Thoát vị rốn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biến chứng có thể xảy ra

Thoát vị rốn xảy ra khi một phần của ruột hoặc mạc nối trong ổ bụng bị đẩy ra ngoài qua một điểm yếu ở thành bụng, gần rốn.

Video Thoát vị cuống rốn

Có nhiều loại thoát vị khác nhau. Thoát vị rốn xảy ra khi có một khiếm khuyết ở thành bụng trước, nằm bên dưới rốn.

Những thoát vị này rất phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng chúng cũng có thể gặp ở người lớn. Mặc dù thoát vị rốn có thể dễ dàng điều trị nhưng trong những trường hợp hiếm hoi, chúng có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Bài viết này sẽ đưa ra các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và điều trị thoát vị rốn.

Thoát vị rốn là gì?

Thoát vị rốn là loại thoát vị phổ biến thứ 2 ở người lớn. Chúng xuất hiện trong vòng 3 cm ở trên hoặc dưới rốn.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi

Thoát vị rốn khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tỉ lệ gặp khoảng khoảng 20% ở trẻ đủ tháng.

Loại thoát vị này đặc biệt phổ biến ở trẻ sinh non. Có đến 84% trẻ sơ sinh có cân nặng lúc sinh từ 1 đến 1,5 kg bị thoát vị rốn.

Khi thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ, dây rốn sẽ đi qua một lỗ hở trên thành bụng. Hiện tượng này sẽ sớm kết thúc sau khi sinh. Tuy nhiên, không phải lúc nào các cơ cũng bịt kín hoàn toàn, để lại một điểm yếu mà khối thoát vị có thể đi qua.

Trong hầu hết các trường hợp, thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh tự đóng lại trước 2 tuổi mà không cần can thiệp.

Ở người trưởng thành

Chỉ 1/10 người lớn bị thoát vị rốn do nguyên nhân từ thời thơ ấu và 90% các trường hợp còn lại là do các vấn đề về cơ thành bụng. Tăng áp lực lên cơ bụng, chẳng hạn như khi mang thai hoặc khi nâng vật nặng, làm tăng nguy cơ mắc phải thoát vị rốn.

Hình ảnh thoát vị rốn

Dưới đây là hình ảnh của các trường hợp thoát vị rốn khác nhau.


Thoát vị rốn ở trẻ nhỏThoát vị rốn ở trẻ nhỏ

 

Thoát vị rốn ở người lớn khi mang thaiThoát vị rốn ở người lớn khi mang thai

Triệu chứng

Thoát vị rốn trông giống như một khối u ở rốn. Nó có thể trở nên rõ ràng hơn khi trẻ cười, khóc, đi vệ sinh hoặc ho. Khi trẻ nằm hoặc thả lỏng, khối thoát vị có thể co lại hoặc biến mất hoàn toàn.

Các triệu chứng của thoát vị rốn sẽ khác nhau giữa các trường hợp. Dù khối thoát vị có kích thước như thế nào, nếu thành bụng co thắt xung quanh nó, điều này có thể cắt đứt lưu thông máu đến khối thoát vị, từ đó gây đau. Cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng.

Người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu khối phồng:

  • Đau
  • Kèm nôn mửa
  • Sưng lên và đổi màu
  • Không giảm khi nằm hoặc khi ấn nhẹ

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ chính của thoát vị rốn là:

  • Tuổi tác: Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng có nguy cơ bị thoát vị rốn cao hơn người lớn.
  • Béo phì: Trẻ em và người lớn bị béo phì đối mặt với nguy cơ phát triển thoát vị rốn cao hơn đáng kể so với những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) nằm trong phạm vi cân nặng khỏe mạnh.
  • Ho: Ho kéo dài có thể làm tăng nguy cơ thoát vị vì lực ho gây áp lực lên thành bụng.
  • Mang thai: Nguy cơ thoát vị rốn ở những người đang mang thai cao hơn. Mang đa thai có nguy cơ thoát vị cao hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của thoát vị rốn là khác nhau giữa các nhóm tuổi.

Nguyên nhân ở trẻ sơ sinh

Khi thai nhi phát triển trong bụng mẹ, một lỗ nhỏ hình thành ở cơ bụng. Lỗ nhỏ này cho phép dây rốn đi qua.

Vào khoảng thời gian mới sinh, hoặc ngay sau đó, lỗ này sẽ đóng lại. Nếu điều này không xảy ra hoàn toàn, mạc nối hoặc một phần của ruột có thể chui qua, gây thoát vị rốn.

Nguyên nhân ở người lớn

Nếu có quá nhiều áp lực lên thành bụng, một phần mạc nối hoặc một phần ruột có thể đi qua phần cơ bụng yếu.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ chẩn đoán thoát vị rốn khi thăm khám. Họ cũng có thể xác định loại thoát vị. Ví dụ, nếu nó liên quan đến ruột, có thể có nguy cơ tắc nghẽn.

Nếu bác sĩ muốn tầm soát các biến chứng, họ có thể yêu cầu siêu âm ổ bụng, chụp X-quang hoặc xét nghiệm máu.

Điều trị 

Ở trẻ sơ sinh, hầu hết thoát vị rốn sẽ tự hết trước 2 tuổi và điều trị sẽ không cần thiết. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu:

  • Thoát vị trên 1,5 cm ở trẻ em trên 2 tuổi
  • Ruột nằm trong túi thoát vị, ngăn cản hoặc làm giảm chuyển động của ruột
  • Thoát vị gây đau
  • Thay đổi màu da xảy ra tại vị trí thoát vị

Nếu khối thoát vị bị vỡ, phẫu thuật cấp cứu là điều cần thiết. Tuy nhiên, các trường hợp vỡ thoát vị là cực kỳ hiếm.

Ở người lớn, thoát vị ít có khả năng tự khỏi hơn trẻ em. Do đó, họ dễ bị biến chứng hơn và có khả năng phải phẫu thuật cao hơn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật thoát vị rốn là một phẫu thuật nhỏ thường mất khoảng 20-30 phút. Trong hầu hết các trường hợp, người được phẫu thuật sẽ có thể về nhà ngay trong ngày.

Quá trình phẫu thuật sẽ rạch một đường ở gốc của rốn và đẩy tổ chức thoát vị trở lại bụng. Bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện phẫu thuật mở hoặc mổ nội soi.

Phẫu thuật thoát vị rốn. Nguồn ảnh thelancet.comPhẫu thuật thoát vị rốn. Nguồn ảnh thelancet.com

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ khâu các cơ của thành bụng lại với nhau để đóng lỗ thủng. Trong vài trường hợp khác, họ có thể sử dụng một loại lưới đặc biệt để củng cố thành bụng và ngăn thoát vị tái diễn.

Chuẩn bị phẫu thuật

Các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên hạn chế ăn uống trước khi phẫu thuật. Người bệnh cũng có thể cần ngừng dùng thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ chảy máu.

Hầu hết các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật thoát vị rốn dưới gây mê toàn thân. Bác sĩ gây mê sẽ hướng dẫn người bệnh quy trình này trước khi phẫu thuật.

Chăm sóc hậu phẫu

Sau khi xuất viện, người bệnh có thể cảm thấy đau và khó chịu tại vị trí phẫu thuật. Uống thuốc giảm đau, mặc quần áo rộng rãi và tránh các hoạt động gắng sức có thể giúp giảm bớt tình trạng khó chịu này.

Người bệnh cũng có thể bị sưng tấy quanh vị trí phẫu thuật trong vài tuần.

Bác sĩ phẫu thuật đôi khi sẽ sử dụng một băng ép vào chỗ thoát vị. Điều quan trọng là phải giữ sạch sẽ và khô ráo để tránh nhiễm trùng.

Sử dụng thiết bị hỗ trợ thoát vị có thể giúp người bệnh phục hồi sau phẫu thuật và tăng mức độ hoạt động.

Các biến chứng

Nếu tổ chức thoát vị bị mắc kẹt và không thể đẩy nó trở lại khoang bụng, ruột có thể bị mất cấp máu, gây ra tổn thương.

Nếu khối thoát vị bị cắt đứt nguồn cung cấp máu, các tổ chức bên trong sẽ có nguy cơ bị hoại tử và nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Thoát vị nghẹt hiếm gặp ở người lớn và càng hiếm hơn ở trẻ em.

Tóm tắt

Thoát vị rốn xảy ra khi một phần của ruột hoặc mạc nối trong ổ bụng chui ra ngoài qua một lỗ trên thành bụng. Để được phân loại là thoát vị rốn, vị trí thoát vị phải xảy ra trong vòng 3cm quanh rốn.

Loại thoát vị này thường gặp ở trẻ sơ sinh và thường tự khỏi. Phần lớn các trường hợp thoát vị rốn ở người lớn là do có thêm áp lực lên thành bụng. Áp lực tăng thêm này có thể đến từ việc mang đa thai hoặc căng thẳng quá độ.

Có nguy cơ biến chứng cao hơn ở người lớn bị thoát vị rốn và những trường hợp này hầu như luôn cần phẫu thuật để điều chỉnh. Phẫu thuật thoát vị thường mất khoảng 20-30 phút và người bệnh sẽ được gây mê toàn thân trong suốt thời gian thực hiện.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!