Đề bài: Dẫn chứng nghị luận xã hội đoàn kết là sức mạnh.
Dẫn chứng 1
Anh hùng La Văn Cầu, dân tộc Tày mãi mãi không quên bữa cơm của Bác “đãi” với rau, thịt gà… những “sản phẩm” do chính Bác nuôi, trồng. Bác hỏi thăm mẹ Cầu, gửi quà cho mẹ, dặn cán bộ tạo mọi điều kiện để Cầu về thăm mẹ, giúp đỡ gia đình.
Nhiều chiến sĩ người dân tộc đã lấy họ Hồ cho mình như Hồ Vai, Hồ Can Lịch, Hồ Văn Bột… Mùa thu năm 1964, chị Choáng Kring Thêm – chiến sĩ người dân tộc Cà Tu, tham gia đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được ra miền Bắc, gặp Bác Hồ. Chị Thêm kể: “Đoàn chúng tôi vừa bước xuống xe thì đã thấy Bác đứng chờ ngay ngoài sân.
Bác ôm hôn thắm thiết các thành viên trong đoàn. Chúng tôi theo Bác đến dãy bàn tiếp khách kê ngay ngoài vườn đầy hoa và nắng. Thấy tôi mặc bộ quần áo dân tộc, Bác nói:
Cháu đúng là con gái dân tộc Cà Tu giữ được tính chất của dân tộc mình. Chị Ngân, chị Cao gặp Bác, mừng quá khóc lên. Bác dịu dàng bảo:
Các cháu gái đừng khóc. Gặp Bác phải vui chứ. Hai cháu hãy kể cho Bác nghe bà con ta ở tiền tuyến đánh Mỹ như thế nào?
Tôi thưa:
Thưa Bác, cháu thương, cháu nhớ Bác. Tất cả đồng bào dân tộc miền Nam đều thương nhớ Bác. Sau đó tôi kể Bác nghe một số chuyện chiến đấu của mẹ Giớn, anh Bên, em Thơ…Bác nói:
Cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam ta là toàn dân, toàn diện. Trẻ, già, gái, trai, Kinh, Cà Tu, Cà Tang và đồng bào các dân tộc khác đều sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”.
Tôi hiểu đó là Bác dành tình thương mênh mông của Bác cho tất cả chúng ta.
Dẫn chứng 2
Có đoàn kết con người mới có sức lao động, có đủ khả năng để xây dựng những công trình lớn. Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình là một minh chứng rõ nhất. Dưới sự giúp đỡ của những chuyên gia Liên Xô (cũ), những công nhân Việt Nam và những công nhân nước bạn cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nên nhà máy, mang đến ánh sáng kì diệu cho nhiều nơi trên đất nước ta.
Cùng như vậy, sự đoàn kết các (dân tộc trên đất nước Việt Nam làm cho chúng ta có sức mạnh tổng hợp, nhờ đó đã đánh thắng biết bao kẻ thù xâm lược mạnh hơn và trang bị hiện đại hơn chúng ta gấp nhiều lần.
Dẫn chứng 3
Phát huy 3 phương thức tập hợp nhân dân và các tổ chức để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như trên (Chung tay, Cùng làm, Liên kết), thời gian qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 3 cuộc vận động lớn: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Ngày vì người nghèo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các hoạt động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa.
Ba cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành thời gian qua đã góp phần thiết thực xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng tốt.
Năm 2015, kế thừa các thành quả và kinh nghiệm triển khai 2 cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”, đồng thời để đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và sự phát triển của các đô thị, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Nghị quyết về triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 – 2020.
Dẫn chứng 4
Lần giở lại những trang sử hào hùng của dân tộc, ta càng hiểu rõ tình đoàn kết của dân tộc ta thật đáng tự hào. Nhờ nhân dân ta hết lòng ủng hộ, cùng nhau hợp lực lại đánh đuổi quân Nam Hán nên cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thắng lợi vẻ vang.
Rồi đến chiến thắng lừng lẫy của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ba lần đánh bại quân Nguyên Mông… đã nêu cao tinh thần đoàn kết chiến đấu chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.
Nếu trước kia dân tộc ta đã kiên cường đoàn kết bên nhau chống giặc phong kiến phương Bắc hàng nghìn năm thì cũng với tinh thần đoàn kết ấy nhân dân ta đã giành thắng lợi ở trận Điện Biên Phủ oai hùng với gần trăm năm kháng chiến.
Trang sử vàng chưa khép lại thì một cuộc chiến khác gay go hơn, quyết liệt hơn như thử thách tình đoàn kết của dân tộc ta – cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Giai đoạn này, cả ba miền đất nước, trẻ, già, gái, trai… cùng nhau góp sức chung vai gánh vác.
Mỗi người một nhiệm vụ, mỗi người một tấm lòng… coi như anh em một nhà, đoàn kết, siết chặt tay nhau, sống chết bên nhau với lòng quyết tâm giết giặc giải phóng đất nước. Cả nước tham gia kháng chiến. Với tinh thần gắn bó đoàn kết bên nhau ấy, mà chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã kết thúc bằng một thắng lợi vô cùng vẻ vang, giành lại độc lập cho dân tộc và đất nước được thống nhất.
Dẫn chứng 5
Câu chuyện bó đũa là một trong những bài học sâu sắc nhất về sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong kho tàng trí tuệ của con người. Chuyện kể rằng có một người cha ở cùng ba người con trai. Cả ba người con đều rất chăm chỉ làm lụng.
Thế nhưng, hằng ngày, họ lại thường hay cãi cọ nhau chỉ vì những việc nhỏ nhặt. Việc ấy khiến người cha rất buồn lòng. Dù ông khuyên giải nhiều lần nhưng các con ông chẳng nghe. Người cha nghĩ cứ thế này mãi sao được, phải lấy thực tế để dạy chúng vậy.
Một hôm, người cha gọi ba người con lại và lấy ra một bó đũa đặt trên bàn. Người cha lấy một sợi dây chỉ đỏ buộc chặt những chiếc đũa vào với nhau rồi nói:
– Trong ba con, ai có thể bẻ gãy bó đũa này, người đó sẽ được cha để lại mọi thứ.
Dù bất ngờ và ngạc nhiên trước hành động của người cha nhưng ba người con trai cũng ngoan ngoãn làm theo. Dù đã gắng hết sức nhưng chẳng ai bẻ nỗi bó đũa đó.
Lúc này, người cha bèn tháo sợi dây ra, đưa cho mỗi con một chiếc đũa rồi nói:
– Bây giờ, các con thử đi, xem có bẻ được không?
Ông vừa dứt lời thì nghe thấy tiếng: Rắc, rắc… Cả ba người con đều bẻ gãy chiếc đũa trong nháy mắt. Người cha trầm ngâm giải thích:
– Các con cũng giống như ba chiếc đũa này. Khi bó nó lại, nó rất vững chắc. Khi tháo nó ra, nó rất mềm yếu. Nếu các con biết đoàn kết lại thì chẳng bao giờ bị thất bại. Song, nếu các con cứ suốt ngày chỉ biết cãi cọ, làm mất tình nghĩa anh em thì sẽ dễ bị bẻ gãy như những chiếc đũa kia.
Sợi chỉ đỏ buộc những chiếc đũa lại với nhau chính là tình yêu thương mà các con có thể dành cho nhau. Hãy nhớ lời cha, khi cha không còn nữa, nhất định các con phải biết yêu thương, đoàn kết với nhau. Không ai có thể chia rẽ các con trừ khi các con muốn làm điều đó. Đoàn kết sẽ làm nên sức mạnh vô địch.
Cả ba người con trai đều đã hiểu lời người cha dạy. Từ đó trở đi, họ biết sống hòa thuận nhau, đồng tâm hiệp lực, làm gì cũng có nhau. Vì thế mà cuộc sống của họ ngày càng khấm khá, tươi đẹp hơn.
Dẫn chứng 6
Đầu năm học, lớp tôi có một bạn học sinh mới chuyển đến. Cô bạn tên là Chi. Bởi người Chi gầy gầy xương xương nên lớp tôi gọi cô bạn với cái tên nghe vẻ cười nhạo thân hình đó: Chi Khỉ. Có lần, câu chuyện về Chi đã giúp lớp tôi đoàn kết và biết thương yêu nhau hơn. Câu chuyện như sau:
Chi được xếp ngồi ở cuối lớp, vì còn mỗi bàn đó trống. Là học sinh mới, vị trí đó càng làm Chi tách biệt với mọi người. Mỗi giờ ra chơi, chúng tôi lại đùa nghịch và rôm rả nói đủ thứ chuyện.
Không ít lần, bạn Nam mập đã cố tình ném quả cầu lông trúng người Chi rồi lại giả vờ xin lỗi như một cách trêu chọc. Chi chỉ lặng im rồi đưa trả quả cầu. Thấy thế, chúng tôi càng đắc ý và cười lớn. Một hôm, trong giờ tập làm văn miêu tả con vật trong vườn thú. Cô giáo cất tiếng hỏi:
Các em đã được quan sát những con vật nào trong vườn thú rồi?
Những tiếng trả lời nhao nhao mỗi người một loài vật.
Dạ em thưa cô! Con khỉ ạ. – Nam trả lời rất dõng dạc.
Nghe vậy, cả lớp cười lớn như hiểu ý. Riêng Chi đỏ mặt, rồi bỗng nhiên gục đầu xuống bàn. Cô giáo nhanh chóng tiến về phía cuối lớp. Chúng tôi cũng xúm lại quanh đó. Chẳng rõ cô và Chi thì thầm gì với nhau mà cô vội vã dìu Chi xuống phòng y tế.
Một lúc sau, cô lên lớp và kể lại câu chuyện. Chúng tôi ai nấy lòng đầy lo sợ, sợ cô bạn Chi Khỉ kia đã mách với cô những điều chúng tôi đã trêu đùa cậu. Nhưng đáng ngờ là cô không hề nói tới chuyện đó, cô chỉ kể Chi bị bệnh tim bẩm sinh nên cơ thể yếu ớt. Mỗi lần có tác động tới tâm trạng là cô bạn lại lên cơn đau quằn quại.
Giờ ra chơi, cô cho chúng em xuống thăm bạn Chi ạ? – Bỗng, Nam cất giọng, gương mặt thành khẩn.
Chúng tôi cũng bất ngờ nhưng ai nấy đều tán thành với ý kiến này.
Từ đó, cả lớp tôi chẳng còn ai gọi Chi với cái tên kì thị, mỉa mai đó nữa. Chúng tôi cùng nhau học, cùng nhau chơi rất thân thiết. Hôm nào Chi nghỉ ốm, lớp lại cử Nam đạp xe ghé qua nhà Chi cho bạn ấy mượn vở. Cậu bạn hăng hái tình nguyện làm việc đó.
Dẫn chứng 7
Nhằm làm tốt công tác xây dựng khối đoàn kết tôn giáo trong cả nước, trong những năm qua, các cấp, các ngành chức năng từ trung ương đến các địa phương, trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò chủ đạo đã thường xuyên quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo và đoàn kết tôn giáo.
Kết hợp chặt chẽ công tác tôn giáo với việc tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn; động viên, khuyến khích các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo “sống tốt đời, đẹp đạo”, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho đồng bào các tôn giáo thấy rõ sự ưu việt của chế độ XHCN, sự đúng đắn của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nói chung, về tôn giáo, công tác tôn giáo nói riêng, về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để hòng gây mất đoàn kết nội bộ, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Dẫn chứng 8
Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội.
Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử.
Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác.
Đến câu hỏi: Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?
Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi: Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?
Mọi người đồng thanh đáp thưa Bác không ạ.
Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và nói:
Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ…cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì có còn là cái đồng hồ được không ?
Người căn dặn: Đối với chi bộ, đảng bộ hay tất cả các cơ quan, đơn vị cũng vậy, mỗi phòng, ban là một bộ phận không thể thiếu.
Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù việc lớn việc nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau để tạo thành một khối vững chắc, thì mỗi chúng ta phải thật sự đoàn kết, nổ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Việc so bì, tính toán thiệt hơn về quyền lợi, trách nhiệm hay ngại việc nặng tìm việc nhẹ thì sẽ dẫn đến mất đoàn kết, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã làm cho nhiều cán bộ dự hội nghị trong hội trường đánh tan suy nghĩ cá nhân của mình.
Dẫn chứng 9
Đoàn kết, yêu thương nhau là một đức tính tốt của mỗi người chúng ta. Với những người học sinh chúng em, tính bạn của chúng em cũng thể hiện bằng sự đoàn kết và yêu thương đó. Nhớ lại một lần, trong lớp có bạn Hùng bị ngã xe. Chân bạn bị gãy, rất đau đớn. Cả lớp đều rất buồn bã. Mọi người thường thay nhau đến động viên Hùng, nói chuyện với Hùng để Hùng vui.
Do bố mẹ Hùng rất bận nên em, Quý và Nam thì còn thay phiên nhau đến đèo Hùng đi học nữa. Nhờ thế, Hùng đã không bị hổng kiến thức trong quãng thời gian bị đau chân. Việc làm đó của chúng em đã được nhà trường tuyên dương, trao thưởng. Sau việc đó, lớp chúng em càng ngày càng đoàn kết hơn, yêu thương nhau hơn. Chúng em hứa cùng giúp đỡ nhau học tập tốt để bố mẹ, thầy cô có thể vui lòng.
Dẫn chứng 10
Hồi đó,em mới học lớp một. Ở lớp, em thấy bạn Trà có tính đoàn kết rất dễ thương.
Trà là học sinh giỏi nhất lớp. Bạn ấy nhỏ nhắn và rất nhanh nhẹn. Ngồi cạnh Trà là Thu. Thu học chậm, viết yếu. Da bạn Thu đen và mặt đầy những nốt tàn nhang. Nhà Thu nghèo, vở bạn ấy học chỉ là loại xoàng nên khi cô giáo cho viết bút mực, chữ viết của Thu lem luốc rất xấu. Trà ra sức chỉ cho Thu cách đưa bút viết nhè nhẹ để ngòi bút đừng đè vào giấy, như thế chữ viết bớt bị lem mực.
Một hôm, không biết bạn nào chơi xấu chà phấn vào trang vở của Thu. Bạn ấy òa khóc khi thấy cứ đặt bút vào là vết mực loang ra. Thu khóc nức nở đòi mách cô giáo. Trà lật trang vở mới tiếp theo không có phấn và giục Thu viết nhanh lên vì sắp vào lớp.
Sau đó, Trà bảo Thu: “Đưa vở của bạn đây mình cất cho. Chúng mình không cần mách cô giáo. Thu viết đẹp hơn nữa thì không ai dám ghẹo Thu đâu!”. Mỗi buổi học, Trà cất giữ vở cho Thu như giữ vở của chính Trà. Trà làm gì cũng nhanh nên bạn ấy thường chỉ cho Thu học toán, viết bài.
Trả còn rủ Kim Chi, Minh Tịnh chơi nhảy dây, chơi nhảy vòng với Thu. Dần dà, không thấy bạn nào chơi xấu, ăn hiếp Thu nữa. Rồi Thu học khá lên, chữ viết đẹp, làm toán nhanh. Cả lớp cùng chơi với nhau chẳng nhớ gì về chuyện vở lem dạo nọ.
Bây giờ đã học lớp bốn nhưng em vẫn nhớ câu chuyện xảy ra từ hồi lớp một. Câu chuyện ấy cho em thấy tấm lòng yêu thương, đoàn kết giúp đỡ bạn của chính bạn học cùng lớp với mình. Trà thật đáng cho em trân trọng, học tập.
Dẫn chứng 11
Tinh thần đoàn kết vẫn là điểm tựa vững chắc để đưa đất nước cùng phát triển từ một đống đổ nát sau chiến tranh đến một nước xã hội dân chủ vững mạnh cả về chính trị lẫn kinh tế.
Hay các phong trào, các chương trình từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn vẫn luôn được duy trì và phát triển trong cộng đồng như chương trình “Trái tim cho em” dành cho các bệnh nhi bị tim bẩm sinh, chương trình “Lục lạc vàng” trao tặng bò cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu vươn lên, chương trình “Cặp lá yêu thương” hay các đợt từ thiện giúp cho đỡ đồng bào miền Trung chống lũ…
Ngay cả các em học sinh nhỏ cũng được giáo dục tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách ngay từ khi còn trên ghế nhà trường qua các bài giảng cũng như những phong trào như “kế hoạch nhỏ ủng hộ các bạn học sinh nghèo vượt khó”,…
Dẫn chứng 12
Trường hợp khi Trường Sa – Hoàng Sa gặp nạn, bị Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Chúng ta đã không e dè, sợ hãi trước một đất nước hùng mạnh mà đã cùng nhau lên tiếng đòi lại lãnh thổ, sử dụng các phương tiện truyền thông để lên tiếng bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai. Đó cũng là đoàn kết, nhưng ở mức độ lớn hơn. Đoàn kết cũng được hiển thị ở những việc làm nhỏ nhặt.
Dẫn chứng 13
Dịch bệnh Covid phức tạp, làm ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe, đời sống của người dân, khó khăn chồng chất khó khăn. Cùng chung mục đích chia sẻ khó khăn với người nghèo, thời gian qua đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp thực hiện những việc làm, nghĩa cử cao đẹp. Người góp tiền, người góp nhu yếu phẩm ủng hộ, phát cơm miễn phí… Tất cả đều đáng trân trọng và góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, góp sức cho cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.
Thấu hiểu được nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, chị Lương Thị Thanh Thảo, chủ một nhà hàng tại quận Bình Thạnh đã gửi tặng 500 kg gạo cho Hội Chữ thập đỏ Quận 1 để góp một chút công sức chung tay trong công tác phòng chống dịch.
Mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé giúp chiến thắng dịch bệnh, với phương châm giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình, chị Lương Thế Anh, ngụ quận Gò Vấp đã ủng hộ 1 tấn rau, củ, quả cho Hội Chữ thập đỏ Quận 1. Chị Phạm Thị Yến, ngụ Quận 1 cũng đã chung tay ủng hộ 1.000 chai nước sâm với trị giá 20 triệu đồng để động viên, chia sẻ với lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm chốt phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, tập đoàn Camly Group đã ủng hộ 2 tấn gạo và 1,2 tấn khoai cùng chung tay chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch bệnh.
Chị Lê Thị Hải, ngụ tại Chung cư 45-57 Nguyễn Thái Bình, Trưởng Khu phố 2 phường Nguyễn Thái Bình – người tổ chức chương trình “Buổi sáng yêu thương” – cho biết: Dịch bệnh lại đang phức tạp, nhiều người dân từng ngày chống chọi với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn thực phẩm.
Tôi đã kêu gọi sự chung tay của các mạnh thường quân đóng góp để hàng ngày phát 120 suất cơm chay cho người lao động nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công nhân vệ sinh. Chương trình “Buổi sáng yêu thương” sẽ được tổ chức cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Dẫn chứng 14
Đại đoàn kết, một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta đã được lịch sử chứng minh là một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước. “Đoàn kết là sức mạnh”, đó là một chân lý giản đơn và dễ hiểu hầu như đất nước nào cũng nhắc tới.
Kế thừa tư tưởng lớn đó của nhân loại, đặc biệt là thấm nhuần lời kêu gọi của VI.Lê -nin “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giáo dục cán bộ và nhân dân ta:
“Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết
Thành công thành công đại thành công”
Người đã trực tiếp xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc, tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trên thế giới. Trên bình diện này, có thể coi đại đoàn kết là một chiến lược lớn của cách mạng, chiến lược về tổ chức nhằm tập hợp lực lượng đến mức đông đảo nhất, rộng rãi nhất mọi tầng lớp nhân dân, thậm chí Người đã thuyết phục và thu phục đến từng dòng họ, từng con người vào mặt trận thống nhất của dân tộc .
Dẫn chứng 15
Một đêm mùa đông năm 1951, gió bấc tràn về mang theo những hạt mưa lâm thâm làm cho khí trời càng thêm lạnh giá. Thung lũng bản Ty co mình lại trong yên giấc, trừ một ngôi nhà sàn nhỏ còn phát ra ánh sáng. Ở đây, Bác vẫn thức, vẫn làm việc khuya như bao đêm bình thường khác. Bỗng cánh cửa nhà sàn hé mở, bóng Bác hiện ra. Bác bước xuống cầu thang, đi thẳng về phía gốc cây, chỗ tôi đang đứng gác.
– Chú làm nhiệm vụ ở đây có phải không?
– Thưa Bác, vâng ạ!
– Chú không có áo mưa?
Tôi ngập ngừng nhưng mạnh dạn đáp:
– Dạ thưa Bác, cháu không có ạ!
Bác nhìn tôi từ đầu đến chân ái ngại:
– Gác đêm, có áo mưa, không ướt, đỡ lạnh hơn…
Sau đó, Bác từ từ đi vào nhà, dáng suy nghĩ…
Một tuần sau, anh Bảy cùng mấy người nữa đem đến cho chúng tôi 12 chiếc áo dạ dài chiến lợi phẩm. Anh nói:
– Bác bảo phải cố gắng tìm áo mưa cho anh em. Hôm nay có mấy chiếc áo này, chúng tôi mang lại cho các đồng chí. Được một chiếc áo như thế này là một điều quý, nhưng đối với chúng tôi còn quý giá và hạnh phúc hơn khi Bác trực tiếp chăm lo, săn sóc với cả tấm lòng yêu thương của một người cha.
Sáng hôm sau, tôi mặc chiếc áo mới nhận được đến gác nơi Bác làm việc. Thấy tôi, Bác cười và khen:
– Hôm nay chú có áo mới rồi.
– Dạ thưa Bác, đây là áo anh Bảy đem đến cho tiểu đội chúng cháu mỗi người một chiếc ạ.
Nghe tôi thưa lại, Bác rất vui. Bác ân cần dặn dò thêm:
– Trời lạnh, chú cần giữ gìn sức khỏe và cố gắng làm tốt công tác.
Dặn dò xong, Bác trở lại ngôi nhà sàn để làm việc. Lòng tôi xiết bao xúc động. Bác đã dành áo ấm cho chúng tôi trong lúc Bác chỉ mặc một chiếc áo bông mỏng đã cũ. Đáng lẽ chúng tôi phải chăm lo cho Bác nhiều hơn, còn Bác, Bác lại lo nghĩ đến chúng tôi nhiều quá.
Từ đấy, chúng tôi cũng trân trọng giữ gìn chiếc áo Bác cho như giữ lấy hơi ấm của Bác. Hơi ấm ấy đã truyền thêm cho chúng tôi sức mạnh trong mỗi chặng đường công tác.
Xem thêm các bài văn mẫu hay khác:
TOP 10 Đoạn văn nghị luận về thói an chơi đua đòi (2024) SIÊU HAY
TOP 20 Đoạn văn nghị luận về lòng tham (2024) SIÊU HAY
TOP 30 Mẫu mở bài nghị luận xã hội (2024) SIÊU HAY
TOP 15 Đoạn văn nghị luận 200 chữ biết ơn (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Bài văn nghị luận xã hội đại học không phải là con đường duy nhất (2024) HAY NHẤT