Đề bài: Thuyết minh về trò chơi dân gian
Dàn ý: Thuyết minh về trò chơi dân gian
a) Mở bài
- Giới thiệu về trò chơi dân gian bạn sẽ thuyết minh: kéo co, ô ăn quan, nhảy dây, trốn tìm,...
b) Thân bài
* Giải thích khái niệm:
- Trò chơi dân gian là những hoạt động vui chơi giải trí do quần chúng nhân dân sáng tạo ra và được lưu truyền tự nhiên qua nhiều thế hệ, phản ánh đời sống tinh thần, văn hóa của dân tộc.
- Trò chơi dân gian là hình thức sinh hoạt cộng đồng được nhân dân tiếp cận và gắn bó nhiều nhất, diễn ra mọi lúc, mọi nơi, không hạn định về mặt thời gian, không gian.
* Thuyết minh về một trò chơi cụ thể
- Tìm hiểu về nguồn gốc của trò chơi:
- Trò chơi ra đời khi nào, lấy cảm hứng từ đâu?
- Ngày nay trò chơi có còn phổ biến không hay được lưu giữ tại bảo tàng?
- Nêu những đặc điểm đặc trưng của trò chơi:
- Số lượng người chơi
- Độ tuổi thường chơi
- Thời gian chuẩn bị
- Thời gian chơi
- Các kỹ năng cần thiết
- Các dịp tổ chức trò chơi (lễ hội, thi đấu...)
- Đối tượng tham gia trò chơi: độ tuổi, giới tính, ...
- Giới thiệu về cách thức chơi và luật chơi
- Ý nghĩa của trò chơi dân gian:
- Giải trí, tạo niềm vui cho con người
- Nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
c) Kết bài
- Khẳng định lại ý nghĩa của trò chơi dân gian trong đời sống tinh thần của con người.
Một số bài văn mẫu hay:
Mẫu 1
Hiện nay, cả xã hội đang chạy đua với thời đại 4.0, đi liền với những loại máy móc điện tử là rất nhiều những trò chơi online ra đời, chiếm chỗ cho những trò chơi thông thường khác. Nhưng đã bao giờ chúng ta thử tìm về với những trò chơi dân gian và tận hưởng theo đúng nghĩa “ tuổi thơ”. Một trong số những trò chơi dân gian phổ biến có lẽ chính là trò chơi kéo co.
Kéo co là một trò chơi xuất hiện từ rất lâu đời và không ai biết rõ về nguồn gốc của nó. Trò chơi này thường được tổ chức trong các lễ hội truyền thống của dân tộc hoặc đơn giản là được trẻ con chơi trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt trò chơi này cần phải thể hiện tinh thần đồng đội cao và phải có sức khỏe để tham gia. Luật chơi của trò này vô cùng đơn giản. trước tiên chúng ta cần chuẩn bị một sợi dây thừng to, chắc chắn, có độ dài vào khoảng 10 mét hoặc có thể hơn. Cùng với đó là một chiếc khăn được buộc giữa chiếc dây, đây chính là dấu hiệu chiến thắng trong cuộc đọ sức. Đối tượng tham gia của trò chơi này là những người thanh niên khỏe và được chia là hai phe có số lượng bằng nhau để chơi( không giới hạn số lượng của một đối chơi) . Sau đó người chơi sẽ dùng hết sức lực của mình kéo sợi dây thừng sao cho chiếc khăn buộc giữa dây nghiêng về phía mình và vượt qua vạch giới hạn của mình trước thì bên đó thắng. Trong một cuộc thi đầu kéo co, người ta cử ra một trọng tài, trọng tài sẽ là người phân định thắng thua giữa hai đội chơi. Trong quá trình chơi , đòi hỏi người tham gia phải kéo hết sức lực, tinh thần đoàn kết cao và khi kéo có thể bị đau rát tay do ma sát với sợi dây thừng nên cần phải rất cẩn thận khi chơi.
Trò chơi kéo co đã trở thành một nét đẹp văn hóa đối với người dân Việt Nam. Nó không chỉ đem lại niềm vui cho mọi người mà còn thể hiện sự đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng khéo léo giữa những người chơi với nhau. Đây là một trò chơi dân gian truyền thống được mọi người vô cùng ưa chuộng và thường được tổ chức trong các hội hè, hội xuân tưng bừng náo nhiệt. Đặc biệt, từ cuối năm 2013, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt nam đã quyết định xây dựng hồ sơ đề cử “Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống” trình lên UNESCO công nhận danh hiệu Di sản phi vật thể của nhân loại.
Như vậy, kéo co là một trò chơi dân gian vô cùng có ý nghĩa. Đáng tiếc rằng hiện nay có rất nhiều trò chơi điện tử nổ ra và dường như những trò chơi dân gian này đã dần bị rơi vào quên lãng. Do vậy mà việc tuyên truyền giáo dục trẻ chơi những trò chơi lành mạnh càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Và tất cả chúng ta hãy chung tay bảo vệ, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa này của dân tộc.
Mẫu 2
Mặt trời đã lặn sau dãy núi Ba Vì phía Tây. Bóng chiều đang sẫm lại quanh những rặng tre ven làng. Gió nam hây hẩy dần dần xua đi không khí nóng bức của một ngày hè. Từ trong các ngõ xóm, trẻ con chạy túa ra sân đình để chơi những trò chơi quen thuộc.
Ba cô bé bắt đầu chơi trò chi chi chành chành. Một bé xòe bàn tay trái ra, hai bé kia cùng nhịp nhịp ngón trỏ vào lòng bàn tay bạn. Cô bé xoè tay cất tiếng đọc bài đồng dao quen thuộc:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Lá bông lá cà
Ù à ù ập.
Chi chi chành chành là trò chơi đơn giản, không cần đến đồ chơi và chỗ chơi cố định. Chỉ dăm ba đứa trẻ là có thể bắt đầu chơi ở bất cứ chỗ nào: trong nhà, ngoài ngõ, dưới gốc cau hoặc cây rơm ngày hè, bên bếp lửa hồng trong ngày đông lạnh giá. Trò chơi này luyện cho trẻ phản xạ nhanh, tạo tình cảm yêu mến, gắn bó với bạn bè cùng trang lứa. Cùng với những trò chơi hấp dẫn khác như ú tim, rồng rắn lên mây, chồng nụ chồng hoa… mà đứa trẻ nào cũng biết, chi chi chành chành và bài đồng dao vui tươi, nhí nhảnh đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ, in sâu vào kí ức tuổi thơ của mỗi chúng ta.
Mẫu 3
Trò chơi dân gian ngày nay đang được quan tâm đúng mức. Các trò chơi này thường được chơi ở những nơi sinh hoạt tập thể, trong trường học. Một trong những trò chơi đơn giản mà không cần chuẩn bị. Đó là trò Mèo đuổi chuột. Đây là trò chơi vui và bổ ích. Ta cùng tìm hiểu trò chơi này.
Chưa ai khẳng định chắc chắn trò chơi Mèo đuổi chuột có từ bao giờ. Trò chơi này đã có ở Việt Nam từ rất lâu đời. Đây là trò chơi đã được phổ biến rộng rãi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Điểm khác nhau giữa ba miền là bài hát đồng dao dùng để hát khi chơi trò chơi này.Cách chơi
Số người tham gia chơi: khoảng 10 người trở lên. oẳn tù tì để chọn người làm mèo và người làm chuột. Người làm mèo và người làm chuột đứng riêng ra. Những người còn lại nắm tay nhau đứng thành vòng tròn. Sau đó, người làm mèo và người làm chuột ngồi quay lưng vào nhau ở giữa vòng tròn. Khi nghe hiệu lệnh xuất phát thì người làm chuột phải chạy thật nhanh và mèo thì cố sức đuổi theo chuột. Khi chuột chạy tới vòng tròn thì hai người đứng chỗ vòng tròn đó phải giơ cao tay cho chuột chạy ra ngoài. Nếu mèo chạy đến vòng tròn, hai người đứng chỗ đó liền đứng sát lại nhau để mèo không chui ra được. Mèo phải tìm cửa khác để ra. Nếu khi đuổi, mèo “vồ” được vào người chuột thì coi như mèo dã thắng, chuột thua. Ván chơi kết thúc. Trò chơi lại tiếp tục bằng đôi khác đóng mèo và chuột. Người chơi vừa chơi vừa hát bài đồng dao sau:
“Mời bạn ra đây
Tay nắm chặt tay
Đứng thành vòng rộng
Chuột chui lỗ hổng
Để chạy cho mau
Mèo đuổi phía sau
Chạy đâu cho thoát.
Thế là chú chuột
Lại hóa thành mèo
Co cẳng đuổi theo
Bắt mèo hóa chuột.
Trò chơi rất vui, tạo bầu không khí hào hứng, sôi nổi. Luyện tập sự nhanh nhẹn, khéo léo và rèn luyện sức dẻo dai.
Mẫu 4
Trò chơi dân gian đơn giản mà thú vị, nhưng lại đang bị mai một dần trong xã hội. Chúng ta hãy cùng tìm lại một trò chơi con trẻ: Trò Rồng rắn lên mây.
Muốn chơi Rồng rắn lên mây phải có từ năm bạn trở lên (càng đông càng vui). Một người đứng ra làm thầy thuốc, những người còn lại sắp hàng một, tay người sau nắm vạt áo người trước hoặc đặt trên vai của người phía trước. Sau đó tất cả bắt đầu đi lượn qua lượn lại như con rắn, vừa đi vừa hát:
Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?
Người đóng vai thầy thuốc trả lời:
- Thấy thuốc đi chơi ! (hay đi chợ, đi câu cá , đi vắng nhà... tùy ý mà chế ra). Đoàn người lại đi và hát tiếp cho đến khi thầy thuốc trả lời:
- Có !
Và bắt đầu đối thoại như sau : Thầy thuốc hỏi:
- Rồng rắn đi đâu?
Người đứng làm đầu của rồng rắn trả lời:
- Rồng rắn đi lấy thuốc để chữa bệnh cho con.
- Con lên mấy ?
- Con lên một
- Thuốc chẳng hay
- Con lên hai.
- Thuốc chẳng hay
Cứ thế cho đến khi:
- Con lên mười.
- Thuốc hay vậy.
Kế đó, thì thầy thuốc đòi hỏi:
+ Xin khúc đầu.
- Những xương cùng xẩu.
+ Xin khúc giữa.
- Những máu cùng me.
+ Xin khúc đuôi.
- Tha hồ mà đuổi.
Lúc đó thầy thuốc phải tìm cách làm sao mà bắt cho được người cuối cùng trong hàng.
Ngược lại thì người đứng đầu phải dang tay chạy, cố ngăn cản không cho người thầy thuốc bắt được cái đuôi của mình, trong lúc đó cái đuôi phải chạy và tìm cách né tránh thầy thuốc. Nếu thầy thuốc bắt được người cuối cùng thì người đó phải ra thay làm thầy thuốc. Nếu đang chơi giằng co giữa chừng, mà rồng rắn bị đứt ngang thì tạm ngừng để nối lại và tiếp tục trò chơi.
Mẫu 5
Tuổi thơ chúng ta ai mà không biết trò chơi thả diều, thú vui nhàn hạ của mỗi đứa trẻ ở vùng quê vào ngày hè, những cánh diều tuổi thơ sẽ mãi là kỉ niệm mà chúng ta mãi không quên.
Trò chơi dân gian thả diều xuất xứ tại Trung Quốc từ hàng ngàn năm trước, du nhập đến nước ta và được nhiều người đón nhận, với mỗi đứa trẻ hình ảnh những cánh diều cao vút trên cánh đồng mênh mông bát ngát đã rất đỗi quen thuộc. Đây cũng là trò chơi bình dị, giải trí của các em khi rảnh rỗi.
Diều được làm từ các chất liệu khác nhau giấy, vải, nilon, chất liệu bằng nilon được sử dụng nhiều nhất bởi có nhiều màu sắc, kiểu dáng và sử dụng lâu dài. Người chơi diều có thể chọn nhiều loại khác nhau dựa theo màu sắc, kiểu dáng. Với trẻ em vùng quê diều làm bằng giấy là lựa chọn thích hợp, đây là loại diều đơn giản dễ làm nhất, chỉ cần sử dụng giấy vở không dùng đến để làm diều.
Cánh diều thông thường thường có hình trăng lưỡi liềm. Khung diều làm bằng tre mềm, có độ căng cần thiết. Cánh diều có hình cong, cách làm diều nhìn thì có vẻ dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện đòi hỏi sự khéo léo mới cho ra con diều đẹp và đúng cách. Khi chơi người thả diều sẽ dựa vào sức gió để đưa diều lên cao bằng sợi dây dài. Điều kiện gió khi thả phải không quá mạnh mà phải gió nhẹ. Những cánh đồng hoặc khoảng không rộng không vướng vật cản là những nơi thả diều tốt nhất. Vào mỗi buổi chiều những cánh diều bay lên không trung rất đẹp và thơ mộng.
Theo thời gian trò chơi thả diều đã không còn xuất hiện nhiều nữa nhưng đối với các thế hệ trước kia hình ảnh cánh diều tung bay phấp phới trong gió và những đứa trẻ chạy theo nô đùa sẽ mãi là kỉ niệm không thể phai nhòa.
Mẫu 6
Nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện qua rất nhiều hình thức, một trong những hình thức đó là các trò chơi dân gian. Từ xưa đến nay, chúng ta được biết đến với rất nhiều những trò chơi dân gian mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Bịt mắt bắt dê được xem là một trong các trò chơi có từ lâu đời và vô cùng độc đáo.
Bịt mắt bắt dê là trò chơi đã xuất hiện từ rất lâu. Ngay từ trong những bức tranh cổ, chúng ta còn lưu lại những hình ảnh về một miền kí ức xưa kia với những cô bé, cậu bé chơi trò chơi hay những người lớn cùng nhau đứng trong một vòng tròn, bịt mắt để bắt dê. Như chính cái tên của trò chơi này, đây là trò chơi nhiều người cùng tham gia, bịt mắt để bắt được dê. Chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao là "bắt dê" chứ không phải bắt một con vật nào khác. Điều này được lí giải bởi loài dê là loài có tính hiền lành, nhút nhát, linh hoạt và rất thích vận động. Chính vì thế, người bắt được nó đòi hỏi phải có sự tinh ý, nhanh nhẹn, thậm chí là cả chiến thuật nhất định. Mở mắt để bắt dê đã khó, bịt mắt để bắt được dê lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế, đây được coi là trò chơi khá khó khăn nhưng lại vô cùng thú vị, hấp dẫn.
Thông thường, theo cách chơi trước kia, đúng nguyên bản của trò chơi, đây là trò chơi thường được tổ chức trong các lễ hội. Với sự tham gia của những người lớn là chủ yếu, đặc biệt là những bạn nam thanh nữ tú tham gia lễ hội. Có hai người chơi chính, họ được bịt mắt để tìm bắt dê. Con dê sẽ được đeo một vật để phát ra được tiếng động giúp cho người tìm dễ nhận biết được. Những người xung quanh không tham gia chơi sẽ đóng vai trò làm khán giả, hò reo cổ vũ người chơi. Tất cả tạo nên một không khí sôi nổi, sinh động và thú vị của lễ hội. Sau một quãng thời gian nhất định, người chơi phải tìm ra được con dê. Nếu cả hai không tìm được, trò chơi kết thúc và nhường lượt chơi cho những người tiếp theo.
Sau này, trò chơi bịt mắt bắt dê có rất nhiều những biến thể khác nhau. Có khi là hai hay nhiều người cùng chơi, họ vẫn bịt mắt nhưng điều khác biệt là không có con dê nào được bắt cả. Một người chơi chính sẽ bắt những người còn lại, những người còn lại hóa thân thành những chú dê, có thể phát ra những tiếng động để người chơi chính dễ tìm thấy. Vì thế, với biến thể này, nhiều đối tượng có thể tham gia chơi, ngay cả trẻ em cũng có thể chơi trò chơi này để rèn luyện tính phán đoán, sự nhanh nhạy và linh hoạt, rèn luyện các giác quan khác nhau. Cũng chính vì tính phổ biến của trò chơi, bịt mắt bắt dê được tổ chức ở rất nhiều địa điểm, những dịp khác nhau. Trong nhà trường, các hội thi, các lễ hội đều có thể tổ chức trò chơi này.
Ngày nay, khi xã hội hiện đại phát triển, khi nhu cầu giải trí, đời sống tinh thần của con người ngày một cao, có rất nhiều những trò chơi hiện đại, tiên tiến ra đời. Vậy nhưng, những trò chơi dân gian, trong đó có trò chơi bịt mắt bắt dê luôn là một phần kí ức của tuổi thơ, luôn là một mảnh kí ức đẹp trong tâm hồn người Việt. Cũng chính vì nét đẹp văn hóa này, chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh của trò chơi này trong các tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh hay thơ ca.
Xem thêm một số bài văn mẫu hay khác:
TOP 50 Bài văn Thuyết minh về món thịt kho tàu (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Bài văn Thuyết minh về cái bàn học của em (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Bài văn Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Bài văn Thuyết minh về chiếc kính đeo mắt (2024) SIÊU HAY