Bài văn tả quang cảnh chợ tết ở địa phương em
Dàn ý Tả quang cảnh một phiên chợ Tết
1. Mở bài
- Giới thiệu về phiên chợ mà em đã tưởng tượng.
2. Thân bài
a. Địa điểm, thời gian họp chợ
- Phiên chợ quê thường họp từ ngày… đến ngày…
b. Khung cảnh phiên chợ
- Gian hàng rau củ đầy đủ các loại phục vụ thực khách.
- Gian hàng thịt cá tươi ngon.
- Gian hàng bánh trái mang hương vị đồng quê.
- Gian hàng áo quần với nhiều mẫu mã, kiểu dáng nổi bật.
- Gian hàng trưng bày hoa rực rỡ cả góc chợ.
c. Nhận xét về khung cảnh phiên chợ
- Đông đúc, nhộn nhịp.
- Rộn ràng tiếng cười nói của người mua, kẻ bán.
- Tiếng trò chuyện ồn ào, tấp nập.
3. Kết bài
- Chợ quê mang sức sống vẻ đẹp riêng mà không nơi nào có được, những phiên chợ luôn mãi là ấn tượng đẹp đẽ trong lòng em mãi không bao giờ quên được.
Các bài văn mẫu tả cảnh phiên chợ Tết:
Bài văn mẫu số 1
Từ 20 tháng Chạp, sân vận động của xã em sẽ được thay áo mới để trở thành khu chợ hoa Tết của cả xã. Chỉ cần thấy những chiếc xe tải lớn kéo về đây nườm nượp, là mọi người biết ngay chợ hoa đã được mở rồi.
Để phục vụ cho chợ hoa, cả sân vận động được trang bị đèn ở khắp nơi, giúp người dân có thể đến xem hoa cả đêm lẫn ngày. Sân được chia thành từng ô vuông đều đặn, thẳng hàng để các tiểu thương bày sạp. Vừa khoa học, thẩm mĩ mà vừa gọn gàng, trật tự. Hoa Tết thì nhiều và đa dạng lắm. Nhớ lúc em còn bé xíu, chợ hoa chỉ có một góc sân vận động, bày bán có vài loại hoa quen thuộc như hoa đào, hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa hồng… Còn bây giờ chợ hoa chật kín cả sân vận động, lấn ra cả phần vỉa hè phía bên ngoài. Các loại hoa, cây cảnh thì nhiều không kể xiết. Từ các loài hoa đặc trưng ngày Tết, đến những loài hoa đẹp đến từ khắp các vùng miền trên cả nước. Thậm chí là các loài hoa nhập ngoại cũng có. Từ hoa cắm, đến hoa trồng trong chậu, loại gì cũng có. Người đến chợ hoa lúc nào cũng tấp nập, rộn ràng. Tiếng người cười nói hòa chung tiếng nhạc xuân rộn ràng từ 20 đến tận 30 Tết. Người ta đến không chỉ để mua hoa, mà còn để ngắm hoa, để trò chuyện, để hít thở bầu không khí xuân căng tràn trong chợ hoa. Năm nào em cũng phải ra chợ hoa ít thì năm, bảy lần, nhiều thì ngày phải ra đó đôi bà lần mới thỏa niềm say mê với chợ hoa. Nếu một ngày mà không còn chợ hoa nữa, thì có lẽ không khí Tết cũng giảm đi phân nửa mất rồi.
Chợ hoa Tết không chỉ là nơi bày bán hoa. Mà còn là nơi hội tụ, chứa đựng cả một vùng trời mùa xuân của quê hương em. Chợ hoa đã trở thành một đặc trưng, một thông lệ quen thuộc đánh dấu mùa Tết, còn trước cả ngày ông Công ông Táo trong tiềm thức của em và bà con nơi đây.
Bài văn mẫu số 2
Ở quê em, vào sáng ngày 23 Âm lịch - ngày đưa ông táo về trời, mọi người sẽ mở một phiên chợ, họp ngay bãi đất trống giữa làng.
Phiên chợ này không quá to, nhưng rất đông người mua kẻ bán, đậm không khí mùa xuân. Chẳng cần biển hay chỉ dẫn, cứ đến ngày này, như một thông lệ ngầm mà ai cũng biết, mọi người lại kéo nhau về đây để bán buôn, mua sắm. Ngoài thịt cá, rau dưa, củ quả quen thuộc, thì rất nhiều những mặt hàng đặc trưng của ngày Tết, đặc biệt là ngày ông Công ông Táo cũng xuất hiện. Đó là cá sạp áo quần Tết được đưa từ trên phố về. Rồi các gánh hoa đủ màu sắc sặc sỡ mà ngày thường ít khí thấy tề tựu đong đủ ở chợ quê. Tiêu biểu nhất là rất nhiều những giỏ hoa cúc vàng - loài hoa nhà nào cũng có ở trên ban thờ. Cùng với đó, là những xe đẩy bán kẹo, mứt thơm ngon hấp dẫn. Trung tâm của chợ, là nhân vật chính của ngày này, chính là các cô các chú bán cá chép. Những chú cá chép nhỏ chừng hai đến ba ngón tay là điều không thể thiếu cho ngày cúng đưa ông Táo về trời. Người nào đến chợ cũng ghé vào đây, xách về một túi cá cả. Rồi các gánh bán cát cho lư hương, gánh bán gạo nếp, bán lá dong, ống giang để gói bánh chưng cũng đông lắm. Chợ phiên ngày Tết, ai cũng vội vàng đến rồi đi. Nhưng điểm chung là người nào cũng mỉm cười hạnh phúc, gặp nhau là xởi lởi chào hỏi mấy câu mới rời đi. Người mua kẻ bán cũng trở nên dễ tính hơn hẳn ngày thường, thật khó mà gặp những người to tiếng ở chợ ngày này.
Không khí rộn ràng, vui tươi và hạnh phúc ấy, dưới ánh nắng ngày xuân chan hòa, đẹp tựa bức tranh in sâu vào tâm trí của em. Để qua mùa Tết, đi ngang bãi đất trống ấy, em lại tự nhớ về cảnh họp chợ này, để lòng thêm xốn xang và háo hức chờ mong một mùa Tết mới lại về.
Bài văn mẫu số 3
Tết năm vừa rồi, cả nhà em cùng nhau về quê ngoại ở Hà Giang để ăn Tết. Nhờ vậy, em đã lần đầu được đi xem một phiên chợ Tết ở vùng cao.
Ở Hà Giang lúc này trời rét lắm, rét hơn ở Hà Nội nhiều. Trời đã sáu giờ sáng mà vẫn tối, sương ngoài kia giăng kín. Đến mức nhìn như là có mây trắng sà xuống mặt đất. Em theo bà với mẹ và cậu leo lên xe máy, đi chợ phiên. Sau cả ba mươi phút đi đường xóc nảy, thì cũng đến được nơi tổ chức chợ phiên. Trong ánh sáng vừa hửng lên, em thấy từ xa nhấp nhô những mái lều được dựng bằng gỗ của người bán hàng. Càng đến gần, âm thanh cười nói xôn xao lại vang càng thêm rõ. Vào đến chợ, em bất ngờ vô cùng với quy mô ở đây. Bởi có rất nhiều các dãy nhà bán hàng, chưa kể những người trải bạt ngồi rải rác nữa. Đủ thứ mặt hàng ở đây được bày bán. Thứ gì cũng có từ đồ ăn, áo quần đến các vật dụng trong nhà. Thứ gì cũng mang những màu sắc tươi mới. Theo chân bà đi mua đồ, mà em cứ phải bất ngờ mãi thôi. Em thích nhất, là những chỗ bán đồ ăn. Toàn các món lạ, món nào cũng nóng hổi, thơm ngon. Em như được lạc vào một xứ sở mới, với đầy màu sắc và tiếng cười rộn rã. Ai ai cũng hiền lành, tốt bụng và nhiệt tình cả.
Chợ phiên hôm ấy đã in sâu vào trái tim của em. Khiến em thích thú và nhớ mãi.
Bài văn mẫu số 4
Sáng nay, em háo hức thức dậy từ sớm, để theo bà đi phiên chợ Tết họp ở đầu làng.
Hôm nay đã là 23 tháng Chạp rồi, nên thời tiết rất là “xuân”. Trong cái không khí lạnh lẽo, là những đợt mưa xuân thỉnh thoảng vương qua vai áo. Ánh nắng mặt trời ấm áp thì chỉ le lói mà thôi. Chỉ thoáng cái, lại bị mây mù che đi.
Khi em và bà đến nơi, phiên chợ đã đông lắm rồi. Cả một vùng đê rộng lớn đã phủ đầy những gian hàng rực rỡ. Người kĩ thì đến sớm dựng chòi, người hào sảng thì chỉ cần trải bạt ra rồi bày hàng lên là được. Về hàng hóa thì đa dạng vô cùng, nhưng đều có điểm chung là dùng cho ngày Tết. Từ thịt cá, rau củ, đến hoa quả, áo quần, giày dép. Rồi cả đủ thứ vật dụng trong nhà cho mọi người sắm sửa như dao thớt, chăn gối, tủ chậu… Cùng các món đồ dành riêng cho bàn thờ tổ tiên như vàng mã, lư hương, cát trắng… Cái gì cũng có, cũng nhiều.
Hấp dẫn và đông vui nhất, vẫn cứ là các gian hàng bày bán đồ phụ kiện trang trí cho ngày Tết. Dù giàu nghèo hay bao nhiêu tuổi, người ta vẫn say sưa với cái gọi là đón Tết. Ai ai đến chợ cũng ghé qua các quầy này, mua đôi câu đối, đĩnh vàng, đòn bánh chưng nhỏ về treo lên cửa, cành đào, cành mai cho có không khí xuân.
Em với bà chơi ở chợ phiên mãi, đến cả quá trưa mới bịn rịn trở về. Không khí ở đó vui tươi quá, nhộn nhịp quá khiến em quên cả cơn đói. Lúc về nhà, tay cầm lỉnh đỉnh đủ thứ đồ, mà em vẫn nuối tiếc ngoái lại nhìn phiên chợ ở đằng xa mãi. Một chút gì đó luyến lưu cứ chộn rộn mãi trong lòng em.
Bài văn mẫu số 5
Năm hết Tết đến, người người lại nô nức sắm sửa cho gia đình để đón năm mới. Ở quê em, cứ vào ngày 22 tháng Chạp, sẽ họp một phiên chợ ở ven sông cuối làng để thỏa mãn niềm mua sắm của của bà con.
Các phiên chợ khác đều họp vào giữa và cuối tháng, riêng phiên chợ Tết thì phải khác đi. Vì đó là Tết mà. Ở chợ, người ta bày quầy hàng rải rác dọc theo cả đoạn sông, có quầy còn mở hẳn trên thuyền ở mé nước. Nhìn thì lộn xộn, nhưng thực ra là có trật tự cả. Hàng thịt cá thì ở đằng xa, hàng rau củ thì ở góc nọ, áo quần, vật dụng cho nhà cửa thì ở góc khác. Ở chính giữa, là các gánh quà, bánh mứt, hạt khô cho mọi người thưởng thức. Tiếng người mua, người bán, người đến xem, người đến hóng cái rộn rã của phiên chợ ồn ào, náo động cả khúc sông quê.
Chính phải có phiên chợ này diễn ra, thì Tết mới về đến vùng quê nhỏ này. Cái tươi mới đủ màu của các gánh hàng, đặc biệt là sắc hồng phai của đào, vàng ươm của mai, cam cam của vạn thọ. Rồi lẻng xẻng những câu đối nhỏ, những đĩnh vàng to như hột mít, trông đến là thích mắt. Người đi chợ, ai cũng vui tươi và “dễ tính” hơn hẳn ngày thường. Dù có đông đúc, bon chen một chút, dù có đắt hơn ngày thường một chút, dù có va vấp vào nhau một chút, cũng cười xòa cho qua. Bởi “sắp Tết mà”.
Đối với em, phiên chợ Tết không chỉ là một cuộc họp chợ, mà nó còn như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Bản thân phiên chợ như món khai vị đầu tiên cho mâm cỗ Tết của tất cả mọi người ở nơi đây.
Bài văn mẫu số 6
Tết vui nhất là những ngày trước Tết. Khi người ta tất bật sớm hôm để dọn dẹp, sắm sửa, chờ đón người thân ở xa về thì cũng là lúc đông vui nhất. Và góp phần làm nên những niềm vui ấy, không thể nào thiếu được cảnh đi chợ Tết cuối năm.
Chợ Tết sẽ mở từ sớm và kéo dài đến đêm muộn để phục vụ cho bà con kịp mua sắm. Những quầy hàng trở nên chật chội hơn với vô vàn các món hàng hóa bắt mắt. Chúng xếp chồng chéo lên nhau, lan ra cả đến lối vào chật hẹp. Rất nhiều các quầy hàng cũng được dựng lên, thậm chí là ngồi ở ngay giữa lối đi khắp chợ. Người ta còn bán từ đầu cổng chợ đi vào đến bên trong cơ. Hàng hóa nhiều hơn, người mua người bán cũng đông hơn, thế là ra không khí của chợ Tết.
Nhưng tất nhiên, bầu không khí rộn ràng còn phải dựa vào những mặt hàng được bày bán nữa. Biết bau thịt thà rau củ đa dạng các thể loại hơn hẳn ngày thường được đem ra bán. Các loại hoa quả ngon, đắt đỏ cũng được bày hết ra cho mọi người chọn lựa đem về đặt lên ban thờ. Những loài hoa xinh xắn cũng đua nhau nở rộ. Ai cũng mua mấy nhánh hay cả bó về để chơi Tết. Đến những loại bánh kẹo, nước ngọt cũng thay đổi áo ngoài. Loại nào cũng rực sắc đỏ vàng với đóa mai, đào, pháo bông tưng bừng. Đặc biệt nhất, phải kể đến các mặt hàng chỉ bán vào dịp Tết, như nguyên liệu để gói bánh chưng, mứt gừng, hạt dưa… Nhìn mà hoa hết cả mắt.
Và trong bầu không khí rộn ràng ấy, em cùng mẹ chen qua dòng người đông đúc, đến từng quầy hàng để xem, để chọn. Tuy đông đấy, chen nhau đấy, nhưng chẳng ai thấy khó chịu cả. Ai cũng vui vẻ, hào hứng và hòa nhã hơn hẳn thường ngày. Tuy vội vàng cho rất nhiều công việc, nhưng mẹ và em vẫn đi hết từng gian hàng để xem cho hết những thứ quà đậm chất Tết ấy. Và cũng nhân hành động ấy, mà nán lại tận hưởng bầu không khí cuối năm ở cái nơi chen chúc này.
Những ngày được cùng mẹ đi chợ cuối năm ấy với em rất ý nghĩa. Bởi chính ở khu chợ đó, em mới cảm nhận được rõ nhất không khí của ngày Tết và niềm vui của sự tất bật lúc cuối năm. Em yêu lắm những ngày cuối năm như vậy.
Bài văn mẫu số 7
Xuân đã về với những cành hoa đào đỏ thắm. Không khí của năm mới đang bao trùm lấy xóm nhỏ của tôi. Mọi người ai cũng nô nức chuẩn bị sắm sửa cho một cái Tết ấm cúng, sum vầy. Năm nào cũng vậy, ngày 28 Tết âm lịch tôi được mẹ cho đi phiên chợ cuối năm, phiên chợ đặc biệt và ý nghĩa với tất cả mọi người.
Chợ Tết bao giờ cũng náo nhiệt, đông đúc bởi tiếng nói cười vui vẻ. Khuôn mặt mọi người ai cũng rạng ngời, bởi hôm nay là phiên chợ mà chẳng ai còn nghĩ đến trả giá. Họ đi chợ không chỉ để mua hàng, mà còn họ còn muốn trao cho nhau những tình cảm yêu thương nhất cho một năm mới sắp đến. Phiên chợ ngày cuối năm, có một chút vội vã, tất bận nhưng dường như lòng người thì đang chậm lại trong khoảnh khắc giao mùa của một năm.
Không gian chợ Tết rực rỡ sắc màu. Từng gian hàng được trang trí, sắp xếp cẩn thận sao cho người mua dễ dàng nhìn thấy. Chợ Tết có đủ mọi món hàng chẳng thiếu thứ gì, cũng giống như một siêu thị lớn ở thành phố. Nổi bật trên con đường vào chợ, là gian hàng hoa khoe sắc thắm. Những cành đào màu hồng, e ấp trong làn sương mai, như chờ đợi chị nắng đến để bung toả cánh hoa mỏng manh của mình. Chậu hoa ly, hoa cúc vạn thọ, cẩm chướng, lay ơn… cũng toả ra sắc màu tuyệt đẹp cùng mùi thơm nồng nàn. Người mua hoa ai cũng cẩn thận chọn cho mình những cành hoa đẹp nhất để mang về cắm trong nhà ngày Tết, như mang hơi ấm của mùa xuân về với gia đình. Cửa hàng thực phẩm, nhộn nhịp tiếng nói cười trao đổi, người ta hỏi nhau về món ăn trong ngày Tết, các mẹ các cô tay xách nặng trĩu những món đồ, nhưng vẫn cứ lo mình còn mua thiếu. Không khí của ngày Tết càng đến gần hơn với miền quê của tôi.
Những đứa trẻ như tôi, theo mẹ đi chợ chỉ để nhìn người ta mua bán trao đổi hàng hoá hay để mẹ sắm cho một món đồ mới. Nhưng mặt mũi đứa nào cũng rạng ngời, chúng tôi mải miết nhìn theo những xe ô tô chở hoa đào, chậu quất rồi có khi nũng nịu đòi mẹ mua cho vài cây kẹo, cái điều ngày thường chẳng bao giờ dám. Ấy vậy mà, phiên chợ cuối năm mẹ tôi lại chiều lòng tôi một cách dễ dàng đến thế.
Chợ náo nhiệt từ sáng đến trưa mà người mua bán vẫn chẳng bớt dần đi. Người mua bán vẫn hối hả ngược xuôi, trên tay người trở về thì nặng trĩu bởi những món hàng. Sự tấp nập của phiên chợ ngày Tết như mang của không khí mùa xuân về trên một miền quê.
Tôi trở về nhà trong một niềm vui, hạnh phúc. Phiên chợ Tết như kéo con người lại gần nhau hơn. Họ mua bán trao đổi không chỉ là món hàng mà còn gửi vào đó yêu thương, lời chúc tốt đẹp cho một năm mới an lành, thịnh vượng.
Xem thêm các bài Văn mẫu lớp 6 hay khác:
TOP 10 Bài văn mẫu kể lại cảm xúc một bài thơ lớp 6 (2024) HAY NHẤT
TOP 10 Bài phân tích bài thơ Lượm (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Bài văn Thuyết minh kể lại hội chợ xuân (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Bài văn đóng vai Tấm kể lại câu chuyện Tấm Cám (2024) SIÊU HAY
TOP 10 Bài văn tả cảnh hoàng hôn trên quê hương em (2024) SIÊU HAY