Bạn có thể cảm thấy tức ngực, khiến bạn cảm thấy khó chịu và kiệt sức.
Khó thở thường xảy ra trong giai đoạn đầu thai kỳ do lượng hormone tăng cao cũng như nhu cầu cung cấp nhiều oxy hơn.
Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về lý do tại sao khó thở xảy ra khi mang thai, ý nghĩa và những gì bạn có thể làm với nó.
Tại sao khó thở xảy ra?
Mặc dù em bé của bạn chưa đủ lớn để gây áp lực lên phổi của bạn, bạn có thể cảm thấy khó thở hơn hoặc nhận thức rõ hơn rằng bạn cần phải hít thở sâu hơn.
Đó là do sự thay đổi của hệ hô hấp, cũng như quá trình sản xuất hormone khi mang thai.
Sự gia tăng của hormone progesterone trong tam cá nguyệt đầu tiên có ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của bạn. Progesterone được sản xuất nhiều hơn để giúp xây dựng và duy trì niêm mạc tử cung. Progesterone cũng làm tăng lượng không khí bạn hít vào và thở ra trong khi thở bình thường.
Trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, cơ thể bạn cũng đang điều chỉnh để chia sẻ oxy và máu với em bé. Đây là một yếu tố khác có thể gây ra khó thở.
Cảm giác khó thở có thể tăng lên nếu bạn bị bệnh tim hoặc phổi.
Đó có phải dấu hiệu cho thấy bạn đang mang thai
Khó thở không phải là dấu hiệu mang thai đáng tin cậy trước khi bạn nhận được kết quả thử thai dương tính.
Khó thở có thể do các yếu tố khác cũng như sự thay đổi hormone diễn ra xung quanh thời kỳ rụng trứng và trong giai đoạn hoàng thể (nửa sau) của chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
Sau khi rụng trứng, nồng độ progesterone tăng lên để giúp xây dựng một lớp niêm mạc tử cung khỏe mạnh. Điều này giúp hỗ trợ một thai kỳ khỏe mạnh. Nếu bạn không mang thai, bạn sẽ rụng lớp niêm mạc tử cung này khi bạn có kinh.
Tuy nhiên, khó thở có thể là dấu hiệu sớm cho thấy bạn đang mang thai nếu nó kết hợp với các triệu chứng khác. Những dấu hiệu mang thai sớm bao gồm cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức hoặc chóng mặt. Bạn có thể bị sưng hoặc đau vú, co rút cơ và có đốm máu trước khi đến kỳ kinh nguyệt.
Các triệu chứng sớm khác bao gồm:
- Thèm ăn hoặc không thích một số loại thức ăn
- Khứu giác nhạy cảm hơn
- Buồn nôn
- Tâm trạng thất thường
- Tăng đi tiểu
- Đầy hơi
- Táo bón
Không thích một loại thức ăn nào đó cũng có thể là triệu chứng của mang thai, nguồn: https://www.shutterstock.com
Các triệu chứng của thời kỳ đầu mang thai có thể giống với các dấu hiệu cho thấy bạn sắp có kinh hoặc đang bị ốm.
Nếu có các dấu hiệu trên, bạn nên thử thai để xác định là có mang thai hay không.
Khó thở tiến triển như thế nào sau này trong thai kỳ?
Bạn có thể tiếp tục cảm thấy khó thở trong suốt thai kỳ.
Khi quá trình mang thai của bạn tiến triển, em bé sẽ cần nhiều oxy hơn từ máu của bạn. Điều này sẽ khiến bạn cần nhiều oxy hơn và thở nhiều hơn.
Thêm vào đó, kích thước em bé sẽ tăng lên. Tử cung mở rộng sẽ chiếm nhiều chỗ hơn trong bụng và đẩy các cơ quan khác trong cơ thể.
Vào khoảng tuần thứ 31 đến 34 của thai kỳ, tử cung của bạn đè lên cơ hoành, khiến phổi của bạn khó mở rộng hoàn toàn hơn. Điều này có thể gây ra tình trạng thở nông và khó thở.
Bạn có thể cảm thấy dễ thở hơn trong vài tuần cuối của thai kỳ khi em bé di chuyển sâu hơn vào khung chậu để chuẩn bị chào đời. Điều này giúp giảm bớt áp lực lên phổi và cơ hoành của bạn.
Các phương pháp để giảm bớt và điều trị khó thở là gì?
Có một số thay đổi lối sống và phương pháp điều trị tại nhà có thể giúp giảm bớt sự khó chịu của chứng khó thở trong thời kỳ đầu mang thai và sau này.
Dưới đây là một vài gợi ý:
- Ngừng hút thuốc và tránh hút thuốc lá thụ động. Khi mang thai thì nhất định không hút thuốc.
- Tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm, chất gây dị ứng và chất độc từ môi trường.
- Sử dụng bộ lọc không khí trong nhà và tránh hương thơm nhân tạo, nấm mốc và bụi.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh với thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
- Lắng nghe cơ thể của bạn và nghỉ ngơi nhiều.
- Tuân theo một chương trình tập thể dục vừa phải. Mức độ tập thể dục của bạn sẽ khác nhau trong tam cá nguyệt thứ nhất, thứ hai và thứ ba.
- Tránh gắng sức.
- Nghỉ giải lao nhiều lần nếu bạn cần.
- Thực hành các tư thế tốt. Điều này cho phép phổi của bạn mở rộng hoàn toàn.
- Hít vào phía trước, sau và hai bên khung xương sườn của bạn.
- Thở với môi mím lại để làm chậm hơi thở.
- Tập thở bằng cơ hoành.
- Điều trị bất kỳ tình trạng y tế tiềm ẩn nào có thể gây khó thở.
- Tiêm vắc xin cúm hàng năm để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng phổi và tăng cường sức khỏe của phổi.
- Dùng gối để nâng người khi ngủ.
- Ngủ ở tư thế thoải mái.
- Ngồi trên ghế và ngả về phía trước để kê người lên đầu gối, bàn hoặc gối.
- Đứng với lưng hoặc cánh tay được tựa vào đâu đó.
- Sử dụng quạt
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ
Khó thở nhẹ thường không có gì đáng lo ngại và không ảnh hưởng đến lượng oxy cung cấp cho em bé.
Các tình trạng ảnh hưởng đến hô hấp của bạn có khả năng sẽ trở nên tệ hơn khi mang thai. Nếu bạn có một tình trạng ảnh hưởng đến hô hấp nào đó, chẳng hạn như hen suyễn, hãy trao đổi với bác sĩ về cách kiểm soát tình trạng này trong thai kỳ.
Nếu tình trạng khó thở trở nên nghiêm trọng, xảy ra đột ngột hoặc ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của bạn, hãy đến khám ngay tại các cơ sở y tế.
Nếu chứng khó thở của bạn đi kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ sở y tế:
- Nhịp tim nhanh
- Tim đập nhanh (nhịp tim nhanh, mạnh)
- Cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Buồn nôn
- Tức ngực
- Mắt cá chân và bàn chân bị sưng
- Xanh quanh môi, ngón tay hoặc ngón chân
- Ho kéo dài
- Thở khò khè
- Ho ra máu
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Bệnh hen suyễn trở nên tệ hơn
Hãy luôn tìm đến sự tư vấn của bác sĩ nếu bạn có bất cứ điều gì lo lắng trong khi mang thai. Điều quan trọng là bạn phải trao đổi rõ ràng với bác sĩ của mình và thoải mái thảo luận về bất kỳ điều gì phát sinh.
Bác sĩ có thể xác định giúp bạn xem mọi thứ bạn đang trải qua có bình thường hay không.