TOP 20 Bài văn tả về cảnh đẹp Ninh Thuận (2024) SIÊU HAY

Dưới đây là TOP 20 Bài văn tả cảnh đẹp Ninh Thuận hay nhất hướng dẫn chi tiết cho học sinh tham khảo, giúp cải thiện khả năng viết văn.

Đề bài: Tả cảnh đẹp Ninh Thuận

Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu về danh lam thắng cảnh ở Ninh Thuận mà em muốn thuyết minh (bãi biển Ninh Chữ).

Lưu ý: học sinh được tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

Ninh Chữ là một bãi biển thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Khánh Hải, tỉnh Ninh Thuận cách thành phố Phan Rang 5 km về phía đông.

Biển Ninh Chữ được coi là một trong những bãi biển đẹp nhất ở miền Trung và là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Bãi biển Ninh Chữ là 1 trong 9 bãi tắm đẹp nhất của Việt Nam, có chiều dài 10 km, bờ biển bằng phẳng hình vòng cung, nước trong xanh.

Bãi biển mới được khai thác du lịch cách đây không lâu nên Ninh Chữ vẫn còn hoang sơ, yên bình.

Biển Ninh Chữ mang thời tiết nhiệt đới gió mùa khô nóng và nhiều gió. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11. Từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau là mùa khô.

Bạn có thể lựa chọn nhiều phương tiện khác nhau để di chuyển đến Ninh Chữ như: máy bay, tàu hỏa, ô tô, xe khách,… thậm chí là phượt xe máy nếu như bạn ở Sài Gòn hoặc khu vực miền trong.

Gần ngay biển Ninh Chữ, tháp Po Klong Garai là một di tích lịch sử nổi tiếng, nằm trên đồi Trầu, phường Đô Vinh, Ninh Thuận. Tháp Po Klong Garai mang đậm bản sắc văn hóa Chăm.

→ Với tất cả những ưu điểm của mình, bãi biển Ninh Chữ xứng đáng là một điểm đến du lịch thú vị mà mọi du khách có dịp nên ghé thăm.

3. Kết bài

Khái quát lại những giá trị của biển Ninh Chữ nói riêng cũng như những khu du lịch, danh lam thắng cảnh khác nói chung.

Một số bài văn mẫu hay

Mẫu 1

Tài liệu VietJack

Dải đất miền Trung tuy đầy nắng gió, thời tiết khắc nghiệt nhưng bù lại tạo hóa đã ưu ái, ban tặng nơi đây những bức họa thiên nhiên tuyệt sắc. Xuôi dọc theo đường cong quyến rũ của dải đất hình chữ S, có một địa danh mà bất cứ ai đi qua đây đều phải dừng lại để say đắm ngắm nhìn. Đó là biển Ninh Chữ, một trong chín bãi biển đẹp nhất miền Trung.

Tỉnh Ninh Thuận nhìn từ trên cao như một bức tranh kết gắn hài hòa giữa núi đồi, đồng bằng và biển cả. Cách TP Phan Rang-Tháp Chàm chừng 6 km theo hướng Đông, bãi biển Ninh Chữ hiện ra trước mắt, trải dài khoảng 10 km, uốn cong như đường chân trời hình bán nguyệt. Vào từng khoảng thời gian khác nhau biển mang một vẻ đẹp không giống nhau, không thể lẫn lộn vào đâu được, mỗi hình dáng và sắc thái riêng biệt.

Người ta đặt tên cho bãi biển này là Ninh Chữ do vùng biển này đẹp, sóng lặng, yên bình, theo nghĩa chữ Hán, Ninh có nghĩa là bình yên, thái hòa, Chữ là bờ bãi. Biển Ninh Chữ rất ít sóng, không có tiếng sóng vỗ êm ả như các bờ biển khác, nước biển và bầu trời hòa cùng một màu xanh thẫm với bãi cát dài, tạo thành những triền cát có màu hơi vàng nhạt. Tuy nhiên đây vừa là ưu, vừa là khuyết điểm, màu biển đậm quá và âm thanh sóng lớn khiến nhiều du khách e ngại, không dám xuống tắm biển. Vì bãi biển đẹp nên du khách có thể đi bộ dọc bờ biển để hướng gió tự nhiên của biển.

Vào những ngày thường, bãi biển Ninh Chữ khá vắng lặng, tuy nhiên vào ngày lễ có phần tấp nập hơn, nhưng vẫn không quá ồn ào. Có lẽ chính vì thế mà nhiều người chọn Ninh Chữ làm điểm đến nghỉ dưỡng cho các kỳ nghỉ của mình. Đây cũng là một trong những bãi biển tuân thủ nghiêm ngặt việc giữ gìn vệ sinh và bảo tồn nét đẹp hoang sơ nhất Việt nam.

Ngoài ra, Ninh Chữ còn có một kỳ quan, đó là cảnh mặt trời dần dần nhô ra khỏi ngọn núi nhỏ, nhuộm cả góc trời trong tông màu rực rỡ tương phản hoàn toàn với màn đêm còn lại trên bãi biển, trên những dãy núi đá. Bạn hẳn đã từng ngắm biển vào lúc bình minh ? Biển Ninh Chữ vào sáng sớm e ấp như thiếu nữ, nhưng càng e ấp, khép nép lại càng lột tả hết nét quyến rũ.

Bên cạnh khu vực bờ biển còn có đầm, cá, mực… rất thuận tiện với những người thích thưởng thức hải sản tươi sống. Ngoài thời gian tắm biển và thưởng thức ẩm thực nơi đây, bạn còn có thể tham quan phong cảnh hữu tình của Đầm Nại, những tảng đá lớn nhỏ xếp chồng chênh vênh và tạo thành một quần thể thiên nhiên đẹp mắt và hài hòa của núi đá Chồng. Núi ở đây không cao, xen với núi là cây bụi nhỏ, đá và cát. Trên các quả núi có hòn đá với những vết sẹo trắng chạy dài, dân gian gọi đó là đá mặt quỷ.

Về ẩm thực, ngoài những hải sản tươi sống hảo hạng có bán tại nhà hàng, hoặc nhà ngư dân vừa đánh bắt xong, bên cạnh còn có xóm du lịch bụi dành cho dân “phượt”. Hải sản ở đây là loại hai, không được to và ngon như loại một, nhưng rẻ hơn rất nhiều. Đặc sản ở đây phải kể đến là Tai Trâu, Hải sâm đen, các loại cá, mực, cháo nghêu, hoặc bánh xèo mực.

Bãi biển Ninh Chữ là một bãi biển đẹp với nhiều đặc điểm phù hợp với những người thích đi du lịch tại những địa điểm yên tĩnh, vắng vẻ để có thể tận hưởng được cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên và thưởng thức cái đẹp.

Mẫu 2

Biển Bình Tiên thuộc địa phận của tỉnh Ninh Thuận. Cách Ninh Thuận khoảng 40km và cách Nha Trang 60km, đến cầu Mỹ Thanh có 1 con đường nhỏ dẫn ra biển Bình Tiên (cách QL1 khoảng 10km). Đây là ranh giới giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Nằm ở Vịnh Cam Ranh phía trên là dãy Núi Chúa của Tỉnh Ninh Thuận. Biển Bình Tiên khá đẹp, cát trắng trải dài, biển trong xanh và khá sạch. Do bị che bởi nhiều quả núi nên biển khá yên lặ ng… thích hợp cho trẻ em và người lớn, những bạn trẻ có thể cắm trại qua đêm tại đây. Do đường đi vào chỉ phù hợp cho xe 16 chỗ trở xuống nên nơi này chưa được khai thác du lịch và ít người biết và đây cũng chính là điều thú vị khi khám phá Bình Tiên.

Đến Bình Tiên thú vị nhất là sau khi tắm biển, du khách có dịp ngồi thưởng thức những món hải sản tươi và rẻ như ốc, mực và ghẹ tươi luộc… ngay dưới những rặng dừa xanh mát, tràn đầy gió biển. Bình minh trên bãi Bình Tiên khá độc đáo, nhất là bãi biển phía nam có tên gọi Cà Tiên. Bãi Cà Tiên cách bãi chính chỉ khoảng 1km. Nếu du khách lên đến đỉnh núi vào lúc mặt trời vừa hé mở giữa biển khơi thì sẽ choáng ngợp trước cảnh bình minh trên biển. Những tia nắng vàng chiếu thẳng vào bãi cát trắng mịn được bao quanh bởi những mỏm đá chồng có nhiều hình kỳ lạ khiến cho du khách choáng ngợp với cảnh sắc nơi đây.

Nếu thích, du khách còn có thể thuê tàu ra đảo Bình Hưng để tìm hiểu cuộc sống của người dân sống trên đảo này và mua hải sản. Du khách cũng không nên bỏ qua việc khám phá núi Chúa và suối Nước Ngọt. Suối Nước Ngọt nối hai eo biển thuộc xã Cam Lập – Cam Ranh sang Công Hải – Ninh Thuận. Nước bắt đầu từ núi Chúa xuyên thẳng qua tán rừng, chảy gần tràn ra bãi Bình Tiên.

Để đến đây, bạn sẽ mất gần 15 phút băng rừng. Đường đi thú vị nhất là nên chọn xuống bãi biển, rồi nhắm hướng về phía giáp rừng. Đoạn đường này có lúc lại đưa du khách trở ra biển, có khi đi qua những phiến đá to hình mặt người rất kỳ thú. Đi tiếp sẽ gặp suối, Du khách có thể tắm suối sau khi đã tắm biển, rồi chọn các khoảng rừng trống gần suối ngồi nghỉ ngơi, thư giãn.

Cảnh biển Bình Tiên đẹp hút hồn du khách, nước trong xanh và bãi cát trắng mịn sẽ khiến du khách đến đây lưu luyến mãi.

Mẫu 3

Tài liệu VietJack

“Ai về Ninh Thuận mà coi
Ghe thuyền tấp nập nửa trời ra khơi
Nước non Ninh Chữ gọi mời
Có vườn Núi Chúa có lời sử thi
Bức tranh Cung Thủy Vĩnh Hy
San hô một dãi đứng ghi muôn đời…”

Miền Trung là một vùng đất được biết đến đầy nắng gió và cát, quanh năm chịu biết bao thiên tai, lũ lụt, hạn hán, với những người nông dân chân chất, lam lũ. Bởi có địa thế cũng như khí hậu tạo hóa ban tặng được ví như gió như phan, nắng như rang mà đã hình thành nên nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mang nét đặc trưng cho vùng đất này. Trong đó, phải kể đến Vịnh Vĩnh Hy một tuyệt tác tạo hóa dành tặng cho Ninh Thuận, một vẻ đẹp hoang sơ, nhưng lại rưc rỡ vô cùng.

Vịnh Vĩnh Hy nằm tọa lạc tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, bao quanh là rừng núi hoang sơ, hùng vĩ cuộn mình trong làn nước trong xanh, tươi mát, cách thành phố Phan Rang khoảng 40 cây số, dựa mình vào vườn quốc gia Núi Chúa. Đi từ thành phố Phan Rang dọc theo cây cầu Tri Thủy vượt 42km trên con đường tỉnh lộ 702 về hướng đông bắc, băng qua những cung đường quanh co, ôm lấy thiên nhiên, một bên là ngắm nhìn màu xanh êm ả của vùng biển bao la, một bên là hoang cảnh núi rừng bát ngát hùng vĩ, màu xanh của cây cỏ thiên nhiên.

Vịnh Vĩnh Hy hiện ra trước mắt đầy vẻ kiêu sa, như một người con gái đẹp đang chờ đợi người thương từ phương xa đến mang dáng vóc trữ tình, lãng mạn, nên thơ. Đường đến gặp người con gái ấy có thẻ xuất phát từ câu Mỹ Thanh, len lỏi theo con đường Nước Ngọt, vượt qua sự bao lấy giữa núi trời bao la rộng lớn, cùng đồi núi cao xa, thiên nhiên như nhường chổ cho chuyến đi.

Được tạo hóa ưu ái nằm gọn trong sự bao bọc của núi rừng, với những tảng đá vôi đủ hình thù kì di như những chiến binh mạnh mẽ bảo vệ người con gái trong xanh này. Nơi đây còn mang trong mình một truyền thuyết đẹp mơ màng, làm xao xuyến bao tâm hồn du khách. Xưa kia, vĩnh có tên là Vũng Găng, là nơi có một chàng trai tên Vĩnh Hy sinh sống, một người chất phác, hiền lành. Một đêm thanh gió mát, chàng đã vô tình bắt gặp một nàng tiên sắc nước hương trời mang trên mình một đôi cánh trắng tinh khôi đến tắm.

Yêu từ lần đầu gặp, nên chàng đã bơi đến cùng nàng tâm tình, như một món quà ban tặng cho chàng, hai người nên duyên vợ chồng kể từ đấy. Nhưng không may thay, lúc chàng đi đánh cá ở phương gia, thì trời đột ngột nổi mây giông, sóng to, gió lớn khiến chàng một đi mà không bao giờ trở lại. Người vợ ở nhà mong ngóng tin chàng, đau khổ, tuyệt vọng nàng chạy lên Núi Chúa, nước mắt nàng chảy dài thành suối Lồ Ô, và đã chảy mãi đến tận ngày nay. Do đó, mà cảnh sắc ỏ vịnh Vĩnh Hy luôn khiến du khách bối rối, lưu luyến, vấn vương mỗi khi ghé thăm, chất chứa một nỗi niềm da diết.

Vịnh Vĩnh Hy là nơi có giá trị sinh thái vô cùng đặc biệt, tập trung nhiều loài cá, tôm, vích, và đặc biệt là các loài tôm hùm đặc sản mang giá trị kinh tế cao cho nơi đây. Một hệ thống các rạn san hô kéo dài hàng km trên vịnh đẹp mơ màng, bao gồm tất cả đến 307 loài, trong đó đã có 46 loài được phát hiện tại Việt Nam. Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng mà nơi đây có nền kinh tế chủ dạo là nghề đánh bắt hải sản, nuôi tôm sú, tôm hùm…San hô ở đây mọc thành khối, thành rừng bạt ngàn đầy sắc màu dễ dàng nhìn thấy dưới làn nước trong xanh của biển.

Bãi cát trắng trải dài xa xăm, cùng với hàng dương phủ xuống rợp bóng che kín mặt biển, lấp lánh dưới ánh mây trời tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình nên thơ và hấp dẫn vô cùng. Vịnh Vĩnh Hy là một danh lam thắng cảnh tuyệt vời, là sản phẩm của sự hòa quyện giữa núi non, biển đảo vừa thi vị vừa trữ tình lãng mạn, pha chút hoang sơ của núi rừng, ngọt ngào của biển cả. Sau những ngày vui chơi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có của vịnh, du khách thường ghé qua cây cầu treo để đến với vườn quốc gia thiên nhiên Núi Chúa, nơi làm chổ dựa vững chắc của vịnh Vĩnh Hy hoang sơ này.

Có những buổi trời quang mây tạnh, bầu trời tỏa ánh nắng dịu nhẹ, sáng ngời xuống mặt biển, khúc xạ vào những giọt nước li ti tạo nên cầu vòng đủ sắc màu rực rỡ dưới ánh sáng tươi mát. Chiều chiều, cũng là lúc trời bắt đầu yên ả, ít ánh nắng hơn, thích hợp để đi tàu lênh đênh trên biển thưởng ngoạn cảnh sắc. Đến bãi tắm Bà Điên trải nghiệm dòng nước tươi mát của chiều tà, hay trải nghiệm thử thách leo núi gập ghềnh, với những tạo hình kì dị. Ngoài ra khi di chuyển đến bãi Tròn, du khách có thể lưu giữ những viên đá đầy màu sắc trôi dạt trải qua bao sự biến đổi của thời tiết, sự bào mòn của nước biển.

Đến Vĩnh Hy là tìm về một khoảng thời gian xưa với một cuộc sống bình dị, dâm dã, đời thường, khung cảnh hòa mình vào thiên nhiên vào cảnh vật, xóa tan mọi sự lo âu, muộn phiền giữa cuộc sống tất bật, bộn bề hằng ngày. Đêm đêm, trông ra xa là những ngọn đèn lấp lánh giữa bầu trời đen kịt của những tàu thuyền ngư dân, lộng lẫy, thơ mộng của thành phố biển về đêm.

Ngoài Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, nhắc đến biển, người ta không thể nào quên một địa điểm lý tưởng cho nhưng du khách thích khám phá những phong cảnh núi rừng thiên nhiên bát ngát, thơ mộng vào những ngày hè oi bức, nóng nực. Vịnh Vĩnh Hy một vùng biển mang dấu ấn từ lâu đời, mang vẻ đẹp hoang sơ mộc mạc bình dị của tỉnh Ninh Thuận.

Dù đã trải quả bao sự biến đổi của thời gian, sự hao mòn của địa chất nhưng vịnh vẫn luôn là một người con gái đẹp được bao bọc, bảo vệ bởi những dãi núi rừng hùng vĩ, những tảng đá vôi cao to và cả một bầu trời xanh rộng. Dù đi đâu, về đâu, Vịnh Vĩnh Hy vẫn luôn mang trong mìn sự mộc mạc, đơn sơ ấy, chứa đựng những tiềm lực kinh tế biển vững chắc của vùng đất Ninh Thuận này.

Mẫu 4

Khu đền tháp Pô Klong Garai nằm trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, TP. Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) được xem là một trong những cụm tháp Chăm đẹp nhất cả nước, đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa.

Theo truyền thuyết, tháp được vua Jaya Simhavarman III (người Việt thường gọi là vua Chế Mân) cho xây dựng để thờ ngài Pô Klong Garai, vị vua có nhiều công trạng trong việc diệt giặc ngoại xâm, trị vì đất nước. Theo các nhà nghiên cứu, cụm tháp này có niên đại vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14. Tháp Pô Klong Garai gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tiểu quốc Panduranga, vùng đất cực Nam của vương quốc Chăm Pa xưa (nay là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận). Đây được xem là một trong những trung tâm tôn giáo, văn hóa của vùng Panduranga.

Trải gần 800 năm, chứng kiến biết bao cuộc vật đổi sao dời, cụm tháp Pô Klong Garai vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Cụm tháp gồm ba tháp chính là tháp trung tâm, tháp cổng và tháp nhà. Tháp trung tâm là tháp thờ chính, nằm ở vị trí trung tâm ngọn đồi Trầu, cao 20 m, là nơi thờ vua Pô Klong Garai. Tháp cổng ở hướng Đông, cao 10 m, là hình ảnh thu nhỏ của tháp trung tâm.

Tháp nhà nằm trước tháp trung tâm theo hướng Đông Nam, mái tháp cong cong hình chiếc thuyền, khá giống với mái nhà rông ở Tây Nguyên, là nơi các tu sĩ Bà La Môn, thầy cúng bày vật tế lễ và giữ ngọn lửa tế nên còn được gọi là tháp Lửa. Cả ba tháp đều mang kiến trúc tuyệt đẹp với các họa tiết trang trí vô cùng tinh xảo. Các phù điêu tại tháp như thần Siva, tượng vua Pô Klong Garai, tượng bò thần Nandin, phù điêu các tu sĩ, cửa giả… cũng đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đây được xem là cụm tháp đẹp và hùng vĩ trong hệ thống tháp Chăm trên cả nước, một trong những tuyệt tác vô giá mà người Chăm xưa để lại.

Không chỉ là chứng nhân lịch sử cho nền văn minh Chăm Pa rực rỡ một thời, cụm đền tháp Pô Klong Garai còn là trung tâm của đời sống văn hóa, tâm linh của người Chăm tại Ninh Thuận cho đến tận ngày nay. Tại đây, hằng năm diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm thu hút đông đảo du khách thập phương và người Chăm ở các địa phương khác.

Trong đó, nổi bật nhất là lễ Katê, Tết của người Chăm theo đạo Bà La Môn, diễn ra từ ngày 30-6 đến ngày 10-7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch) với nhiều nghi lễ, vũ điệu, trò chơi đặc trưng của người Chăm. Tết Katê với ý nghĩa tưởng nhớ công lao của vua Pô Klong Garai, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa gắn liền với cụm tháp từ lâu đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong đời sống văn hóa người Chăm tại Ninh Thuận, là di sản văn hóa quý giá được người Chăm giữ gìn, trao truyền qua hàng bao thế hệ.

Tài liệu VietJack

Với những giá trị đặc biệt trên, cụm đền tháp Pô Klong Garai được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1979. Năm 2016, công trình này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Tháp Pô Klong Garai là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu quý văn hóa Chăm khi về với thành phố Phan Rang – Tháp Chàm xinh đẹp.

Mẫu 5

Vịnh Vĩnh Hy nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Vĩnh Hy có nghĩa là mong muốn việc buôn bán sầm uất, náo nhiệt với nhiều cơ hội, nhiều may mắn, hướng về 1 cuộc sống an hòa, vui vẻ, bình yên. Vịnh Vĩnh Hy còn có tên gọi khác là Vũng Căng và Vũng Găng.

Vịnh Vĩnh Hy cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 42km về phía Đông Bắc. Địa danh này là một trong những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch và được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đưa vào đề án “Xây dựng và phát triển tuyến du lịch trọng điểm tỉnh Ninh Thuận” bao gồm: Làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp, tháp Pô Klong Garai, vườn nho Thái An và vịnh Vĩnh Hy. Vịnh Vĩnh Hy là một danh thắng đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập vào top 10 vịnh đẹp nhất của Việt Nam, nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Từ bến tàu Vĩnh Hy đi theo hướng trái khoảng 5 phút đường biển, đầu tiên sẽ gặp Bãi Cóc trong và ngoài liền kề nhau. Đây là một bãi đá nổi lên mặt nước với hình dáng của 1 con cóc là “Cậu ông trời”. Tiếp đến là mũi Cá Voi hay còn gọi là mũi Tây Sa, là hình ảnh của một chú cá voi khổng lồ nhô lên mặt nước, hướng về phía biển như trấn giữ, che chở một cách thầm lặng nhằm mang lại sự bình yên cho vùng biển, vùng đất Vĩnh Hy.

Đây là tác phẩm của thiên nhiên, là sự kiến tạo của đá núi và biển khơi, nhưng với người dân Vĩnh Hy, nó còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Vì cá voi hay cá ông được vua triều Nguyễn ban sắc phong với danh hiệu là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần và người dân nơi đây luôn tôn kính loài cá Ông vì đã có công lao che chở, bảo vệ và đem lại may mắn cho những vụ mùa bội thu.

Tiếp đến là Hòn Tai, rồi đến Đá Cột Buồm, Hòn Quy được thiên nhiên tạo ra trên vùng biển Vĩnh Hy.Tiếp theo về phía hướng tay phải, điểm dừng chân đầu tiên sẽ là Bãi Bà điên, Hòn Gan (còn gọi là Hòn Sư tử) – là những bãi tắm đẹp, sản phẩm của thiên nhiên ban tặng cho vịnh Vĩnh Hy, với bãi cát mịn trắng, nước biển trong xanh là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi đến thăm quan vịnh. Tiếp đến là địa điểm Đá Robot với những phiến đá ngang, dọc nằm chồng lên nhau tạo nên hình dáng robot.

Điểm đến tiếp theo trên vịnh chính là Hang Yến, là nơi cư ngụ của loài chim yến và cũng là điểm nhấn riêng của vịnh Vĩnh Hy. Hang được tạo thành bởi những khối đá đa dạng về kích cỡ, phong phú về hình thái, vừa gồ ghề, vừa không kém phần sinh động, tạo ra một bức tranh đầy màu sắc sinh được được pha phối một cách ngẫu hứng. Tiếp sau là Gành Đen, Bãi Hỏm, Bãi Kinh, mũi Đá Vách… hình ảnh những mỏm núi đang vươn ra biển.

Khí hậu nơi đây là nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm khoảng 27 độ C, độ ẩm trung bình 71%, vịnh tập trung nhiều loài cá, tôm, đồi mồi, víc,…và đặc biệt có nhiều rạn san hô tuyệt đẹp. Nằm ngay sát vịnh khoảng 10m còn có 1 công trình kiến trúc Lăng Thần Nam Hải thôn Vĩnh Hy, được xây dựng bằng xi măng cốt thép kiên cố. Lăng có diện tích 1.016m2, chiều dài lăng 36m, rộng 28m gồm các công trình: cổng lăng, án phong, cột cờ, sân võ ca, nhà chánh bái, nhà tiền hiền, nhà kho, nhà bếp, miếu thủy long.

Với những giá trị về thẩm mỹ nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng vịnh Vĩnh Hy là Danh lam thắng cảnh quốc gia.

Mẫu 6

Tháp Po Klong Garai - Ngôi đền thờ linh thiêng của người Chăm ở Ninh Thuận  - iVIVU.com

Tháp Pô Klong Garai là một địa danh nổi tiếng của Ninh Thuận. Tính về thời gian xây dựng, đến nay, tháp đã có tuổi đời hơn 700 năm. Tháp không quá cao lớn, đồ sộ, nhưng lại thu hút và lưu lại trong trí nhớ nhiều người bởi kiến trúc, kỹ thuật, màu sắc đặc biệt, cũng như huyền thoại mang trong nó. Đó là câu chuyện về vị vua Rồng còn lưu truyền đến hôm nay.

Chúng ta biết đến Ninh Thuận là vùng đất đầy nắng gió, có bờ biển đẹp. Màu xanh của biển Ninh Thuận hòa cùng màu cát trắng trải dài khiến nhiều người thích thú. Có lẽ do cái nắng gắt ở đây mà chúng ta như thấy biển Ninh Thuận xanh hơn, cát Ninh Thuận trắng hơn so với các vùng miền khác trên đất nước ta.

Chúng ta còn biết đến Ninh Thuận với những đặc sản như nho, dê, cừu, tỏi… Và hơn hết, khi nhắc đến Ninh Thuận là người ta liền nhớ ngay đến những điệu múa Chăm huyền ảo, những tháp Chăm độc đáo khó rời mắt. Tôi có mặt ở tháp Pô Klong Garai vào một ngày mùa thu. Đứng ở cổng di tích nhìn hướng mắt lên, tưởng đâu mình đang lạc vào xứ sở kỳ diệu, bởi màu đỏ cổ kính, bởi kiểu dáng của cụm tháp.

Cái nắng gắt không cản được nhiều du khách như tôi, mà ngược lại, ánh nắng đó càng làm cho màu tháp trở nên đẹp hơn. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 thời vua Chế Mân để thờ vua Pô Klong Garai (1151-1205), nằm trên Đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 9 km về phía Tây Bắc. Đứng trên đồi tháp này, du khách có thể quan sát được nhiều ngôi làng Chăm cũng như thấy được một phần thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Trong cuốn “Tháp Chăm: Sự thật và Huyền thoại” (Nxb VH TT, Hà Nội) của Ngô Văn Doanh, di tích tháp Pô Klong Garai bao gồm 3 ngôi tháp (tháp Chính, tháp Cổng, tháp Lửa) và một ngôi đền thờ nhỏ. Tất cả tháp đều xây bằng gạch có 3 tầng kiểu giật cấp. Tháp chính cao 20,5m, có 3 cửa giả và một cửa chính phía đông. Trong tháp chính thờ vị vua Pô Klong Garai bằng tượng đá, kiểu Mukalinga. Bên trong tháp chính còn có tượng bò Nandin bằng đá.

Trên cửa chính của tháp thờ thần Siva có 8 cánh tay, 2 tay chắp lên đầu cầu nguyện, 6 tay còn lại cầm các vật như dao găm, chĩa ba, bông sen, chén dầu dừa… Những vật cầm này tượng trưng cho thiện và ác, biểu hiện lưỡng tính của Siva (thần Huỷ diệt và thần Sáng tạo). Tháp cổng cao 8,56m. Đằng sau tháp chính có một đền nhỏ thờ Hoàng Hậu Bia Nai Kon tương truyền là vợ của Pô Klong Garai. Ở phía Nam còn có tháp Lửa cao 9,31m, nơi hàng năm người Chăm cúng tế thần lửa. Ngoài ra, di tích này còn có nhiều bia ký ghi lại năm tháng xây dựng đền, chiến tranh và hòa bình ở vùng đất Ninh Thuận dưới thời vua Pô Klong Garai.

Về kỹ thuật xây tháp, theo ban quản lý di tích tỉnh Ninh Thuận, đến nay, cũng như bao tháp Chăm khác, kỹ thuật xây tháp Chăm như thế nào vẫn còn nhiều bí ẩn, có nhiều giả thuyết khác nhau về chất kết dính gạch tháp Chăm: Phương pháp dùng dầu rái (chiết xuất từ cây dầu rái) làm chất kết dính? Dùng gạch mộc có pha phụ gia xây lên rồi nung tạo thành chất kết dính? Kỹ thuật mài chập hai viên gạch lại tạo chất kết dính với nhau? Mặc dù ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển nhưng con người chưa khám phá bí ẩn để trả lời về những câu hỏi liên quan đến tháp Chăm một cách chính xác.

Lối kiến trúc, kỹ thuật xây tháp Pô Klong Garai, chắc có lẽ đều gây tò mò, cũng như muốn khám phá trong mỗi chúng ta. Những người kiến trúc xưa, không biết bằng cách nào mà tạo nên được những ngôi tháp đẹp, lắt léo, tỉ mỉ về kiến trúc như vậy. Và chúng ta, chắc chắn phải trầm trồ về những đôi bàn tay khéo léo của những người thợ đã tạo nên một kiến trúc vượt thời gian cho hậu thế được chiêm bái, ngưỡng vọng.

Mẫu 7

Du khách đến Ninh Thuận sẽ được chiêm ngưỡng những dấu tích văn hóa Chăm độc đáo.

Tháp Pô Klông Girai là một quần thể gồm 3 ngôi tháp, tháp chính thờ tượng vua Pô Klông Girai, tháo cổng ở phía đông và tháp thần lửa chếch phía nam có mái hình thuyền. Quần thể tháp được bao bởi một khung tường thành. Đây là một công trình thờ cúng song có giá trị nghệ thuật kiến trúc xây dựng và điêu khắc đạt đến mức hoàn mỹ. Tháp chính cao trên 20 mét, nhiều tầng, tầng trên là sự lập lại tầng dưới thu nhỏ cho đến đỉnh là một trụ đá nhọn, biểu tượng là một Linga. Ở các tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ, các góc có gắn tượng thú bằng đá và các hình ngọn lửa bằng gạch nung.

Cách thành phố Phan Rang – Tháp Chám 25km, tháp Pô Rômê là một tháp cổ còn khá nguyên vẹn. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 17 trên một ngọn đồi thuộc huyện Ninh Phước. Người Chăm xây dựng tháp để thờ vua Pô Rômê, vị vua có công phát triển nông nghiệp và thủy lợi. Tháp được xây dựng 4 tầng, có một cửa chính có cấu trúc dạng vòm trở thành tiền sảnh, phía trên có gắn phù điêu thần Siva.

Ở 3 tầng trên, khắp 4 mặt đều có những vòm cung, có gắn tượng người tương tự ở tầng dưới. Những tượng này tạo cho tháp một vẻ uy nghiêm, trầm mặc. Ở 4 góc của 4 đỉnh có gắn những phù điêu hình ngọn lửa, lên tầng trên là những tượng thú vật nhô ra. Đỉnh tháp là một tảng đá lớn tạc theo hình một Linga. Các trụ đá ở cửa ra vào có khắc chữ Chăm cổ, do thời gian mưa nắng đã bị bào mòn không đọc được. Ngày nay, tháp này trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng, du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc của tháp cùng với thiên nhiên hoang sơ.

Tài liệu VietJack

Đối với dân tộc Chăm, nữ thần xứ sở Pô Inư Nưgar là vị thần thiêng liêng nhất trong các vị thần mà họ đang thờ. Đền thờ nằm ở vùng đất gò giữa cánh đồng phía bắc làng Hữu Đức có cấu trúc 3 gian, gian trước có một pho tượng nữ thần bằng đá ngồi trước một tấm bia, hai tay đặt lên hai đầu gối, đầu đồi chiếc mũ hình trụ chóp hơi cong về phía trước. Pho tượng có tên là Pô Bia Attakan, con gái thứ 7 của Pô Inư Narga.

Gian trong là hai pho tượng bằng đá đặt cạnh nhau, pho thứ nhất là tượng Nữ thần Pô Inư Nưgar, tạc theo cách ngồi xếp bằng tròn tựa lưng vào tấm bia, bàn tay đặt duỗi lên đầu gối, đầu đội chiếc mũ hình trụ, hơi cong về phía trước. Cho đến ngày nay, người Chăm vẫn tôn sùng bà là vị thần mở mang xứ sở, đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân.

Cụm tháp Hòa Lai nằm sát quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 15km về phía Bắc. Đây là cụm tháp được xây dựng từ thế kỷ 9. Đây là một quần thể rất có giá trị về kiến trúc và điêu khắc của người Chăm, gồm 3 tháp; tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam, tuy nhiên tháp Giữa xây dở dang nên hiện nay chỉ còn nền tháp.

Tháp Bắc cao, được xây bằng gạch, mặt tường bằng gạch chạm khắc hoa văn mặt chim, thú, lá hoa…. rất tinh xảo. Tháp Nam cao hơn, cũng được xây bằng gạch, mặt tường gạch được chạm khắc hoa văn nhưng ở dạng đang được phác thảo. Cụm tháp Hòa Lai được đánh giá là cụm tháp rất đẹp, đã làm say lòng nhiều du khách. Tháp có giá trị v ề lịch sử, nghệ thuật kiến trúc và hiện nay tháp đã được trùng tu, tôn tạo.

Hàng năm vào ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch, đúng ngày lễ hội Katê, hàng nghìn người Chăm tổ chức, cúng tại 3 tháp Pô Klông Girai, Pô Rômê, đền Pô Inư Nưgar một cách trang trọng. Trong lễ này, các tu sĩ và người dân sẽ tiến hành các lễ rước từ ngôi làng cách đó 6km lên tháp, làm lễ tắm tượng, mặc trang phục. Lúc này người ta sẽ múa nghi lễ và tấu nhạc dân gian do người Chăm diễn ngay trước tháo để dâng lên vua.

Những di tích tháp Chăm ở Ninh Thuận có trình độ kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc đạt đến đỉnh cao. Tại đây diễn ra lễ hội Katê hàng năm với các nghi thức rước y trang, mở cửa tháp, tắm tượng thần mang đậm sắc thái tâm linh thu hút đông đảo đồng bào Chăm và du khách đến tham quan.

Xem thêm một số bài văn mẫu hay khác:

Top 20 bài tả một buổi cắm trại 2024 SIÊU HAY

Top 10 bài Tả cảnh biển Phú Quốc 2024 SIÊU HAY

Top 10 bài Tả cảnh biển Cửa Lò 2024 SIÊU HAY

TOP 20 bài văn tả cảnh dòng sông Hồng 2024 SIÊU HAY

Top 20 bài tả sông Hương ở Huế 2024 SIÊU HAY

 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!