Đề bài: Kể lại ấn tượng của em trong buổi đến trường khai giảng lần đầu tiên
Dàn ý: Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học
Dàn ý - mẫu 1
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về ấn tượng của ngày đầu tiên đi học.
2. Thân bài:
- Kể về sự chuẩn bị và tâm trạng trước ngày đầu tiên đến trường
+ Sự chuẩn bị của bản thân ( sách vở, quần áo, cặp...).
+ Sự chăm chút, chu đáo của mẹ, của gia đình
+ Tâm trạng trước đêm đi học đầu tiên: háo hức, hồi hộp, trằn trọc...
- Kể về khung cảnh, cảm xúc của bản thân trên đường đến trường
+ Thời tiết, cảnh các bạn học sinh khác trên đường đến trường như mình như nào?...
+ Cảm xúc của bản thân trước khung cảnh khác thường ấy
- Kể về những kỉ niệm khi bước vào ngôi trường, lớp học
+ Kỉ niệm về ấn tượng với ngôi trường, bạn bè, thầy cô, lớp học những tình huống em gặp trong ngày đầu tiên đi học ấy
+ Tập trung kể chi tiết một kỉ niệm nào đó để lại cho em nhiều ấn tượng nhất.
3. Kết bài:
Khái quát lại những ấn tượng sâu sắc nhất về ngày đầu tiên tới trường. Cảm xúc của em mỗi khi nhớ về ngày đó như thế nào?
Dàn ý - mẫu 2
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề định kể: ấn tượng của em trong buổi đến trường khai giảng lần đầu tiên.
2. Thân bài
a. Tâm trạng của em khi chuẩn bị đến trường
- Soạn sửa sách vở, quần áo tươm tất chu đáo đợi ngày được đến trường.
- Vui vẻ, háo hức vì sắp được gặp lại bạn bè, thầy cô.
- Suy tư, băn khoăn không biết trong những tháng qua các bạn đã làm gì và thay đổi như thế nào.
b. Kể về ngày đến trường
- Sáng hôm đó dậy sớm để ăn uống và chuẩn bị quần áo đến trường.
- Ngạc nhiên trước sự thay đổi của mọi người và cảnh vật: các bạn ai cũng vui tươi và trông lớn hơn hẳn sau một mùa hè. Cây phượng đã rụng hết những bông hoa đỏ của đợt chớm hè…
- Lớp học thơm tho mùi của bàn ghế mới, sách vở mới và những bộ quần áo mới.
- Cô giáo luôn tươi cười và tận tình giảng dạy.
→ Ngày đầu tiên đi học thật vui tươi, hứng khởi.
3. Kết bài
Nêu cảm xúc về ấn tượng của em trong buổi đến trường khai giảng lần đầu tiên.
Một số bài văn mẫu hay:
Bài văn mẫu 1
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có những kỷ niệm thật ý nghĩa và rất khó phai. Ngày khai giảng đầu tiên là một ngày như thế. Nó hẳn đã in sâu trong tâm trí của rất nhiều người.
Tôi còn nhớ rất rõ cái cảm giác lo âu, hồi hộp của đêm trước ngày đến trường. Mẹ tôi đã rất cẩn thận sắp sẵn sách vở vào cặp cho tôi vậy mà tôi vẫn băn khoăn, lo lắng bỏ ra đếm đi đếm lại. Một cuốn vở, hai cuốn vở... sách tập đọc, sách tập viết, sách toán... bút chì, bút mực, tẩy, thước kẻ. "Ơ kìa mẹ! Tập nhãn vở của con đâu rồi ạ?" Tim tôi thốt lên! Trời ơi, nếu tôi không kiểm tra lại có phải ngày mai đến lớp sẽ bị thiếu phải không. Mẹ tôi cười hiền dịu và đưa cho tôi tập nhãn vở. Tôi xếp ngay ngắn những quyển sách, quyển vở vào trong cặp, khoác lên vai đi vài vòng trong nhà. Tôi háo hức lắm, mẹ bảo tôi đi ngủ để mai có thể dậy sớm, nhưng tôi làm sao ngủ được đây, mai tôi sẽ được vào lớp một. Rồi mẹ tôi nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng đưa tôi đi ngủ. Nằm gọn trong vòng tay âu yếm của mẹ, tôi vẫn không nén được những trằn trọc, tôi gỡ tay mẹ rồi xoay ngang xoay dọc hồi lâu mới ngủ được... Tôi nao nao trong lòng những tưởng tượng ngây thơ với tâm trạng của một đứa trẻ sắp đối diện với một sự kiện quan trọng của cuộc đời. Từ lúc nhỏ tôi chưa cảm nhận được ngày khai trường là gì, và có lẽ ba mẹ tôi cũng rất hồi hộp vì tôi là đứa đầu tiên trong nhà đi học. Tôi để ý thấy từng nét mặt lo lắng trên mặt họ, nhưng cũng chính vì điều đó càng khiến tôi trở nên bận tâm, tò mò.
Làng quê tôi không phải ở thị trấn, cũng chẳng phải nơi thành phố xa hoa ánh đèn, đó là một vùng quê mang đầy nét thôn quê và sự giản dị thanh bình. Mẹ dắt tay tôi trên con đường làng dài và hẹp ấy. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần, nhưng hôm nay trông nó lạ lắm. Trên đường đến trường tôi thấy rất nhiều các bạn học sinh cùng các bác phụ huynh. Tôi để ý trên gương mặt họ lộ rõ những niềm vui, niềm hân hoan vào một năm học mới. Cái sự rụt rè nhút nhát xuất hiện trên mặt những đứa trẻ lần đầu đến trường như tôi. Điều đó càng khiến tôi khẳng định được tầm quan trọng của ngày khai giảng, tôi rất tự hào vì được đi học, làng tôi nghèo lắm nhiều bạn nhỏ cũng không được đến trường. Lúc này đây, tâm hồn tôi nặng trĩu nhưng rồi lại nhẹ nhàng như cánh hoa tươi rực rỡ trong ánh nắng của mùa thu, cùng làn gió nhè nhẹ thổi qua, xoa dịu đi cái hồi hộp của tâm trạng.
Tôi lờ mờ nhận ra ngôi trường, nơi mà tôi sẽ đến, nó khang trang và to lớn hơn bất cứ cái nhà trong làng. Mẹ xoa đầu tôi, nhẹ nhàng nói: "Con yêu đây là ngôi trường mà con sẽ học tập. Nơi con sẽ trưởng thành cũng những kỷ niệm đẹp." Tâm trạng tôi lúc này thay đổi. Tôi không còn cảm thấy sợ sệt nữa, thay vào đó là tò mò vô cùng, nhưng chân tôi cứ díu lại bên mẹ mà không tài nào bước nổi. Trước mắt tôi là cổng trường vô cùng to lớn, xung quanh có rất nhiều bạn học sinh khác cùng với biết bao tâm trạng và suy nghĩ, tôi tiến lên gần sát mẹ. Mẹ an ủi tôi cùng những lời nói ngọt ngào, cùng lúc đó cô giáo đi về phía tôi, tôi ngơ ngác nhìn rồi cất tiếng chào cô. Cô giáo nói chuyện với mẹ một hồi lâu rồi dắt tay tôi vào lớp, theo sau tôi còn cảm nhận được mùi thơm từ tà áo dài của cô.
Cô giáo nhẹ nhàng xoa đầu và an ủi, động viên các bạn nhỏ vừa rời phụ huynh của mình. Cô không đi thẳng vào bài học mà cô ân cần trò chuyện, giới thiệu bản thân mình với cả lớp. Cô khiến cả lớp cảm thấy rất an tâm. Cũng chính từ giây phút ấy, tôi bỗng nhiên hết sợ hẳn. Và tôi ngoan ngoãn, tập trung nghe cô giảng bài.
Với tôi nếu như không có ngày khai trường đầu tiên, lần đầu tiên được nghe tiếng trống trường và đứng nghiêm dưới lá cờ tổ quốc hát quốc ca ấy... tôi sẽ chẳng có gì sâu sắc với mái trường và đối với tuổi thơ tôi. Tâm hồn tôi sẽ nhàm chán đi biết chừng nào. Và những kỷ niệm đẹp trong ngày khai trường đầu tiên đã in sâu trong tâm trí tôi và đã góp phần bồi đắp nên tâm hồn thơ của tôi.
Bài văn mẫu 2
Thấm thoát đã chớm thu. Không còn tiếng ve ngân của những trưa hè oi ả. Không còn “…Chín mươi ngày nhảy nhót đồng quê – Ôi! Cả một mùa xuân trong mùa hạ” nữa. Có vẻ như ngày khai giảng năm học năm nay đến sớm hơn mọi năm. Bất chợt, những cảm xúc và kí ức ngây ngô về ngày khai trường đầu tiêncủa tôi lại ùa về như nhắc nhở kỉ niệm của một thời đã qua…
Tôi vẫn nhớ hôm ấy – một buổi mai đầy gió và mưa rào. Tôi phải cùng mẹ đến trường để tham dự lễ khai giảng năm học mới. Hôm đó tôi dậy sớm. Có lẽ vì tôi thấy mình đã khôn lớn và một lý do quan trọng hơn nữa, đó là ngày khai trường đầu tiên trong cuộc đời tôi. Tôi mặc bộ đồng phục mới mà bố tôi đã mua cho tôi và tự tay chuẩn bị cặp sách. Rồi mẹ đeo cặp vào lưng tôi, mặc bộ áo mưa màu xanh tôi yêu thích, mẹ khoác áo mưa vào rồi dắt tay tôi đi qua màn mưa. Mưa rơi rả rít, trời âm u và xám xịt. Con đường trở nên lầy lội, sũng nước. Mưa không lớn cũng chẳng nhỏ nhưng dai dẳng không dứt. Mưa cứ rơi mãi, rơi mãi không dứt như tâm trạng của tôi lúc ấy: tôi không sợ mà lo lắng, háo hức, nôn nao chờ đợi. Chờ đợi những gì mà tôi sắp sửa trải qua: đó là ngày đầu tiên dự buổi khai trường năm học mới. Tôi vẫn nép vào mẹ, bước từng bước qua từng con hẻm quanh co quen thuộc mà lòng cảm thấy lạ lẫm vô cùng. Con hẻm này tôi qua lại hằng ngày nhưng hôm nay tâm trạng của tôi đầy xáo trộn, một điều lớn lao và mới mẻ đang đến với tôi: tôi đã vào lớp một, tôi đã là người lớn thật rồi. Tôi khẽ liếc nhìn những cảnh vật xung quanh đã gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu: giàn hoa ti-gôn hồng nhạt e ấp trong màn mưa của nhà bác Tư hàng xóm mà tôi vẫn thường hái về chơi trò cô dâu với mấy đứa bạn trong xóm, cây mận xù xì đang lắc lư những chùm quả chín đỏ rực đung đưa trong màn mưa như nói lời chúc mừng tôi ngày đầu đến lớp.Ra khỏi con hẻm nhỏ là đường Trần Mai Ninh tấp nập, đông vui. Những chị học sinh thướt tha trong tà áodài trắng, những anh chị khăn quàng đỏ thắm trên vai, tôi đặc biệt chú ý những bạn cùng lứa với tôi áo quần tinh tươm rụt rè nắm lấy tay mẹ đến trường. Dù mưa vẫn còn tí tách rơi từng giọt trên mái hiên của những ngôi nhà hai bên đường vẫn không làm cho nụ cười trên môi của các học sinh mừng ngày tựu trường kém tươi tắn hơn. Mẹ khẽ lay tay tôi và nói: “Đến trường rồi kìa con!” A, trường tôi đây ư? Trông to lớn và đồ sộ quá! Ngôi trường mới này không giống như trường mẫu giáo của tôi. Trường to lớn và đồ sộ hơn trường mẫu giáo nhiều. Trước cổng trường có một tấm bảng đề chữ màu xanh biển rất to, tôi lẩm nhẩm đánh vần: “Trường tiểu học Nguyễn Khuyến” đúng như mẹ giới thiệu cho tôi mấy tuần trước. Qua bậc tam cấp, đại sảnh, khoảng sân rộng đã đến trước cửa lớp. Tôi vẫn nhớ rất rõ là mình học lớp Một bảy do cô Huệ làm chủ nhiệm lớp. Cô dìu tay tôi vào lớp và xếp chỗ ngồi. Tôi bịn rịn buông tay mẹ và chợt cảm giác hụt hẫng chiếm lấy tâm hồn tôi lúc ấy. Tôi nhìn các bạn chung quanh mình trông ai cũng lạ lẫm. Lúc này, tôi chợt ước ao là mình đã quen các bạn trong lớp. Tôi còn nhớ như in cảm giác bỡ ngỡ rụt rè khi mọi người, mọi vật xung quanh mình đều lạ lẫm.Nhưng trong lớp có nhiều bạn rất dạn dĩ, các bạn tươi cười chào bạn mới. Tôi thấy mình ngưỡng mộ các bạn ấy biết bao. Cô giáo yêu cầu phụ huynh ra về để lớp bắt đầu giờ học. Tôi chào mẹ qua cửa sổ. Không biết màn mưa ngoài trời hay nước mắt đã làm mắt tôi nhòe đi. Có vài bạn khóc to lên gọi bố, gọi mẹ khi thấy bố mẹ ra về. Mưa tạnh. Gió nhẹ mơn man mái tóc tôi. Nắng ấp áp xuyên qua kẽ lá. Buổi lễ khai giảng tạm hoãn giờ bắt đầu.Cô giáo dẫn chúng tôi xếp hàng theo từng tốp. Lễ khai giảng bắt đầu trong không khí trang trọng của nghithức chào cờ. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới được kéo lên trong bài hát Quốc ca trầm hùng. Cô hiệu trưởng trang trọng đọc báo cáo và mục tiêu cho năm học mới. Cả trường vang vội tiếng vỗ tay. Đám học trò lớp một chúng tôi cũng bắt chước anh chị vỗ tay. Sự rụt rè dần tan biến. Giờ phút thiêng liêng đã đến. Cô hiệu trưởng đánh ba hồi trống khai giảng năm học mới. Chính tiếng trống ấy đã khởi đầu tương lai cho tôi qua con đường học vấn và đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời tôi.
Bảy năm ròng đã trôi qua. Giờ tôi không còn là cô bé lớp một ngày nào nữa. Những kỉ niệm ngày ấy giờ cũng đã phai nhòa theo năm tháng nhưng vẫn vương vấn mãi trong tôi một thời thơ ấu, thời trong sáng và những kỉ niệm ngây thơ và mùa thu khai trường năm ấy.
Bài văn mẫu 3
Ngày đầu tiên đi học
Mẹ dắt tay đến trường
Em vừa đi vừa khóc
Mẹ dỗ dành bên em
Ngày đầu tiên đi học
Em mắt ướt nhạt nhoà
Cô vỗ về an ủi
Chao ôi! Sao thiết tha
Khi đọc lại những câu trên mỗi chúng ta đều nhớ, hàng năm cứ đến độ thu sang đầu tháng 9, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, ngoài vườn hương thơm ngát, ong bướm bay rộn ràng, lòng em lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường, lại xôn xao khó tả. Nhưng có lẽ ngày khai giảng đáng nhớ nhất chính là ngày em bước vào lớp 1. Tạm biệt những ngày tháng rong chơi tuổi thơ, chúng ta bắt đầu bước vào một hành trình mới trong cuộc đời của mình. Đến trường để học những nét chữ, phép toán đầu tiên.
Em vẫn nhớ hôm ấy – một buổi sớm mai có tia nắng lấp ló bên ô cửa sổ. Em phải cùng mẹ đến trường để tham dự lễ khai giảng năm học mới. Hôm đó em dậy sớm. có lẽ vì em thấy mình đã khôn lớn và một lý do quan trọng hơn nữa, đó là ngày khai trường đầu tiên trong cuộc đời của mình. Em mặc bộ đồng phục mới mà mẹ đã mua cho em và tự tay chuẩn bị cặp sách. Mẹ đeo cặp cho em, và hai mẹ con bước đi trên con phố nhỏ vào sáng mùa thu dịu mát. Đi trên con đường thân thuộc hàng ngày, mà trong lòng em không khỏi lo lắng, háo hức, nôn nao chờ đợi. Chờ đợi những gì mà em sắp sửa trải qua: đó là ngày đầu tiên dự buổi khai trường năm học mới.
Khi đến cổng trường, em cảm thấy rất ngạc nhiên vì khác xa với ngôi trường mẫu giáo, trường tiểu học có rất đông bạn nhỏ cũng được bố mẹ đưa đến trường. Những chị học sinh khối 4, 5 duyên dáng trong chiếc váy đồng phục, những anh chị khăn quàng đỏ thắm trên vai, em đặc biệt chú ý những bạn cùng lứa tuổi với em, áo quần tinh tươm rụt rè nắm lấy tay mẹ đến trường. Mẹ khẽ lay tay em và nói: “Đến trường rồi kìa con!”. Trường to lớn và đồ sộ hơn trường mẫu giáo nhiều. Trước cổng trường có một tấm bảng đề chữ màu xanh biển rất to: “Trường tiểu học Quang Trung”.
Bước vào cổng trường, có khoảng sân rộng đã đến trước cửa lớp. Em vẫn nhớ rất rõ là mình học lớp 1A do cô Phương làm chủ nhiệm lớp. Cô dìu tay em vào lớp và xếp chỗ ngồi. Em bịn rịn buông tay mẹ và chợt cảm giác hụt hẫng chiếm lấy trong long lúc ấy. Nhìn các bạn chung quanh mình trông ai cũng lạ lẫm.
Cô giáo yêu cầu phụ huynh ra về để lớp bắt đầu giờ học. Em chào mẹ qua cửa sổ. Có vài bạn khóc to lên gọi bố, gọi mẹ khi thấy bố mẹ ra về khiến em cũng cảm thấy mắt mình như nhòe ướt. Nắng ấp áp xuyên qua kẽ lá. Buổi lễ khai giảng đã bắt đầu.
Cô giáo dẫn chúng em xếp hàng theo từng tốp. Lễ khai giảng bắt đầu trong không khí trang trọng của nghi thức chào cờ. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới được kéo lên trong bài hát Quốc ca trầm hùng. Cô hiệu trưởng trang trọng đọc báo cáo và mục tiêu cho năm học mới. Cả trường vang vội tiếng vỗ tay. Đám học trò lớp 1 cũng bắt chước anh chị vỗ tay. Sự rụt rè dần tan biến. Giờ phút thiêng liêng đã đến. Cô hiệu trưởng đánh ba hồi trống khai giảng năm học mới. Chính tiếng trống ấy đã khởi đầu tương lai cho chúng em qua con đường học vấn và đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời mình.
Giờ đây, dù đã trải qua tám mùa khai giảng nhưng những kỉ niệm vẫn mãi đọng lại trong kí ức tuổi thơ của em về ngày đầu tiên đi học. Những khoảnh khắc đẹp về mái trường, thầy cô, những người bạn đầu tiên thời học sinh đã cho em thêm nhiều động lực để cố gắng học tập ngày càng tiến bộ hơn nữa.
Bài văn mẫu 4
Ngày đầu tiên khai trường, đó là cái ngày mà chắc hẳn không ai trong chúng ta có thể quên được. Cái ngày ấy đã đánh dấu sự kiện mỗi chúng ta bước vào con đường học tập. Năm nay tôi đã lên lớp 8, đã quá quen với không khí học đường, nhưng nhìn lại chiếc cặp chú tôi tặng tuần trước làm tôi thêm bồi hồi, xao xuyến và nhớ lại những kỉ niệm ngây thơ, bé bỏng của một cậu bé chập chững bước vào cổng trường trong bàn tay gầy guộc nhưng đầy tình thương của bà tôi.
Ấy là cái ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên. Hôm ấy, trời thu se se lạnh, mây bồng bềnh trôi, đó cũng là biểu hiện của một ngày khai trường đang đến, một năm học mới bắt đầu. Tôi nao nao trong lòng những tưởng tượng ngây thơ với tâm trạng một đứa trẻ sắp đối diện với một sự kiện quan trọng. Thực ra lúc đó còn bé, chưa cảm nhận được mấy về ngày khai trường và cũng chẳng biết đó là ngày gì, nhưng thấy sự quan tâm, bận rộn của người lớn phần nào tôi cũng đã nhận ra có cái gì đó quan trọng. Hôm nay bà sẽ là người đưa tôi đến trường, bố mẹ tôi công tác xa nên không thể đưa tôi đi được, nhưng nghe bà tôi nói bố mẹ tôi cũng háo hức cái ngày này lắm. Vùng quê tôi không phải ở thành thị, cũng chẳng phải một nơi nào giàu có, đó là một vùng sông nước mang đầy nét thôn quê và sự dân dã. Trên đường đi học, bà cháu tôi phải đi qua một con sông. Bác lái đò đã chờ sẵn chúng tôi ở đó. Tôi thấy nét mặt của bác tươi hơn mọi ngày, phải chăng đó cũng vì cái ngày hôm nay, cái ngày mà mọi người gọi là “ngày tựu trường” – trong đầu tôi nghĩ vậy. Trên đò có rất nhiều các bạn học sinh cùng các bậc phụ huynh. Tôi để ý thấy từng nét mặt lo lắng trên mặt bọn trẻ, trong đó có cả mấy đứa thường đi thả diều với tôi, cùng với sự chu đáo của người lớn giống như bà tôi vậy. Điều đó càng làm tôi hiểu thêm về tầm quan trọng của ngày này, nhưng cũng chính vì đó mà khiến tôi càng thêm bận tâm. Tâm hồn tôi bấy giờ nặng trĩu nhưng rồi lại nhẹ nhàng như những cánh hoa tươi rực rỡ trong nắng mai cùng những giọt sương sớm bởi bà tôi đang bên cạnh cùng những dập dềnh của sóng nước. Đang mải mê suy nghĩ, chợt tiếng bác lái đò gọi to làm tôi giật mình: “Các cháu xuống nào, chúc các cháu vui vẻ nhé” Câu nói ấy thật quen thuộc bởi mỗi lần tôi đi đò của bác đều được nghe nhưng hôm nay sao câu nói ấy lại in sâu vào tâm trí tôi như vậy. Nó như động lực giúp tôi mạnh mẽ thêm trong tâm trạng như hiện giờ. Tôi mạnh dạn chủ động nắm tay bà bước xuống đò. Làn gió nhè nhẹ thổi qua, xoa đi cái nóng nực khi ngồi đò và cái bồi hồi của tâm trạng.
Ô kìa, kia có phải là trường học, nơi mà tôi sẽ đến. Tôi lờ mờ nhận ra như vậy vì thấy nó khang trang và to lớn hơn bất cứ cái nhà nào mà tôi từng gặp. Bà xoa đầu tôi, nhẹ nhàng nói: “Cháu yêu, trường học của chúng ta đây rồi. Đây sẽ là nơi tu dưỡng đạo đức và kiến thức cháu”. Tôi ngẫm nghĩ mãi về câu nói ấy nhưng vẫn không hiểu vế sau, tôi cho rằng đó là một câu nói mang tính chất nghệ thuật mà các anh chị trong làng vẫn thường hay nói văn vẻ. Quả thực tâm trạng tôi mỗi lúc thay đổi. Bây giờ tôi không còn cảm thấy quá sợ nữa nhưng không hiểu sao chân tôi cứ díu lại. Dù vậy nhưng tôi vẫn cố nhảy theo những bước chân của bà. Đi được một đoạn thì ngôi trường đã hiện rõ trước mắt. Trước mặt tôi là một cái cổng trường to lớn với những chữ viết lằng nhằng khó hiểu. Xung quanh đó là hàng trăm các bạn học sinh khác cùng với biết bao tâm trạng, suy nghĩ. Bạn thì níu chân mẹ, người thì mếu máo. Chợt có tiếng khóc òa sau lưng tôi, tôi liền chạy lại úp mặt vào bà và cũng nghẹn ngào khó tả. Nước mắt tôi đã dưng dưng đến tận cổ họng. Nhưng nhớ tới những lời mà bố mẹ tôi vẫn hay nựng nịu cùng với sự dỗ dành của bà. Tôi lại can đảm lau nhẹ nước mắt và mồ hôi, đứng thẳng người. Cùng lúc đó, có một cô giáo đi lại phía tôi. Tôi ngơ ngác nhìn thì cô nhẹ nhàng cất tiếng nói: “Bà cho cháu vào lớp đi. Đó là lớp của cháu” Giọng nói ấm ấm, thanh thanh mà ngọt ngào của cô đã khiến tôi nhớ đến mẹ. Tôi không còn cảm giác sợ hãi nữa. Cô nhẹ nhàng nắm tay tôi dắt vào lớp, tôi đi theo sau cô và cảm nhận mùi thơm từ tà áo dài của cô.
Đã vào lớp học, tôi ngước nhìn ra ngoài cửa sổ và tìm hình dáng thân thương của bà tôi trong lớp người chen chúc cố gắng dặn dò con cái cẩn thận trước khi ra cổng trường. Bà cũng nhẹ nhàng nói với tôi: “Cháu cố gắng ở lại ngoan nhé, trưa bà đón về”. Câu nói ấy của bà khiến tôi không còn lo sợ gì nữa. Bỗng tôi lại nghe thấy giọng nói ngọt ngào khi nãy vang lên. Thì ra cô giáo đang giới thiệu về mình. Thực sự bây giờ trong lòng tôi không còn một mối bận tâm nào nữa, tôi hoàn toàn bình tĩnh và chúng tôi đang bắt đầu làm quen với cô giáo.
Bài văn mẫu 5
Với mỗi chúng ta, cảm xúc và những kỉ niệm của buổi đến trường khai giảng đầu tiên có lẽ luôn mang đến nhiều ấn tượng khó quên. Đó là ngày kỉ niệm của mỗi người khi bước vào cánh cổng học vấn. Tuy đã là một cô học sinh lớp 8, nhưng đến giờ, tôi vẫn không thể nào quên được những cảm xúc ngày đầu tiên đi học của thời bé thơ. Cái này mà tôi chập chững bước vào lớp học với bàn tay dìu dắt của mẹ.
Ngày hôm đó, thời tiết thật đẹp. Bầu thời thu se lạnh và những lá vàng rơi rợp cả con đường tới trường. Đây chính là không khí và thời tiết quen thuộc của một ngày tựu trường. Mẹ dắt tôi đến trường, lúc ấy, trong lòng tôi cũng chưa có nhiều cảm xúc. Vì lúc ấy, tôi cũng không hiểu lắm buổi đến trường khai giảng là gì. Tôi chỉ nghĩ là mẹ dắt tôi đi chơi như mọi lần. Và mẹ dường như vui vẻ và háo hức hơn mọi hôm. Cái cảm xúc vui vẻ của mẹ cũng lây sang cả tôi nữa. Cả buổi đi đường, tui cứ líu lo trò chuyện cùng mẹ.
Và rồi, mẹ nói với tôi, hôm nay là buổi đến trường đầu tiên của tôi. Tôi sẽ có rất nhiều bạn mới, sẽ được thầy cô dạy dỗ từng chữ. Và đó cũng chính là lý do mà tôi được mặc đồng phục mới. Lúc ấy, trong tôi bỗng cảm thấy lạ, và có phần hồi hộp hơn rất nhiều. Và tất nhiên, tôi cũng rất phấn khởi và mong chờ những điều mới mà mẹ nói với tôi. Ngày tựu trường lúc đó, với tôi chỉ đơn giản là sẽ có thêm thật nhiều bạn mới.
Tuy nhiên, khi mẹ dắt tôi đến trước cổng trường, trong tôi lại bỗng dâng lên một cảm xúc lo lắng. Vì mọi thứ thật lạ lẫm, thật khác. Ngôi trường rộng lớn và tràn ngập các bạn nhỏ giống như tôi. Tất cả, ngoài mẹ, đều xa lạ với tôi. Tôi đứng nép vào lòng mẹ. Có lẽ, mẹ cùng biết được tôi đang lo lắng nên đã nhẹ nhàng vỗ lưng tôi và biểu: “Đừng lo, con gái của mẹ, có mẹ ở đây với con”. Sau đó, mẹ nắm chặt tay tôi và dẫn tôi vào trường. Nhờ có lời động viên của mẹ, tôi bắt đầu cảm thấy an tâm hơn và tò mò về cái ngôi trường này hơn.
Mẹ dắt tôi đến trước cửa lớp và xếp hàng. Trước cửa lớp đã có rất nhiều các bạn nhỏ và phụ huynh đi cùng. Mỗi bạn dường như có một tâm trạng khác nhau. Có bạn cười đùa ríu rít với bố mẹ, thậm chí là chọc ghẹo cả những bạn xung quanh. Nhưng, cũng có những bạn rụt rè, chỉ nép sau lưng bộ mẹ mình, rồi đưa đôi mắt tò mò của mình ra nhìn xung quanh. Thậm chí, có những bạn thì mếu máo không chịu tiến đến lớp. Lúc ấy, tôi cũng hơi lo lắng, nhưng vì mẹ luôn nắm chặt tay tôi nên tôi cũng không sợ lắm.
Một giọng nói dịu dàng vang lên: “Chào các phụ huynh và các con, cô là cô giáo chủ nhiệm năm nay của lớp 1A1. Cô đọc tên đến bạn nào thì bạn đó bước vào lớp nhé”. Sau đó, từng người được đọc tên và phụ huynh dắt các bạn vào lớp. Khi mẹ dắt tôi vào chỗ ngồi và chuẩn bị đi ra thì tôi bỗng cảm thấy sợ. Tôi liền níu lấy áo mẹ. Mẹ liền an ủi tôi và bảo: "Ngoan, con ở lại đây học. Tan học mẹ sẽ đón con”. Cô giáo bước đến chỗ tôi và bảo: “Đừng lo, con ở đây với cô và chơi với các bạn nhé. Khi học về mẹ của con sẽ đón con”. Giọng cô nhẹ nhàng khiến tôi cảm thấy an lòng. Đắn đo một xíu, tôi cũng thả tay để mẹ ra về.
Cô giáo bắt đầu an ủi, động viên các bạn nhỏ vừa rời phụ huynh của mình. Cô không đi thẳng vào bài học, mà ân cần trò chuyện với cả lớp. Cô khiến cả lớp cảm thấy rất tất an tâm. Cũng từ giây phút ấy, tôi bỗng nhiên hết sợ hẳn. Và tôi ngoan ngoan nghe cô giảng bài.
Những cảm xúc của buổi đến trường đầu tiên thật đặc biệt và đáng nhớ. Có lẽ, mai sau, những cảm xúc và kỉ niệm này vẫn sẽ mãi đọng trong lòng tôi. Và đây sẽ mãi là kỉ niệm đẹp trong lòng tôi. Nó sẽ khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi nhớ lại.
Bài văn mẫu 6
Ngày đầu tiên đi học là ngày không ai trong chúng ta có thể quên được, những kỉ niệm ngày đầu tiên đến lớp có nhiều kỉ niệm sâu sắc. Tôi năm nay đã lên lớp 8 nhưng nhớ về những kỉ niệm đó vẫn còn xao xuyến, bồi hồi và xen lẫn xúc động.
Hôm ấy, cuối thu đầu đông thời tiết se se lạnh, lá vàng rơi lác đác, thời khắc đó báo hiệu một năm học mới bắt đầu. Tôi thổn thức và háo hức tưởng tượng ra mọi thứ xung quanh sự kiện quan trọng. Hôm nay bà sẽ là người đưa tôi đến trường, bố mẹ bận công tác xa nên không có nhiều thời gian. Nơi tôi ở không phải ở thành thị, đó chỉ là vùng sông nước thôn quê. Trên đường đến trường bà cháu tôi phải đi qua con sông, bác lái đò nét mặt tươi hơn mọi ngày tôi có cảm giác vậy đơn giản vì hôm nay là “ngày tựu trường”. Trên đò cũng có học sinh và các bậc phụ huynh. Tôi thoáng thấy trên mặt họ có chút lo lắng. Điều đó càng làm tôi hiểu về tầm quan trọng của ngày trọng đại này. Tâm hồn tôi bấy giờ nặng trĩu đang suy nghĩ, chợt tiếng bác lái đò gọi to: “Các cháu xuống nào, chúc các cháu vui vẻ nhé” Câu nói ấy thật quen thuộc nhưng sao hôm nay nó lại rất lạ lẫm với tôi. Tôi mạnh dạn nắm tay bà bước xuống đò. Cơn gió nhè nhẹ thổi qua như xua đi sự mệt mỏi trong tôi.
Trước mắt tôi là ngôi trường to lớn, khang trang. Bà xoa đầu tôi và nói: “Cháu yêu, trường học của chúng ta đây rồi. Quả thực tâm trạng tôi mỗi lúc thay đổi, tôi không còn cảm thấy quá sợ cố nhảy theo những bước chân của bà như trước nữa. Xung quanh trường khi đó có hàng trăm các bạn học sinh khác cùng với biết bao tâm trạng, suy nghĩ. Bạn thì níu chân mẹ, mếu máo. Chợt có tiếng khóc òa tôi liền chạy lại úp mặt vào bà và cũng nghẹn ngào. Nhưng tôi lại can đảm, lúc đó có một cô giáo đi lại phía tôi và nói: “Bà cho cháu vào lớp đi”. Giọng nói ấm ấm, thanh thanh mà ngọt ngào của cô đã khiến tôi nhớ đến mẹ. Tôi không còn cảm giác sợ hãi nữa mà sự quen thuộc dần dần hiện ra.
Tôi vào lớp nhưng cố đi tìm hình dáng thân thương của bà thân yêu. Lúc này bà cũng nhẹ nhàng nói với tôi: “Cháu cố gắng ở lại ngoan nhé, trưa bà đón về”. Bỗng tôi lại nghe thấy giọng nói ngọt ngào của cô giáo vang lên, không còn sợ hãi nữa mà thay vào đó là sự can đảm trong tôi, tôi sẽ học thật tốt để vui lòng bố mẹ và người bà của mình.
Bài văn mẫu 7
Cái ngày trọng đại ấy - ngày đầu tiên tôi đi học, đã trôi qua thật ngọt ngào ở một lớp học bé xíu ươm màu nắng…
Sáng sớm, dưới những hàng phượng chiu chít bông, có một con bé lẽo đẽo ôm tập theo vành nón mẹ đi học. "Đi học", một khái niệm hoàn toàn xa lạ với cô bé, bảo sao nó không hồi hộp? Bao nhiêu câu hỏi cứ thi nhau hiện lên trong đầu nó cốt để vẽ ra một bức tranh về ngôi trường kia. Mải mơ mộng, con bé không biết đã đến nơi tự lúc nào. Mẹ nó đang nói chuyện với cô giáo, thỉnh thoảng lại cười chỉ vào nó, nhưng nó đâu quan tâm.
Kia là "Ngôi trường". Một khoảng sân không tường rào, thênh thang gió, lô xô đủ thứ cây ăn quả chín mọng mà đứa con nít nào cũng phải thèm. Một phòng học bé xíu ngói đỏ tường rêu meo mốc núp dưới tầng lá xanh. Một lũ nhóc lít nhít cùng tuổi nó đang nô giỡn ầm ĩ trên bậc thềm đất nện. Bỗng, mẹ đẩy nhẹ con bé về phía cô. Đến bây giờ nó mới ngắm cô thật kĩ. Cô đã lớn tuổi, mái tóc dài hoa râm và đôi mắt thật hiền. Khom người, cô chìa tay về phía nó. Phải là người khác thì con bé đã quay đi, dấu mặt sau lưng mẹ mếu máo sợ. Nhưng sao ở gần cô nó lại thấy thiệt ấm áp thương thương. Lạ ghê! Se sẽ đặt nắm tay bé xíu vào bàn tay cô, con bé cúi đầu bi bô: "Con chào cô ạ!".
Giờ học đầu tiên cô không cho nó tập tô chữ như chị Hai kể. Cô giáo dặn dò đủ điều, từ chuyện chỗ ngồi đến việc bao vở, cầm bút... Chuyện gì cô cũng hướng dẫn kĩ. Nhưng nó đâu có nhớ gì đâu. Mà nhớ làm chi cho mệt, thế nào trưa nay đón, mẹ cũng hỏi cô rồi chuẩn bị tươm tất cho nó cả thôi. "Nhưng - cô đột ngọt chuyển giọng làm nó chú ý - trước khi là học sinh các con phải nhớ: Tiên học lễ, hậu học văn" con bé khoanh tay ngay ngắn trên tập vở, mắt xoe tròn lắng nghe bài giảng đầu đời! Bây giờ nó cũng đang đi học như ai, cũng đường hoàng ngồi trong lớp học, cũng được nghe lời cô giáo giảng để... để... À, đúng rồi! Để "Mở mang tri thức" y như lời ba nói tối qua.
Nửa buổi học đầu tiên trôi qua êm thấm. Ra chơi. Cô giáo vừa quay lưng cất hộp phấn, lũ trẻ đã đua nhau ào ra sân. Con bé líu ríu chạy theo. Vui ghê! Mà cũng lạ ghê, lần đầu tiên con bé chơi giữa nhiều người lạ mà không hề mè nheo mít ướt. Ban đầu, ai cũng lạ hoắc lạ huơ nhưng rồi đều nhập cuộc nhanh chóng vào những trò chơi hấp dẫn. Tiếng cười làm nắng hè rộn rạo vang lên ngập khoảnh sân nhỏ. Đột nhiên: "Xoảng!". Chiếc dép của con bé bay tít lên cao. Dưới đất một chậu cây vỡ tan tành. Miếng chậu văng ra quẹt cả vào má nó. Lũ bạn kinh hãi, trố mắt vây quanh. Con nhóc nằm bẹp dưới đất oà lên. Đau thì ít, sợ thì nhiều. Nó sợ cô giáo giận nó, mắng rồi không cho nó đi học nữa. Sợ phải xa nơi này - cái nơi mà nó đã yêu ngay từ lần đầu đặt chân đến. Cô giáo tất tả chạy ra, đỡ nó len, phủi bụi. Con bé nhắm tịt mắt chờ cô mắng. Một tấm khăn ướt, lạnh tê cả người áp vào mặt nó. Con bé ngạc nhiên, ti hí nhìn hàng lông mày thanh thanh đang xô vào tròng kính.
Buổi học lại bắt đầu. Nó được đặc cách ngồi trong lòng cô để nghe chuyện. Giọng cô thật hay chứ không như tiếng ba ồm ồm, cũng không lách cách giống chị Hai. Lâu lâu, nó cứ phải có gìm tiếng nấc để khỏi làm cô ngừng lại: "Hết đau chưa con?". Rồi cô vỗ nhẹ vào đùi nó tiếp tục kể. Con bé ngả vào cô. Nghe thật dịu êm!
Đến khi nó tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao và mẹ đã đợi sẵn ở cửa tự lúc nào. Nó dụi mắt, tuột xuống, ôm tập sà vào lòng mẹ rồi líu ríu chào cô. Trên đường về nhà nó cứ nhắc mãi: "Mai mẹ nhớ gọi con dậy sớm đi học nghe!".
Thoắt cái đã tám năm trôi qua. Con bé ngày ấy đã là tôi của bây giờ. Một cô học trò hằng ngày vẫn đạp xe đến trường. Vẫn vui đùa nghịch ngợm với bạn bè. Vẫn tíu tít kể chuyện khi có ai hỏi về vết sẹo trên má. Để rồi, mỗi khi đi ngang qua chốn ấy bỗng dừng lại bật cười ấm áp.
Xem thêm một số bài văn mẫu hay khác:
TOP 30 Bài văn Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Bài văn Kể về một việc em đã làm khiến bố mẹ vui lòng (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Dàn ý kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học (2024) SIÊU HAY
TOP 50 Bài văn Kể về một chuyến đi tham quan của em (2024) SIÊU HAY