Đề bài: Đoạn văn đóng vai người cháu trong bếp lửa.
Dàn ý: Đoạn văn đóng vai người cháu trong bếp lửa.
1. Mở bài
- Giới thiệu về bản thân (nhân vật cháu trong bài thơ)
2. Thân bài
* Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn hồi tưởng cảm xúc về bà
- Hình ảnh bếp lửa gần gũi, quen thuộc trong mỗi gian bếp người Việt xưa
- Hình ảnh bếp gợi lên hình ảnh bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người bà nhóm lửa.
* Hồi tưởng lại kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà, bếp lửa gắn liền với bà
- Tuổi thơ đầy thiếu thốn, gian khổ, nhọc nhằn
- Bóng đen ghê rợn của nạn đói năm 1945, mẹ và cha bận công tác không về
- Cháu sống cùng bà, được bà cưu mang, dạy dỗ, phải tự lập và sớm phải lo toan
* Suy ngẫm về bà và cuộc sống của bà
- Thương bà khó nhọc, tần tảo sớm hôm
- Đức hy sinh, sự chăm lo cho mọi người của bà
- Ngọn lửa bà nhóm lên là ngọn lửa yêu thương, niềm vui
* Cảm nghĩ sau khi đã trưởng thành và nỗi nhớ về bà
- Cháu bây giờ đã lớn khôn, được chắp cánh bay xa, niềm vui mở rộng ở phía trước
- Không nguôi quên ngọn lửa của bà, tấm lòng và tình yêu của bà, bà là người truyền lửa - Ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho thế hệ sau
3. Kết bài
- Nêu cảm nghĩ của bản thân về bà, về ngọn lửa bà nhóm lên
Một số bài văn mẫu: Đoạn văn đóng vai người cháu trong bếp lửa.
Đoạn văn mẫu số 1
Bao nhiêu năm xa quê hương, xa bà, xa miền quê yêu dấu nhưng tôi vẫn không thể nào quên được những thánh năm tuổi thơ, có bà bên bếp lửa ấm. Dường như cái rét cắt da thịt của mùa đông nước Nga khiến tôi hồi tưởng về ký ức khi ấy.
Năm tôi lên bốn, tức là năm 1945, đất nước đang lâm vào một nạn đói khủng khiếp, khi ấy cuộc sống khó khăn rất nhiều. Bố mẹ tôi phải ra ngoài kiếm tiền, tôi được bà chăm sóc. Tôi còn nhớ khi ấy nhà nhà ai cũng đói, cả người lẫn ngựa đều gầy. Người chết vì đói cũng không ít, thế nên người dân phải đốt rơm để trừ tử khí, đốt nhiều đến nỗi khói hun nhèm mắt, tới giờ vẫn còn cay. Dù vậy tôi cùng bà cũng không bỏ cuộc, chúng tôi ngồi bên ngọn lửa như có một hy vọng, dù không lớn nhưng vẫn sống mãnh liệt.
Bố mẹ tôi đi theo tiếng gọi Tổ Quốc, giao tôi cho bà giữ. Tám năm ròng tôi cùng bà nhóm lửa, dù có khổ đến mấy, bà vẫn ngày ngày thắp lên ngọn lửa như thấp lên mỗi niềm hy vọng. Tôi ngồi trông những đàn chim tu hú hót tha thiết ngoài cánh đồng, tôi chỉ muốn nói rằng: "Tu hú ơi sao chẳng ở cùng bà?”. Tôi từ nhỏ đã quen cái hơi thân thuộc của bà. Cùng bà dậy sớm để cùng thắp lên “hy vọng” dần dần đã trở thành niềm vui nho nhỏ của tôi.
Tôi vẫn nhớ những câu chuyện khi ấy của bà. Bà thường hay kể những ngày ở Huế cho tôi nghe, dù bà có kể bao nhiêu tôi vẫn không thấy chán. Được áp đầu nằm lên đùi bà, được những ngón tay ấm áp của bà luồn qua khe tóc, nằm nghe những câu chuyện cùng với hơi ấm của bếp lửa và tất nhiên là với bà cũng đủ làm cho tôi hạnh phúc.
Bố mẹ đi xa, bà tôi thay bố mẹ dạy tôi nhiều việc, bà lo cho tôi ăn học, lo cho tôi ăn uống, chăm sóc tôi, khuyên răn tôi những việc sai. Khi lớn lên tôi mới nhận ra, bà thương tôi, lo cho tôi không có đủ tình thương, bà cố gắng đảm nhiệm là một người bố, người mẹ và là một người thầy để lo cho tôi. Dù khó khăn bà cũng chỉ để tôi thấy một nụ cười hiền hòa. Nhớ đến đây, hai giọt lệ lăn dài trên má tôi…
Bình yên là thế cho đến khi…. Năm đó, giặc đốt làng cháy rụi. Tôi cùng bà đi trốn. Khi mọi việc kết thúc, bà nắm chặt tay tôi đi từng bước run rẩy vào làng, mọi thứ trước mắt tôi thật hoang tàn. Tôi có thể nghe được cả tiếng khóc than của người dân. Chúng tôi về tới ngôi nhà tranh của mình, nó đã bị đổ xuống nhưng may là các bác hàng xóm đã giúp chúng tôi dựng lại được. Đêm ấy, ngồi bên bà, chợt bà bảo tôi: "Mày có viết thư cho bố thì đừng kể này kể nọ, cứ bảo là chúng ta vẫn bình yên. Đừng để bố bây lo.”
Chính là thế, dù có ra sao bà tôi vẫn gắng gượng. Người phụ nữ ấy là niềm tự hào to lớn của tôi, bà không bao giờ than vãn, hay tỏ ra mệt mỏi, tôi biết bà đang cố gắng giữ cho tôi luôn lạc quan. Dù sớm dù chiều, dù đã qua mấy chục năm, bà vẫn luôn thắp lên bếp lửa ấp iu ấy. Ngọn lửa được bà dành chọn tất cả niềm thương yêu của mình. Chính bếp lửa ấy là nơi có khoai sắn ngọt bùi, nồi xôi gạo sẻ chia và những tâm tình tuổi thơ. Tôi hiểu lòng bà, vì sao bà lại nhóm lửa, tôi hiểu rằng bà đang hy vọng, ngọn lửa bà thắp như là một niềm tin đất nước sẽ chiến thắng, sẽ bình yên. Bà dành cả đời mình chỉ để hy vọng niềm tin hạnh phúc của bà có thể thành hiện thực.
Dù tôi đang ở nơi xa Tổ Quốc, cho dù tôi không thể ở cùng bà, dù tôi đang thấy những điều mới lạ. Tôi vẫn không quên hình ảnh người bà thân thường cùng bếp lửa thắp lên niềm tin của tôi. Tôi tin bà vẫn luôn ở đây, đang thắp lên ngọn lửa ấm áp trong lòng tôi. “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?.”
Đoạn văn mẫu số 2
Có một nơi là nơi xuất phát, cũng là nơi trở về và là điểm tựa vững chắc cho con người trong hành trình sống. Nơi ấy là nhà. Nơi ấy với tôi còn có người bà kính yêu. Và để rồi, khi trưởng thành, khi đang sinh sống và làm việc tại Liên Xô, tôi lại bồi hồi, xốn xang nhớ về người bà kính yêu gắn với hình ảnh bếp lửa….
Tôi lại nhớ về hình ảnh ngọn lửa hồng ấy…Ngọn lửa có lẽ là không lạ gì trong đời sống của mỗi chúng ta. Một ngọn lửa được bà nhen lên mỗi buổi sáng sớm. Một ngọn lửa được đôi bàn tay gầy guộc của bà ấp iu, che chở để chúng có thể cháy lên và tỏa sáng…
Hình như cái ngọn lửa thân thương ấy, tôi đã quen mùi khói từ năm tôi lên bốn. Năm đó gắn với nạn đói của dân tộc- năm 1945 với hình ảnh của những người chết vì đói nằm như ngả rạ. Bố tôi phải làm việc vất vả. Đến bây giờ tôi vẫn còn cay sống mũi mỗi khi nhớ lại về những năm đó…
Rồi tám năm ròng, tôi đã bên bà, cùng bà nhóm lên những ngọn lửa hồng. Khi con tu hú kêu trên những cánh đồng xa báo hiệu một mùa hè lại về, bà ơi, bà có còn nhớ không bà? Tôi còn nhớ, khi tu hú kêu, lại gắn với những câu chuyện bà hay kể về những ngày ở xứ Huế. Tiếng tu hú tha thiết kêu mãi không ngừng… Đó là những ngày tháng chiến tranh, bố mẹ tôi bận công tác ở xa nên không có nhà. Tôi ở cùng bà, được bà dạy làm, được bà dạy học. Bà đã thay cha mẹ tôi nuôi tôi khôn lớn và trưởng thành.
Rồi năm đốt làng cháy tàn cháy rụi, hàng xóm bốn bên trở về trong cảnh lầm lụi. Bằng tình cảm làng xóm láng giềng. mọi người đã giúp bà dựng lại túp lều tranh. Vẫn vững lòng, và thêm cả sự lo lắng cho bố mẹ tôi, bà liền dặn tôi rằng:
- Bố ở chiến khu, bố vẫn còn nhiều việc lắm. Mày có viết thư, không được kể này kể nọ nghe chưa, cứ bảo nhà vẫn được bình yên để bố mẹ an tâm công tác!
Rồi hàng ngày, cứ sớm rồi lại chiều, bà vẫn tiếp tục với công việc hàng ngày của mình là nhóm lửa. Một ngọn lửa chứa tình yêu thương của bà luôn ủ ấp nơi đáy lòng, một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng của bà…
Đời bà luôn vất vả như thế. Vất vả nuôi tôi khôn lớn và ngày trước là vất vả nuôi bố tôi. Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ bà vẫn giữ thói quen dậy sớm, nhóm những bếp lửa ấp iu nồng đượm, nhóm cả những nồi khoai sắn có cả những yêu thương của bà để xây đắp cho tôi bao ước mơ, để giờ tôi có thể du học tại đất nước Liên Xô. Bếp lửa của bà còn nhóm lên cả nghĩa tình với xóm làng. Ôi bếp lửa của bà, tuy giản dị mà lại rất đỗi thiêng liêng!
Giờ đây, tôi đã đi xa, cách bà đến nửa vòng Trái Đất. Một cuộc sống mới đã mở ra trước mắt tôi. Nơi ấy, có những ngọn khói trăm tàu, có lửa trăm nhà và có niềm vui trăm ngả. Nhưng tôi vẫn chẳng thể nào tự quên nhắc nhở bản thân rằng “ Sớm mai này, bà đã nhóm bếp lên chưa?”
Bà ơi! Cháu yêu bà và cũng thương bà biết bao. Cuộc sống hiện đại dễ làm lòng người đổi thay nhưng hình ảnh của một người bà ngày ngày nhóm lên những ngọn lửa yêu thương sẽ mãi không bao giờ phai nhạt trong tâm trí cháu. Cuộc sống ở phương xa này, dù vui thật nhưng khi niềm vui tàn đi, nhất là những khi cháu ở một mình, cháu lại nghĩ về bà nơi mái nhà tranh, nơi bà kể chuyện cháu nghe, nơi bà dạy cháu học, nơi hình thành con người cháu, nơi có ngọn lửa hồng thắp lên trong cháu những ước mơ.
Đoạn văn mẫu số 3
Tôi vẫn nhớ nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết:
“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”
Dường như trong kí ức tuổi thơ của bao đứa trẻ, những tháng năm vô lo vô nghĩ bên người bà luôn là quãng thời gian êm đềm và thân thương nhất. Vượt qua bao sự thăng trầm trong cuộc đời và sàng lọc của thời gian, những kỉ niệm mộc mộc ấy về bà vẫn đọng lại trong miền nhớ của biết bao tâm hồn, nó đưa ta về với khoảng trời xưa cũ bình dị mà an nhiên tự tại thuở niên thiếu. Với riêng tôi, có lẽ kỉ niệm về bà bên bếp lửa bập bùng mỗi sớm mai luôn đi về trong cõi nhớ của tôi trên những chặng đường mà tôi trải qua. Nỗi nhớ ấy lại càng cồn cào da diết hơn trong những năm tháng sống xa xứ, đón những đợt gió tuyết nơi xứ sở Bạch Dương. Trong những phút giây tĩnh lặng, mỗi khi nhìn làn khói của những ngôi nhà phía xa kia, cả một trời nhớ thương trong tôi lại ùa về, về bà về bếp lửa hồng sưởi ấm cả tuổi thơ tôi, về hương vị quê nhà…
Theo dòng hoài niệm, kí ức đưa tôi về với những đêm đen của cái đói mòn đói mỏi năm 1945. Ngôi làng nhỏ nơi tôi sinh sống, nhà nào cũng rơi vào cảnh đói thê thảm. Trong những năm tháng cơ cực ấy, để giành giật lấy sự sống ngày một thoi thóp, bố tôi phải lên phố xe thuê rạc cả người, dẫu vậy cũng chỉ đủ để rau cháo cầm hơi mà sống qua ngày. Cái đói nghèo cùng cực của năm Ất Dậu ấy như một nỗi ám ảnh trong tâm hồn non nớt của đứa trẻ bốn tuổi lúc đó. Chính mùi khói bếp của bà đã mang đến cho tôi những hơi ấm, sự an lòng và xua đi cái mùi tử khí tràn ngập quanh ngõ xóm thôn nghèo. Thứ hương thơm dung dị như nhen lên từ tình yêu nồng hậu của bà đã sưởi ấm cho tôi trong suốt thuở thiếu thời để rồi sau này trên mỗi hành trình dài và rộng mà tôi qua, mùi khói bếp ấy vẫn làm tôi cay cay sống mũi mỗi khi hồi tưởng lại. Những năm tháng sau đó khi kháng chiến bùng nổ, bố mẹ tôi thoát ly gia đình đi làm cách mạng, lên đường theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Suốt tám năm trời đằng đẵng tôi sống trong sự đùm bọc chở che của bà, bên bóng dáng tảo tần của bà và bên bếp lửa hồng bà nhen lên mỗi sớm chiều. Những năm tháng thơ bé ấy, bên cạnh bà cháu tôi, bên cạnh bếp lửa vẫn còn một nhân chứng mà tôi chẳng thể nào quên đó là chim tu hú. Tiếng hót của nó nghe sao mà chơ vơ lạc lõng như khao khát được che chở ấp iu đến vậy. Tiếng tu hú khắc khoải như xé tan cả khoảng không gian mênh mông buồn vắng, thương con chim tu hú bất hạnh biết bao nhiêu tôi càng biết ơn và trân trọng những ngày tháng tuổi thơ hạnh phúc được bà chăm chút, bao bọc bấy nhiêu. Bên bếp lửa bập bùng, tôi được nghe bà trải lòng về cuộc đời bà những tháng năm còn ở Huế. Một cuộc đời đầy truân chuyên và cùng cực. Bà gửi những hi vọng, ước mong về một tươi lai tươi sáng hơn trong tôi. Rồi cũng ở bếp lửa nơi góc bếp, bà chăm tôi từng bữa ăn giấc ngủ và là người thầy đầu tiên dạy tôi những bài học quý giá trong cuộc đời. Những bài học làm người cao đẹp ấy đã trở thành một điểm tựa vững chắc chắp cánh cho những giấc mơ cao đẹp trong cuộc đời. Thứ ánh lửa ấm áp nồng nàn ấy mang đến cho tầm hồn tôi một sự an ủi trong những ngày tháng sống thiếu tình cảm của cha mẹ, bà như điểm tựa tinh thần cho tôi vững bước. Cuộc sống vẫn vậy, vẫn khắc nghiệt và luôn muốn thử thách bản lĩnh của con người. Đến một ngày tiếng súng, tiếng bom của cuộc chiến tranh khắc nghiệt dội về làng tôi. Trước họng súng và ngòi nổ hủy diệt của quân địch, ngôi làng tôi lúc đó là một đống tro tàn, nhà cửa của mọi người đều hoàn toàn cháy rụi. Tôi biết lúc đó bà đang nuốt ngược nỗi đau và nước mắt vào trong. Nơi chốn nương thân của hai bà cháu tôi không còn, nhưng nghị lực và ý chí thép được tôi luyện trong những năm tháng bể dâu của cuộc đời không cho phép bà tôi gục ngã buông xuôi. Bà cứng rắn dắt tôi vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo. Tôi hiểu rằng những thiếu thốn, cơ cực mà tôi mới trải qua không thể nào đong đếm được với những gian khó, nhọc nhằn và nỗi nhớ thương con nơi chiến trường đỏ lửa đều phải nén lại vào trong của bà. Và rồi đâu rồi cũng vào đó, nhờ vào tình làng nghĩa xóm mà bà cháu tôi cũng dựng được căn nhà nhỏ trên nền đất cũ năm nào. Bà đã nhóm lên trong tôi ý chí và nghị lực sống trong cuộc đời này. Thật kì diệu bởi tôi tin rằng những gì bị thiêu cháy trong ngọn lửa hung tàn kia đã được hồi sinh trong bếp lửa của bà. Cứ thế tuổi thơ tôi được bà che chở qua bao tháng năm. Chính ngọn lửa của lòng bà đã nhen lên ngọn lửa bền bỉ, trường tồn theo dọc thời gian của bếp lửa kia.
Tháng năm làm tôi lớn lên và trưởng thành, những hoài bão đưa bước chân tôi đến với những chân trời xa nhưng chẳng thể nào tôi quên được ngọn lửa hồng nơi góc bếp bởi nơi đó có tình yêu thương và đức hi sinh lặng thầm của người bà mà tôi dành cả cuộc đời mình để biết ơn và trân trọng, cũng chính tại nơi đó bà nhen nhóm lên trong tôi những ước mơ về một cuộc đời mới. Nếu những câu chuyện cổ tích là người bạn của bao tâm hồn thơ bé, thì bà chính là người viết lên câu chuyện cổ tích giữa cuộc đời này cho riêng tôi. Trong câu chuyện ấy là ánh lửa bập bùng sớm tối, là tình yêu nồng hậu của bà, là mùi nếp mùi sắn thơm hương, của quê hương, và luôn là nơi mà tôi thuộc về…
Đoạn văn mẫu số 4
Mỗi năm mùa đông đến, phải ngồi bên lò sưởi, ngồi nhìn ngọn lửa cháy tôi lại nhớ đến bếp lửa thân thuộc nơi quê nhà. Ở Việt Nam có bếp lửa, có bà hàng ngày nhóm lửa, ngọn lửa nơi đất khách quê người này dù có to và sáng đến đâu cũng chẳng thể ấm áp và giàu tình thương như ngọn lửa của bà.
Xa quê hương rồi tôi mới thấm thía nỗi nhớ quê, nhớ gia đình và người bà kính yêu. Ai cũng có quê hương và có những kỉ niệm với nơi sinh ra và lớn lên ấy, đối với tôi cái tôi nhớ nhất bây giờ là bếp lửa chờn vờn sương sớm, bếp lửa ấp iu nồng đượm của bà. Bà tôi - một người có đức hy sinh cao cả, cả một đời lo cho con cho cháu, tôi nhớ bếp lửa của bà, cái bếp khiến tôi quen mùi khói khi bốn tuổi. Cái nghèo đói năm 1945 ấy cả đời tôi sẽ chẳng quên được, bố đi đánh xe khô rạc cả người, cái đói mòn mỏi quanh quẩn bên bếp lửa của bà, làn khói hun nhèm mắt mà bây giờ nghĩ lại khiến tôi cay sống mũi.
Tám năm ròng tôi cùng bà nhóm bếp lửa, thường ngồi bên bếp nghe văng vẳng tiếng tu hú kêu, chẳng biết bà còn nhớ không, những câu chuyện bà bà kể cho tôi ngày còn ở Huế. Vì cha mẹ bận công tác không về, cuộc sống tôi quanh quẩn bên bà, bà cho tôi được ăn ngủ, học hành, dạy bảo tôi từng thứ nhỏ nhặt và cả những điều sâu xa, cao cả. Giống như năm mà giặc đến đốt nhà tôi, cơ sự nghiêm trọng ấy nhưng cũng chỉ mình bà gánh vác, bà không muốn con cái phải lo lắng nên dặn tôi có viết thư cho bố phải bảo ở nhà vẫn bình yên. Tu hú ơi, tu hú còn kêu nữa hay không, hãy thay tôi đến ở cùng bà, san sẻ những lận đận vất vả của bà, cùng bà sớm chiều nhen lên bếp lửa. Trong lòng bà luôn có một ngọn lửa đã ủ sẵn, đó là ngọn lửa niềm tin, yêu thương, cho nồi xôi gạo thơm ngon, cho củ khoai sắn ngọt bùi, chỉ cần bếp lửa bà nhóm lên là bao tâm tình tuổi nhỏ trong tôi lại trỗi dậy. Tiếc thay tôi không còn được bên cạnh bếp lửa kì lạ và thiêng liêng ấy, lựa chọn đi xa quê hương, rời xa bà tôi thầm tiếc nuối quãng thời gian được bà ủ ấp, vỗ về yêu thương, được cùng bà nhóm lên bếp lửa.
Ở chốn phồn hoa nhưng xa lạ tôi luôn khắc khoải một niềm nhớ thương về bà, về tình yêu và sự hy sinh của cuộc đời bà. Vẫn là câu hỏi tôi rất muốn được hỏi bà "Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?".
Đoạn văn mẫu số 5
Hôm nay, tôi bắt gặp hình ảnh bếp lửa, thật khó để diễn tả những cảm xúc, trạng thái và ý thức của tôi lúc bấy giờ. Tôi chỉ nhớ rằng mình đã đứng ngây người trước bếp lửa đó và hình ảnh người bà thân thương nhóm bếp lửa cho tôi lại sống lại trong tâm hồn.
Bếp lửa có từ bao giờ, tôi cũng chẳng thể biết rõ, chỉ biết rằng từ khi tôi sinh ra đã quen thuộc với việc nhóm bếp lửa của bà. Ngày nắng to cũng như ngày mưa bão, chẳng ngày nào là bà không nhóm bếp, năm tôi bốn tuổi mùi khói đã trở nên quen thuộc, ám vào quần áo và cả tâm hồn. Giữa những năm 1945 sao mà cái đói lại đáng sợ đến thế, bố mẹ vất vả mưu sinh chỉ còn lại hai bà cháu nương tựa nhau mà sống. Khói bếp khi ấy làm nhèm mắt tôi nhưng bây giờ tôi lại bật khóc vì không được ngửi làn khói ấy.
Tám năm ròng, tôi cùng bà nhóm lửa, ngồi cạnh bà bên bếp lửa bà hay kể tôi nghe chuyện ngày còn ở Huế. Đã lâu rồi tôi không nghe thấy tiếng tu hú, nhớ về kỉ niệm sống với bà là quãng đời tuyệt đẹp, bà dạy tôi làm, bà bảo tôi học, bà chăm tôi ăn từng miếng ăn, giấc ngủ, thương bà khó nhọc tần tảo sớm hôm tôi chỉ biết chăm ngoan nghe lời. Ngày xưa khổ lắm ai ơi, giặc tràn về đốt hết mái nhà tranh, khó khăn lắm mới dựng lại được, để cho bố mẹ yên tâm công tác bà vẫn dặn tôi không được nói về chuyện đó. Ngày tháng cứ thế trôi qua, sáng nào bà cũng nhóm bếp, bà nhóm lên ngọn lửa yêu thương, niềm tin và hy vọng về tương lai tươi sáng, ấm no, sum vầy. Nhờ có bếp lửa của bà tôi thấu hiểu được nỗi lận đận nắng mưa, dù thời thế có thay đổi trong suốt mấy chục năm bà vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm bếp lửa. Từ bếp lửa ấy có xôi có gạo, có khoai sắn ngọt bùi và có cả tâm tình tuổi nhỏ. Bếp lửa của bà kì lạ và thiêng liêng lắm, để bây giờ khi rời xa quê hương, tôi ở nơi miền đất mới nhiều điều tươi sáng nhưng vẫn không thể quên bếp lửa và bà.
Trưởng thành rồi ta lại muốn trở nên bé lại, được trở về với những đơn sơ, ngây dại. Sẽ chẳng có gì có thể nói hết được tình yêu của tôi với bà và với quê hương Việt Nam.
Đoạn văn mẫu số 6
Mỗi lần đi ngang qua những cánh đồng của đất nước Nga mênh mông, rộng lớn, tôi lại nhớ đến quê hương Việt Nam thân thương của tôi. Nhất là vào những ngày tuyết rơi trắng xóa, thời tiết lạnh thấu xương, tôi run rẩy trong chiếc áo dày cộm ngồi bên lò sưởi. Nhưng lúc đó sao tôi lại thấy lò sưởi sao quen thuộc đến thế! Ngọn lửa ấm áp làm tôi nhớ đến cái bếp lửa của bà tôi quá!
Tôi sinh ra vào thời chiến tranh loạn lạc, cái thời kì mà đất nước bị chia cắt làm hai, cái thời kì mà đất nước bị giày xéo bởi gót giày của giặc. Gia đình tôi có một truyền thống yêu nước nồng nàn, nên từ khi tôi còn bé, bố mẹ tôi đã luôn rời xa tôi để đi phục vụ Tổ quốc ở nơi chiến khu gian nan, hiểm trở. Vì vậy tôi đã sống với bà từ những ngày thơ ấu. Tôi có những kỉ niệm không bao giờ quên với bà, đặc biệt là hình ảnh bà luôn gắn với cái bếp lửa ấp iu nồng đượm ấy. Bà thức dậy từ sớm tinh mơ để nhóm cái bếp lửa chờn vờn sương sớm, để nhóm lên cái ngọn lửa bởi tình bà cháu ấm áp, nồng đượm. Nghĩ về bếp lửa tôi lại thương bà tha thiết, sự tần tảo, vất vả của bà sao tôi có thể quên.
Còn nhớ lại cái năm tôi vừa mới lên bốn tuổi, năm ấy là năm 1945 – cái năm đói mòn đói mỏi. Tôi đã chứng kiến cái nạn đói len lỏi vào trong từng gia đình, gây nên cái chết thương tâm của hai triệu dân mình, cái chết như để thể hiện cho tội ác của chiến tranh, một thời kì đau khổ của dân tộc Việt Nam ta. Bố tôi thì đi đánh xe khô rạc ngựa gầy. Còn tôi thì vẫn ở với bà, bà nhóm bếp để khói xua tan cái mùi chết chóc. Nghĩ lại đến giờ sống mũi vẫn còn cay! Cay vì mùi khói! Cay vì một thời kì bi thương, đói khổ, chết chóc của dân tộc ta!
Tám năm ròng tôi cùng bà nhóm bếp, bà bao bọc, che chở tôi, bà dạy tôi làm, bà chăm tôi học. Tôi lớn lên trong sự dạy dỗ, bảo ban của bà. Nhớ đến mùa hè năm ấy, tu hú kêu trên những cánh đồng xa, tiếng tu hú nghe sao mà tha thiết thế! Tiếng tu hú như khơi dậy những hoài niệm, những nhớ nhung mong nhớ trong tôi. Bà hay kể cho tôi nghe những ngày ở Huế, tôi luôn hào hứng, thích thú những câu chuyện của bà, từng giọng nói ấm áp của bà chạm đến trái tim tôi, cho tôi biết thương cảm, yêu thương người khác hơn. Nghĩ đến đây tôi liền trách thầm những con tu hú sao không ở cùng bà mà lại kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Cuộc sống tưởng như yên bình trôi qua trong mắt đứa trẻ như tôi, nhưng không ngờ năm đó là năm giặc càn quét dữ dội, chúng để lại một kí ức in mãi trong tâm trí tôi. Chúng đốt làng cháy tàn cháy rụi, hình ảnh làng xóm lại trở về lầm lụi, may thay bà tôi sống có nghĩa có tình, được hàng xóm đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh trên đống tro tàn. Lúc đó tôi sợ đến òa khóc, nói với bà rằng:” Cháu muốn viết thư cho bố mẹ để bố về nhà chăm sóc, bảo vệ bà cháu mình “. Thế mà bà vẫn vững lòng, vẫn còn niềm tin vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Bà dặn tôi đinh ninh rằng:” Bố ở chiến khu, vẫn còn việc bố, mày có viết thư chớ kể này kể nọ, cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”. Rồi sớm rồi chiều bà lại nhóm bếp lửa lên, nhóm lên tình bà thắm thiết, nhóm lên niềm tin dai dẳng của bà vào cuộc sống, vào tương lai của đất nước.
Ngày qua ngày bếp lửa vẫn được nhóm lên, nhóm lên niềm yêu thương ngọt bùi của khoai sắn, nhóm lên hương vị dẻo thơm của nồi xôi gạo mới sẻ chung vui, nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ. Ôi thật kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa! Bếp lửa kì lạ vì nó cháy lên trong mọi hoàn cảnh, dù nắng hay mưa, đói khát hay chiến tranh thì nó vẫn cháy lên. Nó chưa bao giờ tắt vì bất cứ lý do gì.
Bếp lửa thật thiêng liêng và mầu nhiệm, nó gắn liền với hình ảnh người bà đáng kính của tôi, nó cũng là hình ảnh cho hi vọng niềm chiến thắng của dân tộc tôi, cháy lên không bao giờ bị dập tắt, vẫn ấp iu nồng đượm, vẫn ấm áp đầy yêu thương. Giờ tôi đã đi xa, tiếp nhận được tri thức của nhân loại. Có ngọn khói trăm tàu, có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả. Nhưng không đâu bằng ngọn lửa của bà tôi, không niềm vui nào bằng những ngày ở cùng bà, bà ơi!
Nay tôi đang ở nơi đất khách quê người, nơi xa lạ, không người thân thiết làm tôi nhớ Tổ quốc, nhớ bà tha thiết. Ánh lửa lò sưởi bập bùng ngay trước mắt, nhưng không có mùi khói cay của bếp lửa bà tôi. Ôi bà ơi, con nhớ mùi khói cay và hình ảnh bếp lửa gắn bó với bà cháu mình, cháu chỉ muốn nhắc bà rằng : “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa”.
Xem thêm các bài văn mẫu hay khác:
TOP 50 Kết bài Chiếc lược ngà (2024) SIÊU HAY
TOP 20 Bài văn cảm nhận về đoạn trích truyện Chiếc lược ngà (2024) SIÊU HAY
TOP 30 bài Nghị luận về lợi ích của việc đọc sách (2024) SIÊU HAY