Video Trị sưng mắt sau khi ngủ dậy do khóc nhiều hay thức khuya - Mẹo Vặt Cuộc Sống
Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn thêm thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị một số tình trạng sưng mắt thường gặp.
Nguyên nhân và cách điều trị sưng mắt
Các nguyên nhân có thể gây sưng mắt bao gồm:
Dị vật
Một dị vật có thể bay vào trong mắt (chẳng hạn như bụi, phấn hoa hoặc lông mi) và gây ra cay mắt, chảy nước mắt hoặc đỏ mắt.
Để loại bỏ dị vật trong mắt, hãy:
- Giữ cho mắt mở và nhẹ nhàng đổ nước ấm hoặc nhỏ nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo vào
- Sử dụng một tăm bông để cuộn mí mắt ra phía sau và sử dụng một miếng gạc hoặc miếng vải được làm ẩm để loại bỏ dị vật
Viêm xoang
Viêm xoang là một bệnh nhiễm trùng gây ra viêm và sưng niêm mạc trong xoang. Áp lực tăng lên trong các xoang có thể gây tức và sưng mắt.
Các triệu chứng phổ biến của viêm xoang bao gồm:
- Sổ mũi, nghẹt mũi
- Đau đầu
- Đau họng
- Hơi thở hôi
- Đau hoặc nặng mặt
- Ho
- Chảy dịch mũi sau
Đôi khi viêm xoang là kết quả của nhiễm vi-rút và sẽ tự khỏi, do đó các chuyên gia y tế khuyên bạn nên đợi vài ngày trước khi gặp bác sĩ để được kê thuốc kháng sinh.
Viêm bờ mi
Viêm bờ mi là tình trạng khi mí mắt bị viêm. Các triệu chứng chính bao gồm kích ứng, ngứa và vảy giống như gàu trên mí mắt. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây viêm bờ mi là do nhiễm khuẩn hoặc liên quan đến một tình trạng da khác như bệnh chàm, gàu, bệnh vảy nến…Viêm bờ mi hiếm khi lây lan và không có khả năng gây ra các biến chứng sau này.
Sau đây là một số phương pháp điều trị viêm bờ mi:
- Sử dụng dầu gội trị gàu
- Bôi nước mắt nhân tạo hoặc dầu bôi trơn lên mí mắt
- Tránh đeo kính áp tròng hoặc trang điểm
- Xoa bóp mí mắt
Viêm kết mạc
Viêm kết mạc, hay mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp kết mạc – đây là lớp trong suốt bao phủ phần lòng trắng của mắt và lót mặt trong của mí mắt trên và dưới. Nguyên nhân gây viêm kết mạc là do nhiễm vi khuẩn, vi-rút hoặc do dị ứng. Các triệu chứng phổ biến của viêm kết mạc bao gồm:
- Mắt đỏ hoặc hồng
- Ngứa và sưng quanh mắt
- Chảy nước mắt
- Đóng vảy quanh mắt và mí mắt
- Dịch nhầy hoặc mủ chảy ra từ mắt
Một số phương pháp đơn giản để điều trị viêm kết mạc là nhỏ nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo và chườm lạnh. Tránh trang điểm mắt hoặc đeo kính áp tròng trong khi đang bị nhiễm trùng.
Viêm kết mạc do nhiễm virus sẽ tự khỏi trong vòng 7 – 14 ngày. Nếu là do vi khuẩn thì sẽ khỏi trong vòng 2 tuần, với các triệu chứng cải thiện sau 2 – 5 ngày. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để giúp điều trị nhiễm trùng.
Lẹo mắt
Lẹo là một khối u đỏ và đau trên mí mắt, thường là do nhiễm trùng tuyến nhầy hoặc nang lông của mí mắt.
Các triệu chứng của lẹo mắt bao gồm:
- Ngứa quanh mắt
- Vết sưng đỏ trên mí mắt
- Ấn thấy đau bờ mi
- Chảy nước mắt
- Mủ chảy ra từ vết sưng
- Nhạy cảm với ánh sáng
Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc kháng sinh và chườm ấm. Một số trường hợp có thể yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ lẹo mắt.
Trợt giác mạc
Trợt (trầy xước) giác mạc là có vết xước trên giác mạc. Giác mạc là lớp màng trong suốt, nằm ngay phía trước nhãn cầu, bao phủ mống mắt và đồng tử. Nó là bộ phận tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên, cho phép ánh sáng đi qua giúp mắt nhìn thấy. Cọ xát mắt hoặc trang điểm liên quan đến mắt là những nguyên nhân phổ biến gây trợt giác mạc.
Các triệu chứng của trợt giác mạc bao gồm:
- Sưng mắt
- Đỏ, chảy nước mắt
- Nhìn mờ
- Nhạy cảm với ánh sáng
Những người bị trợt giác mạc nên tránh dụi mắt hoặc đeo kính áp tròng. Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị sau:
- Băng ép (không áp dụng với trường hợp nhiễm trùng)
- Dùng thuốc kháng sinh
- Phẫu thuật cắt bỏ mô bị hư hỏng
- Tạo các lỗ nhỏ trên giác mạc để giúp giác mạc mau lành
Viêm giác mạc
Viêm giác mạc, hay viêm loét giác mạc, xảy ra khi lớp giác mạc bị viêm. Các dấu hiệu của bệnh viêm giác mạc bao gồm:
- Đau nhức mắt
- Cảm giác có gì đó mắc kẹt trong mắt
- Chảy nước mắt
- Đỏ mắt, đặc biệt đỏ nhiều quanh tròng đen
- Nhìn mờ
- Chói, sợ ánh sáng
Viêm giác mạc nặng hoặc không được điều trị có thể dẫn đến mù lòa. Các phương pháp điều trị bệnh này bao gồm dùng thuốc kháng sinh (uống, bôi tại chỗ) hoặc phẫu thuật.
Bệnh tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là một bệnh mắt làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Nó có thể gây giảm thị lực hoặc mù lòa. Các triệu chứng có thể bắt đầu từ từ và tăng dần theo thời gian.
Nguyên nhân gây ra bệnh này là do thủy dịch (là một loại dịch trong suốt ở trong mắt) bị tích tụ lại. Mặc dù triệu chứng chính là giảm thị lực, áp lực từ thủy dịch có thể gây sưng mắt.
Điều trị tăng nhãn áp có thể bao gồm thuốc nhỏ mắt theo đơn, hoặc điều trị bằng laser hay phẫu thuật để dẫn lưu thủy dịch.
Viêm mống mắt
Viêm mống mắt là tình trạng viêm nhiễm ở mống mắt, là một vòng cơ xung quanh đồng tử - quy định màu mắt ở người. Một số triệu chứng của bệnh viêm mống mắt bao gồm:
- Sưng mắt
- Gặp vấn đề về thị lực
- Đỏ mắt
- Thay đổi hình dạng đồng tử
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Đau đầu
- Mất thị lực hoặc mù lòa
Các phương pháp điều trị có thể bao gồm thuốc nhỏ mắt, thuốc kháng sinh hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
Viêm dây thần kinh thị giác
Viêm dây thần kinh thị giác xảy ra do dây thần kinh thị giác bị viêm. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Giảm thị lực
- Sưng mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Khó phân biệt màu sắc
- Nhìn mờ, đặc biệt khi nhiệt độ cơ thể tăng lên
Viêm dây thần kinh thị giác có thể tự khỏi sau vài tuần. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc steroid. Một số người có thể có bệnh lý tiềm ẩn cần được điều trị thêm.
Khi nào cần đi khám
Một số nguyên nhân phổ biến gây sưng mắt, chẳng hạn như dị vật mắc kẹt trong mắt hoặc viêm kết mạc, hiếm khi cần điều trị y tế. Hãy đi khám bác sĩ nếu sưng mắt xuất hiện cùng với các triệu chứng khác, chẳng hạn như nhiễm trùng, ảnh hưởng đến thị lực…
Chẩn đoán các tình trạng sưng mắt
Sưng mắt do dị vật bị mắc kẹt trong mắt rất dễ để nhận biết. Với các trường hợp khác thì bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hoặc kiểm tra thêm để xác định nguyên nhân. Họ có thể hỏi bạn về các triệu chứng và tiền sử bệnh.
Các biện pháp khắc phục tình trạng sưng mắt tại nhà
Có thể điều trị một số nguyên nhân gây sưng mắt tại nhà. Ví dụ, dùng thuốc nhỏ mắt hoặc chườm ấm để giảm sưng mắt.
Nếu có dị vật bị mắc vào mắt, hãy nhỏ nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý hoặc nước ấm để loại bỏ nó. Chườm ấm với khăn ẩm có thể làm dịu cơn đau do lẹo mắt.
Luôn tránh dụi mắt hoặc trang điểm xung quanh mắt khi bị sưng mắt.
Kết luận
Sưng mắt có thể là do một tình trạng không đáng lo ngại hoặc một bệnh lý nghiêm trọng hơn. Đôi khi, một người có thể điều trị sưng mắt tại nhà, nhưng cũng có thể cần được điều trị y tế. Nếu bạn bị sưng mắt và đi kèm với các dấu hiệu khác như nhiễm trùng hoặc ảnh hưởng đến thị lực, hãy đi gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.