Đề bài:
Trong bài hát “Tâm hồn của đá”, cố nhạc sỹ Trần Lập đã viết: “Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hóa thân thành đá…”. Anh/chị hãy viết một bài văn khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về lời khuyên đó.
Dàn ý tham khảo:
Mở bài
– Đối với mỗi con người, được sinh ra và tồn tại vốn đã là một niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc sống. Nhưng sống sao cho có ý nghĩa lại không phải ai cũng làm được.
– Lời bài hát của cố nhạc sĩ Trần Lập là một lời khuyên sâu sắc, lời giáo dục mang tính nhân văn cao cả về cách sống biết yêu thương, biết sẻ chia và luôn hướng về người khác.
Thân bài
- Giải thích quan niệm của tác giả
– “ Đá” là vật vô tri vô giác được dùng trong cuộc sống con người, có vẻ ngoài cứng nhắc, rắn rỏi.
– Theo cách khắc họa của tác giả, đá được hiện lên với vẻ thô mịch tự nhiên của nó” sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn băng giá”. Đá tồn tại giữa cuộc đời nhưng lại sống như thể vũ trụ chỉ có riêng nó.
=>Tác giả muốn phủ nhận lối sống ích kỉ, hẹp hòi; sống khô khan thiếu thốn tình cảm của con người hiện nay. Nếu như sự cứng nhắc của đá là bản chất thì lối sống tiêu cực này đang dần trở thành “bản chất” của không ít người – những người chỉ biết đến mình mà quên đi người khác.
- Bàn luận
– Sống yêu thương là lối sống cao đẹp, là cách sống của những con người luôn gắng sức để trở thành người có ích cho xã hội. Như những viên ngọc sáng lung linh giữa đời, họ trở thành biểu tượng chân thực nhất về tấm lòng nhân ái cao thượng.
Dẫn chứng: Cô Nguyễn Khánh Thương- giảng viên khoa Báo chí truyền thông-ĐH Khoa học xã hội và nhân văn- ĐH là người có nhiều cống hiến cho công tác từ thiện từ khi là sinh viên cho tới khi qua đời vào năm 2015. Thậm chí, trong quá trình chống chọi với bệnh ung thư quái ác cô vẫn dành thời gian đến cuối đời để thành lập và hoạt động
Mạng lưới ung thư vú Việt Nam – tổ chức giúp đỡ và động viên các bệnh nhân ung thư vú trên cả nước.
Bác Lê Thị Gìn (65 tuổi, quê Thái Bình) người không nhà, không cửa lên Hà Nội làm nghề ve chai. Dù không đủ tiền phục vụ cho cuộc sống gia đình nhưng bác vẫn dùng mấy chục nghìn kiếm được mỗi ngày để mua quà, khi thì hộp sữa, khi thì chiếc bánh để giúp đỡ người nghèo.
– Sống yêu thương để xua đi trong thâm tâm mỗi người hạt nhân của sự ích kỉ, nhỏ nhen, không biết tới người khác. “Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực, mà là lời thiếu tình thương”. Những tấm lòng ấm áp tình nghĩa của mọi người sẽ xóa đi lạnh giá của tự nhiên và lạnh giá của cuộc đời.
Dẫn chứng: Chú lính chì Nguyễn Thiện Nhân đã vượt lên số phận để có thành công nhờ nguồn “ấm áp” vô hạn của người mẹ nuôi luôn động viên, vỗ về.
– Lấy tình yêu thương là cốt lõi, lẽ sống ở đời; mỗi người sẽ luôn thấy hạnh phúc. Tình thương nơi tâm hồn trong mỗi người sẽ tạo ra niềm vui sướng cho người khác. Và hơn hết, chính bản thân chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp khi đã biết cho đi ”Sống là cho đâu phải nhận riêng mình” (Tố Hữu). Phải biết cho đi; sống biết mình thì phải biết người chúng ta mới không bị “hóa thân thành đá” sống vô tâm, ích kỉ.
- Phê phán
– Cuộc sống coi trọng vật chất của con người hiện đại đã chi phối lối sống trọng tình cảm, tôn thờ tình người của người Việt Nam truyền thống. Nhiều người sống vô cảm, độc ác, thờ ơ với người khác
Dẫn chứng: Vì mối thù cá nhân mà Nguyễn Hải Dương đã ra tay giết 6 người (bao gồm cả người yêu) gây ra vụ giết người khủng khiếp ở Bình Phước. Không ít những vụ vợ chồng chém giết lẫn nhau; anh giết em; cháu giết bà… trên báo chí chỉ vì một câu nói không vừa ý, một hành động không vừa mắt, hay 20.000 để vào quán net chơi game…
– Những người sống tự kỉ, không giao du, mở rộng tấm lòng với người khác, với cuộc đời.
Kết bài
– Dân tộc Việt Nam có truyền thống ”Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” để giáo dục tình yêu thương cho mỗi con người. Dù cuộc sống có đổi thay và hiện đại hơn thì dưới bầu trời, cuộc đời vẫn còn biết bao cảnh ngộ cần ta yêu thương và chia sẻ
– Quan niệm của Trần Lập tuy chỉ là một câu văn duy nhất nhưng tính nhân văn trong nó thì bao la vô tận. Bởi lẽ, nó được đúc kết từ cuộc đời của một con người mà cho tới điểm cuối, con người đó vẫn không thôi trăn trở để sống sao cho ý nghĩa hơn.
Bài văn nghị luận mẫu
Mẫu số 1
Một triết gia người Mỹ, Elbert Hubbard đã từng nói : “Cuộc sống chỉ thực sự phong phú khi nó tràn ngập tình yêu và sự cao thượng.” Ý nghĩa của ông muốn gửi gắm qua câu nói chính là thông điệp sâu xa về lòng yêu thương giữa con người với con người trong cuộc sống này. Với cùng tâm niệm chân thành này, nhạc sĩ Trần Lập – tác giả đã sáng tác rất nhiều tuyệt phẩm đã ra đời trước đây, trong đó có bài hát “Tâm hồn của đá”. Nó chứa đựng nhiều những ca từ và giai điệu lắng đọng về tình yêu, tâm hồn của con người : “Đừng sống giống như hòn đá,…sống không một tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Tâm hồn luôn luôn băng giá. Đừng hóa thân thành đá, vì tâm hồn đá giá băng.”
Trước tiên, ta phải tìm hiểu ý nghĩa của lời hát trong bài mà tác giả muốn truyền tải đó là gì. “Hòn đá” có ý nghĩa như thế nào trong câu hát “Đừng sống giống như hòn đá”? Hòn đá vốn là một thứ nhỏ bé, là vật vô tri vô giác nằm chỏng chơ bên vệ đường. Đá sống một cuộc đời vô danh, cách xa mọi người, không một ai để ý đến mỗi lần đi ngang qua đá. Ở đây, hòn đá chính là ẩn dụ tượng trưng cho lòng vô cảm của con người. Nếu như con người sống nghèo nàn về mặt tâm hồn, chai sạn cảm xúc trước tình yêu thương thì rồi kết cục cũng sẽ trở thành hòn đá kia. Trơ trọi một mình, cô đơn giữa đời, tâm hồn sẽ hóa đá không bao giờ có thể trở lại như lúc đầu được. Như vậy, cả lời ca mang ý nghĩa như một lời khuyên chân thành : hãy biết sống đồng cảm với mọi người, biết mở rộng tấm lòng để hòa vào biển lớn yêu thương của nhân loại, đừng bao giờ chỉ sống cho riêng mình mà quên đi những người khác.
Vậy tại sao ta lại phải “Đừng sống như hòn đá”? Sống như đá là lối sống vị kỷ, sống chỉ cho riêng bản thân mình, luôn đặt lợi ích tư lên đầu mà không để tâm đến những người xung quanh. Cuộc sống đó không tồn tại tình yêu thương và cũng không thể có được yêu thương, chính vì thế mà nó trở nên vô nghĩa và ảm đạm tối tăm. Sống như hòn đá sẽ đẩy con người vào tình cảnh cô đơn, bị mọi người xung quanh xa lánh không muốn tiếp xúc. Hoàn cảnh như vậy lại càng làm họ lún sâu hơn vào cái hố đen của sự tuyệt vọng nếu như chính họ không tự mình vực dậy, đem lòng mình ra mà yêu thương, sẻ chia. Bởi vì : “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương.” (M.Go-rơ-ki)
Ta cần phải làm thế nào để không sống như một hòn đá? Ngay từ đầu, tác giả Trần Lập đã thêm vào động từ “Đừng” để tăng tính khuyên nhủ mạnh mẽ cho câu hát, nhắc nhở ta về thái độ sống với cuộc đời này. Cần phải tăng cường hành động hành động yêu thương nều như chính ta muốn được yêu thương, bởi chăng : “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Trịnh Công Sơn). Trong cuộc đời này, ta nên hòa mình vào với cộng đồng, biết mở tâm hồn ra để đón nhận tình thương cũng như biết cho đi, vì khi cho đi chính là còn mãi.
Tâm hồn ta giống như một mảnh đất, và ta là người quyết định nó sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ phù sa hoặc trở thành vùng đất cằn cỗi nứt nẻ. Nếu như sống với một tâm cửa tâm hồn mình vào, mảnh đất ấy cũng bị cô lập và thu hẹp nhỏ hơn. Qua thời gian, mảnh đất sẽ mất đi dần sức sống của nó, hóa khô cằn và thô ráp, không có bất cứ thứ gì có thể tồn tại được nữa. Lúc đó, trên mảnh đất chỉ trơ trọi lại sỏi và đá, ta chỉ còn có thể sống “như một hòn đá.” Đã có người từng nói : “Cuộc đời bạn như một viên đá, chính bạn là người quyết định viên đá ấy bám rong rêu hay trở thành viên ngọc sáng.”
Đừng chỉ sống cho mình mà hãy biết thả mình vào đại dương tình yêu của nhân loại. Cá nhân không bao giờ có thể tách rời tập thể được. Chính tác giả chứ không ai khác, Trần Lập đã sống đúng nghĩa như một cuộc sống không phải là một hòn đá. Tiền anh kiếm được từ các buổi biểu diễn anh chỉ nhận một phần rất nhỏ trong đó, còn lại đều đem đi từ thiện cho người khác. Giọng hát của anh là nguồn sống của biết bao con người vẫn đang còn khốn khổ trong cuộc đời này. Để giờ đây, khi anh ra đi, tấm chân tình ấy vẫn mãi là viên ngọc sáng mãi cho người đời sau noi theo.
Từ việc phân tích trên, ta rút ra bài học cho bản thân mình. Về nhận thức, ca từ bài hát đã bàn đến vấn đề về lối sống vô cảm của con người con người và khuyên ta sống phải biết đến yêu thương, biết cho đi tình thương của mình. Về mặt hành động, ta phải học cách yêu thương bằng việc tăng cường thêm những hành động ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, yêu thương để được yêu thương.
Tình yêu thương luôn luôn không bao giờ là đủ, hãy biết mở tấm lòng mình ra để đón nhận và cho đi như một thứ quà tặng của cuộc sống. Xin mượn mấy vần thơ thay cho lời kết :
“Xin gửi lại bạn đường yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ một nắm tro
Thơ gửi bạn đường tro bõn đất
Sống là cho, chết cũng là cho.”
Mẫu số 2
Đã khá lâu rồi tôi mới tìm đến một quán nước vỉa hè ở góc phố Hà Nội . Khung cảnh vẫn vậy, chút nắng chiều cuối Đông hòa vào cái se se của gió mùa Đông Bắc mang tới cái cảm giác bâng khuâng lạ thường mà quá đỗi quen thuộc. Hà Nội vẫn thế, dòng xe, dòng người như hòa vào cái dòng đời hối hả, vội vàng vì lẽ mưu sinh thường nhật… Và đâu đó, một chiếc Radio cũ lại phát những bài hát, ca từ đậm chất bình dị của Hà Nội, cho tôi những phút lắng nghe về cuộc sống xung quanh, những suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời :
Đừng sống giống như hòn đá
Sống không một tình yêu
Sống chỉ biết riêng mình
Tâm hồn luôn luôn băng giá
Đừng hóa thân thành đá
Những câu hát quen thuộc từ ca khúc “Tâm hồn của đá” mà ban nhạc Bức Tường thể hiện. Tôi không nhớ rõ tôi đã nghe ca khúc ấy bao nhiêu lần, vì cứ mỗi chiều Hà Nội ca khúc ấy lại vang lên ở góc nhỏ nội thành như một thứ dư vị không thể thiếu. Nhưng với tôi, dù nghe bao nhiêu lần chăng nữa thì nó vẫn mới mẻ, vẫn hấp dẫn, vẫn đáng suy tư, đáng cảm nhận. Và mỗi lần nghe trong tôi lại có những xúc cảm riêng trong tâm hồn, tôi lại rút ra những triết lý sống cho bản thân trong mỗi ca từ giản dị ấy…
Tôi bắt đầu tìm tòi trong trí nhớ của mình những hình ảnh, khoảnh khắc mà chính tôi nhìn thấy, “con người giống như hòn đá” – mọi người thờ ơ với một nạn nhân tai nạn giao thông, im lặng trước hành động trộm cắp ở bến xe bus,… tôi và bạn, ai trong chúng ta cũng từng nhìn thấy điều này, ít nhất một lần. Và rồi đâu đó trong tư tưởng của tôi và bạn cũng tồn tại tâm lý “đó không phải việc của mình”, “đâu cần quan tâm chuyện người khác”… Hay cố gắng dùng một sự suy diễn nào đó biện minh cho cách nhìn cuộc sống vô cảm của mình và rồi thầm nhủ “phận ai nấy lo”. Đó là sự thờ ơ, vô cảm với cuộc sống xung quanh.
Và tôi nhìn về bản thân mình, cũng có những lần chính tôi vô cảm với mình. Hay nói cách khác là suy nghĩ vô thức, nhắm mắt nhắm mũi để nghe ai đó đưa ra những lựa chọn cho bản thân mình. Để rồi có những khoảng thời gian tôi sống theo cách “ngày qua ngày” nhàm chán, không động lực, không lý tưởng. Cũng có lúc tự tôi che giấu đi những cảm xúc tâm hồn để làm khổ chính mình. Và bây giờ nhìn lại, hẳn tôi và bạn đã thấy mình từng như thế, sống mà chỉ mang nghĩa tồn tại, “sống giống như hòn đá- sống hóa đá tâm hồn.”
Chẳng ai trong chúng ta muốn thấy những người xung quanh mình như vậy, càng không muốn chính mình là nạn nhân của căn bệnh xã hội ấy. Tôi bắt đầu biết lắng nghe hơi thở cuộc sống, bộc lộ những cảm xúc ra ngoài, người ta gọi đó là cách mở lòng với cuộc sống. Tôi không né tránh những gì mà mình thấy, không biện minh cho những gì mình sai và cũng không tìm cách kìm hãm quá mức cảm xúc của mình. Đó là lúc tôi không muốn mình như biển chết, chỉ có vị mặn và đắng trong cuộc sống, cũng không muốn mình biến thành hòn đá lạnh lẽo, thờ ơ, tôi muốn đem tâm hồn mình nhuộm màu cuộc sống.
Trái tim con người vốn dĩ có nhiệm vụ là đập…đập…và đập để duy trì sự sống cho thể xác. Nhưng cũng cần nhớ rằng, trái tim không phải sỏi đá, không đơn thuần chỉ là biết đập, mà còn biết rung động. Cách duy nhất để cảm nhận được sự rung động của trái tim là chia sẻ và lắng nghe như chính tôi đang trải lòng và tản mạn.
Phố phường Hà Nội vẫn ồn ào, náo nhiệt như cái cách mà nó trường tồn, còn tôi, chính trong cái ồn ào, náo nhiệt ấy tôi lại tìm thấy cho chính mình những khoảnh lặng tâm hồn, chút bình yên cho cuộc sống của riêng tôi.
Với tôi, tôi luôn muốn đối mặt với những gì cuộc đời dành tặng, hạnh phúc hay đau khổ, niềm vui hay nỗi buồn. Tôi luôn quan niệm rằng sóng gió cuộc đời mình chỉ đánh thức chứ không thể đánh gục niềm tin vào cuộc sống, sự lạc quan vào cuộc đời. Tôi đón nhận cuộc đời bằng cách cho đi và nhận lại như cái cách mà Tố Hữu thổi hồn mình qua 4 câu thơ :
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc là phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Thế gian này từ khi tạo hóa sơ khai, cần tới bốn tỷ năm con bướm biết bay, con chim biết hót và đến bây giờ đã hơn bốn tỷ năm để con người biết chết vì yêu, chấp nhận hy sinh vì tình yêu của mình. Vậy tại sao ta không thể sống một cách trọn vẹn nhất?
Một góc Hà Nội, tôi chợt nhận ra rằng, cuộc đời cũng thật ngắn ngủi, sinh ra mất đi vốn đã là quy luật tất yếu, vậy nên đừng tự ép buộc chấp nhận hay thừa nhận quy luật đó, mà hãy đón nhận nó một cách lạc quan rằng cuộc đời này cho ta những phút giây an vui, những phút giây hồn nhiên, những niềm tin yêu khát khao cháy bỏng…
Mười tám tuổi, tôi không có quá nhiều kinh nghiệm sống, nhưng để trải lòng thì tôi luôn sẵn sàng chia sẻ tất cả. Có thể một lúc nào đó, tôi cảm thấy bất lực với cuộc sống này để rồi có thể tự làm tâm hồn mình hóa đá nhưng được sống trên đời này đã là đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Như một nhà văn đã từng nói : “hãy mỉm cười với cuộc đời – thì cuộc đời sẽ mỉm cười lại với chúng ta”
Hà Nội giờ đã xế chiều, nắng đã tắt, bài hát “Tâm hồn hóa đá” cũng khép lại. Dòng người lại càng hối hả hơn. Và chiếc ra Radio cũ lại tiếp tục mang âm hưởng mới hòa vào nhịp sống nơi đây :
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi , để gió cuốn đi…”
Mẫu số 3
Cuộc sống này sẽ thật lạnh lùng, tẻ nhạt, vô cảm nếu con người ta sống mà không có tình yêu thương, chỉ biết đến bản thân mình. Tình cảm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người, nó tạo tiền đề để xã hội này phát triển vững bền hơn đúng như ý nghĩa câu hát: “Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hóa thân thành đá”.
Sống như hòn đá là sống lạnh lùng, vô cảm. Đó cũng chính là thái độ thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm đến ai, không quan tâm đến nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác mà chỉ biết đến bản thân mình. Đây là một “căn bệnh”, tính cách xấu mà chúng ta cần phải thay đổi, tẩy chay để xã hội này trở nên tốt đẹp hơn.
Xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với cuộc sống, với những dự định riêng của mình nên đôi lúc vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa người với người, chúng ta và mọi người ít có thời gian quan tâm đến người khác hơn. Đôi lúc sự vô tâm đến từ bản chất của người đó, vì vị kỉ nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm, để ý đến những người xung quanh, chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi. Bên cạnh đó, sự vô cảm đôi lúc là do chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu những người xung quanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai quan tâm, chia sẻ với ai điều gì sẽ dần hình thành cho những người khác tính cách này.
Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống với tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, biết yêu thương và san sẻ với những người xung quanh, biết thương cảm với những mảnh đời bất hạnh; những người này và những thông điệp tốt đẹp cần được chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để mọi người biết đến và học tập.
Mỗi người được tự lựa chọn cho mình cách sống, tình cảm và cảm xúc của mình là do mình điều khiển, hãy sống thật chan hòa, yêu thương mọi người để mỗi ngày đều là những ngày vui. Hãy tích cực lan tỏa những thông điệp tốt đẹp ra xã hội này để cuộc sống trọn vẹn hơn.
Mẫu số 4
Cuộc sông, nhu một dòng nước xanh trong lững lờ trôi; không cần đến những con sóng dữ dội khiến ta thấy chao đảo ngả nghiêng; không cần đến màu sắc rực rỡ vì chỉ làm cho ta huyễn ảo về hạnh phúc. Trên hành trình đi tìm mục đích của cuộc sống, ta cần sự nhẹ nhàng như dòng nước để ung dung, tĩnh lặng với gian lao và cần tình yêu thương bao bọc tâm hồn trước cuộc đời lắm nỗi. Có lẽ điều đó cũng phù hợp với quan niệm sống của nghệ sĩ Trần Lập được thể hiện qua lời bài hát
“Tâm hồn của đá”:
“Đừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đả
Sống không một tình yêu
Sống chỉ biết thân mình
Tâm hồn luôn luôn băng giá
Đừng hóa thân thành đá ”
Ta vẫn biết, đá là một vật thô kệch, rắn chắc và vô tri vô giác, không hề có một phản ứng hay cảm xúc nào cả. “Sống như hòn đá” khác gì việc sống lạnh lùng, thờ ơ, cô lập bản thân với mọi người xung quanh và vô cảm với niềm vui, nỗi khổ của con người. Từ khi được sinh ra, con người cần biết bao tình yêu thương hay chí ít là sống đúng nghĩa với từng phút, từng giây của đời mình. Qua lời bài hát của mình, Trần Lập muốn gửi gắm đến ta một kinh nghiệm sống sâu sắc: một ngày so với đời người là quá ngắn ngủi nhưng một đời người lại do mỗi ngày tạo nên, vì thế ta hãy sống thật ý nghĩa, biết yêu thương để phá tan lớp băng của sự vô cảm, lạnh lùng giữa con người với nhau.
Mỗi chúng ta chính là một phần tử của xã hội. Nhiều cá nhân gắn kết, yêu thương nhau và cùng nhau xây dựng cuộc sống tươi đẹp. Một khi “sống như hòn đá”, con người ta sẽ chẳng tìm được ý nghĩa cho sự tồn tại của mình, sẽ chẳng cảm nhận được món quà tạo hóa ban cho để ta có mặt trên đời. Không phải vô tình mà con người đều được sinh ra với một trái tim ấm nóng như thế, khác hẳn với hòn đá vô tri kia - “tâm hồn luôn băng giá”, chẳng biết gì đến định nghĩa của sự yêu thương! Và cuộc sống này, không thiếu những người luôn biết cách quan tâm đến những người xung quanh, biết cách giúp ích cho đời bằng đam mê, lí tưởng của mình. Một trong sổ đó là Helen Keller - nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ. Dù bị mù, câm, điếc do viêm màng não nhưng bà đã tốt nghiệp Đại học Harvard. Là một người không may mắn, bà đã dùng ý chí nghị lực để chống trả lại số phận trớ trêu, hoàn thành sự nghiệp khơi gợi tấm lòng nhân hậu của mọi người, mang lại hi vọng và niềm an ủi cho người tàn tật. Bên cạnh đó, chúng ta không thể không kể đến Trần Lập - người nghệ sĩ đầy tài năng của nghệ thuật nước nhà. Anh vừa qua đời sau một thời gian mắc bệnh nan y. Nhìn lại cuộc đời 42 năm của anh, có thể thấy âm nhạc và con người anh như hòa quyện làm một. Ca từ trong các ca khúc của anh không bi quan và không có những nỗi buồn thương ủy mị. Ở đó là lời nhắn nhủ tuổi trẻ đối mặt với cuộc sống, tình yêu với một thái độ sống tích cực. Trong nhạc của Trần Lập, những “Tâm hồn của đá” không có chỗ trú ngụ, bởi anh muốn sức nóng của bầu nhiệt huyết trong các ca khúc của mình có thể truyền cảm hứng cho giới trẻ nói riêng và mọi người nói chung. Ở Trần Lập, sự kiên cường và lạc quan toát ra như chính hơi thở của anh. Gần hai tháng trước khi mất, thủ lĩnh nhóm Bức Tường vẫn bình thản trò chuyện với các em nhỏ đang vượt qua cơn bạo bệnh, trao tận tay các em từng món quà. Một trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Trần Lập vẫn cố gắng làm một việc có ích. Cuộc đời anh đã trở thành một bài học cuộc sống quá đẹp. Và đó là họ, những người với trái tim ấm nóng tình yêu thương, thương người và thương đời, đã là những tấm gương dẫn lối, truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.
Đời người, bình dị hay thấp hèn, cao quý hay tầm thường, đều do mỗi người tự quyết định cả. Để tạo ý nghĩa cho sự tồn tại của bản thân, chúng ta cần bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt, cụ thể nhất như: biết quan tâm, chia sẻ và đồng cảm với mọi người quanh ta, biết trân trọng cái đẹp và lên án cái xấu. Dầu biết cuộc đời không bao giờ bàng phẳng mà lắm chông gai, chúng ta hãy cố giữ cho mình một tâm hồn cao khiết, học cách tích lũy kinh nghiệm sống qua khó khăn, biết cảm nhận hạnh phúc từ chính nỗi đau của mình, để qua đó mà bồi đắp cho tâm hồn của mình, để nó không khô héo, cằn cỗi hay giá băng như đá.
Abert Einstein đã nêu một quan điểm rất xác đáng “Chỉ cuộc đời sống cho người khác là cuộc đời đáng giá”. Và quan niệm ấy cũng rất gần với Trần Lập. Hạnh phúc được nhân lên nhiều hơn khi ta biết cách sống vị tha. Bởi cho đi cũng là nhận về, san sẻ để có nhiều hơn, và trao tặng hoa hồng đe tay sẽ thơm mãi hương lành của yêu thương.
Mẫu số 5
"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng để làm gì, em biết không?" Những lời hát trong bài hát "Để gió cuốn đi" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên thật êm dịu, ru ấm tâm hồn ta. Những lời hát đó là tấm lòng, là thông điệp đầy ý nghĩa mà Trịnh Công Sơn muốn gửi đến hàng vạn con người trên đất nước Việt Nam tươi đẹp: Hãy sống yêu thương nhau, mang đến với nhau bằng cả tấm lòng chan chứa yêu thương. Cũng cùng với tâm niệm như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố nhạc sĩ Trần Lập cũng gửi gắm một thông điệp như thế trong sáng tác "Tâm hồn của đá" của mình: "Đừng sống giống như hòn đá, sống không tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Đừng hóa thân thành đá, vì tâm hồn đá giá băng"...
Tuy đã rời xa thế gian, nhưng những lời hát của tác giả Trần Lập mới gửi gắm vẫn còn vẹn nguyên những giá trị ban đầu. Tại sao nhạc sĩ Trần Lập lại khuyên chúng ta đừng sống như hòn đá? "Hòn đá" vốn là một thứ vô tri vô giác, nhỏ bé, xuất hiện ở khắp mọi nẻo đường, từ nơi vùng núi tới nơi đồng bằng. Nó sống một cuộc sống xa cách với mọi người, đơn giản, đơn điệu, không màu sắc. Hòn đá đó sống giữa một vũ trụ riêng của bản thân nó mà không quan tâm tới bất kì điều gì bên ngoài. Phải chăng hòn đá ấy chính là sự ẩn dụ cho lòng vô cảm của con người, cho lối sống ích kỷ, cá nhân, hẹp hòi, khô khan, thiếu tình cảm? Con người trong xã hội tiên tiến này phải chăng đang dần biến lối sống đó trở thành lối sống của bản thân mình, chỉ biết tới cá nhân mà quên đi hết thảy những người khác xung quanh mình? Không, điều đó là không thế! Vậy nên, những lời hát đó của nhạc sĩ Trần Lập đã giúp chúng ta nhận ra một điều vô cùng ý nghĩa rằng: Hãy sống chan hòa, yêu thương mọi người, hãy đồng cảm, sẻ chia, mở rộng tấm lòng mình để đón nhận biển lớn tình yêu của nhân loại, đừng sống lẻ loi mà quên đi người khác bên cạnh.
"Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình người", nhà văn Go - rơ - ki đã nói như vậy đấy. Phải, nơi lạnh nhất không phải là nơi có băng giá của thiên nhiên mà đó là nơi tồn tại băng giá của lòng người.Con người chúng ta sống cùng với nhau, tại sao không thể sống yêu thương, chan hòa, quan tâm tới người khác để mang lại niềm tin giữa cuộc đời và trở thành một người có ích hơn với xã hội?
Lục tìm đâu đó trong trí nhớ của chúng ta, chúng ta vẫn hàng ngày hàng giờ nhận ra những con người sống ích kỷ, thờ ơ với đồng loại của chúng mình. Hãy nhìn xem trên chiếc xe bus chúng ta đi hàng ngày, vấn nạn trộm cắp vặt trên xe, rồi những thanh niên sức dài vai rộng chẳng biết nhường chỗ cho một bà già, cho một người thai phụ? Đâu đó, chúng ta vẫn thấy quanh mình những "biển chết" ích kỷ, bởi họ nghĩ rằng đó không phải trách nhiệm cũng chẳng phải nghĩa vụ để họ phải làm như vậy. Đó là sự ích kỷ, sự cá nhân hóa. Tại sao chúng ta không thể dang tay giúp đỡ những người chỉ đơn giản là đồng loại của chính mình?
Thế nhưng, không phải ai trong xã hội chúng ta cũng mang đến sự thờ ơ, vô cảm đến đâu xót như vậy, chúng ta vẫn có những tấm gương về lối sống cao đẹp, sông yêu thương con người. Hãy nhìn xem những người anh người chú trong đội Hiệp sĩ đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh. Các anh đang từng ngày từng giờ giúp đỡ những người không may gặp nạn trên đường ban tối, giúp đỡ sửa xe miễn phí cho người đi đường. Họ bỏ thời gian, công sức của mình để giúp đỡ người khác mà không hề nề hà khó khăn, cực nhọc. Đó chẳng phải là một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương giữa người với người hay sao? Và cũng hãy nhìn xem, tấm gương chàng trai trẻ Đào Ngọc Hải ở Sài Gòn, chàng trai ấy mới chỉ hai mươi tư, hai mươi lăm tuổi. Ở cái tuổi vẫn còn non trẻ ấy, chàng trai vũ công ấy đã nhận đỡ đầu và nuôi nấng ba đứa trẻ mồ côi mẹ mất vì ung thư. Thử hỏi, nếu không có tình yêu thương, sự nhân hậu, một lối sống cao đẹp thì liệu một chàng trai vẫn còn trẻ tuổi như vậy có chịu khép mình làm cha, nhận trách nhiệm cao cả để trở thành một người trụ cột nuôi ba đứa trẻ kia hay không? Và còn hàng ngàn, hàng ngàn những con người khác đang ngày đêm dựng xây lên một cuộc sống ý nghĩa biết bao?
Chúng ta, ai cũng từng nghe tới câu chuyện về biển Chết, đó là một biển nhỏ, mặn chát và không hề có sự sống. Bởi vì nó không bao giờ biết chia sẻ những giọt nước của mình tới những hồ hay biển khác. Nó giữ riêng cho mình những giọt nước đó và biến mình trở thành một con biển cô đơn nhất thế gian. Phải, chúng ta bắt gặp những "biển chết" ấy vô số ở quanh ta. Họ ích kỉ đến nỗi chẳng hề sẻ chia bất cứ thứ gì của mình cho người khác, họ nghĩ rằng như thế là đúng, hoàn toàn không sai. Nhưng họ đâu biết răng một cuộc sống sẻ chia yêu thương thì mới là một cuộc sống hạnh phúc. Cuộc sống ấy sẽ giúp ta bớt đi những nhỏ nhen, vị kỷ trong lòng. Bởi tình yêu thương con người sẽ xóa đi hết khoảng cách, xoa dịu đi hết những tâm hồn đang chịu những tổn thương.
Cuộc sống tràn đầy yêu thương ấy chúng ta đã bắt gặp nhiều vô cùng ngày nay. Mới đây một cô gái người Mỹ đã dành năm ngàn đô la của mình để mua một mảnh đất tại một đất nước nghèo ở châu Phi để dựng nhà và nuôi sống hai trăm đứa trẻ. Đó là khoảng tiền cô ấy đã tiết kiệm từ khi năm tuổi bằng những công việc nhỏ bé của mình. Và cô gái ấy, cô mới chỉ mười tám tuổi thôi. Ở một cái tuổi vừa chập chững vào đời, cô ấy đã dùng cả tấm lòng bao la của mình để sẻ chia tình yêu thương đối với những đứa trẻ xa lạ, bởi cô ấy đã biết rằng: cho đi là còn mãi. Và chúng ta cũng không quên, hình ảnh của nữ 9x xinh đẹp Phạm Thanh Tâm, người đã cưu mang đứa bé mười bốn tháng tuổi tại Lào Cai khi em sinh ra bị suy dinh dưỡng và chỉ nặng có hơn ba cân. Phải, tình yêu thương, sự sẻ chia đã giúp chúng ta chiến thắng tất cả. Vật chất quan trọng thế nhưng tình yêu thương, sự sẻ chia giữa con người còn quan trọng gấp nhiều lần. Bởi chỉ có sự sẻ chia yêu thương thì cuộc sống của chúng ta mới có được thêm nhiều ý nghĩa hơn nữa.
Thế nhưng, đó đây, ta vẫn thấy những câu chuyện đau lòng về tình người trong xã hội. Đó là sự thờ ơ, sự vô cảm, máu lạnh của một số bộ phận con người. Họ vô tâm, sống ích kỷ và chẳng hề biết sẻ chia trong cuộc sống. Hình ảnh của sát thủ Nguyễn Hải Dương - người đã gây ra vụ thảm sát tại Bình Dương làm sáu người chết chỉ vì mâu thuẫn trong tình cảm, mâu thuẫn giữa người với người. Chỉ một chút yêu thương, ngồi lại cùng chia sẻ, liệu có dẫn tới những sự việc đau lòng tới vậy hay không? Rồi hãy nhìn xem, vụ "hôi bia" ở Đồng Nai vẫn còn đang nóng hổi. Một người lái xe thuê cho chủ hàng bị lật xe, đổ hết hàng hóa, vậy mà người dân ở đó lại chẳng hề chung tay giúp đỡ người không may kia. Họ mặc nhiên nhặt nhạnh những chai bia chưa vỡ mặc kệ những lời van xin của người lái xe tội nghiệp. Một cộng đồng thật ích kỷ, thật nhỏ nhen biết chừng nào!
Vẫn biết trong xã hội là tập hợp của một cộng đồng người, trong đó vẫn có những người có tư tưởng ích kỷ, nhỏ nhen, thế nhưng chúng ta vẫn cứ hãy mở rộng lòng mình đón nhận, sẻ chia đi những yêu thương trong cuộc sống, học hỏi những điều mới mẻ để sống có ý nghĩa hơn nữa. Và đó cũng là lời nhắn nhủ vô cùng thắm thiết mà nhạc sĩ Trần Lập muốn gửi gắm cho chúng ta: Đừng sống như hòn đá, sống không tình yêu, sống chỉ biết riêng mình, ...
Dân tộc ta có truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau, là lành đùm lá rách. Truyền thống ấy vẫn luôn in sâu vào tâm hồn của mỗi người. Và lời bài hát ấy của cố nhạc sĩ Trần Lập cũng chính là lời ca mang đậm tính nhân văn sâu sắc, mang đầy sự trăn trở về cuộc đời của anh. Đó đây, lời nhạc của bài hát "Tâm hồn của đá" vang vọng lên, nhắn nhủ chúng ta về một cuộc sống tràn đầy yêu thương, ý nghĩa, không còn ích kỉ, nhỏ nhen: Đừng sống như hòn đá, sống không tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Đừng hóa thân thành đá, ...
Mẫu số 6
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không?” Tiếng hát được cất lên nhẹ nhàng, tha thiết bất giác trong tôi lại nhớ đến một lời nhắc nhở từ người cha của mình: “Đừng sống như hòn đá”. Tôi thường ví cuộc sống là mặt trời còn những tia nắng vàng chính là những tia nắng chứa đầy tình yêu, tình thương và cả sự cao thượng, mỗi chúng ta sẽ được tưới tắm những tia ấm áp ấy và cùng yêu thương nhau. Bởi lẽ, nói như vậy là để thể hiện một điều rằng mỗi cá thể chúng ta được sống với nhau ở một kiếp người thì cần phải biết yêu thương, bao dung, chở che cho nhau. Và để có được một cuộc sống ấy thì trước hết “đừng sống như hòn đá”, hòn đá ở đây chính là thể hiện cho sự vô cảm của con người, là sự thờ ơ, vị kỷ, sống riêng cho mỗi bản thân mình. Những người sống như vậy sẽ mãi chỉ là một người cô độc, tâm hồn chai sạn và cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa. Được sinh ra và tồn tại đã là một niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc sống nhưng sống sao cho có ý nghĩa thì không phải ai cũng làm được một cách hoàn hảo. Một cuộc sống ý nghĩa đó là lấy tình thương là cốt lõi, lẽ sống ở đời; mỗi người sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc. Tình yêu thương xuất phát từ trái tim sẽ tạo nên điều vui sướng cho những người khác và tạo sự an yên trong tâm hồn của chính mình.
Xem thêm các bài văn mẫu hay khác:
TOP 30 bài nghị luận xã hội về sự hy sinh thầm lặng trong cuộc sống (2023) HAY NHẤT
TOP 30 bài nghị luận xã hội về câu nói thời gian là vàng (2023) HAY NHẤT
TOP 40 mẫu Nghị luận về giá trị của thời gian (2024) SIÊU HAY
TOP 15 bài nghị luận về tầm quan trọng của việc học (2023) HAY NHẤT