Đề bài: Tả người thân
Dàn ý tả người thân
Dàn ý mẫu 1
a. Mở bài: Giới thiệu người thân của em mà em muốn tả (bố, mẹ, ông, bà, anh, chị, em, cậu, mợ…)
b. Thân bài
- Giới thiệu chung về người thân đó:
- Người thân đó có mối quan hệ như thế nào với em?
- Người đó năm nay bao nhiêu tuổi? Hiện đang làm công việc gì? Công việc đó có tính chất gì đặc biệt? (thời gian không ổn định, vất vả, độc hại…)
- Người đó có yêu thương em không? Có dành nhiều thời gian ở cạnh em không?
- Miêu tả người thân đó:
- Người thân đó có chiều cao, cân nặng là bao nhiêu? Tổng quát dáng vẻ của người đó có đặc điểm gì?
Nước da của người đó có màu gì? Vì sao lại có nước da như thế? - Mái tóc của người đó ngắn hay dài? Có màu sắc, tạo kiểu gì không? Kiểu tóc ấy có chịu ảnh hưởng của công việc hay không?
- Khuôn mặt, đôi mắt, cái mũi, đôi tai… của người đó có đặc điểm gì khiến em ấn tượng?
- Trang phục hằng ngày của người đó như thế nào? Có gì khiến em nhớ mãi?
- Tính cách của người đó như thế nào? Dựa vào các hành động nào mà em cảm nhận được điều đó?
- Miêu tả hoạt động của người đó:
- Công việc ở công ty, cơ quan của người đó là gì? Có vất vả không? Để hoàn thành có mất nhiều thời gian, công sức không? Có độc hại hay ảnh hưởng đến sức khỏe không? Có phải tăng ca hay làm việc cả vào ngày lễ không?
- Khi về nhà, người đó phải làm các công việc nào khác không? Người đó làm với thái độ như thế nào?
- Người đó đã làm những gì để chăm sóc em? Em cảm thấy như thế nào về những hành động ấy?
c. Kết bài: Tình cảm của em dành người mà mình vừa miêu tả.
Dàn ý mẫu 2
1. Mở bài:
- Giới thiệu về mẹ
- Tình cảm chung về mẹ
2. Thân bài:
a) Giới thiệu bao quát
- Biểu cảm về ngoại hình
- Mái tóc mẹ đen mượt và dài ngang vai ôm lấy khuôn mặt
- Nước da mẹ không trắng như bao người phụ nữ khác vì ngày xưa mẹ đã vất vả kiếm ra tiền để lo cho gia đình
- Biểu cảm về tính tình, thái độ, sở thích, công việc
- Mẹ dạy chị em tôi học bài, cách nói năng, cư xử với mọi người
- Khi chị em tôi làm sai là mẹ lại nhẹ nhàng nhắc nhở
b) Kỉ niệm giữa mình và mẹ
c) Biểu cảm trực tiếp
3. Kết bài:
- Cảm nghĩ, tình cảm về mẹ
- Lời hứa hẹn
Một số bài văn mẫu hay
Mẫu 1
Người mà em thân thiết nhất trong gia đình chính là anh trai của em.
Anh ấy tên là Quân, năm nay 19 tuổi, hiện đang là sinh viên năm nhất của đại học Bách Khoa. Anh Quân cao và gầy, với nước da trắng đúng chuẩn thư sinh. Mái tóc nâu bồng bềnh, kết hợp với mắt kính trong suốt, trông anh ấy thật đẹp trai.
Từ nhỏ tới lớn, anh Quân luôn là một thần tượng của em. Anh ấy không chỉ học giỏi, mà còn chơi bóng rổ rất cừ. Trong phòng có treo rất nhiều giấy khen mà anh ấy đạt được. Ngoài thời gian học tập, anh Quân dành thời gian để dạy em học và đưa em đi chơi. Không chỉ vậy, anh còn giúp bố mẹ làm rất nhiều công việc nhà. Thầy cô, bè bạn ai cũng khen ngợi anh không ngớt lời.
Em rất yêu quý và tự hào khi được là em trai của anh Quân.
Mẫu 2
Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người. Chính vì thế, dù có đi đâu, làm gì gia đình vẫn là tài sản quý giá nhất của mỗi chúng ta. Trong nhà người mà em yêu quý nhất không ai khác chính là ông nội.
Năm nay ông đã ngoài 80 tuổi nhưng ai cũng bảo nhìn ông trẻ hơn nhiều so với tuổi của mình. Quả thực là em cũng thấy thế. Vì dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn lắm. Mỗi sáng ông vẫn đeo kính, ngồi trước hiên nhà đọc báo để theo dõi tin tức trong và ngoài nước. Làn da của ông nhăn nheo và trên tay, trên mặt đã nổi những chấm đồi mồi - những dấu hiệu rõ rệt của tuổi tác. Trước đây ông từng tham gia hai cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Vì thế nên ông có rất nhiều bạn, đều là những người đồng chí, đồng đội chung chiến trường của ông năm xưa. Các ông hay gặp gỡ nhau vào mỗi cuối tuần để trò chuyện và ôn lại những kỉ niệm thời chiến. Em rất thích ngồi nghe các ông nói chuyện với nhau. Bởi trong các câu chuyện ấy, em thấy được cả thời kì hào hùng của lịch sử và cả tình cảm đồng chí thiêng liêng giữa ông và các bạn chiến đấu của ông. Em cảm thấy thật may mắn khi được gặp những nhân chứng sống của cuộc chiến này, nghe họ kể về điều ấy, về những nguy hiểm mà họ đã phải đối mặt trong quá khứ.
Ông thích đánh cờ, thích đi câu cá và thích trồng, chăm sóc cây cảnh. Hình như người già nào cũng có sở thích đấy thì phải. Bởi em thấy ông Ba, hàng xóm nhà em cũng thích những thứ ấy. Ông Ba và ông em thường ngồi trên chiếc bàn đấ góc vườn đánh cờ với nhau. Bên cạnh hai ông đặt một ấm trà xanh nghi ngút khói. Chỉ chừng ấy thứ thôi mà hai ông có thể ngồi với nhau từ sáng đến tối được. Hai người còn hay rủ nhau đi câu mỗi cuối tuần. Hôm ấy là một ngày đẹp trời, em nằng nặc đòi theo ông đi câu. Lúc đầu ông không đồng ý nhưng vì em nhõng nhẽo quá, ông đã phải thở dài cho em đi cùng. Ông đến một cái hồ rộng, cây cối bốn xung quanh rậm rạp, xanh tốt nhưng lại rất yên tĩnh, gần như chẳng có một bóng người. Ông em và ông Ba đặt chiếc ghế xuống, chuẩn bị cần câu để câu. Sau khi gắn mồi vào lưỡi câu, hai người quăng lưỡi câu ra xa rồi ngồi xuống ghế, vừa thong thả trò chuyện, vừa chờ cá cắn câu. Nhưng 10 phút, 20 phút, 30 phút sau, em vẫn chưa thấy cái phao nổi trên mặt nước động đậy. Em cảm thấy sốt ruột vô cùng, vậy mà hai ông vẫn trò chuyện với nhau, như không có chuyện gì. Em ngơ ngác, hai ông không phải đi câu cá sao? Sao cá không cắn câu mà hai ông chẳng có vẻ gì là vội vã cả. Em hỏi ông:
- Ông ơi, sao cá mãi chưa cắn câu nhỉ?
Ông cười khà khà, xoa đầu em rồi bảo:
- Cháu càng nôn nóng, cá càng không cắn câu. Phải kiên nhẫn chờ đợi, cháu hiểu không?
Em gật đầu, nhưng kì thực em không hiểu lắm. Em thấy người lớn thật kì lạ. Không chạy nhảy, chơi đùa, mà chỉ thích ngồi một chỗ, với những trò chơi chẳng có gì thú vị. Em nhìn ông Ba và ông em vẫn rất thong thả. Phải một lúc lâu sau, cá mới cắn câu. Hai ông đều nhanh chóng giật dây câu lên. Một chú cá chép to, phải nặng tới 3kg. Sự chờ đợi của hai ông quả thực đã có thành quả rồi. Hai ông câu thêm một lúc nữa, thấy mặt trời sắp ngả về phía Tây liền thu dọn đồ đạc để ra về. Ông nắm tay em, hai ông cháu thong thả trở về nhà. Em nhìn ông thật lâu. Tóc ông đã bạc, râu ông cũng bạc trắng rồi. Cái bóng to lớn của ông chồng lên cái bóng nhỏ xíu của em. Không hiểu sao em thấy ông thật to lớn quá. Ông đã 80 tuổi nhưng không bao giờ ở trong nhà như nhiều người khác. Ông luôn có nhiều việc phải làm, có nhiều người phải gặp gỡ. Ông nói, ông chẳng còn sống được bao lâu nữa, nên phải cố gắng hưởng thụ cho hết thời gian còn lại. Mỗi lần ông nói thế, em lại ôm ông thật chặt, lắc đầu quầy quậy. Em không muốn xa ông chút nào. Ông phải sống mãi với em chứ. Ông lại bật cười rồi nói:
- Cái chết thì ai chẳng phải trải qua hả con bé ngốc của ông? Ông rồi cũng sẽ mất đi thôi nhưng chỉ cần cháu vẫn còn nhớ đến ông thì lúc nào ông cũng ở bên cạnh cháu. Nhớ chưa?
Em nhìn ông, gật đầu. Nụ cười của ông khi ấy, không bao giờ em có thể quên được. Vì mấy tháng sau ông ốm nặng rồi mất.
Những lời ông nói với em, lúc ấy quả thực em không hiểu lắm. Nhưng đến bây giờ, khi ông đã xa em rất lâu, em mới hiểu được lời ông nói. Ông không hề chết, ông vẫn còn sống mãi trong trái tim em và những người trong gia đình em.
Mẫu 3
Mỗi lần về thăm ông, lòng tôi lại dâng trào một tình cảm yêu thương đặc biệt mà tôi chưa bao giờ khám phá được.
Ông đã ngoài bảy mươi nhưng nhìn ông vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Vóc dáng ông bây giờ khác hẳn với hồi ông còn là một chiến sỹ trẻ. Chắc hẳn đồng đội của ông ngày ấy khó mà tin được ông chính là anh Thu, một thanh niên xung phong được xếp vào hạng dẻo dai nhất toàn tiểu đội. Giờ đây, mái tóc xanh của ông đã bị thời gian chiếm đoạt, thay thế vào đó là một màu trắng như những đám mây hiền hoà. Những tháng ngày phục vụ quê hương, gia đình đã để lại cho ông một làn da ngăm ngăm đen. Không chỉ có vậy, tuổi già đã đổi làn da mềm mại của ông với những nếp nhăn và vết đồi mồi trên bàn tay chai sạm ấy. Gương mặt hiền từ như một ông bụt trong truyện thần tiên thì có lẽ chẳng kẻ nào có thể lấy được của ông tôi cả. Đôi mắt ông luôn ánh lên một tia sáng ấm áp, dịu ngọt, sưởi ấm biết bao tim lầm lỗi. Ông với nụ cười tinh khiết như những đoá hoa thơm mát, đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua khó khăn. Từng bước đi thật dứt khoát, nhanh nhẹn giống hệt đức tính của ông, một anh thanh niên đầy nhiệt huyết. Ông có một vẻ giản dị, đầy phong cách của một người lao động chân chính, với bộ quần áo nâu và đôi dép cao su. Đặc biệt thời còn trẻ, ông có năng khiếu hát nên cũng trở thành một gương mặt quen thuộc của đoàn diễn. Bà tôi lúc đó là một cô du kích xinh đẹp, đã có những cảm xúc đầu tiên khi nhìn thấy ông. Với giọng hát vàng của ông và một khuôn mặt khá bảnh trai, mà ông tôi đã trở thành một thanh niên tốt số. Dù đã sống hơn nửa đời người, nhưng ông vẫn chăm chỉ lắm. Nhất là về việc chăm sóc cây thì ông quả là một thiên tài. Chẳng thế, mà khu vườn xinh xắn của ông lúc nào cũng tươi tốt do bàn tay khéo kéo ấy chăm bón. Ông sống có trước có sau nên ai có tính kênh kiệu, ỷ lại là ông ghét lắm. Biết điều đó, tôi luôn tránh xa những tính nết xấu để ông vui lòng.
Ông luôn quan tâm đến việc học hành của con cháu, thể nào mỗi lần tôi khoe điểm mười tươi roi rói là ông lại tặng tôi một cái hôn đầy tình cảm yêu quý.
Mẫu 4
Trong đời này, ai chẳng có một người bà. Và tôi cũng vậy, ngoài tình yêu thương mà bố mẹ dành cho, tôi còn được sống trong tình thương yêu trìu mến của bà. Vì điều kiện gia đình, tôi phải chuyển nhà, không được ở bên bà nhưng hình ảnh bà luôn khắc sâu trong trái tim tôi.
Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyên cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hi sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: Trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con.
Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể. Sáng sớm, bà gọi tôi dậy đi học. Lời gọi: “Cháu ơi, dậy đi nào, đã đến giờ đi học rồi” luôn làm tôi tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.
Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà đẩy con lật đật và bảo: “Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui”. Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém “Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào”. Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi.
Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà
Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn. Sau chuyện đó, tôi tự hứa với mình, không bao giờ được phụ công lao tình cảm của bà.
Mẫu 5
Trong gia đình, ai em cũng yêu quý nhưng bà ngoại là người đã chăm sóc cho em thay mẹ khi em còn thuở lọt lòng dạy em tập nói tập đi, tình thương bà dành cho em là bao la vô bờ bến. Bây giờ vì điều kiện gia đình, em phải chuyển nhà, không được ở bên bà nhưng hình ảnh bà luôn khắc sâu trong trái tim em.
Ngoại năm nay đã tám mươi tuổi. Đúng với tuổi tác của mình, dáng người của bà cũng không còn nhanh nhẹn và hoạt bát như xưa nữa nhưng bà vẫn luôn yêu thương và chăm lo cho em hết mực. Mái tóc bà bạc phơ như mái tóc của những bà tiên hiền hậu trong chuyện cổ tích. Bà có khuôn mặt phúc hậu với làn da rám nắng đã xuất hiện nhiều chấm đồi mồi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như thời trẻ nhưng ẩn sâu trong đôi mắt ấy là một ánh nhìn trìu mến, một tình yêu thương vô bờ bến dành cho con cháu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm tiền cơm áo nuôi các con.
Ngày còn thơ bé, mẹ đi làm liên tục và ngoại là người chăm lo cho em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Bà dạy bảo em biết bao điều hay lẽ phải. Bà luôn tặng cho em những lời khen chân thành mỗi khi em làm được việc tốt. Còn mỗi khi em mắc sai lầm, bà là người luôn an ủi, động viên và khích lệ em khắc phục sai lầm. Ngoại là người rất vui tính nên ở bên ngoại cuộc sống của em luôn tràn ngập tiếng cười. Hằng đêm dưới ánh trăng vàng, em dần chìm sâu vào giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích được kể lại qua giọng nói khàn khàn và trầm ấm của bà. Em mê man trong những cơn gió mát đều từ tay ngoại mà ra. Sáng sớm, bà gọi em dậy đi học. Tiếng gọi trìu mến của bà luôn làm em tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa em đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa em trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, em cảm thấy ấm áp vô cùng.
Bà yêu thương em nhưng không nuông chiều. Có lần, em không nghe và đã cãi lại lời bà. Cả tuần, bà không nói với em một câu nào. Khoảng thời gian đó, em và bà không còn thân thiết như trước nữa. Em đã không còn được nghe những câu chuyện bà kể hằng đêm, không có ai để chia sẻ niềm vui nỗi buồn, không có ai an ủi động viên mỗi khi em phạm sai lầm, bữa cơm không còn thơm ngọt tình bà cháu như trước nữa. Sau những ngày ấy, em đã bị ốm nặng và phải đưa đi viện chuyền nước. Khi mở mắt, em thấy bàn tay bà đang đặt trên má em, bàn tay gầy gò chan chứa bao tình cảm đẹp đẽ. Nước mắt rưng rưng trên hai hàng mi, bà ôm em thật chặt, thì ra bà là người không ăn không ngủ để chăm sóc cho em suốt một đêm dài. Nhờ trận ốm đó mà em và bà lại thân thiết như xưa, em cảm nhận được bà còn yêu em nhiều hơn trước nữa, có đồ ngon của lạ bà đều dành dụm cho cháu ngoại của mình. Bà sẽ mãi mãi là người bà đáng kính của em.
Dù giờ đây khi phải sống xa bà, không còn được ở bên bà như ngày còn thơ bé nhưng tình cảm của bà dành cho em hay tình cảm của em dành cho bà vẫn bao la và không bao giờ phai nhòa. Bà ơi, con yêu bà nhất trên thế gian này. Đối với con, bà luôn là người bà tuyệt vời nhất.
Mẫu 6
Trong đời ai cũng có một người mẹ luôn yêu thương, chăm sóc mình. Dù chúng ta có làm lũng, nghịch phá đi chăng nữa mẹ vẫn tha thứ và căn dặn nhắc nhở. Tôi cũng có một người mẹ như vậy.
Mẹ tôi là một người phụ nữ đẹp, nhưng vẻ đẹp của mẹ ít ai nhìn thấy được. Với thân hình mảnh mai, thon thả đã tô đậm cho mẹ vẻ đẹp của người mẹ hiền từ. Làn da mẹ không còn hồng hào nữa mà hơi nhợt nhạt đi vì thời gian. Mẹ có mái tóc xõa ngang vai, màu nâu đen và hơi xoăn. Những cuộn tóc nhỏ cài bên vành tai nhỏ nhắn. Đôi môi mẹ không đỏ thắm như các thiếu nữ khác mà luôn nở một nụ cười hiền dịu. Cằm mẹ có nét cương quyết nhưng rất dịu dàng ở tuổi 42, trên gò má mẹ đã có nhiều nếp nhăn, Nhưng mẹ vẫn không đánh mất vẻ trẻ trung của mình. Vầng trán cao tỏ vẻ thông minh nhanh nhẹn.
Bàn tay mẹ là một bàn tay rám nắng, những ngón tay gầy gầy. Nhưng nó cũng là một bàn tay đảm đang, khéo léo. Đôi mắt mẹ to, sáng, long lanh và ánh lên những nét hiền dịu, trìu mến. Đối mắt ấy như biết nói, nó an ủi, động viên lúc tôi vui buồn. Giọng nói của mẹ đầy truyền cảm, lúc mượt mà như tiếng ru, lúc ngân nga như tiếng chim họa mi buổi sớm.
Nhưng đẹp nhất vẫn là vẻ đẹp trong tâm hồn mẹ. Trang phục mẹ dạy của mẹ rất giản dị, thường là chiếc áo màu vàng và chiếc quần xám đen. Khi tôi làm văn, từng hàng chữ mềm mại hiện ra với nội dung chứa đựng một tâm hồn sâu sắc và một trí tuệ sáng suốt.
Con cảm ơn mẹ, cảm ơn về những gì mẹ đã làm cho chúng con. Mẹ là một người bạn, người thầy của tuổi thơ. Con yêu mẹ lắm, mẹ ơi!
Xem thêm một số bài văn mẫu hay khác:
TOP 50 Dàn ý Tả cô giáo đang giảng bài (2024) SIÊU HAY
TOP 50 Bài văn tả hình ảnh mẹ lúc em bị ốm (2024) SIÊU HAY
TOP 20 bài Tả bản thân về việc làm tốt giúp đỡ người khác 2024 SIÊU HAY
TOP 6 Bài văn tả nhân dân ta thời hậu chiến tranh (2024) hay nhất
TOP 11 Bài văn tả mẹ của em (2024) SIÊU HAY