Tại sao cà phê lại gây mệt mỏi?

Caffeine là một chất kích thích, nó có thể tăng cường mức năng lượng và khiến bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn. Ở Hoa Kỳ, nguồn cung cấp caffeine lớn nhất trong chế độ ăn uống là cà phê. Theo Hiệp hội Cà phê Quốc gia, khoảng 62% người Mỹ uống cà phê mỗi ngày.

Video: Sự thật ít biết về cà phê: Có phải cứ uống là mất ngủ?

Không phải tất cả mọi người đều phản ứng giống nhau với caffeine. Một số người cảm thấy mệt mỏi khi chỉ uống một cốc. Những người khác có thể uống vài cốc mỗi ngày và không cảm thấy có tác dụng gì xấu cả.

Thực tế, cà phê thông qua các cơ chế tác động khác nhau lên cơ thể có thể dẫn tới buồn ngủ. Hãy tiếp tục bài viết này để hiểu hơn về các cơ chế đó.

Cà phê ngăn chặn tác dụng của adenosine

Adenosine là một chất hóa học trong hệ thần kinh trung ương. Nó điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức của bạn. Khi bạn thức vào ban ngày, nồng độ adenosine tăng lên, cuối cùng sẽ khiến bạn buồn ngủ do ức chế hoạt động của các tế bào ở não trước. Sau khi bạn chìm vào giấc ngủ, nồng độ adenosine sẽ giảm xuống.

Caffeine trong cà phê ngăn chặn các thụ thể adenosine của não tiếp nhận adenosine, nhưng nó lại không ngăn chặn việc sản xuất adenosine hay việc hình thành các thụ thể adenosine bổ sung. Điều này có nghĩa là khi tác dụng của caffeine mất đi, sẽ có sự tích tụ của adenosine muốn liên kết với các thụ thể của nó. Đó là lý do có thể dẫn đến mệt mỏi.

Cà phê là một chất lợi tiểu

Caffeine đã được coi là một chất lợi tiểu trong nhiều năm nay. Thuốc lợi tiểu là một chất khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Chính điều đó dẫn tới suy luận cho rằng uống nhiều cà phê làm tăng nguy cơ mất nước.

Nhưng nhiều nhà khoa học vẫn tranh luận rằng đồ uống có chứa caffeine không thực sự ảnh hưởng đến lượng nước tiểu về lâu dài so với các đồ uống khác.

Khi bạn nhận ra rằng uống cà phê khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, thì có thể bạn đã rơi vào tình trạng mất nước, từ đó khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn.

Trước hết, cơ thể bạn mất nước khi bạn đi vệ sinh. Mất nước có thể làm giảm lượng dịch trong máu của bạn, có thể ảnh hưởng đến phản ứng hệ thống tim mạch để duy trì huyết áp và lưu lượng máu. Mất nước có thể dẫn đến nhịp tim nhanh và huyết áp thấp. Do đó có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi và uể oải.

Khi bị mất nước, các tế bào trong cơ thể cũng bị mất dịch. Khi tình trạng này ảnh hưởng đến chức năng bình thường của tế bào thì cũng có thể dẫn đến cảm giác uể oải. Việc tìm đến một tách cà phê khác để chống lại sự uể oải này là điều dễ hiểu, nhưng điều đó có thể dẫn tới một chu kỳ lặp luẩn quẩn.

Caffeine cũng là nguyên nhân gây co mạch, tức là nó làm cho một số mạch máu bị thu hẹp, dẫn tới làm thay đổi lưu lượng máu qua các cơ quan trong cơ thể

Khi bạn đang uống nhiều cà phê, bạn cũng thường không uống nhiều nước để bù nước cho bản thân. Bộ phận Y tế và Sức khỏe của Học viện Quốc gia Hoa Kỳ hướng dẫn bạn nên uống nước mỗi khi khát, tuy nhiên họ cũng khuyến nghị tổng lượng nước hằng ngày bạn cần nạp để đảm bảo cơ thể hoạt động tối ưu:

  • 15 cốc (khoảng 3,7 lít) đối với nam giới trưởng thành
  • 11 cốc (khoảng 2,7 lít) đối với phụ nữ trưởng thành

Lượng nước trong hướng dẫn này bao gồm nước trong đồ uống và nước từ thực phẩm bạn tiêu thụ. Có lẽ bạn đang uống đủ nước nếu không gặp phải các triệu chứng mất nước, như nước tiểu sẫm màu và đau đầu.

Do lượng đường trong cốc cà phê

Nếu bạn hay thêm đường vào cà phê của mình, bạn có thể bị hiện tượng hạ đường huyết phản ứng thường xuyên sau khi uống (hay còn gọi là hiện tượng “Sugar crash”). Đường thêm vào có thể ở dạng kem đánh bông hoặc siro.

Cơ thể chuyển hóa đường nhanh hơn nhiều so với caffeine. Sau khi cơ thể sử dụng hết đường, bạn có thể bị sụt giảm năng lượng. Tình trạng này xảy ra nhanh như thế nào tùy thuộc vào từng người, có thể xảy ra trong vòng 90 phút sau khi ăn đường.

Làm thế nào để giảm thiểu những tác dụng này

Nếu bạn không muốn từ bỏ thói quen uống cà phê của mình, hãy cố gắng tuân theo các khuyến nghị về lượng cà phê nên uống mỗi ngày.

Lượng caffeine lên đến 400 miligam mỗi ngày được coi là vừa phải cho người trưởng thành khỏe mạnh. Nó tương đương khoảng 2-4 cốc cà phê pha 220mg mỗi ngày, tùy thuộc vào loại cà phê.

Muốn giảm mệt mỏi hơn nữa, hãy tránh đồ uống làm từ cà phê với siro và kem có đường. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng thêm các chất tạo ngọt. Uống xen kẽ một tách cà phê với một cốc nước cũng có thể hữu ích.

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy chán nản vào buổi chiều, hãy thử chuyển sang uống cà phê đã loại bỏ caffeine hoặc trà sau bữa trưa.

Hãy nhớ rằng, cà phê không phải là thứ duy nhất có chứa caffeine. Nước ngọt, nước tăng lực và thậm chí một số loại thuốc giảm đau cũng có chứa caffeine. Tác động tổng thể của caffeine đối với cơ thể phụ thuộc vào tổng lượng caffeine trong cơ thể bạn từ tất cả các nguồn và tần suất bạn sử dụng caffeine.

Kết luận

Bản thân cà phê sẽ không khiến bạn cảm thấy mệt mỏi ngay lập tức, nhưng chất caffeine trong cà phê thực sự có thể dẫn đến mệt mỏi từ từ khi uống thường xuyên. Bạn nên tận dụng những lợi ích của caffeine và tránh những mặt hạn chế của nó. Hãy uống ít hơn 400mg caffeine mỗi ngày và hạn chế thêm đường vào đồ uống.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!