TOP 50 Bài văn Tả cảnh Hồ Gươm (2024) SIÊU HAY

Dưới đây là TOP 50 Bài văn Tả cảnh Hồ Gươm hay nhất hướng dẫn chi tiết, giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, giúp cải thiện khả năng viết văn của các em

Đề bài: Tả cảnh hồ Gươm

Dàn ý tả cảnh hồ Gươm

I. Mở bài:

Giới thiệu về Hồ Gươm

Hồ Gươm (hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm) không chỉ là biểu tượng văn hóa, lịch sử của thủ đô mà còn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp ghé thăm xứ sở Việt Nam xinh đẹp. Lần đầu tiên khi đặt chân đến nơi đây em thấy rất bấtngờ trước phong cảnh tuyệt đẹp của Hồ Gươm.

II. Thân bài

1. Tả bao quát cảnh Hồ Gươm:

Vị trí địa lí: Hồ Gươm nằm giữa trung tâm của thủ đô Hà Nội, thuộc tại quận Hoàn Kiếm

Ý nghĩa lịch sử: Hồ Gươm gắn với nhiều di tích lịch sử và chiến tích của dân tộc

Nhìn bao quát: Khung cảnh toàn hồ rất êm đềm và sâu lắng, yên bình. Từ trên cao nhìn xuống hồ như một lẵng hoa xinh xắn nằm giữa lòng Hà Nội.

2. Tả chi tiết cảnh Hồ Gươm:

a. Tả mặt nước Hồ Gươm:

    Mặt nước hồ trong xanh như một tấm gương tráng màu xanh ngọc bích khổng lồ, thỉnh thoảng có làn gió nhẹ lướt qua làm gợn lên những đợt sóng lăn tăn trên mặt hồ.

    Mặt nước in bóng những đám mây trắng lơ lửng trên bầu trời , khi mặt trời lên những tia nắng chiếu xuống mặt hồ lóng lánh như dát vàng.

b. Tả cảnh vật xung quanh Hồ Gươm:

    Xung quanh hồ là những hàng cây liễu như những nàng thiếu nữ biết làm duyên đang soi mình xuống mặt hồ, nối tiếp với những hàng cây lộc vừng đương trổ hoa.

    Mỗi cây lộc vừng lại có hàng trăm, hàng nghìn những bông hoa li ti màu đỏ thi nhau khoe sắc. Được ban cho vẻ đẹp từ tạo hóa với những nét mong manh, yểu điệu nên hình như các nàng chỉ đợi một làn gió nhẹ lướt qua là phô hết ra những nét đẹp kiều diễm của mình.

    Gió đến mang theo cả cái nồng nàn mà thanh khiết của những bông hoa sữa đến sớm giữa tiết trời cuối hạ đầu thu này.

    Trên cành cây những chú chim như lặng yên ngắm nhìn cái yên bình của đất kinh đô sớm mai, hòa vào dòng chảy cổ kính nơi đây.

    Những người đi tham quan đi rất nhiều: những đứa trẻ, những người lớn, những cụ già, những người nước ngoài,…Đường xá trở nên đông đúc, tấp nập.

c. Những khu kiến trúc quanh Hồ Gươm:

    Giữa hồ là Tháp Rùa nổi lên uy nghi gợi nhắc đến truyền thuyết vua Lê trả kiếm cho Rùa Vàng, xa xa là Cầu Thê Húc màu đỏ son cong cong như đuôi tôm dẫn vào Đền Ngọc Sơn linh thiêng. Đền được xây trên một hòn đảo nằm yên bình giữa cây lá xum xuê.

    Nhìn về phía đường Đinh Tiên Hoàng là Tháp Bút dựng lên sững sững giữa nền trời xanh, gắn liền với hình ảnh Tháp Bút là Đài Nghiên là những di tích lịch sử lưu giữ theo thời gian.

III. Kết bài

Nêu cảm nghĩ của em về Hồ Gươm

Hồ Gươm là một di tích lịch sử của dân tộc Việt Nam, và cũng là niềm tự hào của người dân Hà Nội mang trong mình những nét cổ kính của thời đại. Trước khi ra về lòng em thấy rất xao xuyến, bồi hồi , em sẽ luôn ghi nhớ hình ảnh Hồ Gươm. Em hi vọng sẽ có dịp ghé thăm lại Hồ Gươm một lần nữa để có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp này.

Một số bài văn mẫu hay 

Bài văn mẫu 1

Hà Nội chi 30 tỷ đồng để làm sạch Hồ Gươm

Hà Nội là thủ đô của nước ta - một nơi kinh tế phát triển, phồn hoa, nhộn nhịp. Thế như giữa chốn thủ đô xa hoa ấy, vẫn có những khoảng lặng khiến người ta phải ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp trầm lắng, xưa cu của mình. Trong đó, khó mà không kể đến Hồ Gươm.

Hồ Gươm là một cái tên vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người. Dù đã từng đến nơi đây hay chưa, thì chẳng mấy ai mà chưa một lần nghe đến. Hồ Gươm có Tháp Rùa từ bao năm xưa cũ, phủ lên từng lớp rêu phong, đứng im lặng và cô đơn giữa hồ rộng lớn. Đâu ai biết người xưa nghĩ gì mà để tháp đơn côi đến thế. Hay đó chính là cái thú xa rời trần thế để đến với thế ngoại đào viên của các cụ ta xưa. Để đến giờ đây, Tháp Rùa cứ lầm lũi ở một mảng xa vời như thế. Những tấm hình chụp lại tháp rùa luôn từ một khoảng cách rất xa, khiến ngôi tháp trông lại càng xa cách đến lạ lùng. Tựa như cách một màn sương, giữ nó lại trong khoảng không lịch sử của riêng mình. Tháp Rùa cũ kĩ, cổ kính đến đâu, thì cầu Thê Húc lại tươi mới đến khác lạ. Cầu Thê Húc là cây cầu được sơn đỏ dẫn ra đền Ngọc Sơn. Cả cây cầu là thứ rực rỡ duy nhất trong cái hồ rộng lớn này. Thời gian trôi qua, mưa sa nắng ấm làm phai màu, làm sạm đi những kiến trúc ở hồ, duy chỉ cầu ta là vẫn tươi tắn, vẫn sáng rọi, hấp dẫn người qua kẻ lại.

Xung quanh bờ hồ, là những hàng liễu già, rủ xuống mặt nước. Là những hàng lộc vừng cao lớn, vào mùa hoa lại ngả nghiêng với những tấm màn hoa đỏ rực rỡ. Liễu và lộc vừng đan xen với nhau, tạo nên tấm rèm thưa che quanh hồ. Mỗi khi có gió thổi qua, lại lấp ló hé mở những cũ xưa ở trong hồ. Nó như vách ngăn giữa phố xá nhộn nhịp ngoài kia và Hồ Gươm cổ kính ở trong này.

Xã hội ngày càng hiện đại và phát triển mạnh mẽ. Đó là điều vô cùng tốt đẹp. Thế nhưng, em mong rằng dù vậy thì Hồ Gươm vẫn mãi giữ được vẻ đẹp xưa cũ như của bây giờ. Để giữa thủ đô xa hoa tráng lệ, người ta vẫn có những điểm dừng chân ở chốn tĩnh lặng mà thả hồn cho mây trời.

Bài văn mẫu 2

Kỳ nghỉ hè vừa rồi, em được bố mẹ dẫn ra Hà Nội chơi. Thành phố vô cùng rộng lớn, người xe tấp nập, thật xứng danh là thủ đô của nước Việt Nam. Ở Hà Nội, em được đi đến nhiều nơi như phố cổ, Văn Miếu, hồ Tây, chùa Một Cột, cầu Long Biên… Trong đó, em yêu thích nhất là phong cảnh ở Hồ Gươm.

Hồ Gươm thường được mọi người nhắc đến với cái tên là hồ Hoàn Kiếm, nằm giữa lòng thủ đô. Nơi đây như một khoảng lặng, với nhịp chảy thời gian và chuyển động riêng. Yên tĩnh, chậm rãi, không khí trong lành, dịu mát, khác hẳn với phố xá tấp nập, xô bồ ngoài kia.

Hồ Gươm mang một vẻ đẹp rất tĩnh lặng. Mặt hồ phẳng lặng như một mặt gương tráng lệ, khổng lồ màu. Chỉ khi có gió thổi qua, hay những chú cá nghịch ngợm ngoi lên, thì mặt hồ mới gợn sóng lăn tăn mà thôi. Dọc bờ hồ, là những nàng liễu yểu điệu, xõa mái tóc xanh dài, uốn mình soi bóng xuống mặt nước. Cùng với những chàng lộc vừng cao lớn, khỏe mạnh. Lộc vừng đẹp nhất là mùa ra hoa. Khắp thân cây, dưới mặt đất, vương cả xuống mặt nước vô vàn những lớp hoa đỏ rực, đỏ tươi như ánh mặt trời.

Giữa Hồ Gươm là Tháp Rùa, trông thật cũ kĩ, phủ đầy rêu xanh. Nó đứng im lìm, trầm tĩnh như là một bức tranh thủy mặc. Một bên hồ, có cây cầu gỗ đỏ - thứ duy nhất mang màu sắc rực rỡ đến lạ kì ở Hồ Gươm. Cây cầu ấy dẫn ra đền Ngọc Sơn. Mẹ em bảo là, ngôi đền này thờ vị thần cai quản văn chương và thi cử. Mọi cảnh vật ở Hồ Gươm đều mang trong mình câu chuyện riêng, hấp dẫn biết bao người đến tìm hiểu.

Dù nán lại ngắm cảnh ở Hồ Gươm rất lâu, nhưng em vẫn chẳng muốn rời đi chút nào. Mong rằng, vào thời gian sắp tới, em sẽ lại có cơ hội được trở lại thăm Hồ Gươm và cả thủ đô Hà Nội yêu quý nữa.

Bài văn mẫu 3

Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao.

Những câu thơ ấy của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã vẽ nên trong em những ước mơ được đến thăm thú Hồ Gươm một lần. Và cuối tuần trước, em đã được thỏa ước mong, khi cùng cả lớp trải nghiệm tham quan Hồ Gươm.

Vừa đến nơi, em đã vô cùng ngạc nhiên trước sự rộng lớn của hồ. Vì trước đó, em nghĩ rằng hồ chỉ lớn như cái hồ sen trước cổng làng. Lại gần, em lại càng thêm thích thú trước vẻ đẹp của Hồ Gươm. Mặt hồ giống như một mặt kính, tĩnh lặng. Nước hồ trong xanh, đủ để mây trời, cây cối ven hồ soi bóng mình vào. Em cứ nhìn chăm chú mãi xuống mặt hồ, chờ được gặp cụ rùa già nhưng mãi chẳng thấy đâu. Một lát sau, dù rất tiếc nuối, nhưng em vẫn cùng các bạn di chuyển tiếp. Vừa đi, em vừa nhìn ngắm những cây liễu, cây lộc vừng cao lớn, tán lá rủ xuống cả mặt hồ.

Cô giáo dẫn chúng em đến cầu Thê Húc, cây cầu được sơn đỏ rực. Đứng trên cầu nhìn xuống nước, em thấy cả hình bóng của mình in lên trên nền trời xanh biếc. Cầu Thê Húc dẫn lối vào đền Ngọc Sơn. Nhìn gần, em lại càng thấy rõ hơn những lớp rêu xanh nhuốm đầy dấu vết của thời gian trên tường của đền. Đã mấy trăm năm trôi qua, mặc gió bão mưa sa, đền vẫn sừng sững giữa trời, thật đáng thán phục. Từ đền, nhìn ra giữa hồ, em nhìn thấy một mỏm đất nổi lên giữa hồ, cỏ mọc xanh um. Trên mỏm đất đó, là một kiến trúc trông rất trang nghiêm. Cô giáo bảo, đó chính là Tháp Rùa. Dù chỉ được nhìn từ xa, cũng đủ để em và các bạn trầm trồ bởi vẻ đẹp lạ lùng của nó. Giữa màn sương mịt mù, ngôi tháp trầm lặng, cô tịch mà đứng giữa hồ. Khiến người ta phải kính ngưỡng, phải tò mò, phải khát khao được khám phá.

Trong suốt buổi di chuyển, em được cô giáo kể rất nhiều những câu chuyện thú vị xoay quanh các kiến trúc ở Hồ Gươm. Từ những câu chuyện trong sách lịch sử, đến những câu chuyện dân gian được bà con truyền miệng. Câu chuyện nào cũng hay, cũng thú vị, khiến em và các bạn không thể bỏ qua. Càng nghe cô kể, em càng thêm yêu quý và tự hào về Hồ Gươm. Em mong rằng, dù thời gian bao lâu đi nữa, Hồ Gươm vẫn sẽ giữ mãi được vẻ đẹp cổ kính, tráng lệ riêng biệt như bây giờ giữa lòng thủ đô xa hoa, nhộn nhịp.

Bài văn mẫu 4

Hồ Hoàn Kiến – Đền Ngọc Sơn, Hồ Gươm Hà Nội, Hồ Lục Thủy

Mặt hồ như tấm gương trong
Soi mình in bóng nước trong Tháp rùa
Trăm hoa đua nở ven hồ
Bức tranh thủy mặc bốn mùa lung linh.

Những câu thơ trên đã miêu tả vẻ đẹp tuyệt vời của Hồ Gươm - một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nước ta. Nơi mà bất cứ ai khi đến với Hà Nội, cũng dành thời gian để ghé qua.

Hồ Gươm nằm giữa lòng thành phố Hà Nội xa hoa, nhộn nhịp. Nhưng bản thân nó lại rất trầm lắng, cổ kính, giống như một không gian tách biệt so với phố xá xung quanh. Mặt nước Hồ Gươm như đứng yên, chỉ có bóng mây phản chiếu trên đó là chuyển động. Nhưng thật ra, dưới lòng hồ, cả một thế giới sinh vật diệu kì đang ồn ã chuyển mình. Dọc bờ hồ, ta dễ dàng nhìn thấy những cây lộc vừng to lớn, tán lá xum xuê. Nếu may mắn được đến đây vào lúc màu hoa nở. Ta sẽ được ngắm những cành cây đội từng lớp khăn hoa đỏ rực. Những đoạn đường cũng rải đầy hoa thơm như chào đón khách đến chơi. Cùng với lộc vừng, ven Hồ Gươm còn được trồng rất nhiều cây liễu. Những thân cây uốn cong về phía mặt hồ, tán lá dài, xanh mướt rũ xuống như cung đàn lia của nữ thần nào đó đến chốn đây du ngoạn mà để quên.

Ngoài khung cảnh thiên nhiên, các kiến trúc ở Hồ Gươm cũng rất đẹp. Khác với các tòa nhà cao lớn, tiện nghi, lấp lánh ánh đèn ở ngoài kia. Các kiến trúc ở đây nhuốm đầy màu sắc của thời gian, nó mang vẻ cổ kính, trầm lắng và cô tịch. Dù khách du lịch ghé đến rất đông, nhưng em cảm giác như, những ồn ã ấy không thể làm vỡ đi sự cô đơn, tĩnh lặng của không gian Hồ Gươm. Bởi nó như đang nằm lặng im trong quá khứ vàng son của mình. Đôi khi em cố gắng tưởng tượng ra Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Đài Nghiên của vài trăm năm trước. Không biết lúc ấy, nơi đây có nhộn nhịp, đông đúc không, hay cũng cô liêu giống như bây giờ.

Đối với em, Hồ Gươm không chỉ là một địa điểm để du lịch. Mà nó còn là một điểm dừng để nghỉ ngơi, thư giãn giữa lòng thủ đô xô bồ. Mong rằng, dù mười, một trăm, hay một nghìn năm nữa, Hồ Gươm vẫn sẽ mãi vững chãi, bình yên như thế này.

Bài văn mẫu 5

Hồ Hoàn Kiếm, hồ Gươm, là một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cả nước nhưng phải đến khi mười tuổi em mới được đến thăm hồ lần đầu tiên. Phong cảnh của hồ đã khiến em vô cùng ngỡ ngàng.

Trong những bài học về những địa danh của đất nước, cô giáo em nói rằng Hồ Gươm là viên - ngọc giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Được tận mắt nhìn thấy hồ Gươm em thấy quả đúng như vậy. Nước hồ trong xanh soi bóng những cây lộc vừng, những hàng liễu rủ trên bờ. Lộc vừng và liễu rủ thi chạy quanh hồ như một hàng mi cong vút, yểu điệu. Em thích nhất là hình ảnh những cây lộc vừng trổ hoa: Thân cây đổ nghiêng như muốn sà xuống nước, hoa lộc vừng màu đỏ, những bông hoa li ti chạy dài theo một dây, mỗi cây lại có hàng chục, hàng trăm dây hoa như thế thả lững lờ từ cành cây xuống nước. Hình ảnh ấy sao mà thi vị! Hàng liễu rủ cũng điệu đà không kém. Các nàng vốn được ban cho vẻ đẹp lơ thơ, mong manh nên chỉ chờ những làn gió lướt qua là khoe ra hết nét duyên dáng, dịu dàng. Những cành liễu lướt thướt khẽ nghiêng theo chiều gió. Bao nhiêu năm qua, mặt hồ Gươm vẫn lung linh in sắc mây trời và phản chiếu vẻ đẹp thơ mộng ấy của cây cối quanh bờ.

Đi một vòng quanh hồ ta sẽ nhanh chóng bắt gặp hình ảnh Đài Nghiên, Tháp Bút, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn. Đó là những hình ảnh từng xuất hiện trong bài ca dao "Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ":

“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?”

Cụm di tích này quả không hổ với sự ngợi ca và niềm tự hào của cha ông ta. Trên đường vào đền Ngọc Sơn, ta nhận ngay ra Tháp Bút và Đài Nghiên. Tháp Bút đứng sừng sững trên một mô đất lớn, dọc theo thân tháp có ba từ "Tả thiên thanh" được viết bằng chữ Hán. Dáng tháp đứng thẳng như muốn viết lên trời xanh những nét đẹp của văn hóa Hà Nội. Qua Tháp Bút, Đài Nghiên, ta đi vào đền bằng cầu Thê Húc. "Cầu Thê Húc cong cong như con tôm dẫn vào đền Ngọc Sơn", nhà văn Ngô Quân Miện đã hình dung về cầu Thê Húc như vậy. Riêng em, em thấy đó như một chiếc cầu vồng mà sắc đỏ đã bừng lên át cả những màu sắc khác. Cầu khá rộng đủ cho nhiều người đi lại một lúc. cầu được làm bằng bê tông và sơn màu đỏ tươi. Qua cầu Thê Húc, ta bước vào đền Ngọc Sơn. Đền được xây trên một hòn đảo – đảo Ngọc – trên hồ. Hòn đảo nhỏ um tùm cây cối xanh tươi, đền Ngọc Sơn nằm yên ả dưới những vòm cây ấy. Trong nhà lưu niệm của đền còn có xác một cụ rùa rất lớn. Trước cửa đền là đình Trấn Ba – chắn sóng. Từ đình, ta có thể nhìn thấy Tháp Rùa bao đời nay vẫn soi bóng giữa lòng hồ.

Tháp Rùa là một hình ảnh đẹp gắn liền với hồ Gươm. Tháp có ba tầng, nhỏ nhắn rêu phong nằm giữa mênh mông sóng nước. Phần đất nhô lên làm nơi xây tháp cỏ đã mọc xanh rì. Nhiều lần người ta bắt gặp những cụ rùa Hồ Gươm lên đó nằm nghỉ ngơi.

Trước khi ra về, em còn cố gắng chạm tay vào nước Hồ Gươm. Làn nước mát dịu và trong xanh thăm thẳm. Hình ảnh Hồ Gươm, cảm giác bồi hồi khi bàn tay chạm nước em sẽ giữ mãi trong lòng để niềm tự hào về Thủ đô, về đất nước sống mãi trong em.

Bài văn mẫu 6

Hồ gươm nằm ở trung tâm Hà Nội. Vào mùa thu, Hồ Gươm hiện lên thật đẹp và thơ mộng. Phong cảnh của hồ đã khiến em vô cùng ngỡ ngàng

Từ trên cao nhìn xuống hồ Gươm như một lẵng hoa xinh xắn. Sáng sớm mặt nước hồ trong veo như chiếc gương khổng lồ. Xung quanh hồ những hàng liễu rủ xuống mặt hồ như những thiếu nữ hà thành đang trải tóc bên hồ. Những cây lộc vừng trổ hoa: Thân cây đổ nghiêng như muốn sà xuống nước, hoa lộc vừng màu đỏ, những bông hoa li ti chạy dài theo 1 dây. Mỗi cây lại có hàng chục, hàng trăm cây hoa như thế lững lờ từ cành cây xuống nước. Giữa hồ có bao cảnh đẹp, đây tháp rùa rêu phong, cổ kính. Mái tháp cong, uốn cong như cánh chim đang bay lượn trên nền trời xanh. Tháp Rùa có 4 tầng mỗi tầng đều có cửa được sơn màu vàng rực rỡ, trông như 1 lâu đài nhỏ nằm ở giữa hồ. Bên cạnh hồ là cầu Thê Húc màu đỏ, cong cong như con tôm khổng lồ. Qua bên kia cây cầu là đền Ngọc Sơn cổ kính lưu dấu "rùa thần" với sự̣ tích vua Lê trả kiếm. Cổng vào trong đền được xây bằng đá rất vững chắc, sơn màu ghi. Hai bên cổng đền có khắc chữ "Tả Thiên Thanh". Tháp Bút suốt bao đời nay vẫn vươn cao như đang viết lên bầu trời xanh truyền thống hiếu học của ông cha xưa.Đối diện vs Hồ Gươm là tượng đài Lý Thái Tổ là nơi vui chơi cùng của mỗi du khánh đến đây. Trưa đã đến, mặt hồ cũng thay đổi theo sắc trời 1 màu vàng tươi được trải lên mặt hồ khiến mặt hồ lộng lẫy như đang được dát vàng. Khách tham quan cũng đông hơn làm khung cảnh Hồ Gươm lúc này thêm nhộn nhịp hơn. Chiều tà, trời tối dần, vắng dần. mọi vật xung quanh hồ cũng im ắng hơn chúng đang lim dim chuẩn bị quay về với giấc ngủ đêm. Khung cảnh quanh Hồ Gươm lúc này thật yên tĩnh vắng vẻ.

Bài văn mẫu 7

Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) - trái tim Thủ đô, bốn mùa đều đẹp

Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…

Câu thơ trên cứ âm vang mãi trong lòng em. Nó gợi lên niềm tự hào, yêu thương da diết một vùng đất ngàn năm văn hiến: Thăng Long – Hà Nội. Mảnh đất có bao nhiêu di tích lịch sử, cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Nhưng gần gũi, thân thương với em nhất chính là Hồ Gươm – viên ngọc xanh long lanh giữa lòng thành phố.

Hồ Gươm nằm ở chính giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội. Buổi sáng, ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống mặt hồ trông như dát vàng. Giữa hồ, trên thảm cỏ xanh rờn, Tháp Rùa nổi lên uy nghiêm cổ kính. Xa xa, cầu Thê Húc màu đỏ son, cong cong như con tôm dẫn vào đền Ngọc Sơn. Đền Ngọc Sơn linh thiêng, bên trong đền chứa những đồ cổ được lưu giữ từ hàng nghìn năm trước. Nhìn qua khung cửa kính bên trong đền là tượng của cụ Rùa hay được gọi là thần kim Quy – vị thần giúp vua Lê Lợi đánh tan quân Minh, cứu giúp nước nhà. Trong đó, trên các bàn thờ thả hương khói nghi ngút được đặt tượng của các vị thần thánh rất trang nghiêm. Mỗi lần đi qua cầu, em và chị em lại thả những hạt thức ăn xuống cho đàn cá vàng đang bơi lội tung tăng. Mỗi khi trời đổ mưa, mặt hồ lại lăn tăn gợn sóng gợi cho em nhớ cảnh cá đớp mồi. Ven hồ, những chị liễu rủ mái tóc dài thướt tha xuống mặt nước như đang chải chuốt. Xung quanh hồ đặt những bồn hoa tỏa hương thơm ngát khắp mọi phía. Trên những bồn hoa còn được khắc những hình ảnh rất bắt mắt, sinh động. Lan tỏa đâu đây, mùi hương dìu dịu của những bông hoa sữa đậu xuống vai áo người đi đường. Mỗi khi hè về, tiếng ve râm ran hòa lẫn tiếng chim trong các lùm cây tạo thành một bản hòa tấu kéo dài. Không chỉ như vậy, tiếng nói cười của người đi đường cùng tiếng ồn ào của dòng xe cộ cũng tạo nên một bản nhạc vô cùng sôi động, hào hứng. Ban đêm, Tháp Rùa cùng với những sợi dây đèn điện làm sáng rực cả một khoảng không giữa hồ. Vào những dịp lễ Tết, mọi người thường tập trung rất đông quanh Hồ Gươm để đón xem màn pháo hoa đầy màu sắc đêm giao thừa. Không chỉ vào những dịp lễ Tết Hồ Gươm lại đông mà vào những ngày thường mọi người cũng đều đi quanh hồ để hóng mát, ăn kem, tập thể dục,…

Em rất yêu quý Hồ Gươm. Hồ Gươm là một trong số những hồ đẹp nhất Hà Nội. Em sẽ cùng mọi người giữ gìn, không xả rác bừa bãi ra hồ để hồ luôn sạch đẹp, trong xanh hơn. Em mong rằng du khách nước ngoài khi đặt chân tới Thủ đô Hà Nội sẽ đến thăm Hồ Gươm và cảm nhận được nét đẹp thanh lịch, văn minh của nó.

Xem thêm một số bài văn mẫu hay khác:

TOP 50 Bài văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát (2024) SIÊU HAY

TOP 50 Bài văn Kể lại truyện Thánh Gióng bằng lời văn của em (2024) SIÊU HAY

TOP 50 Bài văn tả cảnh chợ hoa ngày tết quê em (2024) SIÊU HAY

TOP 100 Bài văn ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc (2024) SIÊU HAY

TOP 50 Bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (2024) SIÊU HAY

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!