Thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân, lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận
Đề bài: Viết bài thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ... hoặc một nhân vật/ sự kiện văn hoá... Bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
Một số bài văn mẫu hay
Mẫu số 1
Việt Nam là một đất nước được biết đến với nhiều truyền thống văn hóa và phong tục độc đáo. Điều này xuất phát bởi đất nước ta là một quốc gia có nhiều dân tộc anh em. Trong số các dân tộc Việt, có lẽ các dân tộc ở Tây Nguyên được biết đến với nhiều nhạc cụ và các làn điệu độc đáo nhất. Một trong số nhạc cụ tiêu biểu của các dân tộc khu vực này đó chính là chiếc đàn đá. Nhạc cụ này cùng những điệu ca được tạo ra từ nó đã trở thành làn điệu chính trong các lễ hội ở Tây Nguyên.
Đàn đá ở Việt Nam có tên gọi khác là goong lu, được biết đến là một loại nhạc cụ cổ xưa nhất của nước ta và cũng là nhạc cụ sơ khai nhất của loài người. Đàn đá được phát hiện năm 1949 tại Tây Nguyên và nhạc cụ này sau đó đã được xác nhận có từ thời đồ đá cách đây khoảng 3000 năm.
Đàn có cấu tạo vô cùng đơn giản, đó là được làm từ các thanh đá với kích thước khác nhau. Các loại đá được sử dụng để tạo ra loại đàn này thường sẽ lấy từ vùng núi Nam Trung hay đông nam bộ và thường là đá nham, đá sừng,…. Trải qua quá trình đẽo gọt tỉ mỉ, với sự thẩm âm chính xác, con người đã tạo thành những chiếc đàn đá hoàn chỉnh.
Đàn có nhiều âm vực khác nhau tùy theo kích thước, độ mỏng hay dày của đá. Những âm trầm của đàn được tạo ra bởi những thanh đá to và dài, ngược lại những âm cao của đàn thường sẽ tạo ra bởi những thanh đá mỏng nhỏ và ngắn. Mỗi bộ đàn đá có thể có số lượng thanh khác nhau thường dao động từ khoảng 8 cho tới 15-20 thanh. Tuy nhiên, bộ đàn đá lớn nhất của Việt Nam là bộ đàn đá có số lượng thanh lên tới 100.
Đàn có âm sắc đặc trưng như tiếng và chạm của đá trong thiên nhiên. Đàn đá đá cũng là một nhà cụ được biết đến như một cầu nối giữa cõi âm và cõi dương của con người. Khi đánh đàn mỗi, người nghệ nhân sẽ sử dụng búa nhỏ để gõ vào mỗi thanh đá nhằm tạo ra những âm sắc và phải thật nhanh tay để các âm này được nối với nhau tạo sự liền mạch cho một làn điệu.
Đàn đá ngày nay vẫn được sử dụng trong các hoạt động nghi lễ, hội hè của đồng bào. Tiếng đàn đá tạo cho các nghi thức tế lễ thêm linh thiêng. Tiếng đàn phối tấu cùng các nhạc cụ khác tạo nên những tiết tấu sôi động cho các động tác nhảy múa trong các lễ hội. Trong âm thanh rộn ràng vang vọng của đàn đá, cả buôn làng cùng hòa mình vào những điệu múa tập thể trong các lễ hội lớn như Lễ hội mừng lúa mới, uống rượu cần…..
Giai điệu từ đàn được coi là những giai điệu linh thiên. Những giai điệu dân tộc từ đàn đá sẽ được thể hiện hay, nhất độc đáo nhất khi đó là những giai điệu gắn liền với âm hưởng Tây Nguyên, biểu thị tâm tư tình cảm của con người, đặc biệt gợi lên chút hoang dã và sức sống của người dân Tây Nguyên. Âm thanh của đàn đá khi vang lên vô cùng giản dị thanh thoát, khi ào ào như thác đổ, đôi khi lại trong vắt như tiếng suối chảy, có lúc lại như tiếng gió của đại ngàn khiến con người cảm thấy hòa hợp với thiên nhiên hơn.
Đàn đá cùng những giai điệu mang đậm nét văn hóa dân tộc đã được UNESCO công nhận là các nhạc cụ trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trở thành một biểu trưng cho đời sống tinh thần và cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên của người dân Tây Nguyên.
Đàn đá không phải chỉ là một nhạc cụ đem lại âm thanh đặc trưng của Tây Nguyên mà còn ẩn chứa trong đó cả giá trị lịch sử văn hóa lâu đời của mảnh đất này. Chính bởi vậy, đàn đá cùng với giá trị của nó cần được bảo tồn gìn giữ và phát huy.
Mẫu số 2
Việt Nam là một đất nước có âm nhạc dân tộc đa dạng với rất nhiều nhạc cụ dân tộc và điệu ca đặc sắc. Một trong số những nhạc cụ truyền thống gắn liền với các lễ hội, phong tục dân gian chính là sáo trúc. Sáo trúc không chỉ là một loại nhạc cụ độc đáo mà còn được coi là quốc hồn của nền âm nhạc dân tộc.
Sáo trúc là một loại nhạc cụ có từ rất lâu đời. Cây sáo nói chung được người ta biết như một loại nhạc cụ có từ thời cổ đại, được bắt nguồn từ những tiếng kêu của những cây lau, sậy khi gió thổi qua. Chính từ cảm hứng này mà một nhạc cụ âm nhạc diễn tấu được những âm thanh trên của thiên nhiên đã được ra đời. Rất nhiều nước trên thế giới có sử dụng sáo với hình dáng và cấu tạo khác nhau.
Thông thường, sáo được làm bằng ống trúc, tuy nhiên thỉnh thoảng người ta cũng làm sao nhanh bằng kim loại hoặc bằng gỗ, tất cả đều có thể sử dụng được. Trên sáo, người ta đục các lỗ tương ứng với các âm cơ bản và lỗ để người sử dụng thổi tạo âm thanh, ngoài ra, cũng có thể đục thêm lỗ để buộc dây treo hay là đồ trang trí ở phần đầu. Khi biểu diễn, các nghệ sĩ thường sử dụng kĩ thuật đánh lưỡi, nhấn hơi, luyến hơi… để tạo nên những bản nhạc hấp dẫn, lạ tai, độc đáo.
Mỗi quốc gia khác nhau lại có những loại sáo khác nhau làm bằng các chất liệu khác nhau. Dựa theo cách thổi, sáo có thể được phân chia ra làm hai loại chính, đó là sáo ngang hoặc dọc.
Các loại sáo ngang và dọc đều rất phong phú về thể loại và cấu tạo. Nhưng nếu xét về độ phổ biến, sáo ngang sẽ phổ biến hơn sáo dọc. Các loại sáo dọc thường dễ sử dụng vì vị trí dùng để thổi ở phần đầu được thiết kế vát hơn so với thân sáo, người thổi dễ điều khiển hơi hơn, tuy nhiên, loại sáo này thường dễ bị nhầm với tiêu vì cũng cùng cách thức sử dụng.
Sáo thường được làm từ rất nhiều các loại nguyên liệu khác nhau như trúc nứa gỗ, ngoài ra còn có thể làm từ nhựa, kim loại hoặc là xương. Mỗi loại vật liệu sẽ mang đến cho sáo một âm sắc khác nhau. Riêng đối với sáo trúc thì vật liệu dùng để làm sáo sẽ là các loại cây trúc đã già, nhiều năm tuổi, như vậy sẽ giúp cho âm của sáo khi thổi lên sẽ được chắc và làm tăng độ bền cho sáo, tránh mối mọt.
Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, giới trẻ càng làm quen hơn với những thiết bị điện tử thì sáo trúc - một loại sáo mang âm hưởng dân gian Việt Nam vẫn không mất đi vị thế. Âm thanh vang lên từ sáo trúc trở thành một điệu ca dân gian của dân tộc, khiến chúng ta trở về với những âm thanh nhẹ nhàng dân dã của đồng quê. Không chỉ vậy, một nét độc đáo trong ứng dụng chính là sáo trúc còn được sử dụng để kết hợp âm thanh với những nhạc cụ hiện đại khác để tạo ra những bản nhạc vừa truyền thống lại vừa mang hơi hướng hiện đại phù hợp với thị hiếu của mình nghe.
Cây sáo trúc tượng trưng cho vẻ đẹp của của quê hương. Trong mỗi khúc nhạc diễn tấu trong lễ hội của dân tộc, không thể thiếu ở hình ảnh những cây sáo trúc. Từ những cây sáo này, những làn điệu dân ca đã được chắp cánh trở nên bay bổng hơn, du dương hơn từ sáo, những chiếc diều cũng trở nên có tâm hồn.
Tuy không phải là một loại nhạc cụ chỉ có duy nhất ở Việt Nam, nhưng chính người sử dụng sáo trúc đã tạo thành những điệu ca mang dấu ấn của nền âm nhạc Việt Nam so với thế giới. Tôi chắc chắn rằng, tương lai có thể có nhiều biến đổi nhưng sáo trúc cùng với những những điệu nhạc được tạo ra từ nó mãi mãi trở thành một nét đẹp văn hóa, nét đẹp trong âm nhạc dân gian của dân tộc.
Mẫu số 3
Giống như quan họ bắc Ninh thì khèn không biết từ bao giờ đã trở thành những quan niệm sống những nền văn hóa và nét tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống của người Hơ Mông. Chiếc khèn đã trở đi trở lại trên những tác phẩm truyện và thơ như Tây Tiến của Quang Dũng và Vợ Chồng A Phủ của Tô Hoài. Vậy không biết rằng khèn có những đặc điểm vai trò gì đối với đời sống tâm hồn nơi đây.
Khèn có cả truyền thuyết về nó, điều đó chứng tỏ khèn có rất từ lâu đời rồi. truyền thuyết kể lại rằng ngày xưa, một gia đình nọ có sáu anh em, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Lúc chưa lập gia đình, tiếng sáo của họ khi thổi cùng nhau lúc vi vút, xào xạc như cây rừng gặp gió, lúc véo von tựa chim trên đỉnh núi cao, lúc lại ào ào như thác đổ. Những dịp hội hè, họ đều đến thổi sáo giúp vui.
Sau này, khi họ đều có gia đình, những lúc không hợp đủ cả sáu người, tiếng sáo trở nên lạc điệu. Họ bèn bàn nhau chế tác ra thứ nhạc cụ hợp nhất nhiều thứ. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài, bốn người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả sáu ống, thay cho sáu anh em. Lạ thay, thứ nhạc cụ lạ lùng ấy khi hoàn thiện, thổi lên tạo ra nhiều tầng âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ… Đó là chiếc khèn H’Mông ngày nay.
Khèn ngoài người Hơ Mông ra thì còn có khèn của người Thái, người Lào, người mường…và những loại khèn ứng với những dân tộc ấy mang tên dân tộc ấy. Khèn là loại nhạc cụ thuộc bộ hơi và rất phức tạp, gồm nhiều ống trúc xếp cạnh nhau một đầu cắm xuyên qua bầu gỗ hình bắp chuối làm bầu cộng hưởng. Khèn Hơ Mông có 6 ống, khèn Thái có 12 ống, có khi có đến 14 ống, bó thành hàng…Khèn có thể thổi thành bè, có bè giai điệu và có bè trầm. Thông thường có âm kéo dài và lặp đi lặp lại.
Những chiếc khèn ấy có tác dụng rất lớn trong đời sống tình cảm của người Hơ Mông vì thứ nhất nó chính là những dụng cụ để cho chàng trai Hơ Mông tỏ tình với người con gái Mông. Tiếng khèn không thể thiếu trong những đêm tình mùa xuân, những ngày hội ném pao, ném quay của họ được tổ chức bên cạnh tiếng khèn của họ.
Như vậy qua đây ta thấy được những đặc điểm và nguồn gốc của khèn. Khèn trở thành những âm thanh không thể thiếu trong âm nhạc để làm nền cho những lời tán tỉnh của trai gái yêu nhau. Yêu làm sao khi thấy được những âm thanh ấy.
Mẫu số 4
Ca dao ta có câu:
“Đàn bầu ai gảy nấy nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn”
Câu ca dao ấy đã phần nào nói lên được những sự quan trọng của đàn bầu. Loại âm nhạc ấy có thể nói là truyền tải được những câu ca dao à ơi. Hay nhà thơ Văn Tiến Lê từng viết:
“Một dây nũng nịu đủ lời
Nửa bầu chứa cả đất trời âm thanh”
Vậy đặc điểm của đàn bầu là gì?, âm thanh của nó như thế nào?
Gắn liền với dòng chảy lịch sử nước Việt, có một dụng cụ âm nhạc đã góp phần làm nên ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa quốc tộc của người Việt, đó chính là Đàn Bầu, một tên gọi rất thuần Việt. Theo địa lý tự nhiên, nước Việt Nam mang dáng hình chữ S mềm mại. Còn theo ngôn ngữ thi thơ nước Việt có hình dáng thon thả như “giọt Đàn Bầu”, một cách ví von hoán dụ trong bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Minh Tuấn: “Đất nước tôi thon thả giọt Đàn Bầu”
Đàn bầu, tên chữ là độc huyền cầm là loại đàn một dây của người Việt, thanh âm phát ra nhờ sử dụng que hay miếng gảy vào dây. Dựa theo cấu tạo của hộp cộng hưởng, đàn bầu chia hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ.
Về cấu tạo thì Đàn bầu thường có hình dạng một ống tròn (bằng tre, bương, luồng) hoặc hình hộp chữ nhật (bằng gỗ); một đầu to, một đầu vuốt nhỏ hơn một chút; thường có chiều dài khoảng 110cm, đường kính hoặc bề ngang ở đầu to khoảng 12,5cm, đầu nhỏ khoảng 9,5cm; cao khoảng 10,5cm.
Ở loại đàn gỗ Mặt đàn và đáy đàn bằng gỗ ngô đồng, hoặc gỗ thông hay gỗ tung. Mặt đàn hơi cong lên một chút, đáy đàn phẳng có một lỗ nhỏ để treo đàn, một hình chữ nhật ở giữa để thoát âm đồng thời cầm đàn khi di chuyển và một khoảng trống để cột dây đàn. Thành đàn bằng gỗ cứng như cẩm lai hoặc mun để cho chắc chắn và có thể bắt vít cho khóa dây đàn.
Trên mặt đầu to có một miếng xương hoặc kim loại nhỏ gọi là ngựa đàn. Qua ngựa đàn, dây đàn được luồn xuống và cột vào trục lên dây đàn xuyên qua thành đàn, trục này được làm đẹp và nó được giấu phía sau thành đàn. Ngày nay người ta dùng khóa dây đàn bằng kim loại cho chắc để chống tuột dây đàn.
Trên mặt đầu nhỏ của đàn có một cần dây làm bằng gỗ hoặc sừng, được gọi là cần đàn hoặc vòi đàn. Cần đàn xuyên qua nửa đầu trái bầu khô hoặc tiện bằng gỗ theo hình dạng tương tự và cắm vào một lỗ trên mặt đầu nhỏ của vỏ đàn. Một đầu dây đàn buộc cố định vào cần đàn khoảng giữa bầu đàn.
Khi công nghệ điện tử ra đời, để tăng âm lượng tiếng đàn, người ta lắp một cuộn cảm ứng điện từ có lõi sắt non vào dưới mặt đàn giáp với dây ở phía đầu to để cảm ứng âm thanh truyền qua bộ dây đồng trục, đưa tín hiệu đến khuếch đại âm thanh qua máy tăng âm. Loại đàn này chỉ có thể dùng dây thép và có nhược điểm là độ méo âm thanh khá lớn so với âm thanh của loại đàn không dùng bộ khuếch đại điện tử (đàn mộc).
Que gảy đàn: thường được vót bằng tre, giang, thân dừa, gỗ mềm… Người ta hay làm bông hoặc tựa đầu nhọn một chút để làm mềm âm thanh khi gảy. Ngày xưa hay dùng que dài khoảng 10 cm, ngày nay với nhiều kỹ thuật diễn tấu nhanh nên người ta hay dùng que ngắn chừng 4-4,5 cm.
Âm thanh đàn bầu nền nã dịu dàng, nó như gợi lên cái tâm hồn xa xưa của người Việt ta. Âm thanh nó còn rất mềm mại, uyển chuyển nhẹ nhàng. Chính vì thế mà đàn bầu khi được cất lên thường đi liền với những bài ca dao cổ hay chính là những lời mẹ ra.
Qua đây ta thấy được những đặc điểm và âm thanh của đàn bầu. Nó gợi lên những gì xa xưa vô cùng thuần túy nền nã, dịu dàng. Nó độc đáo ở chỗ nó thổi cái hồn của những gì gọi là ngày xưa, những gì là mộc mạc thân thương nhất.
Xem thêm các bài văn mẫu 11 Chân trời sáng tạo hay khác:
Bàn về tầm quan trọng của kí ức trong đời sống tinh thần của mỗi người
Nghị luận về một bài thơ hoặc một bức tranh/ pho tượng mà bạn yêu thích
Một cuốn sách hoặc một tác phẩm nghệ thuật góp phần thay đổi suy nghĩ của bạn