TOP 10 Bài văn kể một người có tinh thần hiếu học ở địa phương em 2024 SIÊU HAY

Dưới đây là TOP 10 Bài văn kể một người có tinh thần hiếu học ở địa phương em hay nhất hướng dẫn chi tiết cho học sinh tham khảo, giúp cải thiện khả năng viết văn.

Đề bài: Kể 1 người có tinh thần hiếu học ở địa phương em

Dàn ý

1. Mở bài

  • Giới thiệu về người bạn tốt mà em sắp kể: bạn tên gì?

2. Thân bài

  • Kể về người bạn tốt của em: Ngoại hình, tính cách, tài năng, hoàn cảnh gia đình...
  • Bạn đã kiên trì vượt khó như thế nào? Thái độ của bạn đối với mọi việc ra sao? Có lạc quan, yêu đời, chan hòa với bạn bè, thầy cô?
  • Chơi với người bạn đó, em học được điều gì?

3. Kết bài

  • Suy nghĩ của em về người bạn đó. (tự hào, thán phục).

Một số bài văn mẫu hay khác

Mẫu 1

Hiếu học là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc sống của chúng ta luôn có những tấm gương vượt khó học giỏi. Lớp học thân yêu của chúng em cũng có một tấm gương sáng đáng trân trọng và nể phục về tinh thần vượt khó học giỏi.

Người bạn vượt mọi khó khăn vươn lên học giỏi trong lớp em mà ai cũng biết là Nguyễn Vũ Anh Thư. Thư là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất trong lớp. Từ nhỏ, Thư đã sống với ông bà nội vì bố mẹ bị tai nạn qua đời. Ông bà Thư đã năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào lương hưu ít ỏi của ông Thư vì là thương binh. Thư còn phải đi học nên điều kiện trong nhà vô cùng khó khăn. Hiểu được sự vất vả của ông bà, Thư luôn ngoan ngoãn nghe lời, phụ giúp ông bà mọi việc trong nhà. Trong khi chúng em xúng xính những bộ quần áo mới mà bố mẹ mua cho thì Thư chỉ mặc đi mặc lại những bộ quần áo đã cũ, đã sờn vải, bạc màu. Chúng em vui vẻ đi chơi sau giờ học ở trường còn Thư tranh thủ về nhà ngay, nấu cơm, quét dọn, phụ bà làm bánh để bán lấy tiền.

Bà Thư làm bánh ú rất ngon, thường bán ở gần đình làng hoặc thỉnh thoảng ở trước cổng trường. Mọi người biết hoàn cảnh của Thư, càng thương ông bà già mà còn cố gắng chăm lo cho cháu nên hay mua ủng hộ rất nhiều. Có những bạn không hiểu còn buông lời châm chọc Thư khi nhìn thấy bạn ấy phụ bà gánh hàng về. Những lần như thế, Thư chỉ cúi mặt chứ không nói gì. Nhiều lần em nhìn thấy, Thư vừa trông gánh bánh ú cho bà vừa đọc sách. Khi nào có người mua, bạn ấy sẽ bỏ sách xuống bán bánh, còn khi vắng khách lại cầm sách lên đọc tiếp. Em cảm phục Thư vô cùng. Sách vở của Thư toàn bộ đều là sách cũ, chủ yếu là được cho chứ không mua bao giờ. Nhiều lần cô giáo bảo cả lớp phải mua sách, Thư đều ở lại xin cô. Bạn ấy xin không mua sách mà sẽ chờ các bạn trong lớp đọc trước rồi mượn lại xem sau. Cô giáo cũng đồng ý.

Nhà nghèo nên cô bạn không tham gia các buổi học thêm, thời gian ấy đều ở nhà chăm sóc ông bà. Nhưng Thư luôn là học sinh xuất sắc trong lớp. Kết quả học tập của bạn ấy bao giờ cũng xếp đầu lớp. Dù nắng hay mưa người ta vẫn luôn thấy cô bé nhỏ nhắn cặm cụi cắt từng bó cỏ cho trâu ăn. Hay những buổi đêm đã muộn, hàng xóm vẫn thấy ánh đèn dầu mờ mờ qua khung cửa sổ nhà Thư. Thức khuya dậy sớm, bất cứ thời gian nào có thể tranh thủ được Thư đều học bài, ôn lại bài. Lớp em thường đùa Thư giống nhiều Trạng Nguyên ngày xưa ấy. Nhưng ai cũng nể phục cô bạn. Đặc biệt là kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm ấy, Thư giành giải Nhất. Không chỉ có thành tích học tập tốt, Thư còn là người bạn tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trong lớp. Có bài tập nào khó, chỗ nào không hiểu chỉ cần hỏi bạn ấy sẽ giải thích tận tình. Nhiều đợt quyên góp ủng hộ người khuyết tật, em thấy Thư vẫn tham gia, dù chỉ là một vài đồng nhỏ bé. Tò mò, em mới hỏi:

- Gia đình cậu đã rất vất vả rồi. Mình nghĩ, cậu không cần góp đâu.

- Nhà tớ khó khăn thật, nhưng tớ vẫn may mắn vì có được cơ thể lành lặn hơn nhiều người khác.

Thư mỉm cười trả lời. Câu nói của Thư làm em giật mình nhận ra nhiều điều.Từ câu chuyện của Thư, em càng yêu quý và khâm phục tấm gương vượt khó học giỏi. Dù hoàn cảnh cuộc sống vất vả như thế nào, chỉ cần quyết tâm và lạc quan, chúng ta đều có thể thành công.

Câu chuyện về tấm gương vượt khó trong học tập

Mẫu 2

Trong chúng ta, hẳn ai cũng đã từng một lần được nghe về câu chuyện vượt khó học giỏi của thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí. Thầy là một người có hoàn cảnh bất hạnh khi hai tay của thầy đều bị liệt, không thể cử động nhưng thầy lại có một tinh thần hiếu học mạnh mẽ. Chính nghị lực hơn người và sự nỗ lực không ngừng đã đưa thầy Nguyễn Ngọc Kí chạm đến đích của thành công.

Câu chuyện về cậu bé ham học Nguyễn Ngọc Kí: Nguyễn Ngọc Kí là một cậu bé tật nguyền liệt cả hai tay, vì vậy nên cậu không thể đi học như những bạn bè cùng trang lứa. Tuy vậy, Nguyễn Ngọc Kí lại có một tinh thần ham học mạnh mẽ, một ngày cậu đến lớp học để nghe cô giáo giảng bài.

Cô giáo thấy có một cậu bé thập thò ngoài cửa thì đã ra và hỏi chuyện, Nguyễn Ngọc Kí đã nói với cô giáo về nguyện vọng của mình, cô giáo rất cảm động vì tinh thần hiếu học của cậu bé, nhưng khi cô chạm vào hai cánh tay của Kí thì thấy hai tay buông thong. Dù rất buồn nhưng cô đành phải nói lời xin lỗi với cậu bé, vì với đôi tay như vậy thì cậu bé không thể cầm bút mà học tập như những bạn bè cùng trang lứa.

Nguyễn Ngọc Kí đã rất buồn nhưng thay vì chán nản thì cậu bé đã ngày ngày rèn luyện viết chữ bằng chính đôi chân của mình. Vì nhà nghèo không có giấy bút nên Nguyễn Ngọc Kí thường kẹp những viên gạch nhỏ và vẽ những nét ngoằn ngoèo lên nền nhà.

Trong một lần đến thăm Kí, cô giáo đã bắt gặp cảnh Kí đang tập viết nên vô cùng xúc động, cô giáo đã mua tặng Kí chiếc bút và cuốn vở. Có được cuốn vở mới, Kí hăng say tập viết, ban đầu chỉ là những nét nguệch ngoạc không rõ hình thù nhưng vì chăm chỉ tập luyện mà Nguyễn Ngọc Kí không những viết được chữ mà còn viết vô cùng đẹp.

Sự nỗ lực vươn lên không ngừng đã đưa Nguyễn Ngọc Kí từ một cậu bé tật nguyền thành một thầy giáo mẫu mực,một tấm gương vượt khó cho hàng triệu con người học tập và noi theo.

Mẫu 3

Học tập là con đường ngắn nhất tiếp cận tri thức, là nơi để bạn hoàn thiện bản thân và phát triển toàn diện. Trong những tấm gương học tốt, chắc hẳn ai cũng biết đến Nguyễn Ngọc Ký- một minh chứng cho tinh thần ham học. Đây là một nhà giáo ưu tú, một nhà văn đa tài của thành phố Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung.

Từ xưa đến nay vấn đề học tập luôn được mọi người xem trọng và đầu tư. Bởi vì đầu tư cho giáo dục chính là sự đầu tư lâu dài, trực tiếp tích thụ tri thức cho con người. Ở mỗi thời đại, đều có những tấm gương ham học hỏi, vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để đạt được kết quả cao nhất. Ngay ở trong trường trong lớp của chúng ta cũng luôn có những tinh thần hiếu học đáng để các bạn học tập.

Ngay từ khi còn học ở tiểu học, chúng ta đã được biết đến một nhân vật rất nổi tiếng về tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập. Đó là anh Nguyễn Ngọc Ký- một người bị tàn tật cánh tay nhưng luôn tự nhắc nhở bản thân rằng việc học là không dừng lại. Cái tên Nguyễn Ngọc Ký từ lâu đã đi vào văn học và lịch sử Việt Nam như một tấm gương sáng ngời về nghị lực phi thường trước sự trở trêu thử thách của số phận. Nguyễn Ngọc Ký đã rất mạnh mẽ đối mặt, chọn cho mình cách bước qua đau thương để sống và làm việc hiệu quả. Nhà văn đã không cam lòng với khiếm khuyết cơ thể tật nguyền của chính mình, vì thế anh đã có quyết tâm làm nên những điều tưởng chừng như không thể.

Người xưa có câu: “Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi” để nói về nguyên lý trong việc học, rằng quá trình học tập không phải ngày một ngày hai, không phải sự chăm chỉ nhất thời hay ngẫu hứng mà học. Nếu không có sự đầu tư thì kết quả thu về mãi là con số không tròn trĩnh mà thôi.

Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện vật chất đầy đủ như bao người nhưng trong con người Nguyễn Ngọc Ký luôn hừng hực đam mê học hỏi. Cậu bé Ký với sự thiếu sót của đôi tay tàn tật nhưng tàn không có nghĩa là phế. Không có ai chọn cho mình được sự hoàn hảo về cơ thể nhưng bất cứ ai cũng có quyền chọn lựa cách đối mặt chiến đấu hay chán nản buông xuôi. Và Nguyễn Ngọc Ký đã rất đáng khâm phục khi không những học tập được mà anh còn đạt được rất nhiều những thành công. Trong quá trình học tập, Nguyễn Ngọc Ký đã 2 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu bởi đã có được thành tích học tập xuất sắc năm 1962 và 1963. Sau những năm tháng miệt mài, năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội về quê đi dạy rồi trở thành Nhà giáo ưu tú của Việt Nam. Có thể nói rằng cái tên Nguyễn Ngọc Ký chính là động lực vượt khó để những người cùng cảnh ngộ, cùng có những mất mát sẽ không cảm thấy bế tác, bất tài vô dụng.

Nhưng chúng ta mới chỉ nhìn thấy những thành quả mà Nguyễn Ngọc Ký đạt được; mà chưa nhớ tới quá trình trước đó- quãng đường gai góc mà con người đáng khâm phục ấy đã bước qua đầy gian truân. Nói đến những tấm gương là chúng ta đang nói đến một cá nhân hay một tập thể nào đó, có những điểm sáng để chúng ta soi vào và cố gắng học hỏi theo họ. Những tấm gương đó không phải tự nhiên mà được mọi người biết đến, ngưỡng mộ. Sự thật là họ đã phải trải qua quãng thời gian không ngừng cố gắng, không ngừng chiến đấu với 100% sức lực tâm trí của bản thân. Và cuối cùng họ gặt hái được những thành công để mọi người trầm trồ thán phục.

Quay lại nhân vật có thật Nguyễn Ngọc Ký, chúng ta cảm nhận sâu sắc những gì anh đã trải qua trong quãng thời gian đầu tiên của sự nỗ lực. Không có một dáng hình trọn vẹn, nhưng anh đã không tự ti với khiếm khuyết đó. Ngược lại anh đã dùng đôi bàn chân của mình để thay thế. Đôi bàn chân của anh được mặc định là đôi tay cầm bút, viết những nét đầu nghuệch ngoạc trên nền sân. Bạn phải thử cầm bút bằng chân thì chính bạn mới thấu được những gian truân của cậu bé Ký ngày nào. Có ai đó đã từng nói rằng:”Học vấn do người siêng năng đạt được, tài sản do người tinh tế sở hữu, quyền lợi do người dũng cảm nắm giữ, thiên đường do người lương thiện xây dựng”. Điều đó mặc nhiên khẳng định là con người ta không thể đạt được một chút học vấn nào nếu không có sự tận tâm chăm chỉ rèn luyện. Và để có được trái ngọt, người ta bắt buộc phải dày công chăm sóc những cái cây. Nguyễn Ngọc Ký đã dùng toàn bộ sức lực, tâm trí để bồi đắp cho con đường hoc tập của mình được thăng bằng.

Thực sự việc giữ cho chiếc bút ngay ngắn trên những ngón chân đã là rất khó khăn, trong khi anh Ký phải điều khiển sao cho chân và bút kết hợp tạo ra những nét chữ. Để viết được chữ đã khó, trong khi anh còn viết rất đẹp thì quả thực nghị lực quyết tâm trong anh thật sự rất đáng để chúng ta nể phục.Mỗi khi trái gió trở trời, những khi thời tiết thay đổi thất thường là Nguyễn Ngọc Ký gặp phải sự đau đớn từ những cơn chuột rút, đau buốt ê ẩm.

Nếu không có một tinh thần thép thì đa số chúng ta sẽ chọn cách buông bỏ. Bởi vì sự đau đớn thường là con dao cắt đứt sợi dâu cố gắng. Có người đã từng nói rằng: "khi người ta bị đau chân, người ta chỉ nghĩ đến cái chân đau của mình mà thôi". Đúng vậy, khi chính bản thân còn phải chịu đau đớn thì người ta thường không để tâm tới bất kỳ việc gì khác ngoài sự đau của mình. Vậy nhưng với Nguyễn Ngọc Ký mọi nỗi đau được đè nén lại, anh kiềm chúng và khóa lại trong một góc của cơ thể, để tinh thần học tập được tiếp tục hành trình.

Cuối cùng, anh đã chiến thắng bệnh tật, chiến thắng nỗi đau và mọi khó khăn để có những nét viết ngay ngắn thẳng hàng, sau đó là đẹp đẽ. Quả thực, người ta phải đi qua đoạn đường đầy chông gai thì tới lúc hái trái ngọt mới cảm thấy thật sự bõ công, vui sướng. Không có bất cứ một thành công nào tự tìm đến với bất cứ ai, và cuộc đời cũng không vì những thiếu sót của ai mà nhân nhượng, nương nhẹ. Tất cả đều chung một vạch xuất phát, dù điều kiện khác nhau ra sao thì đoạn đường đi cũng khó khăn như vậy. Thậm chí với những người như Nguyễn Ngọc Ký thì con đường ấy còn khó khăn gấp trăm vạn lần người bình thường. Từ nghị lực phi thường của Nguyễn Ngọc Ký, chúng ta nhớ đến một câu nói rất nổi tiếng của Benjamin Frankli: “Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục mọi thứ”. Cũng từ tấm gương anh Ký, ta nhìn lại bản thân ta, ta thấy xấu hổ vô cùng khi chưa làm được điều gì cả. Chúng ta được sinh ra với sự trọn vẹn của cơ thể, sống trong xã hội tiên tiến nhưng chúng ta chỉ biết hưởng thụ mà thôi.

Tấm gương hiếu học Nguyễn Ngọc Ký là một viên minh châu đầy sự kiên cường và sức bền bỉ. Qua đây, mỗi người cần tự nhìn lại bản thân mình, tự tìm ra mục tiêu để nỗ lực học tập thật tốt. Tấm gương anh Ký là bài học quý giá cho tinh thần vượt khó học tập, là lời khẳng định rằng " con người ta có thể bị tàn nhưng tuyệt đối đừng trở thành phế nhân". Ai cũng có thể trở thành một bông hoa ngát hương hoặc một cành cây khô héo, tất cả tùy thuộc vào cách nhìn và sự cố gắng của chính mỗi người.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Ký

Mẫu 4

Hôm nay, không như buổi chiều khác mà là 1 buổi chiều đầy cảm xúc trong lớp học của lớp tôi. Vì tuần trước lớp tôi đã đạt cả tuần học tốt nên cô giáo chủ nhiệm đã hứa rằng hôm nào tới tiết của cô, cô sẽ kể chuyện cho nghe và hôm nay đã tới ngày đó. Chúng tôi rất vui khi cô giáo chuẩn bị kể. Các bạn cứ nghĩ sẽ là 1 câu chuyện cực kì vui nhưng lạ thay, cô giáo lại kể về 1 anh khuyết tật ở trường tôi.

Chúng tôi như cụt hứng vì đang muốn nghe chuyện cười mà lại thành ra thế này! Nhưng không như chúng tôi nghĩ, đó lại là 1 câu chuyện rất hay và cảm động. Cô giáo bắt đầu kể:

- Một lần đi coi thi học sinh giỏi cấp huyện. Khi bước vào phòng thi thì có một phụ nữ đưa con trai đến và nói với cô: Cô ơi, cho cháu nhà em ngồi cạnh ổ điện ạ. Cô không hiểu và hỏi lại: sao lại ngồi cạnh ổ điện hả chị? Và người phụ nữ ấy trình bày: Vì cháu nhà em nó không viết được nên cháu xin thi bằng máy tính, cô cho cháu ngồi gần ổ điện để cắm điện không em sợ đang thi máy tính hết điện. Lúc đó cô nhìn sang bên cạnh thì mới biết đó là em học sinh khuyết tật, tự dưng trong cô có một sự xúc động và cảm phục không hề nhẹ. Và cô bảo: Vâng chị cứ ra ngoài cổng trường chờ đi.

Và đúng như nguyện vọng em ấy được ngồi một mình một bàn và ngồi gần ổ cắm điện. Anh ấy tên là: Nguyễn Đức Thuận sinh ngày 01-01-2003 học sinh trường THCS Đại Xuân (Hiện nay là trường THCS Nguyễn Cao) dự thi học sinh giỏi toán lớp 7, anh ấy bị khuyết tật từ nhỏ hai tay và chân bị co rút nên ko thể cầm bút viết được và đi lại rất khó khăn, ngay cả khi anh ấy nói cũng rất khó và không nghe được. Bằng nghị lực kiên cường và tinh thần hiếu học của mình, anh ấy đã vượt lên số phận để trở thành một học sinh giỏi đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Khi làm bài thi cô càng khâm phục em hơn khi em sử dụng máy tính một cách thành thạo với những ngón tay co cứng run run gõ chậm chạp trên bàn phím. Sau 120 phút anh ấy đã hoàn thành bài thi mà không đầu hàng trước một phép tính nào.

Trong khi đó một số ít học sinh là những con người khoẻ mạnh được cha mẹ chăm sóc không thiếu gì nhưng các em vẫn đua đòi không chiụ học, chơi games nhiều dẫn đến nghiện, nói tục chửi bậy dẫn đến quen mồm thậm chí còn đánh nhau hội đồng... Đó là thực trạng đã, đang và vẫn diễn ra hàng ngày. Qua đó cô muốn nhắc nhở và cảnh báo các em rằng: hình thể khuyết tật thì y học có thể chữa được nhưng tâm hồn và nhân cách khuyết tật thì không có thuốc gì chữa nổi.

Nghe xong câu chuyện, chúng tôi đều xúc động trước những gì cô giáo vừa kể. Chúng tôi không còn vẻ ngoài tức giận vì cô không kể chuyện cười nữa thay vào đó là những giọt nước mắt trên hai hàng mi. Các bạn thấy đấy, không phải họ là những người bị khuyết tật mà chúng ta lại coi thường họ được mà chúng ta phải biết giúp đỡ cho họ làm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp hơn.

Hiện nay, anh Nguyễn Đức Thuận là người đứng đầu trong đội tuyển Toán của lớp 8C. Anh ấy thật quả là một tấm gương mà chúng ta cần phải học tập.

Mẫu 5

Những tấm gương vượt khó, học giỏi

Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống hiếu học. Và xung quanh tôi có rất nhiều tấm gương vượt khó học giỏi rất đáng trân quý. Với tôi, sự nỗ lực vươn lên trong học tập, tinh thần không chịu khuất phục trước bi kịch số phận của một người bạn trong lớp của tô bạn Phước Anh khiến tôi cảm phục vô cùng.

Cô bạn Phước Anh với dáng người nhỏ nhắn, thanh mảnh nhưng thanh thoát và nhanh nhẹn vô cùng. Gương mặt bầu bĩnh phúc hậu. Đôi mắt to tròn, nước da hơi ngăm đen vì vất vả gió sương, mái tóc dài, đen óng ả. Nụ cười rất thân thiện và hiền lành.

Gia đình Phước Anh từ lâu cũng đã được biết đến có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng Phước Anh vẫn vươn lên, vượt qua tất cả, trở thành học sinh giỏi toàn diện và trở thành tấm gương sáng về đạo đức và lối sống cho chúng tôi noi theo. Gia đình Phước Anh chỉ có bạn, mẹ và bà ngoại sống cùng nhau, bà ngoại của Phước Anh đã rất già yếu, lại đau ốm liên miên, một mình mẹ Phước Anh phải bươn chải lo phần kinh tế cho cả gia đình, gánh nặng cuộc sống mưu sinh chưa hết, gánh nặng quá khứ khi nhà vẫn còn nợ rất nhiều từ hồi bố Phước Anh bệnh nặng rồi qua đời. Như mẹ của Phước Anh từng tâm sự trong một dịp cả lớp tôi đến thăm bà ngoại và động viên gia đình Phước Anh: “Cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng cô sẽ hết sức nỗ lực chăm chỉ làm việc để lo cho bà ngoại và Phước Anh, cô nhất định sẽ cho Phước Anh ăn học đàng hoàng. Phước Anh rất thương mẹ và rất nghe lời mẹ, nên cô cảm thấy hạnh phúc vô cùng”.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy nhưng Phước Anh trong 6 năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Trong lớp Phước Anh rất chăm ngoan, nghe lời thầy cô và hòa đồng với các bạn, luôn luôn chú tâm vào việc học tập, cũng luôn biết giúp đỡ các bạn khác nên mọi người rất yêu quý Phước Anh. Những hoạt động trường lớp Phước Anh vẫn tham gia rất nhiệt tình.

Ngoài công việc học, ở nhà Phước Anh cũng rất đảm đang. Mẹ Phước Anh làm công nhân, vì hoàn cảnh khó khăn nên mẹ em thường xuyên nhận thêm, tăng ca, mong sao có thêm thu nhập trang trải kinh tế cho gia đình. Bởi vậy, việc nhà đều một tay Phước Anh chăm non, Phước Anh chăm sóc bà ngoại rất chu đáo, bón cơm cho bà trong mỗi bữa ăn, tắm cho bà, chăm bà từng li từng tí. Băm bèo nấu cơm cho lợn, thái rau cho gà, trồng rau,tưới rau, đồng áng thóc lúa rơm rạ, dọn dẹp nhà cửa đều một mình Phước Anh đảm nhận.

Phước Anh học giỏi toàn diện, môn nào Phước Anh cũng đều rất nổi bật đến mức thầy cô nào cũng coi Phước Anh là học trò cưng của mình, học đều các môn nhưng Phước Anh thích nhất môn Văn, Phước Anh có những bài văn kể chuyện và nêu suy nghĩ rất hay và cảm động. Phước Anh nói mai sau muốn làm một nhà báo chân chính. Muốn dùng ngòi bút của mình để đấu tranh với cái xấu cái ác và viết lên những bài báo chân thực về cuộc sống của nhân dân. Kì thi học sinh giỏi vừa rồi, với môn Văn dự thi Phước Anh đã đạt giải nhất cấp huyện và giải nhì cấp tỉnh. Các thầy cô và cả lớp ai cũng tự hào về Phước Anh.

Là một học sinh giỏi, ham học lại rất chăm ngoan và có tinh thần vượt khó nên Phước Anh rất được thầy cô và bạn bè trong trường quý mến. Ở nhà Phước Anh cũng hết mực hiếu thảo khi thay mẹ chăm sóc bà ngoại, đảm đang tháo vát trong việc nhà. Tinh thần hiếu học và ý chí nghị lực vươn lên của Phước Anh thật đáng khâm phục. Với tất cả bản lĩnh mà mình có tôi tin rằng nhất định Phước Anh sẽ có một tương lai tươi sáng.

Em rất tự hào vì có một người bạn như Phước Anh. Em thấy bản thân còn nhiều thiếu sót. Không chỉ em mà có rất nhiều bạn nhỏ khác cũng cần học hỏi thêm nhiều điều từ Phước Anh.

Mẫu 6

Cô học trò nghèo và nghị lực vượt khó học giỏi

Cuối tuần vừa rồi, em được sang nhà chị Mai chơi. Hôm ấy, em được nghe chị Mai kể rất nhiều câu chuyện thú vị. Trong đó, câu chuyện khiến em ấn tượng nhất là về Linh - học sinh cùng lớp của chị Mai - một tấm gương sáng có thực về sự kiên trì vượt khó trong học tập.

Theo chị Mai kể, anh Linh là một người có thân hình cao, gầy, nhưng dẻo dai, tràn trề sức sống như một cây tre ngà. Anh ấy luôn là con ngoan, trò giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Thế nhưng, điều khiến ai cũng phải bất ngờ chính là về hoàn cảnh gia đình anh Linh. Anh ấy lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Bố mất sớm, một mình mẹ anh Linh nuôi anh ấy ăn học. Đã vậy, mẹ anh ấy lại còn ốm yếu, không thể làm được việc nặng. Thế nên, hằng ngày chăm sóc vườn rau, rồi đem ra chợ bán, kiếm sống qua ngày. Thương mẹ, hằng ngày, sau giờ học, anh Linh lại giúp mẹ cuốc đất, trồng rau, tưới cây… Rồi anh còn quét dọn nhà cửa, nấu cơm và làm các công việc nhà khác. Mỗi sáng, anh ấy dậy sớm, giúp mẹ hái rau chở ra chợ rồi mới đi đến trường. Nghe chị Mai kể, mà em vô cùng xúc động trước sự hiếu thảo của anh.

Tuy nhiên, dù luôn bận rộn với những công việc gia đình như vậy, nhưng anh Linh lại học rất giỏi. Chị Mai bảo, anh Linh chưa bao giờ đi học mà không làm bài tập về nhà hay không học thuộc bài cũ. Tiết học nào, anh ấy cũng tập trung, chăm chỉ phát biểu. Thành tích học tập của anh Linh lúc nào cũng nằm trong top 5 của cả lớp. Năm ngoái, anh ấy còn được giải ba kì thi Toán cấp thành phố nữa. Thật là đáng kinh ngạc. Dù hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó, nhưng anh Linh luôn cố gắng học tập chăm chỉ, đạt kết quả cao. Mỗi ngày anh ấy luôn biết nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để có thể vừa là một học sinh giỏi, chăm ngoan, lại vừa là một người con hiếu thảo. Chính vì thế, mà anh Linh luôn được mọi người yêu mến và nể phục.

Trên đường trở về nhà, trong đầu em cứ mãi suy nghĩ về tấm gương vượt khó trong học tập là anh Linh. Càng nghĩ em càng cảm thấy xấu hổ về mình. Khi cuộc sống của em khá đủ đầy, nhưng lại lười biếng học hành. Nhiều lần không làm bài tập về nhà, không cố gắng hết sức trong học tập. Và em quyết tâm, từ hôm nay trở đi, em sẽ thay đổi mình. Em sẽ cố gắng học tập thật chăm chỉ, không ham chơi, sao nhãng nữa. Đồng thời, em sẽ dành thời gian để phụ giúp bố mẹ các công việc trong gia đình mà em có thể làm được.

Đối với em, anh Linh không chỉ là một nhân vật trong câu chuyện kể. Mà anh ấy còn là tấm gương sáng, là động lực để em noi theo mà thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt hơn. Em mong rằng anh ấy luôn mạnh khỏe, học tập tốt và thật thành công trong cuộc sống.

Mẫu 7

Ở năm học lớp 5, em có một người bạn thân. Bạn đó tên Tuấn. Bạn là 1 học sinh giỏi, là một tấm gương tốt trong học tập và hay giúp đỡ bạn bè.

Tuấn là người mà cô và các bạn trông cậy nhất. Trong lớp, môn học nào Tuấn cũng phát biểu và đóng góp ý kiến nhiều nhất. Bài làm của bạn ấy lúc nào cũng 9 với 10 điểm. Bài nào các bạn chưa hiểu rõ, Tuấn giảng giải từng li từng tí cho các bạn hiểu. Giờ ra chơi, Tuấn bỏ ra 10 phút để dò lại các kiến thức của những bạn học yếu.

Có một lần, em để quên cả hộp bút ở nhà. Tuấn biết, nhưng bạn ấy không nói cô và còn vui vẻ hi sinh cây bút duy nhất của mình để cho em mượn, nên hai đứa đã lén lúc thay phiên nhau cầm bút chép bài. Lúc đó, Tuấn làm cho em rất cảm phục và cảm thấy mến bạn hơn.

Một lần khác, em bị sốt cao phải nghỉ học hết 2 ngày. Em định gọi điện thoại nhờ Tuấn đến giảng bài. Vừa nhấc máy lên, chưa kịp bấm số, thì em nghe Tuấn gọi: “Duy ơi! Bạn có nhà không? Mình đến thăm bạn đây!”. Không ngờ Tuấn đã tranh thủ làm hết bài ở nhà, rồi đem vở đến giảng cho em. Tuấn còn chép phụ bài giúp em nữa. Hôm ấy, em cảm động suýt rơi nước mắt. Nhờ vậy mà tình bạn giữa em và Tuấn càng thân thiết và gắn bó hơn.

Có một hôm, vào giờ ra chơi, em cùng Tuấn đang ngồi đọc truyện trên ghế đá, thì thấy một người bạn khác lớp bị té trước mặt, ngồi ôm chân đau đớn. Tuấn liền chạy tới đỡ bạn dậy, phủi quần áo cho bạn và hỏi: “Bạn có đau lắm không? Để mình giúp bạn”. Thế mà em vẫn ngồi trên ghế đá, cầm cuốn truyện, nhìn Tuấn. Tuấn quay lại chỗ ngồi, vậy mà không hề mở lời trách móc em mà vui vẻ cùng em đọc tiếp cuốn truyện. Có lẽ Tuấn muốn giữ nguyên vẹn tình bạn giữa hai đứa.

Trên lớp, bạn ấy còn hay trực nhật phụ các bạn. Vào những cuộc thi đua của khối năm, lớp em luôn đoạt giải nhất nhì là nhờ bạn. Cả lớp, ai cũng tự hào về Tuấn. Được cô giáo thương, các bạn trông cậy và tin tưởng như vậy mà Tuấn không tỏ ra tự cao, hống hách, thật đáng khâm phục. Tuấn đúng là cháu ngoan của Bác Hồ.

Em rất tự hào vì có 1 người bạn thân như Tuấn. Em thấy mình còn phải học hỏi thêm nhiều điều ở Tuấn. Qua những sự việc trên, em sẽ cố gắng phấn đấu để được như Tuấn, luôn có trong mắt của cô và các bạn, để được trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Mẫu 8

Nghị lực vượt khó của cậu học trò nghèo ốm - Học hành - Việt Giải Trí

Ở con hẻm nhỏ 24/106 thuộc khu phố 5, phường 3, quận Bình Thạnh, nơi gia đình em cư ngụ, ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình bạn Đức.

Đức học cùng lớp với em. Bạn ấy theo bố mẹ từ Quảng Ngãi vào thành phố kiếm sống đã được 3 năm. Ngày ngày, bố Đức đi làm thợ xây, mẹ buôn gánh bán bưng, kiếm tiền nuôi bốn đứa con. Đức là con trai lớn nên sớm biết mình phải có trách nhiệm đỡ đần cha mẹ.

Sáu người sống trong gian phòng thuê chỉ rộng độ hơn chục mét vuông. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá, nhưng nhìn vào, người ngoài sẽ thấy sự ngăn nắp, sạch sẽ của chủ nhân. Việc dọn dẹp nhà cửa, Đức lo hết để ba mẹ yên tâm. Buổi sáng, Đức dậy sớm phụ mẹ nấu bữa sáng cho cả nhà. Sau đó, mẹ gánh rau ra chợ, bố đi làm và Đức đi học. Mấy lần em hỏi Đức là sao bận rộn như thế mà vẫn học giỏi thì bạn ấy chỉ cười hiền lành: “Mình thương ba mẹ lắm"!.

Ba năm liền, Đức đều đạt danh hiệu Học sinh giỏi. Điều ấy khiến cho ba mẹ bạn ấy rất tự hào với bà con lối xóm. Tối nào nhà Đức cũng đông khách”. Đó là đám trẻ con gần đấy sang nhờ anh Đức chỉ cho cách làm bài tập. Đức ân cần chỉ bảo, chẳng tiếc thời gian. Vì thế mà bạn ấy được nhiều người quý mến.

Chưa bao giờ em nghe Đức than vãn về hoàn cảnh nghèo khó của gia đình. Đến lớp, Đức vẫn hòa đồng với các bạn, không hề mặc cảm. Điều mà em thấy rõ nhất ở Đức là sự chăm chỉ, siêng năng cả trong học tập và trong sinh hoạt. Đức thích mang lại niềm vui cho mọi người qua những lời nói, việc làm bình thường hằng ngày.

Một hôm, trên đường đi học về, thấy một cụ già muốn qua đường, Đức bảo em: "Chúng mình giúp bà cụ đi!”. Sang đến bên kia, bà cụ cảm ơn, Đức lễ phép đáp: “Thưa bà, không có chi! Chúng cháu chào bà ạ!”. Sau đó, Đức khẽ nói: “Nhìn bà cụ, mình nhớ bà ngoại ở ngoài quê quá !”. Em hiểu tình cảm của bạn ấy dành cho người thân thật là sâu nặng.

Tuy cùng tuổi, cùng học với nhau mà sao em thấy Đức “lớn” hơn mình nhiều lắm! Mẹ em thường nhắc: “Con chẳng phải học ai cho xa, cứ noi gương theo bạn Đức ấy. Chăm ngoan, học giỏi như Đức là mẹ vui rồi!". Được như Đức, chắc em phải cố gắng nhiều!

Xem thêm một số bài văn mẫu hay khác:

TOP 30 Bài văn Tả con trâu (2024) SIÊU HAY

TOP 30 Dàn ý Tả hoạt động của một em bé đang tuổi tập nói, tập đi (2024) SIÊU HAY

TOP 30 Dàn ý tả gấu bông (2024) SIÊU HAY

TOP 50 Bài văn Tả quả dưa hấu (2024) SIÊU HAY

TOP 50 Bài văn Tả ngôi trường (2024) SIÊU HAY

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!