trước tiên chúng ta cần hiểu được môi trường là gì? Có thể hiểu một cách đơn giản nhất, môi trường là tất cả những điều kiện vật chất bao quanh sự sống của con người bao gồm đất, nước, không khí…
Môi trường có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Trước hết, môi trường đã cung cấp những điều kiện vật chất cho cuộc sống con người như không khí để thở, nước để uống, cây xanh cung cấp oxy. Ngoài ra nó còn giúp bảo vệ sức khỏe con người. Môi trường trong lành ngăn cản sự phát triển của các vi sinh vật có hại (không khí sạch ngăn cản vi khuẩn, virus, nước sạch ngăn cản của bọ gậy, muỗi...). Và ngược lại, nếu môi trường bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người.
Trên thực tế, môi trường đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Từ không khí, đất đai đến nước uống. Điều đó không chỉ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến trái đất, mà còn cả cuộc sống của nhân loại. Không khí bị ô nhiễm gây thủng tầng ôzon (vốn là “lớp màng tự nhiên” có tác dụng ngăn cản ánh sáng bức xạ không tốt từ mặt trời đến trái đất); đồng thời làm gia tăng các bệnh về hô hấp ở con người. Đất đai bị ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, trồng trọt hay chăn nuôi gây ra những thiệt hại về kinh tế. Tiếp đến là nguồn nước, nhiều người cho rằng trên trái đất, chẳng có gì nhiều như nước nhưng thực tế nguồn nước ngọt phục vụ cho cuộc sống của con người trên trái đất đang ngày càng khan hiếm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng hơn hai tỷ người đang sống trong cảnh thiếu nước ngọt. Sự biến đổi khí hậu khiến cho các hình thức thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn. Hiện tượng mưa a-xít làm hư hại mùa màng, phá hủy nhiều rừng cây và đời sống của các sinh vật cũng bị đe dọa. Kế đến là mưa đá, sương muối, băng tuyết, lũ lụt thường xuyên xảy ra trên khắp thế giới. Các dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện gây ra ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe của con người như dịch hạch, dịch tả, covid-19… Ảnh hưởng của môi trường đến cuộc sống của con người là vô cùng to lớn.
Rõ ràng, môi trường có ảnh rất lớn đến cuộc sống của con người. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường đã trở thành trách nhiệm mà con người cần thực hiện. Như vậy, ý kiến trước đó là hoàn toàn sai lầm.
Môi trường có trong lành, mới giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường!
Bài mẫu 4
Giữ gìn sự sạch đẹp cho nơi mình ở là nghĩa vụ của mỗi công dân. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương. Theo ý kiến của bản thân, tôi cảm thấy quan điểm này rất sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức con người và xã hội.
Đầu tiên, gìn giữ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không phải riêng ai. Trường học được coi như "ngôi nhà thứ hai" của học sinh. Vậy, với tư cách một thành viên trong "ngôi nhà" ấy, mỗi chúng ta cần biết tự dọn dẹp, làm sạch không gian sống của "gia đình" mình. Học sinh cũng được dạy dỗ, rèn luyện cho từ nhỏ về thói quen làm sạch nơi ở. Điều này có trong cả lời Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng: "Giữ gìn vệ sinh thật tốt". Ngoài ra, việc dọn dẹp vệ sinh còn mang đến sự phát triển tích cực cho người học. Nó sẽ giúp người trẻ rèn luyện thói quen dọn dẹp, từ đó nâng cao tinh thần tự giác của mỗi cá nhân. Qua những buổi tổng vệ sinh được tổ chức, các học sinh còn có thể nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Việc suy nghĩ rằng trách nhiệm vệ sinh trường học chỉ thuộc về những người lao công đã gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Nó tạo ra thói quen ỷ lại cho con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ cho rằng việc vệ sinh là nhiệm vụ của người khác, từ đó thản nhiên bày bừa, xả rác mà không chịu dọn dẹp. Nếu cứ tiếp tục suy nghĩ ấy, con người sẽ dần trở nên lười biếng, phụ thuộc, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển của xã hội.
Để hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực mà quan điểm trên mang lại, chúng ta rất cần có những giải pháp triệt để. Đầu tiên, mỗi cá nhân phải tự rèn luyện ý thức cho bản thân. Trong một môi trường chung, nếu ai cũng nghĩ dọn dẹp không phải việc của mình thì sẽ chẳng có người nào chịu đứng lên hành động. Sự giáo dục và định hướng sớm của gia đình và trường học cũng là yếu tố quan trọng giúp cho con người hoàn thiện về nhận thức. Hãy cùng chung tay, chung sức phát triển cộng đồng, loại bỏ những quan điểm, định kiến tiêu cực, phiến diện.
Việc vệ sinh trường học nói riêng và giữ gìn môi trường sống nói chung là nghĩa vụ, trách nhiệm của tất cả mọi người. Mỗi cá nhân hãy tự nâng cao ý thức bản thân, góp phần vào công cuộc xây dựng một xã hội văn minh, phát triển.
Bài mẫu 5
Trong quá trình học tập và rèn luyện trên trường lớp, chúng ta đã được tiếp xúc với rất nhiều môn học thú vị. Tuy nhiên, đã xuất hiện ý kiến cho rằng "Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn bản thân yêu thích". Theo quan điểm của mình, tôi hoàn toàn không tán thành ý kiến trên.
Nhìn vào thực tế, dễ dàng thấy Toán, Ngữ văn và tiếng Anh vẫn là ba môn học chính trong nhà trường, có mặt ở hầu hết các cuộc thi lớn nhỏ. Đây là những môn được dạy kĩ càng và chi tiết nhất. Một vài môn khác có thể kể đến như lịch sử, địa lí, vật lí, hóa học,... ít được quan tâm hơn, đa số chỉ dạy trên trường. Đối với những trường dạy năng khiếu, học sinh gần như chỉ chú tâm vào các môn như mĩ thuật, âm nhạc,... để phát triển điểm mạnh của mình. Không chỉ vậy, với sự hội nhập không ngừng nghỉ hiện nay, người người nhà nhà còn "đổ xô" đi học ngoại ngữ. Có nhiều phụ huynh mang tư tưởng chỉ cần con giỏi ngoại ngữ thôi là được, các môn học khác không quan trọng.
Những quan điểm nêu trên đều hết sức sai lệch, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Trước hết, ta dễ bỏ lỡ, đánh mất nhiều cơ hội trong tương lai. Ví dụ, một người học ban tự nhiên bỏ bê văn thì sẽ yếu trong giao tiếp, lập luận. Hay người chỉ tập trung học toán, văn mà không quan tâm đến ngoại ngữ thì sẽ không hòa nhập được với thế giới. Không chỉ vậy, việc coi nhẹ những môn học phụ còn gây nên tâm lý chủ quan, ỷ lại, phụ thuộc, khiến chúng ta khó có thể phát triển được một cách toàn diện.
Mỗi môn học được đưa vào chương trình đều mang đến những giá trị tốt đẹp riêng. Nếu những môn học thiên về tự nhiên giúp con người rèn luyện tư duy logic, khả năng suy luận thì các môn xã hội sẽ đem đến vô số bài học đạo đức giá trị. Việc tiếp cận được nhiều lĩnh vực khiến học sinh có đa dạng sự lựa chọn, dần tìm hiểu và khám phá ra điểm mạnh - điểm yếu của bản thân. Chính vì vậy, quan điểm "có thể bỏ qua một số môn" là không hợp lí.
Tóm lại, việc bỏ qua một số môn và chỉ tập trung vào môn học mình yêu thích là một tư tưởng không phù hợp. Hãy cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân ở mọi lĩnh vực. Chỉ khi ta làm chủ được kiến thức, ta mới có thể dễ dàng tiến đến với thành công, trở thành một con người có giá trị trong cộng đồng.
Bài mẫu 6
Để hoàn thiện bản thân, chúng ta cần học rất nhiều thứ. Các môn học ra đời nhằm phục vụ nhu cầu tìm kiếm, khám phá kiến thức của con người ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay, một số người cho rằng chỉ cần học môn mà mình yêu thích, đồng thời bỏ qua các môn khác. Đây là quan điểm sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức con người, đặc biệt là giới trẻ.
Dễ thấy ý kiến nêu trên bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Đa số, mọi người sẽ nghĩ rằng thi môn nào thì học môn đó. Ở Việt Nam khi trước, ba môn chủ đạo Toán - Văn - Anh rất được coi trọng, xuất hiện ở gần như tất cả các kì thi lớn nhỏ. Khối lượng kiến thức mà học sinh phải tiếp nhận là vô cùng lớn, thời gian học thì lại có giới hạn, dẫn đến vô số khó khăn trong việc học tập. Nhiều bậc cha mẹ chưa có được sự định hướng rõ ràng cho con trẻ. Họ vẫn chỉ chú tâm đến điểm số trên lớp mà bỏ qua tầm quan trọng của sự phát triển toàn diện, đồng đều. Từ đó, tâm lí của con cái cũng bị ảnh hưởng, coi nhẹ những môn học "phụ".
Quan điểm: "Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích" nêu trên là hoàn toàn sai lệch. Mỗi môn học thường đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau: toán học cung cấp kiến thức về đại số và hình học, ngữ văn mang đến tri thức về tác giả, tác phẩm. Thế nhưng, các môn học dù là tự nhiên hay xã hội thì đều có sự liên quan, kết nối với nhau. Nếu nhìn vào chương trình học ở các nước phương Tây, học sinh được tiếp cận với vô số môn học, tham gia hàng loạt các buổi học thực tế, trải nghiệm. Từ đó, họ dần tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, từng bước hoàn thiện và phát triển chính mình.
Với tư tưởng không phù hợp trong học tập như đã nêu trên, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp hiện tượng học lệch, học tủ. Khi coi nhẹ những môn học phụ, chúng ta sẽ tự động bỏ qua nó, chỉ tập trung vào môn học mình cần thi. Ta tự tin rằng chỉ cần mình giỏi ở lĩnh vực này là được, đâu cần phải bỏ công tốn sức học nhiều. Nhưng đến sau này, khi lớn lên, chúng ta sẽ thấy rất nhiều môn học mình từng ngó lơ trở nên đặc biệt quan trọng. Ví dụ như học về thiết kế thời trang, bên cạnh năng khiếu vẽ, ta còn cần sự tính toán, đo lường, kết hợp màu sắc, ánh sáng, góc độ,... Đó đều là những kiến thức tổng hợp mà ta cần dành nhiều thời gian, công sức để học tập và nghiên cứu.
Nhìn chung, việc học tập cần có sự bao quát, đồng đều. Để làm được điều đó, chúng ta cần không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng cả về tri thức và đạo đức. Hiện nay, giáo dục đã có nhiều đổi mới, tập trung phát triển năng lực người học một cách toàn diện, hiệu quả hơn. Mỗi người hãy tự có ý thức trau dồi bản thân, đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội thật văn minh, tiến bộ.
Bài mẫu 7
Hiện nay, Trái Đất đang bị đe dọa bởi những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Để khắc phục hậu quả đáng tiếc đối với môi trường tự nhiên, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên đã khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt các thiết bị điện không cần thiết. Trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, sự kiện này thu hút được rất nhiều quan tâm, chú ý của mọi người song vẫn có một bộ phận cho rằng: "Tắt thiết bị điện trong Giờ Trái Đất chỉ là việc làm hình thức". Đây là một suy nghĩ hết sức phiến diện, một chiều.
Giờ Trái Đất là sự kiện được tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Mục đích là để đề cao việc tiết kiệm điện năng, từ đó làm giảm lượng khí đi-ô-xít - loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính, liên quan trực tiếp đến quá trình biến đổi khí hậu cũng như nâng cao ý thức của mọi người về việc bảo vệ môi trường. Theo những báo cáo gần đây cho thấy nhiệt độ Trái Đất tăng cao khiến băng tan, từ đó làm mực nước biển dâng. Vì vậy, "theo ước tính, nếu băng tiếp tục tan thì nước biển sẽ dâng thêm ít nhất 6m nữa vào năm 2100." (theo dangcongsan.vn). Nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ và biến mất hoàn toàn trên bản đồ. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái cũng như môi trường sống của con người.
Chính vì vậy, để ngăn điều này xảy ra thì việc hưởng ứng Giờ Trái Đất là hoàn toàn cần thiết. Bởi chỉ cần mọi người đồng loại tắt điện trong vòng 1 tiếng đồng hồ/ 1 ngày thì sẽ tiết kiệm được tối đa sản lượng điện tiêu thụ và một khoản tiền khổng lồ để xây dựng đập thủy điện. Việc làm này có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn thế giới trong vòng 8 tháng 10 ngày.
Từ những lí do trên, tôi cho rằng việc một số người cho rằng: "Tắt điện trong Giờ Trái Đất chỉ là việc làm hình thức" là không đúng. Mọi người cần có nhận thức đúng đắn, có cái nhìn thấu đáo, tìm hiểu về mục đích, ý nghĩa của Giờ Trái Đất. Đồng thời, tích cực hưởng ứng Giờ Trái Đất trong 60 phút. Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, mọi người cũng cần sử dụng năng lượng một cách hợp lí, tắt các thiết bị điện không cần thiết hoặc không phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, làm việc.
Hiểu được ý nghĩa của sự kiện này, ta mới học được cách tiết kiệm cũng như có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên. Trái Đất đang ngày một tệ đi dưới sự tác động của con người. Do đó, hành động tắt điện của mỗi cá nhân sẽ góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp cũng như hạn chế những tác động xấu đối với môi trường.
Bài mẫu 8
Cuộc sống vận động, biến đổi không ngừng và con người không nằm ngoài hoạt động đó. Nhưng dường như, có một ngày vô cùng đặc biệt khiến tất cả mọi người trên thế giới đều học cách chậm lại, trân quý môi trường sống của chính mình đó là Giờ Trái Đất. Tuy nhiên, một số người lại cho đó là việc làm hình thức, màu mè, không cần thiết. Suy nghĩ này thật thiển cận, đáng lên án làm sao.
Giờ Trái Đất là sự kiện thường niên, được tổ chức hàng năm để nhắc nhở mọi người phải tiết kiệm điện, cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, Trái Đất. Dù chỉ là một tiếng vô cùng ngắn ngủi nhưng nếu tất cả mọi người cùng tắt điện thì sẽ tiết kiệm được một khoản tiền vô cùng lớn, làm giảm lượng khí đi-ô-xít - khí thải gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Như vậy, chỉ qua một hành động rất nhỏ, chúng ta đã có thể hạn chế được tối đa những tác động lên Trái Đất. Đây là một việc làm ý nghĩa, cần được biểu dương, ủng hộ và phát huy.
Giờ Trái Đất đem đến rất nhiều lợi ích. Chính vì vậy, chúng ta cần chung ta hành động, cùng nhau bảo vệ "ngôi nhà chung". Bên cạnh việc tắt điện trong Giờ Trái Đất, chúng ta có thể tắt các thiết bị điện khi không sử dụng. Ngoài ra, chúng ta có thể bảo vệ môi trường từ những hành động rất nhỏ như: không xả rác bừa bãi, vứt rác đúng nơi quy định, sử dụng các phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân; tái chế giấy, lon nhựa; phân loại rác thải,... Chỉ cần mỗi người nâng cao ý thức bản thân cũng như tích cực, vận động tuyên truyền mọi người về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường thì chắc chắn rằng, Trái Đất sẽ dần tốt đẹp, trong lành hơn.
Như vậy, ta hoàn toàn có thể khẳng định, sự kiện Giờ Trái Đất là một hoạt động vô cùng thiết thực, có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia cũng như cá nhân mỗi người. Hoạt động này không chỉ nhắc nhở chúng ta cần phải nâng cao ý thức giữ gìn môi trường mà còn góp phần bảo vệ tự nhiên trước những tác động không ngừng của biến đổi khí hậu. Chính vì thế, suy nghĩ "Tắt thiết bị điện trong Giờ Trái Đất chỉ là việc làm hình thức, chẳng tiết kiệm được bao nhiêu" là một suy nghĩ không đúng đắn, cần phải thay đổi từ hôm nay.
Bài mẫu 9
Nếu có người đặt câu hỏi rằng công cụ quan trọng nhất thiết phải có với tất cả các bạn học sinh là gì, chắc chắn câu trả lời sẽ là sách giáo khoa. Sách giáo khoa là một loại sách tổng hợp những kiến thức được dạy và học tại nhà trường. Vì thế, sách giáo khoa rất quan trọng với tất cả các bạn học sinh.
Tuy có vai trò là vậy, nhưng nhiều bạn không hề quý trọng người bạn này. Thay vì nâng niu, giữ gìn cẩn thận, một số bạn có thói quen vẽ bậy, viết bậy vào sách giáo khoa. Mở cuốn sách ra, ta có thể dễ dàng thấy chi chít hình thù khác nhau, từ những câu chữ vu vơ bình thường cho tới, những hình vẽ hết sức "vớ vẩn". Vì thế, các cuốn sách giáo khoa này không còn tính thẩm mĩ như ban đầu mà vô cùng lem luốc, bẩn thỉu.
Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh "hô biến" sách giáo khoa trở thành quyển sổ vẽ như vậy. Các bạn không coi trọng những cuốn sách, không hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của nó, dẫn đến việc không có ý thức giữ gìn sách vở của chính mình. Bên cạnh đó, có nhiều lúc các bạn cũng cảm thấy chán nản trong giờ học và coi việc vẽ bậy vào sách giáo khoa là cách để giải trí.
Việc vẽ bậy vào sách giáo khoa để lại những hệ lụy không tốt. Thứ nhất, sách của các bạn sẽ trở nên lem luốc, không còn đẹp như ban đầu. Thứ hai, những cuốn sách bị vẽ bậy sẽ không thể để lại cho thế hệ sau, dẫn đến tình trạng lãng phí không đáng có. Cuối cùng, việc vẽ bậy khiến sách giáo khoa mất đi ý nghĩa truyền đạt kiến thức cao quý vốn có. Tuy nhiên, không phải cứ viết, vẽ vào sách giáo khoa là không phù hợp. Nếu các bạn ghi chú, minh họa cho bài học của mình thì lại không phải là hành động xấu. Việc ghi chú như vậy sẽ khiến các bạn dễ tiếp thu và nhớ bài học của mình hơn.
Như vậy, sách giáo khoa là một vật dụng không thể thiếu trong quá trình học tập. Chúng ta hãy nâng cao ý thức giữ gìn sách bằng cách không vẽ linh tinh, không tẩy xóa lem nhem làm bẩn, rách sách. Đồng thời, giữ gìn sách phẳng phiu để dành tặng cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn hoặc các em khóa sau khi không còn dùng đến.
Sách giáo khoa cũng là sách. Chúng ta sở hữu chúng không có nghĩa là ta làm điều gì cũng được. Vì vậy, hãy gạt bỏ suy nghĩ "Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó" các bạn nhé!
Bài mẫu 10
Khi học tập trên trường, sách giáo khoa là đồ dùng không thể thiếu đối với bất kì học sinh nào. Bên cạnh những bạn rất nâng niu, giữ gìn chúng thì một số học sinh lại có suy nghĩ rằng: "Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó". Đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm, cần phải loại bỏ.
Sách giáo khoa được ban hành với mục đích cung cấp kiến thức phổ quát cho tất cả học sinh từ cấp một đến cấp hai, được sử dụng rộng rãi trong trường học, là cơ sở để giáo viên, học sinh giảng dạy cũng như học tập. Tùy vào từng môn học, lĩnh vực mà nội dung ở sách giáo khoa sẽ khác nhau.
Nếu không có sách giáo khoa thì cả học sinh lẫn giáo viên sẽ bối rối cũng như gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy, học tập. Mỗi một bài học trong sách đều gắn liền với một chủ đề nhất định và độ khó được nâng lên theo từng cấp học. Sách giáo khoa không chỉ tạo ra được sự nhất quán, đồng đều trong công tác dạy, học giữa các trường mà còn là tiền đề để cả người dạy lẫn người học phát huy được hết khả năng của mình. Với kiến thức đã được biên soạn một cách kĩ lưỡng và chịu sự kiểm duyệt nghiêm ngặt thì sách giáo khoa không những không cung cấp tri thức toàn diện mà còn giúp người học phát triển các năng lực cần thiết để phục vụ đời sống.
Tuy nhiên, không phải ai cũng như học sinh nào cũng có thể hiểu hết được giá trị mà sách giáo khoa đem lại cho bản thân mình. Vì cho rằng, sách giáo khoa là vật dụng riêng, chỉ học một năm rồi thôi nên các bạn không có ý thức giữ gìn sách, thường vẽ lung tung vào các trang sách bằng nét bút nguệch ngoạc. Nhiều cuốn sách còn rách tả tơi, rơi rụng mất trang chỉ vì thói quen vứt lung tung hay thậm chí là dùng sách trêu đùa, đánh nhau với bạn. Việc làm này không chỉ cho thấy bản thân người sở hữu không biết trân trọng sách mà còn cho thấy thái độ học tập yếu kém. Những cuốn sách không lành lặn sẽ không thể trao truyền cho các em ở khối sau hay tặng cho bạn kém may mắn. Chính điều này đã gây ra sự lãng phí không cần thiết.
Từ những lí do trên, tôi cho rằng các bạn cần thay đổi suy nghĩ này. Sách giáo khoa cũng là sách. "Chúng ta sẽ trở thành gì, điều đó phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi các thầy cô giáo đã xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở." - Thomas Carlyle. Bởi vậy, các bạn học sinh cần giữ gìn, trân trọng quyển sách hàng ngày của mình, không viết, vẽ lung tung làm mất đi vẻ đẹp, tính thẩm mĩ ban đầu.
Đúng như lời dạy của ông cha ta: "Người làm sao, của chiêm bao là vậy". Thế nên, các bạn đừng viết, vẽ lung tung vào sách, vở của mình nhé! Điều này chỉ chứng tỏ các bạn là người thiếu ý thức mà thôi!
Bài mẫu 11
Tục ngữ được coi là “chiếc túi khôn” của nhân loại khi đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu từ đời trước. Ông cha ta có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” để gửi gắm bài học giá trị. Tuy nhiên, câu tục ngữ trên cũng không hoàn toàn đúng đắn.
Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Về nghĩa đen, “mực” là loại chất lỏng có màu, sử dụng cùng với bút để viết được chữ; còn “đèn” là một đồ vật dùng để thắp sáng. Về nghĩa bóng, “mực” chỉ những điều xấu xa; còn “đèn” chỉ những điều tốt đẹp. Như vậy, ý nghĩa của câu tục ngữ là một người khi thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu, còn nếu tiếp xúc với những người tốt ta sẽ học hỏi và học được nhiều điều hay từ họ. Qua đó, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.
Câu tục ngữ chính là bài học mà kinh nghiệm được đúc kết từ cuộc sống. Môi trường có vai trò với việc hình thành nhân cách của con người. Trong một gia đình, cha mẹ chính là tấm gương để con cái nói theo. Ở trường học, thì thầy cô lại chính là người có ảnh hưởng đến học sinh. Có ai đó đã từng nói rằng: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Bạn bè cũng có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của mỗi người. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, nhân dân ta có nhiều câu ca dao mang nội dung giáo dục về vấn đề này:
“Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người”
Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng của môi trường. Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Có những người vẫn giữ gìn được nhân cách tốt đẹp, giống như đóa hoa sen vậy:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng của dân tộc. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Hoặc chúng ta có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Trỗi - người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.
Như vậy, mỗi người cần hiểu được điều đó để có cách nhìn nhận đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Bản thân em cũng sẽ cố gắng hiểu được điều đó để có tinh thần cảnh giác trong việc giao du tiếp xúc với bạn bè, đồng thời xác định cho mình một thế đứng vững vàng trước những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh để luôn luôn “gần mực” mà vẫn không “ đen” và “ gần đèn” để luôn tỏa sáng.
Mỗi người cần rút ra được những bài học để có thể tự hoàn thiện bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Bài mẫu 12
Học sinh là những cánh chim non, những chủ nhân tương lai của đất nước và trong tương lai sẽ đưa đất nước phát triển đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Chính vì vậy mà ngay từ bây giờ việc học tập của học sinh đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa xác định đúng đắn được mục đích và động cơ học tập nên vẫn còn tình trạng học lệch diễn ra.
Học lệch là việc học không cân đối, không đều các môn, chú trọng môn này mà xao lãng môn khác, chỉ chú tâm đến môn mình sẽ thi đại học hay là đi theo sở thích cá nhân chứ không phải học để có kiến thức toàn diện.
Biểu hiện của việc học lệch rất rõ ràng nhận ra trong suốt quá trình học tập và qua những lần kiểm tra, thi cử. Có những bạn chỉ thích học các môn tự nhiên vì chúng không đòi hỏi phải học thuộc quá nhiều và cũng không cần ghi chép đến mức mỏi tay mà chỉ cần có một bộ não tư duy sắc bén. Hay có những bạn lại thích học các môn xã hội vì nó không khô khan như công thức toán lí hóa và chỉ cần chăm chỉ là có thể học tốt. Bên cạnh đó còn có xu hướng chuyên tâm học Ngoại ngữ mà quên đi các môn học còn lại. Vì sao vậy? Vì trong bối cảnh đất nước đang trên đà giao lưu, hội nhập có khả năng ngoại ngữ tốt là một hành trang vô cùng hữu ích cho những ai muốn nâng cao vị trí, tầm quan trọng của mình trong xã hội.
Có rất nhiều hậu quả của việc học lệch. Nhiều bạn mải học các môn tự nhiên mà không để ý đến các môn xã hội. Sau này các bạn trở thành những nhà khoa học giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, có những bạn tốt nghiệp bằng giỏi trường quản trị kinh doanh, nhưng do giao tiếp kém nên không xin được một công việc tốt. Hiện tượng học lệch cũng dẫn đến tư duy lệch. Các bạn học giỏi và thiên về các môn tự nhiên sẽ có ý xem thường các môn xã hội, cho đó chỉ là các môn phù phiếm, dẫn đến “thiếu cân bằng” về tư duy.
Học đều các môn là cách hiệu quả nhất để trở thành một con người toàn diện. Các bạn có thể chú trọng hơn về các môn tự nhiên, nhưng cần dành thời gian xứng đáng cho các môn xã hội. Những giá trị văn hoá, tinh thần, những vẻ đẹp của quê hương đất nước sẽ được khám phá qua việc học tập các môn xã hội. Một tâm hồn phong phú sẽ giúp bạn học tốt hơn, nạp kiến thức tốt hơn, và những kiến thức xã hội đến lượt mình sẽ giúp các bạn học tốt hơn các môn tự nhiên.
Trong trường học, các môn xã hội cần được giảng dạy một cách trực quan, sinh động để tạo hứng thú cho học sinh. Các bạn học sinh nên coi những giờ học tập môn xã hội chính là những giờ thư giãn, giúp bạn lấy lại tinh thần để học những môn tự nhiên. Có như vậy các bạn sẽ không thấy nhàm chán.
Bài mẫu 13
“Có thể bỏ qua một số môn chỉ nên học môn mình yêu thích” đang là một chủ đề lớn của lớp tôi trong những giờ ra chơi. Đã có rất nhiều ý kiến, lĩ lẽ và dẫn chứng được các bạn đưa ra để bảo vệ quan điểm cá nhân của mình. Riêng tôi, tôi không thể nào chấp nhận được việc coi nhẹ các môn khác của một số bạn học sinh.
Sự phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo sự bùng nổ của khoa học, công nghệ thông tin đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của con người, trong đó có giáo dục, đặc biệt là sự xuất hiện của xu hướng nhiều phụ huynh, học sinh thích chạy theo những môn học cần trong khối thi mà bỏ quên những môn học khác. Mỗi một môn học khi được đặt vào trong chương trình thì đều có ý nghĩa và giá trị riêng. Các môn khoa học tự nhiên là những môn giúp chúng ta có thêm khả năng tính toán, tư duy, những môn khoa học xã hội sẽ giúp chúng ta bồi dưỡng thêm được nhân cách, phẩm chất và tâm hồn, những môn ngoại khóa sẽ giúp cho tâm hồn chúng ta thư giãn sau một quãng thời gian học tập vất vả. Thế nhưng tình trạng các bạn học sinh chỉ quan tâm và chú ý đến một số môn học mình yêu thích và bỏ quên những môn còn lại đang rất nhiều và phổ biến hiện nay. Học sinh "quay lưng" với những trang văn thấm đẫm giá trị nhân đạo về cuộc sống nhân sinh; buồn chán trước những sự kiện lịch sử trọng đại mà quên mất rằng đó là những cột mốc đánh dấu sự thay đổi to lớn của đời sống dân tộc; lạnh nhạt với những bài học "làm người" sâu sắc ẩn chứa sau mỗi bài học về đạo đức, giáo dục công nhân; thấy nhàm chán với những công thức, phản ứng hóa học;.....
Thực trạng trên bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên các bạn học sinh cho rằng việc học tập các môn học theo khối thi sẽ giúp cho các bạn định hướng tốt hơn và tập trung hơn vào khối học môn học và các bạn mong muốn dùng để xét tuyển. Đó là nguyên nhân chính khiến cho các bạn coi thường các môn học học không nằm trong chương trình thi. Chúng ta không thể phủ nhận được vai trò và sự cần thiết của các môn học nằm trong khối thi. Thế nhưng ta cũng cần biết rõ các môn học luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau và mỗi một môn học đều có vai trò, ý nghĩa, sứ mệnh riêng. Chẳng hạn như nếu học tốt môn Ngữ văn, chúng ta sẽ có vốn từ vựng phong phú để giao tiếp, trình bày các quan điểm của bản thân một cách rõ ràng, lưu loát; đồng thời môn Văn còn là môn học giúp con người nuôi dưỡng và bồi đắp các giá trị tâm hồn trước sự lên ngôi của giá trị vật chất. Hay là việc học tốt Toán sẽ giúp con người chúng ta có những tư duy lo gic và chặt chẽ hơn trong quá trình giao tiếp, ứng dụng môn Văn. Khi nhìn nhận một vấn đề ta không chỉ nhìn từ một phía, có thể nhận thức trong chúng ta không được sâu rộng. Bạn không thể là một con người hoàn hảo, được mọi người kính trọng nếu như giỏi tính toán mà không biết giao tiếp.
Để cải thiện tình trạng này, trước hết, chúng ta cần thay đổi những quan điểm tiêu cực, đồng thời nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa to lớn, quan trọng của việc học các môn. Đội ngũ giáo viên cần thay đổi không ngừng thay đổi, làm mới các phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú trong mỗi một tiết học nói riêng và đánh thức niềm đam mê đối với môn học nói chung. Đồng thời, cần thay đổi quan điểm, cách nhìn của phụ huynh, học sinh về vai trò, ý nghĩa quan trọng mà các môn học đem lại.
Tóm lại, chúng ta có thể thấy khẳng định việc học tất cả các môn là điều vô cùng quan trọng. Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần xác lập động cơ học tập tích cực, rèn luyện thái độ tích cực trong học hành và thi cử để ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Bài mẫu 14
Giữ gìn sự sạch đẹp cho nơi mình ở là nghĩa vụ của mỗi công dân. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương. Theo ý kiến của bản thân, tôi cảm thấy quan điểm này rất sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức con người và xã hội.
Đầu tiên, gìn giữ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không phải riêng ai. Trường học được coi như "ngôi nhà thứ hai" của học sinh. Vậy, với tư cách một thành viên trong "ngôi nhà" ấy, mỗi chúng ta cần biết tự dọn dẹp, làm sạch không gian sống của "gia đình" mình. Học sinh cũng được dạy dỗ, rèn luyện cho từ nhỏ về thói quen làm sạch nơi ở. Điều này có trong cả lời Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng: "Giữ gìn vệ sinh thật tốt". Ngoài ra, việc dọn dẹp vệ sinh còn mang đến sự phát triển tích cực cho người học. Nó sẽ giúp người trẻ rèn luyện thói quen dọn dẹp, từ đó nâng cao tinh thần tự giác của mỗi cá nhân. Qua những buổi tổng vệ sinh được tổ chức, các học sinh còn có thể nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Việc suy nghĩ rằng trách nhiệm vệ sinh trường học chỉ thuộc về những người lao công đã gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Nó tạo ra thói quen ỷ lại cho con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ cho rằng việc vệ sinh là nhiệm vụ của người khác, từ đó thản nhiên bày bừa, xả rác mà không chịu dọn dẹp. Nếu cứ tiếp tục suy nghĩ ấy, con người sẽ dần trở nên lười biếng, phụ thuộc, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển của xã hội.
Để hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực mà quan điểm trên mang lại, chúng ta rất cần có những giải pháp triệt để. Đầu tiên, mỗi cá nhân phải tự rèn luyện ý thức cho bản thân. Trong một môi trường chung, nếu ai cũng nghĩ dọn dẹp không phải việc của mình thì sẽ chẳng có người nào chịu đứng lên hành động. Sự giáo dục và định hướng sớm của gia đình và trường học cũng là yếu tố quan trọng giúp cho con người hoàn thiện về nhận thức. Hãy cùng chung tay, chung sức phát triển cộng đồng, loại bỏ những quan điểm, định kiến tiêu cực, phiến diện.
Việc vệ sinh trường học nói riêng và giữ gìn môi trường sống nói chung là nghĩa vụ, trách nhiệm của tất cả mọi người. Mỗi cá nhân hãy tự nâng cao ý thức bản thân, góp phần vào công cuộc xây dựng một xã hội văn minh, phát triển.
Bài mẫu 15
Để tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, hàng năm vào cuối tháng 3, trên toàn thế giới đều diễn ra giờ Trái Đất. Nhưng ở đâu đó vẫn có một vài ý kiến cho rằng tắt thiết bị điện trong giờ Trái đất chỉ là việc làm hình thức, không có tác dụng, vì chẳng tiết kiệm được bao nhiêu.
Với ý kiến trên, em rất không đồng tình. Việc thực hiện tắt hết các thiết bị điện trong khi giờ Trái đất diễn ra là một việc làm cần thiết. Theo nhiều số liệu thống kê, sản lượng điện tiết kiệm được trên cả nước trong một giờ thực hiện hành động tắt đèn vào khoảng 500.000 kWh. Đây có lẽ không phải là con số lớn, nhưng có ý nghĩa tinh thần tích cực. Ngày càng có nhiều người tham gia vào sự kiện Tắt đèn và các hoạt động hưởng ứng chiến dịch giờ Trái đất. Điều đó cho thấy ý thức của người dân, doanh nghiệp về vấn đề tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường được nâng lên. Không chỉ góp phần tiết kiệm một phần sản lượng điện tiêu thụ, giờ Trái đất còn góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của người dân. Tất cả nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, việc tắt hết các thiết bị điện trong một giờ diễn ra giờ Trái đất là hết sức cần thiết và nên làm. Không như ý kiến cho rằng việc tắt đèn chỉ là một việc làm hình thức, không có tác dụng, vì chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Mà việc tắt đèn còn mang nhiều mục đích hơn nữa, nó không phải là cách duy nhất để tiết kiệm điện. Thông qua việc tắt đèn trong một giờ, chúng ta sẽ được nâng cao tinh thần sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường, giảm thải khí nhà kính được lan tỏa, không chỉ trong một giờ mà ở mọi lúc, mọi họat động sử dụng năng lượng của các cá nhân, tổ chức.
Đặc biệt là đối với mỗi cá nhân, có rất nhiều cách đơn giản để có thể tiết kiệm điện. Cách đơn giản nhất là luôn ghi nhớ sử dụng năng lượng tiết kiệm mọi lúc, mọi nơi bằng cách tắt đèn khi ra khỏi phòng, tắt các thiết bị không sử dụng, để điều hòa ở chế độ phù hợp… Ngoài ra, việc thay thế các thiết bị điện cũ, tiêu tốn nhiều điện năng lượng bằng các thiết bị hiệu suất cao cũng là một cách đơn giản và hiệu quả.
Tóm lại, việc tắt hết các thiết bị điện nói chung trong giờ Trái đất là một việc làm mang tính thiết thực và nên được duy trì, nhắc nhở thường xuyên. Điều đó không chỉ là một việc làm mang tính hình thức, không có tác dụng, mà nó mang rất nhiều ý nghĩa tích cực hơn thế.
Xem thêm những bài nghị luận hay nhất tại đây: