Video: Chế độ ăn uống lành mạnh cho người cao huyết áp
Ăn uống lành mạnh
Bạn có thể giảm huyết áp bằng cách ăn nhiều ngũ cốc, trái cây, rau và sữa ít béo. Chúng ta nên chọn thức ăn không có nhiều chất béo hoặc cholesterol.
Các chuyên gia dinh dưỡng đề xuất Chế độ ăn kiêng để ngừng tăng huyết áp (DASH). Theo đó, người bệnh tăng huyết áp nên sử dụng nguồn đạm đến từ thịt nạc, thịt gia cầm, cá và các loại hạt. Bạn cũng nên ăn nhiều chất xơ( rau xanh) và tránh đồ uống có đường, thịt đỏ và đồ ngọt.
Kiểm soát cân nặng
Giảm cân có thể làm giảm huyết áp của bạn. Việc kiểm soát vòng bụng cũng rất quan trọng. Theo các bác sỹ tim mạch, vòng bụng quá lớn có thể ảnh hưởng xấu đến HA. Đối với phụ nữ, vòng bụng trên 80cm là cao. Đối với nam giới, nên giữ vòng bụng dưới 90cm.
Tăng cường vận động
Tập thể dục có thể giúp bạn giảm huyết áp và giảm cân. Cố gắng vận động ít nhất 150 phút/ tuần.. Hãy tìm các bài tập aerobic giúp phổi và tim hoạt động nhiều hơn. Bạn nên thử những môn thể thao như đi bộ nhanh, đi xe đạp, bơi lội hoặc khiêu vũ. Nếu bạn quá bận, thì ngay cả những việc nhà như quét dọn hoặc lau cửa sổ cũng được tính.
Kiểm soát lượng muối ăn hàng ngày
Ăn quá mặn có thể làm tăng huyết áp. Bạn không nên ăn quá 1.500 miligam mỗi ngày. Ngoài muối nêm trong thức ăn nấu hàng ngày, muối còn có thể có trong thực phẩm đóng gói như bim bim, bánh mì sandwich, bánh pizza,.... bạn nên đọc kĩ nhãn sản phẩm trước khi dùng.
Bổ sung Kali
Huyết áp có thể cao hơn nếu bạn ăn thiếu Kali. Nhu cầu của người bình thường là 3.000 đến 3.500 miligam mỗi ngày.
Một quả chuối trung bình có khoảng 420mg Kali . Một củ khoai tây nướng nguyên vỏ có khoảng hơn 900mg Kali. Rau bina, đậu, cà chua, cam, sữa chua và khoai lang cũng chứa nhiều kali. Tuy nhiên, một số người có bệnh lý khác như bệnh thận hoặc những người dùng một số loại thuốc có thể phải cẩn thận với kali. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi thay đổi chế độ ăn nhé
Tránh stress
Stress, căng thẳng có thể có tác động đến huyết áp, đặc biệt nếu bạn cũng ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh hoặc hút thuốc hay uống rượu. Tìm cách vượt qua căng thẳng, chẳng hạn như thiền, yoga hoặc hít thở sâu sẽ làm giảm huyết áp. Hãy dành thời gian để thư giãn và làm những điều bạn thích, ví dụ như là nghe nhạc, làm vườn hay dành thời gian với bạn bè.
Hạn chế uống rượu
Uống rượu quá nhiều có thể làm tăng huyết áp. Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị huyết áp, rượu có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Phụ nữ nên cố gắng uống không quá 1 ly/ ngày. Đối với đàn ông,nên uống không quá 2ly/ ngày. Một ly tương đương với 330ml bia, 120 ml rượu vang hoặc 40ml rượu loại 80 độ.
Bỏ thuốc lá
Thuốc lá làm tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ xảy ra cơn đau tim hoặc đột quỵ. Khi bạn hút thuốc, nó sẽ làm tổn thương lớp nội mạc của mạch máu. Điều đó khiến mạch bị xơ vữa. Hơn nữa, hút thuốc có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc điều trị huyết áp. Bác sĩ có thể cho bạn lời khuyên về cách bỏ thuốc lá.
Lưu ý đến cafein
Nếu bạn thường xuyên uống cà phê, soda và các thức uống khác có caffeine, nó có thể không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số HA của bạn. Nhưng nếu bạn ít khi sử dụng, caffeine có thể khiến huyết áp tăng đột ngột trong thời gian ngắn sau khi uống. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để biết giới hạn sử dụng cafein của bản thân
Ngủ đủ giấc
Huyết áp sẽ giảm xuống trong khi ngủ. Ngủ đủ giấc là một cách quan trọng để giữ cho hệ tim mạch khỏe mạnh và giúp bạn giảm huyết áp. Vậy chúng ta nên ngủ bao nhiêu thì đủ? Hầu hết mọi người cần ngủ ít nhất 7h ngủ sâu mỗi đêm.Điều đó có nghĩa là bạn sẽ chìm vào giấc ngủ trong vòng 30 phút, không thức dậy nhiều hơn một lần và nhanh chóng ngủ trở lại.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp của bản thân
Bạn nên tự đo huyết áp thường xuyên để chắc chắn huyết áp bản thân không quá cao. Tăng huyết áp thường không có triệu chứng. Vì vậy, tự đo HA là cách tốt nhất để biết liệu chế độ ăn uống, tập thể dục và các thay đổi lối sống khác có hiệu quả hay không. Bạn có thể kiểm tra bằng máy đo tại nhà hoặc đến gặp bác sĩ.
Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác kèm theo
Trao đổi với bác sỹ tất cả các vấn đề sức khỏe mà bạn gặp phải, để đảm bảo rằng mọi vấn đề sức khỏe khác mà bạn gặp phải đều được kiểm soát. Vì tăng huyết áp là bệnh lý toàn thân, nó có thể ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng tới các cơ quan khác. Nhiều người bị đái tháo đường cũng bị tăng huyết áp. Các tình trạng bệnh lý khác như rối loạn lipid máu, ngưng thở khi ngủ và bệnh lý tuyến giáp cũng thường liên quan đến tăng huyết áp. Khi bạn kiểm soát sức khỏe tổng thể của mình, bạn sẽ giúp giữ huyết áp của mình trong mức an toàn.