Thuốc Acebutolol - Điều trị tăng huyết áp và loạn nhịp tim - Cách dùng

Thuốc Acebutolol thường được dùng điều trị tăng huyết áp và loạn nhịp tim. Vậy thuốc Acebutolol được sử dụng như thế nào, cần lưu ý gì? Hãy để 1900.edu.vn giúp bạn hiểu kĩ hơn về thuốc trong bài viết dưới đây.

Thành phần và cơ chế tác dụng thuốc Acebutolol

Acebutolol có thành phần chính là Acebutolol là thuốc chẹn chọn lọc thụ thể beta1 adrenergic và có tác dụng dược lý tương tự các thuốc chẹn beta giao cảm khác. Ở liều thấp, acebutolol có tác dụng ức chế chọn lọc do cơ chế cạnh tranh với các chất dẫn truyền thần kinh giao cảm trên thụ thể beta1 ở tim, trong khi có rất ít tác dụng trên thụ thể beta2  ở phế quản và cơ trơn mạch máu. Ở liều cao (trên 800 mg/ngày), thuốc mất tác dụng chọn lọc và ức chế cạnh tranh cả trên thụ thể beta1 và beta2.

Bên cạnh đó, acebutolol còn thể hiện hoạt tính giao cảm nội tại yếu (hoạt tính chủ vận một phần trên thụ thể beta). Thuốc cũng có tác dụng ổn định màng tế bào trên tim, tương tự như quinidin, nhưng chỉ xuất hiện khi dùng liều cao và thường không rõ ràng ở liều thường dùng trong lâm sàng.

Tác dụng dược lý của thuốc là do tác dụng của cả acebutolol chưa chuyển hóa và chất chuyển hóa chính (diacetolol). Diacetolol có hoạt tính mạnh tương đương acebutolol, và có hoạt tính chọn lọc beta1 cao hơn so với acebutolol trên động vật thí nghiệm. Diacetolol cũng có hoạt tính giao cảm nội tại yếu, nhưng không có tác dụng ổn định màng tế bào. Do cơ chế tác dụng trên, acebutolol và chất chuyển hóa diacetolol

làm giảm tần số tim, đặc biệt tim đập nhanh do gắng sức, và làm giảm co bóp cơ tim; cả hai tác dụng này bị đảo lộn một phần do thuốc có hoạt tính giao cảm nội tại (Intrinsic Sympathomimetic Activity, viết tắt là ISA), nên tần số tim lúc nghỉ giảm do thuốc thường ít hơn (khoảng 3 nhát đập/phút) so với các thuốc chẹn beta khác không có ISA. Cung lượng tim lúc nghỉ cũng như khi gắng sức bị giảm hoặc không thay đổi trong khi điều trị acebutolol.

Giảm co bóp cơ tim và tần số tim do acebutolol dẫn đến giảm tiêu thụ oxy của cơ tim, điều này giải thích tính hiệu quả của acebutolol trong cơn đau thắt ngực ổn định mạn tính. Acebutolol làm giảm huyết áp tâm thu và tâm trương lúc nghỉ và khi gắng sức. Chưa xác định chính xác được cơ chế tác dụng giảm huyết áp của acebutolol.

Thuốc làm giảm huyết áp ở người tăng huyết áp có renin thấp và cả ở người tăng huyết áp có renin bình thường hoặc cao.

Acebutolol còn có tác dụng chống loạn nhịp tim, thuộc loại thuốc chống loạn nhịp nhóm II. Tác dụng chống loạn nhịp và điện sinh của acebutolol qua trung gian chủ yếu do hoạt tính chẹn beta của thuốc. Acebutolol làm chậm dẫn truyền trong nút nhĩ thất và làm tăng tính trơ của nút nhĩ thất, mà không tác động nhiều đến thời gian hồi phục nút xoang, thời kỳ trơ hữu hiệu của nhĩ hoặc thất, hoặc thời gian dẫn truyền HV (dẫn truyền thất).

Dạng bào chế, hàm lượng và giá thuốc Acebutolol

Thuốc được bào chế dưới dạng: Viên nén bao phim, viên nang

Hàm lượng: 100 mg, 200 mg, 400 mg.

Giá thuốc: Đang cập nhật

Chỉ định và chống chỉ định thuốc Acebutolol

Chỉ định

Thuốc được chỉ định trong điều trị loạn nhịp thấtThuốc được chỉ định trong điều trị loạn nhịp thất

  • Tăng huyết áp: Dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp nhóm khác. Acebutolol là một trong một số các thuốc chống tăng huyết áp được ưa dùng để điều trị ban đầu tăng huyết áp ở người suy tim, sau nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành có nguy cơ cao và/hoặc đái tháo đường, suy thận mạn.
  • Loạn nhịp thất: Điều trị và dự phòng tái phát các ngoại tâm thu thất bao gồm các loại ngoại tâm thu đơn dạng và đa dạng, và/hoặc ngoại tâm thu ghép và các phức hợp R-trên-T. Ở người bị loạn nhịp tim tiên phát hoặc thứ phát sau các bệnh tim như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim.
  • Loạn nhịp trên thất: Cũng đã được chỉ định, nhưng chưa được đánh giá đầy đủ.
  • Đau thắt ngực mạn tính ổn định: Cũng đã được chỉ định và có thể làm giảm tần suất cơn đau thắt ngực, giảm liều dùng nitroglycerin và tăng dung nạp gắng sức. Chỉ định này chưa được chấp nhận ở một số nước (Mỹ).

Chống chỉ định 

Sốc tim, suy tim chưa kiểm soát được, nhịp tim chậm (dưới 45 – 50 nhịp/phút), huyết áp thấp, hội chứng suy nút xoang, blốc nhĩ thất độ 2 - 3, toan chuyển hóa, rối loạn tuần hoàn ngoại vi nặng, u tủy thượng thận chưa điều trị.

Mẫn cảm với acebutolol hoặc với các thuốc chẹn beta.

Liều lượng và cách sử dụng thuốc Acebutolol

Cao huyết áp: 400mg/ngày, dùng một lần vào buổi sáng hoặc chia làm 2 lần vào buổi sáng và tối.

Dự phòng cơn đau thắt ngực và rối loạn nhịp tim nhanh: 400 đến 800mg/ngày.

Ðiều trị dài hạn sau nhồi máu cơ tim: mỗi lần 200mg, 2lần/ngày, vào buổi sáng và tối.

Tác dụng phụ thuốc Acebutolol

Thuốc có thể gây cảm giác lạnh đầu chiThuốc có thể gây cảm giác lạnh đầu chi

Về phương diện lâm sàng:

  • Những tác dụng ngoại ý thường được ghi nhận: suy nhược, cảm giác lạnh đầu chi, chậm nhịp tim, nặng hơn nếu có dịp, rối loạn tiêu hóa (đau bao tử, nôn, mửa), bất lực, mất ngủ, có ác mộng.
  • Rất hiếm gặp hơn: chậm dẫn truyền nhĩ-thất hoặc nặng thêm tình trạng bloc nhĩ-thất đã có, suy tim, tụt huyết áp, co thắt phế quản, hạ đường huyết, hội chứng Raynaud, nặng thêm chứng khập khễnh cách hồi đã có, các biểu hiện ngoài da khác nhau kể cả phát ban dạng vẩy nến.

Về phương diện sinh học:

  • Trong một số trường hợp rất hiếm, có thể xuất hiện kháng thể kháng nhân và chỉ trong trường hợp ngoại lệ có phối hợp với các biểu hiện lâm sàng kiểu hội chứng lupus và khỏi khi ngưng điều trị.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Acebutolol

  • Hen suyễn và các bệnh phế quản-phổi mãn tính tắc nghẽn: chỉ dùng thuốc chẹn beta khi tình trạng hen suyễn và các bệnh phế quản-phổi chỉ ở dạng nhẹ và dùng liều thấp lúc đầu. Trước khi bắt đầu điều trị nên làm các kiểm tra chức năng hô hấp, trong điều trị có xảy ra cơn hen phế quản, có thể sử dụng thuốc làm giãn phế quản có tác động giống beta.
  • Suy tim: ở bệnh nhân suy tim có kiểm soát bằng một điều trị thích hợp và trong trường hợp cần thiết, acebutolol được sử dụng với liều rất thấp sau đó tăng dần và phải được theo dõi y khoa cẩn thận.
  • Nhịp tim chậm: nếu tần số giảm dưới 50-55 nhịp đập/phút lúc nghỉ ngơi và nếu bệnh nhân có những dấu hiệu liên quan đến bệnh nhịp tim chậm, cần phải giảm liều.
  • Bloc nhĩ-thất độ một: do đặc tính dẫn truyền trong tim âm tính, các thuốc chẹn bêta phải được sử dụng thật thận trọng ở những bệnh nhân bị bloc nhĩ-thất giai đoạn một.
  • Ðau thắt ngực Prinzmetal: thuốc chẹn bêta có thể làm tăng số lần và thời gian kéo dài của cơn đau thắt ngực Prinzmetal. Có thể dùng thuốc chẹn bêta-1 chọn lọc trên tim trong các thể nhẹ và có phối hợp, với điều kiện phải kèm với một thuốc gây giãn mạch.
  • Rối loạn động mạch ngoại biên: ở bệnh nhân có những rối loạn động mạch ngoại biên (bệnh hoặc hội chứng Raynaud, viêm động mạch hoặc bệnh động mạch mãn tính tắc nghẽn ở các chi dưới), thuốc chẹn bêta có thể làm nặng thêm các rối loạn này. Trong các trường hợp này, nên ưu tiên dùng thuốc chẹn bêta chọn lọc trên tim và có khả năng chủ vận từng phần, và sử dụng một cách thận trọng.
  • U tủy thượng thận: dùng thuốc chẹn beta trong điều trị cao huyết áp do u tủy thượng thận cần phải được theo dõi sát về huyết áp động mạch.
  • Người già: ở người già, cần nghiêm chỉnh chấp hành những điểm đã ghi trong mục Chống chỉ định. Cần bắt đầu điều trị với liều thấp và theo dõi sát.
  • Suy thận: điều chỉnh liều theo tình trạng của chức năng thận, kiểm tra nhịp tim, giảm liều nếu nhịp tim chậm quá mức (< 50-55 nhịp/phút lúc nghỉ ngơi).
  • Bệnh nhân đái tháo đường: cảnh giác bệnh nhân về việc tăng cường tự theo dõi đường huyết thời gian đầu điều trị. Các dấu hiệu cho thấy hạ đường huyết có thể bị che lấp, đặc biệt là nhịp tim nhanh, đánh trống ngực và toát mồ hôi.
  • Bệnh vẩy nến: bệnh có thể bị trầm trọng lên khi bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chẹn bêta, do đó việc chỉ định dùng thuốc này cần phải được cân nhắc.
  • Phản ứng dị ứng: ở những bệnh nhân có cơ địa có thể bị phản ứng phản vệ nặng, do bất kỳ nguyên nhân gì, đặc biệt đối với các thuốc cản quang có iode hoặc floctafenine hoặc trong thời gian điều trị bằng các thuốc gây giải cảm ứng, việc điều trị bằng thuốc chẹn bêta có thể làm phản ứng nặng thêm và dẫn đến đề kháng với adrenalin được sử dụng để điều trị dị ứng ở liều thông thường.
  • Thuốc gây mê: dùng thuốc chẹn beta sẽ dẫn đến giảm phản xạ làm tim đập nhanh và tăng nguy cơ gây tụt huyết áp. Nếu duy trì việc điều trị bằng thuốc chẹn beta sẽ giảm nguy cơ bị loạn nhịp, thiếu máu cục bộ ở cơ tim và cao huyết áp kịch phát. Cần nên thông báo cho chuyên viên gây mê biết rằng bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc chẹn beta.
  • Nếu cần thiết phải ngưng điều trị, việc gián đoạn 48 giờ có thể được coi là đủ để cho bệnh nhân nhạy cảm trở lại với catécholamine.
  • Trong một vài trường hợp không thể ngưng thuốc chẹn bêta: ở những bệnh nhân bị suy mạch vành, nên tiếp tục điều trị cho đến khi phẫu thuật, vì dễ xuất hiện các nguy cơ do ngưng đột ngột thuốc chẹn bêta; trong trường hợp cấp cứu hoặc không thể ngưng thuốc được, bệnh nhân phải được bảo vệ ưu tiên trên dây thần kinh phế vị bằng cách sử dụng atropin trước đó để phòng ngừa và lặp lại tùy theo nhu cầu. Cần dùng thuốc gây mê ít gây suy cơ tim và nếu có mất máu phải được bù ngay.
  • Nguy cơ bị sốc phản vệ cũng phải được lưu ý đến.
  • Tăng năng tuyến giáp: thuốc chẹn bêta có thể che lấp một số dấu hiệu tim mạch.
  • Vận động viên thể thao: các vận động viên thể thao cần lưu ý do sử dụng thuốc chẹn beta có thể cho kết quả dương tính xét nghiệm sử dụng chất kích thích.

LÚC CÓ THAI

Thuốc không gây quái thai trên thú vật, trên người.

Khảo sát trên trẻ sơ sinh:

Ở trẻ sơ sinh có mẹ được điều trị, tác động của thuốc chẹn beta có thể kéo dài trong nhiều ngày sau khi đứa bé ra đời: sự tồn đọng này có thể không gây hậu quả gì trên lâm sàng, tuy nhiên cũng có thể gây trụy tim cần phải được nhập viện để săn sóc đặc biệt, tránh dùng các dung dịch thay thế (có thể gây phù phổi cấp tính); mặt khác cũng ghi nhận một số trường hợp bị chậm nhịp tim, suy hô hấp, hạ đường huyết. Do đó trẻ sơ sinh cần được theo dõi đặc biệt (về tần số tim và đường huyết trong 3 đến 5 ngày đầu của cuộc sống) trong bệnh viện chuyên khoa.

LÚC NUÔI CON BÚ

Acebutolol được bài tiết nhiều qua sữa mẹ và gây chẹn các thụ thể bêta ở trẻ sơ sinh (hạ đường huyết, nhịp tim chậm). Do đó chống chỉ định Acebutolol cho bà mẹ nuôi con bú.

Tương tác thuốc thuốc Acebutolol 

Chống chỉ định phối hợp:

  • Floctafenine: trường hợp bị sốc hoặc tụt huyết áp do floctafenine, thuốc chẹn beta làm giảm các phản ứng bù trừ tim mạch.
  • Sultopride: rối loạn tính tự động (nhịp tim chậm quá mức) do phối hợp tác dụng làm chậm nhịp tim.

Khuyên không nên phối hợp:

  • Amiodarone: rối loạn co bóp, tính tự động và dẫn truyền (hủy cơ chế bù trừ giao cảm).

Cần thận trọng khi phối hợp:

  • Thuốc gây mê bay hơi dẫn xuất halogen: thuốc chẹn beta làm giảm phản ứng bù trừ tim mạch (ức chế beta adrenergic có thể tăng trong thời gian phẫu thuật có dùng các thuốc kích thích bêta). Về nguyên tắc chung, không được ngưng thuốc chẹn beta, và trong mọi trường hợp, tránh ngưng thuốc đột ngột. Thông báo cho chuyên viên gây mê về việc bệnh nhân đang dùng thuốc.
  • Thuốc đối kháng calcium (bebridil, diltiazem và verapamil): rối loạn tính tự động (chậm nhịp tim quá mức, ngưng xoang), rối loạn dẫn truyền nhĩ-thất và trụy tim (hiệp đồng các tác động).
  • Thuốc chống loạn nhịp (propafenone và nhóm I a: quinidin, hydroquinin, dysopyramide): rối loạn co bóp, tính tự động và dẫn truyền (hủy cơ chế bù trừ giao cảm).

Tăng cường theo dõi lâm sàng và điện tâm đồ.

  • Baclofene: tăng tác dụng hạ huyết áp.

Theo dõi huyết áp động mạch và điều chỉnh liều của thuốc hạ huyết áp nếu thấy cần thiết.

  • Insuline, sulfamide hạ đường huyết: tất cả các thuốc chẹn beta có thể che lấp một vài triệu chứng hạ đường huyết như đánh trống ngực và nhịp tim nhanh. Báo trước cho bệnh nhân điều này và khuyên bệnh nhân nên tăng cường tự theo dõi đường huyết.
  • Lidocạne (mô tả cho propranolol, metoprolol, nadolol): tăng nồng độ lidocạne trong huyết tương và có thể làm tăng các tác dụng ngoại ý trên thần kinh và tim mạch (do giảm chuyển hóa lidocạne ở gan).

Ðiều chỉnh liều lidocạne. Theo dõi lâm sàng, điện tâm đồ và nếu có thể, nồng độ của lidocạne trong thời gian và sau khi ngưng điều trị bằng thuốc chẹn bêta.

  • Thuốc cản quang có iode: trường hợp bị sốc hoặc tụt huyết áp gây bởi các thuốc cản quang có iode, thuốc chẹn beta làm giảm các phản ứng bù trừ tim mạch. Phải ngưng điều trị bằng thuốc chẹn beta nếu có thể mỗi khi cần phải làm các xét nghiệm bằng quang tuyến. Nếu không thể ngưng thuốc được, bác sĩ cần phải trang bị các phương tiện cấp cứu hồi sức thích hợp.

Một số phối hợp cũng cần nên lưu ý:

  • Thuốc kháng viêm không sterọid: giảm tác dụng hạ huyết áp (do các thuốc kháng viêm không sterọid nói chung gây ức chế các prostaglandine gây giãn mạch và nhóm pyrazole gây giữ muối-nước).
  • Thuốc đối kháng calcium (dihydropyridine): hạ huyết áp, trụy tim ở bệnh nhân có suy tim tiềm ẩn hoặc không được kiểm soát (nhóm dihydropyridine có tác dụng inotrope âm tính in vitro, ít nhiều đáng được lưu ý tùy theo sản phẩm và có thể hiệp đồng với tác dụng inotrope âm tính của thuốc chẹn beta). Việc điều trị bằng thuốc chẹn beta mặt khác có thể làm giảm các phản ứng giao cảm do phản xạ trong trường hợp động lực máu tăng quá mức.
  • Thuốc chống trầm cảm nhóm imipramine (ba vòng), thuốc an thần kinh: tác dụng hạ huyết áp và tăng nguy cơ gây hạ huyết áp thế đứng (hiệp đồng tác dụng).
    Corticọde, tetracosactide: giảm tác dụng hạ huyết áp (do corticọde có tác dụng gây giữ muối-nước).
  • Mefloquine: nguy cơ bị chậm nhịp tim (hiệp đồng tác dụng làm chậm nhịp tim).

Bảo quản thuốc Acebutolol

Thuốc cần được giữ trong hộp đựng, kín và để xa tầm tay của trẻ em.

Lưu giữ thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và ánh sáng. Không bảo quản thuốc trong phòng tắm hoặc ngăn đá của tủ lạnh.

Không xả thuốc xuống nhà vệ sinh hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu làm như vậy.

Làm gì khi dùng quá liều, quên liều?

Làm gì khi gặp trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều?

Nếu trong quá trình dùng thuốc bạn gặp phải tình trạng khẩn cấp hoặc quá liều thì hãy nhanh chóng gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến ngay trạm Y tế ở địa phương gần nhất.

Làm gì khi quên một liều Acebutolol?

Nếu lỡ quên một liều thuốc thì bạn hãy uống ngay khi nhớ ra càng sớm càng tốt. Nhưng nếu, khi nhớ ra liều đã quên gần với thời điểm uống liều kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp đúng theo kế hoạch.

Một điều mà bạn cần phải đặc biệt nhớ rõ đó là không được dùng gấp đôi liều đã được quy định từ bác sĩ chủ trị.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!