Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận có yếu tố tự sự và miêu tả với đề bài sau: Một số bạn đang đua đòi theo những lối ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh, truyền thống văn hóa của dân tộc và hoàn cảnh của gia đình. Em viết một bài nghị luận để thuyết phục các bạn đó thay đổi cách ăn mặc cho đúng đắn hơn.
1. Dàn ý nghị luận: Một số bạn học sinh đang đua đòi theo lối ăn mặc không lành mạnh
Dàn ý số 1
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: trang phục của giới trẻ hiện nay.
Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.
2. Thân bài
a. Thực trạng
- Nhiều học sinh có cách lựa chọn trang phục chưa phù hợp với lứa tuổi của mình: ăn mặc hở hang, quần áo lòe loẹt,…
- Nhiều bạn chạy theo lối sống hiện đại phương tây, học tập và làm theo cách ăn mặc, cách sống của họ mà quên đi những giá trị, bản sắc tốt đẹp vốn có của dân tộc, quê hương mình.
b. Nguyên nhân
- Chủ quan: do cách suy nghĩ chưa thực sự đúng đắn của các bạn, do tầm hiểu biết còn hạn hẹp, hoặc do muốn chứng minh bản thân mình hơn người, nổi bật,…
- Khách quan: do gia đình chưa dạy dỗ con em mình đúng cách về tầm quan trọng của việc lựa chọn trang phục phù hợp; do môi trường xung quanh tác động đến suy nghĩ và hành động của các bạn,…
c. Hậu quả
- Tạo ra một thế hệ trẻ với những suy nghĩ và ăn mặc phản cảm, không phù hợp với bản thân, lâu dần dẫn đến tha hóa về cách ăn mặc, làm mai một đi bản sắc dân tộc.
- Những thế hệ sau học theo cách ăn mặc của giới trẻ sẽ khiến cho việc lựa chọn trang phục ngày càng sai lệch.
d. Mở rộng
Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều bạn trẻ ăn mặc phù hợp với bản thân, với lứa tuổi, không gây ra phản cảm với người khác. Bên cạnh đó, còn có nhiều bạn tích cực truyền bá trang phục dân tộc và cống hiến cho trang phục nước nhà,… những người này xứng đáng được học tập và noi theo.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: trang phục của giới trẻ hiện nay; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Dàn ý số 2
a. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng một số bạn học sinh đang đua đòi theo lối ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Gợi ý: Môi trường học đường là môi trường dành cho các bạn học sinh học tập và rèn luyện bản thân. Ở đây, có những chuẩn mực và quy định riêng về ngoại hình của người học trò. Đó là những yêu cầu chung để học sinh đảm bảo được sự gọn gàng, trong sáng, thoải mái nhất có thể khi đến trường. Tuy nhiên hiện nay, có một bộ phận các bạn học sinh đua đòi theo lối ăn mặc không lành mạnh và không phù hợp với lứa tuổi cũng như môi trường học tập của mình.
b. Thân bài
- Giải thích vấn đề: Lối ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh là việc:
- Để các kiểu tóc rườm rà, màu sắc rực rỡ, tạo kiểu quá cầu kì và mất nhiều thời gian tạo kiểu…
- Mặc các loại trang phục hở hang, luộm thuộm, vướng víu…
- Mang các loại phụ kiện, trang sức quá đắt đỏ đến lớp học…
→ Đây là các kiểu trang phục không phù hợp với lứa tuổi học sinh và môi trường học đường.
- Hiện trạng của vấn đề:
- Hiện nay, tình trạng học sinh ăn mặc không phù hợp lứa tuổi, nội quy đang ngày càng phổ biến với nhiều học sinh, nhiều cấp học
- Mức độ trang phục, kiểu tóc thiếu trong sáng, gọn gàng ngày càng được nâng cao (nữ mặc váy ngắn, váy body, nam để tóc dài đến vai, nữ trang điểm đậm khi đến trường, nhuộm tóc màu sặc sỡ…)
- Nguyên nhân vấn đề:
- Các em bắt chước theo một thần tượng mà mình yêu thích, hay những đối tượng xấu trong xã hội (VD: cắt tóc, mặc áo quần như Khá Bảnh…)
- Các em muốn thể hiện một nét cá tính riêng hay muốn tỏ ra mình là người lớn (nên trang điểm đậm, mặc đồ bó sát, gợi cảm…)
- Gia đình có điều kiện nhưng không quan tâm sâu sát, để các em lầm tưởng và không định hình được trang phục của mình…
- Hậu quả của vấn đề:
- Các em khoác lên mình những bộ trang phục không phù hợp, trái quy định, dẫn đến bị kỉ luật, bị trừ điểm, bị phạt… ảnh hưởng đến bản thân và tập thể
- Những bộ trang phục lố lăng, thiếu phù hợp độ tuổi khiến các em mất đi sự trong sáng, vẻ đẹp của lứa tuổi
- Ăn mặc không phù hợp, khiến các em dễ bị bạn bè xa lánh, không quan tâm, khó hòa vào tập thể lớp
- Những bộ trang phục gợi cảm, lộ liễu hay rườm rà, lố lăng dễ khiến học sinh bị đánh đồng và lôi kéo và các tập thể xấu trong xã hội
- Biện pháp khắc phục:
- Tăng cường tuyên truyền, giải thích, định hướng về trang phục học đường và trang phục phù hợp cho lứa tuổi học sinh
- Bố mẹ, thầy cô quan tâm hơn đến các em học sinh để kịp thời chấn chỉnh lại cách ăn mặc của các em khi nhận thấy các đặc điểm chưa phù hợp
- Các bạn học sinh nên có những thần tượng, phong cách ăn mặc phù hợp với bản thân, để tránh các trường hợp không mong muốn
- Bài học cá nhân:
- Bản thân em khi đến trường luôn mặc áo sơ mi trắng, quần vải đen và đi giày thể thao, tóc cũng cắt ngắn gọn gàng
- Khi đi chơi, em mặc những bộ trang phục thoải mái và năng động, không đua đòi theo những bộ trang phục không phù hợp lứa tuổi, không đua đòi cắt nhuộm tóc lòe loẹt…
c. Kết bài: Suy nghĩ, đánh giá của em về vấn đề vừa bàn luận.
Gợi ý: Như vậy, vấn đề một bộ phận học sinh đua đòi ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi và không lành mạnh thực sự là một vấn đề cần được xem trọng. Bởi nó liên quan rất nhiều đến sự phát triển lành mạnh của các em. Vì vậy, cả gia đình, cộng đồng cần quan tâm đến vấn đề này hơn, để tạo ra một môi trường học đường trong sạch.
2. Bài văn nghị luận mẫu: Một số bạn học sinh đang đua đòi theo lối ăn mặc không lành mạnh
Bài văn mẫu số 1
Người xưa có câu: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Vẻ bề ngoài của mỗi người cũng phần nào thể hiện tính cách của người đó. Trang phục cũng thể hiện văn hóa của mỗi người. Vậy mà hiện nay, một số bạn đang đua đòi theo những lối ăn mặc không lành mạnh, không hợp với lứa tuổi học sinh, với truyền thống văn hóa của dân tộc và hoàn cảnh gia đình.
Trang phục là cách ăn mặc bao gồm quần áo, vật dụng đi kèm và trang sức. Người xưa đã dạy: Y phục xứng kỳ đức, có nghĩa là ăn mặc ra sao cũng phải phù hợp với hoàn cảnh sống riêng của mình và hoàn cảnh chung của cộng đồng hay toàn xã hội, dù mặc đẹp đến đâu, sang đến đâu mà không phù hợp với hoàn cảnh thì cũng trở nên lố bịch, cạch cỡm. Xưa nay, cái đẹp bao giờ cũng đi đôi với cái giản dị, nhất là phù hợp với môi trường. Người có văn hoá, biết ứng xử chính là người biết tự mình hòa vào cộng đồng. Bởi thế, một nhà nghiên cứu văn hóa đã nói: Nếu một cô gái khen tôi chỉ vì có một bộ quần áo đẹp, mà không khen tôi vì có bộ óc thông minh thì tôi chẳng có gì đáng hãnh diện. Thế mới biết, trang phục hợp với văn hoá, hợp với đạo đức thì đó là trang phục đẹp.
Thế mà hiện nay có một số bạn đang đua đòi với lối ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh, với điều kiện gia đình mình. Như chúng ta thấy, ở trong trường học, có bạn đã dứt bỏ những chiếc áo đồng phục trắng để mặc vào một chiếc áo phông loè loẹt, trước ngực loằng ngoằng dãy chữ bằng tiếng nước ngoài và sau lưng là hình ảnh diễn viên của một bộ phim đang ăn khách hay một ca sĩ nổi tiếng, điều đó hoàn toàn không phù hợp với tư cách một người học sinh. Những chiếc áo phông hình con thỏ hay chuột Mickey ngộ nghĩnh, dễ thương được thay dần bằng những đầu lâu, xương người, hay những lời lẽ Tiếng Anh thô lỗ. Có bạn kịch liệt phản đối, phê bình, lên án, có bạn lại săn tìm những chiếc áo đó như là "mốt" để khoe bạn bè.... Có bạn đòi mẹ mua bằng được chiếc quần Jean hàng hiệu đắt tiền để diện đến trường, nhưng đó lại là những chiếc quần xé gấu, thưng gối, chắp vá đủ màu. Có nhiều bạn hôm nay mốt quần bò rách gối, ngày mai lại mốt áo ngắn cũn cỡn, giày cao gót, ngày kia áo thun, áo thụng... Có những bạn còn là học sinh lớp 8, 9 mà đã đến lớp với tóc xanh, tóc đỏ, nhuộm, ép đủ kiểu. Các bạn đua đòi chạy theo những mốt thời trang được thị trường tung ra giống như những con thiêu thân lao đầu vào lửa mà cứ ngỡ là như vậy sẽ làm cho mình trở thành người văn minh, sành điệu. Và có lẽ bạn vẫn tưởng rằng sự sành điệu, văn minh ấy sẽ làm cho mình trở thành con người thức thời hơn, hiện đại hơn.
Dân gian có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Không phải ai cứ khoác lên mình chiếc áo của thầy tu thì sẽ trở thành thầy tu. Chỉ có cung cách ứng xử mới giúp ta biết đó có phải là thầy tu thật sự hay không. Chắc các bạn vãn còn nhớ lớp kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” chứ? Cái ông trưởng giả Giuốc-đanh mà lại học đòi làm sang. Ông cứ tưởng chỉ cần khoác lên mình bộ lễ phục quý tộc thì sẽ trở thành người cao quý, còn “cứ bo bo cái kiểu trưởng giả thì đời nào được gọi là ông lớn”. Nhưng do bản chất ngu dốt và mê muội, ông ta đã tự biến mình thành 1 trò hề với bộ lễ phục may hoa ngược và ngắn cũn cỡn.
Có vậy mới thấy sự văn minh, sành điệu không đến từ những gì bạn mặc trên người hay mốt này mốt nọ mà đến từ những hiểu biết của bạn, từ cách hành xử của bạn với mọi người xung quanh. Việc chạy theo các một ăn mặc ấy có rất nhiều tác hại. Có những bạn quên cả việc học, suốt ngày chỉ chăm chút cho trang phục của mình, kết quả là học hành sa sút, còn ngoại hình thì không còn là dáng vẻ của một học sinh cấp 2 nữa. Tại hại hơn nữa là sự đua đòi của các bạn ấy còn làm đau đầu cha mẹ, thầy cô. Những mốt quái dị đó đã làm tiêu tốn không ít tiền của bố mẹ, làm cha mẹ buồn phiền. 1 “công tử” hay “tiểu thư” nhà nghèo chạy theo “mốt” hoàn toàn là tác hại, điều kiện gia đình không khá giả, cha mẹ làm nông chân lấm tay bùn để có từng đồng bạc cho con sắm quần mua áo, điều đó là không thể chấp nhận được. Nhưng học trò bồng bột, áo đẹp quần xinh có khả năng “cám dỗ” hơn những công việc ướt đầm lưng áo ngoài ruộng. Đó không phải là hành động tốt, đó là hành động đua đòi những trang phục xa xỉ với điều kiện gia đình. Từ đơn giản những việc rất nhỏ như cái quần cái áo, cũng sẽ khiến 1 số học sinh “bận bịu” mải lo trang phục mà sa đà vào việc ăn chơi đua đòi.
Việc ăn mặc phải phù hợp với thời đại nhưng cũng phải lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, với lứa tuổi và hoàn cảnh sống. Có gì không đẹp khi khoác lên mình những bộ đồng phục tôn thêm nét đẹp tuổi học trò, đảm bảo tính nghiêm túc, tránh được kiểu ăn mặc kệch cỡm, lố lăng không phù hợp với lứa tuổi ở trường học? Có gì không văn minh khi khoác lên mình chiếc áo đồng phục xoá bỏ sự ngăn cách và mặc cảm về giàu nghèo giữa các học sinh trong cùng trường, cùng lớp? Trang phục đẹp không phải là trang phục đắt tiền, mà là phù hợp với lứa tuổi, tính cách của mỗi người. Chúng ta phải tránh ăn mặc hở hang, chưng diện không phù hợp và nên chọn những trang phục hài hòa, lịch sự, thể hiện tính cách riêng của mỗi người. Trang phục trẻ trung, dễ thương có thể giúp ta chống stress, giải tỏa căng thẳng mỗi khi cảm thấy mệt mỏi.
Nói tóm lại, việc lựa chọn trang phục cho phù hợp lứa tuổi là điều mà mỗi học sinh chúng ta cần quan tâm đúng mức để làm nên cái đẹp cho cuộc sống. Người ta nói “ăn cho mình, mặc cho người”. Trang phục không có pháp luật nào quy định nhưng có những quy tắc ngầm phải tuân thủ, đó là văn hóa xã hội. Đã là học sinh thì phải chọn trang phục giản dị, phù hợp với lứa tuổi, với quy định của nhà trường - đó cũng chính là thông điệp tôi muốn gửi tới các bạn. Tôi hi vọng rằng, mỗi chúng ta đều là một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, đều là những đứa con ngoan, những người trò giỏi. Hãy giữ gìn vẻ đẹp tuổi học trò bằng những tà áo trắng tinh khôi, bằng sự giản dị, thuần khiết, bằng cách xây dựng một môi trường học đường lành mạnh.
Bài văn mẫu số 2
Hiện nay, một số bạn học sinh đang chạy theo những “mốt” quần áo rất đắt tiền nhưng có hình dáng rất “kì dị”. Các bạn cho rằng như vậy là hợp thời nhưng các bạn đâu có nhận ra là rnình phai nhạt đi nét truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam ta. Vậy thì việc chạy theo mốt như vậy có đúng hay không?
Các bạn đang trút bỏ chiếc áo sơ mi trắng, chiếc quần xanh đen để mặc vào mình những bộ quần áo không hợp với người Việt Nam chúng ta. Hôm nay là mốt quần bò tua gấu..., ngày mai lại là “mốt” áo ngắn cùn cỡn, giày cao gót, ngày kia là áo chun, áo thụng rồi tiếp đến không biết còn những “mốt” nào được tung ra thị trường nữa. Các bạn cứ vòi tiền bố mẹ, đòi mua những thứ quần áo như vậy thì không biết phải cần đến bao nhiêu tiền? Mồ hôi công sức bố mẹ làm ra được “đốt” dưới bàn tay của các bạn đấy.
Có những bạn ngày trước vốn ăn mặc rất giản dị nhưng chỉ sau một thời gian cách ăn mặc đã thay đổi: tóc tém với đôi đường vàng đỏ, áo xanh quần túm thủng gối, ngắn thì thủng tay. Các bạn cho rằng mình phải án mặc như vậy mới là người “sành điệu”, cho khỏi bị các bạn chê là “lỗi thời”, “lạc hậu”. Nhưng các bạn ơi, xin các bạn hãy quay nhìn theo một hướng khác, hướng đến các bạn vẫn mặc theo lối truyền thống với bộ đồng phục quen thuộc, chắc chắn các bạn sẽ nhận ra nhiều điều.
Trong khi các bạn đang theo đuổi các “mốt” thời trang thì có những bạn vẫn mặc những bộ quần áo được các bạn cho là “lỗi thời”, “lạc hậu”, nhưng các bạn ấy vẫn được mọi người tôn trọng vì bộ quần áo ấy lại rất hợp với tuổi trẻ, vẫn rất đẹp, rất hấp dẫn. Vậy phải chăng cứ phải mặc theo lối “sành điệu” mới được coi là đẹp sao? Không, các bạn thấy đấy, với cách ăn mặc giản dị, phù hợp với lứa tuổi học sinh, các bạn ấy vẫn đẹp, đẹp một cách ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng. Từ đó có thể khẳng định rằng: Đẹp không cần cứ phải “mốt”.
Hơn thế, hiện nay nước ta có rất nhiều khách du lịch đến, nếu họ thấy trên đường phố toàn là những thanh niên học sinh với những bộ quần áo “sành điệu” như vậy liệu họ nghĩ gì về trang phục của nước ta, về truyền thông văn hóa Việt Nam?
Chính vì những lí do trên mà cách ăn mặc của một số bạn hiện nay không được chấp nhận và cũng vì vậy tôi hi vọng các bạn sẽ thay đổi cách ăn mặc của mình sao cho hợp thời nhưng phù hợp với hoàn cảnh, truyền thông đất nước ta và phù hợp với tính cách của bản thân từng bạn, những đội viên và những đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Bài văn mẫu số 3
Cuộc sống con người không thể thiếu những mối quan hệ, những tiếp xúc cá nhân với cá nhân thường ngày. Xã hội càng phát triển mọi thứ yêu cầu ngày càng cao, cả về những điều đời thường nhiều khi vì cuồng quay cuộc sống ta vô tình bỏ qua, trong đó vấn đề quan trọng về trang phục văn hóa không thể không nói tới.
Để đánh giá một quốc gia có lịch sự, văn minh hay không, trước tiên người ta sẽ tìm hiểu về những công dân sinh sống và làm việc trong đất nước ấy như thế nào. Việc đầu tiên không thể không nhắc tới về trang phục, không phải ngẫu nhiên mà các nước trên thế giới đều có những quốc phục riêng, những trang phục đó không những đẹp, tinh tế, mà còn mang nhiều ý nghĩa, thông điệp. Vì sao từ ngàn đời nay, đất nước ta không ngừng phát triển, trang phục cũng phải thay đổi cho phù hợp với thời thế? Vì sao tà áo dài được xem là một trong những trang phục đẹp nhất? Phù hợp hơn cả với người con gái Việt Nam?
Tất cả những điều đó đều thể hiện tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt không thể chủ quan của yếu tố trang phục và văn hóa. Chúng ta có thể hiểu, trang phục là những thứ chúng ta mang bên mình hằng ngày, như quần áo, vật dụng trang sức, thể hiện vẻ bề ngoài của mình, những thứ đó tuy với người mặc chỉ là vật bề ngoài, nhưng với người khác lại là thứ trực tiếp, tiếp xúc và gợi lên những suy nghĩ, đánh giá từ phía họ. Trang phục thể hiện văn hóa của chủ nhân, văn hóa thể hiện nhiều khía cạnh có cả những hành vi cử chỉ, có thái độ đúng mực, có quy tắc, có lịch sự, biết cư xử, đối nhân xử thế phải phép. Có văn hóa cũng chính là có sự lịch sự, tôn trọng người khác. Vì thế, khi tiếp xúc với một người, những trang phục ta khoác lên mình không những tố cáo những phẩm chất của chủ nhân, mà còn khiến đối phương có cảm tình với ta hay không? Và xét một cách rộng ra, nó còn có thể liên quan tới những thành công, hay thất bại của chúng ta nữa.
Vì thế, trang phục thực sự quan trọng, trang phục văn hóa phải hợp thời, hợp hoàn cảnh, hợp đối tượng. Người luôn biết cách ăn mặc hợp lý chính là người thể hiện văn hóa trong việc lựa chọn trang phục. Như khi đi lễ chùa, ta không được ăn mặc hở hang, đi học không được tùy tiện mặc váy ngắn nếu không hợp với đồng phục của trường, mỗi đất nước đều có những trang phục ngày lễ riêng, nước chúng ta có 54 dân tộc, nhưng mỗi dân tộc đều có những trang phục riêng, và mỗi dân tộc đều tôn trọng và ngưỡng mộ những trang phục ấy, đó cũng chính là một sự văn hóa. Hay như mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có cho mình những trang phục hợp với từng độ tuổi khác nhau, ăn mặc phù hợp sẽ thể hiện con người mình có văn hóa, thể hiện thái độ tôn trọng, nhận được thiện cảm yêu mến của mọi người. Ở đất nước ta có tà áo dài, tuy được cách tân nhiều qua thời gian, nhưng đều thể hiện một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nói lên cả một nhân cách, phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ. Đoan trang hiền thục, kín đáo mà tinh tế biết chừng nào, thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của trang phục ta càng phải học cho mình sự lựa chọn và phối hợp trang phục một cách cẩn thận phù hợp, tránh không hợp đối tượng, sai hoàn cảnh…
Chúng ta nhận thấy rằng, cuộc sống càng phát triển, đòi hỏi con người ngày càng phải giỏi giang, có năng lực nhiều hơn nữa để thành công, cạnh tranh thì việc chú trọng quan tâm đến trang phục ngày càng trở nên hữu ích và cần thiết đến nhường nào, văn hóa và trang phục luôn đi liền với nhau, vì thế hãy học cách rèn luyện cả hai để bản thân mình hoàn thiện và tốt nhất. Từ đó giúp chúng ta thành công hơn trong cuộc sống. Cũng qua đó phê phán những ai lạc hậu, coi thường trang phục – văn hóa, hay chưa có hiểu biết ăn mặc lố lăng, không hợp độ tuổi, không hợp hoàn cảnh…
Tóm lại, để rèn luyện việc mặc trang phục để hợp với văn hóa không phải điều quá khó khăn, nhưng lại là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Hãy luôn chú ý tới trang phục của mình hoàn thiện nhất để bản thân luôn nhận được những điều tốt đẹp, và thành công hơn trong cuộc sống của mình.
Bài văn mẫu số 4
Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu "y phục xứng kì tích”. Đúng vậy nhiều khi chỉ cần nhìn cách ăn mặc, đi đứng hay nói năng cũng có thể đánh giá được ít nhiều những tính cách của người đó. Đã là học sinh thì trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, phù hợp với độ tuổi, với hoàn cảnh là quan trọng hơn hết.
Trang phục có thể coi là bạn đồng hành gắn bó với chúng ta, không chỉ che chở, sưởi ấm mà còn thể hiện nhu cầu, thẩm mĩ của mỗi cá nhân. Vì vậy trước khi mặc một bộ đồng phục thì phải biết mặc thế nào cho đẹp, để trang phục luôn chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, ta nên tuân thủ quy định của nhà trường. Ta thấy nội quy trang phục của nhà trường hiện nay tương đối là đẹp, phù hợp với lứa tuổi, cụ thể là những chiếc áo sơ mi trắng, những chiếc quần sẫm màu, cũng có thể là bộ áo dài duyên dáng đối với nữ. Tuy nhiên không ít trường hợp học sinh tự ý cách điệu bộ đồng phục này thành những chiếc váy ngắn cũn cỡn, màu sắc cũng được biến đổi khá đa dạng, có nhiều bạn nam khoác lên mình những chiếc áo phông có in những hàng chữ nước ngoài, rồi những hình ảnh không lành mạnh nó làm mất hết đi vẻ ngây thơ trong sáng, gọn gàng sạch sẽ của học sinh.
Môi trường trong nhà trường là nơi cần có sự trang nghiêm và nhất thiết phải tuân thủ theo những quy định chung. Đặc biệt đối với cách ăn mặc của học sinh cũng góp phần tạo nên bộ mặt của ngôi trường đó, vì vậy mà học sinh chúng ta hãy tự làm đẹp cho mình, cũng là làm đẹp cho cộng đồng và khi đó sẽ tạo cho mọi người xung quanh một cái nhìn thiên cảm, chứ không phải là cái nhìn đua đòi biến mình thành kẻ ” khác người”. Chúng ta hãy lựa chọn cho mình những trang phục đẹp tô thêm nét đẹp tuổi học trò đảm bảo tính nghiêm túc trách được kiểu ăn mặc kệch cỡm, xóa bỏ sự ngăn cách và mặc cảm về sự giàu nghèo giữa các học sinh trong trường trong lớp. Đồng thời, cũng cần phải biết yêu quý bộ đồng phục của mình dù nó không phải trang phục đắt tiền.
Như vậy biết cách lựa chọn trang phục đẹp phù hợp với lứa tuổi, với hoàn cảnh đặc biệt là phù hợp với nhà trường cũng có nghĩa là ta thể hiện mình là người có văn hoa giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc. Vì vậy ngay từ bây giờ chúng ta hãy chọn cho mình những trang phục chỉnh tề gọn gàng, sạch sẽ, đồng thời loại bỏ phê phán ăn mặc đua đòi chay theo mốt.
Bài văn mẫu số 5
Trong xã hội hiện đại ngày nay, các bạn học sinh được tiếp xúc sớm với môi trường rộng lớn, với vô vàn những thông tin qua internet. Chính vì thế, đã dẫn đến hiện tượng một bộ phận các bạn ấy đua đòi ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi của mình.
Phong cách ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi học sinh ở đây chính là nói đến những kiểu tóc có màu sắc sặc sỡ, được tạo hình cầu kì, phức tạp, những lớp phấn son, sơn móng đính đá. Là nói đến các bộ trang phục, phụ kiện có giá trị quá lớn, hở hang, táo bạo, luộm thuộm… Đó là những yếu tố trang phục hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi học sinh, đặc biệt là môi trường học đường.
Các bộ đồng phục và quy định về tóc tai, giày dép được nhà trường quy định là đã được nghiên cứu để đảm bảo phù hợp với lứa tuổi và các hoạt động ở trường. Đồng thời nó giúp xóa đi các khoảng cách về giàu nghèo, địa lý, giúp các em học sinh gắn bó, hòa nhập với nhau hơn. Vậy nên, khi các em cố phá vỡ các quy định này để khoác lên mình các bộ trang phục không phù hợp thì chính là sai phạm.
Điều đó trước hết sẽ gây ảnh hưởng, khó khăn cho chính các em khi thực hiện các hoạt động như viết bài, tập thể dục, dọn vệ sinh… Sau đó sẽ tạo nên ấn tượng xấu về bản thân trong mắt thầy cô, bạn bè. Những bộ trang phục ấy dễ khiến các em bị đánh giá là ăn chơi, đua đòi, hư hỏng. Khiến bạn bè xa lánh, thầy cô phê bình. Đồng thời, khi các món trang sức, phụ kiện đắt tiền đấy mang đến lớp, thì cũng khó tránh khỏi tình huống lẫn lộn, rơi mất… gây lục đục nội bộ, bạn bè nghi ngờ nhau. Không chỉ vậy, việc tạo dựng ngoại hình không phù hợp lứa tuổi ấy, sẽ khiến các em dễ trở thành đối tượng cho những kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng.
Trang phục chỉ đẹp khi phù hợp với người mặc và nơi đến. Vì thế, các bạn học sinh nên mặc những gì phù hợp với mình. Như áo quần đồng phục, không trang điểm đậm, không dùng trang sức đắt tiền để đến lớp… Nếu muốn thử sức với các tạo hình phức tạp để thể hiện phong cách riêng, các bạn có thể thử trong các buổi tiệc hay các địa điểm vui chơi khác ngoài trường học. Và đương nhiên là cần có sự góp ý từ người thân, bạn bè.
Như vậy, hiện tượng một bộ phận học sinh đua đòi ăn mặc không phù hợp lứa tuổi là một hiện tượng xấu. Gây ảnh hưởng đến bản thân các bạn và cả trường học. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục. Cần có những hình thức răn đe phù hợp để cảnh cáo các trường hợp vi phạm. Cần liên kết giữa nhà trường và gia đình để ngăn cản hiện tượng này. Nhưng hơn hết, nó vẫn sẽ phải xuất phát từ chính suy nghĩ tự thân của các bạn học sinh.
Chỉ cần các bạn ấy hiểu được ý nghĩ của trang phục, sự phù hợp của chúng với bản thân và môi trường lớp học, thì hiện tượng đua đòi ăn mặc không phù hợp lứa tuổi sẽ không còn tiếp diễn nữa.
Bài văn mẫu số 6
Hiện nay, vấn đề trang phục học đường đang ngày càng được quan tâm hơn. Bởi sự hiện diện của một bộ phận giới trẻ có phong cách ăn mặc không phù hợp lứa tuổi, môi trường học đường. Điều đó cũng đang diễn ra ở lớp em.
Đó là một hiện trạng không hề mới, nhưng phải gần đây mới diễn ra bùng nổ, khiến mọi người phải quan ngại. Dù là học sinh, nhưng các bạn thích thú với các kiểu trang phục hở, bó sát phô diễn cơ thể quá mức. Rồi rủ nhau nhuộm những kiểu tóc sáng màu, trang điểm đậm khi đến lớp. Cùng với đó là các món đồ trang sức, giày cao gót, túi xách hàng hiệu không phù hợp với lứa tuổi và môi trường lớp học. Những hình ảnh ấy trở nên kém trong sáng, kém lịch sự và gây ảnh hưởng đến bản thân các bạn ấy cũng như các bạn cùng lớp.
Nguyên nhân của hiện tượng này, là do các bạn có những thần tượng không phù hợp, cố bắt chước theo cách ăn mặc của các người nổi tiếng. Một số khác lại do muốn trở thành người lớn, cố trang điểm sao cho thật giống các anh chị khác để được trông trưởng thành hơn. Hay đơn giản, chỉ là do cái tôi của một số bạn rất cao, muốn được khẳng định chất riêng của mình nhưng chưa chọn ra cách phù hợp.
Những món đồ đó khiến các bạn ấy trở nên già đi so với lứa tuổi, mất đi sự trong sáng của những bạn học trò nhỏ. Ngoại hình ấy còn dễ khiến các bạn vướng vào cái mác “học sinh hư” rồi bị bạn bè xa lánh. Rồi sự vi phạm về trang phục ấy cũng sẽ làm cho các bạn bị phê bình, khiển trách, ảnh hưởng đến thành tích, xếp loại đạo đức. Nguy hiểm hơn, các bạn ấy còn dễ bị các thành phần xấu trong xã hội lôi kéo, rủ rê vào con đường tội lỗi.
Với các tác hại như vậy, thì việc mặc những bộ trang phục không phù hợp lứa tuổi đó thực sự cần được xóa bỏ. Để làm được điều đó, rất cần sự chung tay của cả gia đình, thầy cô và bạn bè. Mọi người cần có những lời khuyên nhủ quan tâm để định hướng lại thời trang cho các bạn ấy. Đồng thời có hình thức răn đe phù hợp để các bạn không dám tái phạm. Cùng với đó, bản thân các bạn cũng cần có suy nghĩ tích cực cho bản thân mình. Nên chọn các thần tượng, phong cách ăn mặc phù hợp với lứa tuổi để vừa khẳng định bản thân, lại vừa không vi phạm quy tắc trường học. Ngoài ra, nhà trường cũng có thể làm đa dạng hơn các kiểu đồng phục cho các bạn học sinh. Như đồng phục váy, quần, áo lớp… để trang phục mỗi ngày bớt đơn điệu hơn.
Như thế thì vấn nạn ăn mặc không phù hợp của lứa tuổi học trò sẽ sớm được đẩy lùi. Các bạn học sinh sẽ trở về đúng với lứa tuổi của bản thân và cảm thấy thoải mái mỗi khi đi học.
Bài văn mẫu số 7
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các bạn học sinh được tiếp xúc từ sớm với rất nhiều nguồn thông tin khác nhau. Vì vậy, dần xuất hiện một số bạn có hành động đua đòi ăn mặc không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ở lớp em cũng có những trường hợp như vậy.
Trang phục - là những bộ áo quần, giày dép và phụ kiện giúp chúng ta giữ ấm đồng thời tạo được vẻ đẹp, nét riêng biệt cho người mặc. Một bộ trang phục được gọi là đẹp chỉ khi nó phù hợp với người mặc, với tình huống và môi trường được mặc. Một chiếc váy ôm ngắn sẽ thật đẹp nếu ở một bữa tiệc trên người một cô gái trưởng thành. Nhưng nó sẽ trở nên kệch cỡm nếu được diện ở một nơi trang nghiêm, và bất ổn khi được diện bởi một cô gái nhỏ. Điều đó khẳng định được tầm quan trọng của sự phù hợp trong lựa chọn trang phục.
Học sinh cũng vậy. Với lứa tuổi còn nhỏ và học tập tại môi trường học đường. Các em cần phải tuân theo những chuẩn mực trang phục do nhà trường đặt ra. Đó là mặc áo trắng, đồng phục, dày dép có quai, tóc tai gọn gàng không nhuộm màu sáng hay trang điểm. Những quy định đó được cả một tập thể họp bàn và đề ra nhằm thể hiện được sự đoàn kết của trường học. Hơn hết là giúp học sinh được thoải mái khi học tập và không quá chú trọng vào điều khác. Khi còn là học sinh, còn là những thanh thiếu niên thì trang phục cũng nên chú ý cho gọn gàng, sạch sẽ. Còn nhiệm vụ quan trọng hơn cả phải là học tập và rèn luyện bản thân.
Vì vậy, khi nhìn thấy một vài bạn trong lớp đua đòi, mặc những bộ trang phục không phù hợp với lứa tuổi. Em cảm thấy rất buồn cho các bạn. Bởi những bộ áo quần ấy khiến các bạn trở nên xấu đi trong cái nhìn của những người xung quanh. Bởi người ta thường nhìn bên ngoài mà đánh giá con người bên trong. Hơn thế nữa, việc quá chú trọng vào áo quần mỗi khi đến trường, đua đòi theo thời trang sẽ khiến các bạn tốn quá nhiều thời gian của mình. Thật là tai hại.
Chính vì vậy, em rất mong các bạn ấy sẽ sớm nhận ra và thay đổi. Thời trang sẽ không sai nếu phù hợp với lứa tuổi, môi trường học tập và bản thân mỗi người.
Bài văn mẫu số 8
Ngày nay, ta hoàn toàn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những bạn học sinh có cách ăn mặc chưa được phù hợp với hoàn cảnh, với điều kiện kinh tế gia đình. Các bạn dễ chạy theo những xu hướng ăn mặc thịnh hành mà không cần để ý đến hoàn cảnh, tình huống của mình cũng như khả năng tài chính của gia đình. Hơn nữa, việc ăn mặc không phù hợp cũng sẽ để lại những hậu quả nhất định đối với cuộc sống của mỗi cá nhân.
Việc tiếp xúc với các văn hóa phẩm và phong tục tập quán của nước ngoài dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức của mỗi người đến cách ăn mặc và trang phục của mình. Tuy nhiên, những thay đổi tiêu cực vẫn là những ảnh hưởng phần lớn mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy. Đầu tiên, đó là việc ăn mặc không phù hợp hoàn cảnh. Con người khi tham gia vào một loại hoạt động nào trong ngày thì đều cần có loại trang phục sao cho phù hợp và tiện lợi nhất. Ví dụ, đi tập thể thao thì không nên mặc quần áo lòa xòa, rực rỡ,... Hoặc như đi đám tang thì không nên mặc quần áo rực rỡ, lấp lánh, luộm thuộm,.... Sự tinh tế, thanh lịch của một người thể hiện ở việc họ chọn bộ trang phục sao cho vừa đủ, vừa đẹp và không có gì thừa thãi. Thứ hai, biểu hiện của ăn mặc không lành mạnh là ăn mặc theo kiểu đua đòi, tạo nên những tình huống hớ hênh, kệch cỡm và lố lăng. Các bạn học sinh có đầu óc dễ bị ảnh hưởng nhất bởi phong cách ăn mặc thịnh hành trên thế giới. Tuy nhiên, xét về điều kiện của bản thân, việc ăn mặc lố lăng sẽ dẫn đến sự phản cảm trong mắt người khác và phá hoại đi hình ảnh của những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.
Việc ăn mặc lố lăng, không phù hợp với hoàn cảnh không những tạo nên một hình ảnh xấu cho chính bản thân mình mà nó còn thể hiện một cái nhìn nông cạn, thiển cận về việc ăn mặc trong cuộc sống. Trang phục là quyền tự do lựa chọn của mỗi người nhưng việc mỗi người chúng ta ăn vận đúng và đủ dùng cho hoàn cảnh của bản thân thì sẽ tạo được ngoại hình ưa nhìn và chiếm được nhiều thiện cảm. Hơn nữa, ăn mặc gọn gàng và ăn mặc đẹp, đúng với hoàn cảnh sẽ còn giúp chúng ta tạo được ấn tượng tốt đối với người khác. Đối với học sinh, các em nên tuân thủ quy định mặc đồng phục ở trường và biết cách ăn mặc khi ra đường sao cho luôn thơm tho, sạch sẽ, gọn gàng.
Tóm lại, việc ăn mặc không lành mạnh là một tình trạng khá phổ biến ở học sinh hiện nay. Tình trạng này hoàn toàn có thể khắc phục bằng sự khuyên bảo, giáo dục thêm từ phía gia đình và nhà trường để các em học sinh luôn có nhận thức đúng đắn về phong cách ăn mặc và phong cách sống của mình.
Xem thêm các bài văn nghị luận mẫu về vấn đề trong xã hội khác:
TOP 20 bài văn nghị luận về lối sống vì người khác 2024 HAY NHẤT
TOP 15 bài nghị luận về sự vô cảm 2024 CỰC CHI TIẾT
TOP 20 bài nghị luận về tình yêu thương con người 2024 CỰC HAY