Các chuyên gia đã đưa ra một số biện pháp xử trí trong trường hợp này, nhằm giúp duy trì tác dụng bảo vệ của thuốc. Bây giờ hãy cùng tìm hiểu nhé!
Kiến thức cơ bản về thuốc tránh thai
Có nhiều loại thuốc tránh thai khác nhau, tuy nhiên phần lớn trong số chúng có thành phần cơ bản gồm estrogen tổng hợp và progesterone tổng hợp. Bên cạnh đó, cũng có một số loại khác có thành phần chỉ gồm progesterone, hay còn có tên gọi khác là progestin.
Cơ chế tác dụng chính của thuốc tránh thai là thay đổi nồng độ hormone cơ thể, từ đó ngăn cản quá trình rụng trứng. Bên cạnh đó, thuốc cũng có tác dụng làm đặc chất nhầy tại tử cung, giúp hạn chế tiếp xúc giữa tinh trùng và trứng.
Nếu sử dụng đúng cách và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, hiệu quả của thuốc tránh thai lên đến 99%. Trong thực tế, hiệu quả tránh thai của thuốc ước tính khoảng 91%.
Những tác dụng phụ của thuốc tránh thai
Dạng thuốc tránh thai được sử dụng phổ biến nhất là dạng thuốc kết hợp liều thấp và trong đa số trường hợp thì dạng thuốc này không gây ra tác dụng phụ đáng kể nào.
Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải một vài tác dụng phụ, đặc biệt là trong tuần đầu tiên sử dụng thuốc. Những tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm:
- Chảy máu bất thường
- Buồn nôn hoặc nôn
- Căng tức ngực
Nếu những tác dụng phụ này không thuyên giảm sau khoảng 2 – 3 tháng thì bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được tư vấn cần thiết.
Bên cạnh đó, khả năng xảy ra tác dụng phụ còn phụ thuộc vào độ mẫn cảm của bạn với những thành phần của thuốc. Do đó, những thuốc khác nhau sẽ có những tác dụng phụ khác nhau.
Nguy cơ xảy ra tình trạng buồn nôn
Theo ước tính, chỉ có ít hơn 1% người sử dụng thuốc tránh thai gặp phải tình trạng buồn nôn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến buồn nôn được cho là do uống từ 2 viên trở lên trong cùng 1 ngày.
Bên cạnh đó, người mới bắt đầu sử dụng thuốc cũng có nguy cơ buồn nôn cao hơn. Nguy cơ này sẽ giảm dần trong vòng khoảng từ 1 – 2 tháng.
Bạn có thể liên hệ bác sĩ để thăm khám nếu như tình trạng buồn nôn tái diễn liên tục.
Cách xử trí nôn khi đang sử dụng thuốc tránh thai
Đầu tiên, bạn cần khám và điều trị những bệnh lý có thể gây nôn như đau dạ dày,…
Tiếp theo, hãy cùng xét đến một số trường hợp có thể gặp phải và cách giải quyết:
- Nôn sau khi uống thuốc từ 2 giờ trở lên: Bạn không cần quá lo lắng vì thuốc gần như đã được hấp thụ hoàn toàn vào cơ thể.
- Nôn trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc: Tiếp tục uống thêm 1 viên khác.
- Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và không thể uống thuốc được: Uống 2 viên vào ngày kế tiếp, cách nhau 12 giờ. Điều này nhằm hạn chế cảm giác buồn nôn.
- Nếu bạn không thể uống thuốc hoặc nôn liên tục: Tham khảo ý kiến bác sĩ trong trường hợp này. Bạn có thể cần sử dụng thuốc bằng đường đặt âm đạo hoặc chuyển sang sử dụng biện pháp tránh thai khác.
Cách hạn chế buồn nôn
Dưới đây là một số cách để hạn chế buồn nôn khi sử dụng thuốc:
- Uống thuốc trong bữa ăn
Nếu cảm thấy thuốc tránh thai gây buồn nôn, bạn hãy thử uống thuốc trong bữa ăn, hoặc bạn cũng có thể uống trước khi đi ngủ.
- Sử dụng một loại thuốc khác hoặc chuyển sang một phương pháp tránh thai khác
- Nghỉ ngơi và hồi phục
Bạn cần nghỉ ngơi và dành thời gian cho cơ thể hồi phục nếu cảm thấy mệt mỏi, đồng thời bạn cũng nên áp dụng một số biện pháp tránh thai khác trong lúc việc sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày có thể không mang lại hiệu quả.
Lời kết
Việc sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày chỉ đem lại hiệu quả nếu được thực hiện đúng cách. Do đó, nếu cảm thấy việc buồn nôn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra lựa chọn phù hợp hơn.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về việc sử dụng quá liều thuốc tránh thai hằng ngày
- Những viên thuốc tránh thai hàng ngày sử dụng trong tuần cuối cùng có cần thiết không?
- Thuốc tránh thai hàng ngày: nó có phù hợp với bạn không?
- Những lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày trong thời gian dài
- Sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày để trị mụn: nên hay không nên?