Đề bài: Thuyết minh về cây dừa
Dàn ý thuyết minh về cây Dừa
Dàn ý mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu về cây dừa.
Lưu ý: học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân,
2. Thân bài
a. Khái quát chung
Sinh trưởng, phát triển: dừa thường sống ở khí hậu nhiệt đới, phát triển trên đất pha cát và có khả năng chống chịu tốt.
Phân loại: có nhiều giống dừa khác nhau rất đa dạng: dừa xiêm, dừa lửa, dừa nếp, dừa sáp,…
b. Cấu tạo
Một cây dừa trung bình có chiều cao từ 7 - trên 10 mét tùy vào những giống khác nhau.
Thân dừa: Cây dừa cao khỏe, có màu nâu sậm, hình trụ và có những nốt vằn trên thân. Chu vi thân cây dừa trưởng thành khoảng một vòng tay người lớn.
Lá: Lá dừa dài, một lá chia thành nhiều rẻ quạt nhỏ, xanh và có nhiều tàu. Lá dừa có thể dùng để đan lát hoặc làm chổi. Lá dừa không mọc xung quanh thân cây mà tập trung mọc ở ngọn cây dừa giống cây chuối.
Hoa: Trắng và nhỏ, mọc thành chùm trên ngọn gần lá dừa.
Buồng dừa: Chứa các quả dừa, mỗi buồng thường có 15 quả. Quả phát triển từ hoa, vỏ ngoài màu xanh, dày, bên trong có cơm và nước.
c. Công dụng
- Các bộ phận của dừa đều có công dụng bổ ích cho con người.
Nước dừa: Thường được dùng làm nước uống, kho cá,… có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài ra còn dùng để chữa bệnh và chế biến nhiều món ăn khác.
Cơm dừa làm kẹo, mứt hay làm nước cốt dừa, dầu dừa hoặc dùng để chế biến dược, mĩ phẩm, tạo mùi thơm.
Thân dừa được dùng làm cột nhà, làm cầu bắt qua sông,…
Dừa có thể một số bệnh như: Khản tiếng, lị, giải độc,…
3. Kết bài
Khái quát và khẳng định lại giá trị của cây dừa.
Dàn ý mẫu 2
Nguồn gốc cây dừa: Khu vực Đông Nam Châu Á, có người nói nó xuất hiện ở New Zealand từ 15 triệu năm trước
- Hình dáng và đặc điểm
Thân dừa: cao khỏe, có màu nâu sậm và xanh, hình trụ có nốt vằn trên thân
Lá: dài, xanh, mọc thành nhiều tán
Hoa: trắng muốt, nhỏ
Quả: hình thành từ hoa, hình dạng tròn, có màu xanh, bên trong là một lớp cùi trắng thơm và nước
Buồng: chứa các quả dừa, mỗi buồng từ 10 đến 15 quả
- Nơi sống
Trên thế giới dừa xuất hiện ở Châu Á và Thái Bình Dương
Việt Nam: Quảng Ngãi đến Cà Mau, Bình Định Bến Tre
Thường sống ở khí hậu nhiệt đới
Phát triển trên đất pha cát, sức trống chịu cao
Phát triển trong khu vực khô cằn
- Phân loại dừa:
Dừa Xiêm
Dừa nếp
Dừa lửa
Dừa dâu
Dừa sáp
- Công dụng và ý nghĩa đối với đời sống con người
Nước dừa: uống
Cùi dừa: làm kẹo, mứt, ăn
Dầu dừa: nấu ăn, làm đẹp
Xơ dừa: Làm dây thừng
Thân dừa: dựng nhà, làm cầu
Quả dừa làm các đồ thủ công, quà tặng
Làm kẹo dừa
- Ý nghĩa
Cần thiết trong đời sống
Đi vào trong thờ văn, ca dao của các nghệ sĩ
Đặc sản vùng Trung và Nam Bộ.
Một số bài văn mẫu hay
Bài văn mẫu 1
Nhắc đến đồng bằng Bắc Bộ, người ta nhớ đến hàng cau cao chót vót thoang thoảng hương thơm. Còn nhắc đến miền đất Nam Bộ, người ta sẽ nghĩ ngay đến cây dừa xanh mát. Cây dừa là loài cây quen thuộc của người dân Việt Nam, là hình ảnh thân thương gắn bó với tuổi thơ biết bao người.
Không ai biết chính xác cây dừa có nguồn gốc từ đâu. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu xác minh dừa là loài cây thuộc họ Cau. Tổ tiên của nó có nguồn gốc từ một đảo nhỏ thuộc Ấn Độ và các quần đảo ở khu vực Đông Nam châu Á. Từ những nơi này, cây dừa trôi theo dòng chảy đại dương bao la hoặc qua tay các nhà thám hiểm đi khắp nơi trên thế giới. Qua thời gian, dừa trở thành loài cây được trồng phổ biến ở nhiều quốc gia, được nhiều người yêu thích.
Dừa phát triển tốt ở điều kiện tự nhiên vùng nhiệt đới, đảo và vùng ven biển. Vì thế, nó được trồng rất nhiều ở các địa danh này. Ở Việt Nam, cây dừa xuất hiện từ khoảng trước công nguyên. Khu vực trồng nhiều dừa nhất là Bến Tre và Bình Định, ngoài ra còn có các đảo lớn nhỏ.
Dừa không có quá nhiều loại. Theo đặc điểm hình thái và mục đích sử dụng, người ta chia dừa thành 2 nhóm: giống cao và giống lùn. Dừa giống cao trưởng thành cao khoảng 12-20m, phát triển nhanh nhưng sau 5-7 năm mới cho trái. Quả to, cùi dừa dày và hàm lượng dầu dừa cao. Dễ trồng, chống chịu tốt.
Dừa giống lùn trưởng thành thường cao dưới 10m, phát triển chậm nhưng khoảng 3-5 năm sau đã ra hoa và kết trái. Quả dừa nhỏ, cùi mỏng, nước nhiều chủ yếu dùng làm nước giải khát. Ngoài 2 nhóm trên, còn có nhiều giống dừa được lai tạo để phù hợp khí hậu và điều kiện gieo trồng từng vùng.
Tuy nhiên, tất cả các giống dừa đều có nhiều đặc điểm chung về hình thái. Thân dừa mọc thẳng, hình trụ, cao khỏe, màu nâu sậm. Trên thâm có nhiều nốt vằn nối tiếp nhau. Lá dừa dạng xẻ thùy, tàu lá dài từ 3-7m và phân thành nhiều lá nhỏ. Lá mọc chủ yếu ở phần đầu ngọn nên đôi khi nhìn xa, cây dừa như một chiếc ô khổng lồ. Theo thời gian, cây phát triển cao lên, lá ở gốc già rồi rụng dần để lại mắt sẹo ở thân cây.
Hoa dừa màu trắng ngà, mọc ra thành dẻ nhỏ từ nách lá. Mỗi giống giữa sẽ ra hoa ở từng thời điểm khác nhau nhưng trung bình là khoảng 30 - 40 tháng sau khi trồng. Hoa đực hoa cái sẽ tự thụ phấn hoặc thụ phấn chéo, kết thành quả. Quả dừa mọc theo chùm, chi chít nhau. Mỗi chùm phải có từ mười đến mười lăm quả. Quả dừa có 5 lớp bao bọc lấy nhau. Lớp đầu tiên là lớp vỏ ngoài cùng, cứng và có màu xanh. Phần kế tiếp là lớp xơ, lớp gáo dừa, cùi dừa và nước dừa ở trong cùng. Lúc chưa trưởng thành, cùi dừa mỏng, màu trắng trong. Dần dần chuyển sang màu trắng đục và dày lên lúc dừa già. Lớp xơ sẽ chuyển cứng, hóa gỗ. Rễ dừa là rễ chùm, bám chặt lấy lòng đất hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Ban đầu còn nhỏ, rễ cây màu trắng lớn lên sẽ chuyển sang màu nâu đỏ...
Cách lấy nước dừa thực tế khá phức tạp, nếu không quen thuộc thì sẽ rất khó. Đầu tiên chúng ta phải loại bỏ lớp vỏ bên ngoài và phần xơ dừa. Sau đó chọc vào mắt dừa (phần mềm bên trên) để đặt ống hút vào hoặc lấy nước ra ngoài. Dừa già thì phải chặt bỏ phần vỏ cứng ở đối diện cuống dừa rồi lấy cùi dừa và nước. Tùy từng mục đích sử dụng khác nhau sẽ có cách lấy phần bên trong dừa khác nhau.
Dừa gắn bó với đời sống con người, mang đến rất nhiều công dụng. Mỗi bộ phận của dừa đều có những giá trị khác nhau. Thân cây dùng làm cột chống hoặc chế thành đồ mỹ nghệ và vật liệu trong xây dựng, lá dừa héo khô thì dùng làm chất đốt bảo vệ môi trường. Rễ dừa là nguyên liệu quan trọng để làm các loại thuốc nhuộm, thuốc sát trùng làm sạch miệng hay điều trị bệnh lỵ, đánh răng. Dừa có tán lá xòe rộng nên hay được trồng ở các khu nghỉ dưỡng vừa tạo vẻ đẹp thẩm mỹ vừa dùng che nắng. Có nhiều lợi ích nhất là quả dừa. Nước dừa có vị thơm ngọt, béo ngậy mà không ngán, vừa giải khát vừa đẹp da. Ngoài ra dùng nấu cơm, thổi xôi hay nấu các loại chè, kho thịt cũng cực kỳ ngon. Cùi dừa bào mỏng nấu kèm xôi hay kho thịt mang lại hương vị tuyệt vời cho món ăn. Không những thế, nước dừa dùng làm thạch ăn ngọt ngọt mát lạnh. Mỗi dịp Tết, người ta còn cùi dừa nếp trắng non chế thành nhiều loại mứt màu sắc khác nhau, hương vị tự nhiên ngọt thanh rất hấp dẫn. Dầu dừa nấu từ phần cùi còn là loại mỹ phẩm cực an toàn, dùng dưỡng tóc, dưỡng môi vô cùng hiệu quả...
Chẳng biết tự bao giờ, cây dừa đã trở thành biểu tượng của người dân Việt Nam, trở thành một phần quan trọng của Tổ quốc thân yêu. Nó không chỉ là một loài cây có nhiều ích lợi mà còn mang ý nghĩa như chứng nhân cho sự trưởng thành của biết bao thế hệ, đáng trân trọng và lưu giữ.
Bài văn mẫu 2
Việt Nam là quốc gia gắn liền với nền nông nghiệp với cây trái xanh tốt quanh năm. Một trong những loài cây mang lại giá trị kinh tế cao và thân thuộc với con người chính là cây dừa.
Dừa là loại cây thường sống ở khí hậu nhiệt đới, phát triển trên đất pha cát và có khả năng chống chịu tốt cũng như nó ưa thích các nơi sinh sống có nhiều nắng và lượng mưa bình thường (750–2.000 mm hàng năm), điều này giúp nó trở thành loại cây định cư bên các bờ biển nhiệt đới một cách tương đối dễ dàng. Ở Việt Nam có nhiều giống dừa khác nhau rất đa dạng: dừa xiêm, dừa lửa, dừa nếp, dừa sáp,… mỗi loại có một đặc điểm khác nhau nhưng cùng mang lại giá trị kinh tế cao cho con người.
Trung bình một câu dừa cao từ 10m trở lên. Thân cây cao khỏe, có màu nâu sậm, hình trụ và có những nốt vằn trên thân. Lá dài, màu xanh, có nhiều tàu. Trên phía ngọn dừa mọc ra chùm hoa trắng nhỏ, chùm hoa đó lớn dần thành buồng quả, mỗi buồng thường có 15 quả. Quả phát triển từ hoa, vỏ ngoài màu xanh, dày, bên trong có cơm dừa màu trắng và nước dừa trong suốt, có vị ngọt thanh mát.
Dừa là giống cây hữu ích. Các bộ phận của dừa đều mang lại công dụng tốt cho con người. Nước dừa có giá trị dinh dưỡng cao dùng để uống trực tiếp hoặc chế biến với các món ăn (thạch dừa, nấu chè, kho cá, kho thịt,…). Phần cơm dừa làm kẹo, mứt hay làm nước cốt dừa, dầu dừa,…; thân dừa được dùng làm cột nhà, làm cầu bắt qua sông,…
Từ những công dụng hữu ích trên, cây dừa xứng đáng là người bạn thân thiết của con người Việt Nam.
Bài văn mẫu 3
Dừa không chỉ một loại cây ăn quả, cây cảnh mà còn là loại cây quen thuộc của nhiều làng quê Việt Nam. Cây dừa đã gắn bó với đời sống của người Việt, và trở thành biểu tượng của làng quê, trong đó phải nói đến vùng đất dừa Bến Tre.
Có thể nói, bất kì ở vùng quê nào trên đất nước Việt ta đều thấy thấp thoáng những bóng dừa. Có 2 loại dừa: dừa cao và dừa lùn. Dừa lùn thường trồng để làm cảnh, loại dừa cao được phân ra thành các loại dừa như: Dừa xiêm, dừa bị, dừa nếp, dừa lửa, dừa dâu, dừa dứa, dừa sáp.
Các bộ phận của cây dừa gồm: thân, lá, hoa, buồng, trái. Thân dừa cao khoảng 20 – 25m, trên thân dừa có những đốt như hổ vằn, thường có màu nâu sậm, đường kính khoảng 45 cm. Với những loại dừa cảnh, thân dừa thường có màu xanh, nhiều đốt, đốt trên cùng là nơi xuất phát những phiến lá ôm lấy thân rồi tỏa ra. Lá dừa to, có màu xanh, gồm nhiều tàu, khi già lá sẽ vàng dần rồi héo và có màu hơi nâu. Hoa dừa có màu trắng, nhỏ, kết thành chùm.
Cây dừa ra hoa rồi kết trái, quả dừa có lớp vỏ dày bên ngoài. Bên trong mỗi lớp vỏ cứng là cùi dừa và nước dừa. Cây dừa có rất nhiều quả, quả của chúng kết thành buồng, mỗi cây có rất nhiều buồng và mỗi buồng dừa có nhiều quả, trung bình mỗi buồng từ 5 đến 10 trái dừa, có loại trên 20 trái.
Dừa không phải chỉ để ăn quả mà các bộ phận của nó được dùng vào rất nhiều việc. Nhiều người đã dùng thân dừa để bắc ngang con mương nhỏ làm cầu. Do thân dừa rất chắc nên người ta đã dùng nó làm cột, làm kèo xây nhà, hoặc sáng tạo ra các mặt hàng thủ công mĩ nghệ khác hoặc làm chén đũa… Bông dừa tươi được dùng làm vật trang trí rất đẹp mắt. Đọt dừa non có thể làm gỏi, lăn bột, xào… rất thích hợp với người ăn chay. Có một món ăn đặc biệt mà nhiều người không biết đó là con sâu sống trên cây dừa (còn gọi là đuông dừa). Do ăn đọt dừa non nên đuông dừa béo múp míp nên được chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu và bổ dưỡng.
Trái dừa luôn được coi là phần giá trị nhất trên cây dừa. Trái dừa non được cắt ra lấy nước uống, là loại nước giải khát thơm ngon. Ngoài ra nước dừa dùng để kho cá, kho thịt, thắng nước màu. Phần cùi dừa dùng để làm mứt, cơm dừa dày được xay nhuyễn, vắt nước cốt làm kẹo dừa, nấu dầu dừa, làm xà phòng. Bã dừa dùng làm bánh dầu, để bón phân hoặc làm thức ăn cho gia súc. Phần vỏ cứng của trái dừa được sử dụng làm than hoạt tính, chất đốt hoặc làm các mặt hàng thủ công mĩ nghệ rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây. Xơ dừa được đánh tơi ra dùng làm thảm, làm nệm, làm dép đặc trị cho những người bệnh thấp khớp hoặc bện làm dây thừng, lưới bọc các bờ kè chống sạt lở ven sông. Lá dừa có thể dùng để lợp nhà, làm phên liếp, chằm nón, mà còn là chất đốt thường dùng để đun nấu phổ biến ở thôn quê, lá dừa khô bó lại làm đuốc để đi trong đêm tối trời.
Có thể thấy cây dừa không chỉ mang lại cảnh đẹp cho cuộc sống thêm phần tươi đẹp, cho con người những món ăn thơm ngon bổ dưỡng mà nó còn có rất nhiều công dụng với đời sống của con người. Cây dừa cũng trở thành biểu tượng của người dân Việt Nam bởi sự kiên cường bất khuất, giám đối mặt với mọi gian nan để vươn cao, vươn xa hơn.
Bài văn mẫu 4
"Ai đứng như bóng dừa
Tóc dài bay trong gió"
Từ bao giờ, cây dừa đã đi vào văn thơ, ca nhạc của người Việt Nam ta. Khách phương xa đặt chân về thôn quê nước Việt, đều được một loại dù thiên nhiên che nắng trên mọi nẻo đường: Cây dừa Việt Nam. Đó là một loài cây thông dụng và có nhiều công dụng trên đất nước ta gắn bó suốt đời với người dân Việt Nam ta.
Tuổi thơ Việt Nam, trẻ em nào cũng có ít nhiều kỉ niệm gắn bó với cây dừa. Các nghệ nhân khéo léo thường lấy lá dừa non màu xanh lá mạ quấn tròn, thuôn thuốn và cong cong trong tay lão nghệ nhân biến thành một con châu chấu khống lồ chỉ trong nháy mắt. Lá dừa khô làm vách lá, mái lá hoặc chất đốt. Thân dừa ngày xưa thỉnh thoảng được dùng làm bình đựng ấm trà, đốn ngày nay đã được làm đũa, muỗng và một số đồ mĩ nghệ xuất khẩu đa dạng. Cây dừa có bao nhiêu loại thì sinh ra biết bao nhiêu loại trái. Có loại như dừa xiêm dừa dâu, dừa bị. Quả dừa xiêm có màu xanh mát, cho cùi dẻo, nước ngọt Dừa lửa là loại dừa có màu đỏ cam bọc ngoài trái, chấu nước của nó không bằng dừa xiêm. Dừa dâu là loại dừa trái nhỏ cũng pha màu lửa nhưng lợi hơn, nhỏ hơn trái bưởi, cho nước rất ngọt. Dừa bị là dừa nhỏ, lấy cơm vắt nước cất hoặc kho, chế biến làm thực phẩm.
Đối với người trưởng thành, lá dừa không chỉ làm đồ chơi mà nó có công dụng trong đời sống. Có khi tham gia vào những cổng chào trong đám cưới, có khi lá dừa khô kết thành đuốc.
Nước dừa làm mĩ phẩm thiên nhiên của thiếu nữ Nam Bộ. Có lời lưu truyền rằng con gái Bến Tre tắm nước dừa nên da trắng, mịn. Các cụ già bị huyết áp cũng uống nước dừa để trị bệnh.
Cơm dừa là một thực phẩm chế biến đa dạng. Thành phần hoá học của nó rất nhiều đạm và chất béo nên rất bổ dưỡng. Ở Bến Tre xắt dừa mỏng xào với chuối để làm kẹo chuối. Dừa già thì xay nhuyễn vắt nước cốt để làm nhân bánh. Ngày 30 tết chuẩn bị đón giao thừa không ít phụ nữ và trẻ em quây quần bên mẻ nước dừa thơm thơm béo béo pha những màu trắng tinh, màu hồng phấn, màu xanh lá dứa thật hấp dẫn. Cây dừa là hình ảnh của xứ nhiệt đới ẩm, dáng nó nghiêng thường xõa bóng bên dòng nước. Lá dừa là chiếc lược khổng lồ chải vào bầu trời xanh. Hình ảnh cây dừa đã đi vào ca dao, thơ văn và ca từ của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài.
Cây dừa xuất hiện từ bao giờ thì không rõ nhưng nó gắn bó với mọi người trên đất nước Việt Nam: trẻ em, phụ nữ, người già… trong ngày thường cũng như trong ngày cưới, ngày tết. Với tình hình Việt Nam mở cửa đón khách du lịch năm châu, quả dừa xiêm lại trở thành món quà mới mẻ với những người khách ôn đới. Nó đã trở thành một biểu tượng đẹp của sinh thái nước Việt chúng ta.
Bài văn mẫu 5
Dừa nước là loài duy nhất trong họ Cau, sinh sống trong đầm lầy. Loài này sinh trưởng tại miền nam châu Á và Bắc úc. Hóa thạch của phấn hoa dừa nước đã được xác định niên đại đến 70 triệu năm về trước.
Thân cây dừa nước mọc ngang dưới lòng đất, chỉ có lá và cuống hoa mọc lên trên mà thôi. Vì vậy, nó không được xem như một loại cây gỗ, mặc dù tán lá có thể cao đến 9 mét. Hoa cái nở rộ thành chùm ở đầu cụm hoa hình cầu, hoa đực màu đỏ hoặc vàng dạng đuôi sóc trên những nhánh kế sau. Khi hoa đã thụ phấn, những trái nhỏ ép vào nhau lớn lên thành như một quả bóng đường kính cỡ 25 – 30cm trên mỗi đầu cuống (quầy dừa). Hạt dừa nước khô già sẽ rơi rụng và phân tán theo thủy triều, có khi mọc mầm ngay khi trôi nổi.
Dừa nước mọc trong những vùng sình lầy dọc theo bờ sông, hay vùng ven cửa biển có thủy triều lên xuống, có nước chảy chậm bồi đắp phù sa dinh dưỡng. Nếu để tự nhiên, dừa nước sẽ phát tán sinh sôi nảy nở theo sự đưa đẩy của thủy lưu. Dừa nước rất thường gặp dọc theo bờ biển và các cửa sông đổ vào An Độ Dương và Thái Bình Dương, từ Bangladesh tới các hải đảo Thái Bình Dương. Loài dừa nước có thể sống còn qua một thời kì khô ráo ngắn hạn. Dừa nước được coi như một loài thực vật đang có nguy cơ bị diệt chủng tại Singapore.
Lá dừa nước dược dùng nhiều nhất vào việc chầm lá để lợp nhà, làm rổ rá, rất. phổ biến ở những vùng Nam Bộ và nhiều địa phương của các nước lân cận.
Cuống hoa dừa nước (quầy dừa) chưa nở hoa có thể được trích lỗ hứng nhựa ngọt để làm rượu. Cũng để nhựa ấy tự lên men thành một loại giấm nguyên chất. Mầm dừa non ăn được, cũng như những cánh hoa nở có dùng như trà (chè). Cái (thịt) dừa non thì được dùng vào các món giải khát khác nhau. Người ta cho lợn ăn dừa nước vào mùa khô để thịt heo sẽ ngọt. Lá dừa nước thật non còn dược dùng để làm giấy vấn thuốc lá.
Khai thác dừa nước là một truyền thống lâu đời ở Đông Nam Á, khi mà một bộ phận khá lớn cư dân các vùng duyên hải tây Thái Bình Dương lấy dừa nước làm nguồn thu nhập chính.
Ở nước ta, nông dân ngày nay mới chỉ sử dụng trái dừa nước để ăn và lá để lợp nhà hay làm củi, không mấy ai biết đến kĩ thuật rút nhựa dừa nước từ cuống hoa để nấu đường, ủ rượu, làm bia, lên men giấm, chưng cất cồn và một số loại sản phẩm có giá trị khác trong khi đó lại là nguồn thu nhập ít có hiệu quả nhất của dừa nước. Sản lượng đường dừa nước trung bình 20,3 tấn/ha cao hơn so với đường mía (khoảng 5 đến 15 tấn/ha).
Phải đến năm thứ 4 hoặc thứ 5 cây mới đơm hoa cho trái. Thời gian này sẽ kéo dài đến năm thứ 55 trở lên, nghĩa là mỗi cây dừa nước có thể khai thác liên tục trên 50 năm. Mỗi ngày 2 lần, người ta dùng dao sạch cắt bỏ một lát mỏng 2mm trên đầu cuống để nhựa cây chảy ra liên tục.
Dừa nước là một loại cây có nhiều tác dụng đối với cuộc sống con người. Tuy nhiên, hiện nay do tốc độ đô thị hóa, diện tích dừa nước ngày càng bị thu hẹp và có nguy cơ bị mất dần.
Bài văn mẫu 6
Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió, có phải người còn đó, là con gái của Bến Tre…”
Câu hát ngân nga mang đậm hồn quê gợi nhớ về vùng đất Bến Tre, quê hương của đồng khởi. Nhắc đến Bến Tre, người ta liên tưởng đến một vùng quê thanh bình với cây lành trái ngọt. Đặc biệt, có một loài cây gắn bó quanh năm, gắn bó cả cuộc đời với người dân Bến Tre – cây dừa.
Đi khắp Bến Tre, nơi đâu ta cũng gặp bóng râm của những hàng dừa mát rượi. Hầu như nhà nào cũng trồng dừa. Cây dừa biểu tưởng của cây trái ở Bến Tre cũng như cây chè của Bảo Lộc, Thái Nguyên, cây cà phê ở Buôn Mê Thuộc hay cây cọ ở vùng quê sông Thao.
Khác với cây dừa ở các tỉnh khác được mọc ở vùng đồng bằng, dọc bờ biển hay ven những triền cát trắng, cây dừa Bến Tre mọc dài trên ba cù lao lớn, cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa. Vì vậy, cây dừa Bến Tre quanh năm được phù sa của các nhánh sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên bồi đắp nên lúc nào cũng xanh tươi đầy sức sống.
Cây dừa Bến Tre có rất nhiều chủng loại. Dừa ta hay còn gọi là dừa bị trái to, cơm dày, dừa xiêm trái nhỏ nước ngọt và thanh, dừa lửa có vỏ bên ngoài vàng cháy, dừa dâu trái thon nhỏ dần ở hai đầu như hình dáng quả dâu. Ngoài ra còn có một số loại khác như: dừa Tam Quan, dừa cỏ, dừa dứa, dừa nhiếm, dưa éo… riêng dừa sáp chỉ mọc được ở Trà Vinh và trở thành đặc sản của vùng đất này.
Có lẽ trong tất cả các loại cây trái ở Việt Nam, cây dừa là một loại cây cống hiến cả cuộc đời mình cho con người. Không một chi tiết nào trên thân dừa lại không có chỗ dùng. Rễ dừa dùng để làm chất đốt, có nơi còn làm thuốc nhuộm. Lá dừa dùng để lợp nhà, gói bánh dừa, tàu dừa chặt ngắn lá dùng để trang trí nhà rạp, cổng hoa trong những tiệc cưới ở làng quê. Lá dừa khô được bó lại thành cây làm đuốc soi đường trong những vùng sâu thiếu thốn ánh đèn phố thị. Sống lá dùng để đan những giỏ hoa giỏ đựng trái cây trông rất thanh mảnh và trang trọng.
Thân dừa thường dùng để bắc ngang con mương nhỏ làm cầu. Sau khi bào bỏ lớp vỏ bên ngoài, người ta lấy thân làm cột, làm kèo xây nhà, hoặc sáng tạo ra các mặt hàng thủ công mĩ nghệ khác hoặc làm chén đũa…Bông dừa tươi được hái xuống để cắm trang trí vừa thanh nhã vừa lạ mắt. Bông dừa già cắt khúc kết lại với nhau làm thành giỏ hoa, chụp đèn treo tường có giá trị thẩm mĩ cao. Đọt dừa non hay còn gọi là củ hủ dừa là một thứ thức ăn độc đáo. Có thể làm gỏi, lăn bột, xào.. rất thích hợp với người ăn chay. Tuy nhiên, món này không phải lúc nào cũng có vì mỗi khi đốn một cây dừa, người ta mới lấy được củ hủ để dùng. Thậm chí ngay cả con sâu sống trên cây dừa (còn gọi là đuông dừa) cũng là một thứ món ăn ngon. Do ăn đọt dừa non nên đuông dừa béo múp míp. Người ta chế biến đuông thành nhiều món ăn khoái khẩu và bổ dưỡng ở các quán ăn trong thành phố.
Tuy nhiên, thứ có giá trị nhất vẫn là trái dừa. Trái dừa tươi được chắt ra lấy nước giải khát, có công năng hạ nhiệt, giải độc. Ngày xưa, trong chiến trận, thiếu các phương tiện y tế, người ta còn dùng nước dừa thay thế cho dịch truyền. Dừa khô có nhiều công dụng hơn nữa. Nước dừa dùng để kho cá, kho thịt, thắng nước màu, cơm dừa rám dùng để làm mứt, cơm dừa dày được xay nhuyễn, vắt nước cốt làm kẹo dừa, nấu dầu dừa, làm xà phòng. Bã dừa dùng làm bánh dầu, để bón phân hoặc làm thức ăn cho gia súc. Gáo dừa được sử dụng làm than hoạt tính, chất đốt hoặc làm các mặt hàng thủ công mĩ nghệ rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây. Xơ dừa được đánh tơi ra dùng làm thảm, làm nệm, làm dép đặc trị cho những người bệnh thấp khớp hoặc bện làm dây thừng, lưới bọc các bờ kè chống sạt lở ven sông.
Hiện nay, các mặt hàng làm từ cây dừa không chỉ phát triển trong nước mà còn được mở rộng ra các nước khác trên thế giới. Kẹo dừa Bến Tre được xuất khẩu nhiều nhất qua trung Quốc.
Đi về Bến Tre, chỉ cần qua khỏi phà Rạch Miễu ta sẽ đi giữa bạt ngàn màu xanh của dừa. Những buổi trưa oi bức, chỉ cần mắc võng học bài dưới gốc dừa, bên cạnh bờ ao, hoặc đưa mắt nhìn bầu trời xanh đung đưa qua kẽ lá, nghe tiếng cá nhảy, đớp mồi dưới ao chúng ta bỗng thấy cuộc đời đẹp biết bao. Cuộc sống của người dân Bến Tre gắn liền với cây dừa từ bao đời nay. Ngôi nhà của họ cũng ẩn hiện dưới bóng râm mát rượi của hàng dừa, lúc khát nước uống trái dừa ngọt lịm… Không biết đã có bao nhà thơ đã dệt nên những vần thơ đẹp về cây dừa ở Bến Tre. Trong đó bài thơ của nhà thơ Kiên Giang làm em thích thú nhất:
“Khi yêu yêu lắm dừa ơi
Cả trời cả đất cả người Bến Tre
Bóng dừa râm mát lối quê
Người ơi! Tôi tưởng lối về cung tiên…”
Trong tương lai, cuộc sống ngày một hiện đại hơn. Nhưng những giá trị tinh thần vẫn không bao giờ thay đổi. Cũng như vậy, cây dừa sẽ mãi gắn bó với người dân Bến Tre như những hạt phù sa mãi mãi gắn liền với các con sông để ngày bồi đắp cho mảnh đất quê hương thêm màu mỡ.
Xem thêm một số bài văn mẫu hay khác:
TOP 30 Dàn ý thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Dàn ý thuyết minh về cây bút bi (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Dàn ý Nghị luận về Văn học và tình thương (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Bài văn Thuyết minh về hoa mai ngày tết (2024) SIÊU HAY